Thứ năm đầu tháng, tuần 9 thường niên.

Đăng lúc: Thứ năm - 04/06/2015 02:24 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ NĂM ĐẦU THÁNG, TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN.

"Thiên Chúa của ngươi là Thiên Chúa duy nhất và ngươi hãy kính mến Người".

 

Lời Chúa: Mc 12, 28b-34

Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: "Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?" Chúa Giêsu đáp: "Giới răn trọng nhất chính là: "Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi". Còn đây là giới răn thứ hai: "Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi". Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó". Luật sĩ thưa Người: "Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất, và ngoài Người, chẳng có Chúa nào khác. Yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh". Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu". Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.

 

Suy Niệm 1: Mối quan tâm hàng đầu

Văn hào Léon Tolstoi có kể câu chuyện như sau: Hai người đàn ông nọ quyết tâm hành hương về Yêrusalem để dự Ðại lễ Phục Sinh ở đó. Một người đặt mối quan tâm hàng đầu là đích điểm của cuộc hành trình, vì thế ông cương quyết không dừng lại bất cứ nơi đâu, và trong suốt cuộc hành trình, tâm trí ông chỉ nghĩ đến thành thánh. Còn người thứ hai, trên mọi nẻo đường, nhìn thấy nhiều người cần được giúp đỡ và ông đã tốn nhiều tiền bạc và thời giờ, đến nỗi ông không đến được đích điểm như đã dự định; thế nhưng, một cái gì đó từ Thiên Chúa đến với tâm hồn ông mà người hành hương kia không nhận được, cũng như một cái gì đó từ Thiên Chúa qua đôi tay ông, ảnh hưởng cuộc đời của nhiều người mà người kia không có được qua những nghi lễ ông tham dự tại thành thánh kéo dài suốt mùa Phục Sinh.

Mối quan tâm hàng đầu là một danh từ thời đại. Nhà nước đặt mối quan tâm hàng đầu vào chính sách kinh tế; một học sinh đặt mối quan tâm hàng đầu vào đèn sách để thi đậu vào đại học... Ðâu là mối quan tâm hàng đầu của tôi, đó là câu hỏi hợp lý có thể áp dụng vào mọi sinh hoạt cuộc sống, nhưng thiết nghĩ quan trọng hơn cả là câu hỏi: Ðâu là mối quan tâm hàng đầu của tôi đối với cuộc sống của một người Kitô hữu?

Ðó cũng là vấn nạn mà một luật sĩ đặt ra cho Chúa trong Tin Mừng hôm nay, khi ông ta hỏi: "Thưa Thầy, trong các giới răn, giới răn nào đứng hàng đầu?" Câu trả lời của Chúa Giêsu rất rõ ràng và đơn sơ, giới răn đứng đầu, mối quan tâm hàng đầu của người Kitô hữu chính là tình yêu.

Nếu tình cờ chúng ta được một người nào đó đặt câu hỏi như trên, liệu chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Chúng ta có phát biểu được câu trả lời tuyệt diệu, nghe êm tai và nêu bật giá trị cao đẹp của con người chúng ta không? Và thành thật với lương tâm, liệu câu trả lời đó có phản ánh chính cuộc sống chúng ta không, bởi lẽ khi cho một câu trả lời đúng, chúng ta có thể lừa dối người khác và tự lừa dối mình? Thành thật với lòng mình có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ phải ngạc nhiên khi khám phá ra rằng cho đến nay mối quan tâm hàng đầu của chúng ta là tiền bạc, sức khỏe, danh vọng.

Như vậy, điều trước tiên chúng ta phải làm để hoán cải và canh tân là thành thật thú nhận rằng cho đến nay chúng ta đã đặt sai mối quan tâm hàng đầu của cuộc sống, kể cả mối quan tâm hàng đầu trong cách thức chúng ta biểu lộ niềm tin qua việc đọc kinh, dự lễ, bởi vì những cách thức này thường được sử dụng như những phương thế giúp chúng ta giữ đạo, chứ không dẫn chúng ta đi xa hơn trong việc sống đạo, nhất là giúp chúng ta tìm gặp được Thiên Chúa và tha nhân.

Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta đổi hướng cuộc sống và đặt lại bậc thang giá trị của mối quan tâm hàng đầu của chúng ta. Xin cho tình yêu mến là nguồn mạch và sức mạnh để chúng ta thực sự gặp gỡ Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như chính mình.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: GIỚI LUẬT YÊU THƯƠNG

Đức Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là: nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” (Mc. 12, 29-31)

Chương mười hai Phúc âm thánh Maccô giống như cái thời gian một diễn giả khi thuyết trình xong dành cho thính giả đặt câu hỏi vậy. Có bao nhiêu quan điểm, có bấy nhiêu người đặt ra vấn đề; những bận tâm lo lắng của những người đặt câu hỏi thì đa dạng, còn quan niệm của Chúa lúc nào cũng vậy. Ông kinh sư vì muốn biết điều răn đứng đầu, nên khiến Chúa phải lặp đi lặp lại như một điệp khúc bằng tất cả đời sống cũng như trong lơì giảng dạy, lời “hãy yêu thương”.

Người ta thường nói sai rằng Chúa Giêsu là người đầu tiên dạy yêu mến người thân cận trái ngược với những người Do thái vốn dạy phải kính sợ Thiên Chúa và giữ đức công bình. Luật Cựu ước cũng là luật của tình yêu, bằng chứng là ở đây Chúa Giêsu trưng dẫn hai câu trong sách Nhị Luật. Nét đặc sắc của sứ điệp Kitô giáo là tình yêu đối với người thân cận là bí tích tình yêu của Thiên Chúa. Xưa nếu có vài người giải thích Luật cho rằng điều răn dạy yêu mến người thân cận chỉ giới hạn vào những người Ít-ra-en mà thôi, thì đa số vẫn chủ trương một tình yêu phổ quát. Ở đây cũng như ở bất cứ nơi nào, Chúa Giêsu không phá hủy Luật, Người làm cho Luật nên hoàn hảo.

Yêu thương những người không đáng yêu

Khác với con người, Thiên Chúa không trông mong gì chúng ta là những người dễ thương. Tình yêu của Chúa là tình yêu tạo nên tính dễ thương, và đó hẳn là điều Chúa muốn diễn tả khi dạy ta yêu thương những kẻ thù địch của ta.

Ta không yêu mến anh em ta như yêu những trái táo. Tình yêu Kitô giáo không phải là bộ phận rung làm cho trái tim hay thân xác ta rung động lên trước người hay vật nào đó hấp dẫn ta. Thứ tình yêu bản năng này chẳng có gì là phong phú, bởi lẽ đó không phải là tình yêu tự do.

Người ta sẽ nhận ra bạn yêu mến anh em bạn thực bằng một tình yêu phổ quát khi tình yêu ấy sẽ là tình yêu nhưng không, chẳng màng biết ơn, khi những người được yêu mến đó sẽ không phải là những kẻ dễ thương. Chúa Giêsu đã hiến mạng sống Người vì ta, đang khi ta là những tội nhân, giáo huấn của Chúa là thế đó. Yêu mến người khác dựa trên nền tảng là vẻ hấp dẫn, chẳng cần phải có điều răn, nhưng đúng là cần phải có Mạc khải của Chúa để ta nhận ra tình yêu nhưng không của Chúa đối với ta và Thần khí của Người ở trong ta để thực hiện tình yêu ấy.
 

SUY NIỆM 3

1. Trả lời khôn ngoan

Người kinh sư trả lời Đức Giê-su với sự khôn ngoan, nghĩa là ông hiểu được điều Chúa nói; vì thế Chúa khen ông: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu”.

Trong đời sống đức tin, chúng ta thường chỉ nhấn mạnh đến việc làm, mà không chú ý đủ đếnviệc hiểu. Làm mà không hiểu, thì chúng ta sẽ làm như thế nào và có làm được không? Chính chúng ta đã từng gặp khó khăn này: tại sao lại dạy tôi phải làm điều này, và phải tránh điều kia? Và chúng ta cũng gặp khó khăn này khi giáo dục các em bé hay những người trẻ: họ đòi được giải thích để hiểu, trước khi làm; nếu không họ sẽ không làm, hay nếu có làm cũng chỉ làm ở bên ngoài, hoặc chỉ làm trước mặt người lớn hay người có trách nhiệm mà thôi.

Trí khôn là một khả năng quan trọng làm nên chính con người chúng ta; và còn hơn cả quan trọng, vì trí khôn là khả năng đặc trưng của loài người so với loài vật. Vậy mà, trong đời sống đức tin, trí khôn hay bị bỏ quên, đôi khi còn bị xem thường nữa. Chúng ta gặp khó khăn trong việc sống Lời Chúa, sống đức tin, sống đạo, sống ơn gọi, một trong những nguyên nhân chính, đó là vì trí khôn của chúng ta không được soi sáng, không được chăm sóc, không được nuôi dưỡng, không được làm cho vui thỏa.

Đức Giêsu nói: “ai có tai để nghe, thì hãy nghe”. Đó là lời mời gọi lắng nghe Lời của Ngài với cả con người, và nhất là với trí khôn của mình. Bởi vì nghe đích thực là nghe được ý nghĩa, chứ không phải là nghe được âm thanh. Và đối với Đức Giê-su, nghe và hiểu Lời Chúa tất yếu sẽ sinh hoa kết quả dồi dào, như Người đã nói khi giải thích dụ ngôn “Người Gieo Giống”: “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.” (Mt 13, 23). Hơn nữa, nghe được ý nghĩa của Lời Chúa, nghĩa là hiểu được lời Chúa, chính là con đường tốt nhất giúp chúng ta hiểu chính Chúa và tình yêu đến cùng của Người dành cho chúng ta nơi mầu nhiệm Thánh Thể, được hoàn tất bởi mầu nhiệm Vượt Qua. Hiểu Chúa, hiểu Chúa là ai và nhất là hiểu Chúa là ai đối mình, chính là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến lòng mến Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”. Bởi lẽ vô tri thì bất mộ.

2. Điều răn đứng đầu trong mọi điều răn

Người kinh sư hỏi Đức Giêsu điều răn nào đứng đầu trong mọi điều răn. Đức Giê-su trả lời, đó là điều răn yêu mến, yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người thân cận:

Điều răn đứng đầu là: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”. Điều răn thứ hai là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” (c. 29-31)

Như thế, “điều răn đứng đầu” là điều răn đặc biệt, không như bất cứ điều răn nào khác. Bởi vì, điều răn đúng nghĩa, là điều cấm, chẳng hạn cấm giết người; hay là điều buộc: phải ăn chay. Thế mà, lòng mến là chuyển động của con tim, là sự gắn bó nội tâm, là sự lựa chọn tự do, và vì thế không thể ép buộc được, không thể là đối tượng của luật buộc.

Do đó, “điều răn lòng mến” là điều răn đứng đầu, theo nghĩa điều răn lòng mến là khởi đầu và là cùng đích của mọi giới răn và của mọi lề luật. Giữ luật và giới răn, chính là khởi đi từ lòng mến, ở lại trong lòng mến và hướng tới lòng mến (giống như chúng ta tập cho em bé yêu mến cha mẹ, người thân, người khác). Bởi vì, giữ mọi lề luật, giữ giới răn mà không có lòng mến, thì có nghĩa gì, vì chỉ là bề ngoài thôi; không có lòng mến chúng ta cũng chẳng giữ được; và nếu có giữ được thì cũng chẳng giữ được lâu!

3. Chúng ta được yêu mến trước

Nhưng tại sao chúng ta lại phải yêu mến Thiên Chúa? Đó là vì Thiên Chúa yêu mến chúng ta trước. Nếu không, lời mời gọi này sẽ vô nghĩa, thậm chí không chấp nhận được. Chúng ta được mời gọi yêu mến cha mẹ, vì cha mẹ yêu mến chúng ta trước, trước khi mình có mặt trên đời. Đối với Thiên Chúa cũng vậy.

Dân Israen được mời gọi yêu mến Đức Chúa của mình “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” và yêu mến người thân cận như chính mình, bởi vì Israel được Thiên Chúa “sinh ra” cách nhưng không, khi giải phóng họ khỏi kiếp nô lệ ở Ai Cập. Chúng ta được mời gọi yêu mến Thiên Chúa và yêu mến nhau, bởi vì chúng ta cũng được Thiên Chúa sinh ra và tái sinh, bằng cách giải phóng chúng ta khỏi hư vô và sự chết nơi Đức Giêsu (x. Rm 8, 38-39). Hằng năm, Giáo Hội mời gọi chúng ta “ôn lại” tình yêu này trong Đêm Canh Thức Vượt Qua.

Kinh nghiệm được yêu mến, là nền tảng cho tình yêu của chúng ta với Chúa, và với nhau. Vì bản chất của tình yêu là lan truyền, như Đức Giê-su tâm sự với các môn đệ trong bầu khí của Bữa Tiệc Ly:

Chúa Cha đã yêu mến Thầy như thế nào,
Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. 
(Ga 15, 9)

Anh em hãy yêu thương nhau,
như Thầy yêu thương anh em. 
(Ga 15, 12)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận