Thứ Bảy tuần 7 thường niên.

Đăng lúc: Thứ bảy - 21/05/2016 01:50 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Bảy tuần 7 thường niên.

"Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó".

 

Lời Chúa: Mc. 10, 13-16

Khi ấy, người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: "Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó". Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.

 

 

 

Suy Niệm 1: Thương yêu trẻ em

Ðức Giáo Hoàng Piô X khi nhậm chức Giám mục giáo phận Mantova, Ngài đã nghĩ đến người mẹ hiền và trở về thăm mẹ như để nói lên lòng biết ơn. Trong câu chuyện thân mật với mẹ, Ngài vừa nói vừa khoe chiếc nhẫn Giám mục của mình: "Mẹ xem chiếc nhẫn Giám mục của con có đẹp không?" Người mẹ mỉm cười đưa chiếc nhẫn cũ kỹ trên bàn tay đầy vết nhăn cho con xem và nói: "Nếu không có chiếc nhẫn này, thì đâu có chiếc nhẫn Giám mục của con".

Thật thế, nếu cha mẹ không để tâm giáo dục con cái, làm sao chúng có thể nên người, nhất là nên người con của Chúa được.

Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy những cha mẹ tìm cách đem con cái đến với Chúa Giêsu để xin Ngài đặt tay và chúc lành cho chúng. Chúa Giêsu rất thương mến trẻ em, Ngài tỏ ra không hài lòng vì các Tông đồ ngăn cản không cho các cha mẹ đem các trẻ em đến với Ngài. Trái ngược với quan niệm coi khinh trẻ em của các tác giả đạo đức Do Thái, Chúa Giêsu đề cao trẻ em như kiểu mẫu đón nhận Nước Trời: "Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào". Nơi khác, Ngài bảo vệ trẻ em một cách quyết liệt: "Ai làm cớ cho một trong những trẻ nhỏ này sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn".

Cha mẹ là những người cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh dưỡng và giáo dục con cái, để chúng được hạnh phúc đời này, nhất là được hạnh phúc đời sau. Tuy nhiên, có những cha mẹ chỉ lo làm giàu, chứ không quan tâm xây dựng đạo đức cho con cái, cũng có những cha mẹ khoán trắng việc giáo dục đức tin của con cái cho các vị lãnh đạo tinh thần và thiêng liêng, mà quên rằng đó là nhiệm vụ trước tiên của cha mẹ do Bí tích Hôn phối và tình thương yêu đòi buộc. Con cái sống trong gia đình nhiều hơn các nơi khác, và cha mẹ cũng hiểu biết tính tình con cái hơn bất cứ ai khác, đó là những thuận lợi để cha mẹ góp phần vào việc giáo dục con cái.

Nhưng để có thể giáo dục con cái một cách hiệu quả, cha mẹ phải lo trau dồi kiến thức, cách riêng về tôn giáo, và sống đạo gương mẫu, sao cho con cái thực sự là nguồn hạnh phúc của gia đình và là triều thiên của chính cha mẹ.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả các cha mẹ. Xin Ngài soi sáng để các cha mẹ hiểu biết và yêu mến Chúa nhiều hơn, đồng thời nhiệt tâm giáo dục con cái và dẫn đưa chúng đến với Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Chúa Giêsu sống liên hệ với mọi người

Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người chạm tay vào chúng. Nhưng các môn đệ xẵng giọng với chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” (Mc. 10, 13-15)

Trích đoạn Phúc âm này tưởng chừng tầm thường, nhưng không phải vậy. Trái lại, mấy câu vắn vỏi này là một mạc khải quan trọng về Thiên Chúa và mối quan hệ của Người với chúng ta. Suốt cuộc đời Người và khi thi hành sứ vụ, Đức Giêsu Kitô đã chỉ có một sứ mệnh duy nhất là làm cho chúng ta nhận biết Thiên Chúa: “Sự sống đời đời, chính là họ nhận biết Cha và Đấng Cha sai.” Và Chúa đã thực hiện tốt sứ mệnh đó bằng việc làm cũng như bằng lời nói; tốt hơn nữa bằng những quan hệ giữa con người cũng như bằng những phép lạ của Người. Các Phúc âm phần lớn đều là tường thuật về những quan hệ của Chúa Giêsu với người ta. Trong mối quan hệ của Người với tha nhân, Chúa Giêsu tỏ ra hoàn toàn tự do, hoàn toàn độc lập đối với dư luận quần chúng và người xung quanh. Các môn đệ thì muốn dân chúng ở xa Người, tạo nên một bức màn che chắn Người. Các ông làm như thể muốn sàng lọc những người có thể đến với Chúa Giêsu. Trước mọt dụng ý như thế, Chúa Giêsu bực mình, nặng lời khiển trách các ông… rồi Người gọi trẻ em đến với mình, đặt tay chúc lành cho chúng và ôm hôn chúng.

Lời mời gọi nên như trẻ thơ

Chúa Giêsu không đành đón tiếp các trẻ em như đón tiếp các người thu thuế và tội lỗi, Người đi xa hơn nhiều; Người lấy chúng làm gương mẫu cho những thính giả cúa mình: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” Nên giống như trẻ em, có nghĩa là gì? Chúng ta vốn nghĩ, trẻ em chẳng có chi hoàn hảo, chẳng có chi đáng bắt chước về mọi phương diện. Ông La Bruyère đã viết một cách cay nghiệt rằng: “Trẻ em là đồ ăn cắp, nói dối, chúng đã là những người lớn đấy.” Cũng không phải là chuyện trở lại vẻ hồn nhiên trong trắng của trẻ em như trở lại vẻ tinh tuyền ban đầu của nguyên tổ khi ở vườn địa đường. Kinh thánh không nhìn trẻ em ở khía cạnh này. Vả lại đòi hỏi một người lớn phải khổ sở vì không còn là một đứa trẻ nữa có lẽ đó là một yêu cầu có phần nào bệnh họan.

Tuổi thơ đồng nghĩa với tươi mát, hồn nhiên, đơn sơ. Chúa mời gọi chúng ta đón nhận Nước Thiên Chúa với những tâm tình này, nghĩa là với niềm hân hoan vui sướng như được một cái mới, không tính toán, không hậu ý, nhưng đồng thời cũng phải nhận thức rằng mình tùy thuộc vào Chúa và liên quan tùy thuộc đối với người khác. Tuy nhiên trong bất cứ trường hợp nào, ta không được là con người ấu trĩ và từ chối làm cho chính ta điều gì có thể làm được. Bởi lẽ, tinh thần thơ ấu mà Chúa Giêsu đề nghị không phải là một sự “nhõng nhẽo”, ươn lười, nhưng là một tâm hồn rộng mở đón nhận lời Chúa với tinh thần đơn sơ vậy.

 

Suy niệm 3: HÃY NÊN NHƯ TRẺ NHỎ

Nếu xét về đời sống thiêng liêng: Nước Trời là gia nghiệp của con người, thì đời sống tự nhiên, con cái là gia sản của các bậc cha mẹ.

Muốn cho gia sản ấy thực sự có giá trị và ý nghĩa thì phải lo giáo dục con cái cho đàng hoàng.

Giáo dục đúng thì sẽ được hưởng hoa trái của niềm vui. Giáo dục sai sẽ lãnh hậu quả buồn.

Hôm nay, người ta đem đến cho Đức Giêsu các trẻ em và xin Ngài đặt tay chúc lành cho chúng. Tuy nhiên, các môn đệ đã ngăn cản các bà mẹ khi các bà dẫn các trẻ em đến với Đức Giêsu. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lên tiếng quở trách các môn đệ và đề cao các em.

Qua hình ảnh, tính tình của trẻ em mà Đức Giêsu dạy cho các môn đệ bài học quan trọng: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào”. Câu nói này vừa là một giáo huấn về sự chân thành, đơn sơ cần có đối với người môn đệ. Mặt khác, vừa là một mặc khải về quy luật tất yếu để được vào Nước Trời là trong sạch như trẻ thơ.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy chú tâm đến việc giáo dục con cái. Đồng thời cần phải làm gương cho con cái của mình noi theo.

Nhưng điều chính yếu mà Đức Giêsu muốn mời gọi chúng ta là: hãy sống những đặc tính của trẻ thơ thì sẽ được vào Nước Trời. Đặc tính ấy được thể hiện qua sự chân thành, không lươn lẹo, quanh co, không giam tham, hối lộ, vu vạ, cáo gian, không cướp của, giết người...

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết nêu gương sáng cho trẻ em và học được những bài học đơn sơ, trung thành, trong trắng để được vào Nước Trời. Amen.

Ngọc Biển

Suy Niệm
 

 

1. Đức Giêsu và trẻ em

Như chúng ta đều biết, Đức Giê-su có thái độ ưu ái đặc biệt đối với trẻ em. Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe chứng tỏ điều này; và ngay trước đó, khi các môn đệ tranh cãi với nhau về vấn đề ai là người lớn nhất, Ngài nói:

Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” (Mc 9, 35-37).

Tại sao vậy? Như tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng, yêu thích trẻ em, là một khuynh hướng rất tự nhiên. Ai trong chúng ta cũng thích trẻ em, và Đức Giê-su cũng vậy. Có lẽ vì chúng ta nhận ra nơi trẻ em có cái gì đó vừa nguyên tuyền, vì còn được bao bọc, và vừa kì diệu, vì em bé không thể chỉ là tác phẩm của cha mẹ, nhưng còn là và nhất là của Thiên Chúa nữa. Vì thế, khi em bé sinh ra “mẹ tròn con vuông”, cha mẹ và cả họ hàng đều tạ ơn Chúa, vì em bé còn là quà tặng của Thiên Chúa, còn là con Thiên Chúa nữa.

2. Trẻ em và Nước Trời

Có một điều chúng ta nên học hỏi, đó là người Tây Phương thường để các em bé hồn nhiên trong Nhà Thờ, và đón tiếp chúng cách thích hợp, chứ không theo khuôn khổ, luật lệ và nghi thức của người lớn. Tuy nhiên, sự kiện Đức Giê-su ưu ái các em bé, còn có một lí do khác nữa:

Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.
(c. 14)

Đức Giê-su đến để loan báo Nước Trời, và khuôn mẫu của Nước Trời, chính là trẻ em: “Nước Trời là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào”; và trong Tin Mừng theo Thánh Mat-thêu, Người còn nói mạnh hơn: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào NT” (Mt 18, 3).

3. “Giống như trẻ em”?

Chúng ta thường hiểu “trở nên giống như trẻ em”, là phải hồn nhiên, ngây thơ và trong trắng. Nhưng rất tiếc là không thể được, vì ở tuổi của chúng ta, đó sẽ là “hồn nhiên và ngây thơ cụ”; hơn nữa, chúng ta mang “thương tích” đầy mình, làm sao mà trong trắng như trẻ em được. Vì thế, chúng ta phải hiểu lời của Đức Giê-su ở mức độ đơn sơ hơn, nhưng không kém phần sâu xa.

a. Trở nên như em bé là luôn sống trong tương quan và sống bằng tương quan, vì em bé không thể sống một mình. Sâu sa hơn, em bé không thể đón nhận sự sống từ chính mình, nhưng từ những người khác, nhất là từ những thân yêu.

b. Trở nên như em bé, còn là sống bản chất hiền lành vốn có trong cõi lòng chúng ta; bởi vì chúng ta là con của Thiên Chúa Cha, và được mời gọi trở nên giống Cha, vốn là tình yêu, là hiền lành. Chính sự hiền lành sẽ chiến thắng được thù địch, vốn là hình ảnh cụ thể của thú tính, sự dữ, lòng ham muốn, bạo lực. Như Đức Giê-su công bố trong Bài Giảng Trên Núi :

“Phúc thay những người hiền lành, vì họ sẽ có được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5, 4)

Và lời Thánh Vịnh:

Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan. (Tv 8, 3)

c. Trở nên « em bé » là ơn gọi trở nên con của Thiên Chúa cha, là luôn sống như con của Thiên Chúa Cha, giống như Đức Giê-su, dù chúng ta là ai, ở độ tuổi nào và có chức vụ gì. Vì khi gặp một em bé, chúng ta luôn hỏi: “con ai vậy?” Vì thế, “trẻ em” có nghĩa là “người con”, là con của ai đó.

* * *

Chúng ta được dựng nên “theo hình ảnh Thiên Chúa”, vì thế chúng ta là con Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi sống tương quan Cha-Con với Thiên Chúa, dù chúng ta ở tuổi nào, dù chúng ta có chức tước gì (Ông, Bà, Cha, Dì, Sơ, Thầy…) hay bị rơi vào trong tình cảnh nào. Khuôn mẫu của chúng ta, là chính Đức Giê-su, Con Thiên Chúa; Ngài luôn luôn sống và sống đến cùng tương quan Cha-Con với Thiên Chúa. Và nếu tất cả chúng ta đều là con Thiên Chúa, “nhờ, trong và với” Đức Kitô, thì tất cả chúng ta đều là anh chị em của nhau, dù trong cách xưng hô, chúng ta gọi nhau như thế nào đi nữa. Đó chính là Nước Trời.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Từ khóa:

thiên chúa

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận