Những công trình bằng đá đẹp nhất nước Ý (2)

Đăng lúc: Thứ bảy - 24/06/2017 04:05 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

NHỮNG CÔNG TRÌNH CÔNG GIÁO BẰNG ÐÁ ÐẸP NHẤT NƯỚC Ý (P2)

 

Bài 2: TU VIỆN SANTA CATERINA DEL SASSO, GIỮA NON VÀ NƯỚC

 

Tu viện Santa Caterina del Sasso được mệnh danh là thiên đường nơi trần thế, nép mình vào núi và hướng ra hồ nước hữu tình. Tương truyền nơi này đã được phát hiện và xây dựng bởi một người đàn ông suýt nữa rơi vào “địa ngục”.

Nằm chênh vênh trên “ban công” tự nhiên là tảng đá nhìn ra mặt hồ Lago Maggiore, tu viện Santa Caterina del Sasso thật sự là một trong những quang cảnh nổi tiếng tuyệt đẹp và đầy dấu ấn lịch sử của vùng hồ nằm ở rìa nam của dãy Alps. Những người hành hương có thể leo lên điểm đặt tu viện bằng cách thông qua dãy thang đá gồm 88 bậc từ hướng mặt hồ, hoặc đi xuống hơn 200 bậc từ bãi đậu xe ở phía trên.

Phép lạ

Tu viện đã được sáng lập vào thế kỷ 12. Theo truyền thuyết, vào thời điểm đó, Alberto Besozzi, một thương nhân và chuyên cho vay nặng lãi giàu có người Milan, đã bị mắc kẹt trong một trận bão cuồng nộ khi đi thuyền trên hồ Maggiore. Trong những thời khắc tuyệt vọng nhất, ông lên tiếng khẩn cầu sự cứu giúp của thánh nữ Catherine xứ Alexandria. Và Besozzi đã thoát chết trong gang tấc nhờ ơn của bề trên, sau khi sóng to gió lớn giúp đẩy xác tàu vào vách đá, cho phép ông tìm được một cái hang trú ẩn qua bão.

Dựa trên nội dung của trường ca nổi tiếng mang tên Thần khúc của nhà thơ Ý Dante vào thời Trung cổ, nếu thiệt mạng vào thời khắc đó, ông Besozzi nhiều khả năng sẽ chịu cảnh bị đày đọa thiên thu trong lửa luyện ngục như những kẻ cho vay nặng lãi khác. Thay vào đó, theo sau sự kiện mầu nhiệm giúp cứu rỗi linh hồn của thương nhân thành Milan, ông quyết định thay đổi cuộc đời để có thể tiến nhập thiên đàng sau khi chết: trở thành ẩn sĩ. Kế bên cái hang mà ông cư ngụ, vào năm 1195, Besozzi đã cho xây một nhà nguyện nhỏ, và sau khi qua đời đã được chôn tại đây. Một phần di vật của Besozzi đã được lưu giữ trong nhà nguyện kể từ năm 1535.

Sau đó vào năm 1640, một sự kiện phi thường khác đã xảy ra tại đây: 5 tảng đá khổng lồ lăn khỏi vách đá và lao qua trần nhà nguyện nơi đặt nấm mồ của ông Besozzi. Tuy nhiên, điều kỳ diệu là chẳng hòn đá nào rơi trúng ngôi mộ của vị tu sĩ. Cũng vì thế mà dân địa phương xem đây là một phép mầu khác của nơi này, và một số người còn cho rằng nó chính là nguồn gốc của từ “sasso” (đá) trong chuỗi tên dài của tu viện trong quang cảnh như tranh vẽ này.

Kiến trúc đặc trưng thời Phục Hưng

Nhà nguyện ngày xưa giờ đây đã được dung hợp vào các cấu trúc đẹp đẽ khác được xây từ thế kỷ thứ 13 và 17 nhờ vào công sức của những người dân địa phương và các cộng đồng tôn giáo khác nhau, có thể kể đến dòng Đa Minh, dòng Augustinô, dòng Cát Minh, dòng Biển Đức… Về mặt tổng thể, tu viện bao gồm 3 phần chính, gồm nhà tu kín phía nam, tu viện nhỏ và nhà thờ. Trong đó, phần phía nam được xây dựng vào thế kỷ 15 và sau đó được cha Giulio Martignoni cho xây lại vào năm 1624 khi cấu trúc cũ bằng gỗ đổ sụp xuống hồ. Tu viện nhỏ, nằm đối diện sân trong, được xây trên những bức tường hồi thế kỷ 13. Nhà ăn ở tầng trệt, nơi ở của các tu sĩ ở lầu 1, bên trên các khung cửa sổ của từng căn phòng vẫn còn lại dấu vết của bức bích họa từ thế kỷ 16 mô tả cảnh tượng “Martyrdom of St Catherine of Alexandria”, tạm dịch “Cuộc tử đạo của thánh Catherine xứ Alexandria”.

Những bức bích họa trên mái vòm nhà nguyện và các phòng trong tu viện

Bên cạnh đó, các bức tường của mái vòm lưu giữ những tấm bích họa quan trọng khác vào thế kỷ 16, vẽ lại các thánh nữ Lucia, Maddalena, Caterina; Phêrô xứ Verona và Nicôla xứ Bari. Trong nhà thờ, từ trên cao ở hướng bệ thờ là hình ảnh Chúa Giêsu được mô tả bên trong quầng hào quang, xung quanh là các biểu tượng của 4 vị thánh sử (Mátthêu, Maccô, Luca và Gioan), và hình tượng các tiến sĩ hội thánh được mô tả ở hai cánh bên. Và nhờ vào công cuộc phục hồi gần đây nhất, phần còn lại của các bức bích họa từ thế kỷ 14 cuối cùng đã lộ diện trước ánh sáng, cho phép khách hành hương thưởng lãm một cảnh tượng sống động của sự kiện Chúa chịu khổ hình trên thập tự giá.

Khu sân bên trong tòa nhà mở cửa hướng đến nhà thờ, nơi mái cổng được hình thành từ 4 vòm cung xây theo kiến trúc phục hưng. Tháp chuông cao 15m cheo leo nơi vách đá được xây từ thế kỷ 14, với các cửa sổ làm bằng đá Angera. 

GIANG VÔ YÊN

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
admin - Đăng lúc: 26/06/2017 17:07
kjjjklkkkl

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận