Nhạc Sĩ Văn Thiều

Đăng lúc: Thứ tư - 30/12/2015 20:01 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
      NHẠC SĨ VĂN THIỀU

       Giáng Sinh về, gởi nhớ đến cố nhạc sĩ tài hoa Văn Thiều gắn liền với ca khúc nổi tiếng: Loài Người Ơi!
       Giấc mơ thành lập nhạc đoàn
       Năm 1960, sau khi được gia nhập nhạc đoàn nổi tiếng Lê Bảo Tịnh, nhạc sĩ Văn Thiều ngỏ ý cùng anh em đồng hương hiểu biết âm nhạc, thành lập một nhạc đoàn riêng cho địa phận Vinh nói chung và địa hạt Thuận Nghĩa nói riêng, lấy tên là Vũ Đăng Khoa, nhưng tình hình không mấy khả quan, bởi vì hoàn cảnh gia đình ông và xã hội ngày càng phức tạp nhân lên. Hồi ấy nhạc sĩ người làng đã nổi tiếng như Duy Ân Mai, Ánh Việt … Chiến tranh ngày càng khốc liệt, khó khăn chồng chất khó khăn, Văn Thiều chỉ có nhiệt tình với quê hương, chứ giấc mộng cũng chỉ là mơ thôi.
       Nhạc sĩ Văn Thiều (1931 – 1968)
       Tên thật là Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thiều, sinh ngày 11-12-1931 tại làng Thuận Nghĩa xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, con út ông Nguyễn Cẩm (Giáo Cẩm) và bà Hồ Thị Hô. Văn Thiều dáng người dong dong cao, mặt xương, da trắng, đeo kính cận, đẹp trai, một thanh niên vui tính, nhưng nghiêm túc, thích hợp nghề làm nhà giáo. Văn Thiếu học trường trung học tư thục Vũ Đăng Khoa, đậu bằng trung học và ra dạy học ngay tại bản trường tiểu học của làng.
       Năm 1949, thầy Thiều đã làm giáo viên lớp tư trường làng. Thời gian này, nhạc sĩ Trúc Thủy Hùng có mở lớp dạy nhạc, một số thanh niên có năng khiếu âm nhạc theo học, trong đó có thầy Thiều. Vì có tâm hồn nghệ sĩ, lớp học này đã đào tạo tại chỗ mấy nhạc sĩ sáng tác thánh nhạc như Ánh Việt (Trần Trọng Kính), Thanh Tuyền (Chu Trọng Huấn), và Ánh Thiều … Nhóm họ đã sáng tác bộ Dâng Hoa cho họ Thuận Nghĩa theo làn điệu pha giọng dân ca và tân nhạc, và những khúc ca đệm như “ Đây tháng hoa’’ “Tháng Hoa về ’’ … khá hay!
       Năm 1954, ông Thiều cưới vợ và di cư vào miền Nam, định cư tại xứ Thuận Nghĩa, Phan Thiết. Nghề nghiệp là giáo viên cấp I trường tiểu học xã Phú Sung, quận Hàm Thuận, Bình Thuận. Gia đình chỉ 1 con, với đồng lương giáo viên lúc bấy giờ khá ổn định nên ông có điều kiện sinh hoạt nghệ thuật.
       Năm 1958, Văn Thiều thành lập ca đoàn Cecilia giáo xứ Thuận Nghĩa. Ông điều hành ca đoàn và huấn luyện kĩ thuật ca hát cho ca viên, đào tạo lớp ca trưởng đầy khả năng như Tùng Ngân, Lê Cát Bằng, Trần Văn Cảnh, … Thời gian này, Ông sáng tác sáng tác nhiều thánh ca, hoặc đặt lời cho nhạc Pháp, nhạc Latinh như: “Lạy Mẹ Rất Thánh’’ (Salve Regina) .
       Năm 1960, ông gia nhập nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, đổi biệt hiệu là Văn Thiều, để khỏi trùng tên với một nhạc sĩ Ánh Thiều ở Nha Trang, cùng một nhạc đoàn. Văn Thiều đã thành danh với các ca khúc được đăng trên Cung Thánh 16 “Loài Người Ơi’’, “Ave Maria’’, “Thờ Lạy Thánh Thể”… Nét nhạc của Văn Thiều vui tươi thanh thoát, lời ca chải chuốt và cẩn trọng âm vực, vì thế nhạc của ông dễ hát, khá tự nhiên.
             “Trên cành Đào tươi, tôi thấy ánh Xuân đã về.
               Bên trời ngát hương, ngàn muôn tiếng hòa trong gió yêu đời.’’ (Ánh Xuân)
                                                                                          
       Hoặc: “Đây tháng hoa đã về, về với tiếng ca muôn lời.
               Đây tâm hồn con thơ ngây dâng lên,
               Xin Mẹ ban lời an hòa’’. (Đây Tháng Hoa).
       Nhạc sĩ Văn Thiều rất có tâm huyết với ca đoàn Cecilia, dù gặp rất nhiều khó khăn lúc ban đầu mới thành lập giáo xứ, ông gắn bó với anh chị em ca viên. Những dịp lễ trọng hát tiếng Latinh, tập hát cả tháng ròng, lúc nào ông cũng vui vẻ và gây hứng cho mọi người. Ông có biệt tài lãnh đạo và tập huấn, hay đến nỗi người ta nghĩ: nếu không có ông thì ai thay thế được đây? Ông có tâm nguyện huấn luyện âm nhạc đầy đủ, một lớp trẻ Thuận Nghĩa kế thừa là những nhạc sĩ.
       Năm 1968, biến cố Tết Mậu Thân, thầy Thiều đã di cư xuống Vinh phú, Phan Thiết, tránh chiến tranh, hoàn cảnh lúc bấy giờ rất chật vật.
       Ngày 6/05/1968, ông đột ngột vĩnh viễn ra đi về nhà Chúa sau một lần nhiệm cảm nhẹ, nhưng bị ngộ thuốc. Mọi người sững sốt và thương tiếc vô cùng về những hoài bảo và kỳ vọng của nhạc sĩ tài hoa đã biến theo cái chết. Và làng Thuận Nghĩa cũng mất đi một thiên tài đầy nhiệt huyết, có thể làm được cái gì đó rạng rỡ cho quê hương!

Lm Châu Linh
(Viết theo tư liệu của cố nhạc sĩ Lê Cát Bằng tức Lê Tùng Thư)


PDF
                                
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận