Tạ Ơn Chúa! Con Đã Yêu

Đăng lúc: Thứ sáu - 29/09/2017 11:34 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

TẠ ƠN CHÚA! CON ĐÃ YÊU

(Nhân kỷ niệm 25 năm linh mục, cha Phao-lô Hoàng Kim Tốt)

 

Cái nôi của tiếng gọi dâng hiến

Mẹ của Thánh Giáo Hoàng Piô X nói với con khi con làm giám mục : "Nếu không có chiếc nhẫn cưới nghèo nàn của mẹ đây thì làm sao có chiếc nhẫn giám mục của con ngày hôm nay được!". Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII biên thư cho cha mẹ ngày ngài được ngũ tuần : "Thưa Thầy Mẹ, hôm nay con được 50 tuổi, Chúa thương ban cho con nhiều chức trong Hội Thánh, đi nhiều nơi, học nhiều sách, nhưng không trường nào dạy dỗ con, làm ích cho con hơn hồi con được ngồi trên chân Thầy Mẹ" (ÐHV 505).

Vâng, cha mẹ là người nối tiếp công cuộc sáng thế của Thiên Chúa. Sự hiện diện của mỗi con người là kết quả của một tình yêu vô biên.

Cha Phao-lô Hoàng Kim Tốt được sinh ra làm người, được dưỡng nuôi, giáo dục và nhất là được thừa hưởng một đời sống đạo đức gương mẫu của Cha Mẹ trong mái ấm gia đình tại Họ Đạo Vân Đỏa, GP Đà Nẵng. Thiên Chúa đã đoái thương nhìn tới cậu bé Phao-lô và tiếng gọi thần linh huyền diệu của Ngài đã làm dậy lên trong lòng cậu bé niềm vui sướng xôn xao. Cậu đã giã từ Cha Mẹ, gia đình, mái ấm thân thương để vào chủng viện Thánh Gioan Đà Nẵng. Từng bước thầm, cậu đi theo tiếng Chúa gọi. Có cả thời gian vì diều kiện xã hội, cậu chừng như phải dậm chân tại chỗ, như hoa chờ nắng lên, như tuần phiên mong hồng đông dậy. Có thế nào, thì những ngày ấy, là kỷ niệm đáp lại tiếng Chúa gọi.

 

Dấu ấn một màu đen

Nhưng có thể nói, dấu ấn khó phai mờ trong đời người hiến dâng cho Thiên Chúa, không phải là một màu hồng của cánh hồng nhung, không phải màu xanh của bầu trời hy vọng, cũng chẳng phải màu đỏ chói lòa vinh sang phú quý… nhưng lại là một màu đen của chiếc áo chùng thâm huyền nhiệm. Cha Giám Đốc Chủng Viện Nicolas, Lm Phê-rô Nguyễn Thiên Cung với bút danh nhà thơ công giáo Nguyễn Địa Đàng, đã suy gẫm về chiếc áo chùng thâm màu đen trong bài thơ “chiếc áo chùng thâm”, như chiếc áo giáp bên ngoài che chở gìn giữ lòng tinh tuyền thanh vẹn ở bên trong, như chiếc áo cưới xinh đẹp để người hiến dâng đính hôn trọn đời với Đức Giê-su trên Thánh Giá, như màu chiều xế bóng của một tình yêu dám chết cho người mình yêu.

Ngày 29-9-1992, Thầy Phao-lô Hoàng Kim Tốt được lãnh chức Linh Mục do việc đặt tay của ĐGM Nicolas Huỳnh Văn Nghi. Cuộc đời hiến dâng và chiếc áo chúng thâm kia không còn là một định nghĩa trong bài thơ thâm thúy nữa, mà là một định nghĩa bằng chính cuộc đời tế lễ, và chính mình là lễ tế, cùng với Hy Lễ Cứu Chuộc và Đấng Tế Lễ là Đức Giê-su. Không có một linh mục nào tự cho mình là người xứng đáng được lãnh nhận hồng ân linh mục, nhưng phải cảm thấy mình bất xứng biết bao, và luôn trông cậy vào Chúa là sức mạnh đỡ nâng để chu toàn sứ vụ cao cả. Đó phải là tâm tình, là lời nguyện cầu của Cha Phao-lô trong ngày lãnh  chức linh mục 25 năm trước

 

Người được sai đi

Kỷ niệm đầu đời của Cha Phao-lô, người “được sai đi” là một vùng biển sóng mênh mông, gió cát bốn mùa nắng rát, còn là vùng biên giới cực bắc của Giáo Phận là Gx long Hương. Ngôi nhà thờ bé nhỏ úa ố theo thời gian. Khuôn viên nhà thờ thành sân đá bóng bất cứ giờ nào cho các em thơ trần trụi. Từ nay, các em vẫn cứ đến sân nhà thờ đá bóng, và các em cũng sẽ không quên sẽ đến nhà thờ dâng lễ. Niềm vui ấy đơn sơ, kỷ niệm khiêm tốn ấy, không phai mờ trong tâm tưởng của cha Phao-lô. “hãy để các trẻ đến cùng ta”. “Nước trời dành cho những ai giống như chúng”.

Càng đi vào huyền nhiệm linh mục, người linh mục càng thấu cảm nỗi lòng yêu của Thiên Chúa, và trong tâm tình khiêm nhượng tạ ơn, linh mục nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đã mặc vào cho con người chức linh mục của Con Thiên Chúa. Từ ấy, không phải con, mà là chính Chúa thi hành chức linh mục thừa tác trong con.

           “Không phải con là linh mục của Chúa”, mà “Chúa là Linh Mục cho con” (Linh mục Thiên Cung, nhà thơ Nguyễn Địa Đàng)

Vì Chúa là Linh Mục cho con, nên người linh mục phải đi vào hành trình của Chúa, là tìm đến con người để cứu rỗi con người. Như thánh Don Bosco khát nguyện: “Xin ban cho con các linh hồn, còn mọi sự khác, xin Ngài lấy đi”. Theo sự hướng dẫn của Thánh Thần tình mến, theo kim chỉ nam lời Chúa: “hãy đi và làm như vậy”, cha Phao-lô đã tìm đến những mảnh đời bi thương nơi những Giáo xứ Ngài đã phục vụ: Long Hương, Tánh Linh, Ma Lâm và nay là Vinh Lưu. Mỗi địa chỉ người linh mục được sai đến và tìm đến, phải là một lần Thiên Chúa lại Giáng Sinh làm người, để “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” để Thiên Chúa cùng đồng hành với phận người, để Tin mừng cư ngụ và lớn lên dồi dào trong mọi hoàn cảnh sống.

Linh Mục đem Chúa đến cho cuộc đời. Linh Mục thắp lên niềm vui “Thiên Chúa ở cùng”. Linh mục trở nên chứng nhân tình yêu và cũng chính là dung mạo của lòng Chúa xót thương và cứu chuộc.

Tâm tình “Emmanuel” “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” ấy xuyên suốt cuộc đời linh mục

Gẫm về hành trình “cùng Chúa đến trần gian”, để “Emmanuel” cho khắp cả vũ hoàn thiên hạ, Đức cố Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống, Nhà văn và là Nhạc Sĩ Thông Vi Vu đã viết bài thơ Rượu Tình Yêu để cảm ơn Mẹ Maria đã đồng hành với Linh Mục trên đường sứ vụ. Sự bén nhạy, tính mau chạnh lòng của người Mẹ trong tiệc cưới Ca-na, đã giúp linh mục ơn thấu cảm cuộc đời. Nhờ Mẹ Maria, linh mục cùng Chúa Giê-su  ‘biến nước nên rượu, biến trái tim mù tối nên ánh sáng” “biến nỗi đau thành vui mừng’.

Hành trình linh mục là hành trình của tình yêu và thập giá. Tình yêu của Đức Ki-tô biến thập giá thành Thánh Giá thế nào, thì tình yêu của linh mục cũng phải biến những yếu đuối, những đau khổ đời mình nên lễ tế cứu chuộc như vậy. Như cuộc chiến nội tâm trường kỳ của linh mục, nhưng linh mục phải là người chiến thắng, nhờ sức mạnh của tình yêu. Nhờ sức mạnh của tình yêu Thập Giá, linh mục đi giữa cuộc đời lung linh ánh phù vân, bóng loáng danh vọng hão huyền, lao xao hạnh phúc ảo, nhưng cõi lòng linh mục thì cứ như là một sa mạc tình yêu: một cõi lòng trống vắng mọi sự phù phàm, để chỉ dành cho Thiên Chúa và khát khao cứu rỗi các linh hồn

Linh Mục Giuse Trương Đình Hiền, Tổng Đại Điện GP Qui Nhơn, Bút danh Sơn Ca Linh, có bài thơ nổi tiếng là “Linh mục, một cuộc đời mắc nợ”. Đức cố Giám Mục Giuse vẫn thường lấy ý này để chia sẻ với các linh mục, để nhắc nhớ bổn phận của linh mục là “nợ tình yêu phải trả bằng tình yêu”. “tình yêu đáp đền tình yêu”

Nếu Chúa làm linh mục cho con, thì chỉ một ngày, cũng đã quá đủ để con cảm nếm hương vị tình yêu thánh thiện của Thiên Chúa, huống là 25 năm với biết bao hồng ân. Nay, tóc đã bạc màu thời gian. Sức trẻ còn lại trong con là sức thanh xuân của Tin Mừng. Quí giá thay bóng chiều. Bóng chiều là hồng ân cho con để con biết mình là hư vô từ dạo ấy, là chút bụi phàm, Chúa đã khẽ chạm nên thần thiêng. Đường về Nhà Cha đang mở ra đón bước người linh mục, như là thông điệp tình yêu vào buổi chiều bóng xế. Con Linh mục Chúa, nguyện sẽ chết dưới chân bàn thờ, như con đã từng chết đời mình 25 năm qua.

 

Mẹ Maria, Mẹ của linh mục

Mẹ Maria, Mẹ của các linh mục, mẹ yêu thương, mẹ đồng hành, mẹ nêu gương, mẹ chỉ bảo. Linh Mục cùng mẹ cất lời ca Magnificat mỗi ngày, vì điều lớn lao Chúa ban cho Mẹ, thì Chúa cũng ban cho các linh mục con của Mẹ. Điều lớn lao ấy là sự nhỏ bé khiêm nhường, yêu thương phục vụ. Đoàn chiên và khách hành hương quây quần bên Mẹ Maria tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tà-pao ngày 13 mỗi tháng, để mẹ chia cho điều lớn lao mà nhỏ bé ấy. Nếu giáo dân hành hương về với Mẹ  để nhờ Mẹ đến với Chúa,  thì thiết tưởng, linh mục hành hương về với Mẹ, để nhờ Mẹ tiếp tục đồng hành và đỡ nâng cho các Ngài thành toàn sứ vụ cứu rỗi các linh hồn. Hành hương về bên Mẹ Tà-pao còn là lời nhắc nhớ nỗi khao khát, nhớ nhung, mong mỏi của đoàn con lữ khách ước mơ về với Mẹ tuyệt mỹ, mẹ Mến yêu nơi Thiên quốc.

 

Tắt một lời

          Hai mươi lăm năm linh mục của Cha Phao-lô Hoàng Kim Tốt đã qua đi trong hồng ân Chúa. Lời Chúa kim chỉ nam của Ngài là “hãy đi và làm như vậy”, đã được thực thi trên mọi nẻo đường, ở khắp mọi nơi Ngài đặt chân đến. Niềm vui tạ ơn của Cha ngày hôm nay, có thể nói tắt một lời: “ Tạ ơn Chúa, con đã yêu”. Con đã đi và làm như vậy. Con đã biến bài ca Đức Mến của Thánh Phao-lô Bổn Mạng của con, thành một chuỗi 25 năm sống và yêu không mệt mỏi. Xin tình yêu Ngài tiếp tục đỡ nâng con.

“Tạ ơn Chúa. Con đã yêu”.

 

          Gã Tuần Phiên, 22-9-2017

(khởi hứng từ những ca khúc của cha Phaolô Hoàng Kim Tốt)

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận