Thứ sáu tuần 3 phục sinh

Đăng lúc: Thứ sáu - 24/04/2015 02:23 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ SÁU TUẦN 3 PHỤC SINH.
"Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống".
 
Lời Chúa: Ga 6, 53-60
Khi ấy, những người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được?"
Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời".
Người giảng dạy những điều này tại Hội đường Capharnaum.

 
SUY NIỆM 1: Con đường hiến thân
Bất chấp sự phản đối của Hoa Kỳ, Nga đã đưa du khách đầu tiên vào không gian. Vị du khách này là một triệu phú người Mỹ, tên là Dennis Titô. Ông Titô đã rời căn cứ phi thuyền không gian vào tối thứ Bảy tháng 4 năm 2001 và được đưa lên trạm không gian quốc tế. Sở dĩ cơ quan không gian Hoa Kỳ là NASA phản đối chuyến đi này là vì cho rằng ông Titô có thể gây ra nguy hiểm cho các phi hành gia trên trạm không gian quốc tế. Tuy nhiên, cơ quan không gian của Nga cam đoan rằng sứ mạng của ông Titô sẽ được bảo đảm trong suốt chuyến du hành vào không gian. Ðược biết, vé du lịch không gian của ông Titô là hai mươi triệu mỹ kim. Phải bỏ ra một số tiền kếch xù như thế để ra khỏi trái đất tìm một chút cảm giác thoát tục để trở thành một con người nổi tiếng quả là điều không cân xứng. Trong khi con người muốn bay lên trời cao bằng những phương thế và xác thịt riêng của mình, thì Ðấng từ trời cao đã xuống trần gian, để chỉ cho con người cách thế đúng đắn nhất để lên trời cao.
Thật ra khoảng không gian mà con người có thể bay lên được chỉ là vô nghĩa so với cõi trời cao từ đó Ngài đưa con người xuống; và con đường Ngài mở ra để cho con người ra khỏi trời cao ấy hoàn toàn trái ngược lại với con đường mà con người tự vạch ra. Con đường mà Ngài đã khai thông là con đường của tự hạ, hy sinh, quên mình và hiến thân trọn vẹn cho tha nhân. Với Ngài, chỉ khi nào thoát khỏi mọi thứ vướng bận của trần tục, con người mới có thể nhẹ nhõm để bay lên khỏi trời cao. Trở thành tấm bánh và được bẻ ra để trao ban cho con người, Ngài đã đi cho đến tận cùng con đường đã hiến thân, Ngài đã chỉ ra cho con người con đường đích thực của sự siêu thăng. Tiếp rước Ngài, ăn lấy tấm bánh là chính Ngài, con người đón nhận sự sống của Ngài để rồi chia sẻ và trao ban cho người khác. Chỉ bằng con đường hiến thân vô vị lợi, con người mới tìm lại được bản thân mà thôi.
Với những tiến bộ khoa học và kỹ thuật, thế giới sâu xa này càng thu hẹp với con người, khoảng cách giữa các quốc gia ngày càng ngắn lại, đường lên không gian cũng được mở ra. Tuy nhiên, khoảng cách giữa người với người càng ngày càng lớn hơn. Cách biệt giữa giàu nghèo ngày càng vời vợi, con người đi vào không gian và cũng ngày càng xa cách nhau. Người nghèo Lazarô quằn quại bên cửa nhà hay ngay cả dưới gầm bàn ăn mà người giàu có cũng nhìn thấy. Chúa Giêsu đến để xóa bỏ mọi ngăn cách giữa người với người, Ngài ngồi đồng bàn với những người bị xã hội đẩy ra bên lề. Ngài kết thân với những người tội lỗi, Ngài chịu đồng hóa với những người nghèo hèn và khẳng định rằng trong ngày sau hết, chính dựa trên cách cư xử với người nghèo hèn mà con người sẽ được xét xử.
Nguyện xin lương thực thần linh mà chúng ta đón nhận trong bí tích Thánh Thể bồi bổ chúng ta trong cuộc cử hành trần thế, để chúng ta luôn tiến bước trong hân, tin tưởng và quảng đại.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 2: Ngôn ngữ Lễ Hy Sinh
Người Do-thái liền tranh luận với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được”. Đức Giêsu nói với họ:
“Thật, tôi bảo thật các ông
nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người,
các ông không có sự sống nơi mình
Ai ăn thịt và uống máu tôi,
Thì được sống muôn đời
Và tôi sẽ cho người ấy sống lại
Vào ngày sau hết. (Ga. 6, 52-54)
Những vấn nạn về tiệc Thánh Thể, về Mình và Máu Thánh Đức Kitô vẫn khó giải đáp. Chúng ta hiểu theo ngôn ngữ thực tế ư? “Ăn thịt Ta và uống máu Ta” là vây quanh một xác chết, là tiêu hóa những miếng thịt của một cơ thể loài người từ hai ngàn năm nay sao? Dứt khoát là không.
Ngược lại với lối giải thích trên, người ta hiểu theo nghĩa biểu tượng: “Ăn thịt Ta và uống máu Ta” chỉ là nhớ đến thịt và máu Đức Giêsu, tức là nhớ đến đời sống của Người, đến sinh hoạt của Người để gợi cảm hứng.
Đối với tôi, lời Đức Kitô rất rõ nét và súc tích. Tôi yêu lối giải thích cho bạn về lời Đức Kitô theo ngôn ngữ tế lễ hy sinh. Chúng ta được linh ứng theo lối giải thích của Kinh thánh để hiểu sự phân phát Mình thánh Đức Kitô.
Sự thông phần trong các lễ hy sinh, có sự phân phát của ăn cho các người tham dự. Của ăn đó là thịt con chiên hay con bê. Người ta lấy máu nó rảy trên dân chúng và dành một phần thiêu nó trên bàn thờ, một phần phân phát cho người dự lễ.
Phần dâng lên thì thuộc về Thiên Chúa với lời chúc tụng của dân chúng, điều đó có nghĩa là dân chúng nhận biết hồng ân Thiên Chúa và những việc lạ lùng Ngài làm cho dân.
Nhưng việc tế lễ đó không chỉ là do động lực của con người. Thiên Chúa tự mình nêu lên ý nghĩa cho những cử chỉ hy tế này. Hy tế trình bày quyền phép của Thiên Chúa trong hành động và khêu gợi cho con người đến tham dự.
Nguyên lý quan trọng nhất của tế lễ Thánh Thể không phải chúng ta làm cho Thiên Chúa xuống trong những dấu chỉ, nhưng chính Thiên Chúa đến với chúng ta, cho chúng ta được ở trong Ngài, cho chúng ta được liên kết với Ngài, được giao ước với Ngài.
Chúng ta vẫn còn được mời gọi tham dự vào tế lễ Thánh Thể này.
 
SUY NIỆM 3: Sống bằng sự sống của Thiên Chúa
Triết gia Nietzsche của Đức đã cho rằng: Kitô giáo là vong thân. Con người càng tin tưởng nơi thần linh, con người càng đánh mất chính mình. Như vậy để cho con người đừng thẳng lên như một con người, cần phải loại trừ Thiên Chúa ra khỏi con người”.
Thật ra, con người không thể loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, vì làm như thế con người sẽ chuốc lấy chết chóc và không biết bao nhiêu hệ lụy của cái chết, loại bỏ Thiên Chúa là tự hủy diệt. Con người không thể sống mà không cần Thiên Chúa, đó là bản chất Thiên Chúa đã phú bẩm cho con người, đi ngược với bản chất ấy là đi vào cõi chết.
Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta về chân lý ấy, Chúa Giêsu là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, chỉ trong Ngài con người mới thấy được Thiên Chúa. Ngài đã nói với các môn đệ: “Ai thấy Ta là thấy Cha Ta”, “Ta và Cha Ta là một”. Bởi vì con người chỉ có thể sống nhờ Thiên Chúa, bởi vì Chúa Giêsu và Chúa Cha là một, cho nên để sống thật sự, con người phải sống bằng chính Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống”. Tuyên bố điều đó, Chúa Giêsu cũng loan báo chính cái chết của Ngài. Thật thế, vừa xác quyết mình từ trời xuống nghĩa là bởi Thiên Chúa mà ra và là chính Thiên Chúa, vừa tự xưng là lương thực cần thiết cho con người, Chúa Giêsu đã đọc lên chính bản án của Ngài. Người Do Thái đã giết Ngài vì Ngài tự xưng là Thiên Chúa nghĩa là Ngài đã lộng ngôn. Như vậy cái chết của Ngài trên thập giá là một mạc khải Thiên tính của Ngài.
Bí tích Thánh Thể, vì là tưởng niệm cái chết ấy, nên cũng là một bày tỏ và tuyên xưng Thiên tính của Chúa Giêsu. Chỉ Thiên Chúa mới có thể trao ban cho con người như lương thực để con người được sống. Khi tiếp nhận Chúa Giêsu trong Thánh Thể, người tín hữu tuyên xưng rằng con người không thể sống mà không có Thiên Chúa. Chỉ có sức sống thần linh mới làm cho con người được sống và sống dồi dào. Thế nhưng lương thực trường sinh mà người tín hữu đón nhận trong Thánh Thể cũng là một cam kết. Tuyên xưng rằng con người chỉ có thể sống bằng sự sống của Thiên Chúa, người tín hữu cũng phải sống thế nào để cuộc sống của họ là một bằng chứng của sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa trong con người. Sức sống của Thiên Chúa mà con người cần đến sẽ được tỏ hiện qua niềm vui, tình huynh đệ, lòng quảng đại, sự tha thứ trong cuộc sống người tín hữu.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 4
Đoạn Tin Mừng theo thánh Gio-an khá dài về bánh hằng sống, mà Giáo Hội cho chúng ta nghe lại từ ngày thứ ba trong Thánh Lễ, mở đầu và kết thúc với ơn huệ man-na:
Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: “Người đã cho họ ăn bánh bởi trời”. (c. 31)
Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh (man-na) tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. (c. 58)
Ngang qua ơn huệ lương thực Chúa ban cho chúng ta hàng ngày, như xưa kia Người ban “bánh man-na” cho Dân Do-thái trong sa mạc, xin Đức Ki-tô Phục Sinh khơi dậy lòng khát khao lương thực mang lại sự sống đời đời nơi tâm hồn chúng ta, để chúng ta có thể bình tâm với mọi đối tượng liên quan đến nhu cầu; và xin Chúa cũng cho chúng ta cảm nhận được sự sống mới và muôn đời ngay trong sự sống chóng qua này chúng ta, khi “ăn” bánh từ trời xuống, là chính Đức Giê-su Thánh Thể.
1. “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (c. 52)
Lời của Đức Giê-su về Bánh Hằng Sống đạt tới cực điểm ở đây. Cực điểm của những gì cao quí nhất và thâm sâu nhất Đức Giê-su muốn nói và muốn trao ban cho chúng ta:
Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời,
và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. (c. 54)
Ngoài ra, cực điểm còn là khó khăn mà người nghe Đức Giêsu gặp phải: “Người Do Thái tranh luận sôi nổi với nhau”, hay đúng hơn, “họ tranh luận dữ dội với nhau”. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Giống như hai vấn nạn trước (c. 30-31 và 41-42), vấn nạn này cũng đòi hỏi những bằng chứng hiển nhiên (khách quan, bên ngoài), thể lý và hữu hình, nghĩa là thuộc bình diện của “nhu cầu”: trước đó là đòi nhìn dấu lạ và biết rõ nguồn gốc, còn bây giờ là đói ăn Chúa như “ăn đồ ăn”! Những vấn nạn này luôn tồn tại trong lịch sử và ngày nay vẫn còn rất thời sự.
Và trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ ngày mai, chúng ta sẽ thấy rằng, lời của Đức Giêsu còn gây khó khăn cho cả các môn đệ nữa. Thật vậy, họ sẽ phản ứng: “Lời này chướng tai quá, sao mà nghe nổi?” Và từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không đi theo Người nữa. Có lẽ chúng ta chỉ cầu nguyện được với đoạn Tin Mừng này, nếu chúng ta ở mức độ nào đó, nhận những vấn nạn làm của mình, hay đó cũng là những vấn nạn của chính chúng ta. Chúng ta rước Mình và Máu Đức Giêsu hằng ngày, nhưng chắc chắn cũng có nhiều lúc chúng ta gặp khó khăn liên quan đến đức tin, làm cho chúng ta áy náy không cùng: cố tin, nhưng không xong, mà không tin cũng không được.
Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay gây khó khăn, nhưng đồng thời cũng mở ra chúng ta con đường phải đi để vượt qua khó khăn. Đó là ơn huệ có được kinh nghiệm thiêng liêng và thiết thân: sự sống đích thực mỗi ngày của chúng ta được nuôi dưỡng bằng Bánh Hằng Sống, là Đức Ki-tô, được “sống nhờ” Người, như Người “sống nhờ” Chúa Cha, chứ không phải là không phải là thấy, biết, hay ăn uống Đức Ki-tô một cách vật chất.
2. “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi” (c. 53-56)
Để hiểu lời nói quá cụ thể và quá “mạnh” này của Đức Giê-su: “ăn thịt tôi và uống máu tôi”, mạnh đến độ một số các môn đệ đã từng tin và đi theo Người phải thốt lên: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”, chúng ta hãy trở lại với những cách nói khác của chính Đức Giê-su: “tin” (c. 40), “ăn uống” (c. 51), “ở lại” và “sống nhờ” (c. 56-57). Đó là những hành vi tương đương và soi sáng cho nhau, bởi vì có cùng hiệu quả là sự sống đời đời.
Con người ở mọi thời và ở khắp nơi luôn đi tìm quả trường sinh hay một thứ thần dược trường sinh. Đó là vấn đề trái cây sự sống trong vườn Eden: ông bà Adam va Evà đã hái và ăn trái cấm, vì tin rằng trái này sẽ làm cho mình trở nên thần linh vừa bất tử vừa biết hết mọi sự. Nhưng để sống đời đời, Đức Giêsu mời gọi chúng ta ăn và uống chính thịt và máu của Ngài. Điều này có nghĩa là chúng ta được mời gọi “ăn” và “uống” không phải một sự vật, chẳng hạn “trái cây ở giữa vườn” như Ma Quỉ gợi ý (x. St 3, 1-7), một thức ăn hay một thức uống. Đức Giêsu mời gọi chúng ta “ăn uống thịt máu” của bản thân Ngài, mà bản thân Ngài, giống như chúng ta, là một ngôi vị sống động, chứ không phải là món ăn. Như thế, bánh hay của ăn trường sinh, không phải là một vật thể ăn được, có phép nhiệm mầu biến đổi con người thành bất tử, nhưng là ngôi vị Đức Giêsu mà chúng ta được mời gọi đi đến với Ngài và tin vào Ngài, để ở lại trong Ngài và Ngài ở lại trong chúng ta, như thánh Phao-lô nói: “Không còn là tôi sống, nhưng Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gal 2, 20).
Như thế, Bánh Hằng sống không phải chỉ là một sự vật, đối tượng của ngũ quan thể lí, nhưng còn là và nhất là ngôi vị Đức Giê-su mà chúng ta được mời gọi cảm nếm, để cho Ngài đụng chạm ở chốn sâu thẳm nhất, đi đến với Ngài và tin vào Ngài, để ở lại trong Ngài và Ngài ở lại trong chúng ta. Giống như khi chúng ta đến dùng bữa do người thân hay người bạn thiết đãi. Ngang của ăn và của uống mà người kia chuẩn bị và dọn ra mời chúng ta; khi ăn và uống, chúng ta được mời gọi “ăn uống” một của ăn khác, là tình thương, tình bạn và tình yêu của người kia.
Thiên Chúa ban lệnh cấm trong vườn Eden, để nói với con người rằng thiên tính không phải là một sự vật để ham muốn, để chiếm lấy và ăn ngấu nghiến, nhưng là một ngôi vị, là chính Thiên Chúa mà chúng ta được mời gọi đặt hết niềm tin và đi vào tương quan thiết thân. Qua hành vi “ăn”và “uống” Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi đi đến với Ngài và tin vào Ngài, nghĩa là đón nhận Ngài vào trong cuộc đời, để Ngài trở thành xương thịt, thành sự sống cho chúng ta. Chúa ước ao trở thành lương thực cho chúng ta, nghĩa là muốn trao ban tất cả những gì mình có và mình là cho chúng ta, Chúa ước ao trở nên một với chúng ta. Giống như tấm bánh hay chén cơm hằng ngày: được chúng ta đón nhận như ân huệ, được  ăn, được nghiền nát, được hòa tan để trở thành sự sống cho chúng ta. Đức Kitô ước ao như thế và Ngài thực hiện ước ao của mình một cách thực sự nơi bí tích Thánh Thể. Ước gì Đức Kitô, bánh Trường Sinh, làm thỏa mãn mọi cơn “đói khát” của chúng ta; và ước gì khi cảm nếm được Ngài, chúng ta không còn “thèm ăn, thèm uống” bất cứ điều gì nữa trên đời này.
Ngoài ra, khi mời gọi chúng ta “ăn thịt và uống máu của Ngài”, lời của Đức Giê-su mời gọi chúng ta hướng đến mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Thật vậy, “ăn thịt và uống máu của Ngài”, điều này loan báo và giả định Ngài phải chết, và thực sự Ngài đã chết. Vì thế, “ăn thịt và uống máu của Ngài”, khi chúng ta cử hành Thánh Lễ, có nghĩa là mở lòng ra, mở từng ngày sống ra và mở cuộc đời của chúng ta ra, để đón nhận ơn tái sinh mà Ngài thông truyền cho chúng ta từ mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh. Và đó chính là con đường dẫn chúng ta đến sự sống đời đời, để chúng ta ở lại trong Ngài và Ngài ở lại trong chúng ta, và để chúng ta sống nhờ Ngài.
3. Đức Giê-su “sống nhờ” Chúa Cha (c. 57)
Và để giúp chúng ta hiểu “ăn thịt và uống máu Người” có nghĩa là gì, Đức Giê-su mời gọi chúng ta chiêm ngắm tương quan thiết thân của Người với Chúa Cha:
Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. (c. 57)
Ăn uống lương thực nào, thì chúng ta sẽ sống nhờ lương thực đó; hay nói ngược lại, chúng ta sống nhờ lượng thực nào, thì có nghĩa là chúng ta “ăn uống” lương thực đó. Vì thế, Đức Giê-su cũng “ăn uống” Chúa Cha, trong mức độ Người sống nhờ Chúa Cha. Vậy chúng hãy chiêm ngắm cuộc đời của Người, từ lúc sinh ra cho đến lúc Người chết và phục sinh, để nhận ra Người “sống nhờ” Chúa Cha như thế nào.
Cách Đức Giê-su sống nhờ Chúa Cha, nghĩa là đón nhận và sống sự sống của mình không phải từ chính mình, nhưng từ tình yêu và ý muốn của Chúa Cha, với tư cách là người Con Thảo, đó là khuôn mẫu của cách chúng ta đón nhận ơn huệ “sống nhờ” Người, với Người và trong Người, ngang qua Bí Tích Thánh Thể, được hoàn tất nơi mầu nhiệm Vượt Qua. Nhưng cách Người sống nhờ Chúa Cha không chỉ là khuôn mẫu, nhưng còn nguồn sống của chúng ta, như Người nói:
Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào,
Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. (Ga 15, 9)
Tình thương được thông truyền và thông truyền cách trọn vẹn: “thế nào… như vậy”, vì đó là bản chất của tình thương, từ Cha sang Con và từ Con sang anh em của Con. Chúng hãy xin được hiểu và cảm nếm tình yêu Đức Giê-su dành cho chúng ta, vì đó cũng chính là tình yêu của Thiên Chúa Cha dành cho Đức Giê-su: vừa thiết thân và gần gũi, nhưng cũng vừa lạ lùng và khôn dò như tấm Bánh Hằng Sống.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Từ khóa:

phải như

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận