Thứ tư tuần 13 thường niên.

Đăng lúc: Thứ tư - 01/07/2015 02:01 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ tư tuần 13 thường niên.

"Ông đến lúc này để hành hạ các quỷ".

 

Lời Chúa: Mt 8,28-34

Khi ấy, Chúa Giêsu lên thuyền sang bờ bên kia, đến miền Giêrasa, thì gặp hai người bị quỷ ám từ các mồ mả đi ra, chúng hung dữ đến nỗi không ai dám qua đường ấy. Và chúng kêu lên rằng: "Lạy Ông Giêsu, Con Thiên Chúa, chúng tôi có can chi đến ông? Ông đến đây để hành hạ chúng tôi trước hạn định sao?". Cách đó không xa có một đàn heo lớn đang ăn. Các quỷ nài xin Người rằng: "Nếu ông đuổi chúng tôi ra khỏi đây, thì xin cho chúng tôi nhập vào đàn heo". Người bảo chúng rằng: "Cứ đi". Chúng liền ra khỏi đi nhập vào đàn heo. Tức thì cả đàn heo, từ bờ dốc thẳng, nhào xuống biển và chết chìm dưới nước. Các người chăn heo chạy trốn về thành, báo tin ấy và nói về các người bị quỷ ám. Thế là cả thành kéo ra đón Chúa Giêsu. Khi gặp Người, Họ xin Người rời khỏi vùng của họ.

 

Suy Niệm 1: Hai mẫu người

Chúa Giêsu đã đến với con người. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy hai mẫu người, hai cách thức Chúa đến với họ.

Mẫu người thứ nhất có thể thấy được nơi hai người bị quỷ ám. Họ là những con người bị đẩy ra bên lề xã hội và chính họ cũng không làm chủ được trí khôn của mình nữa, họ không còn sống như một người bình thường và bị người ta xa lánh. Chúa Giêsu đến với họ một cách bất ngờ, họ chưa kịp xin Chúa chữa lành; vả lại họ cũng không thể xin, vì lúc đó họ đang bị quỷ ám. Thế nhưng, Chúa đã chữa lành họ, Ngài cho phép quỷ nhập vào đàn heo gần đó. Một phép lạ xẩy ra làm rúng động những người dân trong thành.

Mẫu người thứ hai là dân cư miền Gađara. Những người này có đời sống vật chất đầy đủ và tiện nghi, nhưng dường như không có sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúa đến với họ qua dấu lạ chữa lành hai người bị quỷ ám mà từ lâu họ đã chối từ, và sự kiện đàn heo bị quỷ nhập lao xuống biển chết chìm. Chúa Giêsu đã thực hiện dấu lạ để kéo chú ý của người dân trong thành về việc Chúa đến, nhưng họ đã bỏ mất cơ hội để tiếp xúc với Chúa và đón nhận ơn cứu độ. Bởi vì, như Tin Mừng kể lại, sau khi gặp Ngài, họ xin Ngài rời khỏi vùng đất của họ. Họ làm thế vì sợ phải gánh chịu những thiệt hại vật chất do sự hiện diện của con người lạ lùng này. Những lợi lộc hay những thiệt thòi vật chất có thể làm cho con người khép kín tâm hồn, trở nên mù quáng trước sự hiện diện yêu thương, bình an và cứu rỗi của Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta một tâm hồn thanh thoát, biết mở rộng để đón nhận những dấu chỉ sự hiện diện của Chúa, để sẵn sàng đến gặp Chúa, sống với Chúa và trở thành dụng cụ hữu hiệu của Chúa cho những người xung quanh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Chúa Giêsu làm cho người ta sợ hãi

Khi Đức Giêsu sang bờ bên kia, và đến miền Ga-đa-ra, thì có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón Người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy. Và kìa, chúng la lên rằng: “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi có can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đến đây làm khổ chúng tôi sao?” (Mt. 8, 28-29)

Phép lạ kỳ cục

Phép lạ vừa được kể lại cho chúng ta có thể bị chúng ta coi như hơi kỳ quặc. Lúc ấy Chúa Giêsu muốn giải thoát cho hai người bị quỷ ám. Hai người này đã khuấy động đời sống dân làng vì không ai dám lại gần họ và qua lại lối ấy. Thật là ý tưởng ngộ nghĩnh khi cho bọn quỷ nhập vào bầy heo và khiến chúng lao xuống biển! Chẳng lẽ Chúa Giêsu không có thể làm cách khác sao? Tại sao Chúa đã không đơn giản ra lệnh cho các thần ô uế buộc chúng phải cút đi ngay? Khi cho quỷ nhập vào bầy heo. Người đã làm cho dân chúng nơi đó phải sợ hãi. Những người chủ bầy heo hẳn đã phát điên lên khi nhìn đoàn vật chết chìm dưới biển. Kết cục là họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ.

Phép lạ này có lẽ hơi lạ thường, nhưng lại bao hàm một giáo huấn mà ta cần phải suy nghĩ.

Phải biết trả giá

Chúa có ý dạy ta điều này: để giải thoát con người khỏi sự dữ, đôi khi Chúa đòi người ta phải trả giá một chút cho ơn giải thoát ấy. Chắc chắn những người dân làng ấy mong cho hai người bị quỷ ám kia được cứu thoát. Nhưng muốn cho điều ấy xảy ra, mà họ đã không sẵn sàng chịu tốn công tốn của một chút.

Ta có thể có được vô số những áp dụng cho hôm nay. Ta mong được Chúa cứu ta khỏi sự dữ tiềm ẩn trong ta. Mà ta có sẵn sàng thực hiện những cố gắng cần thiết để góp phần vào việc này không? Ta mong muốn cho thế giới hôm nay người ta sống công bình với nhau hơn. Nhưng ta có bằng lòng xả thân chịu khổ để chiến đấu cho công bình không? Ta mong cho trên mặt đất này, không còn người nào phải chịu cảnh đói ăn thiếu mặc. Nhưng ta có vui lòng chia sẻ cơm áo, của cải của ta và sẵn sàng từ bỏ một nếp sống tiện nghi thái quá không?

Ta phải ý thức rõ ràng điều ấy. Nhiều điều không được thực hiện, nhiều điều vẫn không có, bởi tại ta không chịu “chi trả” đó thôi.

 

 SUY NIỆM 3

1. Hai người bị quỉ ám

Chúng ta hãy tạm gác mọi cách hiểu, thắc mắc, thành kiến, thiếu tin tưởng vào lời Kinh Thánh, và ra khỏi hoàn cảnh của mình, để một cách đơn sơ ghi nhớ và hình dung ra hai người bị quỉ ám. Giống như một bức tranh, vấn đề không phải là có thật hay không, hoặc giống như thật hay không, nhưng là những hình ảnh được vẽ ra như thế, không thêm và không bớt, muốn nói với chúng ta điều gì? Vậy, hình ảnh “hai người bị quỉ ám”, được kể lại (hay được vẽ ra) trong bản văn Tin Mừng này, nói về tình cảnh của chúng ta như thế nào, mặc khải sự thật nào về con người chúng ta, chữa lành và mở ra cho chúng ta hướng đi nào, con đường nào? Bởi vì lời Kinh Thánh thuộc bình diện Lời Chúa, chứ không phải thuần túy thuộc bình diện sự kiện.

Và theo lời kể của thánh Mát-thêu trong bài Tin mừng, quỉ ám hai người, đến độ họ không còn làm chủ được mình, lẫn lộn chủ thể khi nói chuyện với Đức Giê-su: “Hỡi con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông?” Hai người này sống trong đám mồ mả, vốn là thế giới của người chết, của sự chết, hiểu rộng hơn là nơi chết chóc. Họ còn sống, nhưng lại tự giam mình trong thế giới của người chết, tự tạo ra một môi trường chết chóc, làm hại chính mình và làm hại người khác, bởi vì “chúng rất dữ tợn”! Trong cuộc sống, nếu chúng ta để cho Sự Dữ, thần ô uế, thần xấu, Tội (xét như là một nhân vật theo Rm 7, 13-17) cư ngụ bên trong chúng ta, thúc đẩy chúng ta, làm chủ chúng ta, chúng ta cũng sẽ như thế đó. Như thế, Lời Chúa trình bày một cách hữu hình những điều vô hình có thật nơi bản thân chúng ta.

Dường như thời xưa, ma quỉ không có nhiều phương tiện, chỗ ẩn nấp hay mặt nạ hóa thân, nên hay ám người ta cách trực tiếp như các Tin Mừng kể lại. Nhưng ngày nay, lối sống của loài người chúng ta đang cung cấp cho ma quỉ quá nhiều phương tiện, chỗ ẩn nấp và mặt nạ hóa thân: tự do cá nhân, toàn cầu hóa, trò chơi, thú vui đủ loại, phương tiện truyền thông, phim ảnh, khoái lạc, bạo lực, gian dối, tiền bạc, danh vọng, hưởng thụ… Vì thế, hơn bao giờ hết, trong hoàn cảnh hiện nay, con người, nhất là người trẻ, dù không bị ma quỉ ám trong thân xác, nhưng còn nghiêm trọng hơn, bị ám trong tâm trí bởi những điều xấu, những năng động xấu thuộc về ma quỉ, đó là lối sống vô trách nhiệm, vô ơn, đam mê phương tiện và thú vui, hưởng thụ, bạo lực, tự do luyến ái, không có khả năng sống giao ước, chiều theo lòng ham muốn, cảm xúc thấp hèn, vô kỉ luật, không có lí tưởng cao quí, mất hướng đi, không thao thức đi tìm ý nghĩa cuộc sống… Cách ma quỉ ám người ta như thế còn nghiêm trọng hơn, là khi dằn vặt thân xác ở bên ngoài, nghĩa là bị quỉ ám trực tiếp như một số trường hợp mà các Tin Mừng kể lại hay như chúng ta thỉnh thoảng vẫn còn nghe nói ngày nay.

Và Thần ô uế trong trường hợp này không chỉ là một tên, nhưng là cả một đạo binh (x. Mc 5, 9)! Vậy những thần ô uế nào đã từng chi phối và làm chủ bản thân tôi. Trong những trường hợp như thế, tôi cảm nhận và hành xử ra sao, tôi chiến đấu như thế nào và tôi có thể chiến thắng được không?

2. Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa

Khi Đức Giê-su đến, hai người bị quỉ ám chủ động chạy đến với Đức Giê-su và qui hàng: “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây làm khổ chúng tôi sao?” Đó là bởi vì ma quỉ, sự dữ, sự chết, bóng tối bị buộc phải lộ diện và không thể đứng vững khi có sự hiện diện của Đức Giê-su, vì Ngài là Con Thiên Chúa, là sự thiện, là sự sống, là ánh sáng. Vì thế, có người nói và nói rất đúng, là không có thời nào ma quỉ xuất hiện nhiều như vào thời của Đức Giê-su!

Ma quỉ dường như muốn thỏa hiệp với Đức Giê-su và có thể nói, ma quỉ muốn đề nghị với Người ứng xử theo nguyên tắc “nước giếng không phạm nước sông: “Hỡi con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông?” Nhưng Đức Giê-su là sự sống chiến thắng sự chết, vừa được diễn ta bằng biến cố Người vượt qua biển hồ, chiến thắng sóng to gió lớn, vốn là biểu tượng của sự chết. Đức Giê-su đi tới đâu sự chết bị đánh tan đến đó, giống như ánh sáng đánh tan bóng tối. Đức Giê-su còn là Ngôi Lời sáng tạo (x. Ga 1, 3). Theo St 1, Lời Thiên Chúa không chỉ sáng tạo từ hư vô, nhưng còn là đưa trật tự vào cõi hỗn mang, phá tan cái tình trạng hàm hồ bằng cách tách ánh sáng khỏi bóng tối, sự sống khỏi sự chết, nhân tính khỏi thú tính. Thật vậy, khi Ngài nói: “Đi đi!” Chúng (ma quỉ) liền ra khỏi hai người đó và nhập vào bầy heo (thú tính).

Khi kể lại biến cố này trong sách Tin Mừng của mình, thánh sử Mác-cô mời gọi chúng ta nhìn ngắm người được Đức Giê-su giải thoát khỏi thần ô uế: “ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo” (Mc 5, 15). Sự sống và nhân tính của anh được phục hồi, và anh được mời gọi trở về với thế giới của người sống, có tương quan và có văn hóa. Hơn nữa, anh còn được Đức Giê-su trao sứ mạng loan báo tình yêu thương xót của Chúa dành cho anh.

Người bảo: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào.” Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc. (Mc 5, 19-20)

Giống như Israen nói với các dân tộc: Muôn nước hỡi, nào ca ngợi CHÚA, ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người! Vì tình Chúa thương chúng tôi thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm. Ha-lê-lui-a (Tv 117; kinh sáng, III thứ bảy). Sứ mạng của anh rất đơn giản, nhưng lại là chính yếu, đó là làm chứng về lòng thương xót của Chúa dành cho anh. Khi nói đến sứ mạng, chúng ta thường hay nghĩ đến những tài năng lớn và những công việc lớn, và thường hay quên kinh nghiệm căn bản làm nền tảng cho mọi ơn gọi và sứ mạng, đó là được Chúa thương xót, chữa lành và tái sinh. Xin cho chúng ta biết đón nhận ơn huệ này cách sâu đậm đến độ không thể phai nhòa, trong đời sống đức tin và trong hành trình đi theo Đức Ki-tô của chúng ta.

3. Đạo binh ma quỉ và đàn heo

Chúng ta hãy nhìn ngắm hình ảnh rất ngoạn mục : đạo binh qủi, đàn heo, từ sườn núi lao xuống biển và chết hết. Đó chính là nơi chốn và năng động của ma quỉ : thú tính, bạo lực và sự chết ; chứ không phải là nhân tính, hiền lành và sự sống.

Chúa đến giải thoát con người khỏi thần ô uế, khỏi thú tính, khỏi bạo lực và sự chết. Nhưng ở một quan điểm khác, Ngài đến quấy nhiễu trật tự vốn là như thế của con người, của chúng ta, của cuộc đời tôi ; Ngài buộc tôi phải trả giá quá lớn, đến cả “bầy heo” ! Vì thế, người ta kinh ngạc, nhưng cũng thấy sợ hãi, mệt mỏi, phiền hà và mất mát ; nên họ mời Ngài đi nơi khác.

*  *  *

Còn tôi, tôi có ước ao và quảng đại đón nhận Ngài vào cuộc đời và tâm hồn tôi không ? Hay tôi cũng thấy phiền hà, thấy uổng phí đối với những gì tôi phải từ bỏ, và vì thế, muốn mời Người đi nơi khác, để âm thầm sống trong tình trạng quen thuộc của mình, tình trạng hàm hồ, hỗn mang, lẫn lộn nhân tính và thú tính, ánh sáng và bóng tối, sự sống và sự chết ?

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Từ khóa:

tức thì

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận