Thánh nữ Catarina Siena

Đăng lúc: Thứ tư - 29/04/2015 01:53 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Ngày 29/04 - Thánh nữ Catarina Siena

 
 

THÁNH NỮ CATARINA SIENA

1. Tiểu sử

Catarina Benincasa chào đời tại thành Siena vào năm 1347, và gia nhập dòng Ba Đaminh khi còn rất trẻ. Ngài nổi bật về tinh thần cầu nguyện và sám hối. Được thúc đẩy vì tình yêu nồng nàn đối với Thiên Chúa, Giáo Hội, và Giáo Hoàng Roma, thánh nữ đã hoạt động không biết mệt mỏi cho sự nghiệp bình an và hợp nhất của Giáo Hội, trong những năm tháng gian truân của thời kỳ di tản Avignon. Thánh nữ đã dành rất nhiều thời gian hoạt động tại phủ Giáo Hoàng để thuyết phục Đức Gregoriô XI trở về giáo đô Roma, vì đó mới chính là nơi Đấng Đại Diện Chúa Kitô điều hành toàn thể Giáo Hội. Chỉ vài hôm trước khi qua đời, ngày 29 tháng 4 năm 1380, thánh nữ đã tâm sự rằng: "Nếu tôi qua đời, hãy cho người ta biết rằng tôi chết vì nhiệt tâm với Giáo Hội."

Thánh nữ đã viết rất nhiều thư từ, hiện còn giữ được chừng 400 bức, một số kinh nguyện, ‘những lời than thở,’ và một quyển sách duy nhất là cuốn ‘Đối Thoại.’ Trong quyển sách này, thánh nữ đã ghi lại những lần tâm tình thân mật của mình với Chúa. Người nữ tu dòng Ba Catarina được Đức Piô II tôn phong hiển thánh, và lòng sùng kính ngài mau chóng lan rộng khắp Âu Châu. Thánh nữ Têrêsa Avila nói rằng:"Sau Thiên Chúa, người mà ngài mang ơn nhiều nhất về sự tiến bộ trên đường thiêng liêng là thánh nữ Catarina Siena". Đức chân phúc giáo hoàng Piô IX đã tôn nhận thánh nữ Catarina lên làm quan thầy nhì cho nước Ý (cùng với thánh Phanxicô khó nghèo). Đến năm 1970, Đức Phaolô VI đã tôn phong thánh nữ Catarina Siena danh hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh.

2. Những diểm nổi bật trong cuộc đời của thánh nhân

a/ Trước hết phải kể là: "Lòng yêu mến Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng,(Chúa Kitô dịu hiền trên trần gian)."

Mặc dù không được học hành đến nơi đến chốn (chỉ đủ biết đọc biết viết), và qua đời khi mới 33 tuổi, nhưng thánh nữ Catarina Siena đã có một cuộc đời phi thường với nhiều thành tích, như thể thánh nữ đã rảo bước đến cung thánh muôn đời của Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài là tấm gương tuyệt vời về lòng yêu mến Giáo Hội và Giáo Hoàng Roma, đấng được thánh nữ xưng tụng là Chúa Kitô dịu hiền trên trần gian, cũng như về lòng chính trực và can đảm, khiến nhiều người đương thời phải lắng nghe thánh nữ.

Vào thời kỳ ấy, một trong những thời kỳ rối ren nhất của lịch sử Giáo Hội, các Đức Giáo Hoàng đến ngụ tại thành Avignon ở miền Nam nước Pháp. Còn Roma, trung tâm Kitô Giáo, lại bị để hoang tàn. Chúa tỏ cho Catarina biết các Đức Giáo Hoàng cần phải trở về Roma để khởi sự công cuộc chấn hưng đời sống Giáo Hội. Việc này rất khẩn thiết và được mong đợi từ lâu cho. Vì mục đích ấy, thánh nữ không những đã không biết mệt mỏi để cầu nguyện, thực hành khổ chế, mà còn viết rất nhiều thư cho Đức Giáo Hoàng, các hồng y, và các vị chức sắc trong Giáo Hội.

Thánh nữ Catarina luôn vâng phục và yêu mến Đức Giáo Hoàng Roma. Chị thánh đã viết: "Người nào không tùng phục Chúa Kitô trên trần gian, đại diện Chúa Kitô trên trời, thì không được dự phần vào hiệu quả Máu thánh Con Thiên Chúa"

Thánh nữ không ngừng hối thúc các hồng y, giám mục và linh mục trong công cuộc chấn hưng Giáo Hội và đời sống các tín hữu. Thánh nữ không ngần ngại kêu gọi các ngài hãy nghiêm chỉnh trở về với nhiệm vụ. Lúc nào thánh nữ cũng khiêm tốn và tỏ lòng tôn kính chức phẩm của các giáo sĩ, bởi vì các ngài là những thừa tác viên Mình Máu thánh Chúa Kitô. Thánh nữ chủ yếu viết thư cho các mục tử trong Giáo Hội, vì biết tinh thần đạo đức của đoàn chiên tùy thuộc rất nhiều vào sự sám hối và nếp sống gương mẫu của những vị này.

b/ Thứ đến Thánh nữ đã hiến dâng cả cuộc đời của mình cho Giáo Hội.

Thánh nữ Catarina có một nữ tính rất rõ nét, nhưng đồng thời cũng biểu lộ một khát vọng và một năng lực phi thường, đặc trưng của những người nữ bản lãnh, đảm đương những công việc hy sinh lớn lao và kiên trì dưới chân thập giá Chúa Kitô. Thánh nữ không khoan nhượng trước bất cứ sự nhát đảm nào trong việc phụng sự Chúa Kitô. Ngài tin rằng đang khi phần rỗi các linh hồn bị lâm nguy thì không thể khoan nhượng một cách vô lý. Thái độ khoan nhượng cho sự lạnh nhạt như thế là hoàn toàn không thể chấp nhận, bởi vì thực sự đó là nhượng bộ thói ươn lười hoặc nhát đảm.

Một năm sau, sau khi trở về Roma vào năm 1377, Đức Thánh Cha đã từ trần. Cuộc bầu Giáo Hoàng kế vị đánh dấu một thời kỳ rối ren trong lịch sử Giáo Hội, đó là cuộc đại ly giáo Tây Phương, một trong những cơn khủng hoảng gây chia rẽ đau đớn nhất cho Giáo Hội. Thánh nữ Catarina đã tiếp xúc và viết thư cho các hồng y, giám mục và vương công, nhưng đều vô ích. Hoàn toàn kiệt sức và đau đớn, cuối cùng thánh nữ đã hiến dâng mạng sống lên Thiên Chúa như một của lễ để cầu nguyện cho Giáo Hội. Vào một ngày tháng Giêng năm 1380, khi đang cầu nguyện trước mộ thánh Phêrô, thánh nữ cảm thấy trên vai của mình gánh nặng kinh khủng của Giáo Hội. Cơn hấp hối của thánh nữ kéo dài vài tháng. Và ngày 29 tháng Tư năm ấy, lúc giữa trưa, Thiên Chúa đã gọi Catarina về hưởng vinh quang. Trên giường hấp hối, thánh nữ đã dâng lên lời nguyện cảm động: "Ôi Thiên Chúa hằng hữu, xin đón nhận hiến lễ cuộc sống của con vì Nhiệm Thể Hội Thánh. Con không có gì để dâng lên, ngoài những gì Chúa đã ban cho con". Trước đó vài ngày, thánh nữ đã thưa với cha giải tội: "Con bảo đảm với cha, nếu con chết, nguyên nhân duy nhất cái chết của con là nhiệt tâm và lòng yêu mến Giáo Hội đã thiêu đốt và làm con tiêu tan". Chúng ta hãy cầu xin thánh nữ ban cho chúng ta một lòng mến bừng cháy đối với Mẹ Giáo Hội như thế.

c/ Và cuối cùng Catarina là người  luôn nhiệt thành bảo vệ chân lý.

Thánh nữ Catarina luôn thẳng thắn và can đảm lên tiếng mỗi khi có vấn đề nào ảnh hưởng đến Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng, và lợi ích các linh hồn. Ngài cảm thấy mình có trách nhiệm phải bảo vệ chân lý. Ở điểm này, chúng ta có thể học được rất nhiều từ thánh nữ Catarina: ngài không bao giờ nhượng bộ trong những điều căn bản, bởi vì ngài đặt trót niềm tin nơi Chúa.

Chúng ta hãy nài xin thánh nữ Catarina cho chúng ta được chia sẻ phần nào lòng yêu mến của ngài đối với Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng Roma, và cả những ước vọng nóng bỏng muốn truyền bá giáo lý của Chúa Giêsu khắp nơi. Đồng thời, luôn cố gắng khám phá ra những khía cạnh tích cực của mọi vấn đề, không bỏ phí một cơ hội nào. Chúng ta hãy nài xin Đức Mẹ bằng những lời của chính thánh nữ Catarina: "Ôi Maria, con đến van nài, xin Mẹ dâng lời khẩn nài của con cho Hiền Thê dịu hiền của Chúa Kitô và cho vị Đại Diện trên trần gian của Người. Ước chi ngài luôn luôn được ánh sáng để cai trị Giáo Hội một cách khôn ngoan sáng suốt." Amen.

 
Thánh nữ sinh năm 1347 tại Xiêna. Ngay từ thuở niên thiếu, chị đã khao khát sống cuộc đời hoàn thiện, khát khao chiêm ngưỡng Chúa Kitô chịu đóng đinh, và phục vụ Hội Thánh bấy giờ đang bị xâu xé. Vì thế, chị đã gia nhập Dòng Ba Đaminh. Thấm nhuần tinh thần của thánh Đaminh, chị yêu mến Thiên Chúa và tha nhân một cách nồng nàn, cổ võ bình an thuận hòa giữa các thành của nước Italia, can đảm bênh vực quyền lợi và sự tự do của Đức Giáo Hoàng và canh tân đời sống đạo đức. Chị là tác giả của nhiều tác phẩm đạo lý và tu đức. Chị qua đời năm 1380. Ngày 18 tháng 06 năm 1939, Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên phong chị làm bổn mạng nước Italia. Và ngày 04 tháng 10, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên phong cho chị là tiến sĩ Hội Thánh.
 
Lời Chúa: Ga 12, 44-50
Khi ấy, Chúa Giêsu lớn tiếng nói rằng: "Ai tin vào Ta thì không phải là tin vào Ta, nhưng là tin vào Đấng đã sai Ta. Và ai thấy Ta là thấy Đấng đã sai Ta. Ta là sự sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong sự tối tăm. Nếu ai nghe lời Ta mà không tuân giữ, thì không phải chính Ta xét xử người ấy, vì Ta đã đến không phải để xét xử thế gian, nhưng là để cứu độ thế gian. Ai khinh dể Ta, và không chấp nhận lời Ta, thì đã có người xét xử: lời Ta đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. Bởi vì Ta đã không tự mình nói ra, nhưng Cha là Đấng sai Ta, chính Người đã ra lệnh cho Ta phải nói gì và phải công bố gì. Và Ta biết rằng lệnh của Người là sự sống đời đời. Những điều Ta nói, thì Ta nói theo như Cha đã dạy".

 
SUY NIỆM 1: Ðức tin là ánh sáng
Theo cơ cấu của Phúc Âm thánh Gioan thì những câu chúng ta vừa đọc trên là những câu cuối cùng trong cuộc đời rao giảng công khai của Chúa Giêsu, bởi vì liền đó với chương 13, tác giả Phúc Âm thánh Gioan bắt đầu nói về biến cố Chúa rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly, khởi đầu cuộc Thương Khó của Ngài. Vì thế, những lời vừa trích dẫn trên có thể tóm lược một cách tổng quát những lời giảng công khai của Chúa Giêsu cho dân chúng và Chúa Giêsu nhắc đến hai điểm chính yếu nhất:
- Tin Chúa là tin Thiên Chúa Cha, thấy Chúa là thấy được Thiên Chúa Cha. Tin Chúa sẽ mang lại ánh sáng soi cho cuộc đời của mình. Ðức tin là ánh sáng, không tin là sống trong bóng tối.
- Từ chối không tin. Con người tự kết án mình. Mặc dầu Chúa Giêsu không đến để kết án mà để cứu rỗi, không ai có thể thoát ra khỏi sự cứu rỗi cuối cùng này, và sự xét xử đến từ thái độ của người đó, đón nhận hay chối từ Thiên Chúa. "Ai nghe lời Ta mà không tuân giữ thì không phải Ta là người kết án kẻ ấy vì Ta không đến để luận phạt thế gian mà đến để cứu rỗi. Ai chê chối Ta và không nhận lời Ta thì sẽ có người xét xử kẻ ấy, tức là lời giảng dạy của Ta sẽ xét xử kẻ ấy trong ngày sau hết. Không ai có thể thoát khỏi sự xét xử này, nhưng sự xét xử đó sẽ đến trong ngày sau hết".
Trong hiện tại, Thiên Chúa luôn luôn kêu mời con người hãy trở về lại với Ngài sau những lần sa ngã, chối từ không tin Ngài. Thời giờ chúng ta đang sống là thời giờ của lòng nhân từ của Thiên Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta đừng lợi dụng lòng nhân từ này, đừng khinh dễ bỏ qua ơn soi sáng của Chúa. Những trang Phúc Âm cho chúng ta biết rõ ý muốn của Thiên Chúa như thế nào nơi mỗi người chúng ta. Ngài muốn chúng ta tin nhận Ngài, lắng nghe lời Ngài và sống kết hiệp với Ngài.
Lạy Chúa, Chúa đã vạch ra một con đường cho mỗi người chúng con, đó là những dự án của tình yêu của Chúa để chúng con thực hiện. Xin Chúa giúp chúng con được luôn sẵn sàng thực hiện thánh ý Chúa lắng nghe lời Chúa chứ không phải là kẻ chịu đựng bất đắc dĩ, ý Chúa phải là ý con chứ không phải ý con là ý Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 2: Từ bóng tối đến ánh sáng
Tin mừng theo thánh Gio-an được viết ra sau một thời gian dài cầu nguyện đến lúc chín mùi. Trước khi cho chúng ta những lời chứng, thánh nhân đã dầy kinh nghiệm sống với sức sống của Thiên Chúa, Cha, Con và Thánh Thần. Tin mừng này bày tỏ về Thiên Chúa Ba ngôi, qua con tim của một người, một người xác tín, một người tông đồ yêu dấu.
Đức Giêsu tự định nghĩa mình là người được sai đi của Cha. Thánh Gio-an không giới thiệu Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng là Con Cha. Hầu như bất cứ điều quan trọng nào đều chỉ về Cha và không chỉ về Con. Tất cả đều tương quan với Cha. Đức Giêsu thực hiện sứ mệnh do Cha ban, Người làm cho họ nhận biết sứ điệp của Cha. Đức Giêsu chính là sứ điệp của Cha.
Thái độ của Đức Kitô luôn luôn bày tỏ sự hoàn toàn tùy thuộc, hoàn toàn vâng lời lúc nào cũng sẵn sàng đối với Cha. Nếu Người cho lời Người là quan trọng vì đó là lời của Cha: “Chính lời Tôi nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết, thật vậy, không phải Tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai Tôi, truyền lệnh cho Tôi phải nói gì và tuyên bố gì”.
Chúng ta có lẽ phán đoán đây là một sự lệ thuộc quá nô lệ. Đức Giêsu không có một sự tự chủ của người trưởng thành …
Trái lại, chính đó là một hành động tự do của Đức Giêsu vì Người tự ý đặt mình sẵn sàng theo ý Cha: Đó chính là con đường cứu chuộc.
Con người muốn độc lập với Thiên Chúa, không muốn sống hợp với nguyên lý sự sống. Nhưng muốn được cứu chuộc phải vâng lời, phải tiến lại sống thân mật với Thiên Chúa. Thánh Phao-lô nói: Vì không vâng lời của một người, mà án phạt đã đến trong thế gian.
Chúng ta hãy để cho con tim chúng ta được tự do dâng lời cảm tạ biết ơn Đức Giêsu, là nguồn ơn cứu chuộc chúng ta, và Thánh lễ tạ ơn chúng ta sắp cử hành để tuyên xưng hồng ân của Chúa Cha là đã sai Con Một Ngài đến cho chúng ta.
C.G
 
SUY NIỆM 3: Ánh sáng của Đức Kitô
Nơi con người Chúa Giêsu có nhiều thứ ánh sáng. Đó có thể là thứ ánh sáng phản chiếu vinh quang quyền năng, thứ ánh sáng mà khi đối diện con người phải cúi đầu. Chúa Giêsu không tỏ lộ ánh sáng này cho các môn đệ và dân chúng theo Ngài, ngoại trừ một lần trên núi Thabor, Ngài biến hình sáng láng trước mặt ba môn đệ: Phêrô, Yacôbê và Gioan.
Ánh sáng thường gặp nơi Ngài là ánh sáng soi đường dẫn lối, một thứ ánh sáng không làm cho con người sợ hãi, nhưng mời gọi bước theo. Anh sáng phát xuất từ ngọn lửa yêu thương phục vụ xem ra không huy hoàng rực rỡ, nhưng lại hữu hiệu. Đối diện với ánh sáng này, con người sẽ hoặc là tiếp nhận, hoặc là chối từ. Khi chối từ tức là con người còn nằm trong bóng tối và ánh sáng trở thành ánh sáng xét xử. Chúa Giêsu không kết án, vì Ngài đến để cứu chuộc, nhưng chính thái độ cố chấp của con người sẽ kết án họ.
Không có ánh sáng đồng thời với bóng tối, ở đâu có ánh sáng, ở đó sẽ không còn bóng tối. Nhưng để tiếp nhận ánh sáng, con người phải chấp nhận từ bỏ, tiêu hao chính mình. Chúa Giêsu đã đem lửa xuống trần gian và Ngài ước mong cho nó cháy lên. Gặp gỡ Đức Kitô, con người sẽ gặp được ngọn lửa yêu thương của Ngài. Ngọn lửa càng sáng, càng đòi tiêu hao nhiều nhiên liệu. Ngọn lửa Đức Kitô đã tỏa sáng khắp vũ trụ khi Ngài được giương cao trên Thập giá và hiến thân cho đến giọt máu cuối cùng.
Bước theo Đức Kitô, người kitô hữu chúng ta không những được mời gọi tiến vào miền ánh sáng, mà còn có bổn phận trở thành ánh sáng. Ngài không cần chúng ta phải chiếu ánh sáng quyền năng của Ngài bằng những việc phi thường, nhưng là sẵn sàng tiêu hao chính mình để ánh sáng Đức Kitô được chiếu tỏa, và nhờ đó chính chúng ta cũng được đổi mới và nhận được vinh quang Phục Sinh của Ngài.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận