Thứ Ba tuần 1 mùa vọng.

Đăng lúc: Thứ ba - 01/12/2015 01:33 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Ba tuần 1 mùa vọng.

"Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần"

 

Lời Chúa: Lc 10, 21-24

Khi ấy, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. Cha Ta đã trao phó cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết!"

Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: "Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều chúng con xem thấy; vì chưng Ta bảo các con: có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều chúng con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều chúng con nghe, mà đã chẳng được nghe.

 

Suy Niệm 1: Mặc Khải Cho Kẻ Bé Mọn

Chúng ta đang bước vào Mùa Vọng là mùa trông đợi Ðấng Cứu Thế mang ơn cứu độ đến cho nhân loại. Chờ đợi là thời gian dài thăm thẳm, vì theo tâm lý thì thời gian như kéo dài thêm ra. Trải qua một thời kỳ lịch sử Cựu Ước, kể từ khi con người phạm tội phản nghịch qua Adam và Evà, biết bao nhiêu tổ phụ, bao nhiêu tiên tri đã được sai đến dọn đường cho Con Thiên Chúa là Ngôi Hai mặc lấy thân xác con người, gánh lấy tội lỗi con người và làm cho con người được ơn cứu rỗi.

Ðoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta lời cầu nguyện của Chúa Giêsu để mạc khải cho chúng ta biết bản tính Thiên Chúa của Ngài: "Không ai biết Chúa Con ngoại trừ ra Cha, cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào ngoài Chúa Con và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết".

Ðôi mắt con người chỉ nhìn xem những vật hữu hình, nếu quá nhỏ có thể dùng kính hiển vi, nếu quá xa có thể dùng kính thiên văn. Trí óc con người có thể suy nghĩ một cách hạn hẹp trong khả năng giới hạn nào đó mà thôi, ví dụ chúng ta có thể nhìn thấy ngôi nhà chúng ta đang ở, chúng ta biết nó không phải tự nhiên mà có nhưng phải do bàn tay thợ nề, thợ mộc, do con người làm nên và tạo ra. Khi nhìn đồng hồ treo tường hay treo đồng hồ đeo tay, chắc hẳn trong chúng ta không ai nghĩ rằng nó tự nhiên mà có nhưng phải có người suy tính và tạo ra.

Từ những thí dụ cụ thể trên, chúng ta có ý nghĩ: Con người chúng ta không phải tình cờ hay ngẫu nhiên mà được sinh ra. Ða số ai cũng chấp nhận có ông Trời tạo dựng nên và điều khiển vũ trụ. Tuy nhiên trí óc con người không dừng lại ở đó, trí óc họ không thể hiểu thêm gì về ông Trời đó, chỉ có thể tưởng tượng ra ông Trời cũng biết thương, biết giận, biết ghét, biết khen thưởng hay trừng phạt như con người. Và con người cũng thường nói: "Ông Trời có mắt" để cùng nhau làm lành làm dữ, sống hòa thuận, bớt làm điều tai ác.

Chúa Giêsu mặc lấy thân phận con người để tiết lộ cho chúng ta biết về Thiên Chúa qua lời cầu nguyện của Ngài hôm nay với Thiên Chúa Cha: "Không ai biết Thiên Chúa Cha ngoại trừ ra Con". Thiên Chúa Con, Ngài từ trời xuống nên Ngài biết rõ những việc trên trời nơi Ngài đã ở với Thiên Chúa Cha.

Chúa Giêsu còn cho chúng ta biết về Thiên Chúa Cha có Ba Ngôi, và khi Ngài chịu Phép Rửa ở sông Jordan, Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài, đồng thời có tiếng Thiên Chúa Cha phán ra từ đám mây: "Này là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta mọi đàng". Và trước khi về Trời, Chúa Giêsu cũng đã truyền lệnh cho các môn đệ: "Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". Như vậy, con người không thể biết được về bản tính Thiên Chúa nếu Chúa Giêsu Kitô không mạc khải truyền lệnh cho các môn đệ: "Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". Như vậy, con người không thể biết được về bản tính Thiên Chúa nếu Chúa Giêsu Kitô không mạc khải cho chúng ta biết, và lời Ngài trên đây cũng cho chúng ta biết thêm dẫn chứng về ngôi vị Thiên Chúa: "Không phải những kẻ thông thái khôn ngoan biết những điều này nhưng là những kẻ đơn sơ". Những kẻ đơn sơ bé mọn đó chính là chúng ta.

Chúng ta đang ở trong Mùa Vọng để chuẩn bị đón mừng một mầu nhiệm rất trọng đại, mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần đem ơn cứu rỗi đến cho mọi người. Chúng ta là những người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội, thuộc mọi quốc gia, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi trình độ, mọi ngôn ngữ khác nhau, không phân biệt nhưng cùng chung một niềm trông đợi Ðấng Cứu Thế đem bình an đến cho mọi tâm hồn.

Chúa Giêsu đã chúc lành cho chúng ta: "Hạnh phúc cho những người được xem thấy những điều chúng con xem thấy, vì đã có nhiều tiên tri, vua chúa đã muốn xem những điều chúng con thấy mà chẳng được xem". Biết bao nhiêu người hiện nay chưa biết, chưa được nghe đến Tin Mừng của Chúa, vì chưa được ai rao giảng cho họ.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con tin vững vàng vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ngôi Hai Nhập Thể để chúng con sống thật với mầu nhiệm yêu thương ấy. Xin Chúa cho mỗi người trong chúng con sống trọn vẹn tâm tình tha thiết mong đợi Ðấng Cứu Thế đến để cứu rỗi nhân loại chúng con. Amen.

 

Suy Niệm 2: Phúc cho mắt nào được thấy

(Lc. 10, 21-24)

Rồi Đức Giêsu quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: Nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Lc. 10, 23-24)

Đức Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ đi truyền giáo. Khi trở về, các ông rất vui mừng vì dân chúng đã đón nhận Tin mừng cách tốt đẹp. Nên Đức Giêsu hướng về Chúa Cha và cảm tạ Ngài. Đồng thời Người kêu mời các ông hãy vui mừng vì Thiên Chúa đã thực hiện những điều lạ lùng cho mắt các ông được thấy: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy”.

Chúng ta đã nhìn thấy những điều tốt lành đó không? Chúng ta đã chú tâm đến những việc tích cực và lạ lùng trong học thuyết Kitô giáo ngày nay không?

Trong Giáo Hội có nhiều thay đổi thật sự. Đó không phải là dấu chỉ của sức khỏe sao? Nếu bất động thì không còn sống nữa?

Cơn khủng hoảng chúng ta đang trải qua, làm chúng ta phải cựa quậy, phải chao đảo, lo lắng. Nhưng đó là dịp cho chúng ta phục hưng, đổi mới và trở nên Kitô hữu trưởng thành và có trách nhiệm.

Giáo Hội này nay cố gắng đi về phía con người, và đặc biệt về phía những người nghèo khổ. Dù phải rước họa vào thân càng ngày càng nhiều, Giáo Hội luôn luôn hợp tác với những ai tranh đấu cho công lý và hòa bình. Đó không phải là sống Tin mừng sao? Giáo Hội canh tân phụng vụ, đó là để giúp chúng ta dễ cầu nguyện. Giáo Hội thay đổi và giảm nhẹ các luật lệ, đó là để khuyến khích chúng ta biết lãnh trách nhiệm riêng của chúng ta. Nếu chúng ta biết mở to mắt hơn và đừng chỉ trích gì của thời quá khứ, có thể chúng ta sẽ khám phá thấy rằng thời đại, mà chúng ta đang sống, không xấu mà còn có thể nói như Đức Giêsu nói: “Phúc thay mắt nào thấy điều anh em thấy”.

J.Y.G

 

Suy Niệm 3: Mạc khải cho kẻ bé mọn

Một chú ếch nọ suốt đời ngồi dưới đáy giếng. Một hôm, nó ngạc nhiên vô cùng khi thấy một con ếch khác xuất hiện trên bờ giếng. Nó lên tiếng hỏi: “Chú mày từ đâu đến?” Từ trên miệng giếng, khách lạ tra lời: “Tôi đến từ một vùng biển”.

Lần đầu tiên nghe nói đến biển, con ếch dưới đáy giếng thắc mắc: “Thế biển là  gì? Biển giống như cái gì?” Khách lạ lắc đầu đáp: “Biển mênh mông, biển không cùng, không thể dùng bất cứ hình ảnh nào để nói cho một kẻ suốt đời ngồi dưới đáy giếng hiểu được thế nào là biển”.

Nghe thế, con ếch ngồi dưới đáy giếng mới nghĩ thầm: “Từ trước đến nay, ta gặp không biết bao nhiêu kẻ lường gạt, nhưng tên này hẳn phải là kẻ trí trá vô liêm sỉ nhất”.

Nhiều người có lẽ đang nhìn vào niềm tin Kitô giáo với lối suy nghĩ của chú ếch ngồi đáy giếng trong câu chuyện trên. Người ta dùng cái vùng giếng hẹp hòi của ý thức hệ để đo lường trời biển bao la của niềm tin tôn giáo.

Đức tin thiết yếu là một ân ban nhưng không. Điều đó có nghĩa là người ta không đạt đến đức tin bằng sự lý luận uyên bác của mình; và điều đó cũng có nghĩa là không phải kẻ thông thái đương nhiên là người có đức tin hoặc có đức tin sâu sắc hơn người quê mùa dốt nát.

Lời tá tụng của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay xác quyết tính cách nhưng không của đức tin. Chúa Giêsu cảm ta Chúa Cha vì đã dấu hạng khôn ngoan thông thái những điều đó, tức là ơn đức tin, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn.

Nói đến hạng khôn ngoan thông thái hẳn Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến những Biệt phái và luật sĩ, những người học cao hiểu rộng. Chính cái mớ kiến thức về luật pháp và đạo giáo ấy đã khiến họ cho mình là người nằm giữa chân lý, là người đạo đức và có đức tin sâu sắc hơn người khác. Chúa Giêsu đã không ngừng lên án thái độ huyênh hoang tự đắc ấy.

Chọn những người đơn sơ, thất học làm môn đệ, kết thân với những kẻ bị đẩy ra bên lề xã hội, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ cho mọi ngươi thấy rằng trong nước Ngài không có sự phân biệt đối xử, rằng người ta không nhất thiết là người thông thái mới có thể trở thành môn đệ Ngài. Để thuộc về nước Ngài, để  trở  nên môn đệ Ngài, điều kiện thiết yêú là phải trở nên bé mọn, khiêm tốn, trút bỏ lối suy nghĩ hẹp hòi của mình.

Quả thực, người có đức tin không còn nhìn, suy nghĩ, lý luận bằng cái nhìn ích kỷ, hẹp hòi của mình, mà bằng cái nhìn của Thiên Chúa, nhờ đó họ tìm được  ánh sáng và hy vọng ngay trong cuộc sống tăm tối, cảm nhận được sức mạnh  trong những mất mát, thua thiệt, nhận ra được lẽ khôn ngoan ngay trong những gì mà thế gian cho là điên dại. Người có đức tin sẽ sống và yêu thương bằng chính tình yêu của Thiên Chúa, yêu đến độ hy sinh chính mạng sống mình.

Nguyện cho cả cuộc sống chúng ta được trở thành bài ca tán dương và tri ân Chúa vì hồng ân đức tin Ngài đã ban cho chúng ta.

Nguyện cho từng tâm tư, suy nghĩ, hành động của chúng ta không phát xuất từ con người ích kỷ, hẹp hòi của chúng ta, mà là thể hiện của đức tin mà Thiên Chúa đã trao ban cách nhưng không cho chúng ta.
 

SUY NIỆM 4

Bản văn Tin Mừng có cấu trúc song song đối xứng như sau :

(A) « Những điều này » (c. 21)
(B) Người Con mặc khải Chúa Cha (c. 22)
(A’) Những điều được thấy và được nghe (c. 23-24)

1. « Con người được dựng nên để ca tụng Thiên Chúa » (Linh Thao, số 23)

Trước hết, chúng ta hãy ra khỏi mình để chia sẻ niềm vui với Đức Giê-su, chia sẻ mỗi ngày, vì đây là « niềm vui vĩnh cửu » của Người. Và niềm vui của Người đến từ việc nhận ra cách hành động của Chúa Cha và hoàn toàn được chinh phục. Tương tự như Đức Maria, Mẹ của chúng ta, đã thốt lên trong Thánh Thần : « Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa » vì đã nhận ra « những điều cao cả » Người làm cho Mẹ, là « Nữ Tì hèn mọn » và tương tự như vậy, cho « những ai kính sợ Người », cho « mọi kẻ khiêm nhường », cho « kẻ đói nghèo », cho tôi tớ đau khổ của Người là Israen :

Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”.

Và chuyển động ra khỏi mình để chia sẻ niềm vui ca tụng Chúa Cha của Đức Giê-su, chỉ trọn vẹn, khi chính ta cũng được Thánh Thần tác động, để nhận ra cùng một cung cách hành động của Chúa Cha được thể hiện trong cuộc đời và hành trình ơn gọi của chúng ta, và ca tụng Người trong niềm vui. Đó chính là con đường, là « linh đạo », làm cho chúng ta trở nên giống Đức Ki-tô. Và đây là linh đạo của mọi linh đạo, vì đến từ Kinh Thánh được hoàn tất nơi Đức Ki-tô. Nhưng, ai là những người khôn ngoan và ai những người thông thái ? Ai là những người bé mọn ?

2. Chúa Cha, Chúa Con và « những người bé mọn »

Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su nói với Chúa Cha : « Lạy Cha là Chúa Tể trời đất… » (c. 21), sau đó với mọi người : « Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi… » (c. 22), và sau cùng với riêng các môn đệ đang hiện diện bên cạnh Người : « Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy… » (c. 23-24). Như thế, « những người bé mọn » mà Chúa Cha tuyển chọn để mặc khải là chính các môn đệ ; và chính khi chúng ta biết khiêm tốn trở thành môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta sẽ là « những kẻ bé mọn » mà Chúa Cha ưa thích. Bởi vì, chính Đức Giê-su cũng trở nên « bé mọn » ở giữa chúng ta trong mầu nhiệm Giáng Sinh, trong mầu nhiệm Thánh Thể và trong mầu nhiệm Thương Khó ; và Chúa Cha nói về Người : « Đây là Con ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người ».

Trong cả ba lời nói này, Đức Giê-su đều nói về mặc khải (trái với mặc khải là dấu kín) và hệ quả của mặc khải : « Cha đã dấu kín…, nhưng lại mặc khải… » ; « và những kẻ Người Con muốn mặc khải cho » ; « phúc thay mắt nào được thấy », « muốn nghe điều anh em nghe ». Nhưng Chúa Cha và Người Con mặc khải những gì, để cho các môn đệ, là « những người bé mọn » thấy và nghe ? Điều các môn đệ thấy và nghe là chính Đức Giê-su : Đức Giê-su là mặc khải của Chúa Cha và cũng chính Đức Giê-su mặc khải về Chúa Cha cho những người bé mọn.

3. Mối phúc thấy và nghe Đức Giê-su

Đức Giê-su là mặc khải lớn nhất của Chúa Cha và Chúa Cha là mặc khải lớn nhất của Đức Giê-su cho các môn đệ, là « những người bé mọn ». Vì thế, được « thấy và nghe » Người là một mối phúc. Phúc cho các môn đệ đang vây quanh Đức Giê-su, và cũng phúc cho chúng ta hôm nay, bởi vì chúng ta cũng được mời gọi mỗi ngày nhận ra, lắng nghe, hiểu biết, yêu mến và đi theo Người. Bởi vì, Người hiện diện và lên tiếng trong sáng tạo, trong lịch sử nhân loại và lịch sử đời tôi, và một cách trọn vẹn nơi Lời Kinh Thánh, Bánh Thánh Thể, được hoàn tất nơi mầu nhiệm Vượt Qua.

Chúng ta vẫn có thể sống mối phúc « thấy và nghe » Đấng Vô Hình, bởi đôi mắt của chúng ta được dựng nên, có ơn gọi không phải là nhìn thấy những điều hữu hình, nhưng là nhận ra những thực tại vô hình : ngôi vị, tình yêu, tình bạn, sự hiện diện qua các dấu chỉ, quà tặng, ân huệ Thiên Chúa, sự hiện diện sáng tạo của Thiên Chúa nơi mọi sự :

Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay Danh Chúa trên khắp cả địa cầu 
(Tv 8, 2)

Và đôi tai của chúng ta được ban cho, có ơn gọi không phải là nghe âm thanh, nhưng là nghe ra ý nghĩa, sự hài hòa của âm thanh, giai điệu, kết cấu của âm thanh, nghe ra Ngôi Lời trong mọi sự, vì « Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành » (Ga 1, 3 và St 1) :

Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, 
không trung loan báo việc tay Người làm.
(Tv 19, 2)

Tương tự như với thánh Phê-rô, sau khi vượt qua sự chết để đi vào sự sống vĩnh hằng, Đấng Phục Sinh vẫn mời gọi thánh nhân, và ngang qua thánh nhân, Người vẫn tiếp tục mời gọi từng người chúng ta hôm nay : « Hãy theo Thầy » (Ga 21, 19).

* * *

Và để đi theo Đức Ki-tô, chúng ta phải nhận ra Người. Đức Ki-tô phục sinh bày tỏ mình ra cách trực tiếp, đó là ơn đặc biệt Ngài dành cho các chứng nhân đầu tiên, để có thể thực hiện sứ mạng lớn lao và khó khăn ; nhưng các chứng nhân này không được miễn trừ khỏi kinh nghiệm thứ hai, là kinh nghiệm dành cho mọi người, đó là hiểu Kinh Thánh trong tương quan với cuộc đời của Đức Giêsu và nhất là với mầu nhiệm chết và phục sinh của Ngài.

Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh.

Ngày hôm nay, Đức Ki-tô vẫn hiện diện cách kín đáo, như Ngài đã làm với hai môn đệ Emmau, qua rất nhiều trung gian, để giúp chúng ta có kinh nghiệm nhận ra Ngài trong Thánh Lễ hằng ngày và trong đời sống cầu nguyện của chúng ta.

Đức Ki-tô phục sinh giải thích mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài khởi đi từ Sách Thánh: Sách Thánh loan báo Đức Ki-tô và Đức Ki-tô hoàn tất Kinh Thánh. Đức Ki-tô đã “hoàn tất” Kinh Thánh như thế nào, thì cũng sẽ “hoàn tất” đời tôi như thế: Đời tôi cũng « loan báo » Đức Ki-tô và Đức Ki-tô hoàn tất đời tôi. Chính sự tương hợp này đã đem lại kinh nghiệm thiêng liêng: “con tim bừng cháy”.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận