Thứ bảy tuần 33 thường niên.

Đăng lúc: Thứ bảy - 21/11/2015 01:31 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Thứ Bảy 21/11/2015 – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ.

21/11 –  Thứ bảy tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

"Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Đây là mẹ Ta và là anh em Ta".

 

 

* Vượt lên trên những câu chuyện cổ kính thuật lại việc Đức Trinh Nữ Maria dâng mình vào Đền Thờ, Hội Thánh Đông Phương và Tây Phương ngày nay đều kính nhớ biến cố Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội dâng mình cho Chúa từ lúc còn ấu thơ. Mọi Kitô hữu có thể nhận thấy nơi Đức Maria “đầy ân sủng” gương mẫu cho đời sống hiến dâng.

 

Lời Chúa: Mt 12, 46-50

Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: "Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia". Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: "Đây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy".

 

SUY NIỆM 1: Đức Mẹ Dâng Mình

Tại hầu hết các nhà thờ ở Liên Xô mà tôi đã viếng thăm đều có những bức họa lớn hoặc nhỏ, rất đẹp về cảnh Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ. Ở góc cao nhất của bức họa là cửa đền thờ Giêrusalem diễn tả cửa Trời. Thầy thượng tế mặc phẩm phục đứng đó nhìn xuống một cô bé 3 tuổi, đang lanh lẹn và đẹp đẽ leo hết 36 bậc thang đi vào Đền Thánh, trước sự ngưỡng mộ của hàng ngàn trinh nữ cầm đèn cháy sáng đứng hai bên. Cô bé ba tuổi đó chính là Maria, lanh lẹn tiến vào nhà Chúa, không thèm ngoái cổ lại nhìn thế gian, từ giã họ hàng…

Các nhà thờ chính thống cũng như Công giáo ở Đông Phương đều đề cao việc Đức Mẹ dâng mình và mừng lễ này hết sức long trọng và hân hoan, không biết từ những ngày xa xôi nào. Chỉ biết đến thế kỷ VI, đòan đại biểu của Giáo Hội La Mã qua thăm Đông Phương thấy vẻ đẹp của các bức họa và các cuộc lễ này đẹp đẽ phấn khởi như vậy, mới trở về quảng bá việc mừng lễ Đức Mẹ Dâng Mình cho đến ngày nay.

Như vậy, lễ này phát xuất từ Đông Phương, miền truyền giáo của thánh Gioan tông đồ và có thể là nơi xuất phát lòng tôn sùng Đức Mẹ sâu sắc hơn cả. Dĩ nhiên, câu truyện Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ không được viết trong Thánh Kinh. Phải đọc nó trong các sách bình dân không có phép của giáo quyền. Nghĩa là không có gì chắc chắn Đức Maria đã dâng mình vào đền thờ khi lên ba. Nhưng cuộc đời của Đức Mẹ là cả một lễ dâng mình kéo dài mà đỉnh cao như chúng ta sẽ nói là ở đồi Sọ, gần thập giá Đức Giêsu.

Maria sinh ra được giáo dục trong lòng đạo đức của Dân được tuyển chọn. Lớn lên, một trong những câu truyện đầu tiên cô được nghe và phải thuộc lòng, chính là câu truyện về cuộc đời của Abraham tổ phụ dân Chúa. Và Thánh Kinh kể Abraham là con người có đức tin, tin một mình Đức Chúa, tin hoàn toàn vào Lời Hứa và sự dẫn dắt của Người. Vì Đức Chúa, để gắn bó với Người, ông bỏ quê hương, bỏ gia tộc, bỏ mọi sự, đi theo Chúa. Không phải ông không mơ ước điều nọ điều kia. Ông đi theo Chúa vì Chúa hứa cho ông một giang sơn, một dòng dõi, một đời sống hạnh phúc bất tận. Dần dần ông thấy mình được những điều đó. Đặc biệt đến tuổi 100, ông đã được Chúa ban đứa con nối dòng là Isaac. Chúng ta cứ thử nghĩ xem Isaac đối với ông quí như thế nào. Đó là sự sống của ông, sự sống sẽ được nối dài trong bao ngàn thế hệ… Thế mà Chúa lại đòi ông đi sát tế Isaac. Lòng đau như cắt, ông xin vâng, dẫn Isaac lên tế đàn…

Câu truyện đó làm sao không làm cho Maria say mê sung sướng. Là thiếu nữ Sion tuyệt vời, là tiêu biểu của dòng giống được tuyển chọn, Maria phải yêu nước, yêu dân tộc mình, yêu tổ phụ của dân và do đó phải thích và thuộc những gì Kinh Thánh viết về Abraham. Hơn nữa, là một tác phẩm kỳ công của Thiên Chúa, câu truyện Abraham tin Chúa, yêu Chúa đến nỗi sẵn lòng hy sinh tất cả để tỏ lòng tin, cậy, mến, phải thu hút tình yêu của Maria. Maria muốn bắt chước tổ phụ của dòng dõi mình. Maria dâng trọn đời mình cho Chúa.

Chúng ta khẳng định được như vậy vì tất cả các nét mà các sách Tin Mừng vẽ lại cho chúng ta thấy tâm hồn của Maria. Chúng ta biết câu truyện Truyền tin. Maria dâng mình phó thác cho Thiên Chúa quyết liệt thế nào trong hai tiếng Xin Vâng khiêm nhường. Cũng vì chỉ muốn đi theo Chúa, phục vụ Chúa, mà nghe tin Chúa làm việc lạ nơi bà chị họ Êlisabét, Maria đã tất tưởi lên đường, hạnh phúc nhảy các đồi cao, đến nhìn công việc của Chúa. Và tại đây, như bài Tin Mừng cho thấy, tâm hồn của Maria đã dạt dào cởi mở trong bài kinh Magnificat. Cứ đọc bài ca ấy đi, ai không thấy ngay một tâm hồn đẹp đẽ nhưng dâng hiến hoàn toàn cho công việc của Thiên Chúa. Lòng dâng hiến trọn vẹn sẽ đưa Maria không một phút nào không mật thiết kết hiệp với Đức Giêsu, đặc biệt trên con đường thập giá. Và khi Phêrô và các môn đệ to mồm nhất, bỏ Chúa đau đớn và trơ trọi trên thập giá, Mẹ Maria dũng cảm có mặt ở đó, để các vết thương trên thân thể Con trở thành những nhát gươm đâm nát trái tim Mẹ. Con dâng mình đau đớn thế nào cho Chúa Cha, Mẹ cũng dâng khổ đau dữ dằn như thế, để cùng Con đổ Máu đền tội cho trần gian và ban Nước ân sủng Thánh Thần cho mọi tín hữu. Đức tin cho chúng ta biết lễ dâng của Chúa và của Đức Mẹ tại đồi Sọ có giá trị như thế nào. Thánh Phaolô nói rõ trong bài thư hôm nay. Chúng ta vẫn tin như vậy. Tôi không cần nói thêm.

Tôi chỉ muốn nói điều này: Ơn Cứu độ, Sự sống của Hội Thánh phát xuất từ lễ dâng trên núi Sọ. Đó là lễ dâng của Chúa Giêsu và của Đức Mẹ. Lễ dâng đó trọn vẹn vì đã chảy cho đến giọt máu cuối cùng… Nhưng đã khởi sự và đi con đường thập giá hy sinh lâu rồi. Cũng như thư Hi- bá viết: Khi vào thế gian, Đức Kitô đã nói với Đức Chúa Cha: Này Con xin đến để làm theo ý Cha; thì khi cho chúng ta gặp Đức Mẹ lần đầu tiên, sách Tin Mừng cũng kể: Người nói hai chữ “Xin Vâng” để suốt đời sống theo ý Chúa.

Cha của chúng ta là Đức Giêsu, Mẹ của chúng ta là Đức Maria. Cả hai đã suốt đời Xin Vâng ý Cha Trên Trời nên mới có dòng dõi là nghĩa tử. Đó là Adong và Evà mới của nhân loại mới được cứu độ, thay cho Adong và Evà cũ đã đưa loài người vào con đường tội lỗi lầm than vì bất tuân, vì không dâng hiến nhưng muốn sống cho mình.

Cha mẹ của chúng ta như vậy, chúng ta sẽ thế nào? Anh em Linh mục thân mến, chúng ta hãy nhìn vào Đức Mẹ trong lễ dâng mình hôm nay, để dâng lại ý chí của chúng ta trong ngày chịu chức, là vâng phục Giám mục để thực sự là tông đồ, tức là được sai đi như Chúa Con được Chúa Cha sai xuống trần gian thi hành chương trình cứu độ thương xót của Người.

Anh chị em nam nữ tu sĩ, hôm nay hãy cùng chúng tôi dâng mình lại theo gương mẫu Đức Maria, dâng trọn vẹn để sống mật thiết với Chúa Giêsu và công cuộc Cứu thế của Người.

Anh chị em giáo dân hãy hợp lòng với tất cả các bậc tu trì chúng tôi để cùng dâng linh hồn và thân xác, đời sống và gia đình cho Chúa, cho Đức Mẹ để xứng đáng là tín hữu, tức là có đức tin trung tín.

Và như vậy, tất cả chúng ta, sau khi dâng mình hiệp với của lễ dâng trên bàn thờ, để gắn bó với tâm tình hiến dâng của Chúa và Đức Mẹ, và sau khi mang tinh thần hiến dâng trọn vẹn ở nơi mình, chúng ta trước khi ra về sẽ dâng Giáo phận, các Giáo xứ, các Cộng đoàn, các gia đình và hết thảy mọi người cho Chúa trong đà dâng mình trọn vẹn, tuyệt diệu của Đức Maria Mẹ chúng ta trong thánh lễ hôm nay.

Chúng ta cùng nhau đứng lên bắt đầu thái độ hiến dâng trong các lời nguyện cầu sau đây cho mọi thành phần dân Chúa và xã hội.

(ĐGM. Bart. Nguyễn Sơn Lâm)

 

SUY NIỆM 2: Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ

(Bài Suy Gẫm số 191 của Thánh Gioan La San)

“Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào,

đưa mắt nhìn và hãy lắng tai,

quên dân tộc, quên đi nhà thân phụ.

Sắc nước hương trời, Quân Vương sủng ái”

(Tv 44, 10-11)

Điểm 1. Đức Maria dâng mình trọn vẹn cho Thiên Chúa.

Không phải vô duyên vô cớ mà Hội Thánh tôn vinh sự kiện Đức Trinh Nữ rất thánh dâng mình trong Đền thờ bằng một ngày lễ. Bởi vì chính trong ngày nầy mà Đức Trinh Nữ đã dâng mình cho Thiên Chúa, để hoàn toàn thuộc về Người suốt đời, ngõ hầu không chỉ xa lánh sự đồi trụy của thế gian, Trinh Nữ còn loại bỏ khỏi tâm trí người mọi lo toan với những tư tưởng vô ích của thế gian, và loại khỏi lòng người cảm tình đối với tạo vật, vì lòng người được dựng nên chỉ để yêu Chúa và dâng trọn cho Chúa mà thôi. Vì thế, trong ngày thánh nầy, được Thiên Chúa ban cho không những ân sủng mà còn cả trí hiểu biết, cho nên dù tuổi còn rất trẻ, Trinh Nữ đã khấn sống khiết tịnh suốt đời, theo niềm tin truyền thống dựa trên tường trình của một tác giả đạo đức thời xưa. Theo lời thánh Gioan Damascène, (Trinh Nữ đã khấn như thế) để gìn giữ linh hồn mình trong sự thanh khiết, một khi thân xác người thoát khỏi mọi lạc thú của đời sống nầy.

Anh Em đã dâng mình cho Chúa khi Anh Em xa lìa thế gian, để sống trong cộng đoàn nầy bằng cách hoàn toàn thoát ra khỏi tất cả những gì, trong thế gian, có thể làm thoả mãn các giác quan Anh Em, và chọn nơi nầy làm nhà của Anh Em. Anh Em phải xem ngày nầy như là ngày hạnh phúc của Anh Em bắt đầu trên mặt đất, để một ngày kia được thành toàn trên Trời. Nhưng Anh Em đã dâng mình cho Chúa không phải chỉ tạm thời mà thôi. Bởi lẽ Anh Em đã dâng linh hồn Anh Em cho Chúa, mà linh hồn Anh Em thì sẽ sống đời đời, vì vậy sự dâng hiến của Anh Em cũng phải đời đời. Mà nếu Anh Em đã bắt đầu dâng mình trên trái đất nầy rồi, thì sự dâng hiến nầy phải như thể một cuộc tập huấn cho việc mà Anh Em sẽ làm đời đời trên Thiên đàng.

Điểm 2. Cuộc sống của Đức Maria trong Đền thờ.

Đức Trinh Nữ rất thánh đã hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa một cách dứt khoát trong ngày thánh nầy. Cha mẹ người tháp tùng người trong hành động thánh thiện nầy, đã để người ở lại trong Đền thờ hầu được dưỡng dục tại đó với các trinh nữ khác, và chú tâm thực hành mọi nhân đức. Vì Thiên Chúa muốn một ngày kia Đức Maria sẽ trở thành đền thờ cho Thiên tính của Người, nên Người đã thực hiện nơi Trinh Nữ một điều cao trọng, ngay từ tuổi thơ ấu, bằng sự tuyệt đỉnh của ân sủng để tôn vinh Trinh Nữ. Điều Thiên Chúa làm thật là chính đáng. Vì thế, theo lời một tác giả đạo đức, trong Đền thờ Trinh Nữ luôn tận tụy phục vụ Thiên Chúa, tập luyện chay tịnh và cầu nguyện ngày đêm. Chính bằng cách nầy mà Trinh Nữ vẹn toàn thanh khiết nầy đã sống cách thánh thiện trong suốt thời gian người đã trải qua trong Đền thờ.

Anh Em được hạnh phúc sống trong nhà Thiên Chúa mà Anh Em đã dấn thân phụng sự. Anh Em phải: 1) tích lũy đầy tràn ân sủng nhờ linh thao thánh là nguyện gẫm; 2) ra sức thực hành các nhân đức thích hợp nhất với bậc sống của Anh Em. Chính bằng những phương tiện nầy mà Anh Em có khả năng chu toàn bổn phận của Anh Em. Bởi vì Anh Em chỉ có thể làm tròn bổn phận mà Thiên Chúa đòi hỏi nơi Anh Em trong mức độ Anh Em trở nên trung tín và chuyên cần nguyện gẫm. Chính nhờ nguyện gẫm mà “Thần Khí sẽ ngự đến và dẫn Anh Em đến sự thật toàn vẹn”, như Đức Giêsu Kitô đã dạy các tông đồ của Người, những chân lý của Giáo lý và những châm ngôn Kitô giáo, mà Anh Em phải biết và thực hành cách thật trọn hảo, vì Anh Em có bổn phận truyền lại cho người khác.

Điểm 3. Bằng sự thánh thiện của mình, Đức Maria chuẩn bị trở thành Mẹ Thiên Chúa.

Kết quả của việc Đức Trinh Nữ rất thánh ở trong Đền thờ là sự biến đổi lòng Trinh Nữ thành một đền thánh. Đó là lời mà Hội Thánh đã dùng để ca ngợi Trinh Nữ trong ngày thánh nầy, rằng Trinh Nữ là đền thờ của Chúa và là thánh điện của Chúa Thánh Thần. Vì lẽ ấy, Trinh Nữ là thọ tạo duy nhất đẹp lòng Thiên Chúa một cách tuyệt hảo và cao quý đến nỗi sẽ không có một thọ tạo nào khác giống như Trinh Nữ. Vì Trinh Nữ chính là thiếu nữ mà Đức Chúa, theo lời sách Sáng Thế (3,15), đã chuẩn bị cho con của Người, và vì theo lời một ngôn sứ, “ngày của Đức Chúa đến gần” (x. Ed 12,23) nên Người đã chuẩn bị Trinh Nữ trước, biến Trinh Nữ thành một lễ phẩm thánh thiện được thánh hiến cho Người. Vì vậy mà, theo sách Khải Huyền, Trinh Nữ “trốn vào sa mạc” (Kh 12,6), nghĩa là vào trong Đền thờ, là nơi cách ly khỏi những liên hệ với con người, nơi mà Trinh Nữ tìm được sự tĩnh mịch mà Thiên Chúa đã định cho Trinh Nữ. Vì Con Thiên Chúa phải chọn Trinh Nữ làm nơi lưu ngụ cho mình, thì việc Trinh Nữ không chuyện vãn với người phàm ngoài đời là điều rất hợp lý; mọi cuộc chuyện vãn đều ở trong Đền thờ của Đức Chúa; thậm chí Trinh Nữ thường chuyện vãn với các Thiên Thần hơn là với các bạn đồng môn của mình, để trở nên xứng đáng được một thiên sứ của Thiên Chúa bái chào.

Hôm nay Anh Em hãy tôn vinh Đức Trinh Nữ rất thánh như là Nhà Tạm và Đền thờ sống mà chính Thiên Chúa đã xây dựng cho Người, và tự tay Thiên Chúa tô điểm. Anh Em hãy nguyện xin Trinh Nữ cầu thay nguyện giúp cho Anh Em được hồng ân là linh hồn Anh Em được trang điểm xinh đẹp, và sẵn sàng đón nhận Lời Chúa để truyền đạt lại cho người khác, đến nỗi Anh Em trở thành những nhà tạm của Ngôi Lời Thiên Chúa, nhờ lời Trinh Nữ chuyển cầu.

Bó hoa thiêng liêng:

“Cuộc đời Đức Maria có thể làm gương mẫu cho mọi người” (Thánh Amrôsiô)

 

SUY NIỆM 3: Vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời

William Barlay, một học giả Kinh Thánh nổi tiếng người Anh đề nghị sửa một dấu trong Kinh "Lạy Cha" như sau: Giữa những câu "chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến" và câu "ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời" thay vì dấu phết hay dấu chấm phết nên dùng dấu hai chấm, để nêu bật ý nghĩa: Nếu chúng ta vâng theo ý Chúa dưới đất ý Chúa được vâng phục trên trời thì chúng ta sẽ làm cho: danh Chúa cả sáng và Nước Chúa được thống trị mọi nơi.

Ðề nghị trên nhằm mục đích nhấn mạnh sứ mệnh xây dựng Nước Trời giữa lòng xã hội trần thế bằng cách hoàn toàn vâng theo ý Chúa của các tín hữu Kitô.

Bởi lẽ đây là một trong những nội dung quan trọng nhất của sứ điệp Chúa Giêsu rao giảng và cũng là mẫu gương nổi bật nhất trong cuộc đời của Ngài.

"Ai vâng theo ý Cha Ta ở trên trời thì kẻ ấy là anh em Ta, là chị em Ta và là Mẹ Ta".

Tuyên bố câu này, Chúa Giêsu không có ý khước từ mối dây liên lạc và tình mẫu tử giữa Ngài với Ðức Maria. Nhưng Ngài muốn nêu bật một thực tại: Ðức Maria đã trở nên Mẹ Ngài qua câu trả lời: "Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền" và trong suốt cuộc đời, Ðức Maria đã trung tín giữ trọn lời thưa xin vâng này đến giây phút đứng dưới chân thập giá.

Mừng Lễ Ðức Mẹ dâng mình vào đền thánh, không gì chúng ta có thể làm đẹp lòng Mẹ hơn là học cùng Mẹ để bập bẹ thưa: "Xin vâng!".

(Trích trong ‘Lẽ Sống’ – R. Veritas)

 

SUY NIỆM 4: Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ

Mẹ Maria đã thực hiện tập tục, truyền thống của người Do Thái là dâng hiến tuổi thơ mình cho Thiên Chúa Giavê trong đền thánh. Đây là tục lệ của người Do Thái là bất cứ trẻ nhỏ nào cũng được dâng vào đền thánh để được thánh hiến và sau đó sẽ ở lại đền thờ một thời gian để giúp việc và phục vụ các vị chủ tế. Mẹ Maria đã tuân theo truyền thống của người Do Thái.

Một con người được dâng hiến cho Thiên Chúa Giavê

Mẹ Maria đã được thánh Gioankim và thánh Anna đem dâng cho Thiên Chúa trong đền thánh Giêrusalem, để cuộc đời của Người được thánh hiến. Chính giây phút cha mẹ của Đức Trinh Nữ Maria đem con mình là Maria vào đền thánh Giêrusalem để được Thiên Chúa thánh hiến. Maria đã hoàn toàn thuộc trọn về Chúa. Mẹ đã được Thiên chúa chuẩn bị để lãnh nhận sứ mạng hết sức cao cả là trở thành Mẹ Đức Giêsu Kitô. Giây phút ấy trở thành hồng phúc vì chính Thiên Chúa đã biến cuộc đời của mẹ trở nên tinh ròng, vẹn tuyền khiến cung lòng của mẹ là đền thờ cho Đức Giêsu Kitô ngự trị. Nơi đền thánh Giêrusalem, mẹ Maria đã thực hành biết bao hy sinh, biết bao cố gắng, biết bao gian khổ với một tâm hồn quảng đại, với con tim nhạy cảm, với con mắt yêu thương. Một quá trình xuyên suốt sống trong đền thánh, mẹ Maria đã thực hành biết bao nhiêu nhân đức, những nhân đức anh hùng trổi vượt nhất đã biến mẹ nên con người hoàn hảo nhất để dọn đường, dọn chức vụ mẹ Thiên Chúa của Đức trinh nữ Maria. Mẹ âm thầm cầu nguyện, kết hiệp với Chúa, làm việc nội trợ, chân tay, rồi cầu nguyện, suy gẫm lời Chúa. Đó là chương trình sống của mẹ trong ngày. Sự hy sinh, từ bỏ, kiên nhẫn đã thanh luyện mẹ và nhờ được thanh luyện mẹ trở nên ngôi đền thiêng liêng, xứng đáng cho con một Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô đến cư ngụ.

Dâng hiến Mẹ vào đền thánh là mở đầu nhân đức tinh khiết của đời tận hiến

Mẹ Maria được dâng hiến trong đền thánh là bước đầu khai mở cuộc đời tận hiến, dẫn tới đức khiết tịnh Kitô giáo. Mẹ Maria đã biến cuộc đời mình, đã biến cái tinh hoa cao quí nhất của cuộc đời mình làm cái phúc. Chính cái phúc là con đường hướng mẹ Maria tới việc vâng phục ý Thiên Chúa. Mẹ chấp nhận tất cả với tâm hồn rộng mở, tâm hồn quảng đại, quả cảm. Mẹ là mẫu gương tuyệt vời để nhiều người noi theo. Tình yêu của mẹ đã biến đổi cái nhìn của con người. Nhờ tình yêu thanh luyện của mẹ đã có nhiều trinh nữ hiến trọn cuộc đời mình cho Thiên chúa trong cuộc đời tận hiến. Chính tình yêu mẫu tử của mẹ đã xóa nhòa mọi nỗi cay đắng khổ đau, để muôn đời mẹ vẫn là mẫu gương sáng chói, là Đấng bảo trợ nhiệt thành và là Đấng hướng dẫn con người, Đấng soi chiếu mọi người trên con đường tận hiến.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con nhận ra con người chúng con để chúng con chỉ có một điều là hiến trọn thân cho Thiên Chúa.

(Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi)

 

SUY NIỆM 5: Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh

1. Cuộc đời có định hướng và hướng về Thiên Chúa của Đức Maria

Theo truyền thống của Giáo Hội, khi còn thanh xuân, Đức Ma-ri-a đã có ý hướng dâng trọn cả cuộc đời mình để phụng sự Thiên Chúa đặc biệt trong bậc sống độc thân và đồng trinh. Nghĩa là Mẹ muốn dâng trọn cả hồn và xác cho Thiên Chúa, để hoàn toàn tự do hầu tuân hành thánh ý Chúa một cách trọn vẹn. Mẹ muốn trở nên dụng cụ ngoan ngùy trong tay Thiên Chúa, để Ngài muốn sử dụng mình thế nào tùy ý Ngài. Như thế Mẹ Ma-ri-a đã chọn Thiên Chúa làm lẽ sống, làm chủ cuộc đời mình, dâng trọn tình yêu và trái tim cho Ngài. Chính trong ý hướng đó, Thiên Chúa chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế.

2. Cuộc đời người Ki-tô hữu cũng cần được định hướng và hướng về Thiên Chúa

Một người ra khỏi nhà mà không định hướng mình đi đâu, thì sẽ chẳng đi đến đâu. Một con thuyền không có định hướng sẽ bị sóng gió đưa đẩy và cuối cùng có thể bị nước cuốn chìm. Cũng vậy, muốn nên thánh hay muốn trở nên một Ki-tô hữu đúng nghĩa, người Ki-tô hữu cũng cần định hướng rõ rệt cuộc đời mình. Người Ki-tô hữu đích thực phải là người thuộc về Đức Ki-tô, hay thuộc về Thiên Chúa, nói khác đi, phải là người của Đức Ki-tô hay của Thiên Chúa. Vì thế, họ cần xác định điều đó một lần dứt khoát cho cả cuộc đời mình. Nghĩa là họ cần dâng lại trọn cuộc đời mình cho Thiên Chúa hay Đức Ki-tô, để từ đó về sau, họ thuộc trọn về Chúa, và chỉ làm những gì Chúa muốn. Một cuộc đời như thế chắc chắn sẽ hạnh phúc, không chỉ đời sau mà ngay cuộc đời này, bất chấp hoàn cảnh bên ngoài dễ dàng hay khó khăn.

3. Người Ki-tô hữu là người thực thi thánh ý Thiên Chúa

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã xác định người thân của mình là người thế nào: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? (…) Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”. Nói cách khác, đó cũng là định nghĩa chính xác nhất của người Ki-tô hữu, của người môn đệ Đức Giêsu. Đức Giêsu không hề định nghĩa người thân của mình, môn đệ của mình, người theo mình, hay người Ki-tô hữu là người đã được rửa tội, hay được ghi danh là người Công giáo, hay có tên trong danh sách thành viên một xứ đạo. Theo Ngài, người Ki-tô hữu đích thực là người biết quan tâm thực hành ý muốn của Thiên Chúa. Ngược lại, nếu không quan tâm đến việc thi hành ý muốn của Ngài, thì dù ta có mang danh là Ki-tô hữu, ta cũng chỉ là thứ Ki-tô hữu “hữu danh vô thực” mà thôi.

4. Hãy dâng mình cho Thiên Chúa từ tuổi thanh xuân

Nếu có ai tặng cho bạn một bông hồng thật đẹp nhưng đã đến lúc héo tàn, bạn sẽ không muốn nhận, hoặc nhận mà không vui. Bạn sẽ có cảm tưởng: người tặng bạn bông hồng ấy coi thường bạn lắm. Cũng vậy, nếu bạn dành tuổi thanh xuân để hưởng thụ cuộc đời, và chỉ dành cho Thiên Chúa phần còn lại của cuộc đời là tuổi già, thì bạn đã đối xử với Thiên Chúa chẳng khác gì người tặng bạn bông hồng đã héo tàn!

Nhân ngày Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ, bạn cũng hãy bắt chước Mẹ dâng mình cho Thiên Chúa, để toàn cuộc đời bạn chỉ lo thi hành thánh ý Thiên Chúa mà thôi. Đó là cách bạn làm cho cuộc đời bạn nên tốt đẹp cả đời này lẫn đời sau.

JNK.

DÂNG MÌNH CHO CHÚA NHƯ MẸ

          Theo Tiền Phúc Âm của Thánh Giacôbê trình thuật rất chi tiết :

          Thánh Gioakim và Thánh Anna son sẻ. Khi một thiên thần hiện ra với Thánh Anna, bà hứa nếu sinh được một người con, bà sẽ dâng cho Chúa. Khi sinh ra Nhi Nữ Maria, bà Anna không cho sơ sinh Maria được tẩy uế theo luật.

          Ngày tháng qua, Nhi Nữ Maria lên hai tuổi, Thánh Gioakim nói với Thánh Anna: "Chúng ta hãy đưa Con trẻ lên đền để thể hiện lời hứa của chúng ta, không thì Chúa sẽ giáng hoạ trên chúng ta, và của lễ chúng ta không được chấp nhận".

          Thánh Anna trả lời: "Chúng ta hãy đợi đến năm thứ ba, để Con trẻ không còn lưu luyến cha mẹ".

          Thánh Gioakim nói: 'Được!' Và khi Nhi Nữ Maria lên ba tuổi, Thánh Gioakim nói: "Chúng ta hãy gọi các thiếu nữ Do Thái trinh trong đến và cho mỗi cô một cây đèn thắp sáng để Con trẻ hướng về Đền thờ, không lưu luyến ngó lại"'.

          Và sau đó, tất cả đi lên đền. Thầy tư tế ôm hôn và chúc lành Nhi Nữ Maria và nói: "Chúa đã ca ngợi danh Con giữa mọi thế hệ. Vì Con, Chúa sẽ tỏ lộ ơn Cứu độ cho con cái Israel cho đến ngày tận thế. Rồi thầy tư tế đặt Con trẻ lên cấp thứ ba của bàn thờ và Thiên Chúa đổ ơn xuống trên Con trẻ làm cho Con trẻ nhảy mừng. Toàn thể nhà Israel yêu mến Nhi Nữ Maria. Cha mẹ Nhi Nữ ngạc nhiên, chúc tụng, tôn vinh Thiên Chúa toàn năng, vì Nhi Nữ không trở về với các ngài nữa. Nhi Nữ Maria ở trong Đền thờ được nuôi dưỡng như một chim bồ câu do tay một thiên thần'".

          Theo luật Môsê và lời khấn hứa với Thiên Chúa, thân phụ mẫu của Đức Mẹ là hai Thánh Gioakim và Anna đã dâng Ấu Nhi Maria cho Thiên Chúa.

          Tiền Phúc Âm của Thánh Giacôbê cho biết Trinh Nữ Maria khi vừa lên 3 tuổi đã được cha mẹ dâng vào Đền thờ Giêrusalem. Tuy còn thơ bé nhưng đã đầy ơn Chúa, Nữ Nhi Maria sung sướng thoăn thoắt bước thang lên đền.

          Trong dịp đặc biệt này, Nữ Nhi Maria đã khấn cùng Chúa trọn đời sống đồng trinh, tự dâng mình toàn hiến phụng sự Chúa và hoan hỉ ở lại chung sống với các trinh nữ trong Đền thờ.

          Việc Đức Mẹ dâng mình vào Đền thờ Giêrusalem đã được Thánh Evodiô ghi chép. Thánh Evodiô là một trong bảy mươi hai môn đệ của Chúa Giêsu và là Giám mục thành Antiokia trước Thánh Inhaxiô. Theo truyền thống của Giáo hội, việc Đức Mẹ dâng mình vào Đền thờ là mẫu gương tận hiến phụng sự Chúa cho các linh hồn tận hiến như linh mục, tu sĩ nói riêng, và lứa tuổi thanh xuân nam nữ nói chung.

          Đức Trinh Nữ Maria dâng mình trong Đền thờ để trọn đời hiến thân cho Thiên Chúa, và phục vụ công trình cứu chuộc loài người. Thiết lập Lễ Đức Mẹ dâng mình, Giáo hội cảm tạ Thiên Chúa đã tuyển chọn Đức Trinh Nữ Maria trong hàng con cái loài người. Chuẩn bị người lên chức phẩm cao sang làm Mẹ Chúa, và đồng công cộng tác trong công cuộc Cứu thế. Đồng thời, Giáo hội tôn vinh ngợi khen Đức Trinh Nữ đã sẵn lòng tuyệt đối tận hiến mình cho Thiên Chúa và Giáo hội cũng khuyến khích mọi người noi gương Mẹ dâng mình cho Chúa, để sống với Chúa và cho nhiệm cuộc cứu rỗi của Người.

          Nhìn lại cuộc đời của Mẹ Maria, ta thấy từ cha mẹ, Mẹ Maria thừa hưởng lòng đạo đức để rồi cùng ý hướng mà cha mẹ đã định, Maria cả đời dâng mình cho Thiên Chúa, buông cuộc đời của mình theo Chúa.

          Lời xin vâng mà Mẹ thưa với sứ thần phải chăng đó là cách Mẹ dâng hiến cuộc đời mình tròn vẹn. Không phải chỉ từ ngày sứ thần loan tin nhưng Mẹ đã dâng đời mình, dâng cả đời con mình cho Thiên Chúa trên đỉnh đồi Canvê.

          Trong biến cố Truyền Tin, Mẹ Maria vâng theo ý Chúa, buông cuộc đời mình theo thánh ý của Chúa. Ta thấy lời xin vâng bao trùm những yếu tố cho phép hiểu rằng việc dâng mình của Mẹ trong đền thờ không đơn thuần là việc đạo đức, mà còn là công trình quan phòng nhằm chuẩn bị xa gần cho mùa cứu rỗi.

          Từ thái độ bối rối khi nghe lời sứ thần đề nghị biểu lộ sự ý thức của Mẹ, đến câu hỏi xin sứ thần giải thích cho thấy Mẹ hoàn toàn tự do, và đến khi đáp tiếng “xin vâng” thì Mẹ đã thể hiện lễ dâng đời mình bằng cả trách nhiệm cao độ.

          Tìm kiếm Thiên Chúa, vâng theo thánh ý Chúa và tìm hun đúc cho sứ mệnh tương lai chính là ý nghĩa của biến cố Đức Mẹ dâng mình.

          Dừng chân để nhìn lại cuộc đời của ta, ta đã dâng đời ta cho Chúa hay dâng đời ta cho quỷ dữ. Ta đã buông mình theo thánh ý Chúa hay bắt Chúa làm theo ý của mình ? Ta dâng đời ta cho Chúa hay dâng cho tiền tài, danh vọng và quyền lực ? Chỉ mình ta diện đối diện với Chúa ta mới biết ta dâng mình cho Chúa ở mức nào. 

          Hiệp cùng Đức Trinh Nữ Maria trong việc dâng mình cho Chúa, ta hãy nỗ lực sống đẹp cuộc đời hiện tại như lễ dâng tạ ơn và cũng như lễ dâng tạ tội. 

          Cậy vào lời chuyển cầu của Đức Mẹ cho lễ dâng đời ta được thanh tẩy và thánh hóa, mong đẹp lòng Thiên Chúa nhiều hơn. Xin Chúa thêm ơn cho ta ngày mỗi ngày luôn thưa lời xin vâng với Chúa như Mẹ. Có như vậy, đời ta mới là cuộc đời dâng hiến cho Chúa như Mẹ đã hiến dâng.

Huệ Minh
 

ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ
Ngày 21/11
Mt 12, 46-50
Mẹ Maria đã thực hiện tập tục, truyền thống của người Do Thái là dâng hiến tuổi thơ mình cho Thiên Chúa Giavê trong đền thánh. Đây là tục lệ của người Do Thái là bất cứ trẻ nhỏ nào cũng được dâng vào đền thánh để được thánh hiến và sau đó sẽ ở lại đền thờ một thời gian để giúp việc và phục vụ các vị chủ tế. Mẹ Maria đã tuân theo truyền thống của người Do Thái.
MỘT CON NGƯỜI ĐƯỢC DÂNG HIẾN CHO THIÊN CHÚA GIAVÊ
Mẹ Maria đã được thánh Gioankim và thánh Anna đem dâng cho Thiên Chúa trong đền thánh Giêrusalem, để cuộc đời của Người được thánh hiến. Chính giây phút cha mẹ của Đức Trinh Nữ Maria đem con mình là Maria vào đền thánh Giêrusalem để được Thiên Chúa thánh hiến. Maria đã hoàn toàn thuộc trọn về Chúa. Mẹ đã được Thiên Chúa chuẩn bị để lãnh nhận sứ mạng hết sức cao cả là trở thành Mẹ Đức Giêsu Kitô. Giây phút ấy trở thành hồng phúc vì chính Thiên Chúa đã biến cuộc đời của Mẹ trở nên tinh ròng, vẹn tuyền khiến cung lòng của Mẹ là đền thờ cho Đức Giêsu Kitô ngự trị.
Nơi đền thánh Giêrusalem, Mẹ Maria đã thực hành biết bao hy sinh, biết bao cố gắng, biết bao gian khổ với một tâm hồn quảng đại, với con tim nhạy cảm, với con mắt yêu thương. Một quá trình xuyên suốt sống trong đền thánh, Mẹ Maria đã thực hành biết bao nhiêu nhân đức, những nhân đức anh hùng trổi vượt nhất đã biến Mẹ nên con người hoàn hảo nhất để dọn đường, dọn chức vụ Mẹ Thiên Chúa của Đức trinh nữ Maria.
Mẹ âm thầm cầu nguyện, kết hiệp với Chúa, làm việc nội trợ, chân tay, rồi cầu nguyện, suy gẫm lời Chúa. Đó là chương trình sống của mẹ trong ngày. Sự hy sinh, từ bỏ, kiên nhẫn đã thanh luyện mẹ và nhờ được thanh luyện mẹ trở nên ngôi đền thiêng liêng, xứng đáng cho con một Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô đến cư ngụ.
DÂNG HIẾN MẸ VÀO ĐỀN THÁNH LÀ MỞ ĐẦU NHÂN ĐỨC TINH KHIẾT CỦA ĐỜI TẬN HIẾN
Mẹ Maria được dâng hiến trong đền thánh là bước đầu khai mở cuộc đời tận hiến, dẫn tới đức khiết tịnh Kitô giáo. Mẹ Maria đã biến cuộc đời mình, đã biến cái tinh hoa cao quí nhất của cuộc đời mình làm cái phúc. Chính cái phúc là con đường hướng Mẹ Maria tới việc vâng phục ý Thiên Chúa. Mẹ chấp nhận tất cả với tâm hồn rộng mở, tâm hồn quảng đại, quả cảm.
Mẹ là mẫu gương tuyệt vời để nhiều người noi theo. Tình yêu của Mẹ đã biến đổi cái nhìn của con người. Nhờ tình yêu thanh luyện của Mẹ đã có nhiều trinh nữ hiến trọn cuộc đời mình cho Thiên chúa trong cuộc đời tận hiến. Chính tình yêu mẫu tử của Mẹ đã xóa nhòa mọi nỗi cay đắng khổ đau, để muôn đời Mẹ vẫn là mẫu gương sáng chói, là Đấng bảo trợ nhiệt thành và là Đấng hướng dẫn con người, Đấng soi chiếu mọi người trên con đường tận hiến.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con nhận ra con người chúng con để chúng con chỉ có một điều là hiến trọn thân cho Thiên Chúa.

 

SUY NIỆM:

Bản văn Tin Mừng có thể chia làm ba đoạn:

(A) “Mẹ và anh em của Người (c. 46-47)
(B) “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (c. 48)
(A’) “Đây là Mẹ tôi, đây là anh em tôi” (c. 49-50)

Giữa hai đoạn đầu và đoạn cuối, có cùng những từ ngữ “mẹ và anh em” của Đức Giê-su, nhưng tương quan thân thuộc, mà những từ ngữ này diễn tả, được biến đổi sâu xa và được rộng đến vô hạn. Chúng ta có thể so sánh hai đoạn A và A’, để tìm ra những tương đồng và khác biệt:

- Phần A’ có cụm từ “ý muốn của Cha tôi”, mà phần A không có.

- Cụm từ “anh em của Người” trong phần A được mở rộng ý nghĩa khi chuyển sang cụm từ “anh chị em tôi” trong phần A’.

- “Mẹ của Người” trong câu 46 và “mẹ tôi” trong câu 50. Cùng một từ ngữ “mẹ”, nhưng ý nghĩa nguyên thủy vừa được bảo tồn và vừa được mở rộng vô hạn.

Từ những khác biệt nêu trên, chúng ta có thể nhận ra “con đường thiêng liêng” mà Lời Chúa mời gọi chúng ta mặc lấy: tương quan thân thuộc do máu huyết trở thành tương quan thân thuộc do việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa; nhưng tương quan ruột thịt không bị loại bỏ, nhưng được củng bố, sinh hoa kết quả và đạt tới sự viên mãn trong kế hoạch thông truyền chính Sự Sống của Thiên Chúa; như trường hợp của hai cha con Abraham và Isaac.

Tương quan thân thuộc dựa trên việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa làm nên Gia Đình mới mà Đức Giê-su rao giảng, xây dựng và trao ban chính sự sống của mình để nuôi dưỡng và làm cho hoàn tất, được mở ra cho tất cả mọi người. Dấu chỉ cho việc mở rộng đến vô hạn là chữ “chị” được Đức Giê-su thêm vào, khi nói về Gia Đình mới: “Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

1. “Mẹ và anh em của Người” (c. 46-47)

Đức Giê-su đang giảng cho đám đông, thì có người chạy vào báo : « Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy ». Chúng ta có thể hình dung ra đám đông đứng chung quanh Đức Giê-su đông đến độ, Mẹ và anh em của Ngài không thể đến gần được. Và như Tin Mừng kể lại, Ngài không tạm ngưng việc giảng dạy để ra gặp Mẹ và người thân. Và Đức Giê-su không chỉ không ra gặp, nhưng còn nói những lời như muốn từ chối mẹ và anh em của mình: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”

Chúng ta hãy đi vào tâm hồn của Đức Maria: Mẹ muốn nói gì với Đức Giê-su khi đến; và khi sau khi nghe lời của Ngài, Mẹ hiểu và cảm như thế nào? Chúng ta chỉ biết rằng, các Tin Mừng không còn nhắc đến Đức Maria nữa, cho đến khi Đức Giê-su đi vào con đường Thập Giá (Ga 19, 25-27; và một cách gián tiếp trong Lc 23,27). Chắc chắn Mẹ đã ghi nhớ lời của Đức Giê-su, suy đi nghĩ lại trong lòng, đã hiểu, và đi theo Đức Giê-su cách khiêm tốn như một người môn đệ trong tương quan mới và trong Gia Đình mới của Người, và cũng là Gia Đình mới của Mẹ nữa, vì Mẹ là Mẹ của Đức Giê-su « cách duy nhất » đến độ, Mẹ cũng là Mẹ của mọi người môn đệ Đức Giê-su, trong đó có chúng ta.

2. “Ai là Mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (c. 48)

Đức Giê-su đang giảng cho đám đông, thì Mẹ và anh em đến muốn gặp. Đức Giêsu đã mượn cơ hội rất đời thường này để nói cho mọi người và cho chúng ta hôm nay về một kế hoạch thật lớn lao, đó là xây dựng một « gia đình mới », gia đình này không đặt nền trên tương quan huyết thống, nhưng trên việc « lắng nghe và thực hành Lời Thiên Chúa » (Lc 8, 21). Thực vậy, Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi” (Mt 12, 48-49). Các môn đệ trở thành người thân của Đức Giê-su, trong gia đình mới.

Như thế, Đức Giê-su đâu có từ chối Mẹ, ngược lại còn tôn vinh Mẹ, bởi vì trong gia đình mới mà Đức Giê-su đang xây dựng, Đức Maria có một vị trí duy nhất : Đức Maria vừa là mẹ sinh ra Đức Giê-su, vừa là mẹ Đức Giê-su, vì đã lắng nghe và sống Lời Chúa, không chỉ một lần nhưng suốt đời. Mẹ Maria là Mẹ Đức Giêsu hai lần: ơn huệ này là duy nhất, chỉ một mình Mẹ có mà thôi, được làm Mẹ của Đức Giê-su hai lần.

Giáo Hội và nhất là cộng đoàn tu trì của chúng ta, hay rất cụ thể, tất cả chúng ta đang hiện diện nơi đây, chính là hình ảnh gia đình mới của Đức Giê-su : chúng ta không phải là ruột thịt, nhưng bởi việc lắng nghe và sống Lời Chúa, qua đó chúng ta đón nhận Ngôi-Lời vào trong cuộc đời của chúng ta (bởi vì Lời Chúa và Ngôi Vị của Chúa là một), như Đức Maria, chúng ta trở thành anh chị em của Đức Giê-su, và như thế trở thành con của cùng một Mẹ, là Mẹ Maria. Sự qui tụ đang lớn dần ở trong Giáo Hội và nhất là trong mỗi xứ đạo hay trong Hội Dòng của chúng ta là một hình ảnh thật đẹp và cụ thể, nói lên gia đình mới của Đức Giê-su. Vậy, nếu chúng ta xây dựng gia đình mới, xây dựng nhóm, cộng đoàn của chúng ta trên một điều gì khác với Lời Chúa, thì có thể nói, chúng ta đang xây nhà trên cát (x. Mt 7, 24-27).

Ước gì, sự sống mỗi ngày của chúng ta được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, khởi đi từ con tim biết lắng nghe Lời của Ngài, trong cầu nguyện. Và như thế, như Đức Mẹ, chúng ta sẽ trở thành « người thân » đích thực của Đức Giê-su; nghĩa là cũng như Mẹ, chúng ta đón nhận, “cưu mang” và trở nên một với chính Đức Giê-su.

3. “Đây là Mẹ tôi, đây là anh em tôi” (c. 49-50)

Nhưng, trong thực tế, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, trở thành anh chị em của nhau trong Chúa qua việc nghe và sống Lời của Ngài, điều này quả không dễ dàng, nhưng, có nhiều khó khăn, thách đố, thậm chí những ngang trái, đau đớn nữa. Tuy nhiên, những khó khăn là điều không thể tránh được, vì giữa những người ruột thịt còn khó khăn, huống hồ là chúng ta, vốn từ những gia đình khác nhau, gốc gác, nguyên quán, giáo dục và não trạng khác nhau. Nhưng đó là một lý tưởng rất đẹp và cao quí, đáng cho chúng ta dấn thân và dâng hiến cả cuộc đời để xây dựng.

Kinh nghiệm nghe và sống Lời Chúa sẽ làm cho chúng ta nhận ra rằng, Lời Chúa không phải là chữ viết của lề luật hay mệnh lệnh, nhưng là Ánh Sáng và là Sự Sống, có sức mạnh tái sinh chúng ta, làm cho chúng ta trở nên người thân của Chúa, như Mẹ Maria ; Lời Chúa cũng cuốn hút chúng ta nữa từ trong chốn sâu thẳm của chúng ta, bởi vì Lời Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, vẫn đang tạo dựng chúng ta và sẽ tái tạo dựng chúng ta để chúng ta trở thành tạo vật mới trong Gia Đình mới của Thiên Chúa. Lời Chúa, Mình và Máu của Chúa, những ơn huệ và nhất là ơn tha thứ của Chúa, tái sinh chúng ta, tái tạo con tim chúng ta và làm cho chúng ta trở thành con người mới trong Gia Đình mới của Chúa. Những ơn huệ này Chúa vẫn ban cho chúng ta cách quảng đại nơi Thánh Lễ, để tái sinh chúng ta mỗi ngày cho Chúa và cho những người thân yêu của Chúa, trong đó Đức Maria, Mẹ của chúng ta.

Lời bài hát, có tựa đề « Như hơi thở mong manh » (Comme un souffle fragile), của Pierre Jacob, diễn tả thật hay kinh nghiệm tái sinh bởi Lời Chúa :

Lời Chúa là sự sinh ra, như ta ra khỏi chốn tù đày.
Lời Chúa là hạt giống nhỏ, hứa hẹn cả mùa gặt bao la.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Thứ bảy tuần 33 thường niên.

"Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống".

 

 

Lời Chúa: Lc 20, 27-40

Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ đó để anh mình có kẻ nối dòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ?"

Chúa Giêsu trả lời rằng: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa".

Bấy giờ có mấy luật sĩ lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy thầy, Thầy dậy đúng lắm". Và họ không dám hỏi Người điều gì nữa.

 

Suy Niệm 1: Có sự sống lại

Sự sống, thân xác và tất cả những gì con người có được, đều là những món quà Thiên Chúa ban tặng, do đó, phải được bảo toàn và trân trọng. Chính cung cách sống và hành xử của con người trong cuộc sống hiện tại định đoạt số phận tương lai của họ: được cứu độ hay bị trầm luân đời đời. Bởi vì cuộc sống của con người không kết thúc với cái chết của thân xác trên trần gian này; sau khi chết, thân xác và linh hồn con người mới bắt đầu cuộc sống tràn đầy hạnh phúc, một cuộc sống phục sinh, một cuộc sống hoàn toàn biến đổi.

Ðó cũng là sự thật Chúa Giêsu khẳng định khi trả lời cho một số người thuộc nhóm Sađốc, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.

Vào thời Chúa Giêsu, giới lãnh đạo Do thái chia thành nhiều nhóm khác nhau. Liên quan đến sự sống lại, số người thuộc nhóm Biệt phái thì tin rằng cuộc sống sau khi chết cũng giống như cuộc sống trước đó trên trần gian này, nghĩa là con người cũng ăn uống, buôn bán, sống đời vợ chồng, nhưng chỉ có sung sướng mà thôi; tuy nhiên, một số khác thì tin rằng cuộc sống sau cái chết là cuộc sống hoàn toàn biến đổi. Còn nhóm Sađốc thì không tin vào cuộc sống đời sau: đối với họ, chết là hết; họ dựa trên luật Do thái buộc người em phải lấy chị dâu để đảm bảo cho anh mình có con nối dõi tông đường, nếu người anh chết mà chưa có con. Họ đặt ra trường hợp bảy anh em nhà kia cùng lấy một người đàn bà và hỏi Chúa Giêsu: khi sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai? Chúa Giêsu khẳng định cuộc sống phục sinh hoàn toàn được biến đổi và không giống cuộc sống trên trần gian này như một số người Biệt phái tưởng nghĩ; do đó, mọi tương quan giữa con người với nhau cũng sẽ được biến đổi và tan hòa trong tương quan tình yêu thương của Thiên Chúa, cũng như mang sắc thái và chiều kích của tình yêu ấy, vì thế, mọi cách diễn tả và biểu lộ trong các liên hệ cuộc sống trần gian khi đó không còn ý nghĩa nữa.

Chúa Giêsu quả quyết có sự sống lại, nhưng Ngài không giải thích sự việc sẽ xẩy ra thế nào và khi nào sẽ xẩy ra biến cố sống lại, vì điều đó không quan trọng cho ơn cứu rỗi. Chẳng những có lời quả quyết của Chúa, chúng ta còn có một sự kiện cụ thể khác, đó là sự phục sinh của Chúa Kitô, đó là câu trả lời duy nhất cho thắc mắc của con người về sự chết, về sự sống lại và sự sống đời đời.

Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm tin vào sự sống lại và kiên trì hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu mai sau.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Chân lý của đời sống đức tin

Vào cuối kinh Tin Kính, những đồ đệ của Chúa Giêsu tuyên xưng: "Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen". Sự sống lại và sự sống đời đời là chân lý quan trọng cho đời sống đức tin. Nếu không có sự sống lại và sự sống đời đời thì đức tin của chúng ta còn có ý nghĩa gì nữa, và công việc nhập thể cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, không còn ý nghĩa nữa. Ðây là chân lý quan trọng nhưng khó tin và có thể có trường hợp xảy ra như đã xảy ra vào thời Chúa Giêsu, và cả những kẻ có niềm tin cũng bị vấp phạm không tin vào sự thật này nữa bởi vì nó không thể nào giải thích cặn kẽ được. Bởi lý trí con người lập luận theo đường lối tự nhiên, con người có thể chất vấn Thiên Chúa như những người Sađốc ngày xưa đã chất vấn Chúa Giêsu.

Có thể nói chúng ta cám ơn những người Sađốc vì nhờ vào vấn nạn của họ, mà chúng ta có được lời xác định rõ ràng của Chúa Giêsu về sự sống lại. Những người theo phái Sađốc là những kẻ thuộc hàng quí tộc và tư tế. Danh gọi Sađốc phát sinh từ tên riêng của vị thượng tế trong đền thờ thời vua Salômôn. Bộ luật duy nhất mà những người thuộc phái Sađốc chấp nhận là bộ Tora của Môisen, được ghi lại trong năm cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh mà thôi. Trong bộ Ngũ Thư thời Môisen, sự thật về sự sống lại và về sự sống đời đời chưa được mạc khải rõ ràng. Mãi về sau, tức là vào thời của Maccabê và tiên tri Daniel, tức khoảng thứ kỷ thứ 2 trước Chúa giáng sinh, thì sự thật về sự sống lại mới được quả quyết rõ ràng. Một đàng thì chưa được mạc khải rõ ràng, và đàng khác lại có luật nối dòng của Môisen cho trường hợp cưới vợ của anh khi anh mình chết đi mà không có con, nên chúng ta không lạ gì khi thấy các nhà thông luật, trưởng giả và tư tế không tin có sự sống lại, đã dùng luật Môisen chống lại sự sống lại. Trong dòng lịch sử cũng không thiếu những người chối bỏ chân lý về sự sống lại. Vào thời đại của chúng ta hiện nay cũng vậy, cũng có những triết gia và đôi khi tệ hơn nữa, những thần học gia lại tuyên bố không tin hay ít ra là nghi ngờ sự thật về sự sống lại.

Trên bình diện này, mọi lý luận chỉ dựa trên công sức trí khôn con người, thì không thể nào dẫn dắt đến sự nhìn nhận niềm tin vào sự sống lại. Chúa Giêsu đã quả quyết mạnh mẽ về sự thật có sự sống lại, nhưng Ngài không giải thích cho biết sự việc sẽ xảy ra như thế nào và cũng không nói về thời gian khi nào sẽ xảy ra biến cố sống lại. Có thể là hai câu hỏi: như thế nào và vào lúc nào, là hai điều không quan trọng cho ơn cứu rỗi, nên Chúa Giêsu đã không giải thích, không mạc khải gì thêm. Không phải chỉ có lời quả quyết suông của Chúa Giêsu mà thôi, nhưng chúng ta còn có sự kiện cụ thể khác nữa, đó là chính sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Kitô Phúc sinh là câu trả lời duy nhất cho thắc mắc của con người về cái chết, về sự sống lại và sự sống đời đời.

Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm tin này.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Kiếm cớ gây chuyện

Đức Giêsu đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa vì là con cái sự sống lại.” (Lc. 20, 34-36)

Những thượng tế, luật sĩ và các thủ lãnh dân chúng tìm cách tiêu diệt Đức Giêsu. Trước tiên, họ phải làm Người mất tín nhiệm trước mặt dân chúng. Vì Đức Giêsu hay dậy dỗ trong đền thờ, đây là dịp thuận tiện để họ đặt hàng chuỗi câu hỏi nóng bỏng để Người trả lời đưa đến chỗ gây chia rẽ thính giả và làm Người mất tín nhiệm.

Câu hỏi cạm bẫy

Phái Sa-đu-sê đại diện giai cấp quý tộc và chính trị, họ xa cách dân chúng và chỉ dựa vào Ngũ kinh. Họ không tin sự sống lại do sách Đa-ni-en đề xướng ra. Cuộc tranh luận về vấn đề này khá gay gắt. Ba mươi năm sau Đức Giêsu, thánh Phao-lô đã dùng vấn đề sống lại làm tấm bình phong gây hỏa mù giữa biệt phái và Sa-đu-sê.

Đức Giêsu dạy về nước trời và sự khẩn thiết phải ăn năn trở về để được sống đời đời. Giáo huấn này mất giá trị nếu người ta chết là hết. Sa-đu-sê đặt vấn nạn có ý chế nhạo kẻ tin vào sự sống lại và họ hy vọng đánh bại giáo huấn của Đức Giêsu.

Đó chỉ là trái pháo tịt ngòi

Đức Giêsu luôn luôn từ chối lối trả lời theo khôn ngoan thế gian, nhưng Người đứng trên bình diện khác để trả lời. Câu chuyện của Sa-đu-sê đặt ra là giả tưởng, không có thật. Sự sống đời sau khi sống lại không như nhiều người Do thái tưởng là sự nối tiếp sự sống đời này. Nhưng, “những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ gả chồng, quả thật họ không thể chết nữa, vì họ được giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa”.

Đức Giêsu còn trưng dẫn sách Ngũ kinh như ông Mô-sê đã gọi: “Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-sa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp, Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Ngài, tất cả đều đang sống”. Thiên Chúa là sự sống, Ngài ban và duy trì sự sống, ngay cả sau khi chết.

Kết luận thật rõ ràng để xác nhận có sự sống lại, vì ngay từ đầu cuộc sống công khai, Đức Giêsu đã lập đi lập lại: “Hãy trở về với Thiên Chúa và hãy ăn năn sám hối để Ngài ban cho anh em sự sống đời đời”.

RC.

 

 

 

Từ khóa:

môn đệ, anh em, làm theo

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận