Nhà Thờ

Đăng lúc: Thứ bảy - 10/10/2015 17:18 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
NHÀ THỜ

Lm. Huỳnh Trụ

 

Theo các từ điển, nhà thờ chỉ có hai nghĩa: (1) Nhà thờ là “nhà để mà thờ phượng”[1]Nhà thờ tổ; Nhà thờ họ (2) Cũng gọi là giáo đường hay thánh đường, là nơi các tín hữu thờ phượng Thiên Chúa:Đi lễ nhà thờ.

Theo nghĩa thứ nhất, nhà thờ (A: The cult house; P: La maison de culte) là tiếng gọi tắt của nhà thờ họ hay nhà thờ tổ tiên, Hán Việt gọi là từ đường. A: The ancestral temple; P: Le temple des ancêtres, là một trong những thứ mà chỉ có ở các nơi có đạo Khổng. “Nhà cất riêng hoặc một gian của nhà ở, dùng thờ ông bà[2].

Theo nghĩa thứ hai, nhà thờ còn gọi là giáo đường, hay thánh đường, L: ecclesia; A: church; P: église, là:

- Nơi các tín hữu thờ phượng Thiên Chúa, cầu nguyện và tham dự các nghi thức phụng vụ (x. GL 1214).

- Nơi đặc biệt để con người gặp gỡ Thiên Chúa.

- Nơi đặc biệt để thờ kính Đức Chúa Giêsu hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể (x. GLHTCG 2691).

- Tượng trưng cho sự hiện diện của Hội Thánh trong địa phương đó [3].

Trong tiếng Latin, chữ Ecclesia (viết hoa) có nghĩa là một cộng đoàn tín hữu hay Giáo Hội; còn chữecclesia (viết thường) có nghĩa là thánh đường, nhà thờ. Chữ Église trong tiếng Pháp và chữ Churchtrong tiếng Anh khi viết hoa hay viết thường cũng có nghĩa như vậy. Tự điển ngoài đời thường nhầm lẫn hai thuật từ Giáo Hội và nhà thờ, họ hay dùng từ nhà thờ thay vì Giáo Hội. Các định nghĩa: Nhà thờ là “tổ chức điều hành Đạo Kitô: Những qui định chung của nhà thờ.” hay “tổ chức nắm quyền cai quản giáo dân: Thế lực nhà thờ.” hoàn toàn xa lạ với quan niệm của Công Giáo.

Ngày xưa, khi đạo Công Giáo mới được truyền sang Việt Nam, các cộng đoàn tín hữu có tổ chức theo địa dư, thường tụ tập để cầu nguyện và cử hành thánh lễ (khi có linh mục) trong những căn nhà nhỏ được dựng lên dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa, tương tự như những nhà thờ tổ, và họ cũng gọi đó là “nhà thờ” hay “nhà thánh”. Paulus Của (1895) cũng gọi “nhà thờ đạo Thiên Chúa” là nhà thánh[4]. Nhưng về sau, thuật từ “nhà thánh” được dành chỉ các “chapel” (P. chapelle)[5] mà ngày nay chúng ta gọi là “nhà nguyện” hay “nguyện đường”, tức là nhà thờ nhỏ, gắn liền với nhà thờ chính của giáo xứ hoặc toà nhà biệt lập nằm trong địa hạt giáo xứ hoặc một phòng dành riêng cho việc phụng tự trong tu viện, bệnh viện, trường học hay tư gia. Tương tự như ở các nước khác, khi Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam tiến đến trưởng thành thì cũng xuất hiện nhiều nhà thờ với các qui mô và vai trò khác nhau, nên cũng có thêm những tước hiệu khác nhau:

- Những nhà thờ có tầm mức từ một ngôi nhà nhỏ đủ đặt bàn thờ đến những ngôi nhà đồ sộ, được xây cất và dâng hiến để tôn kính riêng một vị thánh hoặc một sự kiện lớn trong Đạo, gọi là đền, đền thờ hay đền thánh (santuarium, shrine[6]). Ví dụ: Đền thánh Antôn, đền thánh Matthêu Lê Văn Gẫm.

- Những nhà thờ chính của giáo phận hay tổng giáo phận, nơi có toà giám mục hoặc toà tổng giám mục cai quản giáo phận đó, gọi là nhà thờ lớn hay nhà thờ chính toà (cathedral). Ví dụ: Nhà thờ chính toà Hà Nội, nhà thờ chính toà Huếnhà thờ chính toà Sài Gòn.

- Những nhà thờ với kiến trúc to đẹp và cổ kính, vì đã có lâu đời hay vì tầm quan trọng của nó, nên đã được Toà Thánh ban cho tước hiệu “Minor Basilica” tức là “Tiểu vương cung thánh đường”. Tại Việt Nam hiện nay có hơn 5.456 nhà thờ nhưng chỉ mới có 4 nhà thờ được nâng lên bậc (tiểu) vương cung thánh đường đó là nhà thờ Đức Bà (Sàigòn, được nâng lên vương cung thánh đường năm 1961), nhà thờ La Vang (Quảng Trị, 1961), nhà thờ Phú Nhai (Nam Định, 2008), và nhà thờ Sở Kiện (Hà Nam, 2010). Như vậy, vương cung thánh đường có thể là một nhà thờ chính toà, một đền thờ nào đó hay cũng có thể là một nhà thờ bình thường.

4. Thánh đường.

Tín hữu Công Giáo ở Trung Quốc gọi nơi thờ phượng của mình là thánh đường (nhà thánh) hayThiên Chúa đường (nhà của Thiên Chúa). Người Công Giáo ở Việt Nam cũng gọi nhà thờ là thánh đường, tức là nhà thuộc về Thiên Chúa, dành cho Thiên Chúa.

Thánh đường là từ Hán Việt, có nghĩa hẹp là “nhà thánh”. Như đã nói ở trên, hiện nay từ “nhà thánh” đã được thay bằng thuật từ “nhà nguyện”. Thánh có nghĩa là thuộc về Đấng tối cao, đường là phòng họp chính và lớn. Thiết nghĩ những nơi thờ phượng nhỏ hẹp nếu gọi là nhà thờ thì thích hợp hơn là thánh đường. “Thánh Đường” có thể sử dụng thay cho thuật từ “nhà thờ” để nói lên tính cách quy mô về kiến trúc, hoặc trang trọng về hình thức, hoặc trong những ngữ cảnh quen thuộc như: Nói “vương cung thánh đường”, chứ không thể nói “vương cung nhà thờ”; nói “nhà thờ chính toà”, chứ không nói “thánh đường chính toà” hay “chính toà thánh đường”.

5. Nơi thờ phượng của các tôn giáo.

Nơi thờ phượng của một tôn giáo thường có cách xưng hô riêng, như:

- Cao Đài gọi là thánh thất. Ví dụ: Thánh thất Mỹ Tho, Thánh thất Đa Phước;

- Đạo Giáo thì gọi là đạo quán[7]. Ví dụ: Trấn Vũ Quán hay đền Quán Thánh; Huyền Thiên Quán hay chùa Huyền Thiên; Đồng Thiên Quán hay chùa Kim Cổ; Đế Thích Quán hay chùa Vua, tất cả đều ở Hà Nội.

- Hồi Giáo gọi là thánh đường, nhà thờ hay đền thờ (mosque). Ví dụ: Thánh Đường Al Rahman ở Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, được xây dựng sớm nhất (1885) tại Việt Nam; Thánh Đường Al Mubarakở An Giang, thường được gọi là “chùa Chăm An Giang”.

- Phật giáo gọi là chùa, tự  hay già lamVí dụ: Chùa Vĩnh Nghiêm, Việt Nam Quốc Tự, Bát Nhã Già Lam ở Bình Thạnh, Già Lam Cổ Tự ở Phụng Hiệp.

- Tin Lành thì cũng gọi là nhà thờgiáo đường hay thánh đường, nhưng có thêm hai chữ Tin Lành. Ví dụ: Nhà thờ Tin Lành Đà Lạt, thánh đường Tin Lành Khánh Hội (Quận 4), giáo đường Tin Lànhtại Trường Xuân, Cát Lâm.

6. Kết luận.

Cha Đỗ Quang Chính (SJ.) giải thích lý do Giáo Hội ở Đàng Trong lúc ban đầu sử dụng từ “Họ” để chỉ các giáo xứ như sau[8]: “Từ Họ theo nguyên ngữ có nghĩa là gia đình, họ hàng, thân thích, và nếu hiểu rộng hơn cũng chỉ các hiệp hội, hội đoàn, phường, có cùng một chí hướng... Khi cha ông ta sử dụng từ Họ là muốn làm nỗi bật sự liên kết chặt chẽ giữa các bổn đạo trong Họ chứ không lỏng lẻo như ở châu Âu. Vì ở đó có thể nói được những cá nhân liên hệ với nhau bằng việc duy nhất là họp nhau tham dự kinh lễ tại nhà thờ trong những ngày giờ nhất định. Trái lại, ở Việt Nam các bổn đạo trong Họ còn liên kết với nhau bằng nhiều cách, trong nhiều tổ chức, sinh hoạt, không phải chỉ tới nhà thờ tham dự kinh lễ mà thôi. Vì thế, Họ là một cơ sở hay nói đúng hơn là một cơ thể thực sự vững mạnh và sống động, mà chính L. Cadière cũng phải nhận xét như thế...”.

Thiết nghĩ, các vị tiền bối đã sử dụng từ Họ để chỉ cộng đoàn tín hữu cư ngụ gần nhau, để nói lên sự kết hợp chặt chẽ giữa bổn đạo với nhau như giữa những người cùng chung huyết thống, dòng họ. Và ở Việt Nam, mối dây họ hàng được nối kết chặt chẽ bằng việc tôn kính tổ tiên, cụ thể qua những việc tế tự tại nhà thờ tổ hay nhà thờ họ.

Vì vậy, việc gọi nơi sinh hoạt tôn giáo thường xuyên của các tín hữu, nơi gắn bó các gia đình Công Giáo với nhau cách chặt chẽ như những người trong cùng một Họ, không từ ngữ nào thích hợp hơn là “nhà thờ”.

Trong một số trường hợp, để tránh hiểu lầm “nhà thờ” (Công Giáo) với “nhà thờ họ” hay nhà thờ tổ tiên, thì chúng ta có thể nói rõ là “nhà thờ Công Giáo” cũng như anh em Tin Lành luôn nói rõ là “nhà thờ Tin Lành” vậy.

 

 

TÂN PHÚC ÂM HÓA NHÀ THỜ

Đóa Hoa Vô Thường

 

Số báo Tĩnh tâm tháng 9 có chủ đề “Nhà thờ”, nên bài viết này chỉ giới hạn ba điểm: (1) Nhà thờ là gì? (2) Chúa Giêsu thanh tẩy Nhà thờ. (3) Chúng ta Phúc Âm hóa Nhà thờ.

1. NHÀ THỜ LÀ GÌ? “Nhà thờ, giáo đường hay thánh đường là nơi các tín hữu thờ phượng Thiên Chúa, cầu nguyện và tham dự các nghi thức Phụng Vụ (x. GL 1214). Nhà thờ là nơi đặc biệt để thờ kính Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể (x. GLHTCG, số 2691) và cũng là nơi đặc biệt để con người gặp gỡ Thiên Chúa.

Nhà thờ vừa là nơi cộng đoàn Giáo xứ quy tụ để thờ phượng Thiên Chúa, vừa tượng trưng cho sự hiện diện của Hội Thánh trong địa phương đó. Cấu trúc nhà thờ gồm có phần cung thánh và phần dành cho giáo dân. Phần cung thánh gồm: Bàn Thờ để cử hành Thánh Lễ; Giảng Đài để công bố Lời Chúa; Nhà Tạm để cất giữ Mình Thánh Chúa” (Tự điển Công giáo, HĐGMVN, 2011).

2. CHÚA GIÊSU THANH TẨY NHÀ THỜ: Vào dịp lễ Vượt Qua, người Do Thái ở khắp mọi nơi tuôn về Nhà thờ Giêrusalem để hành hương. Khách hành hương phải chuẩn bị các của lễ đúng theo qui định: Một con bò hoặc một con chiên cho trường hợp những người giàu có (x. Xh 12, 3- 4). Một con bồ câu cho trường hợp những người nghèo khó (Lc 2, 24). Và một nửa đồng bạc Do Thái để đóng thuế Nhà thờ (x. Mt 17, 27).

Để phục vụ cho khách hành hương, nên có các quầy bán bò và cho đổi tiền là việc bình thường. Các cửa hàng của những người bán bò và chiên được bố trí dưới các cổng vào Nhà thờ. Bàn của những người đổi bạc được đặt ngay ngoài trời, đã biến vùng sân Nhà thờ này thành một cửa hàng tạp hóa vĩ đại. Việc đổi tiền bạc có ăn lời đôi chút. Kinh Talmud qui định: “Mỗi người cần có nửa đồng bạc, người ấy phải chi cho người đổi bạc chút ít tiền lời”. Nhưng chính tại Nhà thờ này, khách hành hương phải đổi bạc với giá cắt cổ. Chính trong cảnh mua bán đổi chác gây huyên náo hỗn độn ở Nhà thờ; nhất là ở nơi Nhà thờ đã có sự lạm dụng. Thực vậy, luật qui định là bất cứ con vật nào dùng làm lễ tế đều phải lành lặn, không tỳ vết (Xh 12,5). Nên các chức sắc quản trị Nhà thờ đã bổ nhiệm những người kiểm tra, để khám xét con vật. Mỗi lần khám xét đều phải trả lệ phí một phần mười hai đồng bạc. Nếu khách hành hương mua một con vật ở ngoài Nhà thờ, chắc chắn con vật ấy sẽ bị từ chối khi khám xét. Ngoài ra, mỗi con vật mua trong Nhà thờ có khi phải trả giá đắt gấp 15 lần so với giá mua bên ngoài. Cho nên, khách hành hương nghèo bị bóc lột trắng trợn khi muốn dâng lễ vật. Sự bất công xã hội này càng tệ hại thêm vì nó làm dưới danh nghĩa tôn giáo. Chúa Giêsu nhìn thấy cảnh Nhà thờ, Nhà Cha của Ngài, nơi cầu nguyện, đã trở nên địa điểm của phường buôn bán. Hơn nữa Ngài nhìn thấy những sự bóc lột trắng trợn, bất công quá đáng, lạm dụng Nhà thờ để trục lợi, nên Ngài đã bừng bừng nổi giận. Thánh Gioan là người có mặt ở Nhà thờ lúc đó cho biết là Chúa Giêsu đã lấy dây bện thành một ngọn roi xua đuổi bọn họ và đạp đổ tung thùng tiền, lật nhào các chuồng bồ câu (Ga 2, 13-16).

3. CHÚNG TA PHÚC ÂM HÓA NHÀ THỜ:

a. Phúc Âm hóa nhà thờ vật chất: Như đã nói ở trên, Nhà thờ là nơi tiêu biểu cho một cơ sở tôn giáo linh thiêng, chứ không đơn thuần chỉ là một khu kiến trúc. Người người về đây không chỉ để hưởng làn gió mát, chiêm ngưỡng nét đẹp kiến trúc, mà còn để hưởng bầu không khí của sự an bình, của sự bảo vệ thánh thiêng. Đoàn người đến đây để gặp gỡ Thiên Chúa, để gặp gỡ vị Mục Tử Tối Cao, để lắng nghe lời dặn dò của vị Mục Tử. Để từ đó khi ra về, trong tâm hồn họ như có một niềm vui mới, một đức tin vững vàng hơn, một sự bảo đảm linh thánh, để họ tiếp tục sống tốt, sống đẹp giữa những cảnh đời vô cùng khắc nghiệt và phức tạp, để họ có thể hoàn thành sứ mệnh cao cả, hoàn thành nhiệm vụ mà Chúa đã ban tặng cho loài người.

Nhân tiện đây thiết tưởng cũng nên nhắc lại một số điều Giáo luật đã qui định về việc “Phúc Âm hóa nhà thờ”. Giáo luật điều 1217 qui định: (1) Khi đã hoàn tất việc xây cất, Nhà thờ mới phải được cung hiến hay làm phép theo quy luật phụng vụ thánh càng sớm càng tốt. (2) Các Nhà thờ, đặc biệt Nhà thờ Chính tòa và Nhà thờ Giáo xứ phải được cung hiến với nghi lễ trọng thể. Mỗi Nhà thờ phải mang một tước hiệu riêng, và một khi đã cung hiến, thì không thể thay đổi tước hiệu nữa (Giáo luật điều 1218).

Điều 1220: (1) Những người có trách nhiệm coi sóc Nhà thờ phải lo giữ Nhà thờ sạch sẽ và trang nghiêm, xứng đáng là Nhà của Chúa, cùng ngăn cản tất cả những gì nghịch với sự thánh thiện của nơi ấy. (2) Để giữ gìn các đồ vật thánh và quý giá, cần phải sử dụng những phương tiện bảo trì thường lệ và những biện pháp an ninh thích hợp.

Điều 1222: Khi có những lý do khác quan trọng xui khiến không tiện sử dụng một Nhà thờ vào việc phụng tự nữa, thì Đức Giám mục Giáo phận, sau khi tham khảo ý kiến Hội đồng Linh mục và được sự thỏa thuận của những người có quyền lợi hợp lệ trong Nhà thờ, có thể cho sử dụng Nhà thờ ấy vào việc phàm tục không uế tạp, miễn là không vì thế mà làm thiệt hại đến ích lợi của các linh hồn.

b. Phúc Âm hóa nhà thờ tâm hồn: Chúng ta đang sống trong “Năm tân Phúc Âm hóa đời sống các Giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến”. Vì thế việc Phúc Âm hóa Nhà thờ tâm hồn nhắc nhở chúng ta hai điều:

Thứ nhất: Qua Bí tích Rửa tội, mỗi người tín hữu được coi là một Nhà thờ di động của Thiên Chúa. Nhưng hiện giờ ngôi Nhà thờ ấy có còn xứng đáng để Thiên Chúa ngự trị hay không? Hay ta chỉ còn là một cái chợ trưng bày đủ thứ, nhất là những thứ cấm kỵ như: tham vọng, ích kỷ, hận thù, bất trung, ghen ghét, gian dối? Không nhiều thì ít, có lẽ Nhà thờ tâm hồn ta còn đang bất xứng. Vì thế ta cần thanh tẩy, trùng tu ngôi Nhà thờ là chính tâm hồn mình.

Thứ hai: Các gia đình Kitô hữu cũng được mời gọi trở nên những Nhà thờ của Thiên Chúa giữa dòng đời. Liệu trong ngôi Nhà thờ ấy, các thành viên có biết lấy Lời Chúa, đức yêu thương và sự khoan dung tha thứ mà đối xử với nhau không? Hay ngôi Nhà thờ ấy đã trở thành quán trọ lạnh lẽo và khô khan, mạnh ai nấy sống? Liệu trong ngôi Nhà thờ gia đình mình có Thiên Chúa ngự trị không? Hay gia đình mình đang bị đủ thứ ngẫu tượng chi phối, như tiền bạc, gian tà, giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, chứng gian và vu khống? (Mt 15,19)

Có thể nói, mỗi Kitô hữu, mỗi gia đình chúng ta đều là Nhà thờ của Thiên Chúa ngự trị (1Cr 3,9). Nhưng rất có thể hôm nay Thiên Chúa đã bị mất chỗ. Nghĩa là tội lỗi, những cái xấu, những cái tiêu cực trong ta đã chiếm chỗ của Chúa. Vì thế, ta cần dứt khoát loại bỏ tất cả những thứ đó ngay lập tức, để trả lại chỗ thánh thiêng cho Thiên Chúa, bằng sự ăn năn sám hối và cải thiện đời sống. Đó là tinh thần tân Phúc Âm hóa chính mình hằng ngày.

Tôi tin rằng, khi mình kết hợp mật thiết với thân thể phục sinh Chúa Kitô, thì chính thân xác ta cũng là Nhà thờ của Chúa Thánh Thần (1 Cr 3,16-17). Nhà thờ thánh thiêng ấy có thể đã trở nên phàm tục do đam mê vô độ của thân xác, tội lỗi đã trục xuất Chúa Thánh Thần. Do đó ta cần Phúc Âm hóa thân xác mình hằng ngày, thanh tẩy mọi tội lỗi như Chúa Giêsu đã truyền: “Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây” (Ga 2,16). Qua Bí tích Giải tội, ta hãy đưa Nhà thờ thân xác mình trở lại với sự thanh sạch thánh thiêng thuở ban đầu, khi mình mới lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy; như lời thánh vương Đa-vít: "Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm. Tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy!” (Tv 51,4).

 

NHÀ THỜ GIÁO XỨ

 

1- Thiên Chúa là Đấng cao cả, vĩ đại. Vũ trụ bao la mênh mông và mọi cung điện nguy nga lộng lẫy đến đâu cũng không xứng đáng làm nơi Ngài ngự. Chỉ vì yêu thương con người, Ngài muốn đến ngự trong nhà thờ giáo xứ chúng ta, để hiện diện, đồng hành với chúng ta.

Nhà thờ là nơi thân thương, đầy ắp kỷ niệm của đời tín hữu: Tại đây, Chúa đón nhận và biến họ thành con cái Ngài nhờ bí tích Rửa tội; Chúa Thánh Thần xuống trên họ qua bí tích Thêm sức; đã ban ơn tha thứ và thanh tẩy lương tâm cho biết bao tội nhân qua bí tích Giải tội; Chúa đã chứng nhận, kết hợp và chúc phúc cho biết bao đôi vợ chồng qua bí tích Hôn phối.

Trong nhà thờ, biết bao người đã mài mòn đầu gối sốt sắng quỳ cầu nguyện; nhờ đó phát sinh nhiều ơn gọi sống đời thánh hiến. Cũng tại đây, xác thân người quá cố được đưa đến lần cuối, xin Chúa, qua thánh lễ an táng, đoái thương đón nhận linh hồn họ về với Ngài.

2- Tâm điểm của nhà thờ là Chúa Giêsu Thánh Thể trong Nhà Tạm: “Tôi mừng vui mỗi khi nghe nhủ rằng nào ta tiến về nhà Thiên Chúa” (Tv 121,1). Hằng ngày qua Phụng vụ, Ngài giảng dạy chúng ta qua Thánh Kinh và nuôi dưỡng chúng ta bằng Thánh Thể.

Con người cầu nguyện; Ngài lắng nghe và ban ơn: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28); để rồi với Chúa, họ ra đi, lên đường loan báo Tin Mừng, Phúc Âm hóa giáo xứ, cộng đoàn, xã hội…

3- Nhà thờ cũng là trái tim của giáo xứ, là trung tâm sinh hoạt của cộng đoàn tín hữu. Cuộc sống người tín hữu xoay quanh nhà thờ: “Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền Chúa tôi mọi ngày trong suốt cuộc đời, để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang, ngắm xem thánh điện huy hoàng “ (Tv 27,4). “Phúc thay người ở trong thánh điện, họ luôn luôn được hát mừng Ngài” (Tv 84,5).

4- Nhà thờ còn là biểu hiệu hữu hình của Hội Thánh Chúa trên trần gian: “trong Chúa Kitô, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa cũng được xây dựng cùng với người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí” (Ep 2,21-22).

5- Nói đến nhà thờ, tự nhiên ta liên tưởng đến ngôi nhà bằng gạch đá, sắt thép, mà quên mất rằng nhờ bí tích Rửa tội, “chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống” (2 Cr 6,16; 1 Pr 2,5). Nhờ việc rước Thánh Thể, người tín hữu trở nên “hòm bia giao ước”, trở thành ”nhà tạm di động” của Thiên Chúa giữa trần gian. Được cứu chuộc nhờ Máu thánh Chúa, chúng ta hãy sống xứng đáng với ơn Chúa; quyết tâm không làm vấy bẩn tâm hồn mình qua lối sống tội lỗi, nhếch nhác xàm xỡ, đồi bại. Chớ để bị Chúa quở trách :”Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp “(Lc 19,46), thành nơi buôn bán (x Ga 2,16), thành quán trọ chực ních người ngợm, không còn chỗ trống đón tiếp Chúa (x Lc 2,7).

Đức Hồng Y Régnier, TGM Cambrai, Pháp, khi nhìn thấy nhà thờ chính tòa phát hỏa, đã đứng lặng đau xót. Bỗng ngài thốt lên : một nhà thờ bị lửa thiêu rụi, dù sao vẫn ít buồn ít khổ hơn một linh hồn liều mình phạm tội trọng. Nếu không kịp thời sám hối ăn năn đổi mới, họ sẽ bị hỏa thiêu đời đời trong lửa hỏa ngục: “Ai phá hủy Đền thờ Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy. Vì Đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền thờ ấy chính là anh em “(1 Cr 3,17). “Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em “(1 Cr 6,20).

6- Đến nhà thờ, chúng ta muốn thấy nhà thờ sạch sẽ ư? Chớ làm linh hồn ta ra ô uế vì những dơ bẩn tội lỗi. Chúng ta muốn nhà thờ có hoa đẹp hương thơm ư ? Đừng làm hôi hám bản thân, chớ làm ô danh đạo Chúa. Chúng ta muốn nhà thờ rực sáng ư? Thiên Chúa cũng chẳng muốn chúng ta sống trong u minh tối tăm, mà phải quang tỏa ánh sáng các việc lành phúc đức. Chúng ta muốn vào nhà thờ thế nào, Thiên Chúa cũng muốn vào linh hồn chúng ta như thế: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy" (Ga 14, 23).

Nhà thờ gạch đá của giáo xứ là niềm vinh dự và tự hào của người tín hữu; nhưng đền thờ người tín hữu mới là niềm tự hào và vinh quang của Thiên Chúa.

Nhà thờ giáo xứ là dấu chỉ cho lương dân biết có đạo Chúa; nhưng chính đời sống tốt đẹp của chúng ta mới có sức thuyết phục người ngoại đạo tin yêu Chúa.

Hạt Cải 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận