Thứ hai tuần 17 thường niên

Đăng lúc: Thứ hai - 30/07/2018 01:52 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ hai tuần 17 thường niên – Thánh Phêrô Kim Ngôn, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình”

 

* Chào đời khoảng năm 380 ở miền I-mô-la, Ê-mi-li-a, cũng tại đó, người đã làm linh mục, rồi khoảng năm 424-431 được chọn làm giám mục Ra-ven-na. Trong tư cách mục tử, người nuôi dưỡng đoàn chiên đặc biệt bằng những bài giảng uyên thâm. Chắc hẳn vì thế mà người được mệnh danh là Kim Ngôn. Khi giảng, người luôn tâm niệm rằng: “Phải giảng cho dân chúng bằng ngôn ngữ của dân chúng”. Người qua đời khoảng năm 450.

 

Lời Chúa: Mt 13, 31-35

Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt ấy bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó".

Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: "Nước trời giống như nắm men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men".

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: "Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn: Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

SUY NIỆM 1: Hạt Cải, Nắm Men

Dụ ngôn hạt cải và nắm men trong Tin Mừng hôm nay đều nhấn mạnh đến sự bất tương xứng của thời kỳ đầu của Nước Trời và của thời kỳ kết thúc. Dụ ngôn hạt cải nói đến sự tăng trưởng của Nước Trời theo chiều rộng, còn dụ ngôn nắm men trong bột ám chỉ chiều sâu, tức là sự biến đổi bên trong. Cũng như cây cải nhỏ bé thường thấy ở miền giáp hồ Tibêria có thể cao tới ba thước, Nước Trời cũng bắt đầu hiện diện từ thời kỳ truyền giáo của Chúa Giêsu và của Giáo Hội tiên khởi trong sự khó nghèo và thiếu thốn. Và đó là giáo huấn nền tảng của dụ ngôn hạt cải và nắm men.

Dựa vào những hình ảnh này, Chúa Giêsu cho thấy kiểu cách truyền giáo của Ngài không phù hợp với những chờ đợi của người Do thái, nghĩa là Nước Trời đến trong thầm lặng, như Chúa Giêsu đã nói: "Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi". Bởi vì thánh sử viết Phúc Âm sau thời kỳ truyền giáo của Chúa Giêsu trên đất Palestin, chúng ta có thể thấy ngay sự bành trướng đầu của Nước Trời và của Tin Mừng nơi các cộng đoàn Kitô tiên khởi. Thánh sử nói rõ: trên cành cây cải, chim trời có thể đến trú ngụ, điều này ám chỉ các dân ngoại được kết nạp vào Giáo Hội do Chúa Giêsu sáng lập.

Dụ ngôn men trong bột, một nắm men có thể làm dậy cả khối bột. Ý nghĩa và bài học của dụ ngôn này đi song song với dụ ngôn hạt cải. Men Nước Trời tức ơn thánh, dù ngấm ngầm, nhưng hiệu nghiệm nơi tâm hồn con người và trong sứ điệp của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã nói rõ về sức mạnh của men Nước Trời. Ngài không đến theo kiểu cách lôi kéo sự chú ý của con người. "Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi". Trong cử hành Thánh Lễ, Lời Chúa và Mình Chúa như men có sức làm lớn lên và biến đổi tâm hồn con người. Ai biết lãnh nhận với tâm hồn ngay thẳng, người đó sẽ được biến đổi nên giống Chúa Giêsu.

Chúng ta hãy cầu xin cho Dân Chúa tức là Giáo Hội trở nên dấu chỉ của hạt giống và men của Nước Trời trong thế gian này, cho tới ngày Nước Chúa được hoàn tất trong vinh quang.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Một thân thể có tầm vóc Thiên Chúa.

Đức Giêsu còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo vào ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.” (Mt. 13, 31-33)

Hai dụ ngôn này (dụ ngôn hạt cải và nắm men) tóm tắt tất cả lịch sử cuộc đời và sứ điệp Đức Giêsu! sẽ là lầm lạc khi kêu gào cho chủ nghĩa chiến thắng, hoặc hiểu rằng dụ ngôn này chỉ áp dụng cho đời sống thiêng liêng của ta thôi. Khi nói về “Nước Thiên Chúa” Chúa Giêsu không nghĩ đến cá nhân nào, mà chỉ nhìn thân thể mầu nhiệm của Người trong tất cả quá trình khổ nạn và phục sinh, một thân thể ấy không ngừng lớn lên và phát triển.

Thân thể mầu nhiệm.

Thân thể ấy sẽ trải qua những cơn khủng hoảng, tất cả những cơn khủng hoảng của sự phát triển như những nổi loạn để tỏ tính độc lập tự chủ, những cơn bừng dậy của tuổi trưởng thành mà lại phủ nhận mình trưởng thành, không dám nhận trách nhiệm, từ chối cả những niềm vui của tuổi ấy.

Một thoáng nhớ lại lịch sử Giáo hội như thế, cho ta thấy rõ rằng tất cả chúng ta là Nước Thiên Chúa. Khi khẳng định như vậy, thiết tưởng ta không nên kết án lời cự tuyệt mạnh mẽ của những người khác, là tự kiêu tự đại về ưu thế, về chủng tộc được tuyển chọn của họ. Có lẽ đó chỉ là thái độ của một số cá nhân thôi, chứ không phải là giáo huấn của Chúa Giêsu.

Cây mà “Chim trời tới làm tổ trên cành được” Cây ấy đón nhận mọi loài chim chóc, không hề có sự phân biệt, vì cây không loại trừ một con chim nào, nhưng che chở tất cả, là nơi có muôn mầu muôn vẻ thanh bình.

Hạt giống Phúc Âm ấy, nắm men bé nhỏ kia là Đức Kitô và Nước Trời chính là lẽ sống của ta, là nguyên lý cho ta tìm được hạnh phúc và tình yêu.

Hãy làm thành những tế bào của con người.

Một người hoàn toàn hiến thân cho Nước Thiên Chúa, để cho Nước ấy biến đổi, tái tạo mình, thì đúng là tấm men vùi trong môi trường người ấy sống và ảnh hưởng tốt đến môi trường ấy. Sức sống nơi người ấy tác động đến tất cả những người chung quanh. Không phải những biến cố lịch sử lớn lao mới có tác động mạnh mẽ đến đời sống con người, nhưng cả đến những sinh hoạt rất đời thường vẫn diễn ra hằng ngày cũng khiến chúng ta cảm nhận được sức sống này. Khi một người có trái tim đầy tràn yêu thương thì tình yêu của người ấy luôn bộc lộ và tỏa làn sang người khác vậy.

 

SUY NIỆM 3: HÃY LÀ MEN CHO ĐỜI (Mt 13, 31-35)

Xem lại CN 16 TNA, CN 11 TN B

Ở đời, người ta thường xem nhẹ những điều nhỏ mọn và coi đó như là chuyện không cần quan tâm!

Tuy nhiên, những điều tưởng chừng như bé nhỏ ấy lại là nguyên nhân cần thiết để trở thành những điều lớn lao.

Thật vậy, trong nhà Phật có câu:

“Hãy nhìn một em bé

Xin người chớ xem thường

Trong em có chất liệu

Của một bậc đế vương”

 Hay;

“Hãy nhìn một đốm lửa

Xin người chớ xem thường

Dù nhỏ bằng đầu đũa

Đốt cả rừng lẫn nương”.

Hôm nay, Đức Giêsu muốn dùng dụ ngôn“men trong bột” để ám chỉ Nước Trời. Thật vậy, được khởi đi từ những gì là nhỏ bé, đơn sơ, âm thầm trong sự khiêm tốn. Nhưng một khi đã hội đủ những cơ hội thuận tiện, Nước ấy sẽ lớn mạnh và lan rộng khắp nơi, khiến cho quyền lực của thế gian và ma quỷ có mạnh đến đâu cũng không thể thắng nổi.

Qua hình ảnh này, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta rằng: hãy bắt đầu hành trình đi tìm và sống những giá trị Tin Mừng trong sự khiêm tốn và âm thầm, chúng ta sẽ gặp được chân lý. Nước Trời chỉ đến với những người thực sự đơn sơ, chân thành. 

Mỗi người Kitô hữu, ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta đều được mời gọi trở nên chứng tá của Tin Mừng thông qua đời sống gương sáng của mình.

Mong sao mỗi chúng ta ý thức điều đó và thi hành cách xuất sắc như “men” được trộn vào trong bột và làm cho bột dậy men.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết mau mắn đón nhận thánh ý Chúa và sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng, nhờ đó, chính chúng con được biến đổi và những ai gặp chúng con cũng được biến đổi theo. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 4: Tất cả bột dậy men

Suy niệm:

Hội nhập văn hóa là việc mà nhà truyền giáo thời nay quan tâm.

Làm sao đưa Tin Mừng vào nền văn hóa của người bản xứ?

Làm sao đưa những nét đẹp của nền văn hóa bản xứ vào việc sống Tin Mừng?

Làm sao để Kitô giáo vừa mang nét mới mẻ của ơn cứu độ có tính phổ quát,

vừa mang tinh túy của từng vùng, từng nền văn hóa, tôn giáo, xã hội?

Đó là một nỗ lực đòi hỏi nhiều thời gian, trí tuệ và tình yêu.

Nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày qua đời của cha Matteo Ricci (1552-1610),

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đề cao gương của vị tu sĩ Dòng Tên này.

Với thiện cảm sâu xa đối với văn hóa và tôn giáo của người Trung Hoa,

cha Matteo đã đem Tin Mừng đến để bổ sung những truyền thống tốt đẹp.

Cha hiểu biết về Khổng giáo như một nho gia uyên thâm,

và chấp nhận việc cúi mình để tôn kính Khổng Tử và các bậc tổ tiên.

Dùng kiến thức về khoa học của mình để phục vụ,

Cha là người vẽ bản đồ thế giới đầu tiên với nước Trung Hoa nằm ở giữa.

Mười năm cuối đời sống ở Bắc Kinh, cha viết sách biện giáo,

quen biết với nhiều học giả trong triều đình và đưa họ vào Kitô giáo.

Cách truyền giáo của cha Matteo khiến ta nghĩ đến dụ ngôn men và bột.

Người phụ nữ đã trộn men vào một lượng bột rất lớn.

Ba đấu bột bằng khoảng 50 ký bột, làm bánh đủ cho cả trăm người ăn.

Điều đáng ta để ý ở đây là chuyện trộn men vào bột.

Một lượng men nhỏ được người phụ nữ trộn đều với khối bột lớn.

Đây là một công việc vất vả, làm bằng tay.

Khi được trộn nhuyễn, ta không còn phân biệt được men với bột

Qui trình lên men đòi hỏi thời gian.

Men phát huy sức mạnh tiềm ẩn của nó, khi làm cả khối bột lên men, nở ra.

Bấy giờ ta mới nhận ra sự hiện diện ẩn dấu và tác động của men trong bột.

Khi ăn những tấm bánh thơm, chẳng ai thấy men, vì men đã thành bánh rồi.

Nhưng không có men thì cũng chẳng có bánh.

Đức Giêsu dùng dụ ngôn này để nói về Nước Trời.

Khởi đầu chỉ là một số lượng nhỏ bé,

nhưng với thời gian sẽ gây được một ảnh hưởng lớn lao và tốt lành.

Tỷ lệ người Công giáo tại Việt Nam không đông, một lượng men nhỏ.

Nhưng nếu chúng ta khiêm tốn có mặt và phục vụ giữa lòng dân tộc,

tôn trọng những giá trị văn hóa và tâm linh của đồng bào,

chúng ta có hy vọng làm cho khuôn mặt của Công giáo

trở nên phong phú hơn, dễ mến hơn và hấp dẫn hơn.

Phải chấp nhận như men bị chôn vùi, biến mất trong đống bột.

Phải có mặt ở mọi nơi, mọi ngành nghề, mọi lãnh vực nghiên cứu.

Nhưng cũng phải kiên nhẫn chờ men phát huy tác dụng.

Nếu chúng ta chẳng làm cho đất nước này thành tấm bánh thơm ngon,

nếu môi trường chúng ta đang sống, đang làm việc chẳng có gì tiến bộ,

chẳng công bằng hơn, huynh đệ hơn, hạnh phúc hơn, trong sạch hơn…

thì có khi chúng ta phải tự hỏi xem mình có còn là thứ men tốt không.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,

Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.

Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,

lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.

Thế gian này vàng thau lẫn lộn.

Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.

Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,

giữ được vị mặn của muối,

và sức tác động của men,

để đem đến cho thế gian

một linh hồn, một sức sống.

Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,

chỉ sợ mình bỏ sống đạo

vì bị quyến ru bởi bao thú vui trần thế.

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng

chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,

những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,

thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui

của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

SUY NIỆM

1. “Người Gieo Giống đi ra gieo giống”

Trước khi lắng nghe các dụ ngôn, chúng ta nên hình dung ra cung cách giảng dạy rất gần gũi của Đức Giê-su. Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa và Ngài đến để nói Lời Thiên Chúa cho chúng ta, nhưng, như thánh sử Mát-thêu tường thuật, Ngài ra khỏi nhà và đến ngồi ở ven Biển Hồ; rồi người ta đến với Ngài rất đông. Đứng ở bờ hồ và có rất đông người đến với mình, thì sẽ có nguy cơ bị xô đẩy té xuống hồ. Chính vì thế, Ngài phải xuống thuyền mà ngồi (13, 1-2)[1].

Chúng ta hay nghĩ Đức Giê-su ngự trên ngai hay trên tòa; nhưng ở đây, Ngài hiện diện thật là bình dị và thật là gần gũi giữa chúng ta. Và Đức Giê-su thích hiện diện ở giữa chúng ta như thế đó: ngay trong môi trường sống của chúng ta, ngay trong cuộc sống bình thường của chúng ta, ngay trong giáo xứ của chúng ta, ngay gia đình của chúng ta, ngay ở giữa những vấn đề cuộc sống của chúng ta, và thậm chí, ngay trong lòng của chúng ta, qua Lời của Ngài và bí tích Thánh Thể, được ban cho chúng ta hằng ngày.

 2. Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn

Ngoài ra, Đức Giê-su còn trở nên gần gũi với chúng ta trong lời giảng dạy nữa, bởi vì Ngài dùng dụ ngôn mà giảng dạy; và chúng ta nên biết rằng, nói về Thiên Chúa bằng dụ ngôn là cách thức giảng dạy đặc trưng nhất của Đức Giêsu, bởi vì theo các tác giả Tin Mừng: “Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13, 34; Mc 4, 34). Và như chúng ta đều đã biết, những dụ ngôn Đức Giêsu kể luôn là một câu chuyện đến từ kinh nghiệm cuộc sống; chẳng hạn dụ ngôn muời cô mang đèn đi đón chàng rể, dụ ngôn những yến bạc, dụ ngôn chiên và dê, dụ ngôn người cha nhân hậu, dụ ngôn nắm men, dụ ngôn hạt cải, và nhất là dụ ngôn Hạt Giống và Người Gieo Giống. Dụ ngôn là những câu chuyện đến từ kinh nghiệm đời thường, nhưng khi được Đức Giê-su kể, lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, kín ẩn về Nước Trời, như thánh sử Mát-thêu tường thuật trong bài Tin Mừng

Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn,
công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa. 
(c. 35)

Hơn nữa, dụ ngôn còn có một đặc điểm tuyệt vời nữa là có nhiều nghĩa, giống như một bức tranh; và vì thế, dụ ngôn rất tôn trọng ngôi vị và tự do của người nghe, như chính Đức Giê-su hay kết thúc dụ ngôn bằng câu nói: “Ai có tai thì nghe”. Người nghe có thể tự do chú ý đến bất cứ chi tiết nào, hay tự do đặt mình vào bất cứ nhân vật nào trong dụ ngôn, và tự mìmh khám phá ra ý nghĩa tùy theo kinh nghiệm sống, vấn đề và tâm trạng hiện có của mình. Đức Giê-su thích dùng dụ ngôn là vì vậy, Ngài tôn trọng ngôi vị và tự do của chúng ta, dù chúng ta là ai và đang ở trong tình trạng nào.

 3. Dụ ngôn hạt cải và nắm men

Hai dụ ngôn hạt cải và nắm men diễn tả Nước Trời là hai dụ ngôn rất nhỏ bé và rất tự nhiên (nghĩa là không có những yếu tố “lạ thường” mà các dụ ngôn thường có), nhỏ bé và tự nhiên như chính hình thức (rất ngắn) và nội dung của dụ ngôn (hạt cải và nắm men nhỏ bé khiêm tốn). Tuy nhiên, niềm hy vọng mà hai dụ ngôn này có thể khơi dậy nơi tâm hồn người nghe thì rất to lớn và rất siêu nhiên:

Niềm hy vọng to lớn. Bất chấp tất cả, bất chấp Sự Dữ, bất chấp những hoàn cảnh khó khăn hay bất lợi, bất chấp những giới hạn, yếu đuối, tội lỗi của loài người, của người khác, của anh em, của chị em và của chính chúng ta, bất chấp hạt giống rất nhỏ bé mong manh đang có trong thế giới, trong cộng đoàn và trong lòng chúng ta, Nước Trời mà chúng ta hy sinh cả đời để xây dựng trong hành trình đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi gia đình hay ơn gọi dâng hiến, tất yếu sẽ hiện hữu, lớn mạnh và đạt tới sự viên mãn. Hình ảnh cây cải cành lá sum suê đến độ chim trời làm tổ trên cành được và hình ảnh cả ba thúng bột dậy men diễn tả sự viên mãn tất yếu của Nước Trời.

Niềm hy vọng siêu nhiên. Bởi vì đó chỉ có thể là công trình của Thiên Chúa, công trình kì diệu diễn ra trước mắt chúng ta. Thật ra, ngay trong tiến trình lớn lên tự nhiên của hạt cải, tiến trình dậy men tự nhiên trong ba thúng bột, đã có điều gì đó là siêu nhiên rồi, trong mức độ con người không thấu suốt và làm chủ được hoàn toàn.

Điều mà hai dụ ngôn này muốn diễn tả, đang được thực hiện cho cộng đoàn chúng ta, cho từng người chúng ta mỗi ngày ngang qua việc đọc và cầu nguyện với Lời Chúa, ngang qua Thánh Lễ được cử hành và ngang qua ngày sống được nuôi dưỡng bằng Lời và Mình của chính Đức Ki-tô. Từng ngày và từng ngày, dù bất cứ điều gì đã xẩy ra trong nội tâm của chúng ta, tất cả chúng ta, từng người và cả cộng đoàn, đã được Chúa gieo hạt giống và tất cả đã được Chúa vùi vào một nắm men. Hạt giống và nắm men thật nhỏ bé và mong manh, nhưng tất yếu sẽ trở nên to lớn và bền vững. Bởi vì đó là sức mạnh tất yếu của Lời Chúa. Hạt giống và nắm men chính là Lời Chúa, như chính Đức Chúa nói qua miệng ngôn sứ Isaia:

Lời TA, một khi xuất phát từ miệng ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó. (Is 55, 11)

Trong bữa tiệc li, theo Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu nói: « Anh em là bạn của Thầy » và « Không có ai có tình yêu lớn hơn người từ bỏ sự sống cho những người bạn của mình » (Ga 15, 13-14). Qua hành vi trao bánh và rượu cho các môn đệ, qua hành vi rửa chân của các ông, Đức Giêsu muốn thánh Phê-rô và tất cả chúng ta hiểu ra rằng, Ngài không chỉ muốn gieo Lời của Ngài, nhưng còn muốn gieo chính bản thân của Ngài. Vì Lời của Ngài và Ngôi Vị của Ngài là một, như chính Ngài đã ví mình như hạt lúa:

Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. (Ga 12, 24)

Hạt giống và nắm men chính là Sự Thiện và Sự Sống nơi Đức Kitô, mạnh hơn Sự Dữ và Sự Chết. Chính vì thế, sự viên mãn của Nước Trời là tất yếu.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

…………………………………………………………….

[1] Hình ảnh này đã có thể nói cho chúng ta mầu nhiệm Vượt Qua rồi: đám đông sẽ xổ đẩy Ngài vào sự chết, và Ngài cứ để như thế, để làm cho dụ ngôn Người Gieo Giống được hoàn tất cách trọn vẹn: Người Gieo Giống gieo chính mình, vì ngôi vị của Ngài là Hạt Giống, sẽ sinh hoa kết quả gấp trăm, khi “được gieo” vào lòng đất.

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

 

Monday (July 30):  What the kingdom of heaven is like

Scripture: Matthew 13:31-35  

31 Another parable he put before them, saying, “The kingdom of heaven is like a grain of mustard seed which a man took and sowed in his field; 32 it is the smallest of all seeds, but when it has grown it is the greatest of shrubs and becomes a tree, so that the birds of the air come and make nests in its branches.” 33 He told them another parable. “The kingdom of heaven is like leaven which a woman took and hid in three measures of flour, till it was all leavened.” 34 All this Jesus said to the crowds in parables; indeed he said nothing to them without a parable. 35 This was to fulfil what was spoken by the prophet: “I will open my mouth in parables, I will utter what has been hidden since the foundation of the world.”

 

Thứ Hai     30-7          Nước trời giống như cái gì

Mt 13,31-35

 31 Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình.32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.”33 Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”34 Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn,35 hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.

 

Meditation: 

What can mustard seeds and leaven teach us about the kingdom of God? The tiny mustard seed literally grew to be a tree which attracted numerous birds because they loved the little black mustard seed is produced. God’s kingdom works in a similar fashion. It starts from the smallest beginnings in the hearts of men and women who are receptive to God’s word. And it works unseen and causes a transformation from within.

The hidden power of transforming seeds and leaven 

Leaven is another powerful agent of change. A lump of dough left to itself remains just what it is, a lump of dough. But when the leaven is added to it a transformation takes place which produces rich and wholesome bread when heated – the staple of life for humans.

God’s word has the power to transforms us 

The kingdom of God produces a transformation in those who receive the new life which Jesus Christ offers. When we yield our lives to Jesus Christ and allow his word to take root in our heart, we are transformed and made holy by the power of the Holy Spirit who dwells in us. Paul the Apostle says, “we have this treasure in earthen vessels, to show that the transcendent power belongs to God and not to us” (2 Corinthians 4:7). Do you believe in the transforming power of the Holy Spirit?

“Heavenly Father, fill me with your Holy Spirit and transform me into the Christ-like holiness you desire. Increase my zeal for your kingdom and instill in me a holy desire to live for your greater glory.”

Suy niệm:

Những hạt cải và bột men có thể dạy chúng ta về điều gì về nước Chúa? Hạt cải nhỏ xíu thật sự lớn lên thành một cây, thu hút nhiều chim chóc, bởi vì chúng thích hạt cải nhỏ màu đen mà nó sinh sản ra. Nước Chúa thực hiện trong một cách thức tương tự. Nó bắt đầu từ những khởi đầu nhỏ bé nhất trong lòng những người tiếp nhận lời Chúa. Và nó hoạt động âm thầm và gây ra sự biến đổi từ bên trong.

 

Sức mạnh ẩn tàng của hạt giống và men bột biến đổi

Bột men là một chất có sức mạnh biến đổi khác. Một nắm bột còn thừa cũng chỉ là một nắm bột. Nhưng khi bột men được thêm vào, sự biến đổi diễn ra, tạo cho miếng bánh sự đậm đà và lành mạnh khi nó được nướng lên – yếu tố chính của cuộc sống con người.

Lời Chúa có sức mạnh biến đổi chúng ta

Vương quốc của Chúa phát sinh sự biến đổi trong những ai đón nhận sự sống mới mà Đức Giêsu ban tặng. Khi chúng ta đầu hàng Đức Giêsu Kitô, cuộc đời chúng ta được biến đổi bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng ở trong chúng ta. Thánh Phaolô tông đồ nói rằng “Chúng ta có kho tàng này đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2Cor 4,7) Bạn có tin tưởng trong sức mạnh biến đổi của Chúa Thánh Thần không?

Lạy Cha trên trời, xin lấp đầy lòng con Thánh Thần của Cha và biến đổi con trong sự thánh thiện như Đức Kitô mà Chúa mong ước. Xin Cha gia tăng sự nhiệt thành của con dành cho vương quốc của Người, và khơi dậy trong con một ước muốn thánh thiện để sống cho vinh quang lớn hơn của Chúa.

 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Từ khóa:

đàn bà

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận