Thứ Sáu tuần 8 thường niên.

Đăng lúc: Thứ sáu - 27/05/2016 03:48 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Sáu tuần 8 thường niên.

"Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc. Các ngươi hãy tin vào Thiên Chúa".

 

Lời Chúa: Mc 11, 11-26

 (Khi nghe dân chúng hoan hô), Chúa Giêsu vào thành Giê-rusalem, lên đền thờ và sau khi đã đưa mắt quan sát mọi sự, và lúc trời đã xế chiều, Người ra về Bêtania cùng với nhóm mười hai. Hôm sau, khi thầy trò rời bỏ Bêtania, Người thấy đói. Và khi thấy ở đàng xa có một cây vả nhiều lá, Người đến xem coi có trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người chỉ thấy có lá thôi, vì không phải là mùa có trái. Người phán bảo cây vả rằng: "Cho đến muôn đời sẽ không còn ai ăn trái của mi nữa". Và các môn đệ đã nghe Người nói.

Các ngài đến Giêrusalem. Và khi vào đền thờ, Chúa liền đuổi những người mua bán ở đó. Người xô đổ bàn của những người đổi tiền và ghế của những người bán chim câu. Người không để cho ai mang đồ vật đi ngang qua đền thờ. Người dạy bảo họ: "Nào chẳng có lời chép rằng: "Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc ư? Thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp". Ðiều đó đến tai các trưởng tế và luật sĩ, họ liền tìm cách giết Người, vì họ sợ Người, bởi tất cả dân chúng say mê giáo lý của Người. Chiều đến, Người ra khỏi thành.

Sáng hôm sau, khi đi ngang qua, các ngài trông thấy cây vả đã chết khô tận rễ. Phêrô nhớ lại và thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, hãy coi, cây vả Thầy nguyền rủa đã chết khô rồi". Chúa Giêsu đáp: "Hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật các con, nếu ai bảo núi kia: "Hãy dời đi và gieo mình xuống biển", mà trong lòng không hồ nghi, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì người ấy sẽ được như ý. Vì vậy Thầy bảo các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được điều đó. Và khi các con đang đứng cầu nguyện, nếu các con có điều gì bất thuận với ai, hãy tha thứ để Cha các con trên trời cũng tha cho các con. Nếu các con không tha thứ, thì Cha các con trên trời cũng không tha tội cho các con".

 

 

Suy Niệm 1: Ðền thờ tâm hồn

Thiên Chúa là tình yêu, nên nơi Ngài ở không thể có đố kỵ, hận thù, oán ghét. Thiên Chúa là sự thánh thiện, nên nơi Ngài ở không thể có những dâm bôn, chè chén, tục tằn. Thiên Chúa là sự thật, nên nơi Ngài ở không thể có gian manh, lọc lừa, tham lam và trộm cướp.

Chính vì không muốn để cho con người biến Ðền Thờ Thiên Chúa thành hang trộm cướp, mà theo thuật trình Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã tẩy uế Ðền Thờ. Ngài đuổi những kẻ buôn bán, lật bàn của những kẻ đổi bạc và xô ghế của những người bán bồ câu. Ngài bảo: "Nhà Ta được gọi là nhà cầu nguyện của các dân tộc, thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp".

Ngày nay, có những ngôi thánh đường vì hậu quả của chiến tranh, hay vì lý do này lý do khác, đã trở nên hoang tàn, không còn được dùng làm nơi thờ phượng nữa. Cũng có những ngôi thánh đường nguy nga, đồ sộ, nhưng chẳng ai đến dự lễ cầu kinh nữa, mà chỉ để cho du khách đến tham quan như một di tích lịch sử, một kiến trúc nghệ thuật. Bên cạnh đó, tại những miền quê hẻo lánh, có những tín hữu nghèo muốn dựng lên một nhà nguyện đơn sơ để làm nơi đọc kinh cầu nguyện chung với nhau mà không sao làm được. Tuy nhiên, có một điều mà không mấy người tín hữu nghĩ tới, đó là chính tâm hồn của mỗi người là Ðền Thờ của Chúa Ba Ngôi.

Thật thế, nhờ Bí tích Rửa tội, tâm hồn người tín hữu đã trở thành Ðền thờ nơi Thiên Chúa ngự trị. Nhưng thay vì ý thức sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong tâm hồn để sống thân tình với Ngài, chúng ta lại đưa vào đó biết bao chuyện gian tham, lọc lừa, trộm cắp, mưu mô, hận thù, ghen ghét. Chúa Giêsu có lý để khiển trách chúng ta, như Ngài đã phẫn nộ với những kẻ buôn bán trong Ðền Thờ ngày xưa: "Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cắp".

Xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, gian tham, lọc lừa, kiêu căng và ích kỷ, để tâm hồn chúng ta mãi mãi là Ðền Thờ của Thiên Chúa, và nhờ thế, Thiên Chúa sẽ mãi mãi ở với chúng ta từ nay và cho đến muôn đời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Ít lá, nhiều trái

Hôm sau Thầy trò rời khỏi Bê-ta-ni-a, thì Đức Giêsu thấy đói. Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả. Người lên tiếng bảo cây vả: “Đời đời không còn ai ăn trái của mày nữa!” Các môn đệ đã nghe Người nói thế.

Thầy trò đến Giê-ru-sa-lem. Đức Giêsu vào đền thờ, Người bắt đầu đuổi kẻ đang mua bán trong đền thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của của những kẻ bán bồ câu. (Mc. 11, 12-15)

Bài Phúc âm hôm nay cho chúng ta có cái mà người ta gọi là một dụ ngôn thực sự, một kịch câm mang tính tiên tri. Các ngôn sứ kỳ cựu thời xưa vẫn thường hay làm những cử chỉ kịch cỡm, có vẻ chướng tai gai mắt cốt thu hút chú ý, và khiến người ta phải suy nghĩ nhiều hơn cả ngàn bài giảng thuyết. Chúa Giêsu họa hoằn lắm mới dùng lối này. Thế mà ở đây Người lại tỏ ra chơi trội. Người nguyền rủa một cây vả không có trái! (Lúc đó có phải là mùa vả không? Tác giả không nói đến điều đó. Dầu sao cử chỉ ấy là phi lý và khác thường. Người ta vẫn dựa vào câu chuyện tẩy uế đền thờ, tiếp theo ngay sau lời nguyền rủa kỳ lạ này để soi sáng và cho cử chỉ kia một ý nghĩa. Như ta biết, nơi Chúa Giêsu, những cơn nổi giận bừng bừng như thế thường ít xảy ra trong cuộc đời của Người, thế mà trong chương mười một này của thánh Maccô, chúng ta lại có đến những hai lần liên tiếp, hẳn không phải là không có lý do.

Phải tôn trọng Đền thờ Chúa và đừng làm hư những kế hoạch của Cha

Xét cho cùng cả hai hành động của Chúa, xua đuổi con buôn khỏi đền thờ cũng như phẫn nộ với cây vả không trái đều có vẻ phi lý phần nào. Bởi lẽ thời ấy người ta công nhận thói quen buôn bán ở trong đền thờ. Những người đổi tiền ở đó một cách nào đó là cần thiết, bởi vì đồng tiền chính thức mang hình và ký hiệu hoàng đế Rôma không được dùng trong phượng tự, và buộc phải đổi sang một đồng tiền không dơ. Còn bọn bán chiên bò, chim bồ câu ở đó để bán những lễ vật cần cho những khách hành hương đến dâng hi lễ.Thái độ giận dữ của Chúa có một tầm mức lớn hơn người ta tưởng, lón hơn nỗi bực tức do cây vả không trái, cũng như do con buôn đền thờ gây nên. Thực ra việc dùng vũ lực và giận dữ của Chúa ở ơây là một hành động tiên tri. Chúa muốn tỏ cho biết hy lễ trong đền thờ của giao ưỡc cũ đã hết thời, phải nhường chỗ cho một đền thờ khác, nơi sẽ lập giao ước mới. Chính ở nơi bản thân Người mà từ nay Thiên Chúa tỏ ra sự hiện diện ở giữa loài người. Chính Đền Thờ mới, Thân Thể của Đức Kitô và nhà của Cha là nơi mà chúng ta cần tránh buôn bán, và tránh làm dơ bẩn.

Ngoài ra cử chỉ giận dữ của Chúa còn có một ý nghĩa đặc biệt khác; ngụ ý rằng trước mặt Thiên Chúa thực là đáng ghê tởm tất cả những gì làm biến chất cứu cánh của người và vật, làm hư hoại kế hoạch của Chúa. Ai lại đã không có lần lợi dụng lòng tốt ngây ngô của một người để khai thác họ? Ai đó lại đã không ham hố thu tích những của cải mà lẽ ra phải được chia sẻ? Những người tham lam như thế cũng đáng phải nhận những làn roi của Chúa!

Như thế chúng ta phải tỏ lòng kính trọng biết bao đối với thân thể hy tế của giao ước mới (Thánh Thể), hy tế thay thế cho lễ vật của đền thờ ngày xưa! Chúng ta phải trân trọng biết bao thân thể mầu nhiệm mà Đức Kitô là đầu và ngày nay là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa loài người (Giáo hội)! Đó chính là đền thờ Thiên Chúa đã thiết lập, để nơi đây con người yêu mến nhau, tôn trọng nhau và chia sẻ cho nhau những của cải vật chất, tinh thần và thiêng liêng vậy.

Suy niệm 3: TRẢ LẠI Ý NGHĨA ĐỀN THỜ

Khi nói đến Thiên Chúa, người ta nghĩ ngay đến bản chất của Ngài, đó là: Tình Yêu. Toàn bộ lịch sử cứu độ muốn nói lên phẩm tính đó nơi Thiên Chúa. Đến thời Đức Giêsu, từ lời nói đến hành động cũng đều nhằm diễn tả tính chân thực này.

Tuy nhiên, hôm nay, Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu lấy thừng làm roi, đánh đuổi những người buôn bán trong đền thờ và xô đổ bàn ghế của họ. Liệu cử chỉ này có bị mâu thuẫn với chính Đức Giêsu và lời dạy của Ngài trước đó không? Chúng ta cần trả lời ngay rằng: Không! Tại sao vậy?

Nếu Đức Giêsu làm lơ, thì họ sẽ hiểu sai mục đích của đền thờ và biến nó thành nơi buôn bán, gian tham, không đúng mục đích. Khi có buôn bán là sẽ có nhiều nguy cơ lọc lừa, trộm cướp...

Ngày nay cũng vậy, trong đời sống đức tin, nhiều người chỉ có vỏ mà không có chất lượng. Tức là chỉ có con người mà những phẩm tính tốt đẹp thì không có. Chỉ mang danh là Kitô hữu, còn làm chứng thì không, nên nhiều khi trong tâm hồn đủ thứ xấu xa tội lỗi!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta rằng: ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mỗi người là một đền thờ của Chúa Ba Ngôi. Đền thờ ấy phải là đền thờ sống động nhờ trong trắng, không gian tham, lọc lừa, trộm cắp, mưu mô, hận thù, ghen ghét.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa thanh tẩy linh hồn chúng con, để tấm lòng chúng con được sạch tội và trở nên trong trắng, ngõ hầu xứng đáng đón Chúa ngự vào trong tâm hồn mỗi ngày. Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển
 

SUY NIỆM:

Trước hết, chúng ta được mời gọi nhìn ngắm Đức Giê-su và các môn đệ trong hành trình đến Giê-ru-salem và vào Đền Thờ. Nhưng khi chiều đến, các ngài ra khỏi (c. 11 và 20). Tại sao vậy? Có lẽ đó là vì nguy hiểm (x. Mc 10, 32-34; 11, 18), như những gì được kể lại trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay cho thấy, vì đều liên quan đến vấn đề sống và chết:

  • Cây vả bị nguyền rủa vì không có trái và hôm sau bị chết khô tận rễ! (c. 14 và 20)
  • Đền thờ là nhà cầu nguyện, nhưng trở thành “sào huyệt của bọn cướp”, nghĩa là nơi chết chóc (c. 19).
  • Viễn tượng Thương Khó: “Các Thượng Tế và các kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giê-su” (c. 18).

1. Đức Giê-su và cây vả (c. 11-14 và 19-21)

Trong những điều vừa nêu, chắc chắn lời của Đức Giê-su dành cho cây vả là khó hiểu, thậm chí khó chấp nhận nhất: “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!” Thật tội cho cây vả đang xanh tốt, vì không phải là mùa ra trái thì làm sao có trái mà hái! Nhưng lại bị Đức Giê-su nguyền rủa, đến nỗi phải chết khô tận gốc rễ ngay hôm sau: “Kìa Thầy xem, ông Phê-rô nói, cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi!”

Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi vượt qua bình diện tự nhiên, để hiểu lời của Đức Giê-su ở bình diện đức tin: mọi tạo vật, cây vả, Đền Thờ và mỗi người chúng ta, phải sẵn sàng bất cứ lúc nào, bất cứ mùa nào, để cho Đức Giê-su, với tư cách là Ngôi Lời, là Đấng mà nhờ Người mà mọi sự được tạo thành (x. Ga 1, 3), đến viếng thăm và thu hoạch hoa trái. Cây vả chính là hình ảnh nói về Đền Thờ, và về mỗi người chúng ta. Và nếu chúng ta bất lực, Người mời gọi chúng ta hãy có lòng tin, như Đức Giê-su trả lời ông Phê-rô, khi chứng kiến cây vả chết khô:

Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: “Dời chỗ đi, nhào xuống biển!”, mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý. (c. 22-23)

2. Đức Giê-su và đền thờ (c. 15-18)

Chúng ta hãy nhìn ngắm Đức Giê-su bừng bừng nổi giận đánh đuổi những người buôn bán trong Đền Thờ, và hãy để cho hình ảnh này đánh động chúng ta. Ngài là đấng hiền lành, nhưng tại sao, lí do nghiêm trọng nào đã khiến Ngài nổi giận như thế? Chúng ta hãy ước ao được hiểu con tim của Ngài.

Sự kiện Đức Giê-su thanh tẩy đền thờ chắc chắn có tầm quan trọng đặc biệt, bởi vì cả bốn sách Tin Mừng đều kể lại cho chúng ta:

  • Tin Mừng theo thánh Luca kể lại biến cố cách nhẹ nhàng nhất (x. Lc 19, 45-46) ; hai Tin Mừng nhất lãm còn lại (Mt 21, 12-13 và Mc 11, 15-19), trong đó có Tin Mừng theo thánh Mác-cô của Thánh Lễ hôm nay, kể lại với nhiều chi tiết hơn : kẻ mua người bán, các bàn đổi tiền, các sạp bán bồ câu…
  • Tin Mừng theo thánh Gioan là đặc biệt nhất : biến cố được tường thuật ngay từ đầu đời sống công khai của Đức Giê-su (Ga 2, 13-22), và được kể lại cách mạnh mẽ, nghĩa là vừa chi tiết hơn và vừa quyết liệt hơn : Ngài tự bện cho mình cái roi đánh đuổi tất cả và hất tung tất cả ra khỏi Đền Thờ : súc vật, tiền bạc, bàn ghế, những người buôn bán!

Hiện trạng của đền thờ bị Chúa phá đổ dường như đã được báo trước bởi hình ảnh cây vả tốt lá, bị Chúa nguyền rủa, vì không sẵn sàng mang lại hoa trái khi Chúa cần đến. Và lời của Đức Giêsu sẽ giúp chúng ta hiểu ra và nhất là cảm nhận hành vi mạnh mẽ của Ngài :

Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! (c. 17)

Một đàng, nhà của Thiên Chúa là nhà cầu nguyện, nghĩa là nơi dân Chúa diễn tả và sống tương quan Giao Ước với Thiên Chúa của mình, là nơi Thiên Chúa hiện diện và nói với dân của Ngài ; nhưng đàng khác, lại biến thành « sào huyệt của bọn cướp »! Hai thực tại quá khác biệt, quá tương phản, quá đối lập, và có thể nói, trái ngược nhau tuyệt đối : nơi chốn của hiệp thông, của sự thật, của hiền lành, của ánh sáng, của sự sống, trở thành nơi của loại trừ, nơi của gian dối, nơi của bạo lực, của bóng tối, nơi của sự chết.

Chứng kiến cảnh tượng Đền Thờ như thế và hiểu ở mức độ tuyệt đối như Đức Giêsu đã hiểu, làm sao Ngài không nổi giận cho được ? Tuy nhiên, sự nổi giận của Ngài mang tính giải thoát và chữa lành, chứ không phải loại bỏ. Vì thế, Ngài đã lưu lại Đền Thờ và giảng dạy Lời Thiên Chúa, lời tái tạo và ban sự sống.

Tình trạng của Đền thờ chính là biểu tượng, diễn tả, nhưng chính xác hơn phải nói là mặc khải sự thật sâu xa và rất đau lòng về thế giới của chúng ta, về xã hội, về Giáo Hội, về cộng đoàn, về chính con người của chúng ta. Tình trạng này rất đáng nổi giận. Hiểu ra như vậy, chúng ta có thể tự nguyện xin Chúa hãy nổi giận, hãy làm như Ngài đã làm với con người của chúng ta, với nội tâm của chúng ta, để tái tạo con người chúng ta như ơn gọi ban đầu, nghĩa là để cho Lời của Ngài vang vọng mỗi ngày trong nội tâm và trong ngày sống của chúng ta, như xưa Ngài đã đến giảng dạy trong Đền Thờ hằng ngày.

Lời giảng, chúng ta có thể hiểu toàn bộ lời giảng, của Đức Giê-su có sức mạnh tạo ra phản ứng tận căn: “Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giê-su”, nghĩa là làm lộ ra khuynh hướng chết chóc nơi con người. Phản ứng này đã loan báo Thập Giá rồi. Nhưng, như hình ảnh hạt lúa mì diễn tả, Ngôi Lời Hằng Sống của Thiên Chúa không bị hủy diệt, nhưng ngược lại, sinh nhiều hoa trái, chính khi bị vùi lấp đi.

3. Lòng tin và tha thứ (c. 22-26)

Đền Thờ là nhà cầu nguyện, và để cầu nguyện, thì cần phải có lòng tin và ơn tha thứ. Xin cho chúng ta hiểu được sức mạnh của lòng tin đặt để nơi Thiên Chúa. Đức Giê-su dùng ngôn ngữ vật lí, chuyển núi dời non, để mời gọi chúng ta hiểu ở bình diện tương quan: tin nơi Thiên Chúa, là nguồn gốc và cùng đích, thì hướng sống suốt đời và hướng sống từng ngày của chúng ta sẽ là khởi từ ơn sự sống hướng đến ơn sự sống viên mãn. Không tin nơi Thiên Chúa, điều này có nghĩa là sự sống của mình không có điểm qui chiếu tuyệt đối, ở nguồn gốc và cùng đích, khi đó, người ta sẽ tất yếu hướng về sự chết và sẽ bị xâu xé bởi ma quỉ và những năng động thuộc về ma quỉ. Chính vì thế, hành động của ma quỉ, là chúng ta cho chúng ta không tin (x. St 3).

Và chúng ta được mời gọi tin và đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, để chúng ta có thể tha thứ cho nhau. Bởi vì Ngài là sự sống, và sự sống tất yếu bao hàm tha thứ, nghĩa là tái sinh. Tin nơi Thiên Chúa, Đấng là tình yêu và hay thương xót, được thể hiện nơi ngôi vị và Thập Giá của Đức Giê-su, sẽ giải thoát chúng ta khỏi mặc cảm tội lỗi, khỏi sự nghi ngờ chết chóc, bởi vì như thánh Phao-lô xác tín: “Những ai ở trong Đức Ki-tô, thì không còn bị lên án nữa” (Rm 8, 1). Và đó chính là sức mạnh cứu độ của lòng tin.

Như thế, lời mời gọi tha thứ, hàm chứa ơn tha thứ, làm cân bằng lại sự mạnh mẽ của Đức Giê-su trong hành động và lời nói đối với Đền Thờ.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Từ khóa:

tất cả, cầu xin

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận