Thứ ba tuần bảy phục sinh

Đăng lúc: Thứ ba - 19/05/2015 02:44 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BA TUẦN 7 PHỤC SINH.

“Lạy Cha, xin hãy làm vinh hiển Con Cha”.

 

Lời Chúa: Ga 17, 1-11a

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và nói: “Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy làm vinh hiển Con Cha, để Con Cha làm vinh hiển Cha. Vì Cha đã ban cho Con quyền trên mọi huyết nhục, để con cũng ban sự sống đời đời cho mọi kẻ Cha đã giao phó cho Con. Sự sống đời đời chính là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật, và Đấng Cha đã sai, là Giêsu Kitô.

“Con đã làm vinh hiển Cha dưới đất, Con đã chu toàn công việc mà Cha đã giao phó cho Con. Giờ đây, lạy Cha, xin hãy làm cho Con được vinh hiển nơi Cha với sự vinh hiển mà Con đã có nơi Cha, trước khi có thế gian. Con đã tỏ danh Cha cho mọi kẻ Cha đã đưa khỏi thế gian mà ban cho Con. Chúng thuộc về Cha, và Cha đã ban chúng cho Con, và chúng đã tuân giữ lời Cha. Bây giờ chúng biết rằng những gì Cha ban cho Con, đều bởi Cha mà ra. Vì những lời Cha ban cho Con thì Con đã ban cho chúng và chúng đã lãnh nhận, và biết đích thực rằng Con bởi Cha mà ra, và chúng tin rằng Cha đã sai Con.

“Con cầu xin cho chúng, Con không cầu xin cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con, bởi vì chúng là của Cha. Và mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con, và Con đã được vinh hiển nơi chúng. Con không còn ở thế gian nữa, nhưng chúng vẫn còn ở thế gian, phần Con, Con về cùng Cha”.

 

SUY NIỆM 1: Ngưỡng cửa vào sự sống

Trong ngôn ngữ của thánh Gioan, giờ của Chúa chính là lúc Ngài thể hiện việc cứu chuộc bằng cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài. Cuộc đời Chúa Giêsu có tột đỉnh là thập giá. Ðối với Ngài, thập giá là đường dẫn đến vinh quang. Qua thập giá, Chúa Giêsu làm vinh hiển Chúa Cha cũng như là vinh hiển Ngài.

Thập giá làm vinh hiển Chúa Cha vì nơi thập giá, Chúa Giêsu hoàn tất sứ mệnh được Chúa Cha ủy thác. Khi đến thế gian, sứ mệnh của Chúa Giêsu là mạc khải cho nhân loại biết tình yêu của Thiên Chúa và chỉ cho họ con đường đạt tới tình yêu này. Với cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã biểu lộ trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa; và hướng về thập giá con người cũng cảm nghiệm được tình yêu bao la của Thiên Chúa đến nỗi đã ban Người Con Một cho thế gian.

Thập giá làm vinh hiển Chúa Cha vì nơi đó thể hiện sự vâng lời tuyệt đối. Thật thế, Chúa Giêsu đã tôn vinh Chúa Cha bằng việc vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu cao trọng hơn mọi danh hiệu. Như vậy, thập giá không những làm vinh hiển Chúa Cha mà còn làm vinh hiển Chúa Giêsu vì thập giá chưa phải là dấu tận cùng. Cái chết của Chúa Giêsu không phải là một kết thúc bởi vì đã có sự phục sinh kèm theo, cái chết đó chỉ là tỏ lộ cho vinh quang tỏ hiện. Bởi thế, khi giờ đã đến, Chúa Giêsu đón nhận khổ nhục và cái chết trên thập giá, đó là lúc Ngài bước qua ngưỡng cửa dẫn vào cõi sống vinh quang muôn đời.

Ngưỡng cửa Chúa Giêsu bước qua đó vẫn được mở ngỏ chờ đợi những kẻ theo Ngài tiến vào. Theo Chúa Giêsu, người Kitô không thể đứng ngoài con đường của Ngài. Ðường Ngài đi chỉ có một cửa dẫn vào.

Ước gì chúng ta luôn biết đón nhận mọi đau khổ hy sinh, kể cả cái chết để làm vinh hiển Thiên Chúa, và nhờ đó chúng ta sẽ được hưởng vinh quang của Ngài muôn đời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Vinh quang Thiên Chúa.

Lời nguyện hiến tế của Đức Giêsu xoay quanh đề tài “vinh quang” “sự sống đời đời”, đồng thời loan báo cho con người thấy sự kết hợp với Đức Kitô. Sau cùng chúng ta được thấu đạt tới nguồn phong phú dồi dào. Chúng ta thử tìm hiểu những khía cạnh của vinh quang Thiên Chúa. Cũng là vinh quang của chúng ta sau này.

Theo tự điển Kinh thánh, vinh quang của ai không đặt ở tiếng tăm, nhưng ở sự phong phú của bản chất con người. Từ ngữ vinh quang cho ta thấy những ý tưởng hàm chứa những chất nặng ký đầy tràn. Người vinh quang là người bản chất tốt đáng giá, đáng mến, đáng khâm phục. Vinh quang không phải là thứ phụ thuộc bên ngoài bản chất con người, nhưng ở sinh lực nội tâm vững chắc.

Khi Đức Giêsu cầu xin Chúa Cha: “Xin Cha tôn vinh Con để Con tôn vinh Cha” có thể nói: “Xin Cha ban cho Con một bản chất trọn vẹn vững chắc để Con cho Cha trọn vẹn giá trị vững chắc toàn hảo”.

Vinh quang, theo từ ngữ Kinh thánh, còn là sự bày tỏ bản chất hữu thể. Vinh quang Gia-vê chính là Thiên Chúa bày tỏ uy lực huy hoàng, thánh thiện và sức mạnh linh diệu của Ngài. Vinh quang là sự biểu dương của Thiên Chúa phong phú về hữu thể hiện hữu dồi dào.

Trong ý nghĩa này, cuộc thương khó của Đức Giêsu là giờ phút bày tỏ cao nhất về vinh quang Thiên Chúa, Thiên Chúa bày tỏ thiện chí cứu độ của Ngài, bày tỏ bản chất tốt lành của hữu thể mình, bày tỏ ước muốn chia sẻ sự thánh thiện của mình với con người. Đức Giêsu đã nói: “Con đã tôn vinh Cha dưới đất. Con đã tỏ bản tính của Cha khi hoàn tất công trình Cha đã trao cho Con làm để cứu độ”.

Chiều kích thứ ba của vinh quang Thiên Chúa hệ tại ở sự liên kết của chúng ta vào vinh quang này: “Và Con được tôn vinh nơi họ”. Vinh quang của Đức Kitô sẽ hoàn tất trong vinh quang của Kitô hữu. Tùy theo chúng ta tham dự vào sự sống đời đời, vào sự sống của Thiên Chúa, chúng ta mới hoàn tất được sứ mệnh của Chúa Con, lúc đó Người mới được vinh quang và chúng ta được vinh quang với Người, nhờ Người và trong Người.

CG.

 

SUY NIỆM 3: Giờ đã đến.

Trong ngôn ngữ của thánh Gioan, giờ của Chúa Giêsu chính là lúc Ngài thể hiện việc cứu chuộc bằng cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài. Cuộc đời Chúa Giêsu có tột đỉnh là Thập giá. Đối với Ngài, Thập giá là đường dẫn đến vinh quang. Qua Thập giá, Chúa Giêsu là vinh hiển Chúa Cha cũng như Chúa Cha làm vinh hiển Ngài.

Thập giá làm vinh hiển Chúa Cha, vì nơi Thập giá. Chúa Giêsu hoàn tất sứ mệnh được Chúa Cha uỷ thác. Khi đến thế gian, sứ mệnh của Chúa Giêsu là mạc khải cho nhân loại biết tình yêu của Thiên Chúa và chỉ cho họ con đường đạt tới tình yêu này. Với cái chết trên Thập giá, Chúa Giêsu đã biểu lộ trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa và hướng về Thập giá, con người cũng cảm nghiệm được tình yêu bao la của Thiên Chúa đến nỗi đã ban người Con Một cho thế gian.

Thập giá làm vinh hiển Chúa Cha, vì nơi đó thể hiện sự vâng lời tuyệt đối. Thật thế, Chúa Giêsu đã tôn vinh Chúa Cha bằng việc vâng lời cho đến chết và chết trên Thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu cao trọng hơn mọi danh hiệu. Như vậy, Thập giá không những làm vinh hiển Chúa Cha, mà còn làm vinh hiển Chúa Giêsu, vì Thập giá chưa phải là dấu tận cùng. Cái chết của Chúa Giêsu không phải là một kết thúc, bởi vì đã có sự Phục sinh liền theo; cái chết chỉ là mở lối cho vinh quang tỏ hiện. Bởi thế, khi giờ đã đến, Chúa Giêsu đón nhận khổ nhục và chết trên Thập giá, đó là lúc Ngài bước qua ngưỡng cửa dẫn vào cõi sống vinh quang muôn đời.

Ngưỡng cửa Chúa Giêsu bước qua đó vẫn được mở ngỏ chờ đợi những kẻ theo Ngài tiến vào. Theo Chúa Giêsu, người Kitô hữu không thể đứng ngoài con đường của Ngài. Đường Ngài đi chỉ có một, cửa dẫn vào cũng chẳng có hai. Ước gì chúng ta luôn biết can đảm đón nhận mọi đau khổ hy sinh, kể cả cái chết, để làm vinh hiển Thiên Chúa, và nhờ đó chúng ta sẽ được hưởng vinh quang của Ngài muôn đời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 

SUY NIỆM 4

1. Lời nguyện của Đức Giê-su

Các Tin Mừng Nhất Lãm, nghĩa là các Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, thánh Mác-cô và thánh Lu-ca, hay nói về sự kiện Đức Giê-su cầu nguyện và có nhiều lúc Ngài cầu nguyện suốt đêm. Nhưng các Tin Mừng này không bao giờ kể cho chúng ta biết nội dung lời nguyện của Đức Giê-su: Ngài đã nói gì với Thiên Chúa Cha và Ngài nói như thế nào ? Ngài nói với Thiên Chúa về những ai và với tâm tình nào ?

Chúng ta hãy khao khát được hiểu biết sâu xa lời nguyện của Đức Giê-su, bởi vì, nếu hành động và lời nói công khai của Ngài mặc khải cho chúng ta về ngôi vị của Ngài, về tương quan của Ngài với Thiên Chúa và với con người, thì chắc chắn, lời nguyện của Ngài còn nói cho chúng ta nhiều hơn nữa. Cũng giống như lời nguyện riêng tư của mỗi người chúng ta diễn tả con người thật của chúng ta ở chiều sâu, với Chúa và với nhau.

Vậy chúng ta hãy ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm, những khó khăn, những yếu đuối và giới hạn của chúng ta để đi vào chốn riêng tư của lời nguyện Đức Giê-su ngỏ với Thiên Chúa Cha. Bởi vì, chúng ta sẽ không chỉ hiểu biết Ngài sâu xa hơn (như thánh I-nhã mời gọi chúng ta xin với Chúa trong Linh Thao), nhưng còn học được cách thức Ngài cầu nguyện với Thiên Chúa, và ngang qua cầu nguyện, học được cách Ngài sống với Thiên Chúa Cha.

Chính vì thế, chương 17 của Tin Mừng theo thánh Gioan, mà Giáo Hội cho chúng ta nghe hôm nay và những ngày sớm tới, là quà tặng tuyệt vời mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, để dẫn chúng ta vào mầu nhiệm cầu nguyện của Đức Giê-su, là phần không thể thiếu của “Sự Thật toàn vẹn”.

2. “Mầu nhiệm tôn vinh” giữa Đức Giê-su và Thiên Chúa Cha

Lời nguyện của Đức Giê-su được đánh dấu từ đầu đến cuối bởi điều, chúng ta có thể gọi là “mầu nhiệm tôn vinh” giữa Chúa Cha và Đức Giê-su :

- “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha” (c. 1).

- “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất” (c. 4).

- “Xin Cha tôn vinh con bên Cha” (c. 5).

Chúng ta được mời gọi lắng nghe lời nguyện của Đức Giê-su để hiểu và học cách Ngài tôn vinh Thiên Chúa Cha. Bởi vì ơn gọi tận cùng của chúng ta cũng là ơn gọi tôn vinh Thiên Chúa, như chúng ta vẫn đọc vang nhiều lần trong ngày : “Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa…”. Cách mà loài người chúng ta tôn vinh thường hay sáo rỗng, hào nhoáng và vị lợi. Vì thế, cách Đức Giê-su tôn vinh Thiên Chúa Cha chúng ta tôn vinh Thiên Chúa cũng phải là cách của chúng ta.

- Đức Giê-su tôn vinh Thiên Chúa Cha bằng cách thực hiện ý muốn của Người : “Con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm”.

- Đức Giê-su tôn vinh Thiên Chúa Cha bằng cách mặc khải Danh của Thiên Chúa cha cho các môn đệ của Ngài : “Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha”.

- Đức Giê-su tôn vinh Thiên Chúa Cha bằng cách nhận ra ngôi vị của mình thuộc về Chúa Cha cách trọn vẹn, như Ngài thưa với Cha : “Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con”[1].

Thực hiện ý muốn của nhau, nói tốt về nhau cho người khác và trao ban trọn vẹn cho nhau, đó chính là tương quan hiệp nhất của tình yêu. Bởi vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu này được diễn tả cách trọn vẹn và tuyệt đối nơi tương quan giữa Thiên Chúa và Đức Ki-tô, Con duy nhất của Người. Mầu nhiệm “tôn vinh nhau” của Chúa Cha và Chúa Con, chính là mầu nhiệm tình yêu.

3. Các môn đệ hiện diện trong tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con.

Thế mà, tình yêu thì không thể đóng kín được. Nhưng, tự bản chất, tình yêu mở ra và luôn mở ra hơn mãi. Chính vì thế, ngay trong lòng mối tương quan tình yêu thiết thân giữa Chúa Cha và Chúa Con, có sự hiện diện của các môn đệ, của tất cả những người Thiên Chúa Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho Chúa Con (x. c. 6). Như thế, có chúng ta hôm nay nữa.

Nghe những lời Đức Giêsu nói với Cha, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng, các môn đệ có một vị trí trung tâm trong tương quan Cha-Con :

- Các môn đệ là quà tặng mà Chúa Cha ban cho Đức Giêsu (c. 2.6.9).

- Đức Giê-su đón nhận quà tặng này với lòng biết ơn và trách nhiệm : mặc khải danh Cha cho các môn đệ và truyền đạt Lời của Người cho họ.

- Và Đức Giê-su yêu thương các môn đệ đến cùng : “Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người”, bằng hành vi rửa chân, bằng bí tích Thánh Thể, bằng cuộc Thương Khó, bằng “máu và nước” đổ ra từ con tim của Ngài, bằng chính sự sống của Ngài.

Lắng nghe lời nguyện của Đức Giê-su, chúng ta khám ra rằng, tình yêu đến cùng của Đức Giêsu dành cho chúng ta bắt nguồn từ tình yêu đến cùng của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Xin cho chúng ta xác tín về tình yêu Thiên Chúa dành cho cho chúng ta, như thánh Phaolo nói: “Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Ki-tô, Chúa chúng ta” (Rm 8, 39).

Chính tình yêu này bao dung, gìn giữ và nuôi dưỡng chúng ta, chứ không phải nỗ lực xây dựng cho mình sự công chính, sự xứng đáng hay bất cứ điều gì khác ; và cũng chính tình yêu này mời gọi chúng ta đáp trả cách tương xứng : “Chúa đã ban cho con tất cả, con xin dâng lại Chúa tất cả”. Đó chính là tình yêu, vì tất cả bẳng tất cả.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

________

[1] Lời nguyện này của Đức Giê-su làm chúng ta nhớ lại lời của người cha nói với người con lớn trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu : “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con” (c. Lc 15, 31). Cùng với Đức Giê-su, chúng ta được mời gọi thưa với Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng và là Cha của chúng ta trong Đức Giê-su Ki-tô : “tất cả những gì của con là của Cha”.

Từ khóa:

đời đời, giao phó

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận