Cầu Nguyện Với Dấu Thánh Giá

Đăng lúc: Thứ ba - 24/04/2018 03:38 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

CẦU NGUYỆN VỚI DẤU THÁNH GIÁ

 

Trong việc sống đạo, nghĩa là trong việc thể hiện lòng tin và tấm lòng mình có đối với Chúa, mỗi người có một cách thức, một đường lối riêng biệt. Trong lãnh vực cầu nguyện cũng thế, có người thấy cách thức cầu nguyện này phù hợp với mình, có người lại thấy cách thức khác giúp mình dễ gặp Chúa hơn[1]. Nói về việc cầu nguyện của người Kitô hữu thì có nhiều cách. Mỗi cách, mỗi phương thế cầu nguyện có một quá trình lịch sử hình thành và có ưu điểm riêng. Trong giới hạn bài viết này, người viết xin được trình bày vài nét về việc cầu bằng Dấu Thánh Giá, một phương thế cầu nguyện đơn giãn mà người Kitô hữu nào cũng biết và thường xuyên dùng tới.

Khi nói tới Dấu Thánh Giá, người ta quen phân biệt hai hình thức làm Dấu Thánh Giá: đơn và kép. Trong hình thức “đơn”, người tín hữu làm dấu thánh giá bằng cách đặt tay phải lên trán, rồi đưa xuống ngực và tiếp sau từ vai trái sang vai phải. Còn với hình thức “kép”, người tín hữu dùng ngón tay cái của tay phải để vạch ba Dấu Thánh Giá trên trán, trên miệng và trên ngực[2].

Nói về lịch sử của Dấu Thánh Giá thì các sách về tu đức có ghi lại nhiều cách thức làm Dấu Thánh Giá. Hình thức cổ điển nhất là dùng ngón tay cái hoặc ngón trỏ để vạch Dấu Thánh Giá trên trán. Đó cũng là cử chỉ đầu tiên mà chúng ta lãnh nhận khi gia nhập Kitô giáo, lúc mở đầu nghi thức rửa tôi, vị chủ sự ghi Dấu Thánh Giá trên trán của ứng viên. Từ thế kỷ thứ IV, nảy ra tục lệ làm Dấu Thánh Giá trên ngực, rồi đến thế kỷ thứ VIII thì thêm Dấu Thánh Giá trên miệng. Còn hình thức làm Dấu Thánh Giá “đơn” xuất hiện muộn hơn. Hình thức này bắt đầu từ thế kỷ thứ V và được phổ biến trong các đan viện từ thế kỷ thứ X. Sang thế kỷ XIII, Đức Thánh Cha Innocente III khuyến khích việc quảng bá hình thức này với việc mô tả cách thức như sau: dùng ba ngón tay giữa, vạch Dấu Thánh Giá từ trán xuống ngực, rồi từ vai phải sang vai trái. Nhưng đến thế kỷ XIV thì người ta dùng cả bàn tay để làm Dấu Thánh Giá và đổi luôn cả thứ tự (từ vai trái sang vai phải).

Dấu Thánh Giá, tuy có vẻ đơn giãn là thế, nhưng tự nó mang nhiều ý nghĩa sâu xa. Chúng ta cùng tìm hiểu một vài ý nghĩa của Dấu Thánh Giá: trước hết, đây là hành vi tuyên xưng đức tin; vì mỗi người chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu Kitô. Chúng ta đã mang dấu ấn này khi lãnh nhận bí tích rửa tội. Thứ đến, Dấu Thánh Giá là lời kêu van xin Chúa đến giúp đỡ chúng ta nhờ sức mạnh cứu độ của Thập Giá. Trong lịch sử Giáo Hội đã chứng minh sức mạnh của việc làm Dấu Thánh Giá và kêu cầu danh thánh Ba Ngôi. Ông bà cha mẹ vẫn thường dạy ta lúc bé: “khi con gặp khó khăn hay sợ hãi, con hãy làm Dấu Thánh Giá và đọc công thức Ba Ngôi thì Chúa sẽ gìn giữ con”. Ngoài ra, dấu ấy còn mang ý nghĩa hiến dâng. Chúng ta dâng cho Chúa mọi công việc chúng ta sắp làm nhằm tôn vinh Chúa. Chúng ta thường làm Dấu Thánh Giá để mở đầu và sau khi kết thúc việc đạo đức nào đó. Sau cùng, Dấu Thánh Giá còn mang ý nghĩa chúc lành và chúc tụng[3].

Khi làm Dấu Thánh Giá, chúng ta vừa dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi một lời nguyện nhưng cũng vừa tuyên xưng đức tin của chúng ta[4].

Cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha là lời cầu nguyện mà chính Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của mình. “khi cầu nguyện, các con hãy nói: lạy Cha” (Lc 11,2). Xưng hô Thiên Chúa là Cha có nghĩa là tin tưởng vào lòng tốt của Ngài, Đấng quan tâm đến nhu cầu của con cái. Tin vào lòng tốt của Cha có nghĩa là tin vào tình yêu của Cha, biết rằng Cha yêu thương chúng ta và chúng ta cũng ước ao đáp lại tình thương yêu ấy[5]. Vì thế, khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá là chúng ta dâng lên Thiên Chúa Cha lời chúc tụng tôn vinh Ngài và kêu cầu danh thánh của Ngài.

Đức Kitô cũng là Ngôi vị Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể, cho nên chúng ta cũng cầu nguyện với Người như là với Thiên Chúa[6]. Thánh Augustino đã diễn tả những khía cạnh khác nhau của Đức Kitô trong kinh nguyện của chúng ta rất hay như sau: “Người vừa cầu nguyện cho chúng ta, vừa cầu nguyện trong chúng ta, đồng thời cũng nghe chúng ta cầu nguyện”. Khi chúng ta cầu nguyện nhân danh Đức Kitô và cầu nguyện nhờ danh Đức Kitô là chúng ta muốn nói lên vai trò trung gian của Người. Người là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Vì thế, chúng ta tin tưởng Người sẽ chuyển đạt những lời cầu của chúng ta lên Chúa Cha. Trong tin mừng Gioan, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ hãy nhân danh người để cầu khẩn cùng Chúa Cha: “ bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con[7]. Khi cầu nguyện nhân danh Đức Giêsu trong qua việc làm Dấu Thánh Giá, chúng ta kết hợp với Người và Người kết hợp với chúng ta khi cầu nguyện.

Vai trò của Thánh Linh trong đời sống cầu nguyện của người tín hữu được diễn tả dưới nhiều khía cạnh khác nhau[8]. Trong Tân ước nhiều lần đề cập đến sự hiệp nhất giữa Thánh Linh và Đức Giêsu. Với niềm tin của người Kitô hữu, chúng ta vẫn luôn xác tín rằng: Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và hoạt động trong Giáo hội. Giáo hội chưa bao giờ thiếu vắng Thánh Linh trong mọi biến cố. Vì thế, khi làm Dấu Thánh Giá, một cách minh nhiên, chúng ta tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Thánh Linh (Chúa Thánh Thần), vào Thiên Chúa Ba Ngôi.

Đối với người Kitô hữu, Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần[9]. Lời cầu nguyện của chúng ta đẹp lòng Chúa Cha khi hòa hợp với lời cầu nguyện của Đức Kitô, người Con yêu dấu của Cha[10]. Thánh Linh đến giúp đỡ chúng ta cầu nguyện, mớm cho chúng ta biết xin những điều thích đáng và uốn nắn con tim của chúng ta sống trong tâm tình con thảo[11]. Như vậy, việc cầu nguyện vừa là hành động của chúng ta hướng lên Thiên Chúa, vừa là tác động của Thiên Chúa nghiêng mình xuống với chúng ta[12].

Trong các kinh nguyện Kitô giáo thường kết thúc với từ Amen, trong việc làm Dấu Thánh Giá cũng thế.

Người ta thường quen giải thích từ Amen như là một lời tán đồng hoặc cầu mong. Nhưng khi nghiên cứu từ ngữ thì từ này có nghĩa phong phú hơn. Tự nó thì có nghĩa là một lời ước mong. Nhưng khi từ này được đặt nằm cuối kinh nguyện Kitô giáo thì nó có nghĩa “tôi tin chắc như vậy”. Đây là một lời xác tín vào những điều mà mình vừa đọc vừa tuyên xưng ở trên.

Trong Cựu Ước và Tân Ước đã nhiều lần dùng tới từ Amen. Trong phụng vụ Kitô giáo cũng nhiều lần dùng tới từ Amen. Mỗi hoàn cảnh có một ý nghĩa khác nhau. Ở đây không truy tìm ý nghĩa của từ Amen theo dòng lịch sử hay theo bối cảnh phụng vụ. Nhưng chỉ tìm hiểu đôi nét về ý nghĩa của từ ngữ này trong bối cảnh của việc làm Dấu Thánh Giá mà thôi.

Như đã nói ở phần trên, khi làm Dấu Thánh Giá là lúc chúng ta kêu cầu và tuyên xưng vào Danh Thánh Ba Ngôi. Chúng ta kết thúc bằng lời Amen, có nghĩa là chúng ta xác tín những điều mình vừa đọc ở trên. Từ Amen nằm ở cuối như tăng thêm niềm tin và sự xác tín của chúng ta khi chúng ta đọc công thức Ba Ngôi và làm Dấu Thánh Giá.

Trải dài lịch sử của Giáo hội, kinh nguyện Kitô giáo phát triển rất phong phú. Nhiều cách thức cầu nguyện cũng được hình thành và phát triển. Nhiều hình thức cầu nguyện đã mang lại hiệu quả tích cực cho người Kitô hữu. Người viết nhận thấy việc cầu nguyện bằng Dấu Thánh Giá vừa đơn giãn nhưng cũng mang lại hiệu quả tích cực. Ở đây, không có ý phủ nhận giá trị của những hình thức cầu nguyện khác.

Có thể nói rằng, đây là một trong những hình thức cầu nguyện có từ rất sớm. Hầu hết mọi người có thể áp dụng được và có thể áp dụng trong mọi lúc mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Việc cầu nguyện bằng Dấu Thánh Giá vừa ngắn gọn, vừa đơn giãn và dễ nhớ. Có thể nói, đây là bài học đầu tiên và căn bản nhất cho những ai muốn học đạo và gia nhập Kitô giáo. Quả thế, nếu bạn là một Kitô hữu, bạn không thể không biết làm Dấu Thánh Giá. Với Dấu Thánh Giá, người Kitô hữu có thể chứng minh cho người khác biết “Tôi là Kitô hữu”. Đó cũng là dấu chỉ để người khác nhận ra và biết bạn là một Kitô hữu. Tuy nhiên, cũng có lúc bị người khác (ngoài Kitô giáo) lạm dụng vì những lí do khác nhau.

Cầu nguyện với Dấu Thánh Giá có nhiều ưu điểm là thế, nhưng bên cạnh đó cũng không tránh khỏi những nhược điểm và những lạm dụng vẫn xảy ra đâu đó trong Giáo Hội nơi người Kitô hữu. Nhiều người vì tinh thần đạo đức nhưng chưa hiểu hết được ý nghĩa của việc làm Dấu Thánh Giá nên thường làm dấu một cách máy móc, vội vã. Người khác lại cho rằng, Dấu Thánh Giá chỉ là một nghi thức khởi đầu và kết thúc khi cử hành phụng vụ hay thực hành một việc đạo đức nào đó. Có người làm dấu một cách qua loa, chiếu lệ. Còn có người thì đem việc làm Dấu Thánh Giá ra để đùa giỡn với bạn bè hay để làm chứng cho lời thề gian của mình. Nhiều người trong chúng ta, thậm chí là những người có trình độ vẫn thường làm Dấu Thánh Giá theo cảm tính và thói quen, không để ý đến tầm quan trọng của Dấu Thánh Giá. Thậm chí, có lúc bản thân người viết cũng rơi vào trong những trường hợp vừa nói trên.

Hy vọng rằng, với bài viết này như một lời nhắc nhở chính bản thân người viết và cho mọi người Kitô hữu ý thức được tầm quan trọng của việc làm Dấu Thánh Giá. Để từ nay, mỗi khi làm Dấu Thánh Giá là chúng ta thêm phần xác tín và ý thức: đó là việc cầu nguyện, là lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi.

Jos Vĩnh Tuấn

 

 

 

 


[1] Nguyễn Hữu Tấn, Vấn Đề Cầu Nguyện, T 1, Tr 101

[2] Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, T 8, tr 160

[3] Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, T 8, tr 162- 163

[4] Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, T 8, tr 162

[5] Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, T 8, tr 163

[6] Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, T 8, tr 165

[7] Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, T 8, tr 165

[8] Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, T 8, tr 166

[9] Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, T 8, tr 168

[10] Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, T 8, tr 169

[11] Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, T 8, tr 169

[12] Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, T 8, tr 169

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận