Thiên Thảo Đường xoa dịu nỗi đau

Đăng lúc: Thứ tư - 21/10/2015 02:04 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Thiên Thảo Đường xoa dịu nỗi đau

Cũng như nhánh nam, Tu đoàn nữ hiện dấn thân vào nhiều lãnh vực như làm giếng nước sạch cho vùng nghèo, nuôi heo tín dụng, may đồ tặng công nhân, học sinh nghèo… Tuy nhiên, không thể không nhắc đến một “đặc sản” đã gắn liền với tên tuổi Tu đoàn nữ là phòng khám Thiên Thảo Đường. Cộng đoàn tự trồng và bào chế các loại thuốc từ những cây thảo mộc tự nhiên và khám chữa bệnh, châm cứu, bốc thuốc bằng các liệu pháp Đông y... Ở đó, tình thương được san sẻ, tình liên đới được thắt chặt và nhiều nỗi đau được xoa dịu.

Một phần khuôn viên Tu đoàn nữ

Phòng khám nơi Tu đoàn

Sau một ngày theo chân các thầy bên nam, chúng tôi mới có dịp đặt chân vào khuôn viên Tu đoàn nữ. 7 giờ sáng, mọi thành viên lại tất bật cho công việc ngày mới. Người làm vườn, người bào chế thuốc, số khác có chuyên môn thì đi phục vụ bệnh nhân, tất cả tạo nên một bầu khí đầy ắp niềm vui.

Tháng 4.2005, phòng khám Đông y của Tu đoàn Bác ái Xã hội chính thức hoạt động. Ở vùng Tân Hà, một xã miền núi của huyện Hàm Tân - Bình Thuận, đời sống dân còn nghèo thì phòng khám bỗng trở thành một địa điểm thân thương để mọi người dừng chân mỗi khi sức khỏe suy yếu. Nữ tu Maria Nguyễn Thị Quỳnh Nga, bề trên tu đoàn cho biết, Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan lập phòng khám Đông y vì cách trị bệnh theo phương pháp này ít tốn kém, ít gây phản ứng phụ, nguồn nguyên liệu tự bào chế, dễ kiếm, dễ trồng…, hơn nữa phòng khám Tây y sẽ tốn rất nhiều kinh phí. Ngày đầu, phòng khám được tổ chức trong khuôn viên nhà thờ giáo xứ Đông Hà gần đó, với 12 nữ tu tốt nghiệp y học cổ truyền, 3 y sĩ và 2 điều dưỡng trực tiếp phục vụ. Ngoài ra còn có sự cộng tác của linh mục Phạm Thọ, chánh xứ Đông Hà, một người rất yêu thích nghề thuốc Đông y cùng với hai Lương y Dương Phú Cường và Võ Phước Hưng đến từ Sài Gòn.

Không gian bào chế thuốc

Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo với những bước đi có định hướng, lượng bệnh nhân đến với phòng khám tăng lên đều đặn. Năm 2008, phòng khám chuyển về bên trong cơ sở của tu đoàn, rộng và thoáng mát. Để có nguồn thuốc, tu đoàn sử dụng 9 mẫu đất vườn và trồng trên 60 loại cây dược liệu. Những thuốc không sẵn có thì mua trong dân, số khác được lấy từ Sài Gòn về.“Để đảm bảo an toàn và chất lượng, từ cây dược liệu tươi đến khi cho ra thành phẩm, mọi công đoạn đều do các nữ tu thực hiện”, dì Nga nói.

Từ thứ Hai đến thứ Sáu, mỗi ngày Thiên Thảo Đường điều trị cho khoảng từ 50 - 60 bệnh nhân, bằng cách ứng dụng nhiều liệu pháp như châm cứu, bấm huyệt, massage, vật lý trị liệu... chữa trị các chứng bệnh về thần kinh, cơ xương khớp, tuần hoàn, tai biến… Riêng vào thứ ba hằng tuần thì khám bệnh và phát thuốc, trung bình có khoảng 300 người đến nhận thuốc và con số điều trị cao gấp đôi ngày thường. Ngoài ra, tại chín cộng đoàn hiện đang phục vụ nơi các vùng sâu, vùng xa trong giáo phận, mỗi tuần cũng châm cứu và chữa trị cho khoảng 30 - 40 bệnh nhân. Tất cả đều miễn phí nhưng trong tu đoàn có đặt một thùng quà liên đới giúp mọi người biết san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, để người được chữa lành biết nghĩ đến những người đang bệnh.

Quà tặng của tình yêu

Mỗi thứ ba, khuôn viên tu đoàn biến thành bệnh viện rộng lớn cho người muôn nơi tìm về, có cả bà con từ miền Tây Nam bộ và Tây Nguyên. Có người đến trực tiếp nhưng cũng nhiều người gởi gắm người quen lấy thuốc dùm. Chị Phan Như Hoa (quê Đồng Nai) đang chờ chồng châm cứu kể, anh bị tai biến liệt nửa người, nhà không đủ điều kiện nên không thể đưa anh đi chữa trị. Nhưng sau khi được các dì châm cứu đến nay đã có thể đi lại. “Nếu không có Thiên Thảo Đường giờ này chắc anh vẫn còn nằm trên giường bệnh”, chị Hoa tâm sự.

Nguồn thuốc chủ yếu do tu đoàn tự trồng

Ngoài việc khám về thể lý, nơi đó còn cho người bệnh sự bình an và tiếp cho họ động lực cuộc sống. Chị Bùi Thị Tình (Đăk Lăk), sau một lần bị tai nạn nghề nghiệp, đến bệnh viện mới phát hiện thêm nhiều bệnh khác. Gia đình phải chạy vạy khắp nơi, bán đi nhiều thứ nhưng bệnh tình không giảm, nợ càng thêm nợ khiến cuộc sống gần như không lối thoát. Khi đến Thiên Thảo Đường, chị được châm cứu và điều trị, trong những giờ nằm chữa trị chị còn được các nữ tu trò chuyện, thăm hỏi, lắng nghe, an ủi… Tinh thần chị đã lạc quan hơn, có cái nhìn tích cực hơn về bệnh tật. Hằng tháng, có khi hằng tuần, cộng đoàn lại họp để nhắc nhở nhau, chia sẻ kinh nghiệm nhằm hướng tới môi trường phục vụ thân thiện nhất.

Công việc thường ngày của các nữ tu trong Tu đoàn BAXH

Ước tính đã có hàng ngàn lượt bệnh nhân đến với phòng khám, trong đó, hàng trăm ca bệnh hiểm nghèo được chữa khỏi. Ông Đinh Văn Liêm, người Đồng Nai, bị bệnh tim và hen suyễn nặng, khi đến phòng khám thì chỉ còn da bọc xương, phải nhờ người bồng. Sau năm tuần điều trị thì bình phục hoàn toàn, giờ ông có thể đi đứng và sinh hoạt bình thường. Ông Bùi Văn Dưỡng bị tai biến liệt nửa đầu, mắt mờ, ông đã đi khám nhiều nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Sau 10 ngày được các nữ tu châm cứu và tập vật lý trị liệu, mắt ông đã nhìn rõ như trước, đầu cũng không còn bị tê liệt. Thầy giáo ngoại ngữ Nguyễn Xuân Lan, 56 tuổi, sống tại TPHCM, hai năm nay bàn tay không thể nắm lại để cầm phấn, đã chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Bản thân ông và gia đình dự tính đi ra nước ngoài phẫu thuật. Được người quen mách bảo nhưng phải đến lần thứ tư ông mới chịu về với Thiên Thảo Đường, và sau bốn lần châm cứu, hiện tay ông trở lại như bình thường… Giờ đã khỏe mạnh nhưng mỗi khi nhắc đến Thiên Thảo Đường, tất cả họ đều dành một sự ái mộ cùng những lời cám ơn chân thành.

Gần 10 năm qua, tu đoàn đã điều trị cho hàng ngàn người bệnh

Ngoài Đông y, tu đoàn còn có ba chị học về Tây y đang làm việc trong các bệnh viện, trạm y tế xã. Việc có những cá nhân chuyên về Tây y trong một phòng khám Đông y là một trong những định hướng tương lai của tu đoàn. Nữ tu Bề trên Thanh Nga cho biết, nếu đủ tài chánh và vật lực, tu đoàn sẽ mở ra một quầy thuốc nhỏ và có y sĩ túc trực, xa hơn nữa là một phòng khám Tây y. Tất cả vẫn là dự định vì để thực hiện, cần phải có nguồn kinh phí lớn để gầy dựng và duy trì. Nhưng mỗi khi có ai gặp tai nạn, đứt tay chảy máu hay khi ai cần mổ tay, mổ mắt thì tu đoàn sẽ băng bó hay giới thiệu lên các bệnh viện tuyến trên.

Rời tu đoàn khi mặt trời đã đứng bóng. Tôi cứ nhớ lời tâm sự của bệnh nhân Phan Như Hoa: “Chưa thấy ở đâu người bệnh được phục vụ chu đáo như vậy, bác sĩ đến với bệnh nhân với tất cả tấm lòng”... Có lẽ tất cả trước xuất phát từ tấm lòng của một tu sĩ nhà Chúa, sau nữa vì đó là  phương châm mà Tu đoàn Bác ái Xã hội Phan Thiết đã chọn làm hành trang “Phục vụ cho người nghèo khó”.

Đình Quý


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận