Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh

Đăng lúc: Thứ sáu - 22/05/2015 02:20 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 21,15-19

15 Khi Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho các môn đệ, Người dùng bữa với các ông, và hỏi Simon Phêrô rằng: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy".

16 Người lại hỏi: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy".

17 Người hỏi ông lần thứ ba: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba "Con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy" Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. 18 Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến". 19 Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: "Con hãy theo Thầy".

"Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy." (Ga 21,17)

 
Suy niệm: 

A- Phân tích (Hạt giống...)

Cuộc nói chuyện giữa Chúa Giêsu và các môn đệ bên bờ hồ Tibêria về thân phận Phêrô:

“Con có yêu mến Thầy không?… Hãy chăn dắt các chiên của Thầy”.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”.

Alexander đại đế, khi còn nhỏ là một cậu bé thông minh. Một hôm cha cậu mua phải một con ngựa khó tính, không ai dạy nổi. Thế mà Alerxander thuần phục con ngựa ấy một cách dễ dàng. Có người hỏi cậu bí quyết khắc phục con ngựa ấy, cậu trả lời: “Chẳng có gì lạ. Tôi xét kĩ thấy con ngựa này rất sợ cái bóng của nó. Vì thế chỉ cần quay nó hướng về mặt trời để nó không còn thấy cái bóng của nó nữa”.

Ông Phêrô rất sợ cái bóng của mình, nhưng khi ông hướng về Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, sợ hãi như tan biến đi, nhường chỗ cho tín thác xâm chiếm cả tâm hồn ông.

Lạy Chúa, Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con, Chúa biết con hơn con biết con và Chúa yêu con hơn con yêu con. Con tín thác đời con cho Chúa. (Epphata)

2. Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?... Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy”.

Ngày ấy trong Vườn Cây Dầu, Phêrô đã rút gươm để bênh vực Chúa Giêsu, nhưng sau đó ông đã tỏ ra hèn nhát và đã phản bội Thầy mình. Lúc ấy, Chúa Giêsu quay lại nhìn Phêrô, một cái nhìn trìu mến, cảm thông cho nỗi khiếp nhược của ông, làm òa vỡ trong ông niềm xót xa, ân hận. Ông đã hiểu trọn nghĩa hai chữ yêu thương.

Và hôm nay, một lần nữa trong áng sáng Phục sinh. Chúa Giêsu lại hỏi Phêrô, hỏi các môn đệ và hỏi chính tôi về một điều, một điều Người đã định nghĩa bằng trọn cuộc sống, đó là TÌNH YÊU.

Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu, yêu Chúa và yêu mọi người, yêu như Chúa yêu vì Ngài chính là tình yêu. (Epphata)

3. Socrate gặp chàng trai trẻ Xenophon lầu đầu. Thoạt tiên, ông hỏi chàng có biết ở đâu bán cái này, cái nọ, và ở đâu người ta chế ra cái vật này, vật kia. Xenophon chỉ cho Socrate những thông tin cần thiết. Rồi Socrate hỏi:

- Anh có biết người ta chế tạo điều lành và nhân đức ở đâu không?
- Không!
- Vậy anh hãy theo ta.

Đó cũng là câu của Chúa Giêsu: “Con hãy theo Thầy”. (Góp nhặt)

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúa là tình yêu. Tình yêu Chúa đã trở nên nguồn sống cho cuộc đời chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin giúp chúng con biết sống đền đáp tình yêu cao sâu mà Chúa đã dành cho chúng con. Đó là biết thực thi lời Chúa, biết sống theo giáo huấn của Chúa. Xin giúp chúng con đừng xa lìa Chúa bởi những đam mê tội lỗi trần gian.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Chúa hằng mong ước các tông đồ của Chúa biết trở nên những mục tử như lòng Chúa mong ước. Một mục tử có trách nhiệm trước sự sống còn của đàn chiên. Một mục tử biết từng con chiên, băng bó từng con chiên. Một mục tử luôn tìm kiếm những của ăn thích hợp cho đàn chiên, luôn lo cho đàn chiên được hạnh phúc và bình yên. Xin cho chúng con biết cầu nguyện cho các vị chủ chăn của chúng con. Xin Chúa ban những ơn lành hồn xác để các ngài luôn chu toàn sứ vụ mục tử với lòng yêu mến nồng nàn. Xin cho các ngài cũng hoạ lại tình yêu của Chúa khi chăm sóc đàn chiên Chúa một cách nhiệt thành và đầy hy sinh quên mình.

Lạy Chúa, xin cũng dạy chúng con biết yêu Chúa và yêu mọi người như Chúa yêu thương chúng con. Xin giúp chúng con có một trái tim như Chúa để chúng con luôn đối xử tốt với nhau trong thân ái, trong yêu thương và kính trọng. Xin được nhờ những dấu chứng yêu thương đó mà chúng con xứng đáng là môn đệ của Chúa. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

SUY NIỆM

1. Tình yêu

Dùng bữa xong, Đức Ki-tô phục sinh muốn “tâm sự” với ông Phê-rô. Ngài gọi ông bằng tên “cúng cơm”, có gốc có nguồn rõ ràng: “Simon, con ông Gioan”. Cách gọi này đã diễn tả lòng bao dung của Chúa rồi: Ngài đón nhận con người của ông cách trọn vẹn và tận gốc rễ, cho dù ông đã trải qua những thăng trầm hay những lỗi lầm nào.

Có thể hai người đã tách riêng ra khỏi nhóm để tâm sự, vì sau đó, theo lời kể của thánh sử Gioan: “Ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau”. Và có thể, hai người đã tâm sự với nhau một lúc, Đức Ki-tô mới đặt những câu hỏi liên quan đến tình yêu của ông dành cho Ngài.

Ai cũng hiểu, ba lần hỏi của Chúa ứng với ba lần chối Thầy của Phêrô. Điều này quả thực đã đụng đến “vết thương lòng”, nên nghe hỏi lần thứ ba về cùng một điều, ông Phêrô “buồn” (c. 17). Ngoài ra, Đức Giêsu còn kín đáo nhắc lại một chuyện khác, một thứ “bệnh” khác không kém nghiêm trọng của ông Phêrô trong câu hỏi đầu tiên: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông Phêrô đã từng so sánh lòng gắn bó của mình đối với Đức Giêsu hơn những anh em khác: “Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không.” (Mc 14, 29)

Ông Phêrô dường như đã nhận ra “thâm ý“ của Thầy, nên trong câu trả lời, ông không còn dám so sánh tình yêu của mình với tình yêu của các anh em khác, nhưng trả lời cách khiêm tốn: “Thưa Thầy vâng, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Chúng ta được mời gọi đọc ra tâm tình sâu sa của ông Phê-rô ẩn bên dưới câu trả lời này: “Thưa Thầy, Thầy biết tình yêu của con dành cho Thầy lúc này như thế nào, và Thầy cũng biết quá khứ nhiều thăng trầm và tương lai đầy bất trắc của tình yêu con dành cho Thầy. Thầy biết con ước ao yêu mến Thầy trên hết mọi sự, cho dù con giới hạn và yếu đuối”.

2. Lòng thương xót

Nhưng tại sao Chúa lại khơi ra “vết thương” quá khứ làm đau lòng ông Phêrô, đúng vào lúc nên quên đi tất cả, xí xóa tất cả để hướng về tương lai? Bởi vì tình yêu của chúng ta đối với Chúa phải khởi đi từ chính những gì chúng ta là trong sự thật. Gợi lại quá khứ, gợi lại những gì chúng ta đã là, thật là đau lòng, nhưng đó lại là “liều thuốc đắng” có khả năng chữa lành chúng ta. Bởi vì tình yêu của chúng ta dành cho Chúa, việc chúng ta được gọi theo Chúa, việc chúng ta được trao sứ mạng, là hoàn toàn dựa vào lòng thương xót của Chúa, vào tình yêu nhưng không và bao dung của Chúa.

Như thế, Giáo Hội được xây dựng trên đá tảng Phêrô, nhưng đá tảng Phêrô lại dựa trên lòng thương xót. Điều này cũng hoàn toàn đúng cho tất cả chúng ta, những người đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi, ơn gọi sống đời sống gia đình hay ơn gọi sống đời sống dâng hiến: chúng ta thuộc về Giáo Hội và được mời gọi phục vụ Giáo Hội, Thân Thể của Đức Ki-tô và tham gia vào sứ mạng Chúa trao cho Giáo Hội, khởi đi từ kinh nghiệm được Chúa thương xót một cách đích thân. Quên đi kinh nghiệm nền tảng này, chúng ta sẽ không thể đứng vững và chu toàn được sứ mạng, hay ít nhất là không thể chu toàn theo cách mà Đức Giêsu ước mong.

Vậy, Chúng ta được mời gọi lắng nghe Chúa hỏi riêng mỗi người chúng ta: “con có mến Thầy không?” Ai cần bao nhiều lần, Chúa cũng sẽ hỏi chừng ấy lần! Sau mỗi lần tuyên xưng lòng mến – Ở đây, Chúa cần tuyên xưng lòng mến khởi đi từ kinh nghiệm sâu sa về tình yêu và lòng thương xót của Chúa, hơn là nói Người là ai, trên bình diện kiến thức – Chúa mới trao sứ mạng, mỗi người một sứ mạng. Bởi vì chúng ta chỉ có thể lãnh nhận và đảm nhận sứ mạng của Chúa bằng tình yêu chúng ta dành cho Chúa mà thôi, một tình yêu đã trải qua bao thăng trầm, một tình yêu chỉ biết cậy vào lòng thương xót của Chúa, như tình yêu của thánh Phê-rô.

Trong câu hỏi của Đức Giê-su, Người dùng cả hai động từ “mến” (agapas) và “yêu mến” (phileis). Qua đó, chúng ta có thể hiểu rằng, tình yêu người môn đệ dành cho Chúa phải là một tình yêu trọn vẹn, một tình yêu xuất phát từ tình yêu của chính Thiên Chúa, được bày tỏ ra cách viên mãn nơi Đức Ki-tô, một tình yêu vượt trên mọi tình yêu, không phải để loại trừ nhưng mang lại ý nghĩa, định hướng và làm cho viên mãn mọi tình yêu.

3. Sứ mạng

Sau mỗi lần mời gọi thánh Phê-rô yêu mến Người như Người đã yêu mến thánh nhân đến cùng, Đức Ki-tô trao sứ mạng: sứ mạng chăm sóc chiên con của Thầy, sứ mạng chăn dắt chiên của Thầy (sát nghĩa: “hãy là mục tử cho chiên của Thầy”) và sứ mạng chăm sóc chiên của Thầy. Như thế, Chúa chú ý trước tiên đến “chiên con”. Cũng như thánh Phê-rô, Chúa cũng trao cho mỗi người chúng ta sứ mạng “chăm sóc” chiên của Người, và đặc biệt là “chiên con”. Vậy, trong thực tế chiên con là những ai, thành phần nào, trong hoàn cảnh nào? Những ai là “chiên con” mà chúng ta được Chúa giao phó để chăn dắt? Và thế nào là “chăm sóc” hay “trở nên mục tử”? Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta hãy chiêm ngắm Chúa, cách Chúa đã chăm sóc ta, là mục tử của ta.

Và trong lời của Người, Đức Giê-su đặc biệt nhấn mạnh: “chiên con của Thầy”, “chiên của Thầy”. Như thế, đoàn chiên, chiên con và chiên lớn, là của Chúa; chứ không phải của chúng ta. Chúng ta nữ tì là tôi tớ thôi, nếu không sẽ có nguy cơ chúng ta biến chiên của Chúa thành chiên của mình. Vì thế, để chu toàn không gì có thể thay thế được tương quan thiết thân với Chúa, tình yêu đối với Chúa. Và lòng mến Chúa đến từ hành trình dài và khó như thế, lòng mến đầy bất ổn, lòng mến chỉ dựa vào lòng thương xót và tin tưởng nhưng không của Chúa.

*  *  *

Sau ba lần đặt câu hỏi về lòng mến đối với Người, Đức Giê-su nói về số phận của thánh Phê-rô:

Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.

Và thánh sử Gioan giải thích lời này của Đức Ki-tô: “Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa.” Như thế, Chúa biết hết về những gì ông Phê-rô sẽ trải qua, và đến lượt chúng ta, chúng ta cũng sẽ trải qua. Chúa biết, đơn giản là vì Chúa đã trải qua tất cả, đã mang lấy tất cả, vác lấy tất cả để tôn vinh Thiên Chúa, để làm cho con người nhận ra rằng Thiên Chúa là Tình Yêu và chỉ là Tình Yêu mà thôi. Và điều Ngài muốn mời gọi ông Phê-rô, và mỗi người chúng ta bây giờ là:

“Hãy theo Thầy”

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận