Rèn luyện lương tâm, trưởng thành nhân tính

Đăng lúc: Thứ tư - 15/07/2015 20:30 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Rèn luyện lương tâm, trưởng thành nhân tính

Nhiều ngày qua, vụ thảm sát cách dã man 6 người trong gia đình của một doanh nhân ngành gỗ ở tỉnh Bình Phước, và trước đó nữa là vụ thảm sát 4 người trong một gia đình nông dân ở miền quê, vùng núi xa xôi hẻo lánh của tỉnh Nghệ An. Đây là những sự kiện được quan tâm của hàng triệu người dân Việt Nam trong và ngoài nước, nhiều cơ quan chức năng điều tra, giám định vào cuộc, kết quả đã tìm ra được hung thủ gây án cho vụ thảm sát ở tỉnh Bình Phước, với những động cơ gây án khác nhau.

 

Ai là người chịu trách nhiệm cho những án mạng thảm sát này? Hung thủ là người chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật về hành vi tội lỗi mà anh đã gây ra. Chịu trách nhiệm xa hơn, rộng hơn chắc có lẽ là gia đình và xã hội. Lẽ dĩ nhiên là như thế, nhưng nếu đào sâu và nhìn dưới góc độ nhân bản, tâm linh thì đây là hậu quả, là hệ lụy của việc thiếu huấn luyện trưởng thành lương tâm ngay thẳng, và nhất là thiếu giáo dục về niềm tin tôn giáo: sự sống đời sau, thưởng phạt.

 

Sự kiện này là hồi chuông thúc giục những nhà chức trách của đất nước duyệt xét, nhìn lại, để rồi có những giải pháp hữu hiệu, nhằm điều chỉnh, mở rộng, đẩy mạnh việc huấn luyện cho con người trưởng thành lương tâm ngay thẳng và niềm tin tôn giáo trong nhiều lãnh vực, đặc biệt là: giáo dục, y tế, truyền thông, văn hóa, xã hội và trong những nghành nghề khác. Tại sao mỗi người cần phải được huấn luyện lương tâm trưởng thành, ngay thẳng cùng với một niềm tin về sự sống đời sau và thưởng phạt?

 

Lương tâm là luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã đặt sẵn trong lòng con người, để soi dẫn họ làm lành lánh dữ. (HĐGMVN, Bản Hỏi Thưa Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 391). Vậy, là người thì ai cũng có lương tâm, vấn đề là làm sao khai thác được tiếng nói của lương tâm, để điều chỉnh tư tưởng, lời nói, việc làm cho phù hợp với lời mách bảo của Thiên Chúa: hãy làm điều lành, xa tránh điều dữ đang vang dội sâu thẳm trong thâm tâm của họ.

 

Không có gì khác hơn là phải rèn luyện lương tâm trở nên trưởng thành, đồng thời tập lắng nghe tiếng thúc giục của lương tâm. Việc rèn luyện lương tâm phải được thực hiện suốt đời, bắt đầu từ thời thơ ấu, trẻ em phải được hướng dẫn để nhận biết và thực hành luật nội tâm. Để làm được điều này, đòi hỏi một nền giáo dục thật tốt, bằng cách dạy cho con người sống đức hạnh, bảo vệ và giải thoát con người khỏi sợ hãi, ích kỷ, kiêu căng, thái độ tự mãn cũng như những mặc cảm tội lỗi. (x. GLHTCG, số 1789).

 

Những nội dung giáo dục này, đã và đang được đẩy mạnh trong môi trường giáo dục Công giáo. Một nền giáo dục hướng đến việc thành nhân, thành người rồi mới thành tài. Đó là nền giáo dục mang lại sự bình an cho tâm hồn. Nói cách khác, rèn luyện lương tâm là góp phần làm triển nở cách sinh động nhân tính tốt đẹp mà Thiên Chúa đã phú bẩm ở nơi mỗi người chúng ta.

 

Trong khi đó, xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam, lại quá chú trọng đến khối lượng kiến thức, mà xao lãng hoặc giảm bớt việc giáo dục, rèn luyện về đức hạnh, về trưởng thành lương tâm. Nghĩa là một nền giáo dục thành tài được đặt lên hàng đầu, thành nhân, thành người vẫn được ưu tiên chú trọng, nhưng thực chất được xếp ở vị trí thứ hai mà không phải là ưu tiên số một. Điều này dễ nhận thấy trong đề xướng về mục đích học tập của UNESCO: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình.

 

Ở một số nước, vấn đề ưu tiên trong giáo dục không được đặt ra, tiêu chí của họ là giáo dục phát triển toàn diện, nghĩa là đức và tài được chú trọng như nhau, nhưng ẩn chứa đằng sau đó là việc ưu tiên phát triển kỹ năng. Ngân hàng Thế giới nhận định: Thế kỷ XXI là kỷ nguyên của kinh tế dựa vào kỹ năng - Skills Based Economy. Nghĩa là năng lực của con người được đánh giá trên cả ba thành tố: Kiến thức, kỹ năng và thái độ (nguồn: http://www.librarything.com).

 

Như vậy, rõ ràng giáo dục về đức hạnh vẫn không phải là ưu tiên. Những nền giáo dục không có sự ưu tiên về đức hạnh, huấn luyện lương tâm và trưởng thành nhân tính, đều có nguy cơ mang đến nhiều biến động cho tâm hồn.

 

Vì thế, sự trưởng thành ở con người trở nên mất cân đối, tri thức thì rất giỏi, năng lực chuyên môn rất cao, nhưng đức hạnh và lòng bao dung lại quá nhỏ bé. Từ đó, lòng kiêu căng, thái độ tự mãn và sự ích kỷ ngày một nhiều hơn ở nơi con người. Và rồi, tội lỗi cũng được sinh ra nhiều hơn do bởi những thái độ chưa trưởng thành và có phần tiêu cực này. Nói cách khác, thay vì làm triển nở nhân tính một cách sinh động, thì vô tình làm cho nhân tính tốt đẹp mà Thiên Chúa đã in dấu nơi tâm hồn con người mỗi ngày một lụi tàn, héo hắt, èo ọt và chết đi.

 

Bên cạnh việc rèn luyện lương tâm ngay thẳng, cần phải tập lắng nghe và thực hành tiếng mách bảo của lương tâm. Việc chọn lựa theo tiếng lương tâm, là việc làm hết sức khó khăn. Bởi vì, khi đứng trước một chọn lựa, lương tâm có thể mách bảo đúng, hợp theo phán đoán của lý trí và thánh ý của Thiên Chúa được khắc ghi qua lề luật và Thánh Kinh (mười điều răn, Lời Chúa và giáo huấn của Hội thánh). Hoặc ngược lại, lương tâm phán đoán sai, những lúc như thế phải nắm vững những nguyên tắc để áp dụng cho mọi trường hợp đó là: không bao giờ được phép làm điều xấu để đạt một kết quả tốt, điều gì anh em muốn người ta làm cho mình thì hãy làm điều đó cho người ta, tránh những gì gây cớ cho người khác vấp ngã. (x. GLHTCG, số 1788)

 

Rèn luyện lương tâm và thực hành lời mách bảo đúng đắn của lương tâm, chỉ là bước ban đầu giúp cho nhân tính nơi mỗi người ngày một trưởng thành hơn. Như thế vẫn là chưa đủ, vì cùng đích đời người phải trở nên thánh nhân. Nghĩa là, thành nhân, thành người, thành tài và phải trở nên thánh nữa. Vì thế, cuộc sống của mỗi người cần phải được chi phối, điều chỉnh không chỉ qua tiếng nói của Thiên Chúa nơi lương tâm, mà còn phải được điều chỉnh, tác động, hướng dẫn bởi niềm tin vào sự sống đời sau, sự sống đời đời và luật thưởng phạt công bình của Thiên Chúa.

 

Khi nói đến sự sống đời đời, hay sự sống đời sau và sự thưởng phạt của Thiên Chúa, minh nhiên phải hiểu rằng: chết không phải là kết thúc tất cả, chết chỉ là cửa ngõ dẫn đưa linh hồn con người đến gặp Thiên Chúa để được truy cứu về tư tưởng, lời nói, việc làm khi còn sống, gọi là phán xét riêng. Và từ đó sẽ đón nhận phần thưởng là hạnh phúc vĩnh viễn, hoặc là đau khổ vĩnh viễn, gọi là thiêng đàng và hỏa ngục.

 

Niềm tin này, cho thấy sự trưởng thành về nhân tính nơi con người. Bởi vì, Thiên Chúa đã khắc ghi vào trong tâm hồn con người niềm khao khát Thiên Chúa và ban cho họ khả năng nhận biết, yêu mến và hiệp thông với Ngài. (HĐGMVN, Bản Hỏi Thưa Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2). Vậy nhân tính của mỗi người chỉ trở nên tràn đầy và trọn vẹn nhất, khi và chỉ khi ở nơi đời sống của người đó diễn tả niềm tin về Đấng vô hình, niềm tin này làm cho con người khao khát tìm kiếm Thiên Chúa bằng nhiều cách khác nhau, đó là niềm tin vào sự sống vĩnh cửu và sự thưởng phạt ở đời sau.

 

Một khi tin có sự thưởng phạt nơi sự sống đời sau, thì ngay lập tức niềm tin này sẽ chi phối toàn bộ đời sống của con người theo hướng tích cực. Bởi vì, tự bản thân sẽ cân nhắc, lựa chọn tư tưởng, lời nói và việc làm theo hướng chính đáng và phù hợp với lương tâm ngay thẳng và thánh ý của Thiên Chúa. Vậy có thể nói, tất cả tội lỗi, hay những hành động dã man, mất hết nhân tính nơi con người, những tệ nạn xã hội, những thái độ và lối sống tiêu cực… Tất cả đều bắt nguồn từ việc con người chối bỏ niềm tin vào Thiên Chúa, cụ thể là không tin vào sự sống vĩnh cửu cùng với sự thưởng phạt cho mọi hành vi của mình khi còn sống. Việc chối bỏ niềm tin vào Thiên Chúa cách dễ nhất và cũng khó nhận ra nhất, là không rèn luyện lương tâm ngay thẳng và trốn tránh tiếng nói của lương tâm.

 

Vậy để tâm hồn con người được bình an, nhân tính được triển nở tràn đầy, tệ nạn xã hội ngày một thuyên giảm, không có cách nào khác hơn là chú trọng, đẩy mạnh nhiều hoạt động đào tạo lương tâm ngay thẳng, cùng với một niềm tin sâu sắc về Thiên Chúa, và sự sống bất tử ở đời sau một cách rộng rãi cho hết mọi người, trong những nghành nghề khác nhau.

 

Lm. Pet. Trọng Khương

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận