Thứ Hai tuần IX Thường Niên

Đăng lúc: Thứ hai - 01/06/2015 03:15 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Thứ Hai tuần IX 

Thánh Giúttinô, tử đạo. Lễ nhớ.

"Chúng bắt cậu con trai giết đi và quăng xác ra vườn nho".

 

Thánh nhân là một triết gia và là anh hùng tử đạo. Người sinh tại Phơ-la-vi-a Nê-a-pô-li, ở Samari, trong một gia đình ngoại giáo, đầu thế kỷ thứ 2. Sau khi tin Chúa Kitô, người đã viết nhiều tác phẩm bênh vực Kitô giáo. Trong số đó, còn lại hai tác phẩm “Minh giáo” gửi cho hoàng đế Antôniô và “Đối thoại với ông Triphông”, tranh luận với người Do thái. Người cũng mở một trường dạy triết lý ở Rôma. Bị một đồng nghiệp tố cáo, người một lòng son sắt tuyên xưng đức tin trước mặt quan toà và đã được phúc tử đạo cùng với sáu Kitô hữu khác, quãng năm 165, thời hoàng đế Máccô Aurêliô.

 

Lời Chúa: Mc 12, 1-12

Khi ấy, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão rằng: "Có người trồng một vườn nho, rào dậu xung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp, đoạn cho tá điền thuê vườn nho và trẩy đi phương xa.

"Ðến kỳ hạn, ông sai đầy tớ đến với tá điền thu phần hoa lợi vườn nho. Nhưng những người này bắt tên đầy tớ đánh đập và đuổi về tay không. Ông lại sai đầy tớ khác đến với họ. Người này cũng bị chúng đánh vào đầu và làm sỉ nhục. Nhưng người thứ ba thì bị chúng giết. Ông còn sai nhiều người khác nữa, nhưng kẻ thì bị chúng đánh đập, người thì bị chúng giết chết.

"Ông chỉ còn lại một cậu con trai yêu quý cuối cùng, ông cũng sai đến với họ, (vì) ông nghĩ rằng: "Chúng sẽ kiêng nể con trai ta". Nhưng những tá điền nói với nhau rằng: "Người thừa tự đây rồi, nào ta hãy giết nó và cơ nghiệp sẽ về ta". Ðoạn chúng bắt cậu giết đi và quăng xác ra ngoài vườn nho. Chủ vườn nho sẽ xử thế nào? Ông sẽ đến tiêu diệt bọn tá điền và giao vườn nho cho người khác. Các ông đã chẳng đọc đoạn Thánh Kinh này sao: "Tảng đá những người thợ xây loại ra, trở thành đá góc tường. Ðó là việc Chúa làm, thật lạ lùng trước mắt chúng ta".

Họ tìm bắt Người, nhưng họ lại sợ dân chúng. Vì họ đã quá hiểu Người nói dụ ngôn đó ám chỉ họ. Rồi họ bỏ Người mà đi.

 

Suy Niệm 1: Ðá tảng góc tường

Tin Mừng hôm nay nói về vườn nho của Chúa được trao cho các tá điền để làm sinh lợi thêm những hoa trái mới. Vườn nho cũ là Israel đã được Thiên Chúa chọn làm dân riêng, nhưng những kẻ có trách nhiệm chăm sóc vườn nho ấy đã không chu toàn bổn phận của mình; còn vườn nho mới chính là Israel mới, tức Giáo Hội đã được Chúa Giêsu thiết lập và trao cho những tá điền mới. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn các vị lãnh đạo Do thái thời đó hiểu rằng giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ đã bắt đầu và không còn ngược lại được nữa; lòng độc ác của những tá điền không thể phá hủy chương trình hành động của Thiên Chúa, Ðấng nhân từ, kiên nhẫn, nhưng cũng rất công bằng và đòi hỏi sự cộng tác của con người.

Những chi tiết trong dụ ngôn vườn nho gợi lên những giai đoạn của lịch sử cứu độ Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại. Cái chết của người con của ông chủ vườn nho thoạt xem ra là kết quả của lòng thù ghét của con người đối với Thiên Chúa. Như những tá điền muốn giết người con được sai đến để cướp vườn nho khỏi tay ông chủ, những kẻ thù nghịch Thiên Chúa cũng muốn loại bỏ Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa, để tự do làm chủ vận mệnh nhân loại. Qua hình ảnh tảng đá xây đã trở nên đá tảng góc tường, Chúa Giêsu mở ra chìa khóa để con người có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa liên hệ đến việc cứu chuộc của Ngài.

Chúa Giêsu Phục Sinh sau biến cố Vượt Qua của Ngài đã trở thành nền tảng cho vườn nho mới là Giáo Hội. Giáo Hội và mỗi thành phần Giáo Hội đều thuộc về Chúa Kitô. Mỗi người phải xây dựng và phát triển đời sống mình trên nền tảng duy nhất là Chúa Kitô. "Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi", đó là bí quyết của mỗi môn đệ Chúa Kitô ở mọi thời và mọi hoàn cảnh, đó là bí quyết duy nhất để Chúa Kitô trở thành đá tảng nâng đỡ đời sống người Kitô hữu.

Lời của Chúa hôm nay cảnh tỉnh chúng ta trước trách nhiệm phải làm sao để dung mạo của Chúa được chiếu tỏa trong đời sống chúng ta và trong Giáo Hội. Chúa Giêsu là Ðá Tảng góc tường, là nền tảng và là sức sống cho cuộc đời chúng ta, xin cho chúng ta đừng bao giờ lìa xa Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 1: DỤ NGÔN LỚN LAO

Đức Giêsu bắt đầu dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: “Có người kia trồng được một vườn nho; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác rồi trẩy đi xa. Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không.” (Mc. 12, 1-3)

Nếu chúng ta coi dụ ngôn những tá điền sát nhân là một câu truyện vĩ đại, một câu truyện rất vĩ đại có nhiều điều khó tin, thì đối với những người Do thái được nuôi dường trong văn hóa Kinh thánh, nó là một lời tiên tri trong sáng. Đối với chúng ta, vườn nho là vườn nho cho dù có rộng mênh mông đến thế nào, thì thái độ khờ khạo của ông chủ vườn nho cũng vượt xa giới hạn của vườn. Còn đối với những người đầy tớ cũng như người con trai cứ ngoan ngõan tới cho người ta lần lượt giết chết, thiết tưởng cũng cảm động, nếu như họ không phải là những người quá điên khùng. Đối với thính giả Do thái, dù là người ít thông thạo nhất về thể văn, thì vườn nho đáng thèm khát biết bao kia chính là Israel và họ chẳng cần phải giải thích chút nào mới nhận ra được các ngôn sứ là những người đầy tớ bị hành hạ và Đức Giêsu là người Con yêu dấu.

Những dụ ngôn rất thường là những chứng cứ Kinh thánh vốn không có gì bí ẩn đối với những người đương thời của Chúa Giêsu. Đó là tranh ảnh riêng của họ, không cần đến lời giải thích. Hiển nhiên khi chúng ta buộc phải soạn ra ít lời giải thích giá trị của những hình ảnh hay họa phẩm của ta, thì điều khó nói, khó diễn tả vẫn là nét truyền cảm toát ra từ tranh ảnh hay bức họa đó. Đó chính là trường hợp những dụ ngôn của Chúa Giêsu, những dụ ngôn đó là ngôn ngữ gia đình, là tiếng nói thân thương của họ, đang khi đối với chúng ta nó là những ẩn ngữ hay trò chơi tìm ô chữ vậy.

Chúa Giêsu với lai lịch của Người

Mục sư Bonhoeffer viết: “Ai muốn đi vào và cảm nghiệm quá vội vã và quá trực tiếp cái hồn của Tân ước, thì người đó, theo ý kiến tôi không phải là Kitô hữu…Người ta không thể cũng không nói ra được tiếng cuối cùng trước khi nói ra tiếng áp chót.” Để có thể cảm nhận được Chúa và sứ điệp của Người, ta phải nhận biết không những nguồn gốc thần linh của Người mà cả những gốc rễ nhân loại từ đó Người cũng hoàn toàn được sinh ra như được sinh ra từ Cha Người Đấng ngự trên trời. Cũng vậy, Cựu ước được Chúa mạc khải như Tân ước, và Cựu ước cũng là Lời Chúa như Phúc âm, thiết tưởng không phải là điều để ta không quan tâm.

Chúa Giêsu không phải từ trời rơi xuống, Người sinh ra trong một dân tộc, Người đã có những tổ tiên mà người ta gọi là các tổ phụ và các tiền hô là những ngôn sứ vậy.

SUY NIỆM:

Câu chuyện của ông Giuse (x. St 37, 12-27; 50, 19-20) loan báo cách Thiên Chúa hoàn tất chương trình cứu độ bằng mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô và mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô được loan báo bởi dụ ngôn vườn nho, do chính Đức Ki-tô công bố. Nhưng câu chuyện của ông Giuse lại là hậu quả của nọc độc “quên ơn, nghi ngờ, ghen tị và ham muốn”, do ma quỉ gieo vào lòng con người ngay khởi đầu của sự sống (x. St 3). Hậu quả này, như chính chúng ta đều biết và có kinh nghiệm, tiếp tục lan rộng và lan sâu trong lòng con người, trong thế giới của con người cho đến mầu nhiệm Nhập Thể và sau mầu nhiệm Nhập Thể.
Tuy nhiên, dụ ngôn “Những Tá Điền Vườn Nho” của Đức Giê-su mời gọi chúng ta đọc lại lịch sử cứu độ, và dưới ánh sáng của lịch sử cứu độ, đọc lại lịch sử nhân loại và lịch sử đời mình, không phải để nhận ra “công trình của Sự Dữ”, nhưng để nhận ra “CÔNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA”.

1. Ơn huệ vườn nho (c. 1)

Trước hết chúng ta hãy nhìn ngắm “công trình” của người chủ; và nếu thích, chúng ta có thể diễn tả bằng một hình vẽ.

- Ông trồng một vườn nho; chúng ta hãy hình dung ra tất cả những gì phải làm để gầy dựng được một vườn nho (x. Is 5, 1-2); chắc chắn điều này đòi nhiều công phu và thời gian. Thế mà theo dụ ngôn, dường như ông thực hiện một mình! Thực tế không thể như thế, nhưng trong cách kể chuyện, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh điểm này, vì đó chính là một trong những chi tiết nói cho chúng ta về Thiên Chúa và công trình sáng tạo của Người. Chúng ta đừng quên đi vào tâm tình của ông.

- Sau đó, ông rào giậu chung quanh; đâu là mục đích hay ý nghĩa của việc rào giậu? Như chúng ta đều có kinh nghiệm, điều này có thể có những ý nghĩa rất khác nhau, chẳng hạn để bảo vệ. Nhưng một cách căn bản, đó là cách thức để phân biệt, và phân biệt chính là xác định căn tính (chẳng hạn, việc xác định biên giới giữa hai nước). Rào giậu mang ý nghĩa đặt tên.

- Trong vườn ông đào bồn đạp nho; ông đã nghĩ đến hoa trái và xa hơn nữa là rượu ngon đến từ những chùm nho chín. Ông có cả một kế hoạch mà điểm tới là có được rượu nho, biểu tượng của niềm vui xum họp. Đức Giê-su nói: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là, anh em sinh nhiều hoa trái và trở nên môn đệ thầy” (Ga 15, 8).

- Ông xây một tháp canh; nhưng canh điều gì? Canh những nguy cơ đến từ bên ngoài; và đó có thể là những nguy cơ nào? Tuy nhiên, dụ ngôn của Đức Giêsu diễn biến theo một chiều hướng khác: những nguy cơn không đến từ bên ngoài, nhưng ngay ở trong khuôn viên vườn nho (x. St 2, 15). Nhưng những nguy cơ nghiêm trọng này có thể làm thất bại kế hoạch làm “rượu nho” của người chủ không?

- Cuối cùng ông trao vườn nho cho các tá điền với sứ mạng “canh tác”. Các tá điền bây giờ mới được nhắc đến, nhưng là để đón nhận: đón nhận vườn nho đã được chuẩn bị thật công phu, và cũng đón nhận một sứ mạng.

Rồi ông trẩy đi xa. Chúng ta cần nhận ra lòng tin tưởng vô điều kiện ông đặt để nơi các tá điền. Chúng ta có thể nhớ lại ơn huệ sáng tạo trong sách Sáng Thế (x. St 1-3) và ơn hệ sự sống của chúng ta. Loài người được tạo dựng, mỗi người chúng ta được sinh ra, từng người chúng ta khi được tháp nhập vào Hội Dòng hay Tu Hội, tất cả mọi sự đã có sẵn, thậm chí được chuẩn bị chu đáo để đón nhận chúng ta. Tất cả đã được ban, nhưng chúng ta chẳng thấy Đấng Ban Ơn đâu, chẳng thấy Chúa đâu. Bởi lẽ, như người kia phải đi xa, Chúa muốn chúng ta sống tương quan với Chúa, ngang qua những quà tặng, ngang qua những dấu chỉ; và chúng ta được Chúa ban cho quá nhiều quà tặng, quá nhiều dấu chỉ: bản thân chúng ta, cuộc đời và ơn gọi của chúng ta, cộng đoàn của chúng ta, sự sống và sự sống được tái sinh bởi ơn tha thứ mỗi ngày, Lời và Mình Đức Kitô, được ban cho chúng ta nhưng không mỗi ngày.

Hơn nữa, tương quan đích thật và trưởng thành không phải là tương quan hiện diện thể lí, nhưng là tương quan vắng mặt ngang qua các dấu chỉ. Khi chủ ở nhà, thì mình đương nhiên là tớ; nhưng khi chủ đi vắng, mình vẫn sống, vẫn ứng xử như là tớ, hay tự biến mình thành chủ? Và khi tự biến mình thành chủ, thì tất yếu sẽ là tai họa; điều này đúng trong mọi cấp độ: cuộc đời của mỗi người, gia đình, cộng đoàn…

2. Quên ơn huệ (c. 2-9)

Chúng ta hãy để mình bị kinh ngạc bởi thái độ của các tá điền, nhất là khi dụ ngôn không cho chúng ta biết tại sao, tại sao họ lại hành động kì dị như thế?

- Với người đầy tớ thứ nhất: họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. “Bắt, đánh đập và loại trừ”, đó là những hành động đặc trưng của sự dữ, mà những người công chính của Thiên Chúa phải chịu.

- Với người đầy tớ thứ hai: họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. Mức độ bạo lực gia tăng, vì đó là năng động tất yếu của bạo lực: đánh vào đầu là nguy hiểm đến tính mạng và bạo lực luôn đi đôi với chế diễu trên ngôi vị. Và nhạo báng cũng là một hình thức bạo lực gây đau khổ không kém bạo lực thể lí.

- Rồi ông sai một người khác và nhiều người khác nữa. Trong những lần này, bạo lực của các tá điền đã đạt tới mực cực điểm là giết chết.

- Cuối cùng, từ nhiều người sang một người, nhưng đó lại là tột đỉnh của mọi sự: “Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu…”; đó là chi tiết nói về Đức Ki-tô trong tương quan Cha-Con với Thiên Chúa cách trực tiếp và rõ ràng nhất; trước khi hành động, mỗi bên đều có lời tự nhủ: “Chúng sẽ nể con ta”; còn các tá điền thì bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta”. Cả hai hành động đều là điên rồ (x. 1Cr 1, 17-25).

Chúng ta cần chú ý đến năng động tất yếu của bạo lực, giống như đá tảng rơi từ ngọn núi xuống, càng lúc càng nhanh và mạnh, từ nhân tính chuyển sang thú tính. Nhưng tại sao ông chủ không ngăn cản mà lại để cho nó đi đến cùng như thế? Đó cũng là vấn đề của cuộc Thương Khó. Và tại sao, họ lại có những hành động bạo lực đến kì lạ như vậy? Bởi vì họ muốn tự biến mình thành chủ, muốn chiếm đoạt điều không thuộc về mình; nhưng tại sao họ lại đâm ra như vậy? Bởi vì họ quên đi vườn nho là một ơn huệ, thậm chí sứ mạng canh tác và gìn giữ (x. St 2) cũng là một ơn huệ; ơn huệ vườn nho và sứ mạng canh giữ vườn nho nhắc nhớ sự hiện diện của “Đấng ban ơn”. Quên điều này tất yếu sẽ dẫn đến hành vi chiếm đoạt bằng lòng ham muốn, tất yếu dẫn đến bạo lực. Như thế, dụ ngôn cũng mặc khải sâu xa về con người trong tương quan với Thiên Chúa, không kém mặc khải đã được bày tỏ trong trình thuật Vườn Ê-đen (St 2-3).

Trong khi đó ơn gọi của các tá điền và cũng là ơn gọi của mỗi người chúng ta, là nhận ra sự sống của mình, thế giới của mình, vũ trụ mình chiêm ngắm là một ơn huệ; và vì là một ơn huệ, con người được mời gọi sống và xây dựng cuộc sống như một lời đáp trả, một lời biết ơn: “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con tất cả, giờ đây con xin dâng lại Chúa tất cả”. Một trong những ý nghĩa của đời dâng hiến mà chúng ta đang được mời gọi sống đến cùng cách quảng đại, là để làm rõ ơn gọi này của con người. Chúng ta cũng hãy để mình kinh ngạc trước cách phản ứng của ông chủ, vì hành động của ông cũng kì lạ không kém, nhưng theo một năng động hoàn toàn ngược lại: thay vì bạo lực đối lại bạo lực; thì sự hiền lành đối lại bạo lực: sự hiền lành của ông được diễn tả ra cách cụ thể nơi hai nhóm đầy tớ được sai đi và nhất là của người Con Trai yêu dấu. Sự hiền lành này sẽ được Thiên Chúa thực hiện cách trọn hảo trong cuộc Thương Khó của Đức Kitô.

Dụ ngôn diễn tả cho chúng ta nhiều tột đỉnh, nhưng là để dẫn chúng ta đến một tột đỉnh khác ở bên ngoài dụ ngôn: Thiên Chúa lại chấp nhận đến cùng tội của con người và chuyển nó thành ơn cứu độ: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường” (Tv 118, 22). Đó chính là “Tin Mừng”, bởi vì diễn tả mầu nhiệm cứu độ nơi Thập Giá của Đức Ki-tô; và “Tin Mừng” này gợi nhớ nhiều biến cố trong lịch sử cứu độ, nhất là chuyện ông Giuse (St 50, 18-20), người công chính bị bách hại trong Tv 22, và Người Tôi Tớ Đau Khổ (x. Is 52, 13-53, 12). Đó chính là:

Công trình của Chúa, 
công trình kì diệu trước mắt chúng ta.

3. Đó là CÔNG TRÌNH CỦA CHÚA (c. 10-12)

Câu chuyện ông Giuse và dụ ngôn của Đức Giê-su mời gọi chúng ta đọc lại lịch sử cứu độ, đọc lại lịch sử loài người và lịch sử của từng người chúng ta, dưới ánh sáng của Mầu Nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Đức Ki-tô ; đọc lại như thế, không phải để nhận ra « công trình » của Tội và Sự Dữ, vốn làm cho chúng ta sợ hãi và tuyệt vọng, nhưng là nhận ra « CÔNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA ». Và công trình của Thiên Chúa thì khác hẳn với công trình của con người, với lối suy nghĩ của con người. Thật vậy :

a. Tội và sự dữ không làm thất bại thất bại kế hoạch sáng tạo và cứu độ, vì Thiên Chúa chiến thắng sự chết, vốn là hành động sau cùng của Tội và Sự Dữ : “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường”.

b. Hơn nữa Thiên Chúa dùng chính sự dữ, để cho đi tới cùng, để bày tỏ sự hiền lành tuyệt đối, và đó chính là khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa (sự hiền lành của ông chủ vườn nho).

c. Vẫn chưa hết, đó là cách Thiên Chúa vừa tha thứ cho chúng ta, và vừa giải thoát chúng ta khỏi tội và sự dữ:
- Bằng cách bảy tỏ cho chúng ta thấy khuôn mặt thật của sự dữ (chữa bệnh phải thấy được nguyên nhân), khi để cho sự dữ đi tới cùng ; và nhận ra sự dữ có mặt ở khắp nơi trong chúng ta và giữa chúng ta. Thấy Sự Dữ, chúng ta được chữa lành rồi, vì Sự Dữ không “tương hợp” với chúng ta, vốn được dựng nên theo Sự Thiện và cho Sự Thiện. Vì thế, ngay cả kẻ dữ, khi làm điều dữ, cũng phải che đậy, phủ lên một lớp vỏ tốt đẹp. Và điều này được thể hiện cách tuyệt đối nơi mầu nhiệm Thương Khó.

- Nhưng không phải để « ác giả ác báo », nhưng để nhận ra tình thương và lòng thương xót của Chúa vô biên vô tận ; và chính tình yêu và lòng thương xót vô biên vô tận, chứ không phải nỗ lực « đền tội và canh tân » của chúng ta, biến đổi con tim chúng ta và khơi dậy tâm tình biết ơn và lòng cảm mến ; chính sức mạnh tình yêu Thiên Chúa cuốn hút và lòng ước ao ở lại trong tình yêu Thiên Chúa, ước ao để cho tình yêu Thiên Chúa chiếm hữu và lôi cuốn, sẽ lôi chúng ta ra khỏi sức hút của sự dữ.

Đó chính là công trình kỳ diệu, là sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa, khác hẳn với sức mạnh và khôn ngoan của con người, luôn rạng ngời trong trong lịch sử cứu độ và trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, từ ơn huệ sáng tạo đầy thách đố đến ơn huệ sáng tạo đầy ánh sáng, niềm vui và sự sống, trong Chúa và cùng nhau.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận