Thứ năm tuần 16 thường niên – Thánh Gioakim và thánh Anna. Lễ nhớ.

Đăng lúc: Thứ năm - 26/07/2018 03:47 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Thánh Gioakim và thánh Anna. Lễ nhớ.

"Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy".

 

Theo một truyền thống cổ xưa, có thể vào thế kỷ 2. Thánh Gioakim và thánh Anna là song thân của Đức Trinh Nữ Maria. Lòng sùng kính thánh Anna được phổ biến ở phương Đông vào thế kỷ 6, và ở phương Tây vào thế kỷ 10.

Còn thánh Gioakim cũng được tôn kính như thế, nhưng muộn hơn, lối thế kỷ 17.

 

Lời Chúa: Mt 13, 16-17

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Cha Mẹ Đức Maria: Thánh Gioakim Và Anna

Trong Tin Mừng không thấy tên các Ngài. Truyền thống cho chúng ta biết cha mẹ Đức Ma-ri-a gọi tên là Gioakim và Anna.

Thánh Gioakim không được sùng kính, nhưng thánh Anna thì khác.

Sùng kính quảng đại quần chúng.

Lòng sùng kính thánh Anna rất phổ thông trên đất Mỹ Châu ngay thời kỳ di dân. Lòng sùng kính Thánh Anna có từ lâu đời ở Bretagne. Với số nhà thờ kể không xiết.

Với niềm tin mạnh mẽ, đơn sơ, đẹp đẽ của chúng ta. Chúng ta tin rằng Thánh Anna là mẹ Đức Ma-ri-a. Niềm tin đó càng dễ dàng, mạnh mẽ đón nhận vì Đức Ma-ri-a được sinh ra bởi một người cha và một bà mẹ như bao nhiêu xác phàm khác.

Đôi cha mẹ.

Dù cha mẹ Ngài có tên này hay tên khác, không cần bàn đến. Chúng ta tôn kính các Ngài chỉ vì các Ngài đã ban cho chúng ta Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Đó là lần độc nhất trong lịch sử các thánh mà chúng ta tôn kính các Ngài. Dù các Ngài không có tên trong danh sách chính thức các thánh. Công phúc độc nhất của các Ngài mà không thánh nào có được là các Ngài làm cha làm mẹ Đức Ma-ri-a.

Thật là mầu nhiệm đức tin! Thánh Anna và Gioakim không hồ nghi gì về con các Ngài lớn lên là tôi tớ khiêm nhường của Thiên Chúa, Mẹ Thiên Chúa ! các Ngài không thể đoán biết danh tiếng các Ngài sẽ vượt mọi biên giới thời gian, nhưng danh đó như hoa nở, vì các Ngài đã gieo hạt hoa hồng mầu nhiệm, gieo hạt hoa huệ tinh tuyền.

“Lạy Chúa, chúc tụng Ngài đã vinh thăng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a”.

 

SUY NIỆM 2: Cha mẹ tuyệt vời

(Suy niệm của Lm Nguyễn Hưng Lợi)

Cây thấy xanh tươi chưa chắc là đã tốt, nhưng phải là cây cho sinh nhiều hoa trái xinh tươi. Mẹ Maria là hoa trái quí hóa, tuyệt vời của ông bà thánh Gio-a-kim và Anna…

Dù rằng Tin Mừng không ghi lại điều gì về cha mẹ của Đức Trinh Nữ Maria, nhưng thánh truyền đã đề cập đến vai trò của hai ông bà Gio-a-kim và Anna. Ta đi ngược dòng lịch sử cứu độ để hiểu hơn vai trò của thánh Gio-a-kim và thánh Anna. Thánh Gio-a-kim và thánh Anna có thể là cầu nối giữa Cựu Ước và Tân ước, giữa Israen cũ và Israen mới. Hai vị thánh này đã được Thiên Chúa tuyển chọn, chúc phúc và ban nhiều ân huệ quí giá, qua đó, các Ngài sinh ra Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Đức Giêsu…

Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay đề cập đến người gieo giống. Gieo giống là dấu hiệu của hy vọng. Nước Trời như mầm non đang chồi lên từ mặt đất khắp đó đây mà hạt giống ở dưới đất ta đâu có thấy được chúng, ta đâu có nghe được tiếng khi chúng đang tí tách vươn mình lên khỏi đất. Đức Hồng y Etchaygaray đã nói một câu rất chí lý:” Người ta dễ nghe tiếng cây đổ, nhưng có hàng triệu triệu hạt mầm đang tí tách vươn mình khỏi đất, nào ta có nghe được tiếng kêu. Thánh Gio-akim và thánh Anna là những cây tươi tốt, đã từng là những hạt giống tốt xinh, đã hiện diện ở cuộc đời này và sinh ra hoa trái rất tốt tươi là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Con Thiên Chúa. Quả thực, chính hạt giống là hai thánh Gio-a-kim và Anna đã chịu thối đi trong lòng đất, nên đã sinh ra hoa trái xinh tươi là Đức Giêsu Kitô.

Thánh Gio-a-kim tượng trưng cho người gia trưởng mẫu mực đạo đức, thánh thiện và luôn sẵn sàng bảo vệ, nâng đỡ bà thánh Anna, còn bà thánh Anna được tôn sùng như mẫu gương của các bà mẹ, đồng thời Hội Thánh tặng cho bà danh hiệu Mẹ của Đức Trinh Nữ Maria. Sách ngụy thư của thánh Giacôbê có ghi: “ Hai ông bà đã già mà không có con, đây là một thử thách lớn lao của hai ông bà, nhưng cuối cùng thiên thần Chúa đã hiện ra loan báo cho hai ông bà một tin vui mừng: bà sẽ thụ thai và sinh ra Đức Trinh Nữ Maria và hai ông bà đã dâng Đức Mẹ trong đền thờ cho Thiên Chúa “.

Hội Thánh đã chọn ngày 26/7 hằng năm kính nhớ hai thánh Gio-a-kim và Anna. Lòng sùng hai vị thánh này đã có từ cổ xưa và ngày nay đã lan tràn khắp thế giới.

« Lạy thánh Gioakim và thánh Anna, đôi bạn hạnh phúc, tất cả mọi tạo vật đều mang ơn các Ngài, vì nhờ các Ngài mà tạo vật đã dâng lên cho Đấng Hóa Công một lễ vật cao trọng, đó chính là Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa “ (lời cầu của thánh Đamascênô).

Xin cho mỗi người chúng con luôn noi gương bắt chứoc hai thánh Gioakim và thánh Anna luôn hết lòng tôn vinh tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa. Amen.

 

SUY NIỆM 3: Thánh Gioakim và Thánh Anna, Song Thân Đức Maria

(Suy niệm của Lm. Nguyễn Hưng Lợi)

Gia đình là nền tảng của xã hội, là Hội Thánh thu hẹp trong đó đức tin được toả sáng khắp nơi. Chính vì hiểu rõ vai trò của đời sống gia đình. Chúa Giêsu khi tới trần gian theo ý Đức Chúa Cha, Ngài cũng chọn một gia đình để sinh ra. Khi có một gia đình, có cha có mẹ, Chúa Giêsu muốn nâng cao phẩm giá của gia đình... Ngài chỉ ra rằng gia đình luôn có vai trò đặc biệt trong lịch sử cứu rỗi. Mẹ của Chúa Giêsu là Maria và Cha của Ngài là thánh Giuse. Maria cũng đã xuất thân trong một gia đình đạo đức, thánh thiện. Cha của Người là thánh Gio-a-kim và Mẹ của Người là bà thánh An-na. Hai ông bà Gioakim và Anna đã một mực tuân theo ý Chúa, một mực làm mọi sự theo khuôn mẫu của Chúa.

THÁNH GIO-A-KIM VÀ THÁNH AN-NA LUÔN TRUNG TÍN VỚI CHÚA:

Đức Maria là hoa quả của hai thánh Gioakim và thánh Anna. Cây tốt sinh trái tốt. Cha mẹ hiền lành để đức cho con. Xem quả biết cây. Tất cả những điều ấy muốn nói lên rằng Chúa luôn yêu thương những người biết tin tưởng, phó thác, cậy trông vào Ngài. Đọc lại Kinh Thánh, ta không thấy Thánh Kinh thuật lại lai lịch, và cuộc sống của hai thánh Gioakim va Anna là song thân của Mẹ Maria. Nhưng các Thánh Truyền cho ta hiểu rõ rằng hai ông bà Gioakim và Anna luôn phó thác, cậy trông và tin tưởng vào Chúa. Hai ông bà đã già nua tuổi tác mà vẫn không có con, nhưng Thiên Chúa đã yêu thương, chấp nhận lời khẩn nguyện, cầu xin của hai ông bà và cho hai ông bà cưu mang, hạ sinh người con yêu quý là Maria. Đây là hồng ân cao cả Thiên Chúa dành cho ông bà Gioakim và Anna. Cái phúc mà song thân của mẹ Maria đã lãnh nhận từ Thiên Chúa biến đổi cả cuộc đời của hai ông bà như lời Tv 23, 5 đã viết:” Các Ngài được Chúa ban phúc lành, và được Thiên Chúa cứu độ hằng xót thương”. Thiên Chúa đã chúc phúc cho hai ông bà bằng tình yêu vĩnh cửu, tình yêu không bao giờ tàn lụi, phai mờ, tình yêu hiến trọn cho người khác. Vì luôn trung tín với Thiên Chúa, hai ông bà được Thiên Chúa yêu thương một cách đặc biệt và Maria là con hai ông bà đã được Thiên Chúa cất nhắc, để ý và tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Chính nhờ phúc lành Hai ông bà lãnh nhận nơi Thiên Chúa, qua các Ngài, phúc lành ấy cũng được đổ xuống cho muôn dân, muôn nước và từng người.

NHÂN LOẠI ĐƯỢC HẠNH PHÚC:

Ngay trong ca nhập lễ, lễ hai thánh Gioakim và thánh Anna, Hội Thánh đã ca rằng: ”Chúng ta hãy ngợi khen thánh Gioakim và thánh Anna nơi con cháu các Ngài, vì qua các Ngài, Chúa đã ban phúc lành cho muôn dân“. Hai thánh Gioakim và Anna đã cảm nghiệm sâu xa lời của Chúa: “Phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con, vì được nghe. Quả thực Thầy bảo các con: nhiều vị ngôn sứ và nhiều Đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe (Mt 13, 16-17). Thánh Gioakim và thánh Anna đã có phúc thật sự, các Ngài đã lãnh nhận biến cố làm Cha làm Mẹ của Đức Trinh nữ Maria như một ân sủng tuyệt vời và các Ngài đã biến giây phút ân sủng ấy như một hồng ân cứu độ mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban tặng cho các Ngài và qua các Ngài trao ban cho nhân loại. Các Ngài hạnh phúc vì đã xem thấy những điều và đón nhận điều quí trọng vô giá mà không người nào trên trần gian đã có thể lãnh nhận: hồng ân làm mẹ làm cha của người nữ tử Sion: Maria.

Mừng lễ hai thánh Gioakim và thánh Anna, nhân loại phải biết ơn các Ngài vì qua hai Ngài mà nhân loại lãnh nhận được ơn cứu độ qua cháu của hai Ngài là Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế mà muôn dân hằng mong đợi.

Lạy Thiên Chúa là Đấng tổ phụ chúng con tôn thờ, Chúa đã ban cho thánh Gioakim và thánh Anna được diễm phúc sinh hạ Đức Maria là Thánh mẫu của Đức Kitô, Con Chúa nhập thể. Xin nhận lời hai thánh chuyển cầu cho chúng con được hưởng ơn cứu độ, Chúa đã hứa ban cho dân riêng của Chúa” (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Gioakim và Anna song thân Đức Maria).

 

SUY NIỆM 4: Thánh Gioakim và Thánh Anna, Song Thân Đức Maria

Truyền thống cổ xưa từ thế kỷ II kể rằng song thân của Đức Trinh Nữ Maria là thánh Gioakim và thánh nữ Anna. Lòng sùng kính hai vị là hiệu quả tất yếu của lòng đạo đức các tín hữu vẫn dành cho ái nữ của các vị là Đức Maria. Đức Lêô XIII đã thiết lập một lễ kính chung thánh Gioakim và thánh nữ Anna, vì trước kia hai ngài được kính riêng, cho đến khi có cuộc canh tân phụng vụ mới đây.

Mái nhà song thân Đức Trinh Nữ.

Phúc thay thánh Gioakim và thánh nữ Anna vì người con các ngài đã sinh ra. Chúa đã ban cho các ngài phúc lành của mọi quốc gia.

Truyền thống rất cổ xưa đã lưu truyền cho chúng ta quí danh của song thân Đức Maria. Trong thời đại và những hoàn cảnh lịch sử, các ngài đã là tảng đá nền quí báu trong việc hoàn tất chương trình cứu độ nhân loại. Qua hai ngài, phúc lành Thiên Chúa đã hứa ban cho tổ phụ Abraham và dòng dõi đã truyền đến chúng ta, và chúng ta được tiếp nhận Đấng Cứu Thế nhờ sự cộng tác của các ngài.

Thánh Gioan Damascene đã khẳng định chúng ta nhận biết hai đấng thánh diễm phúc này qua hoa quả của các ngài: Đức Trinh Nữ Maria là hoa quả tuyệt vời các ngài đã trao cho nhân loại. Thánh Anna cưu mang Đức Maria rất tinh tuyền vô nhiễm trong cung lòng. Ôi hài nhi rất xinh đẹp, rất khả ái! – Thánh Tiến Sĩ đã reo lên – Ôi, nữ tử của Ađam và Mẹ Thiên Chúa, phúc thay lòng đã cưu mang Mẹ! Và phúc thay cánh tay đã bồng ẵm Mẹ, đôi môi đã được đặc ân hôn yêu Mẹ… Thánh Gioakim và thánh nữ Anna đã được đặc ân chăm sóc Mẹ Thiên Chúa trong mái nhà của các ngài. Thiên Chúa chắc chắn đã trào đổ nhiều ân sủng xuống cho các ngài trong suốt thời kỳ ấy.

Thánh nữ Têrêxa Avila thường đặt các đan viện ngài thành lập dưới sự bảo trợ của thánh Giuse và thánh Anna, vì lý luận rằng: Lòng nhân lành Thiên Chúa rất lớn lao đến độ Người nhất định sẽ ưu đãi những ngôi nhà của bà ngoại tôn quí của Người. Chúng ta biết Chúa Giêsu đã xuống thế trực tiếp từ họ ngoại.

Chúng ta có thể giao phó cho song thân Mẹ Maria tất cả những nhu cầu, nhất là những nhu cầu liên quan đến đời sống thánh trong gia đình chúng ta. Chúng ta cầu nguyện trong phụng vụ thánh lễ hôm nay, Lạy Chúa là Thiên Chúa các tổ phụ của chúng con, Chúa đã ban cho hai thánh Gioakim và Anna đặc ân làm song thân của Đức Maria, Thánh Mẫu Con Nhập Thể của Chúa. Ước chi những lời cầu xin của các ngài giúp chúng con đạt được phần rỗi mà Chúa đã hứa ban cho dân Chúa. Xin giúp chúng con biết tỉnh thức vì lợi ích của những người Chúa đã ủy thác cho chúng con chăm sóc. Xin dạy chúng con biết tạo lập một sắc thái nhân đạo và siêu nhiên trong những môi trường của chúng con, những nơi chúng con dễ dàng tìm thấy Chúa, vì Chúa là mục tiêu tối hậu, là kho tàng của chúng con.

Đời sống Kitô hữu.

Theo Đức Gioan Phaolô II, thánh Gioakim và thánh nữ Anna là một cảm hứng bất tận cho cuộc sống gia đình và xã hội thường nhật. Đức Thánh Cha kêu gọi: Hãy loan truyền cho nhau, từ thế hệ này sang thế hệ khác, toàn bộ gia sản tinh thần của đời sống Kitô Giáo, gồm cả việc cầu nguyện. Đức Maria tiếp nhận từ song thân của Mẹ những gia sản truyền thống của nhà Đavít, một di sản đã được truyền tụng qua nhiều thế hệ. Ở đó, Mẹ học biết thân thưa cùng Thiên Chúa Cha bằng thái độ cung kính sâu xa. Cũng tại mái nhà ấy, Mẹ đã học biết những lời tiên tri nói về ngày đến của Đức Messiah – về nơi sinh của Con Mẹ…

Khi đến giờ phải tạo lập một mái nhà riêng cho Chúa Giêsu sinh ra đời, Đức Maria chắc chắn đã nhớ lại mái nhà của song thân. Và rồi Chúa Giêsu cũng học biết từ nơi Mẹ những cách thế để thân thưa và những lời đầy khôn ngoan mà sau đó Người đã sử dụng trong thời kỳ rao giảng. Hài nhi Giêsu đã thảo hiếu lắng nghe từ môi miệng Đức Maria những lời cầu nguyện đầu tiên, giống như những con trẻ Do Thái ngay khi vừa bập bẹ biết nói đã được nghe cha mẹ dạy cho. Đức Maria chắc hẳn là một người thầy rất mực tốt lành! Mẹ đã phản chiếu sự phong phú nơi linh hồn đầy ân sủng của Mẹ một cách dịu hiền. Chúng ta được tiếp nhận tặng ân đức tin vô giá và vô số tập tục tốt lành từ tổ tiên, những người đã giữ gìn và truyền lại cho chúng ta kho tàng quí giá ấy. Đồng thời, chúng ta cũng có bổn phận phải bảo tồn gia sản sinh động này để truyền lại cho người khác.

Hiện nay có những cuộc tấn công mãnh liệt đang chống lại các gia đình, chúng ta phải can đảm để bảo tồn di sản chúng ta đã được lãnh nhận. Chúng ta được mời gọi để làm giàu thêm những di sản ấy bằng đức tin và sự chiến đấu để sống các nhân đức nhân bản. Bổn phận chúng ta là phải làm cho Thiên Chúa hiện diện trong mái nhà của chúng ta bằng những phương thế truyền thống Kitô Giáo, chẳng hạn đọc kinh trước và sau khi dùng bữa, đọc kinh tối trong gia đình…, đọc Lời Chúa với người cao niên, đọc một lời kinh ngắn cho những người qua đời, nhắc nhớ những ý nguyện của gia đình và của Đức Thánh Cha, cùng tham dự thánh lễ Chúa Nhật, cùng lần chuỗi Mân Côi, kinh nguyện được các Đức Thánh Cha thường xuyên cổ võ cho các gia đình. Kinh Mân Côi rất phù hợp với thời biểu gia đình, kể cả những chuyến du lịch… Không cần dồn nén quá nhiều việc đạo đức trong các gia đình, tuy nhiên, phải có một số nào đó. Các bậc cha mẹ cùng cầu nguyện với con cái sẽ dễ dàng tìm thấy con đường để hiểu biết tâm hồn chúng. Hơn nữa, những người trẻ sẽ không bao giờ quên được gương sáng của cha mẹ vì đã giúp họ cầu nguyện và đến với Đức Mẹ trong những nhu cầu cần thiết. Chúng ta mang ơn cha mẹ vì các ngài đã đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu Thánh Thể… Chắc chắn, những bài học này là di sản lớn lao mà chúng ta được thừa hưởng.

Những hoàn cảnh xã hội hiện nay đòi các gia đình phải gắn bó với những niềm tin và quảng đại trong cách sống. Việc chúng ta khẳng định quyết tâm của mình sẽ rất đẹp lòng Đức Mẹ. Chúng ta quyết tâm trở nên những khí cụ liên kết các thành phần trong gia đình, nhất là qua các hành động phục vụ vui tươi và những hy sinh nhỏ mọn hằng ngày để giúp đỡ người khác. Một quyết tâm như thế sẽ đưa chúng ta đến việc cầu nguyện cho thành phần nào cần được cầu nguyện nhiều nhất trong gia đình, giúp đỡ thành viên nào yếu đuối hoặc thành viên nào đang sa sút, và đặc biệt là sống yêu thương đối với thành viên nào đang yếu bệnh hoặc gặp gian truân.

Giáo dục con cái. Việc cầu nguyện trong gia đình.

Chắc chắn hai thánh Gioakim và Anna luôn ý thức Thiên Chúa đang yêu sách ái nữ của các ngài một điều gì đó thật vĩ đại, bởi vì trẻ Maria đã biểu lộ những đặc ân tuyệt vời trên phương diện nhân bản cũng như siêu nhiên. Các ngài đã dâng ái nữ cho Thiên Chúa, như những bậc cha mẹ Do Thái thường làm. Các bậc cha mẹ củng cố tình yêu cho nhau bằng việc cầu nguyện sẽ biết tôn trọng thánh ý Thiên Chúa đối với con cái của họ. Tình yêu giữa cha mẹ càng được củng cố hơn nữa nếu như con cái họ được ơn tận hiến cho Thiên Chúa. Các bậc cha mẹ thường ước ao và kêu xin Thiên Chúa ơn này, bởi vì như thánh Josemaría Escrivá nói: Dâng con cái để phụng sự Chúa không phải là một hy sinh: đó là một vinh dự và một niềm vui, một vinh dự cao cả và một niềm vui lớn lao. Con cái sẽ nghiệm thấy vẻ đẹp của hành vi hiến dâng những năng lực của chúng cho Nước Chúa, bởi vì bằng nhiều cách, chúng đã học biết thực hiện điều ấy ngay trong nếp sống ở gia đình.

Tình yêu dẫn đến hôn nhân cũng là một con đường thánh thiện, một ơn gọi, một con đường để hiến dâng toàn diện cho Thiên Chúa. Tình yêu này phải hiệu quả và hoạt động nơi hoa trái, tức là con cái. Tình yêu chân thực sẽ biểu hiện trong việc nỗ lực dạy dỗ con cái biết sống chuyên cần, tiết độ, và có giáo dục, theo đúng ý nghĩa của từ ngữ… và trở nên những tín hữu tốt lành. Ước chi các nhân đức nhân bản được phát triển nơi gia đình: nhân cách mạnh mẽ, điều độ trong việc sử dụng vật chất, có tinh thần trách nhiệm, quảng đại, siêng năng… và ước chi mọi người đều biết tiêu dùng một cách kiệm ước, luôn nhớ đến nhiều người trên thế giới vẫn còn đang túng thiếu.

Tình yêu thương con cái đích thực sẽ đưa cha mẹ đến chỗ quan tâm chọn trường học cho con cái, bởi vì điều này ảnh hưởng đến phần rỗi của chúng. Cũng tình yêu ấy sẽ thúc đẩy cha mẹ lo tìm nơi nghỉ ngơi và giải trí lành mạnh cho con cái – thường họ phải hy sinh sở thích và quyền lợi khi tránh những môi trường có thể làm cho việc sống đạo trở nên khó khăn. Cha mẹ đừng bao giờ quên rằng mình là người quản lý một kho tàng quí báu của Thiên Chúa. Là những tín hữu, họ phải tạo lập một gia đình, nơi có Chúa Kitô hiện diện.

Hôm nay, chúng ta nài xin hai thánh Gioakim và Anna giúp chúng ta làm cho mái nhà của chúng ta trở thành một nơi dễ dàng gặp được Thiên Chúa. Chúng ta hãy cậy nhờ sự cầu bầu của Đức Mẹ. Đức Gioan Phaolô II đã khuyến khích: Hợp nhất cùng nhau, chúng ta hãy hướng tâm hồn về Mẹ Maria. Xin Mẹ hãy tỏ ra là Từ Mẫu của chúng ta hết thảy. Xin Mẹ hãy dâng lời cầu nguyện của chúng ta lên Chúa Kitô, Đấng đã trở nên Con của Mẹ, để Người thương tình chấp nhận.

 

Suy Niệm 5: Thánh Gioakim và Anna

(tgpsaigon.net)

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ Thánh Gioakim và Anna, thân sinh và thân mẫu của Đức Mẹ Maria.... nói rõ và xa hơn một chút là ông ngoại bà ngoại của Chúa Giêsu, Chúa của chúng ta. 

Về phương diện Lịch sử, chúng ta không có một chỉ dẫn nào cụ thể, chính xác về đời sống của các Ngài. Tuy nhiên theo một ít tài liệu cổ thì chúng ta cũng thấy có một vài thông tin, tuy rất vắn nhưng cũng đủ để cho chúng ta có được những suy nghĩ liên quan đến cuộc đời của các ngài. Trong cuốn Tự Điển Các Thánh mới được ấn hành gần đây tôi đọc được những thông tin:

Trong cuốn Ngụy kinh của thánh Giacôbê người ta đọc được những lời như thế này về Thánh Anna: "Bà đã phải chờ đợi rất lâu mới có được đứa con. Đây là một thử thách lớn cho bà và chồng bà là Gioakim. Cuối cùng thì một thiên thần đã báo tin cho bà về việc ra đời của một bé gái tên là Maria. Hai vợ chồng đã dâng con trẻ trong đền thờ cho Chúa".

Những chỉ dẫn này đã nói với chúng ta điều gì?

Đọc trong Cựu Ước, qua cuộc đời của những tổ phụ hay một số những bậc công chính, chúng ta có thể thấy rất rõ điều này: Hầu hết các ngài là những người bị thử thách nặng nề, nhưng các Ngài vẫn trung kiên trong thử thách, và hơn nữa các Ngài còn biết nhận ra tình thương của Chúa qua những thử thách đó, để rồi biết dâng lời cám tạ Thiên Chúa.

Chúng ta hãy nhớ lại một chút cuộc đời của Tổ phụ Abraham, tổ phụ Isaac, tổ phụ Giacob và nhất là của Giob.....rồi sau này đến bà Anna mẹ của ngôn sứ Samuen, bà Elizabeth mẹ của Gioan Baotixita vv.. tất cả đều phải trải qua những chặng đường như thế. Tôi tưởng Thánh Gioakim và Thánh Anna cũng không đi ra ngoài con đường đó. Vậy có nên chăng khi chúng ta gọi con đường này là linh đạo Chúa hướng dẫn các con cái yêu quí của Người thời xa xưa?

Đọc lại Cựu Ước chúng ta thấy quả thực chính nhờ bước vào con đường này mà các ngài đã trở thành công chính trước mặt Thiên Chúa và loài người.

Nhìn lại một chút cuộc đời của Ông Giaokim và bà Anna chúng ta cũng thấy một nét tương tự như thế. “Ông Bà đã phải chờ đợi rất lâu mới có được đứa con” Đây là một thử thách lớn cho ông bà. Cuối cùng thì một thiên thần đã báo tin cho bà về việc ra đời của một bé gái tên là Maria. Hai vợ chồng đã dâng con trẻ trong đền thờ cho Chúa".

Vâng Ông Gioakim và bà Anna đã phải trải qua nhiều thử thách nhưng những thử thách đó đã không làm cho các ngài mất đi niềm tin vào Tình Thương của Thiên Chúa.

Để kết thúc một vài suy tư hôm nay tôi xin gửi đến anh chị em một câu chuyện. Câu này do Văn sĩ Marie Noel viết:

Hôm đó là ngày cuối năm, từ trời cao Thiên Chúa nhìn xuống dân gian, mắt Ngài dừng lại tại một nhà thờ đang tập trung để hát bài "Kinh Tạ Ơn". Nhà thờ không còn tháp chuông. Vị linh mục phải dùng hết sức mình khua vào tường, gõ lên mái nhà để giục giã dân chúng đến nhà thờ. Tuy là ngày mưa lạnh, thế mà nhà thờ vẫn chật ních.

Thiên Chúa nhận ra bà Têrêsa mà ngôi nhà của bà vừa bị thiêu rụi và giờ đây đang phải trú đỡ trong một túp lều lạnh lẽo. Đáng chú ý hơn là nàng Madalena mà người chồng mới bị giết trước mắt mình. Bên cạnh bà là Rosa có ba người con trai đang bị cầm tù. Kia là ông Thêôđôre mà người vợ và hai con bị chôn sống. Đây là cô Magarita trong lúc trốn chạy đã lạc mất đứa con thơ. Kia là ông Pierre, một thương binh từ mặt trận mới trở về.

Tất cả đều liên kết với nhau trong cùng một tâm tình tạ ơn vì mọi hồng ân Chúa ban xuống trong năm qua.

Từ trời cao, Thiên Chúa rất đỗi thán phục, Ngài nói với các Thiên thần:

"Thật Ta bảo thật các ngươi là những tạo vật thánh thiện. Các ngươi hãy nhìn xuống đám dân đáng thương kia. Mười hai tháng qua, họ đã phó thác cho Ta, thế mà Ta chỉ giáng xuống cho họ tai họa và kinh hoàng. Họ đã kêu xin hòa bình, vậy mà Ta đã gửi xuống chiến tranh. Họ đã xin lương thực hằng ngày, vậy mà Ta đã gửi đói khổ. Họ đã tin tưởng ký thác tổ quốc và gia đình trong tay Ta, nhưng Ta lại để cho gia đình và tổ quốc họ ra điêu linh".

Dĩ nhiên, Ta có lý do của Ta, mà những kẻ bên ngoài không thể hiểu thấu được. Loài người không thể hiểu được. Loài người không thể hiểu được những gì Ta làm. Họ phải gánh chịu mọi hậu quả, vậy mà họ vẫn ca ngợi tạ ơn như thể Ta bao bọc họ theo lời họ cầu xin. Quả thực niềm tin của họ thực lớn lao. Hỡi các thiên thần và các thánh, hãy hát lớn lên, hát để ca tụng những con người trong cơn hoạn nạn mà vẫn tiếp tục ngợi khen"

Nói xong Thiên Chúa liền cất lên: “Hỡi loài người, chúng tôi ca ngợi các ngươi”.

Và các thiên thần cùng hòa tiếng ca tụng loài người.

Lạy Chúa, xin củng cố trong chúng con niềm hy vọng. Xin cho chúng con biết kiên trì trong mọi thử thách, gian nan, đau khổ. Và giữa những vất vả lao nhọc của cuộc đời, xin cho chúng con tìm thấy được niềm vui và nhận ra được thánh ý của Chúa để lúc nào môi miệng chúng con cũng tràn ngập những lời ca tụng tạ ơn. Lạy Thánh Gioakim và thánh Anna xin phù trợ chúng con. Amen.

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

Thursday (July 26):  “Many longed to hear what you hear”

Scripture:  Matthew 13:10-17

10 Then the disciples came and said to him, “Why do you speak to them in parables?” 11 And he answered them, “To you it has been given to know the secrets of the kingdom of heaven, but to them it has not been given.  12 For to him who has will more be given, and he will have abundance; but from him who has not, even what he has will be taken away. 13 This is why I speak to them in parables, because seeing they do not see, and hearing they do not hear, nor do they understand. 14 With them indeed is fulfilled the prophecy of Isaiah which says: `You shall indeed hear but never understand, and you shall indeed see but never perceive. 15 For this people’s heart has grown dull, and their ears are heavy of hearing, and their eyes they have closed, lest they should perceive with their eyes, and hear with their ears, and understand with their heart, and turn for me to heal them.’  16 But blessed are your eyes, for they see, and your ears, for they hear. 17 Truly, I say to you, many prophets and righteous men longed to see what you see, and did not see it, and to hear what you hear, and did not  hear it.

Thứ Năm     26-7           Nhiều người muốn nghe những gì anh em đang nghe

Mt 13,10-17

10 Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ? “11 Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.12 Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất.13 Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu.14 Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy;15 vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.16 “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe.17 Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.

 

Meditation: 

Do you want to grow in your knowledge of God? Saint Augustine of Hippo (354-430 AD) once said: “I believe, in order to understand; and I understand, the better to believe.” Both faith and understanding are gifts of the Holy Spirit that enable us to hear God’s word with clarity so we can know God better and grow in the knowledge of his love and truth. Jesus, however, had to warn his disciples that not everyone would understand his teaching.

 

Closed hearts – prejudiced minds 

The prophet Isaiah had warned that some would hear God’s word, but not believe, some would see God’s actions and miracles, and remain unconvinced. Ironically some of the greatest sceptics of Jesus’ teaching and miracles were the learned scribes and Pharisees who prided themselves on their knowledge of Scripture, especially on the law of Moses. They heard Jesus’ parables and saw the great signs and miracles which he performed, but they refused to accept both Jesus and his message. How could they “hear and never understand” and “see but never perceive”? They were spiritually blind and deaf because their hearts were closed and their minds were blocked by pride and prejudice. How could a man from Galilee, the supposed son of a carpenter, know more about God and his word, than these experts who devoted their lives to the study and teaching of the law of Moses?

 

The humble of heart receive understanding 

There is only one thing that can open a closed, confused, and divided mind – a broken heart and humble spirit! The word disciple means one who is willing to learn and ready to submit to the wisdom and truth which comes from God. Psalm 119 expresses the joy and delight of a disciple who loves God’s word and who embraces it with trust and obedience. “Oh, how I love your law! It is my meditation all the day. Your commandment makes me wiser than my enemies, for it is ever with me. I have more understanding than all my teachers, for your testimonies are my meditation.” (Psalm 119:97-99)

Listen with reverence and faith 

God can only reveal the secrets of his kingdom to the humble and trusting person who acknowledges their need for God and for his truth. The parables of Jesus will enlighten us if we approach them with an open mind and heart, ready to let them challenge us. If we approach God’s word with indifference, scepticism, and disbelief, then we, too, may “hear but not understand” and “see but not perceive.” God’s word can only take root in a receptive heart that is ready to believe and willing to submit. If we want to hear and to understand God’s word, we must listen with reverence and faith. Do you believe God’s word and do you submit to it with trust and reverence?

 

Jerome, an early church bible scholar who lived between 342-419 AD, wrote: “You are reading [the Scriptures]? No. Your betrothed is talking to you. It is your betrothed, that is, Christ, who is united with you. He tears you away from the solitude of the desert and brings you into his home, saying to you, ‘Enter into the joy of your Master.'”

 

“Holy Spirit, be my teacher and guide. Open my ears to hear God’s word and open my eyes to understand God’s action in my life. May my heart never grow dull and may my ears never tire of listening to the voice of Christ.”

 

Suy niệm:

Bạn có muốn lớn lên trong sự hiểu biết Thiên Chúa không? Thánh Augustine Hippo (354-430 AD) nói rằng: Tôi tin để tôi hiểu. Tôi hiểu để tin hơn. Cả đức tin và sự hiểu biết đều là hồng ân của Chúa Thánh Thần để giúp chúng ta lắng nghe lời Thiên Chúa rõ ràng, hầu chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa hơn và lớn lên trong sự hiểu biết tình yêu và chân lý của Người. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã phải cảnh báo các môn đệ rằng không phải mọi người đều hiểu được giáo huấn của Người.

Tâm hồn khép kín – đầu óc thành kiến

Ngôn sứ Isaia đã cảnh báo rằng có người nghe lời Thiên Chúa nhưng không tin, có người thấy những công việc và phép lạ của Thiên Chúa nhưng vẫn cứng lòng. Trớ trêu thay, một số người hoài nghi nhiều nhất về giáo huấn và các phép lạ của Chúa Giêsu lại là các kinh sư và Pharisêu học thức, những người tự hào về sự hiểu biết của họ về Kinh Thánh và lề luật Môisen. Họ nghe các dụ ngôn của Chúa Giêsu và thấy những điềm thiêng dấu lạ cả thể mà Ngài đã làm, nhưng họ vẫn khước từ đón nhận Chúa Giêsu và sứ điệp của Ngài. Làm thế nào họ có thể “nghe mà không bao giờ hiểu” và “thấy nhưng không bao giờ lỉnh hội”? Họ mù quáng và câm điếc thiêng liêng, bởi vì tâm hồn họ đóng kín và trí óc họ chận đứng bởi tính kiêu ngạo và thành kiến. Làm sao một người từ Galilê, được cho là con của ông thợ mộc, biết nhiều về Thiên Chúa và lời của Người, hơn các chuyên gia, dành cả đời mình để nghiên cứu và giảng dạy lề luật Môisen được?

Tâm hồn khiêm hạ tiếp nhận sự hiểu biết

Chỉ có một điều duy nhất có thể mở rộng một tâm trí khép kín, rối loạn, và phân rẽ – một tâm hồn tan nát và tinh thần khiêm cung! Hạn từ môn đệ nghĩa là một người sẵn sàng học hỏi và suy phục sự khôn ngoan và chân lý đến từ Thiên Chúa. Thánh vịnh 119 diễn tả niềm vui và hân hoan của người môn đệ yêu mến lời Thiên Chúa và đón nhận nó với sự tin tưởng và vâng phục. “Luật pháp Ngài, lạy Chúa, con yêu chuộng dường bao, suốt ngày cứ suy đi gẫm lại! Mệnh lệnh Chúa làm con khôn hơn địch thủ, vì con hằng ấp ủ mệnh lệnh đó trong lòng. Con được thông suốt hơn cả thầy dạy, vì con thường gẫm suy thánh ý” (Tv 119,97-99).

Lắng nghe với lòng kính sợ và tin tưởng

Thiên Chúa chỉ mặc khải các bí nhiệm vương quốc của Ngài cho những kẻ khiêm nhường và tin cậy, những ai biết mình cần đến Thiên Chúa và chân lý của Người. Các dụ ngôn của Chúa Giêsu sẽ soi sáng cho chúng ta nếu chúng ta tiếp cận chúng với một tâm hồn rộng mở, sẵn sàng để chúng thách đố chúng ta. Nếu chúng ta tiếp cận lời Thiên Chúa với sự thờ ơ, nghi ngờ, và vô tín, thì chúng ta cũng có thể “nghe mà không hiểu” và “thấy mà không tin”. Lời Thiên Chúa chỉ có thể bén rễ nơi một tâm hồn biết đón nhận, và sẵn sàng tin tưởng và vâng phục. Nếu chúng ta muốn nghe và hiểu lời Thiên Chúa, chúng ta phải lắng nghe với lòng kính sợ và với đức tin. Bạn có tin tưởng vào lời Thiên Chúa và bạn có suy phục nó với sự tín thác và kính sợ không?

Thánh Giêrom, một nhà thông thái về Kinh Thánh của Giáo hội, sống giữa những năm 342-419 AD, đã viết: “Bạn đang đọc Kinh Thánh sao? Không phải. Người yêu của bạn đang nói với bạn. Người yêu của bạn chính là Đức Kitô, Đấng kết hiệp với bạn. Ngài đưa bạn từ nơi vắng vẻ của sa mạc và đem bạn vào trong nhà của Ngài, và nói với bạn “Hãy vào hưởng niềm vui của Chủ ngươi”.

Lạy Chúa Thánh Thần là Thầy dạy và Đấng dẫn dắt con. Xin mở tai con để lắng nghe lời Thiên Chúa, và mở mắt con để hiểu biết hoạt động của Thiên Chúa trong đời con. Chớ gì lòng con không bao giờ lớn lên trong sự ngu dốt, và chớ gì tai con không bao giờ mệt mỏi lắng nghe tiếng nói của Đức Kitô.

 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

 

Từ khóa:

môn đệ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận