Thánh Mácximilianô Maria Kônbê

Đăng lúc: Thứ sáu - 14/08/2015 02:13 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ sáu tuần 19 thường niên - Thánh Mácximilianô Maria Kônbê, linh mục, tử đạo. Lễ nhớ.

"Vì lòng chai đá của các ngươi mà Môsê đã cho phép các ngươi rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy".

 

Thánh nhân sinh ngày 8 tháng 1 năm 1894 tại Ba Lan. Người gia nhập Dòng Anh Em Hèn Mọn và năm 1918 thụ phong linh mục tại Rôma. Đầy lòng yêu mến nồng nàn đối với Đức Trinh Nữ Maria Thánh Mẫu Thiên Chúa, người lập một hội đạo đức lấy tên là “Đạo binh Đức Maria Vô Nhiễm”. Hội này đã được truyền bá rộng rãi cả ở quê hương của người lẫn ở nhiều miền khác. Người đã đến Nhật Bản để truyền giáo, hăng say loan báo đức tin Kitô giáo dưới sự chăm sóc và bảo trợ của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Khi đã trở về Ba Lan, người phải chịu biết bao cơ cực, nhọc nhằn một thời gian dài trong trại tập trung Ốt-suýt vì chính sách kỳ thị chủng tộc. Người đã hiến dâng mạng sống mình làm lễ toàn thiêu vì lòng bác ái ngày 14 tháng 8 năm 1941.

Râymunđô Kolbê sinh năm 1894 tại Ba Lan. Ngài gia nhập dòng Phanxicô năm 1907 và nhận tên là Maximilianô. Maximilianô rất yêu mến ơn gọi của mình, đặc biệt thánh nhân rất yêu mến Mẹ Maria. Thánh nhân đã thêm thánh danh “Maria” vào tên của ngài khi tuyên khấn trọng thể vào năm 1914. Cha Maximilianô Kolbê Maria tin rằng thế giới của thế kỷ thứ 20 này cần đến sự bảo trợ và hướng dẫn của Đức Mẹ. Cha đã dùng các phương tiện báo chí để làm cho thánh danh Mẹ được mọi người nhận biết. Maximilianô Maria và các anh em dòng Phanxicô hàng tháng đã xuất bản hai bản tin về Đức Mẹ và gởi tới các độc giả khắp nơi trên thế giới.

Đức Mẹ đã chúc lành cho công việc của cha Maximilianô Maria. Cha đã xây một trung tâm Thánh Mẫu lớn ở Ba Lan. Trung tâm này được gọi là “Đô Thành Mẹ Vô Nhiễm.” Vào năm 1938, đã có tới 800 tu sĩ Phanxicô sống và truyền bá lòng yêu mến Đức Mẹ tại nơi đây. Cha Kolbê cũng thiết lập một Đô Thành Mẹ Vô Nhiễm nữa tại Ấn Độ. Vào năm 1939, đảng Quốc xã xâm chiếm Đô Thành Mẹ Thiên Chúa ở Ba Lan. Họ đã bắt mọi người phải ngưng công việc tốt đẹp này. Đến năm 1941, đảng Quốc xã bắt giam cha Kolbê. Họ giam ngài trong một trại lao động khốn khổ tại Auschwitz.

Cha Maximilianô Kolbê bị giam tại Auschwitz được ba tháng thì có một tù nhân vượt ngục. Đảng Quốc xã liền bắt các tù nhân còn lại phải trả giá cho vụ đào tẩu đó. Họ đã chọn ngẫu nhiên mười tù nhân để bắt xuống hầm giam và bỏ đói cho chết. Hết mọi tù nhân đều đứng nghiêm lặng trong khi mười người bị lôi ra khỏi hàng. Một tù nhân đã có gia đình, là người bị chọn, bấy giờ lên tiếng xin tha mạng vì đàn con của ông. Cha Maximilianô Kolbê, không phải là người bị chọn, đã nghe biết và cảm thấy xúc động mạnh đến nỗi ngài quyết định giúp người bạn tù kia. Maximilianô Kolbê tiến lên phía trước và hỏi anh chỉ huy xem liệu ngài có thể thay thế chỗ của anh bạn tù đáng thương này không. Và người chỉ huy chấp nhận đề nghị của cha Maximilianô Kolbê.

Thế rồi, cha Maximilianô Kolbê và các tù nhân khác bị giải xuống hầm giam. Họ chỉ sống được vài ngày vì thiếu thực phẩm và nước uống. Cha Maximilianô Kolbê đã giúp đỡ và an ủi từng người một. Và lần lượt chín người đã chết, cha Maximilianô Kolbê là người cuối cùng. Người ta đã tiêm cho Maximilianô Kolbê một mũi thuốc phenon (acid carbolic) và đã kết thúc cuộc đời của ngài hôm 14 tháng Tám năm 1941. Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã tôn phong cha Maximilianô Kolbê Maria lên bậc hiển thánh và tuyên nhận ngài là thánh tử đạo năm 1982.

Thánh Maximilianô Kolbê Maria là vị thánh anh hùng đã hiến mạng sống mình cho người khác được sống. Thánh nhân là người đặc biệt như vậy vì ngài là bạn rất thân thiết của Đức Maria. Chúng ta cũng sẽ là những bạn thân của Đức Maria nếu chúng ta hết lòng tôn kính và cầu khẩn với Mẹ.

 

Saints for Young Readers for Every Day
Susan Helen Wallace, FSP (Nữ Tử Thánh Phaolô)
Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ
Đa Minh M. Nguyễn Phúc Lộc, CMC, dịch

 

Lời Chúa: Mt 19, 3-12

Khi ấy, có những người biệt phái đến cùng Chúa Giêsu và hỏi thử Người rằng: "Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lẽ gì không?" Người đáp: "Nào các ông đã chẳng đọc thấy rằng: Từ thuở ban đầu, Tạo Hoá đã dựng loài người có nam có nữ, và Người đã phán: Bởi thế nên người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thân xác? Cho nên họ không còn là hai, nhưng là một thân xác. Vậy điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly". Họ hỏi lại: "Vậy tại sao Môsê đã truyền cấp tờ ly hôn mà cho rẫy vợ?" Người đáp: "Vì lòng chai đá của các ông mà Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy. Tôi bảo các ông rằng: Ai rẫy vợ, trừ nố gian dâm, và đi cưới vợ khác, thì phạm tội ngoại tình. Và ai cưới người đã bị rẫy, cũng phạm tội ngoại tình".

Các môn đệ thưa Người rằng: "Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì tốt hơn đừng cưới vợ". Người đáp: "Không phải mọi người hiểu được điều ấy, nhưng chỉ những ai được ban cho hiểu mà thôi. Vì có những hoạn nhân từ lòng mẹ sinh ra, có những hoạn nhân do người ta làm nên, và có những người vì Nước Trời, tự trở thành hoạn nhân. Ai có thể hiểu được thì hiểu".

 

SUY NIỆM 1: Vấn Ðề Ly Dị

Vào thời Chúa Giêsu, dựa trên luật Môsê được ghi lại trong sách Tl 14, 1-4, thì mọi trường phái giải thích luật đều phải nhìn nhận việc ly dị, nhưng có điểm khác nhau về lý do ly dị. Trường phái Hillel cho phép ly dị vì bất cứ lý do gì, còn trường phái Shammai gắt gao hơn, chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình mà thôi. Những người Biệt phái đến chất vấn Chúa Giêsu như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay, không phải về việc có được phép ly dị hay không, nhưng về lý do của việc ly dị: họ muốn Chúa Giêsu phải chọn một trong hai lập trường: hoặc cho phép ly dị vì bất cứ lý do gì, hoặc chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình.

Trong câu trả lời, Chúa Giêsu không theo lập trường của con người, không đứng về nhóm nào, nhưng Ngài kêu gọi trở về với chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa khi tạo dựng con người: "Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly". Ðời sống hôn nhân và gia đình giữa người nam và người nữ là một định chế do chương trình của Thiên Chúa khi tạo dựng con người, chứ không do con người thiết định. Môsê cho phép ly dị vì chiều theo lòng dạ chai đá của dân chúng, chứ ngay từ đầu không có như vậy.

Chứng kiến cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người Biệt phái, các môn đệ phản ứng: "Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì thà đừng lấy vợ còn hơn". Trong câu trả lời, Chúa Giêsu cho các ông biết là cần phải có ơn Chúa, con người mới có thể hiểu rõ ơn gọi cao cả của đời sống hôn nhân cũng như của đời sống độc thân trinh khiết vì Nước Trời. Bậc sống độc thân hoặc lập gia đình, không phải thuần túy tùy thuộc ý định con người, nhưng là một ơn ban đến từ Thiên Chúa. Nếu không tin có Thiên Chúa và bị ảnh hưởng của tinh thần thế tục, con người sẽ không hiểu giá trị cũng như không thể sống trọn vẹn ơn gọi độc thân hoặc lập gia đình. "Ai có thể hiểu được thì hiểu", ơn ban của Thiên Chúa tùy thuộc tự do của con người. Con người thời nay đã lạm dụng tự do để quyết định những điều nghịch lại chương trình của Thiên Chúa. Con người đã trần tục hóa cả bậc độc thân lẫn bậc hôn nhân và gia đình. Tất cả đều được phép, kể cả việc hai người cùng phái tính được luật pháp cho phép sống với nhau như vợ chồng, để rồi tình thương của cha mẹ đối với con cái trong trường hợp nào cũng bị hạ thấp.

Người Kitô hữu chúng ta đừng để mình bị cám dỗ chạy theo tâm thức trần tục. Giải pháp cho vấn đề không phải là luật lệ do con người đặt ra, nhưng là tình thương, là trở về với Thiên Chúa và chương trình nguyên thủy của Ngài khi tạo dựng con người. Ðiều này đòi hỏi nhiều cố gắng hy sinh, nhưng đó là bí quyết để con người sống trọn ơn gọi của mình và đạt hạnh phúc vĩnh cửu. Chúng ta đừng sợ cố gắng hy sinh, bởi vì Thiên Chúa sẽ trợ giúp chúng ta, nếu chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận Ngài và để Ngài hướng dẫn cuộc đời chúng ta.

Xin Chúa canh tân tình yêu chúng ta, cho tình yêu chúng ta hòa nhập vào tình yêu thần thiêng của Chúa, để chúng ta sống trọn vẹn ơn gọi của chúng ta theo đúng chương trình của Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Thủy Chung Trong Hôn Nhân (Mt 19,3-12)

Cách đây vài năm, không những hai miền nam bắc Triều Tiên mà có lẽ cả thế giới cùng khóc trước cảnh tượng hai trăm người già của từ hai miền của đất nước bị chia cắt từ năm mươi năm nay gặp lại nhau, ôm chầm lấy nhau, chan hòa trong tiếng khóc và niềm vui đoàn tụ. Theo thống kê, có khoảng ít nhất bảy triệu gia đình Nam Hàn có liên hệ máu mủ với Bắc Hàn. Trừ một số nhỏ đã được đoàn tụ tại những nước thứ ba, phần lớn các gia đình Triều Tiên đều bị ly tán kể từ cuộc chiến tranh nam bắc hồi năm 1953. Gia đình đổ vỡ và ly tán vẫn là một trong những nỗi đau lớn nhất trong cuộc sống con người.

Không riêng gì chiến tranh, nạn ly dị mà chúng ta đang chứng kiến trong hầu hết các xã hội đương đại đã và đang là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vết thương khó hàn gắn nhất trong lòng người. Gia đình đứng vững, xã hội mới ổn định. Nhưng gia đình chỉ có thể đứng vững khi được xây dựng trên ý muốn của Ðấng Tạo Hóa về định chế hôn nhân mà thôi. Ðây là đạo lý mà Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta cùng nhau ôn lại qua đoạn Tin Mừng hôm nay.

Câu hỏi mà những người biệt phái đặt ra cho Chúa Giêsu gợi lại cuộc tranh luận giữa các trường phái Do Thái về luật cho phép ly dị được Môsê qui định trong sách giới luật. Luật Môsê cho phép người đàn ông bỏ vợ, nếu tìm thấy nơi vợ một thứ tì ố kín đáo nào đó. Các trường phái có khuynh hướng phóng khoáng giải thích rằng nếu một người chồng gặp một người đàn bà khác đẹp hơn và nhận thấy vợ mình xấu xí đến độ nhờm tởm, người đàn ông ấy được phép bỏ vợ. Những người có chủ trương nhiệm nhặt thì cho rằng một tì ố đáng khinh tởm nơi người vợ chỉ có thể là hành động ngoại tình mà thôi.

Như vậy, đặt câu hỏi cho Chúa Giêsu, các biệt phái chỉ có ý gài bẫy Ngài, họ muốn Ngài phải đứng hẳn về một trong hai lập trường trên đây. Nhưng Chúa Giêsu đã tránh được cái bẫy do các biệt phái cài ra khi tuyên bố rằng Ngài hoàn toàn chống lại việc ly dị, dù bất cứ lý do nào. Trích dẫn sách Khởi Nguyên, Chúa Giêsu chứng minh rằng ngay từ đầu, Thiên Chúa muốn rằng vợ chồng phải nên một với nhau như một thể xác. Ðây là ý muốn minh thị của Chúa. Không có quyền bính nào trên trần gian này có thể đảo lộn ý muốn ấy của Ðấng Tạo Hóa. Qua khẳng định này, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng hôn phối không chỉ là một giao ước giữa người nam và người nữ, mà còn là một thể hiện của chính ý muốn của Ðấng Tạo Hóa. Duy chỉ có ý muốn của hai người phối ngẫu chưa đủ để làm nên hôn phối, mà còn phải có ý muốn của chính Thiên Chúa. Nên vợ nên chồng không phải là nên một với nhau, mà còn là nên một với Thiên Chúa, hay đúng hơn, chỉ trong Thiên Chúa, hai người phối ngẫu mới thực sự nên một với nhau. Do đó, phá vỡ hôn ước, ly dị không chỉ là xé bỏ giao ước giữa hai con người, mà chính là chối bỏ chính Thiên Chúa.

Tựu trung, ly dị hay ngoại tình là phản bội chính Thiên Chúa; Khi Thiên Chúa bị loại ra khỏi tâm hồn thì dĩ nhiên con người cũng sẽ dễ dàng phản bội và loại trừ người khác. Và ngược lại, mỗi lần chúng ta phản bội hay loại trừ tha nhân, chúng ta cũng xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Con người mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa một cách thâm sâu đến độ xúc phạm đến con người là xúc phạm đến Thiên Chúa; và chối bỏ Thiên Chúa cũng đồng nghĩa với chối bỏ con người. Suy gẫm về sự thủy chung trong đời sống hôn nhân, chúng ta cũng nghĩ đến tình yêu trong mọi quan hệ giữa người với người. Về điểm này, lời của thánh Gioan nên được chúng ta tâm niệm và đem ra thực hành: Thiên Chúa là Tình Yêu, ai sống trong tình yêu, người đó sống trong Thiên Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Người ngoại tình.

Những người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giêsu để thử Người. Họ nói: “Thưa Thầy, cò được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này sao: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ,” Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt. 19, 3-4. 6)

“Những người biệt phái bày điên rồ” Ôbelix nói thế. Từ khi họ thử gài bẫy Đức Giêsu, họ biết họ thất bại vì Đức Giêsu luôn trưng Thánh Kinh để trả lời họ.

Hạng đực rựa. (Le mâle)

Đoạn này cho ta thấy xã hội đực rựa thời đó. Chỉ có đàn bà là kẻ phạm tội ngoại tình, bị dãy bỏ. Đàn ông không có tội gì! giờ đây Đức Giêsu nhắc nhở họ phải tôn trọng người nữ, bình đẳng trước pháp luật và đàn ông cũng phải có trách nhiệm “ Kẻ dẫy vợ cũng phạm tội như kẻ cưới người đàn bà bị dẫy bỏ.”

Người ta thấy các tông đồ phản ứng: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ thì hơn.”

Ngày nay cũng không khác gì thời Đức Giêsu người ta không nói đến dẫy vợ nữa, nhưng nói đến ly dị, không bàn tán đến kết hôn nữa, nhưng nói đến tự do sống chung.

Người nam.

Giáo huấn của Đức Giêsu chính là luật tự nhiên. Sự kết hợp giữa hai người để xây dựng tốt hơn: hoàn toàn tôn trọng nhau. Đàn ông hay đàn bà không phải là máy móc để hành lạc hay con rối kỳ cục để thỏa mãn. Thời các tông đồ phản ánh ít nhiều thế. Chúa đã nhắc nhở họ nhớ đến phẩm giá là người. Thời đại chúng ta hầu như theo cái thứ luân lý buông thả. Chúa nhắc nhở chúng ta nhớ đến luật thương yêu tôn trọng lẫn nhau.

Chúa còn đi xa hơn về đời sống độc thân tự nguyện, phải kính trọng người khác và bản thân mình! Chúa không nghĩ phải khấn bậc tu trì. Nhưng, thời người đã có những người đáp lại tiếng gọi trở nên chứng nhân của đời sống vĩnh cửu, trường tồn.

J.M

SUY NIỆM 4

1. Chồng có được phép rẫy vợ không?

Một số người Pharisiêu đến hỏi Đức Giêsu: “chồng có được phép rẫy vợ không?” Ngày nay, cả hai vợ chồng đều được mời gọi chia sẻ bổn phận lo cho đời sống gia đình, tùy theo khả năng và hoàn cảnh; vì thế, câu hỏi này phải được nói lại như sau: vợ chồng có được phép bỏ nhau không? Bởi vì, ngày nay, người vợ cũng có thể chủ động bỏ chồng của mình!
Những người Pharisiêu hỏi như thế là để thử Đức Giê-su. Thử, nghĩa là đặt người khác vào trong một tình huống khó khăn, để xem người này có nói sai hay hành động sai hay không nhằm kết án. “Thử” ở đây tương đương với hành động giăng bẫy. Và câu hỏi của những người Pharisiêu thực sự là một cái bẫy chết người; thực vậy, nếu Ngài trả lời không được phép, Ngài sẽ nói ngược với Luật Môsê, mà Luật Mô-sê đến từ chính Thiên Chúa; nếu trả lời được phép, Ngài sẽ trở thành người đồng lõa với tệ nạn lạm dụng sự cho phép của Lề Luật để bỏ nhau, một cách vô trách nhiệm và gây hậu quả sâu rộng, trong thực tế.

2. Sự Dữ và Lề Luật

Quả thật, có điều luật, được viết trong sách Đệ Nhị Luật, đòi buộc phải làm giấy li hôn, trong trường hợp li dị (x. Đnl 24, 1). Đặt vào bối cảnh lịch sử, thực ra, đó là một luật tiến bộ, đặc biệt theo hướng tôn trọng người phụ nữ: thay vì đuổi vợ bừa bãi, thì người chồng phải viết chứng thư, trao tận tay để nàng có thể làm lại cuộc đời. Nhưng Đức Giêsu, một cách thật bất ngờ, mặc khải cho người nghe thực trạng mà từ đó luật được ban hành, thực trạng mà Đức Giêsu gọi là “lòng chai dạ đá” của con người. Luật được ban, điều này có nghĩa là “cái xấu”, sự dữ đã có mặt. Chẳng hạn luật cấm giết người, điều này có nghĩa là người ta đã giết người trong thực tế! Điều này đúng cho mọi Lề luật, xưa cũng như nay, đời cũng như đạo.
Như thế, Lề Luật chỉ giới hạn và ngăn cản, như cái đê chắn sóng nước hung dữ, chứ không thể giải quyết tận căn sự dữ có trong lòng con người, gây tai hại cho đời sống con người, trong đó có đời sống hôn nhân và gia đình; hơn nữa, trong thực tế, chính khi nại đến Luật, để biết được phép hay không được phép, thì giao ước, tình yêu, lòng trung thành, tương quan hiệp nhất đang bị tổn thương và có nguy cơ rạn nứt và đổ vỡ. Khi nói đến Luật, thì sự dữ đã có đó rồi, tương tự như khi người ta thiết lập luật li dị hay nói đến luật li dị. Điều lạ lùng là khi có lề luật, cái xấu không bớt, nhưng lại càng sinh sôi (x. Rm 7, 7-13), như chúng ta thấy hiện nay trong mọi lĩnh vực, bởi vì tương quan tình yêu, tình bạn, tình đồng bào và đồng loại đã bị đỗ vỡ (hay nghiêm trọng hơn, không được xây dựng từ khởi đầu) ngay trong lòng con người.

3. Trở về nguồn gốc: ơn sủng và tình yêu

Đức Giê-su quan tâm đến cái xấu đang có mặt trong lòng con người, và mời gọi chúng ta giải quyết tận căn bằng cách trở về với nguồn gốc.

- Ở nguồn gốc, không có lề luật, chỉ có ơn sủng nhưng không tuyệt đối: người phụ nữ là một tuyệt tác của Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa, ban không cho người đàn ông; và ngược lại, người đàn ông, vốn là tác phẩm đầu tay của Thiên Chúa, được ban không cho người phụ nữ. Người phụ nữ là tuyệt tác, vì được dựng nên từ xương thịt con người, vốn là tinh hoa của sáng tạo; trong khi đó, người đàn ông được dựng nên từ bùn đất. Vì thế, người phụ nữ được gọi là phái đẹp và tượng trưng cho sự dịu dàng.

- Ở nguồn gốc, là tình yêu hai người dành cho nhau một cách quảng đại và nhưng không, cùng với lời cam kết thuộc về nhau vĩnh viễn, vì cả hai một cách tự do, trở nên “một xương một thịt”.
Nguồn gốc của sáng tạo là ơn sủng và tình yêu, và ở ngọn nguồn của mỗi đôi hôn nhân cũng như vậy, cũng là ơn sủng và tình yêu. Bởi vì người con trai hay người con gái đã làm gì cho người kia, mà người này lại tự nguyện thuộc về mình suốt đời, tự nguyện cho đi, trao vào tay người kia cuộc đời mình? Xóa bỏ hay quên đi tình yêu nhưng không ban đầu này, đời sống hôn nhân sẽ không còn nền móng, và sẽ mau chóng đổ vỡ. Bởi vì, đời sống hôn nhân không thể chỉ đặt nền tảng trên lề luật, cho phép hay không cho phép, nhưng đặt nền tảng trên ơn sủng, ơn sủng nhưng không của Thiên Chúa ban người kia cho mình, ơn sủng nhưng không của người này trao ban cho người kia; và từ đó phát sinh lời cam kết vĩnh viễn thuộc về nhau, cho dù cuộc đời bể dâu. 
Vợ chồng chọn nhau, nhưng còn được mời gọi đón nhận nhau như quà tặng yêu thương của Thiên Chúa, trong một Giao Ước được Thiên Chúa đóng ấn vĩnh viễn. Tình yêu và Giao Ước của Thiên Chúa mới là đá tảng vững bền cho đời sống hôn nhân và gia đình. Bởi lẽ, cảm xúc của chúng ta hay giao động và không ổn định.
Và ơn gọi dâng hiến cũng cò cùng một nền tảng: ở ngọn nguồn là ơn huệ sự sống, tái tạo sự sống và ơn gọi nhưng không Chúa ban, và chúng ta liều mình đáp lại vĩnh viễn và qua từng ngày sống, với lòng cảm mến, với tâm tình tạ ơn và ca tụng: “Chúa ban cho con tất cả, con xin dâng lại Chúa tất cả”.

* * *

Lời cam kết tình yêu của Thiên Chúa là Chân Lý, nghĩa là luôn luôn đúng. Lời cam kết của chúng ta, trong giao ước hôn nhân cũng như trong lời tuyên khấn, cũng được mời gọi trở nên “chân lí”, nghĩa là luôn luôn đúng, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận