Đức Maria Nữ Vương

Đăng lúc: Thứ bảy - 22/08/2015 01:54 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Đức Maria Nữ Vương. Lễ nhớ.

"Họ nói mà không làm".

 

Vì cả thân xác cũng đã được biến đổi, Đức Maria trong vinh quang mông triệu đã trở nên thành công tối hậu của công trình cứu chuộc. Nhưng Đức Maria vô cùng diễm lệ đồng thời cũng rất quyền thế bởi vì Người là Thánh Mẫu của Đấng mà “triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. Chính vì thế, từ bao thế kỷ, các tín hữu đã kính chào Mẹ là Đức Nữ Vương, Đấng Trung Gian tối cao của ân sủng.

 

Lời Chúa: Mt 23, 1-12

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: "Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta: còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là "Thầy". Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là "Thầy", vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là "cha", vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là "người chỉ đạo": vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".

 

SUY NIỆM 1: Ðề phòng thái độ giả hình

Theo các văn thư của Ðức Giáo Hoàng Innocentê để lại, thì thời của Ngài, tức thế kỷ 12, là một trong những thời kỳ suy thoái nhất của giáo huấn về đức tin và luân lý: tệ đoan lan tràn khắp nơi, các phe phái quá khích nổi lên, nhiều người phê bình chỉ trích các vị lãnh đạo Giáo Hội vì cuộc sống phản chứng của các ngài. Lúc đó thánh Phanxicô Assisiô xuất hiện, ngài không chỉ trích ai, nhưng ý thức rằng kẻ phải ăn năn sám hối trước tiên là chính ngài; ngài không khoe khoang, không tham lam, không giả hình, nhưng cố gắng sống đạo một cách nghiêm túc; ngài đi cho đến tận cùng trọng cuộc sống nghèo khó, bác ái, phục vụ, khoan dung. Lý tưởng của thánh Phanxicô chẳng mấy chốc đã được nhiều người chia sẻ, Giáo Hội được hồi sinh, nhiều tâm hồn được đổi mới, mùa xuân thiêng liêng được nở rộ nhiều thế kỷ liên tiếp.

Trong giai đoạn hiện nay, mẫu gương của thánh Phanxicô Assisiô thôi thúc chúng ta hơn bao giờ hết.

Tin Mừng hôm nay không phải là một bản án trút xuống một vài thành phần nào đó trong Giáo Hội, mà phải là một lời mời gọi sám hối cho mọi người. Quả thật, Chúa Giêsu không chỉ kết án thái độ giả hình của những biệt phái, mà còn kêu gọi mọi người hãy đề phòng thái độ giả hình ấy. Giả hình là căn bệnh chung của tất cả những ai mang danh Kitô. Thật thế, nếu giả hình là tách biệt giữa niềm tin và cuộc sống, thì có ai trong chúng ta dám tự phụ mình không rơi vào một thái độ như thế? Giả hình vẫn là cơn cám dỗ cơ bản và triền miên trong cuộc sống người Kitô hữu. Khi căn tính Kitô chỉ là một danh xưng mà không được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, khi sinh hoạt tôn giáo chỉ đóng khung trong bốn bức tường nhà thờ, khi lòng đạo đức được thúc đẩy bởi khoe khoang, tự phụ, khi cuộc sống đạo không là lối sống về niềm tin, mà là trở ngại cho nhiều người đến với Chúa và Giáo Hội, phải chăng đó không là một cuộc sống giả hình?

Câu hỏi mà chúng ta không ngừng đặt ra là cuộc sống đạo của tôi có thực sự là một đóng góp vào việc cải tạo một xã hội đang băng hoại về đạo đức và những giá trị tinh thần không? Giáo Hội mà tôi là thành phần, có xứng đáng là điểm tựa đạo đức cho nhiều người không?

Xin Chúa soi sáng hướng dẫn chúng ta để chúng ta không ngừng nhìn lại bản thân và nhận ra những thiếu sót lầm lỡ trong cuộc sống đạo, ngõ hầu từ đó chúng ta quyết tâm vươn lên mỗi ngày trên đường theo Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Trung Thực Với Lời Nói

Những lời khiển trách của Chúa Giêsu đối với các kinh sư, những nhà thông thái Kinh Thánh biết rõ về Luật Môsê để giảng dạy cho dân chúng được hướng tới hai tật xấu quan trọng là giả hình và khoe khoang. Giả hình vì nếp sống cụ thể của họ không phù hợp với những gì họ giảng dạy cho dân chúng. Họ nói mà không làm, họ giải thích Luật Môsê cách tỉ mỉ nhưng là để cho kẻ khác tuân giữ còn họ thì không thèm động ngón tay vào đó. Thật ra không phải là họ không tuân giữ, vì họ luôn ăn chay, bố thí cho đền thờ, họ cầu nguyện, họ đọc Kinh Thánh. Nhưng họ làm tất cả những điều này để làm cho người ta trông thấy, để được khen thưởng, được danh lợi. Họ làm những điều tốt lành đó là để khoe khoang, là để được người khác nhìn thấy, là để được tranh hơn thiệt, để được chỗ ngồi danh dự, để được gọi là thầy, đó là họ thực hành những hình thức bên ngoài và không có tinh thần tôn thờ và yêu mến Chúa nơi chính họ. Chúa Giêsu trách những kinh sư và biệt phái như thế là để cảnh tỉnh các môn đệ đừng đi vào con đường không tốt.

Việc người thì sáng, việc mình thì quáng. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy và phơi bày những tật xấu của anh chị em nhưng lại làm ngơ hoặc che dấu những tật xấu của chính mình. Trước đó, Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh các môn đệ Người như sau: "Nếu sự công chính của các con không hơn sự công chính của các kinh sư và những biệt phái, thì các con sẽ không được vào Nước Trời; các con đừng để ai gọi mình là Thầy, vì chỉ có một Thầy, còn tất cả các con là anh chị em với nhau". Cộng đoàn các môn đệ chỉ có một Chúa Giêsu là Thầy và một Thiên Chúa là Cha. Chúng ta nên lưu ý đoạn Tin Mừng này không có ý chối bỏ quyền hành trong cộng đoàn những đồ đệ, nhưng chỉ chống lại lòng ham quyền, ham danh, lạm dụng địa vị để phục vụ cho cái tôi cao ngạo của mình. Những con người ham quyền ham danh như vậy muốn chiếm chỗ của Thiên Chúa trong tâm hồn anh chị em.

Chúa Giêsu không loại bỏ tác vụ phục vụ cộng đoàn để hướng dẫn cộng đoàn: "Ai nghe các con là nghe Thầy", nhưng Chúa muốn lưu ý rằng những thừa tác viên của Chúa có trách nhiệm đối với cộng đoàn cần sống nêu gương cho anh chị em, thực hành trung thực những gì mình rao giảng.

"Ai làm lớn trong các con phải là kẻ phục vụ cho tất cả". Quyền hành trong cộng đoàn những kẻ tin Chúa là quyền thừa tác nhân danh Chúa và phục vụ anh chị em, giúp anh chị em đến với Chúa chứ không phải là để cho quyền hưởng lợi cá nhân. Tất cả mọi thành phần trong cộng đoàn, những đồ đệ đều phải hướng về cùng một điểm trung tâm duy nhất là Thiên Chúa Cha và sống hiệp nhất, hiệp thông với nhau trong Chúa Kitô.

Lạy Chúa,

Xin giải thoát các con khỏi cám dỗ sống giả hình, khoe khoang. Xin thương củng cố chúng con tất cả trong ơn gọi và sứ mạng riêng biệt của mình nơi cộng đoàn dân Chúa. Xin đổ tràn ơn Chúa Thánh Thần xuống trên các con, giúp các con hiểu biết và yêu mến Chúa hết lòng và dấn thân hết sức mình phục vụ lẫn nhau vì yêu mến Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Phục Vụ Người Khác.

Bấy giờ Đức Giêsu nói với đám đông và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ của họ mà làm, vì họ nói mà không làm.

Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên. (Mt. 23, 1-3. 12)

Chúa nhấn mạnh: “Người lớn hơn cả phải là người phục vụ anh em” lần thứ nhất, Người nói với các môn đệ: “Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mt. 18, 4) Khi Phê-rô lên tiếng thay cho các tông đồ hỏi: “Chúng con sẽ được gì?” Đức Giêsu đáp: “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, nhiều kẻ đứng hàng chót sẽ được lên đầu.” (Mt. 19, 30). Rồi Người kết thúc dụ ngôn thợ làm vườn nho thế này: “Thế là kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và những kẻ đứng hàng đầu sẽ đứng chót.” (Mt. 20, 16). Sau đó một chút, Đức Giêsu còn nhắc lại: “… Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải là người phục vụ anh em. Ai muốn làm đầu giữa anh em, thì phải là người phục vụ anh em. Ai muốn làm đầu giữa anh em, thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt. 20, 26-27) Chúa lên Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng, người lại kêu gọi các tông đồ: Ai giầu có về tài năng, về sáng kiến, về thông minh, về tấm lòng, phải làm đầy tớ! vì chính con người, đứng hàng đầu phải làm người đứng chót! “Chính con người đến để phục vụ, chứ không để được phục vụ, và thí mạng sống mình” (Mt. 20, 28).

Chỉ cho tiền …

Đức Giêsu khiển trách Pha-ri-sêu và luật sĩ thời đó, và cả thời chúng ta nữa: không giúp đỡ anh em! càng giầu, người ta càng phải cho đi! cho đi tiền của có thể là một lăng nhục, nếu người ta chỉ vì cậy có tiền.

Tiền không diễn tả được sự hy sinh hiến thân, tiền của giầu sang không làm cho ai hài lòng, bởi vì khi cho tiền, họ lại trở nên kẻ biển lận mà họ có.

Chúng ta cần lưu ý Chúa luôn luôn nói với những người giầu: chính họ cần thiết phải sống theo Tin Mừng … Vậy người ta có can đảm dùng mọi của cải giầu có, dùng mọi quyền thế đề phục vụ người nghèo vì thực thi Tin Mừng không?

J.M
 

ĐỨC MARIA TRINH NỮ VƯƠNG

Ngày 1 tháng 11 năm 1954, bốn năm sau khi tuyên bố tín điều Đức Maria hồn xác về trời, Đức Thánh Cha Piô XII đã long trọng đội triều thiên lên tượng Đức Trinh Nữ là "sự cứu rỗi của dân Roma". Đây là cử chỉ tượng trưng biểu thị sự công bố về vương quyền phổ quát của Đức Mẹ Maria.

Đoàn người đông đảo đứng chật quảng đường đền thờ thánh Phêrô, nhân danh cả hoàn cầu, dâng cao niềm hoan hỉ.

Đức Thánh Cha cầm những vòng vàng dát đá quí từ khắp thế giới gởi về, để đặt trên đầu tượng Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Ngài nói: "Xin Mẹ cai quản trên Giáo hội, trên mọi trí khôn, mọi cõi lòng, mọi cá nhân, mọi gia đình cũng như mọi xã hội và mọi quốc gia, trên mọi cộng đoàn, những người quyền thế. Xin mẹ hãy cai trị trên mọi nẻo đường và mọi quảng trường, trong thành thị và chốn thôn quê, trên nền trời, cũng như trên mặt đất và cả biển khơi."

Ngài còn nói: "Vương quyền của Đức Maria là một thực tại siêu vượt thế trần, đồng thời lại thấm nhập mọi cõi lòng và chạm tới phần cốt yếu sâu thẳm nhất có tính cách siêu nhiên và bất tử nhất của con người."

Đức Maria là Mẹ thánh, tước hiệu này khiến cho Mẹ được đặc ân không bị thương tổn vì tội lỗi. Vô nhiễm nguyên tội, Mẹ cũng không bị thương tổn vì sự chết. Khi kết thúc cuộc đời trần gian cũng như từ những lời đầu tiên buổi truyền tin, mẹ là tuyệt đỉnh của nhân tính bất khả xâm phạm luôn hiệp nhất với Ngôi Lời để hoàn tất công cuộc cứu rỗi thế gian. Không một ý tưởng, hành vi nào của Mẹ lại rời khỏi con Mẹ trong việc chinh phục bản tính nhân loại và việc chinh phục vũ trụ.

Trong kinh lạy Nữ Vương chúng ta xưng tụng "Thân lạy Nữ Vương, lạy Mẹ từ bi, Mẹ là sự sống, sự ngọt ngào và hy vọng của chúng con”. Mẹ Maria được xưng tụng như Esther trong Cựu Ước đã cứu dân ra khỏi hoạ diệt vong, Nữ Vương có mọi quyền hành bên Đức Vua và là Đấng bầu cử linh thiêng nhất bên cạnh Đức Vua. Ngày nay, những lời ca tụng Đức Mẹ hướng về vẻ đẹp tuyệt mỹ của Đức Mẹ và uy quyền của Mẹ bên ngai tòa Chúa Giêsu. Mẹ là hoa quả tuyệt vời của ơn cứu rỗi và là hoa trái tuyệt mỹ của thập giá Chúa Giêsu "Một người nữ mình mặc áo mặt trời, chân đạp vầng trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). Mẹ Maria là người Mẹ đầy uy quyền trước mặt Chúa: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo" (Ga 2,5).

Lễ Mông Triệu (Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời) kéo dài một tuần đến lễ Đức Trinh Nữ Vương, lễ này cho thấy Đức Mẹ Maria sáng chói như Nữ Hoàng và như Bà Mẹ, Ngài là Đấng cầu bầu cho chúng ta bên cạnh Đức Vua muôn thuở.” (Marialis cultus, 6)

Lạy Chúa, Chúa đã đặt Thánh Mẫu của Đức Kitô Con Chúa làm Thánh Mẫu và Nữ Vương chúng con. Xin nhận lời Đức Nữ Vương chuyển cầu mà cho chúng con đạt tới phúc vinh quang Chúa dành sẵn trên trời cho con cái Chúa. (Lời nguyện nhập lễ, lễ Đức Maria Nữ Vương)

 

Lời kinh “Salve Regina - Lạy Nữ Vương”

 

Lời kinh thắm thiết cầu khấn cùng Đức Mẹ Maria - ngoài kinh Kính mừng Maria - mà Kitô hữu đọc hầu như thuộc lòng là kinh “SalveRegina - Lạy Nữ Vương”.

LATINH

Salve, Regina, Mater misericordiae,
vita, dulcedo, et spes nostra, salve. 
ad te clamamus exsules filii 
Evae,
ad te suspiramus, gementes et flentes
in hac lacrimarum valle.

Eia, ergo, advocata nostra, illos tuos
misericordes oculos ad nos converte;
et Jesum, benedictum fructum ventris tui,
nobis post hoc exsilium ostende.
O clemens, O pia, O dulcis Virgo Maria.”


TIẾNG VIỆT

(Kinh Phụng Vụ - Kinh Tối)

Kính chào Đức Nữ Vương,
Bà là Mẹ xót thương,
Ngọt ngào cho cuộc sống,
Kính chào lẽ Cậy Trông.

Này con cháu E-và,
Thân phận người lưu lạc,
Chúng con ngửa trông Bà,
Kêu Bà mà khóc lóc,
Than thở với rên la
Trong lũng đầy nước mắt.

Bà là Nữ Trạng Sư,
Nguyện đưa mắt nhân từ
Phía đoàn con ngoái lại,
Và sau đời khổ ải,
Xin Bà khứng tỏ ra,
Cho đoàn con được thấy
Quả phúc bởi lòng Bà:
Đức Giê-su khả ái.

Ôi lượng cả khoan hồng,
Ôi tấm lòng xót thương,
Ôi dịu hiền nhân hậu,
Trinh Nữ Ma-ri-a.

(Bản phổ thông)

Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành
làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy.
Thân lạy Mẹ, chúng con, con cháu E-và
ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà;
Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương.
Hỡi ôi! Bà là Chủ bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con.
Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu,
Con lòng Bà gồm phúc lạ.
Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh.

Đâu là nguồn gốc xuất xứ cùng ý nghĩa Lời kinh cảm động này?

Lời kinh Salve Regina do Thầy Hermann der Lahme, Dòng Bênêđíctô ( + 1054), người Đức viết ra bằng tiếng latinh ở Tu viện Reichenau vùng Bodensee miền Nam nước Đức.

Thầy Hermann ngay từ hồi thanh thiếu niên đã bị tàn tật. Nhưng thầy được Chúa ban cho khả năng trí khôn thông minh. Thầy ham mê đọc sách, nghiên cứu và làm thơ văn, nhưng cầu nguyện vẫn luôn là nhịp sống cần thiết cho đời sống mà thầy hằng chú tâm chăm sóc.

Sống trong tu viện khổ tu, nhưng thầy kiên trì học hành và nghiên cứu môn Thần học cùng môn Toán học tường tận, và trở thành nhà Thần học cùng là nhà chuyên môn về Toán học. Ngoài ra thầy còn nghiên cứu thêm về môn Lịch sử, môn Thiên văn. Chưa hết, thầy còn có tài năng sáng tác âm nhạc. Như thế, thầy tuy là một người tàn tật, nhưng có nhiều tài năng thiên phú ẩn chứa trong con người của thầy.

Có nhiều tài năng thiên bẩm, nhưng vì bị tàn tật nên không thể tự mình làm được cả những điều căn bản cần thiết cho đời sống hằng ngày. Cuộc sống trở nên lệ thuộc vào sự giúp đỡ của anh em trong Dòng, của người khác. Và như thế lâu dài trở nên gánh nặng cho họ. Dù nhà Dòng rất kính trọng yêu mến Thầy, cùng sẵn sàng giúp thầy sống trọn vẹn ơn gọi tu sĩ, nhất là giúp thầy phát triển tài năng Chúa ban cho thầy!

Trong những giờ phút đau khổ như thế bài kinh cầu khẩn Salve Regina được cưu mang thai nghén và chào đời trong tâm hồn một thầy dòng tàn tật tên Hermann.

Thầy Hermann đã đọc kinh Kính mừng Maria - Ave Maria hằng ngày, hằng giờ, nên khi cảm hứng sáng tác kinh cầu nguyện thầy đã mượn lời Thiên thần Gabriel chào Đức Mẹ Maria là Nữ Vương: Salve Regina!

Đức Mẹ Maria có phải là nữ vương?

Chúa Giêsu trước mặt quan tổng trấn Philatô đã quả quyết: Phải, tôi là Vua! Và trên đầu thập giá Chúa Giêsu, có bảng viết: Giêsu Nadareth, Vua dân Do Thái!

Đức Mẹ Maria sau quãng đời sống trên trần gian đã được Chúa Giêsu, con của Mẹ, đưa về trời cả hồn lẫn thân xác. Vì thế, trên thiên quốc, Đức Mẹ là Nữ Vương.

Thầy Hermann qua đó muốn diễn tả tâm tư của mình: “Salve Regina - Kính chào Mẹ nữ vương trời đất!” Lời chào này không do Thiên thần hay sứ giả nào nói, nhưng do thầy dòng tàn tật Hermann nói thân thưa với Đức Mẹ Maria.

Xưng tụng Đức Mẹ Maria là Mẹ, thầy vẫn cảm thấy chưa đủ hết tấm lòng của một người mẹ. Nên thầy thêm vào lời xưng tụng “Mẹ nhân lành - Mẹ xót thương” và còn hơn nữa “đời sống chúng con được vui được cậy”.

Qua những xưng tụng đó, thầy Hermann muốn nói lên tâm tình tin tưởng:

  • Đức Mẹ Maria không là trung gian cho sự chết. Nhưng phù trợ cho sự sống

  • Đức Mẹ Maria không chối từ sự cay đắng đau khổ. Nhưng khi cầu nguyện ta tìm nhận ra nơi Đức Mẹ nhân lành nguồn vui an ủi cho đời sống.

  • Đức Mẹ Maria không chỉ giúp cho đời sống trong một lúc khoảnh khắc ngắn ngủi gặp đau khổ, nhưng Đức Mẹ là người cùng đồng hành trung thành hướng dẫn cho đời sống tìm đến nguồn hy vọng nơi Thiên Chúa tình yêu thương.

  • Đức Mẹ Maria được đưa về trời cả hồn lẫn thân xác bên ngai Thiên Chúa. Đó cũng là đích điểm của con người chúng ta mai sau cũng mong được về bên ngai Thiên Chúa.

  • Con người chúng ta còn đang là lữ khách ở trần gian, nên còn mang trong mình hậu qủa của tội nguyên tổ của Ông Bà Adong Evà. Đó là những đau khổ, bệnh tật, yêu đuối giới hạn cả về thân xác lẫn tinh thần.Vì thế, trần gian được gọi là nơi chốn thung lũng đầy nước mắt.

Thầy Hermann đã có cảm nghiệm này từ chính nơi đời sống riêng của mình về sự yếu hèn của khiếm khuyết, của tật nguyền nơi thân thể. Nên qua đó thầy khao khát mong ước một đời sống tốt đẹp hơn, một đời sống vĩnh cửu. Điều khao khát mong ước đó, thầy đặt niềm hy vọng nơi Đức Mẹ Maria, Đấng là Trạng sư bầu chữa cho mình trước ngai tòa Chúa.

Lời kinh Salve Regina do Thầy Hermann viết ra thành chữ, thoát ra từ tận sâu thẳm tâm hồn của một đời sống chịu đựng tàn tật về thân xác cũng như yếu đuối giới hạn về trí khôn tinh thần.

Lời kinh Salve Regina không vẽ hay tô điểm một hình ảnh bi quan đen tối về đời sống. Nhưng tràn đầy niềm hy vọng của chính Thầy Hermann. Và đấy cũng là hy vọng của mọi Kitô hữu.

Lời kinh Salve Regina đã gợi hứng cho rất nhiều nhạc sĩ từ xưa đến nay viết thành những tấu khúc lớn nhỏ khác nhau và rất danh tiếng, nhất là vào thời Trung Cổ cho đến thời cận đại như Henri Dumont, G.F. Händel, Franz Liszt, Franz Schubert, Pierre de la Ruy… Vào thế kỷ 18, Kinh Lạy Nữ Vương đã trở thành trọng tâm của cuốn sách Thánh Mẫu học của Thánh Alphonsô Liguori - một vị Thánh Tiến sĩ Hội thánh.

 

Lời kinh Salve Regina trở thành lời kinh cầu nguyện không chỉ trong khuôn viên những tu viện, nhà dòng đọc hát vào giờ Kinh Chiều hay giờ Kinh Tối. Nhưng đã trở thành lời kinh trong “kho tàng” về kinh cầu nguyện của Giáo Hội, phổ thông cho mọi tín hữu, và người Công Giáo tại Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận