THÁNH MATTHIA, Tông Đồ. Lễ kính.

Đăng lúc: Thứ bảy - 14/05/2016 04:12 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Bảy tuần 7 Phục Sinh – THÁNH MATTHIA, Tông Đồ. Lễ kính.

"Thầy không còn gọi các con là tôi tớ: Thầy gọi các con là bạn hữu".

 

Thánh Matthia là người “đã theo Chúa Giêsu, kể từ khi Người chịu phép rửa của ông Gioan cho đến ngày Người thăng thiên”. Chính vì thế, thánh nhân đã được các Tông Đồ chọn làm người thế chỗ của ông Giuđa, để làm chứng cho Chúa Giêsu phục sinh. Thánh nhân được kể vào Nhóm Mười Hai, như sách Công Vụ Tông Đồ đã thuật lại.

 

Lời Chúa: Ga 15, 9-17

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy; cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn.

"Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền.

"Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là: các con hãy yêu mến nhau".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Ðược sai đi

Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ thánh Mathia tông đồ. Tuy được gọi là tông đồ, nhưng thánh Mathia không thuộc nhóm Mười Hai Tông Ðồ nguyên thủy của Chúa Giêsu; ngài là người được chọn để thay thế cho kẻ phản bội là Giuđa Iscariốt.

Mathia theo tiếng Hybalai có nghĩa là "được trao ban", Tin Mừng không hề nhắc đến nhưng hầu chắc ngài đã từng là một trong số bảy mươi hai người môn đệ đã theo và sống với Chúa Giêsu, từ lúc Chúa chịu phép rửa cho đến lúc Chúa lên trời và như vậy đã chứng kiến cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Nếu cộng đoàn đã đồng thanh chọn ngài để thế chỗ cho Giuđa, thì cũng để ngài trở nên nhân chứng về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Ðây chính là ý nghĩa của tước hiệu Tông Ðồ.

Tông đồ theo nguyên ngữ có nghĩa là "được sai đi". Thánh Phêrô đã xác định "được sai đi để làm chứng cho sự Phục Sinh của Chúa Giêsu". Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu chính là nền tảng của niềm tin, là chìa khóa mở ra chiếc cầu của ơn cứu độ giữa Thiên Chúa và con người, giữa thời gian vĩnh cửu. Chính nhân danh Chúa Kitô Phục Sinh mà các tông đồ đã hoán cải các dân tộc, rửa tội cho kẻ tin và thực thi những phép lạ. Sau ngày lễ Ngũ Tuần, các tông đồ đã làm chứng về sự phục sinh của Chúa khắp nơi, từ Palestina đến Hy Lạp, từ Rôma đến Ai Cập và Siri. Các ngài thiết lập các Giáo Hội, các cộng đoàn những kẻ tin Chúa Kitô Phục Sinh. Ðược cộng đoàn ủy thác cho sứ mệnh khi chọn làm tông đồ, thánh Mathia đã làm chứng cho sự phục sinh của Chúa đến cùng. Có nhiều truyền thuyết về nơi hoạt động và cách thế tử đạo của thánh Mathia. Tất cả đều hội tụ vào một điểm nổi bật là ngài đã dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Kitô.

Ðức tin chúng ta đang có là đức tin được các thánh tông đồ truyền lại. Sợi dây chuyền nối kết chúng ta với các thánh tông đồ tuy vô hình nhưng vô cùng sống động. Với không biết bao nhiêu xương máu, niềm tin và sự phục sinh của Chúa Kitô mà các thánh tông đồ đã dùng chính mạng sống của mình để làm chứng đã được truyền lại cho chúng ta. Ðây là gia sản quí giá nhất mà chúng ta đã được thụ hưởng, mà chúng ta cũng được mời gọi để chia sẻ với tất cả mọi người. Sự Phục Sinh của Chúa Kitô gắn liền với cuộc tử nạn của Ngài. Có đi vào cõi chết, Chúa Giêsu mới sống lại. Tiến trình này đã trở thành qui luật cơ bản của niềm tin Kitô giáo. Các thánh tông đồ đã sống qua quy luật ấy cho đến cùng khi dùng chính mạng sống của mình để làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Kitô. Các ngài xác tín rằng không thể là nhân chứng của sự phục sinh mà không tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Kitô. Ðược rửa tội, nghĩa là, nói như thánh Phaolô: "được mai táng với Chúa Kitô". Ðể cũng được sống lại với Ngài, các tín hữu Kitô tham dự vào sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội. Cũng như các thánh tông đồ, các tín hữu Kitô cũng làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Kitô bằng cái chết từng ngày của họ. Chết đi cho những khuynh hướng thấp hèn của bản thân. Chết đi những gì đi ngược lại những giá trị của Nước Trời. Có chiến đấu và chết đi từng ngày như thế, họ mới cảm nhận được sức sống của Chúa Kitô Phục Sinh bừng lên trong họ và tỏa sáng đến những người chung quanh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Tông đồ sau cùng: Matthia

Người ta cho con số 13 là số xui! Đức Ki-tô với 12 tông đồ làm thành số 13! Sau khi Chúa về trời, các ông đề cử chọn một tông đồ thay thế Giuđa cho đủ số 12 tông đồ. Trong nhóm 120 cầu nguyện chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chi có hai vị được chọn. Họ đã theo Đức Giê-su từ khi Chúa chịu phép rửa của Gioan tới khi Chúa lên trời. Thánh Matthia đã được chọn theo kiểu rút thăm của loài người, Ngài đã vinh dự là tông đồ sau cùng, để vào sổ chứng nhân của Đức Ki-tô.

Không phải anh em nhưng chính Thầy chọn anh em.

Sự chọn lựa này làm sáng tỏ Tin Mừng theo Thánh Gioan. Trong suốt thời gian Chúa Giê-su còn trên đất Israel, Thánh Matthia đã thấy, đã nghe, đã biết giá trị cao cả của Đức Giê-su. Ngay từ giờ phút đầu Ngài đã có mặt ở đó, nhưng Đức Giê-su không chọn Ngài!.... Matthia đã chọn Đức Giê-su như mọi người, đã đáp lại lời kêu gọi của Đức Giê-su. Ngài đã yêu mến như 12 tông đồ; nhưng không được có địa vị gì. Ngài vẫn có sứ mệnh khá đặc biệt là thay thế Iscariốt, nhưng nhất là sứ mệnh tông đồ sau cùng!

Luôn luôn người ta thấy khó nhọc khi suy nghĩ về ơn kêu gọi: Giữ lời mời gọi của Chúa, khó lòng cự lại, dù ta được tự do trả lời. Đó là một mầu nhiệm. Thực ra Thiên Chúa đã biết rõ ta sẽ nói vâng hay không rồi! hai tình yêu đối diện với nhau rồi!

Vui mừng của tôi...

Thánh Matthia hình như là một trong những người tự hiến thân mà không đặt vấn đề, Ngài không xin gì, chỉ bằng lòng sống với nhau như là bạn thân là tốt rồi. Nhờ đó, Ngài thật sung sướng và vui mừng!

Một người đã yêu thì dù có thể bị khổ sở, cũng không sao. Họ yêu vì có tình yêu đang yêu. Họ cho mà như không cho gì, vì họ yêu trọn vẹn, vì họ tự hiến tất cả.

Thánh Matthia, vị tông đồ trung tín, tình nguyện tự hiến cho bạn thân! một thứ tình yêu quí hiếm luôn luôn, nhưng mãi mãi rất sống động.

J.M
 

SUY NIỆM

Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, Đức Giê-su nói về tương quan giữa Thiên Chúa Cha, ngôi vị của Người và các môn đệ, ngang qua hình ảnh “cây nho” (c. 1-8), trong bầu khí của Bữa Tiệc Ly, nghĩa là bầu khí của “tình yêu đến cùng”, được Đức Giê-su diễn tả qua cử chỉ rửa chân và nhất là qua bí tích Thánh Thể. Vì thế, chúng ta được mời gọi lắng nghe những lời này của Đức Giê-su dưới ánh sáng của hình ảnh cây nho và của tình yêu đến cùng Người dành cho từng người chúng ta.

1. “Chúa Cha đã yêu mến Thầy” (c. 9-11)

Đức Giê-su nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”. Tình thương được thông truyền và thông truyền cách trọn vẹn: “thế nào… như vậy”, vì đó là bản chất của tình thương, từ Cha sang Con và từ Con sang anh em của Con. Chúng ta hãy xin được hiểu và cảm nếm tình yêu Đức Giê-su dành cho chúng ta, vì đó cũng chính là tình yêu của Thiên Chúa Cha dành cho Đức Giê-su: vừa thiết thân và gần gũi, nhưng cũng vừa lạ lùng và khôn dò.

Chúng ta được mời gọi lưu lại trong tình thương thần linh, điều này có nghĩa là chúng ta có tự do, tự do lưu lại và tự do bỏ đi. Lưu lại bằng cách giữ các điều răn của Thầy. Lề luật (tiếng Hi-lạp: nomos) là một nguyên tắc vô hồn, trong mức độ đó là chữ, chứ không phải lời, dành cho nhiều người, và trong mọi tình huống không gian và thời gian. Trong khi điều răn (tiếng Hi-lạp: entolê) là lời dặn dò sống động của một người dành cho một người trong một mối tương quan đặc thù và có chiều dày lịch sử (x. St 2, 25). Vì thế, Đức Giê-su không ban lề luật, nhưng ban điều răn, nghĩa là những lời dặn dò Người dành cho các môn đệ trong bối cảnh bữa tiệc li, nghĩa là bối cảnh “tình yêu đến cùng”, và sau một hành trình đồng hành với nhau đủ dài, được ghi khắc bởi tình yêu nhưng không và lòng tin tưởng.

Còn chúng ta, những người sống Giao Ước hôn nhân hay đời tu, như là “lề luật” hay như là “điều răn”? Sống Giao Ước như những “điều răn”, là sống như những lời dặn dò yêu thương của một người dành cho một người trên nền tảng giao ước tình yêu nhưng không. Khuôn mẫu là cách Đức Giêsu giữ các điều răn của Chúa Cha. Ở đây chúng hãy lấy làm lạ: Đức Giêsu cũng phải giữ các điều răn của Thiên Chúa như chúng ta! Bởi vì đó là sự diễn tả cụ thể của tình yêu. Và lý do tận cùng của việc giữ điều răn, đó không phải là để trắc nghiệm, thử thách hay làm khó chúng ta, nhưng là niềm vui:

Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy,
và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

Đức Giêsu muốn cho các môn đệ, muốn chúng ta hôm nay hưởng niềm vui, niềm vui trọn vẹn. Điều này hoàn toàn phù hợp với hình ảnh “trái nho và rượu nho” diễn tả và mang lại niềm vui. Điều Ngài muốn chỉ có thể là niềm vui mà thôi, bởi vì là tình thương. Tình thương đem lại niềm vui, niềm vui ngay trong hành vi cho đi tất cả, hy sinh tất cả, dâng hiến tất cả.

2. “Anh em hãy yêu thương nhau” (c. 12-15)

Trong phần này của bài Tin Mừng, Đức Giêsu tiếp tục vừa đẩy đi xa vừa mở rộng tương quan giữa Chúa Cha, Thầy Giê-su và người môn đệ, tương quan giữa các môn đệ với nhau và tương quan giữa các môn đệ và những người khác. Ở đây, Chúng được mời gọi nhận ra chuyển động luôn luôn lan rộng của tình yêu. Thật vậy, trong phần này, Đức Giê-su nói đặc biệt đến tình thương (c. 12 và 17) và mời gọi chúng ta hiểu ra rằng, “yêu thương nhau” chính là hoa trái mà Người trồng nho và “Cây Nho”, nghĩa là chính Đức Giê-su, mong đợi.

a. Đức Giê-su nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”; và Người nói tiếp: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của thầy”. Để hiểu lời mời gọi này của Đức Giê-su, chúng ta hãy trở lại hình ảnh cây nho: Chỉ có một Người trồng nho thôi, và chỉ có một cây nho thôi; nhưng cành thì có nhiều: cành to cành bé, cành ngắn cành dài, cành ở trên cao, cành ở dưới thấp, cành già cành trẻ, cành đẹp cành xấu, cành trắng cành đen, cành mượt mà cành sần sùi, cành ít trái cành nhiều trái, cành sung mãn cành èo uột, cành xanh mướt cành đang khô héo… Nhiều và khác nhau, nhưng tất cả trở nên một, nếu gắn liền với thân nho, như Đức Giê-su mời gọi: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của thầy”. Xin Chúa khơi lại và làm bùng lên lửa yêu mến Chúa đã từng đốt cháy lòng chúng ta trong hành trình đi theo Chúa trong đời sống dâng hiến, để chúng ta có thể nên một với nhau nhờ tình thương hôm nay và mãi mãi.

b. Khuôn mẫu của tình yêu chúng ta dành cho nhau, chính là tình yêu của Đức Giêsu dành cho loài người và cho từng người chúng ta, đó là tình yêu hi sinh mạng sống. “Tình yêu đến cùng” mà chúng ta được mời gọi đón nhận, hiểu biết và cảm nếm, khi chiêm ngắm Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh, “Đối Tượng Duy Nhất của lòng trí chúng ta”, trong cuộc Thương Khó, và đó cũng là “tình yêu tự hiến” mà chúng ta tưởng niệm và tái hiện lại mỗi ngày trong Thánh Lễ và trong ngày sống.

c. Ngoài ra, Đức Giêsu còn mở ra một chiều kích nữa của tương quan giữa Ngài và các môn đệ, đó là tương quan bạn hữu. Đức Giêsu chia sẻ cho bạn hữu của Ngài tất cả: niềm vui, hiểu biết và chính mạng sống.

“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.”

Ngài trao ban tất cả những gì mình có và tất cả những gì mình là cho các bạn hữu của Ngài; Ngài chia sẻ trọn vẹn hữu thể của Ngài cho các bạn hữu. Đức Giê-su là Thầy và là Chúa đã tự hạ mình để trở thành bạn hữu của chúng ta, chính là để chúng ta cũng ước ao từ trong tim làm cho mình trở thành bạn hữu của nhau, trở thành chị em của nhau, trở thành người thân “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” của nhau, thay vì làm cho mình trở thành “đối thủ” hay “thù địch” của nhau. Amen.

3. Hoa trái yêu thương (16-17)

Khi Đức Giê-su dùng hình ảnh “cây nho” để nói về tương quan giữa Thiên Chúa Cha, ngôi vị của Người và các môn đệ, Người đặc biệt nhấn mạnh đến hoa trái; thật vậy, lời của Đức Giê-su trong phần này nói về hoa trái và hướng về hoa trái từ đầu đến cuối (c. 2. 4. 5 và 8). Chính vì thế, trong phần cuối của bài Tin Mừng, Người dùng lại hình ảnh “hoa trái”:

Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại.

Để sinh nhiều hoa trái, chúng ta được mời gọi ở lại trong Đức Giê-su, như cành nho gắn liền với thân nho. Đức Giê-su ở lại trong chúng ta, và chúng ta được mời gọi ở lại trong Ngài. Và như chúng ta đều biết, “ở lại trong nhau” là ngôn ngữ của tình yêu. Với bí tích Thánh Thể, được hoàn tất trong mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh, mà chúng ta cử hành mỗi ngày và là trung tâm của đời sống đức tin và đời sống dâng hiến của chúng ta, Đức Giê-su sẽ mãi mãi ở lại với chúng ta, để cho chúng ta có thể mãi mãi ở lại trong Ngài. Nhưng Đức Giê-su còn ở lại với chúng ta ngang qua Lời của Người nữa, bởi vì Người là Ngôi-Lời, nghĩa là Lời và Ngôi Vị của Người là một.

Vậy, để sinh nhiều hoa trái, chúng ta phải trở nên môn đệ của Đức Giê-su; để trở nên môn đệ, chúng ta phải ở lại trong Ngài; và để ở lại trong Ngài, chúng ta phải đón nhận Lời của Ngài như là nhựa sống, như là lương thực nuôi sống chúng ta. Và hoa trái mà Người trồng nho và “Cây Nho”, nghĩa là chính Đức Giê-su, mong đợi, chính là tình yêu: “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”

* * *

Thánh Mát-thi-a mà chúng ta mừng kính hôm nay cùng với toàn thể Giáo Hội, được chọn làm tông đồ vì, như thánh Phê-rô tuyên bố, là người “đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giê-su suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gio-an làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh.” (Cv 1, 21-22) Đó chính là kinh nghiệm không thể thiếu để nhận ra tình thương của Đức Giê-su dành cho mình, qua đó trở thành vị tông đồ, nghĩa là trở thành môn đệ và chứng nhân. Đó cũng chính là ơn gọi Ki-tô hữu của mọi người chúng ta.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận