Thứ ba tuần 32 thường niên

Đăng lúc: Thứ ba - 10/11/2015 01:49 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ ba tuần 32 thường niên – Thánh Lêô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Chúng tôi là đầy tớ vô dụng: vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm".

 

* Thánh nhân sinh tại Ê-tru-ri-a. Năm 440, người làm giáo hoàng. Với tầm nhìn xa trông rộng và nghị lực phi thường, người đã đương đầu với nguy cơ xâm lăng của dân man di và lạc giáo của Êu-ti-khê đang đe dọa niềm tin về mầu nhiệm Nhập Thể. Nhưng trong tư cách một mục tử, người ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình và không ngừng nhắc nhở các tín hữu thể hiện đức tin trong cuộc sống hằng ngày. Người qua đời năm 461.

 

Lời Chúa: Lc 17, 7-10

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: "Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về liền bảo nó rằng: "Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa", mà trái lại không bảo nó rằng: "Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống"? Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng không. "Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: "Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm".

 

Suy Niệm 1: Tinh Thần Phục Vụ Ðích Thực

Nhân vật nổi tiếng trong Giáo Hội hiện nay được thế giới nhắc nhớ và thương mến nhất, hẳn phải là Mẹ Terêsa Calcutta, một người đã được nhiều giải thưởng nhất: giải Magsaysay do chính phủ Phi Luật Tân dạo thập niên 60; đầu năm 1971, Mẹ lại được Ðức Phaolô VI trao giải Gioan XXIII vì hòa bình; giải thưởng Kenedy do chính phủ Hoa Kỳ tặng, tất cả số tiền nhận được, Mẹ đã dùng để xây dựng trung tâm Kenedy tại một khu ổ chuột ở ngoại ô Calcutta; tháng 12/1972 chính phủ Ấn nhìn nhận sự đóng góp của Mẹ và trao tặng Mẹ giải Nêru; nhưng đáng kể hơn nữa là giải Nobel Hoà bình năm 1979, đây là giải thưởng đã làm cho tên tuổi Mẹ Têrêsa được cả thế giới biết đến, cũng như những lần khác, khi một viên chức chính phủ Ấn gọi điện thoại để chúc mừng, Mẹ đã trả lời: "Tất cả vì vinh quang Chúa".

"Tất cả vì vinh quang Chúa", đó là động lực đã thúc đẩy Mẹ Têrêsa dấn thân phục vụ người nghèo trên khắp thế giới. Với bao nhiêu danh vọng và tiền bạc do các giải thưởng mang lại, Mẹ vẫn tiếp tục là một nữ tu khiêm tốn, nghèo khó, làm việc âm thầm giữa những người nghèo khổ nhất. Thông thường, các giải thưởng cho một người nào đó như một sự nhìn nhận vào cuối một cuộc đời phục vụ làm việc hay một công trình nghiên cứu; nhưng đối với Mẹ Têrêsa, mỗi giải thưởng là một bàn đạp mới, một khởi đầu cho một công trình phục vụ to lớn hơn và làm cho nhiều người biết đến và ngợi khen Thiên Chúa nhiều hơn.

Qua cuộc đời của Mẹ Têrêsa, chắc chắn thế giới sẽ hiểu hơn thế nào là tinh thần phục vụ đích thực trong Giáo Hội. Một Giáo Hội càng phục vụ thì bộ mặt của Chúa Kitô phục vụ càng sáng tỏ hơn; trái lại, khuôn mặt Chúa Kitô sẽ lu mờ đi, nếu Giáo Hội chưa thể hiện được tinh thần phục vụ đích thực của Ngài.

Tin Mừng mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay mời gọi chúng ta nhìn nhận những thiếu sót của chúng ta: có lẽ dung mạo của một Chúa Kitô phục vụ và phục vụ cho đến chết chưa được phản ảnh trên gương mặt của các Kitô hữu; tinh thần phục vụ đích thực của Kitô giáo vẫn chưa được sáng tỏ và thể hiện qua cách sống của các Kitô hữu. Chúa Giêsu đã khẳng định: "Khi làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm những việc bổn phận mà thôi". Ðầy tớ là người làm tất cả những mọi sự vì chủ, đầy tớ là người hoàn toàn sống cho chủ. Dĩ nhiên, ở đây, Chúa Giêsu không có ý đề cao quan hệ chủ tớ trong xã hội. Ngài đã xem quan hệ trong xã hội con người và Thiên Chúa như một quan hệ chủ tớ; Ngài đã chẳng mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa như một người Cha và mời gọi chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha đó sao?

Như vậy, ở đây, Chúa Giêsu chỉ muốn dùng hình ảnh người đầy tớ vốn có trước mắt người Do thái, để nói lên tương quan đích thực giữa con người và Thiên Chúa, đó là con người chỉ sống thực sự khi nó sống cho Thiên Chúa mà thôi. Cái nghịch lý lớn nhất mà Kitô giáo đề ra là càng tìm kiếm bản thân, càng sống cho riêng mình, con người càng đánh mất chính mình; trái lại, càng sống cho Thiên Chúa, càng tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa, nghĩa là càng phục vụ vô vị lợi, con người càng lớn lên và càng tìm lại được bản thân; giá trị đích thực của con người như Chúa Giêsu đã dạy và đã sống chính là phục vụ một cách vô vị lợi. Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến Chế "Vui Mừng và Hy Vọng" đã để lại một châm ngôn đáng được chúng ta suy niệm và đem ra thực hành: "Con người chỉ tìm gặp lại bản thân bằng sự hiến thân vô vị lợi mà thôi".

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại định hướng cơ bản trong cuộc sống chúng ta: đâu là mục đích và ý nghĩa cuộc sống chúng ta? đâu là giá trị đích thực mà chúng ta đang tìm kiếm và xây dựng trong cuộc sống hiện tại.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Nô lệ không đòi gì

“Đối với anh em cũng vậy: Khi đã làm tất cả theo lênh phải làm, thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm những việc bổn phận đấy thôi.” (Lc. 17, 10)

Đức Giêsu dùng nhiều thí dụ cụ thể trong đời sống thường ngày để loan báo sứ điệp của Người. Hôm nay Người tiếp tục giáo huấn về đức hạnh của các phần tử của Hội thánh.

Chỉ lo phục vụ chủ mình:

Biệt phái quan niệm giao ước như là một bản hợp đồng về những luật lệ của Thiên Chúa đối với con người. Khi người ta hoàn tất những giới răn như luật dạy, Thiên Chúa mắc nợ với con người: người ta có quyền đòi con nợ của mình. Quan niệm này là nền tảng cho kiêu ngạo và tự mãn của họ.

Trong khi dạy các phần tử của Hội thánh sống khiêm tốn và nương tựa hoàn toàn vào Thiên Chúa, Đức Giêsu đối lập lại với thái độ của biệt phái. Người kể gương người nông phu đã nêu cao tinh thần phục vụ lên hàng đầu, vừa đi cày về, còn mau mau dọn cơm cho chủ ăn. Ở đây, Đức Giêsu không muốn dạy bài học luân lý. Người muốn hơn nữa: không những vô vị lợi mà còn chỉ cho con người phải sống như đầy tớ của Thiên Chúa. Đấng sáng tạo vũ trụ vạn vật.

Người đầy tớ làm ruộng như một nông nô không có quyền gì với ông chủ của nó. Nó phải làm điều chủ đòi nó làm. Nó không được chờ đợi bất cứ điểm tốt nào hay bất cứ một lời cảm ơn gì. Cũng thế, con người ta là một đầy tớ cùng khốn đối với Thiên Chúa. Nó không được quyền gì để cho mình có giá trị. Thiên Chúa không phải trả công hay tưởng thưởng nó. Nó chẳng đáng gì, ngoài ra phải làm phận sự đầy tớ của mình, vì chính Thiên Chúa đã ban đời sống cho nó, gìn giữ nó sống và nâng cao đời sống nó lên.

Không một phần thưởng

Các tông đồ bỏ tất cả theo Đức Giêsu và chấp nhận mọi yêu sách cốt yếu nhất của Chúa. Như Phê-rô đã hỏi: “Vậy chúng con sẽ được gì?”. Cả các ông cũng chỉ là những đầy tớ vô dụng ư? Câu đáp của Đức Giêsu là các anh đã chỉ làm việc bổn phận mình thôi. Các anh không có quyền đòi cung cấp chi hết. Do lòng thương yêu của Chúa, Chúa đã tặng không mọi sự cho con người, con người phải làm vinh danh và nhớ ơn Thiên Chúa.

Giáo huấn của Đức Giêsu muốn duy trì sự bình an trong Giáo hội. Mỗi người là một đầy tớ vô dụng, được kêu gọi làm theo lệnh Chúa, với tinh thần hoàn toàn khiêm tốn. Không ai có thể dành riêng cho mình một địa vị ưu tiên nào, vì Thiên Chúa là chủ mọi ân huệ và phân phát cho ai tùy Ngài muốn.

RC
 

Suy niệm 3 

A- Phân tích (Hạt giống...)

Đoạn Phúc Âm này nói đến giáo huấn của Chúa Giêsu về việc phục vụ cách khiêm tốn.

Chúa Giêsu đã dạy: muốn phục vụ trước hết hãy khiêm tốn, khiêm tốn đến mức tự coi mình là đầy tớ. Khi ta đã tự coi mình là đầy tớ rồi thì ta sẽ không ngại phục vụ người khác, hơn nữa ta sẽ coi tất cả những gì ta làm cho người khác đều là bổn phận.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. “Đầy tớ vô dụng”: Thánh Phaolô đã viết “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh?” (1Cr 4,7) Nếu xét cho kỹ thì tất cả những gì ta cho là tài ba hay công lao “của mình” đều không phải là của mình thực sự:

  • Trí óc ta thông minh ư? Đó là nhờ Chúa sinh ra ta như thế. Nhiều người khác mới sinh ra đã đần độn.
  • Sức khoẻ ta dồi dào ư? Cũng nhờ Chúa sinh ta ra sẵn như vậy. Nhiều kẻ sinh ra đã sẵn èo ọt.
  • Ta có nhiều năng khiếu ư? Cũng do Chúa sinh ra ta như vậy.
  • Ta đẹp ư? Cũng thế, cũng là do Chúa.
  • Ta làm nhiều việc thành công ư? Đó là nhờ ta có sẵn thông minh, sức khoẻ, năng khiếu. Mà những thứ đó đều nhờ do Chúa.

Bởi vậy dù ta làm được gì thì ta cũng là đầy tớ vô dụng thôi.

2. Trong một tập thể, nếu ai cũng coi mình là đầy tớ của người khác thì việc chung sẽ chạy đều. Còn nếu ai cũng muốn làm kẻ chỉ huy thì sẽ thế nào?

3. Quan niệm ‘sống đạo để lập công’: quan niệm của Pharisêu, của người con cả trong dụ ngôn Người cha nhân hậu và đứa con hoang đàng. Đây là kiểu sống không có tình; chỉ có tính thương mại. ‘Mẹ nuôi con như trời như bể, con nuôi mẹ tính tháng tính ngày’.

4. Ta sống tốt chỉ có giá trị nhằm gợi lên lòng thương xót và sự nhân hậu của Chúa, ta không có quyền đòi hỏi gì; hoặc nếu có đòi, thì hãy đòi trong tâm tình của đứa con nhỏ vòi vĩnh trong tình thương. Thân phận ta, về một khía cạnh nào đó, có thể ví như thân phận người đang chờ án tử hình, nay vì tin vào lòng nhân hậu Chúa, ta làm tốt để cố vớt vát lấy lòng Chúa và cố đền bù những thiệt hại tan hoang mình đã gây ra.

5. Người ta hỏi Thánh Phanxicô Assisi nhờ đâu và bằng cách nào mà ngài làm được nhiều việc như thế. Thánh nhân đáp:

- Thiên Chúa ở trên Thiên đàng nhìn xuống dưới đất. Ngài tự hỏi: “Tìm đâu ra một người yếu đuối nhất, nhỏ bé nhất và hèn hạ nhất đây?” Thế rồi Thiên Chúa tìm thấy tôi. Ngài lại tự nhủ: “Ta đã tìm được nó rồi. Qua nó, Ta sẽ làm những việc Ta muốn. Nó sẽ không tự phụ được với những việc đó, bởi vì nó biết rằng Ta sử dụng nó chỉ vì sự yếu đuối, nhỏ bé và hèn hạ của nó thôi”. (Christian Herald)

6. “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi chỉ làm việc theo bổn phận ấy thôi” (Lc 17,10b)

Một nhân viên gác cầu quay có nhiệm vụ quay cây cầu lên cao mỗi khi có tàu thuỷ qua lại phía dưới. Một ngày kia, cậu con trai ông đi qua phía cầu để chơi và xem cha mình làm việc. Thình lình cậu bé trượt chân té. Thấy con bị té, người cha hốt hoảng định kéo con lên. Nhưng ngay lúc đó một chuyến tàu chở đầy hành khách đang lao tới trong tiếng còi văng vẳng từ xa vọng lại. Ông phải nâng cầu lên cho con tàu đi qua và như vậy con trai yêu quý của ông sẽ chết. Tâm trí bấn loạn… nhưng ông cũng đã hoàn tất nhiệm vụ, để rồi phải nhìn chiếc tàu đi qua với những hành khách nhộn nhịp cười nói mà lòng quặn đau…

 

 

Trong cuộc đời, có lần nào tôi đã dám hy sinh vì anh em mà không tính toán, dám phục vụ mà không nghĩ thiệt hơn?

Lạy Chúa, xin cho con biết phục vụ một cách vô vị lợi, vì đó là bổn phận của con. (Hosanna)

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

 

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúa đã đến thế gian để yêu thương và phục vụ chúng con. Chúa chọn sự khiêm cung nhỏ bé để trở nên mọi sự cho chúng con. Chúa chấp nhận từ bỏ chính mình để mặc lấy thân phận phàm nhân đề hòa nhập vào giòng đời của chúng con. Chúa còn từ bỏ chính mình để trở thành tấm bánh nuôi dưỡng chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin cho chúng con biết đền đáp tình yêu cao sâu mà Chúa đã dành cho chúng con.

Nhưng Chúa ơi, sao tình yêu chúng con còn quá nhiều toan tính thiệt hơn với Chúa. Cách sống của chúng con còn quá vô tâm, tựa như người con bất hiếu với cha mẹ mình. "Mẹ nuôi con như trời như bể, con nuôi mẹ con kể từng ngày". Chúng con tính toán từng giây với Chúa. Giờ kinh chúng con đọc chiếu lệ cho qua. Thánh lễ chúng con dâng còn thiếu trang nghiêm sốt sắng. Lòng trí chúng con còn bộn bề với biết bao công việc sinh sống, vui chơi, giải trí. Chúng con dành thời gian cho Chúa quá ít. Xin tha thứ cho những thiết sót của chúng con. Xin giúp chúng con biết dành thời gian để cầu nguyện với Chúa, để tạ ơn về những ơn lành Chúa ban, và để cầu xin ơn Chúa xuống trên cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa, Chúa đã nêu gương cho chúng con về tinh thần phục vụ trong khiêm tốn âm thầm. Xin cho chúng con biết phục vụ nhau trong tinh thần đơn sơ và quảng đại ngõ hầu danh Chúa được cả sáng trong đời sống phục vụ của chúng con. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)
 

SUY NIỆM 4

Để nói về tương quan giữa Chúa và chúng ta, Đức Giê-su dùng hình ảnh người tôi tớ quên mình phục vụ chủ nhân của mình. Nhưng con người thời nay, trong đó có chính chúng ta nữa, lại thích làm chủ hơn, làm đại gia hơn, thích bình đẳng hơn, thích quyền lợi hơn, thích sòng phẳng hơn. Vì thế, hình ảnh chủ tớ có thể không đánh động chúng ta ; và nhất là những gì Đức Giê-su nói về người tôi tớ trong bài Tin Mừng chắc chắn gây cho chúng ta khó khăn.

- Đó là người làm việc vất vả cả ngày ở ngoài đồng, cày cấy hoặc chăn chiên.

- Nhưng chiều về, lại không được nghỉ ngơi, nhưng còn phải làm bếp ; làm bếp xong, cũng không được nghỉ, nhưng còn phải làm phận vụ hầu bàn. Hầu bàn, dọn dẹp và rửa chén bát xong, sau cùng, người tôi tớ mới được ăn.

- Và sau khi làm hết mọi việc, vẫn không nghe ai nói cám ơn ; nhưng còn phải tự nhủ lòng mình : “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (c. 10)

Chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn này, khi lắng nghe lời của Đức Giê-su không như chữ viết hay lề luật, nhưng như là tinh thần, là năng động, là hướng đi của con tim. Hơn nữa, Đức Giê-su cố ý nói thật tận căn, thật triệt để (chẳng hạn, phải móc mắt, chặt tay, cột cối đá vào cổ quăng xuống sông, quăng vào lửa không hề tắt…) để chúng ta không áp dụng theo chữ viết được và buộc phải hiểu theo thần khí. Lắng nghe lời Đức Giê-su như thế, chúng ta sẽ nhận ra rằng, hình ảnh chủ tớ mà Đức Giê-su mô tả trong bài Tin Mừng, mặc khải cho chúng ta sự thật về chính chúng ta và mở ra cho chúng ta cả một hướng đi của tự do, bình an và niềm vui khởi đi từ lòng yêu mến.

(1) Xét cả về bản chất lẫn thực tế, chúng ta không phải là chủ và cũng không thể làm chủ : sự sống và ơn gọi của chúng ta là được ban cho ; và không phải được ban cho một lần trong quá khứ, nhưng từng ngày ; và trong mọi sự, nhất là hoàn cảnh, thân phận, gia đình, ơn gọi, sứ vụ… chúng ta chẳng bao giờ làm chủ tuyệt đối được điều gì.

(2) Kinh nghiệm cho thấy, khi chúng ta sống, làm việc và hành động như thể mình là chủ nhân, thì sẽ là tai họa, bởi vì chúng ta sẽ đánh mất tất cả, những gì mình có, những gì và những người mình được giao phó, và chính bản thân chúng ta. Và đó chính là một trong những vấn đề nghiêm trọng của loài người chúng ta hôm nay : chính khi con người tự coi mình là chủ sự sống, là chủ môi trường sống, là chủ thiên nhiên, là chủ cả một dân tộc, là chủ gia đình, là chủ cộng đoàn, là chủ cách sống, hướng đi… , con người đang phung phí và đánh mất nhân tính, như người con hoang đàng (x. Lc 15, 11-35).

(3) Hơn nữa, khi chúng ta hành động như là chủ nhân, chúng ta sẽ không bao giờ được bình an : ganh đua, ghen tị, thành công thì kiêu ngạo, thất bại thì suy sụp ; và sẽ suy sụp hoàn toàn khi con người đến một lúc nào đó, và cái « lúc đó » có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, phải bớt, phải bỏ và phải buông tay mọi sự, cả sự sống của mình nữa.

Như vậy, chúng ta được mời gọi sống và làm việc như người phục vụ, như người tôi tớ, như người nữ tì khi đi từ sự nhỏ bé, giới hạn, yếu đuối và tội lỗi của chúng ta, khởi đi từ sự thật của chúng ta, và làm cho đời mình, ơn gọi mình trở thành lời tạ ơn và ca tụng Chúa, Đấng là Nguồn và Cùng Đích của mọi sự. Chính kinh nghiệm sâu đậm được yêu thương và được thương xót, sẽ giúp chúng ta sống tâm tình của người tôi tớ và người nữ tì, như Đức Maria, Mẹ của chúng ta.

Đó là cách tốt nhất để chúng ta trở thành môn đệ của Đức Giê-su ; và một khi chúng ta trở nên môn đệ của Đức Giê-su, Ngài sẽ làm cho chúng ta trở thành những người con đích thực của Thiên Chúa Cha, và trở thành anh chị em đích thực của nhau. Bởi vì chính Đức Ki-tô, Ngài là Thầy và là Chúa, nhưng đã đến sống ở giữa chúng ta, không như chủ nhân, nhưng như người tôi tớ phục vụ : rửa chân cho chúng ta, dọn bàn cho chúng ta, ban lời hằng sống cho chúng ta và ban chính sự sống của Ngài cho chúng ta làm của ăn để tái sinh chúng ta. Và Ngài phục vụ chúng ta như thế mỗi ngày trong Thánh Lễ.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận