Cho Đi Là Còn Mãi

Đăng lúc: Thứ hai - 13/07/2015 21:45 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
CHO ĐI LÀ CÒN MÃI

Cuộc sống là một quá trình cho và nhận không ngừng. Có nhiều người nghĩ rằng tôi có cái gì để cho người khác, hoặc để lúc nào tôi có của ăn, của để thì tôi chia sẻ. Nhưng khi suy nghĩ như thế, hóa ra ta lại đặt vật chất làm mối bận tâm hàng đầu. Chúng ta có rất nhiều cái có thể trao tặng cho tha nhân, chẳng hạn một nụ cười đôn hậu, một ánh mắt cảm thông hay một lời khuyên chân tình. Có thể nói, cuộc sống là một quá trình trao đổi chất “cho đi và đón nhận” những tình cảm, những nghĩa cử cao đẹp, quý báu từ cả hai phía : người cho và người nhận lãnh.

Cuộc sống là một quá trình cho và nhận không ngừng. Cho đi không cần đền đáp. Nếu việc ta cho người khác để rồi mong họ đáp lễ, khác nào biến cách cho trở thành một món nợ nặng nề, khiến người nhận không mấy thoải mái và phấn khích. Như thế, sự chia sẻ này tự làm hoen ố ý nghĩa cao đẹp của nó. Mặt khác, sự sẻ chia ấy còn đảo lộn giá trị của nghĩa cử quan tâm lẫn nhau trong cuộc sống. Thật vậy, hạnh phúc lớn nhất trong đời là được cho đi tình yêu. Tình yêu cho đi phải phát xuất từ một trái tim muốn đem lại hạnh phúc cho người khác. Chính lúc cho đi, ta không làm nghèo bản thân, trái lại mỗi khi ta thi thố hành vi cao thượng ấy cho người khác, ta lại làm thăng hoa phẩm chất tốt nơi chính mình. Ngọn nến lòng được thắp sáng sẽ xua tan đi băng giá vây quanh giữa người với nhau, đốt cháy tị hiềm nhỏ nhen và làm nồng ấm lại tình người trong cuộc sống.
Nơi sâu thẳm cõi lòng con người luôn có khát vọng muốn nối kết với nhau qua nhịp cầu gặp gỡ. Gặp gỡ nhau để xây dựng tình huynh đệ và vun đắp cho mối dây tình người ngày càng trở nên đậm đà, thắm thiết. Mối liên hệ này có tác động qua lại, làm cho người với người gần nhau cho dù phải xa cách, để “xa mặt nhưng không cách lòng”. Thật vậy, cuộc sống của ta cần được lấp đầy bằng những mối liên hệ cao thượng. Từ đó, ta có thể san sẻ vật chất cũng như tinh thần cho nhau, bởi không ai là một hòn đảo, và chẳng ai sống cho riêng mình. ĐGH Bênêđictô XVI đã nói: Con người “không phải là vật chỉ sống cho mình, chỉ biết có mỗi mình mà thôi” (Bênêđictô XVI, Thiên Chúa và trần thế, Phạm Hồng Lam, dg., Nxb Tôn Giáo, 2011, tr. 112), nhưng cuộc sống con người là sống cùng, sống với và sống cho người khác. Tôi cần anh và ngược lại, anh là một nhân tố quan trọng không thể thiếu trong cuộc đời của tôi. Chính anh giúp tôi hoàn thiện cuộc đời dương thế. Vì thế, chỉ khi biết mở lòng ra với tha nhân, cuộc sống của ta mới thực sự tìm thấy, tìm gặp được niềm vui và hạnh phúc.
Một thực tế cho thấy, những người xây dựng được những mối tương quan tốt với người khác, thì đời sống của họ mau trưởng thành. Họ có một tâm hồn rộng mở, một tinh thần lạc quan hơn. Mặt khác, vì quan trọng hóa “cái tôi”, đôi khi chính ta tự giam hãm mình trong nhà tù bản thân, những lúc ấy ta cảm thấy cuộc đời sao trống vắng và tẻ nhạt. Thật bất hạnh cho những ai đang chọn cho mình lối sống như thế!
Trong cuộc sống, nếu mạnh ai nấy sống, ai cũng bảo thủ, khép kín như con ốc luôn khép mình trong cái vỏ chật hẹp, thì cuộc đời trở nên trơ trẽn và vô nghĩa. Cuộc sống của ta cần mở rộng biên cương giao tiếp, xóa nhòa sự tự kiêu, làm mờ cái tôi ích kỷ cản trở bấy lâu nay, để ta có thể vượt xa và vượt qua những thách đố đang dàn trận đợi chờ phía trước. Hơn nữa, cuộc sống của con người nếu biết chia sẻ cho nhau sẽ không trở nên cằn cỗi, héo úa và phai tàn, nhưng nó sẽ được bồi đắp bởi những lớp phù sa tình người đọng lại nơi tâm hồn. Kahlil Gibran là nhà thơ, vừa là một triết gia đã bộc bạch: “Người có trái tim rộng mở sẽ luôn bất tử trong trái tim mọi người”. Chính khi mở lòng ra với tha nhân, ta nhận được tình yêu và sức sống mới từ con người và cuộc sống của họ, đồng thời, cuộc sống của ta cũng thắm thêm niềm vui và an bình.
Thật vậy, “Cho” và “Nhận” là hai mặt trong thực tại của đời sống. Không thể nói rằng ta chỉ “cho” mà không “nhận”, như thế hóa ra ta chẳng quý trọng tình cảm của người khác dành cho mình. Mặt khác, cũng không thể nói ta “nhận” hoàn toàn mà không “cho” đi, như thế ta trở nên người ích kỷ, tham lam và thiếu lòng tự trọng. Chính khi “cho” là ta “nhận” lại gấp bội. Nhà văn Ralph Waldo Emerson nói rằng: “Khi bạn giúp đỡ mọi người là bạn đang giúp đỡ chính mình. Đó là sự đền bù đẹp nhất mà cuộc đời đã trao tặng cho chúng ta”.
Tóm lại, các vận động viên muốn có cơ bắp rắn chắn thì họ phải tập luyện hằng ngày, phải luyện tập một cách thường xuyên và đều đặn. Cũng thế, ta không thể cho người khác những cái mà mình không có. Thiết nghĩ chỉ có một cách tốt nhất là ta phải tập chia sẻ và làm điều tốt cho người khác khi có thể. Đừng nghĩ rằng khi nào tôi giàu có, tiền dư gạo thừa thì lúc ấy tôi sẽ chia sẻ cho người khác, nhưng ta nên thực hành ngay hôm nay, từ những cái nhỏ nhặt nhất và làm với cả tình yêu phát xuất từ con tim chân thành. Ngày từng ngày trôi qua, những việc luyện tập tưởng chừng như nhỏ nhặt, vô nghĩa vô tình lại đan dệt nên tấm nhân cách tốt đẹp, làm hành trang bổ ích trong cuộc đời chúng ta.

Hướng Dương
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận