Thánh Giuse Thợ

Đăng lúc: Thứ sáu - 01/05/2015 02:35 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thánh Giuse Thợ

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ kính Thánh Giuse Lao động. Sở dĩ có Thánh lễ hôm nay là vì Giáo Hội muốn cho chúng ta ý thức được giá trị cao quí của lao động trong đời sống của mỗi người chúng ta.

Quả vậy, lao động có những giá trị to lớn nhưng nhiều khi chúng ta không nhìn ra.

Công Đồng Vaticanô II trong Hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng” đã có những lời lẽ rất hay về vấn đề này: “Thực vậy, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó, cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện và khi nhìn nhận Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng mọi loài, họ qui hướng về Người chính bản thân mình cũng như muôn vật: Như thế, khi con người chinh phục tất cả thì danh Chúa được tôn vinh khắp địa cầu. Những điều nhận định trên đây cũng ứng dụng được nơi những công việc hoàn toàn thường nhật. Thực vậy, trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả những người nam cũng như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu đều có lý để tin rằng nhờ lao công của mình, họ tiếp nối công trình của Ðấng Tạo Hóa, phụng sự anh em, đóng góp công lao mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử”.(Chương III số 34)

1. Lao động làm cho con người tìm được niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống mình.

Vào thời Trung cổ, có một tín hữu Kitô nọ muốn thực hiện một cuộc hành hương.

Sau vài ngày đi bộ, người đó bị lạc vào trong một khu rừng vắng. Tuy là khu rừng vắng nhưng hai bên đường, người ta cũng thấy có những người thợ đá đang cố gắng đục đẽo và vác trên vai từng tảng đá lớn đem về. Người khách hành hương mon men đến gần một người thợ, mồ hôi đang chảy ra nhễ nhãi và muốn gợi chuyện, nhưng người thợ đập đá ấy chỉ trả lời một cách nhát gừng.

- Ông không thấy tôi đang lao động một cách vất vả sao mà cứ hỏi hoài vậy?

Người khách hành hương tìm đến người thứ hai, người này còn có dáng vẻ nặng nhọc hơn. Được hỏi đang tham gia vào công trình xây dựng nào, người thợ này chỉ trả lời.

- Người ta thuê tôi làm việc, tôi chỉ biết rằng từ sáng sớm đến chiều tà, tôi đổ mồ hôi xôi con mắt ra là để kiếm cơm bánh cho vợ con tôi thôi, còn xây dựng gì thì tôi không cần biết.

Trong thinh lặng, người khách hành hương lại tiếp tục cuộc hành trình. Lên đến đỉnh đồi ông lại gặp một người thợ đập đá khác. Người này cũng có dáng vẻ mệt nhọc tiều tụy không kém 2 người trước, nhưng nhìn kỹ trong ánh mắt của người thợ đập đá này, người khách hành hương thấy toát lên một sự thanh thản và nhẫn nhục lạ thường. Đến gần người khách hành huơng lên tiến hỏi.

- Ông đang làm gì đó?

Người đàn ông mỉm cười và vui vẻ đáp:

- Ông không biết à, tôi đang góp công xây dựng một ngôi thánh đường

Và người thợ đập đá đưa tay chỉ xuống một thung lũng, nơi đó, người khách hành hương nhận ra một ngọn tháp cao và từng viên đá được xếp lại ngay ngắn để làm nên bốn bức tường của một ngôi thánh đường.

Vâng! Cùng một công việc nhưng người ta đã không có được một cái nhìn giống nhau về mục đích của nó. Và chính vì thế mà cuộc sống của con người khác nhau: Người thì được hạnh phúc, kẻ thì phải đau khổ. Hãy cố mà tìm ra cho cuộc đời của mình một ý nghĩa qua những công việc hằng ngày để từ đó chúng ta có thể có được thật nhiều niềm vui!

2. Lao động còn giúp con người sống tình liên đới một cách tốt đẹp hơn.

Trong suốt mùa hè năm ấy, tôi có dịp quan sát một bé trai khoảng 12 tuổi, mỗi buổi sáng vào lúc 7 giờ, đến làng bên cạnh là địa phương chúng tôi để giao bánh mì. Đây là một em bé linh động, luôn vui vẻ và đúng giờ như một chiếc đồng hồ. Em dừng lại trước cửa những nhà giàu có muốn có bánh mì ăn sáng và sau đó lại vội vã đạp xe trở về nhà.

 Ngày nọ, tôi có một cuộc đối thoại lý thú với em bé này như sau:

- Mỗi buổi sáng em phải dậy sớm, vậy em tự mình dậy hay phải có ai thức em dậy?

- Má em! Má em đánh thức tất cả mọi người trong nhà, trước hết là em. Kế đó, má cho em ăn sáng và em ra đi. Sau đó, má đánh thức ba dậy, dọn xúp cho ba ăn trước khi ba đi làm. Rồi lại đến giờ đánh thức mấy đứa em của em dậy đi học. Xong xuôi tất cả thì má lo cho đứa út, cho nó uống sữa và cuối cùng mẹ tự dùng sáng.

Mỗi chuyến giao hàng buổi sáng em được người ta trả cho bao nhiêu?

- Mỗi tuần 20 quan. Em có 10 khách hàng.

- Thế ba em lãnh một ngày được bao nhiêu?

-  30 quan, em nghĩ vậy.

-  Còn má em, má em nhận được bao nhiêu?

- Má em ư? - em bé nhìn tôi lộ vẻ kinh ngạc-. Nhưng má làm việc không vì gì cả cơ mà!

Vâng! Công việc làm là phương cách hữu hiệu nối kết con người lại với nhau trong tình tương thân tương ái và nhờ đó họ có thể cảm nghiệm được tình đoàn kết với nhau một cách cụ thể hơn.

Chúa đã tạo dựng nên mỗi người một cách độc đáo không ai giống ai. Chẳng có ai là hoàn toàn trên trần gian này. Chúa tạo dựng nên mỗi người trong hạn hẹp bất toàn như vậy là để cho con người biết quý trọng nhau, biết hợp tác với nhau để nhờ đó mà cuộc sống của con người được tốt đẹp hơn.

3. Lao động là con đường làm cho con người trở nên xứng đáng làm người hơn.

Sau khi tạo dựng nên con người trong vườn địa đàng, Thiên Chúa trao cho con người trách nhiệm trông coi công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã từng nói: “Cha Ta và Ta hằng làm việc và làm việc không ngừng” (Ga 5,17).

Thiên Chúa vẫn hằng làm việc. Như vậy khi ta làm việc là ta cộng tác với Thiên Chúa để làm cho trái đất này mỗi ngày mỗi đẹp hơn và cũng làm cho cuộc đời của ta giống Chúa hơn. “Cha ta và ta hằng làm việc và làm việc không ngừng”.

Thiền sư Trung Hoa Hyakyjo thường làm việc với các đệ tử, mặc dù ông đã 80 tuổi. Ông thường nhổ cỏ trong vườn, quét sân, hái củi. Các đệ tử của ông cảm thấy buồn vì ông thầy già của họ làm việc cực nhọc, không chịu nghỉ ngơi theo lời họ khuyên. Vì thế, một lần kia họ đem giấu hết dụng cụ làm việc của thầy Hyakyjo. Ngày hôm đó, thầy Hyakyjo không chịu dùng bữa. Ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa, ông thầy già cũng không ăn. Các đệ tử đoán: “Chắc bởi vì tụi mình dấu đồ làm việc của thầy chứ gì? Thôi, tốt hơn là đem trả lại chỗ cũ cho thầy”.

Thế rồi, ngày họ làm việc, ông thầy già cũng làm và dùng bữa như trước. Chiều đến, Hyakyjo dạy họ: “Không làm, không ăn!”.

Lạy Chúa Giêsu,

dân làng Nazareth đã không tin Chúa

vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.

Các môn đệ đã không tin Chúa

khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.

Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa

chỉ vì Chúa sống như một con người,

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa

hiện diện dưới hình bánh mong manh,

nơi một linh mục yếu đuối,

trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình

nơi những gì thế gian chê bỏ,

để chúng con tập nhận ra Ngài

bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con

để khiêm tốn thấy Ngài

tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
 
Lời Chúa: Ga 14, 1-6
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi". Ông Tôma thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy".

 

SUY NIỆM 1: Ðường về quê trời
Khi tìm giải đáp cho một bài đố tìm đường từ một khởi điểm dẫn tới một địa điểm được yêu cầu thì người tham dự thường lúng túng, vì có quá nhiều đường có thể dẫn tới nơi nhưng thực sự lại dẫn đến ngõ cụt. Nhưng nếu tinh ý quan sát một chút, người ta có thể thấy công việc tìm kiếm dễ như trở bàn tay. Ðó là thay vì bắt đầu từ điểm khởi hành với nhiều ngõ rẽ, chúng ta hãy bắt đầu từ nơi đến rồi đi ngược lại. Với phương pháp này ta sẽ dễ dàng tìm ra con đường ngắn nhất dẫn đến nơi phải đến. Như vậy, điều quan trọng không phải là biết đường không mà thôi, mà còn là và nhất là biết nơi mình đến, cần biết nơi mình đến trước khi bắt đầu đi. Khi hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, thì làm sao chúng con biết đường đi tới", thánh Thomas tông đồ đã lý luận theo cùng một nguyên tắc như nói trên.
Nhưng trường hợp mà thánh Thomas tông đồ đặt ra xem ra như không cần thiết nữa, nếu người tìm đường có được mối liên lạc thân tình với chính Ðấng là Ðường, là sự Thật và sự Sống. Chúa Giêsu đã mạc khải cho các đồ đệ của Ngài biết nơi phải đến và con đường dẫn đến đó là chính Ngài: "Thầy là Ðường, là sự Thật và là sự Sống". Vậy, điều quan trọng nhất là theo Ngài, sống kết hiệp với Ngài, đừng rời xa Ngài, nhất là khi gặp gian nan thử thách. Chúa đã cảnh tỉnh trước các môn đệ: "Tâm hồn các con đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy".
Ðường về quê trời có nhiều thử thách nhưng người đồ đệ có thể vượt qua dễ dàng nếu biết để cho Chúa hướng dẫn, để cho Chúa đưa mình đến nơi Chúa muốn. Bí quyết căn bản của đời sống Kitô là để cho Chúa tự do hướng dẫn mình đi, là biết cộng tác với ơn Chúa, là để cho Chúa Giêsu Kitô chiếm hữu như thánh Phaolô tông đồ ngày xưa, ngài đã bộc lộ cho những người con tinh thần của ngài bí quyết đời Kitô, đó là: "Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi. Kiếp sống tôi đang sống, tôi muốn sống trong niềm tin hoàn toàn vào Ðấng đã yêu thương tôi và trao nộp chính mình cho tôi".
Lạy Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, Chúa đã nêu chỉ cho chúng con biết đường dẫn về quê trời, đường dẫn chúng con đến nguồn hạnh phúc thật. Nhưng còn có một điều cần, đó là sự cộng tác của chúng con. Chúng con cần tin tưởng vào Chúa, cần để Chúa hướng dẫn cuộc sống mình. Nếu chúng con tự phụ, ỷ lại vào sức riêng mình, thì chúng con sẽ làm hư chương trình của Chúa. Xin Chúa thương ban ơn giúp chúng con thay đổi tâm thức và thay đổi con tim mỗi ngày một trở nên vâng phục và cộng tác tích cực với sự hướng dẫn của Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 2: Dọn chỗ cho anh em
Khi chúng ta có những dự tính tương lai, khi chúng ta mơ ước về ngày mai, chúng ta rất hay hy vọng tìm được một chỗ tốt nào đó cho mình gửi tấm thân tàn để sống những ngày còn lại. Hay một ngôi mộ yên mả đẹp cho nắm xương tàn.
Ngày nay, người ta đang hy vọng xây những dẫy nhà chung cư tiện nghi để giải quyết những nhà ổ chuột cho hàng ngàn gia đình. Ai cũng mong muốn có một chỗ ở mới, những láng giềng lân cận tốt. Ai cũng khao khát được ở ngôi nhà của riêng mình với những tiện nghi theo kiểu mới, hợp thời trang, giữa khu vườn có phong cảnh lý tưởng.
Nhưng có biết bao gia đình không bao giờ tìm được một nơi ở tương xứng cho gia đình vì quá nghèo và giá cả quá mắc.
Tin mừng hôm nay dắt đưa chúng ta đến xem kế hoạch của Thiên Chúa đang dọn một chỗ ở mênh mông tráng lệ cho con người. Ngài là kiến trúc sư muôn đời, là sở hữu chủ vô biên.
Nhưng kế hoạch đó giống như những thứ nhà chúng ta đang ở, chỉ là những thứ tân trang theo những kiểu mẫu trần tục, thì chán chết. Hỏi có đáng chúng ta hy vọng vào đó nữa không?
Chúng ta trở lại câu hỏi này: Có gì ở bên kia cuộc đời? Khi tuổi già chấm dứt … Khi người ta nói: “Từ trần, đi rồi, tắt hơi thở cuối cùng …”, tôi sẽ đi về đâu? ở chỗ nào? chỗ chúng ta ở được Đức Giêsu dọn sẵn theo kế hoạch của Thiên Chúa là chỗ ở hiệp thông: sâu thẳm nhất, thông suốt nhất, liên đới nhất. Nơi mà láng giềng lân cận là những bạn chí ái nhất và sở hữu chủ là một người Cha. Chỗ chúng ta được mời đến ở là nhà mình, nhà Cha mình, và trung tâm nơi ở này là Đức Giêsu. Chính Người đã đưa chúng ta về ở với Người gần Thiên Chúa.
Mơ ước của chúng ta đượm mầu sắc rực rỡ về những ngôi nhà. Những vấn đề tương lai được mệnh danh là chỗ ở, “nơi cư trú”. Nhưng Đức Giêsu chỉ cho chúng ta con đường đến một nơi ở khác, nơi người ta hát vang ca khúc khải hoàn “nơi đầy ánh sáng, chan chứa tình thương tha thứ, an vui và tự do hạnh phúc”.
C.G
 
SUY NIỆM 3: Chúa sẽ đến lại
Cuộc trở lại nào cũng được khởi đầu bằng sự ra đi: có ra đi mới có trở lại. Thế nhưng cũng có những cuộc ra đi không bao giờ trở lại: đi để quên đi một quá khứ đau buồn, đi để thoát ly mọi ràng buộc, chân bước đi mà lòng rộn rã niềm vui. Những cuộc ra đi như thế chẳng bao giờ có hứa hẹn, có chăng chỉ là giả dối. Người ta chỉ hứa hẹn khi chân bước đi mà lòng chẳng muốn rời, lời hứa hẹn xoa dịu nỗi chia ly và hy vọng một ngày tái ngộ.
Chúa Giêsu sắp từ giã các môn đệ để trờ về cùng Cha, và điều đó khiến các ông u buồn xao xuyến. Không u buồn sao được khi đã ba năm tình nghĩa thày trò, không xao xuyến sao được khi đã mất đi điểm tựa. Chúng Giêsu biết rõ điều đó và các môn đệ cũng thấm thía nỗi buồn khi Ngài tuyên bố ra đi. Chính vì thế để trấn an họ, Ngài giải thích việc Ngài ra đi và hứa trở lại. Ngài ra đi không phải vì Ngài, mà vì các ông: Ngài đi dọn chỗ cho các ông và Ngài sẽ trở lại đem các ông đi theo Ngài. Còn gì vui sướng bằng. Người đi nhận chịu gian lao vất vả chỉ vì người ở lại, do đó người ở lại không còn mặc cảm bị bỏ rơi nhưng hãnh diện vì được người đi đặc biệt lưu tâm.
Thái độ của người ở lại không phải là u sầu than khóc, mà là góp sức với người đi bằng cách chuẩn bị sẵn sàng cho giờ hội ngộ. Còn gì bẽ bàng cho bằng khi trở lại người đi chỉ gặp được sự dửng dưng thờ ơ của người ở lại. Còn gì buồn lòng Thiên Chúa hơn khi Ngài đến gõ cửa mà tâm hồn đã đóng kín và đèn dầu đã cạn.
Khi lãnh nhận đức tin, người Kitô hữu cũng được Đức Kitô hứa hẹn. Ngài hứa sẽ trở lại với riêng từng người và với chung cho cả thế giới. Ngài sẽ trở lại đem họ đến nơi Ngài dọn sẵn, để họ hưởng trọn niềm vui mà hiện nay họ chỉ mới cảm nghiệm lờ mờ như dọi qua gương. Ngài không báo trước giờ Ngài trở lại, nhưng muốn họ luôn sẵn sàng như tân nương chờ đón tân lang.
Xin cho chúng ta biết chọn lời hứa trở lại của Chúa làm ngọn đuốc chiếu soi cuộc sống, để chúng ta thoát được mạng lưới của u buồn, và luôn sống trong lạc quan hy vọng vì biết rằng Chúa hằng quan tâm săn sóc chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Thánh Giuse thợ
Là một người thợ ở làng Galilê, thánh Giuse là mẫu gương người Kitô hữu phải noi theo để chu toàn các bổn phận nghề nghiệp, vì thánh Giuse đã làm việc trong tâm tình liên kết với Đức Giêsu. Lao động thì vất vả nhưng cũng đem lại niềm vui. Lao động phục vụ con người nhưng cũng giúp đưa tới gần Thiên Chúa: đó là điều ta học được nơi trường học Nagiarét.
 
Trước khi trở thành lễ lao động tại Âu Châu, ngày 01 tháng 5, từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, đã được ghi dấu bằng những phong trào tranh đấu để nâng cao đời sống thợ thuyền. Giáo Hội đã lắng nghe tiếng kêu cứu ấy. Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII và Piô XI đã mở ra những chân trời mới trong thế giới cần lao. Sau cùng đức Piô XII đã muốn nhuộm thắm ngày hôm nay với màu sắc Kitô Giáo, dưới sự che chở của thánh Giuse thợ. Ngài không phải chỉ là một người thợ mộc Nagiaret, mà còn là một mẫu gương sáng chói cho chúng ta noi theo; suốt bao năm trường, ngài đã làm việc cho Chúa Giêsu và trong sự thân mật nghĩa thiết với Chúa Giêsu.
Xưởng thợ thánh Giuse còn chiếu tỏa một luồng ánh sáng mới trên công việc của chúng ta. Sự làm lụng công việc không phải chỉ là một phương tiện cải tạo bản thân và phụng sự cộng đoàn xã hội, mà còn giúp ta tham dự vào thân phận Con Thiên Chúa làm người, mời gọi chúng ta kết hiệp với những khổ đau của Ðức Kitô. Trong ý nghĩ ấy, sức lao động là một bước tiến tới cùng Thiên Chúa.
 

 
SUY NIỆM 4: Giuse trong xóm nhỏ lao động
"Giuse trong xóm nhỏ lao động..."
Có lẽ không một người công giáo Việt Nam nào mà không thuộc nằm lòng bài thánh ca trên đây của cố linh mục Ðạo Minh, dòng thánh Giuse... Tác giả đã sáng tác ca khúc trong giai đoạn đau thương của đất nước giữa hai thập niên 40 - 50 và cũng như thánh Giuse, đã ra đi âm thầm trong một cái chết vô cùng bí ẩn sau ngày thay đổi chế độ.
Lời ca đơn sơ xuất phát từ cuộc sống lam lũ qua mọi thời đại của người Việt Nam. Nhưng tâm tình đó lại càng hợp với hoàn cảnh sống của người Việt Nam hơn bao giờ hết. Với khẩu hiệu lao động là vinh quang... dường như sau năm 1975, người Việt Nam nào cũng đã hơn một lầm mồ hôi nhễ nhại với cây cuốc, cái cày hoặc còng lưng trên chiếc xích lô đạp...
Trong cảnh sống đó, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy gần gũi với thánh Giuse, vị thánh được mệnh danh là người công chính, nhưng đồng thời cũng là con người thinh lặng nhất trong Phúc Âm. Có rất nhiều thứ thinh lặng. Thinh lặng của những người câm điếc, bị trói buộc trong bất lực tự nhiên của mình. Thinh lặng trong cô đơn buồn chán. Thinh lặng trong căm thù oán ghét. Thinh lặng trong khép kín ích kỷ. Thinh lặng trong kiêu hãnh trước đe dọa, thử thách...
Thánh Giuse đã thinh lặng trong tinh thần chấp nhận và chiêm niệm. Trong cuộc sống âm thầm tại Nagiaréth, thánh Giuse đã thinh lặng để chiêm ngưỡng mầu nhiệm nhập thể kỳ diệu trong con người của Chúa Giêsu. Cuộc đời của thánh Giuse đã bắt đầu bằng một giấc mơ để rồi tiếp tục trong một giấc mơ triền miên. Nhưng đây không phải là một giấc mơ của mộng ảo phù du, mà là một giấc mơ trong chiêm niệm về hiện thực...
Trong sự thinh lặng chiêm niệm ấy, từng biến cố nhỏ của cuộc sống đã mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.
Hôm nay là ngày lao động Quốc tế. Ngày lao động Quốc tế này gợi lại cả một quá trình tranh đấu của giới thợ thuyền của Âu Châu vào đầu thế kỷ vừa qua. Từ những bất công xã hội, cuộc đấu tranh của giới thợ thuyền đã làm trồi dậy phẩm giá của con người và giá trị của sự cần lao...
Ðối với người Kitô, ngày Quốc tế lao động này gắn liền với con người của Thánh cả Giuse, quan thầy và gương mẫu của giới cần lao. Do đó ngày hôm nay đối với chúng ta phải là một ngày của suy tư và cầu nguyện. Suy tư về ý nghĩa và giá trị những công việc hằng ngày của chúng ta. Cầu nguyện cho mọi người biết nhận ra sự hiện diện và tác động và lời kêu mời của Chúa trong cuộc sống...
(Trích trong ‘Lẽ Sống’ – Radio Veritas Asia)
 
SUY NIỆM 5: Thánh Giuse: người lao động.
“Con bác thợ mộc”! Lời phát biểu này không có gì là khinh chê, chỉ tỏ vẻ ngạc nhiên, người ta không thể tưởng tượng được cậu con trai tầm thường, mà mọi người trong làng Nadarét đều biết con của Giuse sống trong tối tăm. Thế mà mọi người đều thấy cậu khôn ngoan, đầy quyền lực làm phép lạ. Luca đã dẫn hai câu châm ngôn ngắn gọn: Ngôn sứ không ở quê nhà! thầy thuốc không thiêng cho bà con! để giải thích hoàn cảnh này, họ còn đi xa hơn nữa biến đổi sự ngạc nhiên ra sự xúc phạm: họ dận dữ và quyết định giết đi cho khuất mắt. Cả ba Tin Mừng nhất lãm đều có nói: Đức Giê-su không muốn và cũng không thể làm được phép lạ vì họ cứng lòng tin... Những Phúc Âm hoang đường đã viết, Người đã làm nhiều điều kỳ diệu để tỏ cho họ biết Người là vị anh hùng vĩ đại, chỉ giản dị với danh hiệu: “Con bác thợ mộc”. Bác thợ mộc không có một ngôn sứ, không biết ăn nói, Giêsu chỉ là con ông Giuse thinh lặng thôi...
Giuse, Ngài đã nhận những lệnh của trời không qua cuộc đàm thaoị như Ma-ri-a và Giacaria, nhưng qua giấc mơ, Ngài không thể nói gì; chỉ biết tỉnh dậy vâng lời Giouse chỉ nói một tiếng như thiên sứ bảo; đặt tên con trẻ sinh ra bởi Ma-ri-a là Giêsu (có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ như Giosuê). Ngài đã nhận lệnh đặt tên, để biểu lộ Ngài được những đặc quyền thuộc dòng dõi David. Đó là dấu chỉ ân phúc cho Ngài như thiên sứ nói để giải tỏa nỗi âu lo của Ngài trước sự mang thai của Ma-ri-a: Giuse con dòng David... đó là vai trò thừa kế, không phải bằng đời sống huyết nhục, nhưng bằng sự nghiệp phong phú của lịch sữ Israel để thực hiện lời hứa với David. Nơi người con nuôi duy nhất của mình... vâng, Giuse chỉ nói một tiếng Giêsu, nhưng tiếng nói này quyết định cho lịch sử cứu độ. Rồi Ngài lại đi vào thinh lặng. Như Claude đã viết: “Khi những dụng cụ được xếp vào chỗ của chúng rồi thì công việc trong ngày đã xong. Khi con lạc đà ở sông Giócdan Israel ngủ trong cánh đồng, lúa về ban đêm... thì Giuse đi vào trong cuộc nói chuyện của Thiên Chúa với những tiếng thở dài không dứt...”.
L.P
SUY NIỆM 6
Bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu của thánh lễ kính Thánh Giuse Thợ được Giáo Hội chọn, đó là vì người cùng quê với Đức Giê-su đã kinh ngạc về sự khôn ngoan trong lời giảng dạy của Người và đã thốt lên :
Một đàng, lời nói này diễn tả sự vấp ngã, nghĩa là không tin, của người Do thái cùng quê với Đức Giê-su, nhưng đàng khác, lại vô tình cho chúng ta nhận ra rằng, mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa thật đến mức nào, đặc biệt ngang qua đời sống ẩn dật : Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa thực sự dưới mắt mọi người là “Con Bác Thợ” !
Chính trong mức độ này mà Bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu của chúng ta vừa tôn vinh Thánh Giuse Thợ của chúng ta, nhưng thật là kín đáo, và vừa tôn vinh căn tính thần linh của Đức Ki-tô. Phải chăng đó cũng là lựa chọn của Thánh Giuse khi đảm nhận vai trò lớn lao là đón nhận, bảo vệ và làm cho Con Thiên Chúa nhập thể lớn lên, ngang qua đời sống bình dị của một người thợ ? Và người đã sống đến cùng lựa chọn này đến cùng trong sự thinh lặng tín thác, quảng đại và yêu thương.
1. Nghịch lý đức tin
Bài Tin Mừng hôm nay nói cho chúng ta về một nghịch lý lớn nhất thuộc về đức tin Ki-tô của chúng ta, nghĩa là về niềm tin nơi Đức Giê-su Nazareth, Đấng đến từ chính Thiên Chúa. Một đàng, những người nghe Đức Giê-su đều biết hết về Ngài, bởi vì họ là những người cùng quê với Ngài. Họ biết cha mẹ của Ngài, là bác thợ và bà Maria ; họ cũng biết anh em của Ngài và gọi đích danh họ : Gia-cô-bê, Gio-xếp, Simon và Giu-đa ; và họ còn biết rõ hơn nữa tất cả chị em của Ngài, bởi vì các cô là bà con lối xóm của họ. Đó chính là cái biết chắc chắn và khách quan về gốc gác nhân loại của Đức Giê-su.
Nhưng đàng khác, những người cùng quê với Đức Giê-su lại nghe nói về những gì Ngài đã làm, nhất là về những phép lạ ; và giờ đây, họ còn nghe trực tiếp Đức Giê-su giảng dạy trong hội đường, và lời giảng của Ngài làm cho họ sửng sốt : “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?” Câu hỏi lại được đặt ra một lần nữa, sau khi họ đã kể ra một cách chính xác những gì họ biết về Ngài : “Vậy bởi đâu ông ta được như thế ?”
Như thế, nơi ngôi vị của Đức Giê-su, nơi hành động và lời nói của Ngài, có điều gì đó vượt qua cái biết khách quan thuộc bình diện lịch sử. Đức Giê-su vừa là một con người như chúng ta, vừa siêu vượt con người. Đó chính là nghịch lý của đức tin Ki-tô.
Nhưng khởi đi từ nghịch lý, mà chính họ đích thân trải nghiệm, những người cùng làng với Đức Giê-su đã không tin, tin rằng Đức Giê-su có một tương quan duy nhất với Thiên Chúa, tin rằng Ngài là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Cũng vậy, nhờ vào các phương pháp và phương tiện rất hiệu quả, con người thời nay có được một kiến thức sâu rộng về con người Đức Giê-su trên bình diện tôn giáo, văn hóa, lịch sử, và họ cũng phải công nhận nơi nhân cách của Ngài có điều gì đó siêu phàm ; nhưng đàng khác họ cũng có cùng một lựa chọn không tin. Dường như, người ta dấn mình vào lãnh vực kiến thức lịch sử về Đức Giê-su, người ta càng gặp khó khăn trong niềm tin, rằng Ngài đến từ Thiên Chúa, và Ngài là Thiên Chúa. Chắc chắn, đó cũng là khó khăn trong niềm tin của chính chúng ta ở một mức độ nào đó hay trong một giai đoạn nào đó.
2. Ơn huệ đức tin
Người ta, hoặc cả chúng ta nữa, gặp khó khăn trong đức tin, bởi vì đối tượng của đức tin, ở đây là căn tính thần linh của Đức Giê-su, không phải là điều để biết hay để thấy. Tin nơi Đức Giê-su Ki-tô, là Con Người và là Con Thiên Chúa là ơn huệ Thiên Chúa ban ; và về phía chúng ta, chúng ta liều mình dấn thân và cho đi cả cuộc đời trong lựa chọn tin nơi Đức Giê-su Ki-tô. Và niềm tin của chúng ta hoàn toàn không mù quáng, bởi vì chúng ta có kinh nghiệm cảm và nếm thần tính ngọt ngào nơi lời nói, hành động và nơi ngôi vị của Đức Giê-su, chúng ta đã đón nhận những hoa trái tốt đẹp cho sự sống này của chúng ta, và nhất là niềm tin nơi Đức Giê-su làm no thỏa lòng khao khát vô biên có nơi con người chúng ta, chữa lành những “bệnh hoạn tật nguyền” có nơi tương quan của chúng ta với bản thân, với tha nhân và với Thiên Chúa. Bởi vì, Chân Lý Thần Linh không có bằng chứng nào khác ngoài chính mình.
Chắc chắc có những lúc chúng ta ước ao có được những ơn phúc như thế : thấy tận mắt, nghe trực tiếp và biết thật rõ về Đức Giê-su, vì chúng ta thường nghĩ rằng, với những ơn phúc như thế sẽ dễ dàng tin Ngài là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể. Nhưng Lời Chúa trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, kể lại điều hoàn toàn ngược lại : những người thấy tận mắt, nghe trực tiếp và biết thật rõ về Đức Giê-su, lại vấp ngã không tin, đến độ Đức Giê-su lấy làm lạ ; và vì không tin, nên Ngài không thể làm những điều lạ lùng cho họ.
Tại sao lại như vậy ? Điều người ta phải tin, tin Đức Giê-su là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể, thì vượt xa tất những gì người ta thấy, nghe và biết. Tin Đức Giê-su Ki-tô là ơn phúc lớn nhất Chúa ban cho các môn đệ, cho Giáo Hội và ngang qua Giáo Hội, cho từng người chúng ta hôm nay, dù chúng ta không có những ơn phúc của những người đồng hương với Đức Giê-su.
Và chúng ta được mời gọi mở lòng mình ra, mở cuộc đời của chúng ta ra, mở từng ngày sống của chúng ta ra, để đón nhận Đức Giê-su là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chính khi đó, Chúa sẽ làm cho mỗi người chúng ta, cho Gia Đình chúng ta và cho Cộng Đoàn chúng ta những điều lạ lùng.
3. Hoa trái đức tin
Hơn nữa, dưới ánh sáng của ngôi vị Đức Giê-su Ki-tô, vừa con người và vừa Thiên Chúa, chúng ta khám phá ra chiều kích thần linh hiện diện ở khắp nơi trong sáng tạo, trong lịch sử và trong chính cuộc đời và ngôi vị của chúng ta. Bởi vì, vạn vật được tạo dựng bởi Ngôi Lời (Ga 1, 3), theo hình ảnh của Ngôi Lời, cho Ngôi Lời và được làm cho viên mãn bởi Ngôi Lời (x. Ep 2, 3-14).
*  *  *
Xin cho chúng ta mỗi ngày biết nhận ra ơn phúc đức tin Chúa ban và quảng đại đón nhận và sống đức tin, để Chúa làm cho chúng ta những điều lạ lùng mỗi ngày : đó là mầu nhiệm Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ, có sức mạnh giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của ma quỉ, và những điều xấu xa thuộc về ma quỉ, để làm cho chúng ta hiệp nhất trong tình thương với Chúa và với nhau, với những người còn sống cũng như với những người đã qua đời hôm nay và mãi mãi.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận