Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

Đăng lúc: Thứ tư - 24/06/2015 03:48 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ. Lễ Trọng.

"Nó sẽ gọi tên là Gioan".

 

Hội Thánh hân hoan mừng ngày thánh Gioan Tẩy Giả chào đời. Sứ mạng của người là “làm chứng cho ánh sáng” đang đến khai mạc thời đại mới: đó là Đức Giêsu Kitô. Khi đề cập đến vai trò có một không hai của vị tiền hô, chính Đức Giêsu đã nói: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả”.

 

Lời Chúa: Lc 1, 57-66. 80

Khi đến ngày sinh, bà Êlisabeth sinh hạ một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Dacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: "Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan". Họ bảo bà rằng: "Không ai trong họ hàng bà có tên đó". Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: "Tên nó là Gioan". Và mọi người đều bỡ ngỡ. Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa. Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết đều để bụng nghĩ rằng: "Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó". Con trẻ lớn lên, mạnh mẽ trong lòng: nó ở trong hoang địa cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Israel.

 

SUY NIỆM 1: Sứ điệp cứu nguy phần rỗi

1. Thánh Gioan Baotixita biết mình có liên hệ với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế đang đến sau Ngài. Liên hệ đó là đi trước dọn đường. Trách nhiệm đó rất cao cả. Chính Thiên Chúa đã gọi Ngài, đã chọn Ngài, đã thánh hóa Ngài, đã sai Ngài, đã trao trách nhiệm cho Ngài. Mục đích để cứu nguy phần rỗi.

Gioan Baotixita vâng theo thánh ý Chúa. Nhưng Ngài nói: “Tôi không xứng đáng cởi quai dép cho Đấng Cứu Thế” (Ga 1,27).

2. Với lời trên đây, Gioan Baotixita muốn nói lên sự khó nghèo của Ngài.

Ngài thấy mình nghèo khó, vì biết Chúa thì vô cùng cao sang, còn mình thì hết sức hèn hạ. Ngài cảm nhận mình không xứng đáng được Chúa chọn.

Ngài thấy mình nghèo khó, vì biết mình sẽ phải giới thiệu một Đấng Cứu Thế yêu thương hết mực khiêm tốn. Hình ảnh đó khó được dân chúng chấp nhận. Chính Ngài cũng chẳng hiểu nổi. Ngài cảm nhận mình không có khả năng giới thiệu Đấng Cứu Thế như vậy.

Ngài thấy mình nghèo khó, vì biết mình được sai đến với một xã hội tội lỗi cứng lòng. Mà Ngài thì không có chức tước địa vị, không có tiền bạc, không có hậu thuẫn. Ngài cảm nhận mình không có cơ may dọn đường cho Chúa.

Ngài thấy mình nghèo khó, vì biết mình phải nói nhân danh Đấng thiêng liêng vô hình. Mà Ngài chỉ như là tiếng kêu trong sa mạc. Ngài cảm nhận mình không có tài đức.

Sự khó nghèo, mà Gioan Baotixita cảm nghiệm về mình, thực là sâu thẳm. Ngài nhận mình bất xứng khó nghèo, thế mà lại được Chúa yêu thương. Nên Ngài cảm tạ Chúa với tất cả lòng khiêm tốn.

Tuy nhiên, Chúa cho Ngài biết chính vì Ngài nghèo khó, nên Chúa đã chọn Ngài. Chúa dạy Ngài hãy thi hành ơn gọi một cách đơn giản, như một người nghèo khó.

3. Thi hành ơn gọi một cách đơn giản là đi vào những gì căn bản một cách đơn sơ.

Thực vậy, thánh Gioan Tiền Hô đã đơn sơ trong việc giới thiệu con đường phần rỗi linh hồn. Ngài giới thiệu bằng chính cuộc sống của Ngài. Một cuộc sống nhấn mạnh đến căn bản tu đức dựa trên Lời Chúa. Ngài sống cầu nguyện, nghèo khó, khổ hạnh, gần gũi với mọi người, vâng phục thánh ý Chúa.

Thánh Gioan Tiền Hô đã đơn sơ trong việc dọn đường cho Chúa Cứu Thế. Đối với Ngài, dọn đường là bỏ tội lỗi. Ngài cho biết tội là làm sai luật Chúa, nhất là trong lãnh vực công bình bác ái đối với tha nhân. Phải bỏ đường tội bằng sám hối và sửa lại nếp sống. Nếu không, sẽ bị Chúa phạt. Hình phạt nặng nhất là mất linh hồn, phải sa hỏa ngục đời đời. Ngài nói về cơn thịnh nộ của Chúa (x. Lc 3,7). Ngài đưa ra hình ảnh cây xấu bị chặt đi và quăng vào lửa (x. Mt 3,10). Những gì Ngài nói về tội, thì rất căn bản và dễ hiểu. Đối với Thánh Gioan, biết sợ Chúa phạt là khởi đầu tốt cho việc bỏ đàng tội lỗi.

Thánh Gioan Tiền Hô đơn sơ trong việc giới thiệu Chúa Giêsu. Ngài nói: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Ngài nhấn mạnh đến việc phải tin cậy vào Chúa Giêsu, để được cứu khỏi tội. Nói thế là rất căn bản và dễ hiểu.

Thánh Gioan Tiền Hô đơn sơ trong niềm tin. Ngài biết mình chẳng là gì, chẳng đáng gì. Ngài không bám vào điểm tựa nào nơi trần thế. Ngài chỉ cậy tin vào lòng Chúa xót thương mà thôi. Ngài vững tin vào sức mạnh ân sủng của Chúa. Vững tin như thế là rất đơn sơ mà cũng rất căn bản.

4. Tóm lại, đơn giản của Thánh Gioan Baotixita là không đưa ra những lý lẽ cao siêu, không ôm đồm những tham vọng xa vời, mà chỉ nhấn mạnh đến những điều căn bản nhất, khuyên làm những việc cần thiết nhất, đưa người ta nhìn vào mục đích quan trọng nhất đời mình.

Tới đây, chúng ta có thể tóm lược chân dung Thánh Gioan Baotixita ở hai nét này: Một là khiêm nhường nghèo khó, hai là thi hành ơn gọi một cách đơn giản với những gì là căn bản nhất.

Với chân dung đó, Thánh Gioan Baotixita đã đem một sứ điệp Chúa gởi đến cho nhân loại nói chung và dân Chúa nói riêng, để cứu nguy phần rỗi.

Thánh Gioan Baotixita đã qua đời. Nhưng sứ điệp cứu nguy phần rỗi vẫn được Chúa gởi vào lịch sử mọi thời mọi nơi, bằng cách này hay bằng cách khác.

Đức Mẹ tại Fatima, khi thấy đời sống đức tin sa sút trầm trọng, cũng đã nhắc tới những gì căn bản nhất để cứu con người khỏi sa vào con đường đi xuống hỏa ngục.

5. Hôm nay, sứ điệp cứu nguy phần rỗi đang được Chúa gởi vào tình hình Việt Nam bằng nhiều cách. Vấn đề cần đặt ra là người ta có đón nhận sứ điệp đó hay không? Địa chỉ, mà câu hỏi quan trọng về sứ điệp cần gởi tới, không phải là người ta chung chung, mà là mỗi người con Chúa, nhất là mỗi người có trách nhiệm dẫn dắt cộng đoàn.

Có thể nói như Thánh Gioan Tiền Hô và như Đức Mẹ ở Fatima là: Tai họa khủng khiếp cho phần rỗi sẽ đổ xuống, nếu không sám hối, nếu không trở về với Chúa.

Lạy Chúa, xin thương xót ban ơn cho chúng con biết đón nhận sứ điệp cứu nguy phần rỗi. Bởi vì phần rỗi của chúng con rất dễ bị lâm nguy. Cũng xin Chúa xót thương nâng đỡ những người được Chúa sai đi rao giảng sứ điệp cứu nguy phần rỗi tại Việt Nam hôm nay. Bởi vì trách nhiệm của họ rất nặng nề rất khó khăn, rất khẩn cấp.

(Đức cha GB. Bùi Tuần – ‘Để mừng lễ Thánh Gioan Baotixita’)

 

SUY NIỆM 2: Gioan Tiền Hô

Suy nghĩ về thánh Gioan Tiền Hô, tôi nhận thấy Ngài có một chỗ đứng quan trọng, một vị trí đặc biệt trong Kinh Thánh cũng như trong phụng vụ.

Trước hết là trong Kinh Thánh.

Thực vậy, không có một vị thán nào mà cuộc đời được Kinh Thánh diễn tả một cách đầy đủ cho bằng thánh Gioan Tiền Hô. Kinh Thánh đã kể lại từ việc ông Giacaria dâng hương trong đền thờ đến việc bà Isave thụ thai. Từ việc Đức Maria tới thăm viếng đến việc bà Isave sinh nở. Từ ngày mở mắt chào đời với những sự việc kỳ diệu của Chúa, đến những năm tháng xuất hiện công khai với một cuộc sống khắc khổ. Từ những lời rao giảng gắt gao cho đến lúc bị tống nục và cái chết anh dũng dưới lưỡi gươm của Hêrôđê. Ngài là vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước, nhưng đồng thời lại là một vị thánh lớn của Tân Ước. Ngài chính là một nhịp cầu thông cảm nối liền Cựu Ước với Tân Ước, đến nỗi Chúa Giêsu đã phải lên tiếng ngợi khen: “Trong số những kẻ được sinh ra bởi người nữ, không có ai cao trọng hơn Gioan”.

Tiếp đến là trong phụng vụ.

Đối với tất cả các thánh, chúng ta thường mừng kính vào ngày chết, tức là ngày các ngài được sinh ra cho cuộc sống vĩnh cửu, được bước vào quê hương Nước Trời. Ngoài Chúa Giêsu, thì Giáo Hội chỉ mừng kính ngày sinh của Mẹ Maria và thánh Gioan Tiền Hô mà thôi. Bởi vì tất cả chúng ta, dù là các thánh thì khi mở mắt chào đời, cũng đã mang lấy dấu vết nhơ bẩn của tội nguyên tổ, cũng đã sống trong một tình trạng thù địch với Thiên Chúa. Trong khi đó thì Mẹ Maria được đặc ân vô nhiễm, còn thánh Gioan thì được tẩy sạch nhờ sự thăm viếng của Mẹ Maria, khi còn là một thai nhi trong lòng bà thánh Isave.

Như thế Gioan Tiền Hô đã là thánh kể từ khi lọt lòng mẹ, kể từ khi bắt đầu cuộc sống trần thế. Sở dĩ như vậy vì Chúa muốn cho Gioan được chuẩn bị để báo trước sự xuất hiện của Ngài.

Đúng thế vai trò của Gioan là vai trò của người tiền hô, chuẩn bị cõi lòng mọi người đón nhận Đấng cứu thế, vai trò của người đi trước dọn đường Chúa đến. Nếu Đức Kitô là mặt trời rực sáng thì Gioan Tiền Hô là hừng đông và một khi mặt trời đã xuất hiện ngày mới khởi đầu thì hừng đông không còn nữa. Ý thức được vai trò của mình nên Gioan đã xác quyết với đám đông: “Ngài cần phải lớn lên còn tôi phải nhỏ đi”.

Với chúng ta cũng vậy ngay từ khi chúng ta mở mắt chào đời, Thiên Chúa cũng đã nhìn chúng ta bằng một ánh mắt trìu mến, và nhất là Ngài đã dành cho chúng ta một ơn gọi, ơn gọi ấy là trở nên như những vị tiền hô, chuẩn bị và dọn đường Chúa đến trong tâm hồn những người chung quanh. Thế nhưng chúng ta đã thực sự là những vị tiền hô của Chúa hay là bằng một đời sống bê tha và tội lỗi, gian tham và thù oán, chúng ta đã nhẫn tâm dập tắt ngọn lửa nhỏ bé của những tâm hồn thiện chí, đang muốn tìm gặp Chúa.

 

SUY NIỆM 3: Gioan Tiền Hô

Thế nào là một người cao trọng? Để đánh giá sự cao trọng của bản thân, chúng ta thường có ba cách:

Cách thứ nhất là bằng cặp mắt của mình.

Nghĩa là dựa trên những suy nghĩ và nhận định của chính con người chúng ta. Cách thức này thường không mấy xác thực, bởi vì cái nhìn của chúng ta thường chủ quan, chúng ta thường đưa ra 1001 lý do để biện minh cho những sai lỗi của chúng ta. Chúng ta thường rộng rãi với bản thân mà lại nghiêm khắc với những người chung quanh, vì tự thẳm sâu cõi lòng, ai trong chúng ta cũng có một chút khuynh hướng kiêu căng, muốn được ca tụng, muốn được để ý tới. Đánh giá bản thân bằng chính cặp mắt của mình là cân đo bằng một loại thước bị thiếu hụt, không chính xác…

Cách thứ hai là bằng cặp mắt của người khác.

Nghĩa là dựa trên dư luận, dựa trên những phán đoán của những người chung qaunh. Cách thức này cũng thường không đem đến sự thật, vì dư luận là dư luận. Cùng một sự kiện mà mỗi người nhìn một cách thức tùy theo cảm tình của mình:

- Yêu nên tốt, ghét nên xấu.

Chính vì thế mà dư luận thường thổi phồng và bóp méo, không mấy khi được thống nhất:

- Yêu nhau cau bảy bổ ba,

Ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười.

Cách thứ ba là bằng cách nhìn của Chúa.

Đây mới là một cách thức vừa cần thiết vừa trung thực nhất. Vậy thì ai là người cao trọng dưới mắt Chúa. Tôi xin thưa, đó là người khiêm nhường không chút kiêu căng.

Sự khiêm nhường ấy được biểu lộ trước hết là trong tư tưởng, nhận đúng thân phận của mình chỉ là tôi tá của Chúa. Đây cũng là điều chúng ta phải lưu ý bởi vì nhiều khi sự khiêm nhường của chúng ta chỉ là một thứ khiêm nhường giả hiệu, che lấp thói kiêu căng của chúng ta.

Tiếp đến là biểu lộ qua lời nói. Không đề cao bản thân, bởi vì chúng ta chỉ là dụng cụ trong bàn tay Thiên Chúa, sở dĩ chúng ta làm được việc nọ việc kia, tất cả đều do ơn lành của Chúa.

Sau cùng, biểu lộ qua việc làm. Sẵn sàng chấp nhận những hy sinh gian khổ, những địa vị thấp kém, miễn sao phục vụ Chúa và anh em. Khiêm nhường như thế chính là mẹ của các nhân đức, chính là cội nguồn thánh thiện.

Với những tiêu chuẩn kể trên thánh Gioan Baotixita quả thực là một người khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa. Mặc dù không làm được việc chi vĩ đại, nhưng Gioan đã được Chúa Giêsu khen tặng:

- Trong số những người nam không có ai cao trọng hơn Gioan.

Sở dĩ như vậy là vì Gioan đã sống tâm tình khiêm nhường. Mặc dù được mọi người ngưỡng mộ, ông đã hạ mình xuống và nói:

- Tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Đấng cứu thế.

Ông đã làm mọi việc để cho Chúa được nhận biết và tôn vinh. Ông đã để cho các môn đệ thân yêu bước theo Chúa Giêsu và đã giới thiệu Chúa Giêsu cho đám đông:

- Đây Chiên Thiên Chúa, đây đấng gánh tội trần gian. Ngài cần phải lớn lên còn tôi phải nhỏ đi.

Thân phận của ông chỉ là thân phận của một tiếng kêu trong sa mạc. Gioan càng khiêm nhường thì lại càng được Chúa mến yêu như lời Mẹ Maria đã nói:

- Chúa hạ bệ những kẻ kiêu căng và nâng cao mọi người phận nhỏ.

 

SUY NIỆM 4: Tên là Gioan

Ngay từ trong lòng mẹ, Ngài đã được đặc ân riêng biệt. Ngài mặc áo lông lạc đà. Một hình ảnh nổi bật được nhà điêu khắc Rôbin tạc về Gioan là vị Tiền Hô! Một người đầy nhiệt huyết, mạnh mẽ: xông pha làm chấn động như một lực sĩ vô địch chạy nước rút. Một hình ảnh cường tráng, nhưng dịu dàng. Một đời sống ngắn ngủi, vì bạo lực đã kết thúc đời Ngài. Nhưng Ngài coi bình thường, một đời sống không khoan nhượng!

Đàng khác Ngài rất khiêm nhường, cảm thương mọi người, được kính trọng đồng thời bị ghét bỏ! người ta không lạ gì khi nghe Ngài tuyên bố: “Tôi không đáng cởi dép cho Người!”

Gioan hẳn đã biết Đức Giê-su, người anh em bà con mình, là Thiên Chúa là tổ phụ Abraham, Isaác và Israel, mà Ngài được gặp hằng ngày trong kinh nguyện và trong lời rao giảng? Gioan không phải là Thánh tử đạo (Người ta không xử tử ông vì đức tin), Ngài không phải là chứng nhân của Thiên Chúa, chỉ là tiếng kêu trong Samạc...

Vì đó là người nhập cuộc hành trình trên con đường trong Samạc.

Con người sống ngoại lệ.

Từ rất sớm, Gioan phải kham khổ, vì do sinh ra khác thường, bởi cha mẹ già cả, mang một tên không theo dòng họ. Ông bố bị câm, được nói như trước. Tất cả những thứ đó đè trên vai đứa trẻ, đứa thanh niên. Tiểu sử đó đã lan ra khắp xứ ngay sau khi đứa trẻ ra đời, nó phải chịu cái nhìn tò mò của mọi người, của bạn bè, chắc chắn nó đã chế nhạo ông bạn ngây thơ của chúng. Câu cuối của đoạn Tin Mừng này nói lên sự đau khổ lớn lao của Gioan: “Cậu bé càng lớn lên tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt Israel!”

Trong hoang địa...

Đó là một người được chiếu cố! không phải để trở nên ngôn sứ, không phải do Thiên Chúa lạm dụng, nhưng vì đồng hương từ chối cậu, cậu không được quyền sống như người khác! Họ muốn cậu phải trung thành với ơn gọi mình, họ không biết thánh ý Thiên Chúa, nhưng đẩy cậu đi vì sự tuyển chọn của Thiên Chúa...

J.M

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận