Thánh Gioan Maria Vianê

Đăng lúc: Thứ bảy - 04/08/2018 01:49 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thánh Gioan Maria Vianê, linh mục. Lễ nhớ.

"Hêrôđê sai người đi chặt đầu Gioan, và các môn đệ của Gioan đi báo tin cho Chúa Giêsu".

 

 

Lời Chúa: Mt 14, 1-12

Khi ấy quận vương Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: "Người này là Gioan Tẩy Giả, ông từ cõi chết sống lại, nên mới làm được các phép lạ như vậy".

Tại vì Hêrôđia vợ của anh mình mà vua Hêrôđê đã bắt trói Gioan tống ngục, bởi Gioan đã nói với vua rằng: "Nhà vua không được lấy bà ấy làm vợ". Vua muốn giết Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi Gioan như một tiên tri. Nhân ngày sinh nhật của Hêrôđê, con gái Hêrôđia nhảy múa trước mặt mọi người, và đã làm cho Hêrôđê vui thích. Bởi đấy vua thề hứa sẽ ban cho nó bất cứ điều gì nó xin. Được mẹ nó dặn trước, nên nó nói: "Xin vua đặt đầu Gioan Tẩy Giả trên đĩa này cho con". Vua lo buồn, nhưng vì đã trót thề rồi, và vì các người đang dự tiệc, nên đã truyền làm như vậy.

Ông sai người đi chặt đầu Gioan trong ngục, và để đầu Gioan trên đĩa đem trao cho cô gái, và nó đem cho mẹ nó. Các môn đồ của Gioan đến lấy xác thầy và chôn cất, rồi đi báo tin cho Chúa Giêsu.

 

 

 

Suy Niệm 1: Tương Quan Giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu

Trong Tin Mừng hôm nay, tác giả hai lần nhắc đến Gioan Tẩy giả trong tương quan với Chúa Giêsu.

Ở khởi đầu trình thuật, vua Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì ông cho đó chính là Gioan Tẩy giả, người mà ông đã cho chém đầu nay sống lại. Ơn gọi của Gioan Tẩy giả như chính miệng ông Zacaria loan báo trong ngày lễ đặt tên cho con mình: "Con là tiên tri của Ðấng tối cao, con sẽ đi trước dọn đường cho Ngài". Ơn gọi đó Gioan đã chu toàn một cách tốt đẹp. Gioan chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến, không những bằng việc rao giảng thống hối, mà còn bằng chính cái chết vì trung thành với sự thật. Dung mạo của Gioan Tẩy giả loan báo dung mạo của Chúa Giêsu một cách tốt đẹp, đến nỗi khi Chúa Giêsu xuất hiện, vua Hêrôđê tưởng Ngài là hiện thân của Gioan Tẩy giả sống lại.

"Các con sẽ làm chứng về Thầy", đó là mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho các Tông đồ, cho mỗi môn đệ của Chúa. Chúng ta cần trở nên một Chúa Kitô cho anh em mình, vận mệnh của Chúa sẽ là vận mệnh của chúng ta.

Một chi tiết nữa, đó là các môn đệ Gioan Tẩy giả, sau khi chôn cất ông xong, thì đến báo tin cho Chúa Giêsu. Chi tiết này nói lên mối liên hệ thân tình giữa Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Gioan Tẩy giả là hướng về Chúa Giêsu. Gioan Tẩy giả không phải là Chúa Giêsu, nhưng là người giúp anh em mình đến với Chúa. Chính Gioan Tẩy giả đã tuyên bố: "Tôi không phải là ánh sáng, nhưng tôi đến để làm chứng cho ánh sáng".

Người Kitô hữu được mời gọi sống hướng về Chúa, kết hợp với Chúa, trở thành một Chúa Kitô thứ hai cho anh em. Nhưng đó là để giúp anh em đến với Chúa, chứ không dừng lại nơi mình. Người Kitô hữu không được chiếm chỗ của Chúa trong tâm hồn anh em: Chúa Kitô phải lớn lên trong tâm hồn anh em, còn tôi chỉ là phương thế, tôi không được cản trở anh em đến với Chúa.

Xin Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm và trung thành với sự thật, dù phải hy sinh chính mạng sống mình, để giúp người khác đến với Chúa và tin nhận Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Chết Cho Sự Thật (Mt 14,1-12)

Lịch sử nhân loại lúc nào cũng có chiến tranh, lúc nào cũng có hận thù. Khi thánh Gioan Tẩy Giả bị chém đầu cách đây hai ngàn năm, người ta cũng xôn xao bàn tán về cái chết của ngài. Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Mátthêu đã ghi lại hoàn cảnh cái chết của vị tiền hô. Ngài chết vì đã nói lên sự thật. Ngài chết cho sự thật. Tín hữu Kitô là những người đã đi theo Ðấng đã từng tuyên bố: "Ta là sự thật". Họ phải là những người sẵn sàng chết cho sự thật ấy.

Trong một cuộc thăm dò do viện Galup thực hiện, sáu mươi chín phần trăm người dân Mỹ cho biết họ tin là không có những chuẩn mực luân lý tuyệt đối. Trong một cuộc thăm dò khác, bảy mươi mốt phần trăm nói rằng không hề có một chân lý tuyệt đối. Không có chân lý tuyệt đối, cho nên theo họ chỉ có chân lý của số đông. Tiêu chuẩn của chân lý là số đông. Ðiều gì đám đông nghĩ, đám đông tin, đám đông bỏ phiếu, đám đông tán thành, là đúng. Chính vì tiêu chuẩn của chân lý là đám đông, nên có biết bao nhiêu hành động tội ác được hợp pháp hóa bởi vì đám đông đã tán thành. Còn gì độc ác dã man cho bằng hành động phá thai, nhưng nó đã được hợp pháp hóa bởi vì đám đông đã đồng tình.

Ðấng là sự thật đã chết trơ trụi một mình trên thập giá. Tuyên xưng mình là sự thật, sống cho sự thật, thường cũng đòi hỏi người tín hữu Kitô phải lội ngược dòng. Sự thật không có tính vụ lợi. Sự thật không được đánh giá bằng những lợi lộc hay đổi chác. Sự thật đòi hỏi con người phải hy sinh tất cả để nói lên sự thật và trung thành với sự thật. Sống chết cho sự thật, không có phần thưởng nào khác hơn là chính sự thật, bởi lẽ vì sống cho sự thật có thể mất hết mọi sự nhưng không đánh mất chính mình.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Chân Lý

Thời ấy tiểu vương Hê-rô-đê nghe danh tiếng Đức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Đó chính là ông Gio-an Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết chỗi dậy, nên quyền làm phép lạ mới tác động nơi ông.” (Mt. 14, 1-2)

Đoạn này kề về cuối đời của thánh Gio-an Tiền Hô, một con người bảo vệ chân lý. Ngài đã trung thành sống với Lời Ngài giảng. Đó chính là đức tính của vị ngôn sứ.

Ngôn sứ là ai?

Ngày nay quá nhiều kẻ tuyên bố sự thật. Họ rêu rao sự thật đến rát cổ mỏi miệng.

Có kẻ tách khỏi Giáo Hội và xỉ nhục điều này điều kia của Giáo Hội, phỉ nhổ vị này vị kia. Kẻ đó không phải là kẻ chân chính.

Gio-an Tiền Hô thành chướng ngại vật, là lời khiển trách sống động đới với Hê-rô-đê và với chúng ta nữa. Ngài không nói: “Hãy làm như tôi!” nhưng Ngài nói: “Đó là huấn lệnh của Chúa!” Thính giả nghe Ngài, nhưng còn phải nhìn kỹ Ngài sống thế nào! cần phải chiêm ngắm chân lý của sứ ngôn và đời sống của Ngài, thì họ sẽ không còn dám sống ích kỷ nữa.

Ngày nay thì sao?

Ngày nay có nhiều ngôn sứ không?

Ngôn sứ là người loan báo Đức Giêsu Kitô. Ông phải làm chứng về Đức Kitô.

Đức Giêsu là ai? Ngôn sứ phải nói về Người như thế nào cho thế hệ hiện tại: trước hết chúng ta phải nói đến quá khứ, kể lại Tin Mừng: nói về sự sống lại của Người, về con người mới mà Người đã làm chúng ta trở lên con người mới đó.

Ngôn sứ không được vì mình, nhưng phải là chứng nhân cho thế hệ hiện tại.

J.M

 

Suy Niệm 4: CHỨNG NHÂN CHO SỰ THẬT (Mt 14, 1-12)

Khi xem các chương trình nhạc kịch, khán giả thường có những nhận xét đúng – sai cũng như đặc điểm của vai diễn qua các nhân vật. Ngoài ra, độc giả còn nhận thấy hình ảnh của mình thông qua con người và diễn xuất của các nghệ sĩ…

Hôm nay, trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy xuất hiện 4 nhân vật, mỗi nhân vật mang một nét đặc trưng riêng cả về nhân thân và lối sống. Các nhân vật đó là: Gioan Tẩy Giả; vua Hêrôđê; bà Hêrôđia; và, con gái bà Hêrôđia. 4 nhân vật đó như thế nào? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu.

Thứ nhất là Gioan Tẩy giả:

Gioan Tẩy giả là ngôn sứ vĩ đại, đến để loan báo về Đấng Cứu Thế và chuẩn bị lòng dân đón nhận Ngài. Vì thế, ông đã biểu lộ vai trò ngôn sứ bằng một thái độ sống hết sức khiêm tốn, hy sinh, can đảm, mạnh mẽ và bất khuất trước bạo lực, cho dù phải chịu tù đày và chết tróc.

Thứ hai là vua Hêrôđê:

Ông được biết đến như một kẻ ác nhân. Ông đã lộng hành khi dùng quyền. Coi thường đạo lý và buông theo sắc dục mà bất chấp đúng - sai. Ông đã làm trái với lương tâm khi truyền lấy đầu ông Gioan để thỏa mãn điều thề hứa bất chính của mình.

Thứ ba là Bà Hêrôdia:

Vì ưa thích điều bất chính, nên đã không chấp nhận sự thật mà Gioan loan báo. Vì thế, lòng thù ghét nổi lên như nước thủy triều. Thay vì dạy dỗ con mình làm điều tốt, bà lại xúi con mình làm điều bất chính khi xin vua lấy đầu Gioan Tẩy Giả. Sự ác tâm này là con đẻ của hận thù và ghen ghét vì mối lợi trước mắt.

Thứ tư là con gái bà Hêrôdia:

Cô gái trẻ này được biết đến như một nhân vật có tài mà không có đức. Vì thế, thay vì sử dụng tài của mình để làm việc thiện, cô ta đã dùng nó như là một thứ mua vui thuần túy và phá hoại. Tệ hơn nữa là cô không hề áy náy khi biết rõ rằng việc mình làm chỉ là để thỏa nãm sắc dục của vua quan và phục vụ sự hận thù của mẹ cô với Gioan Tẩy giả.

Trong cuộc sống hôm nay, không thiếu gì những hình ảnh của Hêrôđê đang hiện ra qua những hành động của những người chỉ thích ham mê sắc dục, bất chấp sự thật để làm những điều lỗi lầm ghê tởm.

Cũng vẫn còn đó nơi ta hình ảnh của bà Hêrôdia. Nhiều lúc, thay vì dạy con làm điều tốt, thì lại chỉ vẽ cho trẻ những điều sai trái, miễn sao đạt được điều bất chính nơi ta mà thôi. Và cũng không thiếu những sự ngộ nhận nơi ta như con gái bà Hêrôdia…

Thế nhưng, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mang trong mình hình ảnh và đặc tính của Gioan Tẩy Giả. Luôn tìm mọi cách để Lời Chúa được loan báo mọi nơi, mọi lúc. Sẵn sàng chấp nhận hy sinh và ngay cả cái chết để làm chứng cho Thiên Chúa và sự thật về Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được yêu mến Lời Chúa và sẵn sàng rao giảng Lời ấy cho mọi người, dù có phải hy sinh. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 5: Vì đã trót thề

Suy niệm:

Theo các sách Tin Mừng, Gioan bị giết trong khung cảnh một bữa tiệc.

Đó là tiệc mừng sinh nhật Hêrôđê Antipas là tiểu vương vùng Galilê và Pêrê.

Nếu thế, bữa tiệc này hầu chắc diễn ra ở Tiberias,

một thành gần hồ Galilê, nơi Hêrôđê đặt trung tâm quyền lực của mình.

Gioan bị giết vì dám phản đối cuộc hôn nhân bất hợp pháp

giữa Hêrôđê với bà Hêrôđia là vợ của Philíp,

người anh cùng cha khác mẹ với mình.

Chuyện ngoại tình của Hêrôđê bị Gioan Tẩy giả kết án là có thể hiểu được.

“Ngài không được phép lấy bà ấy” (c. 4).

Lấy vợ của người anh em là phạm đến Luật Chúa (Lv 18, 16; 20, 21).

Gioan là một ngôn sứ không lùi bước trước sự bất công.

Ông đã sẵn sàng bênh vực sự thật, dù ông biết cái giá phải trả.

Hêrôđê đã dùng quyền lực để ép Gioan phải im miệng.

Ông bắt Gioan, xiềng lại và tống vào ngục.

Chỉ vì sợ phản ứng của dân chúng mà Hêrôđê chưa muốn giết Gioan.

Bữa tiệc sinh nhật của Hêrôđê hẳn có nhiều quan khách tham dự.

Chuyện cô công chúa như Salômê, con bà Hêrôđia, múa cho quan khách xem,

là một chuyện lạ, nhưng vẫn có thể đã xảy ra.

Không rõ vì cô xinh đẹp hay vì múa giỏi mà Hêrôđê ngây ngất (c. 6).

Từ đó Hêrôđê không còn đủ sáng suốt, tỉnh táo,

khi vội vã đưa ra một lời hứa kèm theo lời thề với cô.

Cô muốn xin gì, nhà vua cũng thề hứa ban cho (c. 7).

Chúng ta thấy Hêrôđê đã tự đưa mình vào thế kẹt dại dột và nguy hiểm.

Ông đã không lường được hậu quả của chuyện đó.

Hêrôđia chỉ chờ cơ hội này để thanh toán kẻ dám phá hạnh phúc của bà.

Bà đã xúi con gái xin ngay thủ cấp của Gioan, đặt trên mâm.

Hêrôđê hẳn đã lặng người khi nghe cô bé xin điều ấy.

Ông lấy làm đau buồn vì đây thật là chuyện không ngờ (c. 9).

Ông bị đặt trước một chọn lựa: giết hay không giết Gioan.

Đám đông quan khách tạo một áp lực vô hình trên ông.

Vì đã lỡ thề hứa trước mặt họ, nên ông không dám rút lại.

Ông sợ rút lại sẽ bị mang tiếng là nuốt lời, và sẽ bị mất uy tín.

Hêrôđê đã chọn mình, chọn danh dự và cái ghế của mình hơn.

Ông hy sinh Gioan để giữ được tiếng tăm và tình yêu với bà Hêrôđia.

Làm sao chúng ta có can đảm nhận ra mình sai lầm và dừng lại ?

Làm sao chúng ta không bị cuốn từ tội này sang tội khác ?

Rút lại một lời hứa có khi còn khó hơn giữ lời hứa ấy.

Hêrôđê là người bị nô lệ bởi nỗi sợ, sợ Gioan, sợ dân, sợ quan khách…

Đúng hơn là ông sợ mất chính mình, sợ người ta nghĩ xấu về mình.

Có những lúc chợt tỉnh ngộ, tôi vẫn ngần ngại không muốn nhận mình sai.

Tôi không dám nhận lỗi, vì tôi muốn mình vẫn đúng.

Xin Chúa đưa tôi ra khỏi cơn mê muội của tôi.

 

Cầu nguyện :

Như thánh Phaolô trên đường về Đamát,

xin cho con trở nên mù lòa

vì ánh sáng chói chang của Chúa,

để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.

Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,

ánh sáng phá tan bóng tối trong con

và đòi buộc con phải hoán cải.

Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối

chỉ vì chút tự ái cỏn con.

Xin cho con khiêm tốn

để đón nhận những tia sáng nhỏ

mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.

Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý

để Chân lý cho con được tự do.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

 

Sống chết vì sứ vụ.

04/08 – Thứ bảy đầu tháng, tuần 17 thường niên – Thánh Gioan Maria Vianê, linh mục. Lễ nhớ. BỔN MẠNG CÁC LINH MỤC.

“Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ”

 

 

* Thánh nhân sinh năm 1786 tại Lyon. Sau biết bao khó khăn gian khổ, người làm linh mục và được giao phó nhiệm vụ làm cha sở họ Ars thuộc giáo phận Benle.

Người quả là vị mục tử gương mẫu: hoàn toàn lo việc loan báo lời Thiên Chúa, giải tội, cầu nguyện và hãm mình. Có nhiều lúc, khuôn mặt người rạng rỡ khác thường, nhờ tình yêu bắt nguồn từ bí tích Thánh Thể mà người đem hết lòng sốt sắng để vừa cử hành, vừa thờ phượng. Người qua đời năm 1859.

 

BÀI ĐỌC I: Ed. 3, 16-21 // ĐÁP CA: Tv 80, 3-4. 5-6ab. 10-11ab

ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a // PHÚC ÂM: Mt 9,35 – 10,1

Lời Chúa: Mt 9,35 – 10,1

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.

Và Người liền triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền.

 

Suy niệm 1: Linh mục, bổn mạng các linh mục

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ thánh Gioan Maria Vianney. Đây là một vị đại thánh của Giáo Hội.

Thánh Gioan Maria Vianney, sinh ngày 8 tháng 5 năm 1786 tại Lyon nước Pháp và sau bao nhiêu khó khăn gian khổ, Gioan Maria Vianney được chịu chức linh mục và được giao phó nhiệm vụ làm cha sở họ Ars, một giáo xứ vừa nghèo vừa khô khan nguội lạnh. Cha Gioan Maria Vianney đã lãnh nhận giáo xứ này với tinh thần vâng phục cao độ. Ngài quả là vị mục tử gương mẫu.

Cuộc đời của ngài là cuộc đời chỉ biết lo cho việc loan báo Lời Thiên Chúa, giải tội, cầu nguyện và hãm mình. Có nhiều lúc, khuôn mặt ngài rạng rỡ khác thường, nhờ tình yêu bắt nguồn từ bí tích Thánh Thể mà ngài đem hết lòng sốt sắng để vừa cử hành, vừa thờ phượng.

Khi mới 8 tuổi ngài mới học đọc và biết viết. Vì nhà nghèo nên được cha sở nuôi dạy, và sau đó đã đưa ngài vào chủng viện. Vào trong chủng viện ngài không học được gì cả.

Ngày kia, một giáo sư thần học, thừa lệnh Đức Giám mục đến khảo sát Vianney xem có đủ khả năng học vấn để tiến tới chức Linh mục không. Nhưng Vianney không thể trả lời câu nào.

Nổi nóng, vị giáo sư đập bàn, nói: "Vianney, anh dốt đặc như con lừa! Với một con lừa như anh, Giáo Hội hy vọng làm nên trò trống gì!"

Vianney khiêm tốn bình tĩnh trả lời: "Thưa thầy, ngày xưa Samson chỉ dùng một cái xương hàm con lừa mà đánh bại 3.000 quân Philitinh. Vậy với cả một con lừa này, chẳng lẽ Thiên Chúa không làm được việc gì sao?"

Cuộc cách mạng 1789 bùng nổ khiến thầy Vianney phải bỏ dở việc học. Nhưng sau đó thầy tìm hết cách để tự học dưới sự dìu dắt của cha xứ. Nhưng khổ thay, học mấy cũng chẳng nhớ. May lúc ấy địa phận gặp phải cảnh khan hiếm linh mục nên Vianney được bề trên gọi về để khảo hạch. Và lẽ dĩ nhiên là lần nào Vianney cũng trượt.

Vianney không nản lòng, cứ tiếp tục học. Cuối cùng, bề trên thấy thầy bền chí quá bèn gọi cha xứ đến để hỏi về thầy:

- Thầy có lòng đạo đức không?

- Thưa có.

- Thầy có kính mến phép Thánh Thể?

- Thưa có.

- Thầy có siêng năng lần hạt không?

- Thưa có.

 Cha chính quyết định: “Thôi, cho thầy chịu chức vì thầy bền chí, chứ nếu cứ khảo hạch mãi thì không bao giờ đỗ được”.

Như vậy thầy Gioan Maria Vianney được làm Linh mục là nhờ "phép chuẩn". Vì tuy học hành kém cỏi, đầu óc mù tịt, nhưng nhờ có lòng đạo đức và sự bền chí mà ngài đã được thụ phong Linh mục.

Nhưng khi làm Linh mục rồi, Chúa đã ban cho ngài rất nhiều ơn đặc biệt đề cứu các linh hồn, đến nỗi một lần kia, quỷ Satan đã phải nói với ngài: "Nếu trên thế giới có hai đứa như mày thì bọn tao đành phải thất nghiệp mất".

Nhìn vào "cuốn tự điển cuộc sống" của thánh Vianney, người ta đọc thấy toàn là những chữ: ăn chay, hãm mình, đền tội, khổ hạnh... Nhìn vào gương mặt của ngài, người ta cũng gặp thấy toàn là những nét: gian truân, khắc khổ, lao nhọc, đau thương... Thế nhưng, trong con người ấy lại chói ngời một quả tim luôn tươi vui, từ ái và yêu thương đối với hết mọi người.

Hàng ngày, vào khoảng 12 giờ, cha Vianney rời nhà thờ và trở về nhà xứ để ăn trưa. Đến một giờ, ngài lại vào toà giải tội và ngồi ở đó mãi cho đến tối. Trong khoảng thời gian nghỉ ngơi vắn vỏi ấy, cha Vianney phải tranh thủ để làm nhiều bao công việc. Thường khi ăn cơm bao giờ ngài cũng đứng, vì ngồi thì sợ sẽ kéo dài giờ ra. Vừa ăn xong, ngài vội đi thăm các trẻ mồ côi, các em mẫu giáo... Ai cũng thấy ngài vui tươi âu yếm và sung sướng giữa những tâm hồn đơn sơ ấy. Từ giã các em, ngài rảo bước đến nhà các kẻ ốm liệt; gặp ai dọc đàng, ngài cũng ủi an thăm hỏi. Các gia đình đều mong cha sở đến thăm, vì đối với họ, dường như nơi ngài tàng ẩn một niềm vui không bao giờ cạn.

Lúc trở lại nhà thờ ngài thường trao đổi một vài lời vắn tắt, có lúc rất dí dỏm, hài hước với các khách hành hương đang đứng trước sân nhà thờ chờ đến lượt vào toà xưng tội.

Lần nọ, cha Vianney gặp một bà trong xứ đến chào ngài. Biết rõ bà là người thật lắm mồm lắm mép, ăn nói huyên thuyên suốt ngày, ngài liền hỏi:

- Trong suốt năm, có tháng nào con nói ít hơn mọi tháng không?

Bà ta bỡ ngỡ, ấp úng thưa:

- Thưa cha, con thì quen thói rồi, tháng nào cũng nói như nhau cả.

- Không, có một tháng con nói ít hơn, con biết tháng nào không?

Bà ấy ngẩn ngơ:

- Tháng nào thưa cha?

- Tháng Hai dương lịch, vì tháng đó chỉ có 28, 29 ngày thôi.

Ai nấy cười phá lên. Ngài vội vã bước vào toà giải tội.

Lần khác, cha Vianney thấy ở trước sân nhà thờ có một quầy hàng bán chuỗi, tượng ảnh và có cả hình của ngài nữa. Ngài bèn dừng lại, cầm lấy tấm hình của mình đưa lên cao cho mọi ngài xung quanh coi và nói:

- Thiên hạ dại dột thật. Cái hình nhăn nheo như con khỉ khô thế này mà cũng phải mua mất một đồng quan!

Các người chung quanh được dịp cười bể bụng vui vẻ. Cha Vianney cũng cười theo, trả tấm ảnh lại rồi bước vào nhà thờ.

Về sau, Vianney đã trở thành một vị thánh thời danh, thu hút nhiều tâm hồn trở về với Chúa.

Đời sống thánh Gioan Maria Vianney quả là một tấm gương hy sinh vì Chúa và các linh hồn, đúng như lời thánh nhân thường nói: "Hạnh phúc cho một vị linh mục được chết kiệt sức vì phục vụ Chúa và các linh hồn." Hạnh phúc ấy đã đến với thánh Gioan Maria Vianney vào ngày 2 tháng 8 năm 1859. Thánh nhân lãnh nhận Bí tích Xức dầu bệnh nhân và Bí tích Thánh Thể, ngài cầu nguyện: "Lạy Chúa, Chúa quảng đại quá khi con không đến với Chúa được, thì Chúa đến với con". Ngày 4 tháng 8 năm 1859, khi vị linh mục đọc kinh cầu nguyện cho người hấp hối đến câu: "Xin các thiên thần Chúa đến rước linh hồn Gioan vào thành thánh Giêrusalem”, thánh nhân trút hơi thở cuối cùng một cách êm ái. Ngài hưởng thọ 73 tuổi; làm cha sở họ Arc được 41 năm.

Tin thánh Gioan Maria Viannê qua đời đã lôi kéo cả một biển người đổ xô về giáo xứ Arc. Đoàn người đông đảo đã đi qua trước xác thánh nhân suốt 48 tiếng đồng hồ.

Đức Giám mục giáo phận đã đến chủ sự Thánh lễ an táng và giảng thuyết: ngài nhấn mạnh rằng bao thế kỷ mới được thấy một cuộc đời linh mục như Thánh Gioan Maria Vianney. Thánh nhân được an táng trong nhà nguyện thánh Gioan Tẩy Giả, bên cạnh toà giải tội mà người ta đã gọi là "phép lạ lớn nhất ở Arc".

Từ ngày ấy, biết bao nhiêu Hồng Y, Giám mục, linh mục đã đến quỳ cầu nguyện và đặt những cái hôn thành kính lên viên đá mộ thánh nhân. Ngày 31 tháng 5 năm 1925, thánh Gioan Maria Vianney được tuyên Hiển Thánh; và năm 1929, thánh nhân được đặt làm thánh bổn mạng các linh mục chính xứ trên toàn thế giới.

Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, Chúa đã làm cho thánh linh mục Gioan Maria nên một tấm gương tuyệt vời về lòng tận tụy hy sinh của một người mục tử. Vì lời thánh nhân chuyển cầu, xin cho chúng con hằng noi theo lòng bác ái của ngài mà cố gắng đem nhiều anh em về với Đức Kitô để muôn đời cùng nhau hưởng nguồn vinh phúc.

 

Suy niệm 2: BỔN MẠNG CÁC CHA XỨ (Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

Chúa chọn một người nào là hoàn toàn tự do theo ý của Ngài. Chúa không theo sự hướng dẫn của con người, Chúa tuyển lựa con người là do ơn huệ của Ngài. Thánh Gioan Maria Vianney được Chúa mời gọi, được Chúa tuyển chọn để trở nên môn đệ trung kiên của Ngài.

THÁNH GIOAN MARIA VIANNEY TRONG CUỘC SỐNG THẾ TRẦN:

Thánh nhân được sinh ra trong một gia đình nông dân đạo đức, luôn biết kính sợ Thiên Chúa vào năm 1786 tại Dardilly thuộc địa phận Lyon nước Pháp. Vì là Người được Thiên Chúa để ý, nên ngay từ hồi còn thơ ấu, thánh nhân đã sống một đời sống thánh thiện, tuân theo ý Chúa; ngay từ 8 tuổi, đi chăn chiên, chăn cừu, thánh Vianney đã biết làm gương dậy các bạn cùng trang lứa quỳ trước ảnh mẹ Maria lần chuỗi và suy gẫm những sự trên trời. Thánh nhân có lòng chạnh thương người nghèo, lưu tâm và tìm mọi cách, mọi phương thế để giúp đỡ họ. Thánh Vianney luôn kiên tâm, can đảm để vượt thắng vấn đề học hành vì Ngài không được thông minh đặc biệt như nhiều người khác. Ngài rất vất vả trên đường học vấn để tiến tới chức linh mục. Tuy nhiên, thánh Vianney luôn cậy trông, phó thác và cầu nguyện, Ngài phấn đấu, chăm chỉ học thần học. Chúa luôn ghé mắt đoái thương những tâm hồn thành tâm thiện chí và yêu thương những con người quyết tâm theo Chúa. Thánh Vianney đã được lãnh sứ vụ linh mục năm 1815. Ba năm sau vào năm 1818, thánh Vianney được bổ nhiệm làm cha sở họ Ars, một giáo xứ bé nhỏ, ít giáo dân thuộc miền Dombes.

THIÊN CHÚA ĐÃ DÙNG MỘT CON NGƯỜI XEM RA KHÔNG TÀI TRÍ ĐỂ BIẾN ĐỔI GIÁO XỨ, BIẾN ĐỔI THẾ GIỚI:

Thánh nhân nhận một giáo xứ dưới mắt người đời và dưới mắt các bạn hữu linh mục là một sự thua thiệt vì một linh mục chỉ có trong tay hơn trăm con chiên thử hỏi có bõ công gì ? Nhưng Thiên Chúa có cách của Người và đường lối của Người quả thực hoàn toàn khác lạ,hoàn toàn huyền nhiệm. Thánh Vianney luôn chu toàn trách nhiệm chủ chăn của mình Ngài chăm chỉ dậy giáo lý, hướng dẫn giáo dân, siêng năng đọc kinh nguyện gẫm chuyên cần giải tội. Thánh nhân đã được ơn Chúa đặc biệt, Ngài đã biến đổi giáo xứ nhỏ bé của Ngài trở nên điểm sáng chói ngời khắp thế giới, thu hút biết bao nhiêu người từ kắp nơi tới với Ngài nơi tòa cáo giải. Ngài đã ngồi tòa miệt mài từ giờ này qua giờ khác. Thiên hạ khắp nơi tuôn đến với Ngài như xưa dân chúng tấp nập tới với Chúa Giêsu để nghe Người giảng dậy khiến Người không có giờ nghỉ ngơi và cả không còn giờ ăn uống nữa. Thánh nhân đã làm việc không ngơi nghỉ, Ngài đã kiệt sức hơn là vì tuổi già. Thiên Chúa đã chọn những sự tầm thường để phá tan những sự cao sang.

THÁNH NHÂN RA ĐI VỀ VỚI CHÚA VÀ ĐƯỢC CHÚA THƯỞNG CÔNG:

Thánh nhân ra đi về cùng Chúa trong bình an vào ngày 04/8/1859. Chúa thưởng công Ngài bằng vô số những phép lạ sau khi Ngài qua đời.

Đức Thánh Cha Piô X nâng Ngài lên bậc chân phước. Đức Giáo Hoàng Piô XII trong dịp năm thánh 1925 phong Ngài lên bậc hiển thánh và đặt Ngài làm bổn mạng các cha xứ.

VÀI SUY NGHĨ VỀ THÁNH VIANNEY:

Thánh Gioan Maria Vianney đã thay đổi một giáo xứ nhỏ bé xem ra không là gì trước mắt thế gian, trở nên điểm sáng cho toàn thế giới về sự thánh thiện và đạo đức của Ngài. Nơi tòa giải tội, thánh nhân đã thực thi lòng bác ái tuyệt đỉnh của Ngài, thánh nhân họa lại chính con người thật của Đức Kitô, con người đầy tình thương xót và chạnh lòng tha thứ... Như Chúa Giêsu, Ngài đã cho nhân loại, cho những người đau khổ về phần hồn. Ngài đã miệt mài với sứ vụ, nhân loại sẽ không bao giờ quên được lời của Ngài nói:” Cái chết thật vô cùng tốt đẹp khi người ta đã chịu đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô”. Ơn gọi của thánh Vianney là do Chúa. Tất cả đều do sự chọn lựa nhưng không của Chúa. Tất cả do hồng ân của Chúa. Thánh Vianney đã sống ơn huệ tuyệt vời của Chúa và luôn sẵn sàng thông chia cho mọi người ơn huệ quí báu mà Ngài đã nhận được nơi Chúa.

Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, Chúa đã làm cho thánh linh mục Gioan Maria Vianney nên một tấm gương tuyệt vời về lòng tận tụy hy sinh của một người mục tử. Vì lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, xin cho chúng con hằng noi theo lòng bác ái của Người mà cố gắng đem nhiều anh em về với Đức Kitô để muôn đời cùng nhau hưởng nguồn vinh phúc (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Gioan Maria Vianney).

Xin thánh Vianney cầu thay nguyện giúp cho chúng con các linh mục quản xứ luôn biết noi gương bắt chước thánh nhân để chúng con siêng năng, chuyên cần giải tội và chăm chỉ ban phát các Bí Tích.

 

Suy niệm 3: BỔN MẠNG CÁC LINH MỤC

(Lm Micae Trần Đình Quảng)

“Có một người được Thiên Chúa sai đến…”

Đề tựa cho một cuốn sách viết về cha sở xứ Ars, Giám mục Henri Mazerat đã trích dẫn lời Phúc âm Gioan: “Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan” (Ga 1,6). Gioan Tẩy Giả được sai đến, mở đầu một khúc quanh của lịch sử là thời kỳ cứu thế do Đức Kitô thực hiện.

18 thế kỷ sau, một Gioan khác, Gioan Maria Vianney, cũng được Thiên Chúa sai đến, không tạo ra một khúc quanh, nhưng chính là một hiện tượng nổi bật trong đời sống Giáo Hội. Ngài không chỉ làm biến đổi hoàn toàn bộ mặt của một giáo xứ nhỏ bé heo hút ở miền nam nước Pháp, mà còn gây ảnh hưởng lan rộng tới tầm mức Giáo Hội.

Cuộc đời và hoạt động của Gioan Maria Vianney phản chiếu tuyệt vời những khía cạnh của Vị Mục Tử tối cao là Đức Giêsu. Được như vậy một phần là vì ước vọng duy nhất của ngài là trở thành một mục tử tốt. Theo ngài, một mục tử tốt là “kho tàng lớn lao nhất mà Thiên Chúa có thể ban cho một giáo xứ”, đồng thời là “một trong những hồng ân cao quý nhất của lòng thương xót Chúa”. “Sau Thiên Chúa thì linh mục là tất cả hạnh phúc của người kitô hữu”, vì “chức linh mục là tình yêu của Trái Tim Chúa Kitô”.

Chương trình của ngài gói gọn trong những chữ : biết, yêu, tận tụy, hạnh phúc.

Ngài biết con chiên và con chiên biết ngài.

Ngài yêu thương con chiên và hết lòng lo cho họ.

Là người lãnh đạo giáo xứ, ngài nhiệt thành hướng dẫn và dạy dỗ họ. Là thừa tác viên của lòng thương xót, ngài luôn là bạn của các tội nhân. Là mục tử của đàn chiên, ngài trở thành lễ vật của tình yêu cho họ.

Tất cả đều nhằm đem sự sống và hạnh phúc đến cho con người.

Mục tiêu này đã hé mở và được xác quyết ngay trong câu nói đầu tiên của ngài vào ngày đến xứ Ars. Sau khi cám ơn một em chăn cừu đã chỉ đường cho mình, ngài nói với em: “Con đã chỉ cho cha đường về xứ Ars, cha sẽ chỉ cho con đường về quê trời”.

 “Tôi sẽ đưa nhiều linh hồn về cho Chúa”

Những hoạt động biểu lộ lòng bác ái mục vụ sâu xa của cha Gioan thì rất nhiều, nhưng chỉ cần nhìn vào một công việc thôi cũng đủ cho thấy lòng bác ái ấy như thế nào. Đó là công việc ngồi tòa, việc giải tội. Nhiều người coi đây là chương đẹp đẽ nhất trong cuộc đời của cha thánh, là hoạt động sáng chói nhất trong nhiệm vụ của một mục tử.

Hồi còn trẻ, lúc mà chức linh mục mới chỉ là điều mơ ước, Gioan Maria Vianney đã có một tâm nguyện: “Nếu một ngày nào đó tôi được làm linh mục, tôi sẽ đưa nhiều linh hồn về cho Chúa”. Một khi làm linh mục, ngài đã thực hiện tâm nguyện ấy, và một trong những phương tiện ngài sử dụng là tòa giải tội. Chính tòa giải tội đã giúp ngài nhiều nhất trong việc đưa các linh hồn về cho Chúa. Chính tòa giải tội là nơi thể hiện rõ nhất lòng thương xót của Chúa cũng như của ngài đối với các chiên lạc. Chính tòa giải tội đã thu hút biết bao nhiêu người tìm đến với xứ Ars, để được ban ơn tha thứ cứu độ. Chính tòa giải tội, với hàng hàng lớp lớp tội nhân vây quanh, là phép lạ lớn nhất trong cuộc đời của vị thánh.

Các chứng nhân cho biết có nhiều ngày người cha tinh thần của họ đã ngồi tòa 18 giờ. Trong mùa đông, từ tháng 11 đến tháng 3, số khách hành hương ít hơn, ngài vẫn ngồi tòa 11-12 giờ. “Ngài chỉ rời khỏi đó khi đã làm hài lòng hầu như mọi người”.

Vào thời kỳ cao điểm, bình quân mỗi ngày có từ 300 đến 400 người xếp hàng xưng tội. Công việc vất vả và liên tục trong 30 năm này đã làm cho ngài kiệt lực, đến nỗi có lần ngài tự thú: “Khi tôi rời tòa giải tội, tôi phải lấy tay sờ vào đùi xem nó có còn ở đấy không. Đôi khi ra khỏi nhà thờ, tôi phải vịn vào tường mà đi cho khỏi ngã. Đầu tôi nặng trĩu. Thực sự tôi đã không biết mình chống lại như thế nào”. Cho tới cuối đời, ngài vẫn dành tất cả sức cùng lực kiệt để cứu tội nhân.

Những tội nhân này là ai ? Đủ mọi hạng người. Giám mục có, linh mục có, tu sĩ có, giáo dân có, sang hay hèn, học thức hay dốt nát, đều có tất. Họ kéo đến từ khắp nơi trong nước Pháp, kể cả từ Paris hoa lệ. Ở nhà ga Lyon, có loại vé tầu lửa riêng đi Ars, có giá trị trong 8 ngày, vì để có thể xưng tội, phải chờ đợi mấy ngày là chuyện thường. Cũng ở Lyon, mỗi ngày còn có những xe lớn chở khách hành hương đến Ars. Hầu hết đến đây vì thật lòng hoán cải, nhưng cũng có một số đến vì tò mò, hoặc miễn cưỡng đến vì một lý do nào đó, rồi cuối cùng cũng bị khuất phục. Sở dĩ thế vì họ được gặp không phải một cha sở bình thường, mà là một mục tử sẵn sàng làm mọi sự để giúp họ ăn năn trở lại mà được sống.

 “Một chuyên viên thành thạo nhất về các tội nhân” (Đức Piô XII)

Đương nhiên sự thành thạo này không thể có được nơi một con người như Gioan Maria Vianney, học hành kém cỏi, trí thức còn chưa được xếp vào loại “thường thường bậc trung” nữa. Đây là ơn của Chúa Thánh Thần ban cho một mục tử thánh thiện dám sống chết với các tội nhân. Không khoan nhượng với tội lỗi, nhưng lại hết lòng yêu thương kẻ có tội. Nói như lời một bài hát: “Kẻ thù ta đâu có phải là người”, nhưng là gian ác, là mưu mô, là hờn căm, là hận thù và bao nhiêu hình thức khác nữa. Cần phải giải thoát con người khỏi những kẻ thù trên, để trả lại cho họ hình ảnh tốt đẹp của Thiên Chúa. Trung thành với mục tiêu đặt ra từ đầu, Gioan đã suốt đời tận tụy với công việc này.

Ngài đã thực hiện thế nào ?

Người ta thường nói về việc giải tội đến độ anh hùng của ngài mà có khi quên đi những việc khác cũng phát xuất từ tấm lòng của một người rất mực yêu thương kẻ có tội.

Trước hết là cầu nguyện cho họ. Xen lẫn với kinh nguyện hằng ngày, ngài thường khóc lóc mà thưa với Chúa đại khái: “Lạy Chúa, Chúa không muốn kẻ có tội phải chết… Những người có tội thật đáng thương. Ước gì con có thể thú tội thay cho họ”. Một người thân tín nói với ngài: “Cha cầu nguyện cho họ ít đi một tí được không? Thấy cha vất vả đau khổ quá!”, thì được trả lời: “Biết sao được. Cha đã hứa cầu nguyện cho họ, cha không thể bỏ…”. Lần khác ngài tâm sự: “Tôi chỉ thực sự là tôi khi tôi cầu nguyện cho những người tội lỗi”.

Điều đáng khâm phục hơn nữa là không những cầu nguyện cho họ mà ngài còn đền tội thay cho họ. Những hy sinh hãm mình thường là để chống lại những cám dỗ của Satan, những khuynh hướng xấu, những yếu đuối của con người xác thịt, mà không ai tránh khỏi, thì đối với ngài, còn là để đền bồi tội lỗi của biết bao nhiêu người. Trong những năm cuối đời, do ảnh hưởng của một số người, nhất là quan điểm khoan hòa trong thần học luân lý của Anphong Liguori, ngài thường ra việc đền tội nhẹ cho hối nhân, vì lòng nhân từ thương xót cũng có, vì không muốn cho những người đã quá vất vả phải vất vả thêm cũng có, nhưng nhất là vì như ngài nói: “Tôi ra việc đền tội nhẹ cho họ, phần đền tội còn lại, tôi sẽ làm thay”. Và ngài làm thay bằng chính sự khổ chế của mình. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng vậy. Đối với những lỗi nặng mà cứ tái phạm mãi, ngài bắt hối nhân phải làm những việc đền tội nặng, để họ chứng tỏ sự chân thành và quyết tâm sửa đổi, hầu đem lại lợi ích cho chính họ. Chẳng hạn ngài bắt một mệnh phụ ở Paris phải đốt hết sách bậy bạ trong tủ sách của bà thì ngài mới ban phép xá giải.

Đối với những tội nhân cứng lòng, ngài tìm hết cách giúp họ thống hối : gặp gỡ, khuyên nhủ, khi nặng khi nhẹ, và ngay cả bằng nước mắt. Nước mắt và Thánh giá, nhờ ngài, có thể làm cho một trái tim chai đá trở thành trái tim thịt mềm. Có người lúc trước đã trả lời thẳng thừng: “Tôi không muốn xưng tội”, hoặc: “Tôi không đến đây để làm cái chuyện đạo đức của mấy bà”. Mặc kệ. Cuối cùng tất cả đều quỳ xuống dưới chân ngài và xưng thú. Chúa đã ban cho ngài một trực giác lạ lùng để nhận ra giữa đám đông hoặc giữa những người đi qua, ai là kẻ cần được đưa về với Chúa nhất để giúp họ, trước sự ngạc nhiên của chính họ. Do đó mà khi có người buột miệng hỏi: “Mỗi năm cha bắt được bao nhiêu cá lớn?”, ngài có thể trả lời ngay, không lưỡng lự: “Hơn 700”. Không nhớ con số sao được đối với những con cá như thế!

Một dù vất vả ngồi tòa và có những chuyện dễ làm người ta bực mình, nhưng ngài thì không. Ngược lại, ngài tỏ ra đặc biệt nhẫn nại. Đây là một trong những đức tính nổi bật nhất nơi ngài. Một linh mục đã nhận xét : Tôi đã từng quan sát kỹ xem ngài có tỏ ra bất nhẫn bực tức lúc nào không, mà không thấy. Đem chuyện này hỏi ngài thì được ngài trả lời: “Phải nhẫn nại mới có thể cho cái người ta cần chứ ! Bất nhẫn thì được cái gì ?” Ngài cũng nói với một cha bạn: “Hãy học tập sự nhẫn nại của Chúa”.

Cùng với sự nhẫn nại là thái độ hiền hòa, tế nhị, kính trọng đối với hối nhân, bất kể là ai. Có linh mục sa ngã nặng đến xưng tội vẫn được ngài yêu mến, kính trọng.

Lời khuyên dành cho Đức Giám mục giáo phận đến xưng tội với ngài là : xin Đức cha hãy yêu thương các linh mục của Đức cha.

Dù có đông người xếp hàng bên tòa giải tội, ngài vẫn dành cho mỗi người một thời gian cần thiết, bởi người nào cũng có vấn đề riêng của mình. Ngài không khuyên dài, nhiều khi chỉ một lời thôi, nhưng là lời làm cho hối nhân phải động tâm suy nghĩ, một lời tác động mạnh trên họ có khi cả đời. Chính sự thánh thiện và yêu thương đem lại sức mạnh và hiệu năng cho lời đó.

Thái độ và hành động của cha thánh Gioan Maria Vianney đối với kẻ có tội giống như người cha trong dụ ngôn về tình phụ tử (Lc 15,11-32), hoặc như người chăn chiên tìm lại được con chiên lạc (Lc 15,4-7) thật đáng là mẫu gương cho các linh mục hôm nay. Cùng với bác ái mục vụ nói chung được ngài thể hiện, ngài trở thành “le plus imitable des prêtres”, như tựa đề của một cuốn sách viết về ngài.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
Ngoan - Đăng lúc: 04/08/2018 06:46
Tạ ơn Chúa đã cho con đọc được bài viết hay nhất và đầy đủ nhất về Thánh Vianney. Sau Thiên Chúa thì linh mục là tất cả hạnh phúc của người kitô hữu”, vì “chức linh mục là tình yêu của Trái Tim Chúa Kitô”. Xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Thánh nhân, ban cho các linh mục trong giáo phận chúng con, cách riêng linh mục chánh xứ VP của chúng con luôn luôn nhẫn nại để đưa nhiều linh hồn về với Chúa.

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận