Thứ Sáu tuần 7 Phục Sinh.

Đăng lúc: Thứ sáu - 13/05/2016 12:02 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Sáu tuần 7 Phục Sinh.

“Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy”

 

Lời Chúa: Ga 21, 15-19

Khi Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho các môn đệ, Người dùng bữa với các ông, và hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”.

Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”.

Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy” Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”.

 

 

 

SUY NIỆM 1: Cơ hội thứ hai.

Trong một cuộc phỏng vấn, khi những người trung niên và lớn tuổi được hỏi về những năm tháng đã qua của cuộc đời mình, họ có hối tiếc gì không, và nếu có cơ hội thứ hai, họ sẽ quyết định như thế nào. Một số người cho biết, họ vẫn làm những gì họ đã chọn lựa. Ngược lại, một số đông cho biết họ đã chọn lựa sai ở một số thời điểm quyết định sự thành bại, và nếu bây giờ có cơ hội thứ hai, họ sẽ chọn lựa khác hẳn.

Tin mừng hôm nay cho chúng ta chứng kiến việc Chúa Giêsu trao ban cho Phêrô cơ hội thứ hai. Thật thế, trong Bữa Tiệc ly trước khi chịu khổ hình, Chúa Giêsu đã tuyên bố với các môn đệ: “Tất cả các con sẽ bị vấp ngã vì Ta trong đêm nay”. Nghe thế, Phêrô phản đối và quả quyết: “Cho dù tất cả vấp ngã vì Thày, con sẽ không vấp ngã bao giờ”, nhưng rồi chỉ vài giờ sau đó ông đã nhát đảm chối Thày đến ba lần. Giờ đây, sau khi Phục sinh. Chúa Giêsu đã gặp riêng Phêrô và cho ông cơ hội thứ hai. Chúa hỏi: “Simon, con của Giona, con có mến Ta hơn những người này không?. Phêrô không khỏi ngạc nhiên tự hỏi: những giọt lệ thống hối chân thành sau khi chối Thày đã không đủ để minh chứng mình yêu mến Thày sao? Nhưng Phêrô đã học được bài học của quá khứ, nhất là bài học khiêm nhường cần thiết để lãnh nhận ơn cứu rỗi mà nhóm Biệt phái không thể lãnh nhận được vì tự cao tự đại. Phêrô đã thưa: “Lạy Thày, Thày biết rõ mọi sự, Thày biết con yêu mến Thày”. Ba lần hỏi dẫn đến ba câu trả lời cùng một nội dung, nhưng không phải là để bù đắp cho ba lần chối Thày trước đây, mà là một đòi hỏi tiên quyết là tuyên xưng lòng yêu mến. Sau đó, Chúa đã trao cho Phêrô nhiệm vụ chăn dắt Giáo Hội, Phêrô đã sống đến tận cùng cơ hội thứ hai và đã sẵn lòng chết vì niềm tin của mình.

Thiên Chúa luôn sẵn sàng cho chúng ta cơ hội thứ hai, không phải một lần mà là nhiều lần. Điều quan trọng là chúng ta phải thành tâm nhìn nhận tội lỗi, xin ơn tha thứ và bắt đầu lại. Do đó mối hiểm nguy là do chúng ta tự định giới hạn cho lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa, mà không xin Ngài một cơ hội khác. Đó là sự khác biệt giữa Giuđa và Phêrô: Cả hai đã phản bội Thày trong cùng một ngày, nhưng Giuđa không xin cơ hội thứ hai nên đã thất bại, còn Phêrô đã tận dụng cơ hội được ban cho và đã toàn thắng.

Ước gì lời Chúa hôm nay giúp chúng ta khám phá ra lòng nhân từ vô biên của Chúa, để chúng ta luôn khiêm nhường chỗi dậy sau mỗi lần sa ngã, và xin Chúa ban cho chúng ta trung thành với ơn Chúa cho đến cùng.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Lãnh trọng trách

Mùa phục sinh sắp hoàn tất. Suốt mùa, chúng ta được Đức Kitô giáo huấn. Lời Người rao giảng cho chúng ta mỗi ngày giúp chúng ta gắn bó hơn với Người trong cuộc đời Kitô hữu đã rửa tội và được sống lại.

Sau phần giáo huấn của Đức Kitô, có lẽ chúng ta sẵn sàng gắn bó sâu hơn với Người. Nhận biết như Chúa là luôn luôn tiến sâu nữa. Hôm nay, chúng ta sẵn sàng trả lời những câu hỏi của Đức Giêsu như thánh Phê-rô đã đáp lời Người: “Si-mon, con ông Gio-na, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”. Anh đã học biết Thầy, Thầy đã giới thiệu anh với Cha Thầy, bây giờ anh biết kế hoạch cứu độ loài người, Thầy yêu anh, Thầy đã tha thứ cho anh: vậy “Anh có mến Thầy không?”

“Thưa Thầy, Thầy biết con mến Thầy”, ba lần Phê-rô đã quyết hứa lòng mộ mến Thầy. Tuy nhiên, Đức Giêsu không dừng lại đây, Người nhấn mạnh Phê-rô phải lãnh trọng trách đối với những người khác: “Để chứng tỏ anh mến Thầy là anh phải yêu mến anh em”. Thánh Gio-an đã quả quyết: “Ai quả quyết mến Chúa mà không yêu anh em là kẻ nói dối?”.

Lãnh trọng trách còn đi xa hơn nữa: mỗi lần gắn bó với ai, luôn luôn hy sinh sức khỏe, tự ái, tự do của mình cho người ấy: “Anh sẽ phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn đến”.

Tình yêu Đức Giêsu luôn luôn kêu gọi ta từ bỏ, hy sinh đến chết. Yêu người khác đến độ trở nên tôi tớ để làm theo ý muốn của họ, đáp lại mọi ước ao của họ. Tình yêu phải chịu lệ thuộc.

Chúng ta đã được Đức Giêsu giáo huấn, được Ngài dẫn vào hiệp thông với Chúa Cha. Chúng ta đã học yêu mến Chúa. Bây giờ chúng ta hãy chọn: chúng ta có biết tự giữ lấy mọi lời đó cho mình không? Tình yêu mến Chúa của chúng ta chỉ là một thứ tình cảm chóng qua hay là một sức mạnh thúc đẩy chúng ta phục vụ.

CG.

 

SUY NIỆM 3: Yêu thương vô điều kiện

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ như một người bình thường trên Biển Hồ Tiberia. Ngài giúp cho các môn đệ bắt được nhiều cá và sau khi ăn sáng xong với các môn đệ, Chúa Giêsu liền hỏi ông Phêrô: “Này anh Phêrô, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” Chúa hỏi ông Phêrô đến ba lần, điều này khiến ông đau lòng vì nhắc ông nhớ tới việc đã công khai chối Thầy đến ba lần. Và trước mặt Chúa, Phêrô đã khẳng định với Ngài rằng ông yêu mến Ngài hơn các môn đệ khác. Chỉ trong lúc đó Phêrô mới hiểu rằng tình yêu của Thầy đổ tràn lên ông hơn là tình yêu của ông đối với Thầy. Trước đây, Phêrô đã từng hùng hồn tuyên xưng trước các môn đệ khác rằng: “Dẫu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã”. Nhưng sau kinh nghiệm cay đắng vì sự phản bội của mình, Phêrô ý thức về sự yếu đuối của mình để hiểu rằng ông phải hoàn toàn trông cậy vào Thiên Chúa chứ không ở khả năng của mình, vì thế mà Phêrô đã thưa với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”.

Chúa Giêsu, trước khi giao phó Giáo Hội của Ngài cho Phêrô chỉ đòi hỏi ở ông duy nhất một điều kiện, đó là tuyệt đối yêu mến Ngài. Chúa không đòi hỏi người môn đệ khả năng xuất chúng để lèo lái Giáo Hội, cũng như trí thông minh phi thường để đối phó với các thử thách mà Ngài chỉ đơn giản hỏi ông: “Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Thánh Gioan cho chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu đã chọn ông Phêrô làm người đứng đầu Hội Thánh không phải vì ông yêu mến Chúa hơn các môn đệ khác, nhưng vì Chúa Giêsu đã đặt ông đứng đầu Hội Thánh nên ông phải yêu Chúa và yêu các môn đệ nhiều hơn cũng như cần phải trung thành nhiều hơn nữa.

Phêrô hiểu rằng cội nguồn của tình yêu không tới từ ông mà đến từ Chúa khi Ngài hỏi ông: “Anh có mến Thầy không?” Chúa Giêsu chính là cội nguồn của lòng nhân ái và Ngài muốn trao ban tình yêu đó cho Phêrô. Chúa Giêsu không chỉ hỏi ông Phêrô câu hỏi này, nhưng Ngài còn hỏi tất cả chúng ta và Ngài muốn trao ban cho chúng ta món quà quí giá đó. Chúng ta mang trong trái tim ước mơ yêu thương Thiên Chúa nhưng nhiều lúc tình yêu đó hời hợt vì bản chất chúng ta yếu đuối và bất trung, và đôi khi chúng ta lại còn nghi ngờ Ngài. Nhưng chính Chúa đã cho Phêrô và cả chúng ta cơ hội để trả lời Ngài: Lạy Chúa, Chúa biết chúng con yêu Chúa không phải vì chúng con hoàn hảo, mà vì Chúa đã yêu thương chúng con một cách nhưng không. Chúng con là những kẻ bất trung, còn Chúa thì luôn trung thành với lời hứa của Ngài. Khi Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Hãy theo Thầy”, Ngài loan báo cái chết tử đạo của ông vì đi theo Chúa tức là vác thập giá để theo Ngài, có nghĩa là từ bỏ hoàn toàn chính mình và hy sinh cả mạng sống mình vì Nước Trời. Chúa Giêsu là người yêu chúng ta trước nhất, Ngài yêu chúng ta một cách vô điều kiện. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã cho các môn đệ hồng ân là được theo Ngài và chịu chết tử đạo để làm vinh danh Ngài như thánh Gioan đã viết trong bài Phúc Âm hôm nay: “Người nói vậy có ý ám chỉ ông Phêrô sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa”. Ngài đã cho Phêrô hiểu thế nào là một tình yêu hoàn hảo, đó là dâng hiến chính mạng sống của mình cho Thiên Chúa và tha nhân, và biết hướng về tình yêu của Thiên Chúa bằng với tất cả lòng tin cậy. Ðiều đó cũng nhắc nhở với chúng ta là các hoạt động tông đồ trước hết phải đặt nền tảng trên tình yêu gắn bó với Chúa, để sau đó loan truyền tình yêu của Ngài cho những người khác.

Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rằng tình yêu của chúng con đối với Chúa phải được thể hiện qua việc yêu mến tha nhân, và xin giúp cho chúng con yêu họ một cách cụ thể bằng việc quan tâm đến những niềm vui cũng như nỗi đau khổ của họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh để giúp họ hạnh phúc hơn.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

 SUY NIỆM:

1. Tình yêu

Dùng bữa xong, Đức Ki-tô phục sinh muốn “tâm sự” với ông Phê-rô. Ngài gọi ông bằng tên “cúng cơm”, có gốc có nguồn rõ ràng: “Simon, con ông Gioan”. Cách gọi này đã diễn tả lòng bao dung của Chúa rồi: Ngài đón nhận con người của ông cách trọn vẹn và tận gốc rễ, cho dù ông đã trải qua những thăng trầm hay những lỗi lầm nào.

Có thể hai người đã tách riêng ra khỏi nhóm để tâm sự, vì sau đó, theo lời kể của thánh sử Gioan: “Ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau”. Và có thể, hai người đã tâm sự với nhau một lúc, Đức Ki-tô mới đặt những câu hỏi liên quan đến tình yêu của ông dành cho Ngài.

Ai cũng hiểu, ba lần hỏi của Chúa ứng với ba lần chối Thầy của Phêrô. Điều này quả thực đã đụng đến “vết thương lòng”, nên nghe hỏi lần thứ ba về cùng một điều, ông Phêrô “buồn” (c. 17). Ngoài ra, Đức Giêsu còn kín đáo nhắc lại một chuyện khác, một thứ “bệnh” khác không kém nghiêm trọng của ông Phêrô trong câu hỏi đầu tiên: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông Phêrô đã từng so sánh lòng gắn bó của mình đối với Đức Giêsu hơn những anh em khác: “Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không.” (Mc 14, 29)

Ông Phêrô dường như đã nhận ra “thâm ý“ của Thầy, nên trong câu trả lời, ông không còn dám so sánh tình yêu của mình với tình yêu của các anh em khác, nhưng trả lời cách khiêm tốn: “Thưa Thầy vâng, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Chúng ta được mời gọi đọc ra tâm tình sâu sa của ông Phê-rô ẩn bên dưới câu trả lời này: “Thưa Thầy, Thầy biết tình yêu của con dành cho Thầy lúc này như thế nào, và Thầy cũng biết quá khứ nhiều thăng trầm và tương lai đầy bất trắc của tình yêu con dành cho Thầy. Thầy biết con ước ao yêu mến Thầy trên hết mọi sự, cho dù con giới hạn và yếu đuối”.

2. Lòng thương xót

Nhưng tại sao Chúa lại khơi ra “vết thương” quá khứ làm đau lòng ông Phêrô, đúng vào lúc nên quên đi tất cả, xí xóa tất cả để hướng về tương lai? Bởi vì tình yêu của chúng ta đối với Chúa phải khởi đi từ chính những gì chúng ta là trong sự thật. Gợi lại quá khứ, gợi lại những gì chúng ta đã là, thật là đau lòng, nhưng đó lại là “liều thuốc đắng” có khả năng chữa lành chúng ta. Bởi vì tình yêu của chúng ta dành cho Chúa, việc chúng ta được gọi theo Chúa, việc chúng ta được trao sứ mạng, là hoàn toàn dựa vào lòng thương xót của Chúa, vào tình yêu nhưng không và bao dung của Chúa.

Như thế, Giáo Hội được xây dựng trên đá tảng Phêrô, nhưng đá tảng Phêrô lại dựa trên lòng thương xót. Điều này cũng hoàn toàn đúng cho tất cả chúng ta, những người đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi, ơn gọi sống đời sống gia đình hay ơn gọi sống đời sống dâng hiến: chúng ta thuộc về Giáo Hội và được mời gọi phục vụ Giáo Hội, Thân Thể của Đức Ki-tô và tham gia vào sứ mạng Chúa trao cho Giáo Hội, khởi đi từ kinh nghiệm được Chúa thương xót một cách đích thân. Quên đi kinh nghiệm nền tảng này, chúng ta sẽ không thể đứng vững và chu toàn được sứ mạng, hay ít nhất là không thể chu toàn theo cách mà Đức Giêsu ước mong.

Vậy, Chúng ta được mời gọi lắng nghe Chúa hỏi riêng mỗi người chúng ta: “con có mến Thầy không?” Ai cần bao nhiều lần, Chúa cũng sẽ hỏi chừng ấy lần! Sau mỗi lần tuyên xưng lòng mến – Ở đây, Chúa cần tuyên xưng lòng mến khởi đi từ kinh nghiệm sâu sa về tình yêu và lòng thương xót của Chúa, hơn là nói Người là ai, trên bình diện kiến thức – Chúa mới trao sứ mạng, mỗi người một sứ mạng. Bởi vì chúng ta chỉ có thể lãnh nhận và đảm nhận sứ mạng của Chúa bằng tình yêu chúng ta dành cho Chúa mà thôi, một tình yêu đã trải qua bao thăng trầm, một tình yêu chỉ biết cậy vào lòng thương xót của Chúa, như tình yêu của thánh Phê-rô.

Trong câu hỏi của Đức Giê-su, Người dùng cả hai động từ “mến” (agapas) và “yêu mến” (phileis). Qua đó, chúng ta có thể hiểu rằng, tình yêu người môn đệ dành cho Chúa phải là một tình yêu trọn vẹn, một tình yêu xuất phát từ tình yêu của chính Thiên Chúa, được bày tỏ ra cách viên mãn nơi Đức Ki-tô, một tình yêu vượt trên mọi tình yêu, không phải để cạnh tranh hay loại trừ nhưng mang lại ý nghĩa, định hướng và làm cho viên mãn mọi tình yêu chúng ta dành cho nhau.

3. Sứ mạng

Sau mỗi lần mời gọi thánh Phê-rô yêu mến Người như Người đã yêu mến thánh nhân đến cùng, Đức Ki-tô trao sứ mạng: sứ mạng chăm sóc chiên con của Thầy, sứ mạng chăn dắt chiên của Thầy (sát nghĩa: “hãy là mục tử cho chiên của Thầy”) và sứ mạng chăm sóc chiên của Thầy. Như thế, Chúa chú ý trước tiên đến “chiên con”. Cũng như thánh Phê-rô, Chúa cũng trao cho mỗi người chúng ta sứ mạng “chăm sóc” chiên của Người, và đặc biệt là “chiên con”. Vậy, trong thực tế chiên con là những ai, thành phần nào, trong hoàn cảnh nào? Những ai là “chiên con” mà chúng ta được Chúa giao phó để chăn dắt? Và thế nào là “chăm sóc” hay “trở nên mục tử”? Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta hãy chiêm ngắm Chúa, cách Chúa đã chăm sóc ta, là mục tử của ta.

Và trong lời của Người, Đức Giê-su đặc biệt nhấn mạnh: “chiên con của Thầy”, “chiên của Thầy”. Như thế, đoàn chiên, chiên con và chiên lớn, là của Chúa; chứ không phải của chúng ta. Chúng ta nữ tì là tôi tớ thôi, nếu không sẽ có nguy cơ chúng ta biến chiên của Chúa thành chiên của mình. Vì thế, để chu toàn không gì có thể thay thế được tương quan thiết thân với Chúa, tình yêu đối với Chúa. Và lòng mến Chúa đến từ hành trình dài và khó như thế, lòng mến đầy bất ổn, lòng mến chỉ dựa vào lòng thương xót và tin tưởng nhưng không của Chúa.

* * *

Sau ba lần đặt câu hỏi về lòng mến đối với Người, Đức Giê-su nói về số phận của thánh Phê-rô:
Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.

Và thánh sử Gioan giải thích lời này của Đức Ki-tô: “Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa.” Như thế, Chúa biết hết về những gì ông Phê-rô sẽ trải qua, và đến lượt chúng ta, chúng ta cũng sẽ trải qua. Chúa biết, đơn giản là vì Chúa đã trải qua tất cả, đã mang lấy tất cả, vác lấy tất cả để tôn vinh Thiên Chúa, để làm cho con người nhận ra rằng Thiên Chúa là Tình Yêu và chỉ là Tình Yêu mà thôi. Và điều Ngài muốn mời gọi ông Phê-rô, và mỗi người chúng ta bây giờ là: “Hãy theo Thầy !”

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Từ khóa:

môn đệ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận