Thứ ba tuần 18 thường niên.

Đăng lúc: Thứ ba - 07/08/2018 02:00 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ ba tuần 18 thường niên.

"Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy".

 

Lời Chúa: Mt 14, 22-36

Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Ðến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.

Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: "Ma kìa" và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ". Phêrô thưa lại rằng: "Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy". Chúa phán: "Hãy đến". Phêrô xuống khỏi thuyền bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: "Lạy Thầy, xin cứu con". Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: "Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ?" Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa!"

Khi đã sang qua biển hồ, các ngài lên bộ và ghé vào Ghênêsarét. Nhận ra Ngài, dân địa phương liền loan tin đi khắp cả vùng xung quanh, và người ta đem đến cho Ngài hết mọi kẻ ốm đau. Họ nài xin Ngài cho họ rờ đến tua áo choàng của Ngài thôi, và ai đã rờ đến thì đều được chữa lành.

 

 

 

Suy Niệm 1: Chúa Ði Trên Biển

Thiên Chúa tỏ ra là một nhà giáo dục đại tài: Ngài luôn tôn trọng tư tưởng, dự định của con người, nhưng với thời gian và qua dòng lịch sử, Ngài thanh lọc, kiện toàn những gì không phù hợp với Nước Trời. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người cũng đi theo đường lối đó, như chúng ta có thể thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.

Sau khi cho dân chúng ăn no, Chúa Giêsu buộc các môn đệ lên đò sang bờ bên kia. Giải tán dân chúng xong, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện một mình. Các môn đệ vâng lời Thầy ra đi, nhưng có lẽ các ông không được hài lòng. Các ông đã hết sức kiên nhẫn chờ đợi ngày Chúa Giêsu làm vua, cơ hội đó hôm nay đã đến, nhưng Chúa lại từ chối. Không những bỏ lỡ cơ hội, Chúa còn ra lệnh cho các ông lập tức rời bỏ hiện trường. Bất mãn, chán nản và mệt nhọc làm cho các ông ngã lòng. Chúa Giêsu biết rõ tâm trạng của các ông, không những bằng ánh mắt và bằng cả cõi lòng khi Ngài cầu nguyện trên triền núi. Ngài thấy các ông chèo chống ngược với sóng gió và ngược với cả ý muốn. Chính lúc đó, Ngài đi trên mặt biển để đến với các ông. Ngài đã làm như thế để các ông hiểu rằng Ngài có quyền năng trên các tạo vật, Ngài có chương trình của Ngài và Ngài sẽ thực hiện chương trình ấy khi giờ của Ngài đến.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đặt tất cả niềm tin vào quyền năng của Chúa. Ngài có chương trình cho mỗi người chúng ta. Ðiều quan trọng không phải là chúng ta bắt Thiên Chúa làm theo ý chúng ta, để rồi khi không được như ý nguyện, chúng ta tỏ ra buồn phiền, than trách Chúa. Trái lại, chúng ta hãy đặt hết tin tưởng vào Chúa, Ngài vẫn hiện diện để sẵn sàng cứu giúp chúng ta. Hãy phó thác vào quyền năng yêu thương của Ngài và như thế tâm hồn chúng ta sẽ được bình an.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Ðừng Sợ

Biến cố Chúa đi trên mặt biển cũng được tường thuật nơi Phúc Âm thánh Maccô chương 6 và nơi Phúc Âm thánh Gioan chương 6, nhưng nơi Phúc Âm thánh Mátthêu thì có thêm chủ ý hành văn của tác giả và ý định trình bày một cái nhìn. Các nhà chú giải đồng ý có ba phương diện giúp dễ hiểu đoạn Phúc Âm này hơn:

- Bình diện thứ nhất là bình diện của biến cố khi được tường thuật.

- Bình diện thứ hai là bình diện thần học về việc Chúa mạc khải Thần Khí của Người.

- Bình diện thứ ba là ý nghĩa xã hội học của biến cố.

Trước hết, về bình diện tường thuật biến cố thì câu chuyện được kể đơn sơ, dễ hiểu: "Sau biến cố bánh hóa nhiều, Chúa Giêsu truyền cho các tông đồ xuống thuyền sang bờ bên kia. Còn Người thì ở lại giải tán dân chúng, rồi lên núi cầu nguyện. Ðến khuya, Chúa đi trên mặt biển đang bị động để đến với các tông đồ".

Nhưng nếu nhìn biến cố trong viễn tượng việc Chúa mạc khải chính mình thì biến cố mang một đặc điểm mới. Chúa Giêsu có quyền trên mọi biến cố thiên nhiên. Câu nói của Chúa: "Thầy đây, đừng sợ!" nhắc lại công thức Thiên Chúa mạc khải chính mình bằng lời quả quyết: "Ta là Ðấng Ta là".

Ý nghĩa xã hội học được trình bày qua hình ảnh con thuyền tượng trưng cho Giáo Hội Chúa. Thuyền gặp bão, Giáo Hội Chúa gặp thử thách. Nhưng Chúa Giêsu không để cho các tông đồ một mình chống lại với bão táp, không thể để cho Giáo Hội một mình gặp thử thách: "Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". Chúa muốn cho các tông đồ luôn kiên trì trong đức tin, đừng lo sợ mê man. Chúa đến với các tông đồ, Chúa đến với Giáo Hội trong cơn thử thách. Chúng ta hãy để cho Chúa đến với chúng ta và hiện diện với chúng ta mãi mãi.

Lạy Chúa, Ðấng đã kêu gọi mọi người "Ðừng sợ".

Xin thương củng cố đức tin chúng con trong những lúc gặp gian nan thử thách.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Tôi Tin

Thấy Người đi trên mặt biển các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên. Đức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm chính Thầy đây đừng sợ!” Ông Phê-rô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Đức Giêsu bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” (Mt. 14, 26-30)

Phêrô

Mọi chú ý đổ dồn vào một nhân vật: Phêrô. Ông là tông đồ thứ nhất. Ông nói, làm nhân danh các bạn khác. Hơn nữa, ông là người thứ nhất trong các kẻ tin. Ông tỏ vẻ rất linh hoạt và diễn xuất niềm tin xuất sắc. Ông mạnh mẽ và hiên ngang tuyên bố những lời kêu gọi và lôi cuốn con người. Đó là khát vọng sâu xa hướng về mình, ở bên mình, ở với mình. Đó là bước đường dẫn tới hố sâu vì được người ta tin cậy và yêu mến. Thế rồi, khi lòng tin cậy yếu đuối, lập tức kéo theo sự mất sức căn bản và những nguy khốn tứ bề ập tới làm mình run sợ mất lòng trông cậy. Lúc đó mình là mồi ngon cho các thế lực đe dọa, nếu mình không tìm ngay đến bàn tay của Thầy đến cứu vớt. Có lòng trông cậy, có lòng tin, nhưng quá hèn mọn, quá yếu ớt thì đừng bo bo cậy mình. Chỉ có đức tin vô điều kiện mới mong dẫn dắt các bạn một cách chân chính mà thôi. Điều xảy ra với tông đồ thứ nhất là Phêrô, luôn là gương mẫu cho tất cả những kẻ tin tưởng.

Giáo Hội

Giáo hội toàn thể luôn luôn ở trước tôn nhan Đức Giêsu. Giáo hội đã được bảo đảm thắng vượt mọi gian nan thử thách, có đủ khả năng thoát khỏi mọi nguy biến. Giáo hội biết mình được bảo đảm không bao giờ bị đắm chìm tan biến theo chiều dài của lịch sử ở điều kiện nắm vững đức tin.

Một đức tin đơn sơ

Những câu cuối cùng của đoạn Tin mừng này nhắc nhở chúng ta bài học về Phêrô bước đi trên mặt biển: một bài học về đức tin đơn sơ, không giải thích. Một đức tin biểu lộ bằng cử chỉ, bằng chỉ cần động đến gấu áo Chúa, nhưng đã diễn tả mọi rung động của con tim. “Nếu anh không trở nên trẻ nhỏ…”. Nếu đức tin không như thế, chúng ta phức tạp hóa đức tin của chúng ta, đức tin sẽ mất sức mạnh, mất sức sống! Ước chi chúng ta hãy hết lòng nói với Chúa: “Lạy Chúa, con tin”.

JM

 

Suy Niệm 4: HÃY VỮNG TIN VÀO CHÚA  (Mt 14, 22-36)

Xem lại CN 19 TN A, CN 6 PS C,

lễ Cung Hiến Đền Thánh Phê-rô và Phao-lô, ngày 18 tháng 11.

Trong cuộc sống, nơi xã hội hôm nay luôn có những bất trắc. Nào là chuyện “cá lớn nuốt cá bé”; hay “ma mới bắt nạt ma cũ”; hoặc “chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Một xã hội như thế, người ta lấy thước đo để đánh giá vấn đề, sự kiện... dựa vào tiền và quyền... Vì thế, không lạ gì khi vẫn còn đó tình trạng áp bức, bất công với người lương thiện và thấp cổ bé họng!

Đứng trước thực trạng ấy, chúng ta không thể không đặt ra câu hỏi: “Thiên Chúa ở đâu?”; “Ngài có thực sự hiện hữu không?”; “Nếu có, tại sao lại có chuyện con người thay Trời hành đạo như vậy?”.

Hôm nay, bài Tin Mừng tường thuật việc các môn đệ đang trên thuyền để đi sang bờ bên kia. Trong lúc các ông trèo thuyền ra xa, thì gió lớn nổi lên, khiến các ông lo sợ. Đúng lúc đó, Đức Giêsu hiện đến mà các ông không nhận ra Ngài. Vì thế, trong cơn hốt hoảng, các ông đã la lên: “Ma đấy”. Thấy vậy, Ngài đã trấn an các ông và nói: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!". Tuy nhiên, chưa tin và vẫn còn nghi ngờ, nên Phêrô đã thử liều một phen mang tính thách thức: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài".

Sự kiện Đức Giêsu đi trên mặt biển để đến với các môn đệ và việc cho Phêrô đi trên mặt nước với Ngài giúp cho chúng ta hiểu rằng: Chúa vẫn luôn còn đó trong cuộc đời. Mọi khó khăn thử thách, Ngài luôn có mặt, chỉ có điều chúng ta có một đức tin đủ mạnh để vượt qua mọi khó khăn và có đủ độ nhạy bén để nhận ra Ngài hay không mà thôi!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta bài học: nếu có niềm tin và tín thác vào Chúa trong sự khiên tốn thì sẽ được Chúa thương.

Mong sao trong mọi hoàn cảnh, chúng ta hãy nhớ đến câu nói của Đức Giêsu khi xưa: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!".

Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời của chúng con nhiều khi hoang mang và sợ hãi chẳng kém các môn đệ của Chúa là bao! Nhưng như các môn đệ, các ngài đã tin vào Chúa và được Chúa cứu, thì xin cũng ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con cũng được Chúa thương như các môn đệ khi xưa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 5: Xin cứu con

Suy niệm :

Bài Tin Mừng hôm nay là một loạt những kinh nghiệm thiêng liêng.

Có thể chúng ta ít nhiều đều đã có những kinh nghiệm này.

Thầy Giêsu là một nhà giáo nhân từ và cương quyết.

Ngài giáo dục các môn đệ bằng cách đưa họ vào những kinh nghiệm.

Kinh nghiệm bị Thầy bắt buộc phải qua bờ bên kia (c. 22),

dù họ rất muốn ở lại bờ bên này để nếm dư vị của thành công vừa rồi.

Sau phép lạ nhân bánh, người ta định tôn Thầy lên làm vua (Ga 6, 15).

Chỉ cần Thầy gật đầu là trò được chia sẻ tiếng tăm và quyền lực.

Các môn đệ đã bị ép lên thuyền, ngay lập tức, lúc chạng vạng tối.

Kinh nghiệm bị sóng đánh vì ngược gió.

Thuyền đã xa bờ mấy cây số, tiến tới không được, lùi lại cũng không xong.

Vào lúc khó khăn ấy lại không có Thầy ở trong thuyền.

Hầu như suốt đêm các môn đệ phải vất vả chèo chống với sóng gió.

Họ phải tập chiến đấu trong đêm tối khi không có Thầy ở bên.

Họ có nghĩ quyết định của Thầy là sai lầm, vội vã không ?

Kinh nghiệm hốt hoảng, sợ hãi và được trấn an.

Mãi đến lúc gần sáng, Thầy Giêsu mới đi trên biển mà đến với các môn đệ.

Ngài đến khi họ chưa thấy rõ mặt Ngài.

Ngài đến vào lúc bất ngờ và đến theo cách bất ngờ, khiến họ khiếp kinh.

Ngài đến đem bình an mà họ tưởng là ma quái đe dọa (c. 26).

Quả thật có những lúc không dễ nhận ra là Chúa đang đến với mình.

Chúa đến làm các môn đệ sợ hãi hơn cả sóng gió.

Nhưng “Cứ yên tâm, chính Thầy đây. Đừng sợ !” (c. 27).

Kinh nghiệm tự đưa mình vào một thách đố của lòng tin.

Một mặt Phêrô vẫn chưa tin trọn vẹn khi nói câu: Nếu quả là Thầy…(c. 28).

Nhưng mặt khác ông lại rất táo bạo khi dám xin ơn đi trên mặt nước.

Ông coi đó là cách thức chắc chắn nhất để biết có phải là Thầy không.

Nếu đúng là Thầy thì Thầy cũng có thể cho mình làm được như Thầy.

Chỉ cần Thầy truyền lệnh là đủ, Phêrô tin như thế.

Kinh nghiệm đi trên mặt nước và kinh nghiệm bị chìm.

Khi được Thầy cho phép, Phêrô đã dám từ thuyền bước xuống biển động.

Và ông đã đi được một quãng không rõ bao xa (c. 29).

Mặt nước cứng như đá hay người ông trở nên nhẹ bổng?

Bây giờ thì đúng là Thầy rồi, chỉ Thầy mới cho mình làm được như Thầy.

Phêrô sung sướng tiến về phía Thầy với lòng tin đang lớn lên.

Nhưng khi gặp gió thổi mạnh thì ông lại sợ, lại hoài nghi, yếu tin.

Ông mất tập trung vào sự hiện diện quyền năng của Thầy và bị chìm.

Người ta có thể bị chìm ngay khi biết Chúa ở trước mặt.

Kinh nghiệm được Thầy nắm tay mà dắt vào thuyền.

Khi Phêrô kêu cứu, Thầy Giêsu đã giữ ông khỏi bị nước nuốt chửng.

Sau đó hẳn hai Thầy trò đã cùng nhau đi trên sóng mà về thuyền.

Khi cả hai lên thuyền thì gió lặng, chẳng cần Thầy phải dẹp yên sóng gió.

Các kinh nghiệm môn đệ vừa trải qua thật kinh khủng và gần gũi với ta.

Buồn bực, sợ hãi, căng thẳng, bình an, nghi ngờ, chới với, hạnh phúc.

Đời Kitô hữu là một chuỗi những kinh nghiệm như thế.

Chúng ta tưởng Chúa bỏ rơi, Chúa vắng mặt, Chúa là ma làm ta sợ hãi.

Đơn giản Chúa là Thầy biết cách làm ta trưởng thành qua kinh nghiệm.

Cuối cùng chúng ta sẽ nhìn nhận: “Quả thật Thầy là Con Thiên Chúa” (c. 33).

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phêrô,

nhưng nhiều khi con cảm thấy

sống đức tin giữa lòng cuộc đời

chẳng khác nào đi trên mặt nước.

Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.

Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.

Cả sự nặng nề của thân xác con

cũng kéo ghì con xuống.

Đi trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng.

Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.

Xin cứu con khi con hầu chìm.

Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.

Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con,

để con trở nên nhẹ tênh

mà bước những bước dài hướng về Chúa. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận