Thứ Tư tuần 31 thường niên

Đăng lúc: Thứ tư - 04/11/2015 01:59 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Tư tuần 31 thường niên – Thánh Carôlô Borômêô, giám mục. Lễ nhớ.

"Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta".

 

* Thánh Carôlô Borrômêô, Tổng Giám Mục Milan (1538-1584)

Thánh Carôlô sinh ngày 02/10/1538 tại Milan, nước Ý, thuộc Borrômêô. Năm 12 tuổi dâng mình cho Chúa và sau đó gia nhập hàng giáo sĩ. Năm 21 tuổi đỗ tiến sĩ giáo luật và dân luật. Năm 1560, ngài lại được Ðức Giáo Hoàng triệu về La Mã và được phong làm Hồng Y quốc vụ khanh giáo triều, kiêm nhiệm Tổng Giám Mục thành Milan.

Ngài đã có công rất lớn trong việc điều hành công đồng Tridentinô. Thời đó bệnh dịch lan tràn khắp thành Milan, ngài đã bán hết tài sản để cứu trợ kẻ nghèo. Ngài đích thân thăm viếng những người mắc bệnh, an ủi và ban các bí tích cho họ. Ngài còn viết nhiều sách có giá trị đặc biệt về mục vụ của các Giám Mục và việc dạy giáo lý của các cha sở. Ngài đã lập một dòng riêng cho địa phận mang tên thánh Ambrôsiô. Ngài cũng xây cất nhiều cơ sở giáo dục Công Giáo và Chủng Viện. Trong bất cứ công việc gì, ngài chỉ nhắm một mục đích phụng sự thánh ý Chúa.

Ngày 03/11/1584, ngài từ trần tại Milan trong khi đang quên mình phục vụ cho các nạn nhân đói rách bệnh tật, hưởng thọ 47 tuổi. Ðức Giáo Hoàng Phaolô V đã phong ngài lên bậc Hiển Thánh năm 1610.

 

Lời Chúa: Lc 14, 25-33

Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: "Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta. Và có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không, kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế diễu người đó rằng: "Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi".

"Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta".

 

Suy Niệm 1: Từ Bỏ Ðể Theo Chúa

Bài Tin Mừng hôm nay cho biết có rất nhiều người cùng đi với Chúa Giêsu. Tuy cùng hướng đi trên con đường dẫn đến Giêrusalem, nhưng đám đông không mang cùng một mục đích với Ngài. Trong khi Chúa Giêsu tiến về Giêrusalem để hoàn tất công cuộc cứu chuộc qua cái chết khổ nhục trên Thập giá, thì đám đông lại tưởng rằng Ngài lên Giêrusalem lần này để đánh đuổi ngoại xâm và tái lập vương quốc Israel.

Ðể đánh tan sự chờ đợi sai lầm này, Chúa Giêsu đưa ra lời mời gọi những kẻ theo Ngài hãy suy nghĩ đắn đo, tính toán kỹ lưỡng để xem có đủ nghị lực theo Ngài hay không: Ngài đòi buộc những kẻ muốn theo Ngài, hãy để cho Ngài chiếm chỗ đứng quan trọng nhất trong cuộc sống của mình: "Ai theo Tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình thì không thể làm môn đệ tôi được".

Việc theo Chúa là một việc khó nhọc, tiêu tốn nhiều sức lực như khi xây cất hay đánh giặc, do đó người môn đệ phải sẵn sàng dấn thân. Việc theo Chúa không thể tính toán bao nhiêu, bao lâu, hay bằng những việc gì, nhưng là thái độ quyết liệt, gạt ra một bên tất cả để bước theo Chúa, nghĩa là đi xây dựng Nước Trời, đi giao chiến với sự dữ và và cái chết để được chiến thắng hiển vinh. Người đi theo Chúa phải từ bỏ mọi của cải mình có. Từ bỏ ở đây không có nghĩa là chôn dấu đi hay sử dụng nó theo sở thích của mình, nhưng là làm ích cho người khác, nhất là cho những người nhỏ bé, nghèo hèn.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta được lòng can đảm, dứt khoát với tất cả những gì cản trở chúng ta trên bước đường theo Chúa. Xin cho chúng ta được thực tâm đi xây dựng Nước Trời và làm chứng tá tình yêu Chúa trước mặt mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Hy Sinh Từ Bỏ

Bài Phúc Âm hôm nay có thể được chúng ta đọc và suy niệm như là một sự giảng dạy thêm từ phía Chúa Giêsu, vừa là một sự lĩnh hội sâu xa thêm từ phía con người chúng ta. Mỗi người chúng ta được Chúa mời gọi hãy nghiêm chỉnh dấn thân theo Ngài với một tâm hồn đã được tự do khỏi mọi ràng buộc.

Liền sau những lời quả quyết về điều kiện căn bản cần có để theo Ngài: "Ai không vác thập giá mình mà đi theo Tôi thì không thể làm môn đệ Tôi", Chúa Giêsu kể thêm hai dụ ngôn mới để nhấn mạnh thêm với các môn đệ rằng đi theo Chúa không thể nào là một hành động nhẹ dạ, nhất thời, tùy hứng nhưng là một hành động, một quyết định nghiêm chỉnh với tinh thần trách nhiệm sau khi đã suy nghĩ kỹ lưỡng, giống như thể người muốn xây một ngọn tháp hay như nhà vua ra trận. Trên con đường từ bỏ này, chúng ta không lẻ loi một mình mà chúng ta đi theo Chúa. Có Chúa làm gương đi trước chúng ta. Và không phải chỉ làm gương đi trước chúng ta mà Ngài còn đến với chúng ta, sống với chúng ta, kết hợp với chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh của Ngài để có thể thực hiện việc hy sinh từ bỏ. "Không Thầy chúng con không thể làm chi được", hãy sống trong tình yêu Thầy như cành nho kết hiệp với cây nho để trổ sinh hoa trái.

Việc từ bỏ thập giá, đau khổ và cả cái chết nữa không phải là những giá trị riêng rẽ từ nơi chúng, mà là những phương thế để đạt đến mục đích để giúp ta trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn. Chúa Giêsu có quyền đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta và muốn mỗi người chúng ta đặt Ngài vào chỗ ưu tiên, đòi hỏi chúng ta yêu mến Ngài trên hết mọi sự và với hết sức lực của mình, trên cả tình thân gia đình. Và chỉ khi nào chúng ta dám từ bỏ mọi cản trở để yêu mến Ngài trên hết mọi sự, để được đồng hoá với Ngài cách trọn vẹn, thì khi đó chúng ta mới biết đặt những sự vật và con người vào vị trí đúng, biết tôn trọng và yêu thương những sự vật và con người một cách đúng thật trong tình yêu thánh thiện của Chúa.

Lạy Chúa là Ðấng đã kêu gọi chúng con theo Ngài qua con đường thanh luyện và hy sinh.

Xin ban ơn giải thoát chúng con khỏi những gì đang ngăn cản chúng con đến với Chúa. Xin dạy con theo Chúa mỗi ngày một trọn vẹn hơn, không chùn bước trước những thách thức và hy sinh. Xin cho con được cùng vác thập giá với Chúa để được chia sẻ vinh quang Phục Sinh của Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Muốn có huy chương vàng

Ai không vát thập giá mình mà theo tôi, thì không thể làm môn đệ của tôi được.

“Quả thế ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: “Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua ấy đã phải sai sứ đi cầu hòa. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc. 14, 27-33)

Một đám đông dân chúng đi theo Đức Giêsu, Người muốn họ biết phải làm gì để đi theo Người. Nên Người quay lại giải thích cho họ về nước trời. Không phải là tòa nhà xổ số, nhưng là sân vận động Ô-lim-pic trao huy chương vàng cho vận động viên vô địch.

Phải hoàn toàn cố gắng hy sinh

Ai không sẵn sàng từ bỏ mọi sự để theo Đức Giêsu thì không thể làm môn đệ Người. Đức Giêsu vượt trên mọi sự, trên cả mối giây gia đình. Gia đình là chỗ an toàn, ở đó người ta yêu và được yêu. Đức Giêsu không bảo họ quay về chống đối gia đình, nhưng phải sẵn sàng phục vụ người không bị vướng mắc trở ngại gì, dù là người thân nhất. Lòng trung thành với Đức Giêsu phải đặt lên hàng đầu, trên cả mạng sống mình, Người đòi phải từ bỏ hoàn toàn. Do thái coi kẻ bị treo trên thập giá là kẻ bị chúc dữ. Để nên môn đệ Đức Giêsu, phải chấp nhận bị chúc dữ đó, từ bỏ tất cả, dù là gia đình mình, phải theo Người tới cùng; không thể hòa hoãn; đó là giá của vinh quang.

Phải nhận biết khả năng mình

Cần xem xét sáng suốt những khả năng của mình để biết có thể đi tới đích không. Trước cuộc mạo hiểm như xây tháp hay trận chiến, Đức Giêsu gợi ý cần ngồi lại suy nghĩ tính toán, phải trả giá bao nhiêu. Điều đó muốn nói rằng người ta phải xem xét chắc chắn và cần quyết tâm với hết sức mình để tới đích. Phải có thiện chí và đức tin giúp cho các phương tiện đạt tới đích.

Cũng cần xem xét đánh giá những khuynh hướng và tính tình của mình. Ta có phải chiến đấu sát cánh với Đức Giêsu không? Và đòi phải có quyết định sáng suốt sau khi đã xem xét cân nhắc tương quan về phương tiện, hoàn cảnh và thiện chí của mình.

Nhiều người không thể làm môn đệ của Người vì không sẵn sàng từ bỏ những mối giây ràng buộc và của cải để theo Người. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều được kêu gọi trở về với Người, người ta có thể theo Người bằng nhiều cách khác nhau. Cách làm môn đệ đòi hỏi rất gắt gao và muốn được chọn, cần chính mình phải thực hiện lời khuyên trước và phải cân nhắc cẩn thận những điều thuận nghịch. Tốt hơn đừng thử đi theo rồi lại từ chối giữa đường.

RC
 

SUY NIỆM:

Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay mời gọi chúng ta hi sinh từ bỏ những điều rất thiết thân, đó là những người thân yêu nhất của chúng ta, để trở nên môn đệ đích thật của Người.

Hi sinh từ bỏ những điều rất thiết thân vì Đức Giê-su, đó không phải là để đoạn tuyệt hay hạ thấp, nhưng là để nhận lại nhau như hồng ân Chúa ban, bởi tình yêu và lòng thương xót của Người, và để chúng ta biết yêu thương nhau; yêu thương nhau không theo kiểu của chúng ta, nhưng là yêu thương nhau như Chúa thương yêu chúng ta. Vì Chúa đến không phải để hủy bỏ, nhưng để hoàn tất.

1. Dứt bỏ điều không thể

Lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng làm cho chúng ta hoảng sợ, thậm chí không chấp nhận được, và nếu có chấp nhận, thì cũng không thể thực hành được, chắc chắn là lời này: 
Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.

Để trở thành môn đệ của Người, Đức Giê-su đưa ra một đòi hỏi quá khó khăn. Vì thế, chúng ta thường hiểu đòi hỏi này chỉ dành cho một số ít người thôi, đó là các tông đồ, và bây giờ là những người đi tu! Hiểu như vậy có lẽ là không đúng, vì như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su nói lời này với đám người rất đông đang cùng đi đường với Ngài; và trong Giáo Hội, dù lập gia đình hay đi tu, chúng ta đều là Ki-tô hữu, nghĩa là thuộc về Đức Ki-tô, chúng ta đều là môn đệ của Đức Ki-tô theo những cách thế khác nhau, trong đời sống hôn nhân hay đời sống tu trì. Hơn nữa, trong lời mời gọi từ bỏ, Đức Giê-su có nêu ra “vợ con”, nghĩa là Ngài ngỏ lời với cả những người đã có gia đình, đã có vợ có chồng và đã cả con cái!

Vậy phải làm sao đây, trước đòi hỏi quá rõ ràng và khó khăn của Đức Giê-su, ngỏ với từng người trong chúng ta, không phân biệt? Chúng ta được mời gọi “suy đi nghĩ lại trong lòng” theo gương Đức Maria, để hiểu Lời Chúa, trước khi nghĩ đến việc thực hành. Bởi lẽ, trong nhiều trường hợp, và nhất là với lời mời gọi này của Đức Giê-su, nếu chúng ta đem ra thực hành ngay, chúng ta sẽ đi đến bế tắc, thậm chí tự làm hại mình và làm hại nhau. Chẳng hạn, như khi Đức Giê-su mời gọi người nghe phải “móc mắt, chặt tay…” (x. Mt 5, 29-30). Vậy, chúng ta phải hiểu như thế nào đòi hỏi quá lớn lao đến độ phi lí này của Đức Giê-su? 
Trước hết, chúng ta cần nhận ra rằng đòi hỏi này thật là lạ lùng, nếu không muốn nói là kì lạ. Kì lạ, vì ở đây, Đức Giê-su không đòi chúng ta dứt bỏ của cải, tiện nghi, nhà cửa, ruộng đất, nhưng là dứt bỏ những con người cụ thể. Và kì lạ, nhất là vì Đức Giê-su không đòi hỏi chúng ta dứt bà con họ hàng, bạn bè hay là người yêu. Dứt bỏ những người này cũng không phải dễ, nhưng không phải là không làm được. Như chúng ta đã biết, có nhiều người trẻ nam nữ đã phải chia tay với người yêu để trở thành môn đệ Đức Ki-tô trong đời tu. Và dĩ nhiên là cũng có những người không thể chia tay được!

Nhưng, ở đây, Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta dứt bỏ những người ruột thịt: đó là cha mẹ, vợ con, anh em, chị em. Và ruột thịt hơn nữa là chính sự sống của mình, bởi vì chúng ta phải đối diện với chính mình hằng ngày: phải ăn phải mặc, phải chăm sóc sức khỏe, và còn phải chú ý đến ngoại hình nữa. Có thể nói, Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta dứt bỏ điều không thể dứt bỏ, bởi vì đó là ruột là thịt của mình. Ví dụ, dù chúng ta đi đâu, làm gì, sống ơn gọi nào, thì khi làm tờ khai, chúng ta vẫn phải khai mình là con của ai, khai vợ khai chồng nếu có, khai tất cả anh chị em ruột. Hơn nữa, người Việt Nam chúng ta rất coi trọng đạo hiếu với cha mẹ và tình nghĩa anh chị em và bà con thân thuộc.

2. Dứt bỏ để nhận lại

Vậy “dứt bỏ” Chúa nói ở đây có nghĩa là gì? Dứt bỏ những người thân yêu, chính là để nhận lại như một quà tặng Chúa ban. Nếu không, chúng ta sẽ coi những người thân yêu là của riêng mình, và tự coi mình là chủ có quyền định đoạt theo ý riêng. Kinh nghiệm cho thấy, làm như thế chúng ta sẽ đánh mất nhau.

Abraham vì tình yêu đối với Chúa, đã dứt bỏ người con trai duy nhất, nhưng cuối cùng đã nhận lại như một ơn huệ Chúa ban, và cùng với người con “ơn huệ Isaac” là cả một dân tộc đông như sao trên trời, nhiều như cát dưới biển.

Dưới chân thập giá, Mẹ sầu bi, nhưng Mẹ vẫn đứng vững chứ không ngã quị. Và không cần phải đợi đến biến cố phục sinh, nhưng ở tột đỉnh của sự trao ban, nghĩa là trao ban đến không còn gì, chúng ta được mời gọi nhận ra sự sống mới phát sinh, phát sinh thật đồi dào, phát sinh từ Lời sự sống của Đức Giêsu được thốt lên ngay nơi chết chóc và lúc Ngài đang chết đi. Thật vậy, ngay trong đau khổ của sự chết, một Gia Đình mới phát sinh : Đức Giê-su, nhìn Mẹ, và nói: « Thưa Bà, đây là con của Bà ». Như thế, chính lúc Mẹ đang mất đi người con này, mẹ trở thành Mẹ của người con khác; và từ người con này, dưới sức mạnh của Đấng Phục Sinh, sẽ trở thành đông đúc, trong đó có cả con trai lẫn con gái. Chính lúc Mẹ bình an dâng hiến người con Duy Nhất, Mẹ nhận lại gấp trăm, nơi Người Môn Đệ Đức Giê-su thương mến. Và Mẹ cũng không mất đi Người Con Duy Nhất của Mẹ, vì Ngài sẽ hiện diện ở nơi anh chị em mới của Ngài.

* * *

Có thể nói, chính Thiên Chúa Cha cũng “dứt bỏ” Người Con duy nhất, là Đức Giê-su Ki-tô trong cuộc Thương Khó, nhưng để nhận lại Ngài trong sự sống Phục Sinh, và cùng với Người, là cả một đoàn con đông đúc, là nhân loại mới, là Giáo Hội, là chúng ta, được cứu chuộc bỏi cái chết trên Thập Giá của Đức Ki-tô.

3. Và để yêu mến theo cách thức của Đức Giê-su

Vì thế, chúng ta được mời gọi trở thành môn đệ của Đức Giê-su, ngang qua việc nghe Lời của Ngài và đón nhận Mình và Máu ngài trong Thánh Lễ, để nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Và cách Đức Giêsu yêu mến chúng ta, cũng chính là cách thức chúng ta yêu mến nhau. Như Chúa nói:

Anh em hãy yêu mến nhau
như Thầy yêu mến anh em.(Ga 15, 12)

Nếu chúng ta yêu nhau như Chúa yêu chúng ta, tương quan tình yêu giữa chúng ta, sẽ không bị lệc lạch, không bị biến dạng thành tương quan ham muốn, chiếm hữu hay độc quyền, nhưng trở thành tương quan hiệp thông trong sự tôn trọng, chia sẻ cho nhau và chia sẻ cho nhau đến tận cùng. Và Ngài hứa với chúng ta là chúng ta sẽ nhận lại gấp trăm. Bởi vì tất cả những ai nghe lời Đức Ki-tô và đem ra thực hành sẽ trở thành người thân của Chúa và vì thế, trở thành người thân của nhau. Lời hứa này không chỉ được ứng nghiệm trong đời tu, nhưng cả trong Cộng Đoàn Giáo xứ và trong Giáo Hội của chúng ta nữa.

* * *

Dứt bỏ mọi sự để trở thành môn đệ của Đức Giê-su, để yêu mến và đi theo Ngài, chúng ta sẽ không “đánh mất nhau”, nhưng ngược lại, chúng ta sẽ “tìm lại được nhau” trong tương quan tình yêu đích thật và muôn đời. Bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Từ khóa:

không thể, môn đệ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận