Người mẹ không huân chương

Đăng lúc: Thứ bảy - 05/04/2014 08:22 - Người đăng bài viết: admin
Người mẹ không huân chương
 
Có lẽ cũng tại cái duyên của Ông Trời để tôi được biết và quen với bà. Nói cái duyên bởi lẽ hai khoảng cách của hai con người, hai cái nhìn, hai suy nghĩ và hai tuổi tác xa vời vợi.
 
Bà học cao hiểu rộng, có thể nói là uyên thâm bởi số tuổi cộng với kiến thức và kinh nghiệm bà đã có. Phần tôi, học thì ít mà óc lại thêm phần ngắn nên càng chẳng dám nghĩ đến một lúc nào đó được biết bà và được bà chỉ vẽ.
 
Thi thoảng, bà quan tâm sức khỏe, chế độ ăn uống cho kẻ bần hàn đơn độc như tôi. Trong những câu chuyện thường ngày đó, bà chỉ dạy phải giữ gìn sức khỏe như thế nào trong các bữa ăn, trong chất dinh dưỡng mà mình dung nạp và cả cách nấu những thức ăn đó như thế nào cho vừa miệng và hợp khẩu vị.
 
Huyên thuyên nói về sức khỏe cũng như dinh dưỡng để bảo đảm cho cơ thế tránh được những tật bệnh nhất định, bỗng dưng bà lại nhớ lại tuổi ngoài xuân xanh của bà một tí …
 
Bà nói rằng vì hoàn cảnh gia đình, bà xin nghỉ hưu sớm vài năm để lo cho mẹ già cũng như ông anh kém may mắn khi ngày đêm đèn sách lo cho công việc nghiên cứu. Nghỉ sớm cũng phần là thương con và quý cháu.
 
Bà hết sức đơn sơ kể với tôi rằng đừng cười Bà bởi vì ngay như Đà Lạt bà còn chưa được biết. Vũng Tàu, Nha Trang … thì có dịp đi chung với gia đình. Bà cũng không ngần ngại giấu diếm rằng bà chưa từng được ngồi … máy bay.
 
Bà nói rằng công sở nơi Bà làm việc ngày xưa cũng tổ chức nhiều chuyến du ngoạn nơi này nơi kia nhưng rồi bà gác lại để lo cho mẹ già, lo cho chồng con và … cả cháu nữa. Nhà Bà đơn chiếc, gọi là lo cho cháu nhưng chỉ có hai đứa cháu “rượu” của Bà và gia đình mà thôi. Quả thật, hai cô cháu “rượu” đó may mắn hơn cả ngàn, cả vạn người bởi lẽ hai cô đã “sỡ hữu” được một bà ngoại như vậy.
 
Bà thật lòng chia sẻ rằng trong đời sống gia đình, đôi khi mình phải hy sinh cái riêng của mình để lo cho gia đình từng bữa cơm. Bà nói mình đi đây đi đó cũng được nhưng rồi gia đình lại mất đi những món ăn, những chất dinh dưỡng do chính tay mình làm ra hay chế biến.
 
Nói đến đây, tôi lại nhớ đến người chị lơ đễnh của tôi. Chị thích đi đây đi đó cùng bè bạn để thưởng ngoạn những nơi mà chị chưa bao giờ được đến. Những ngày chị đi như thế thì hai thằng cháu trai và ba của nó y như rằng được “tận hưởng” một nồi thịt kho và nồi canh để đó. Canh thì chỉ dùng được ngày đầu, ngày thứ hai thì chỉ còn được món thịt kho bởi lẽ ba của chúng cũng phải đi làm nơi công sở.
 
Nghĩ đến và trách chị cũng tội, mấy chục năm trời cặm cụi lo cho chồng cho con nhưng cũng chưa hề được đi đâu, nay bạn bè già rù đi đây đi đó chẳng lẽ lại cản ngăn. May mà có vài người bạn rủ đi như thế nếu không chắc chị chỉ ru rú ở trong nhà đến mãn đời.
 
Bà chia sẻ rằng Bà lo lắng cho hai cô cháu “rượu” đến độ tôi khó hiểu. Biết hai cháu ngay từ nhỏ khó ăn cũng như phải mất nhiều giờ cho việc học, phải thức khuya dậy sớm nên bà chế biến món cháo để cứ đến sáng là hai cháu có thể vội vàng tí cháo để đến trường. Buồn cười nhất là cô cháu vừa ra trường thì mới vừa dứt cháo. Còn lại cô em năm nay năm cuối cấp vẫn “miệt mài” với món cháo ngoại làm sẵn. Tính ra cũng hay, nếu như không có món cháo dễ nuốt đó thì khó có món nào dùng cho kịp giờ nhảy lên xe bố chờ sẵn mỗi sáng.
 
Mới đó mà đã hai mươi mấy năm dài bà chăm chút gia đình riêng của con và cháu. Gọi là riêng ấy nhưng vẫn chung một mái nhà gồm cả 4 thế hệ.
 
Bà ngoại, mẹ của Bà năm nay ngót nghét đại thọ 100 nhưng vẫn còn đi lại quanh quẩn trong nhà. Kèm theo đó là người anh đau lâu ốm nặng cũng một tay bà chăm sóc.
 
Hơn hai mươi năm qua, hai cô cháu nhỏ yêu của Bà chưa hề biết mùi bệnh viện là chi. Không biết mùi bệnh viện bởi lẽ sự chăm sóc quá cần mẫn của bà trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Có lẽ hơn cái sự chăm sóc về vật chất đó chính là tấm lòng của người mẹ, người Bà.
 
Biết rằng trong tâm tình thân thương và đơn thành lắm Bà mới bộc bạch những ngày sống và sự quan tâm lo lắng của đời Bà.
 
Giờ tóc bà điểm bạc nhiều, sức khỏe không còn như thời son trẻ nhưng Bà vẫn một lòng thủy chung và lo cho con cháu. Chống chế với những hạn chế của tuổi tác, của sự dẻo dai bà nhờ một chị xóm giềng đến phụ Bà lo cho gia đình những bữa cơm thật ngon.
 
Chỉ trong tình thân bà mới kể một cách thật lòng như thế. Hiểu như thế bởi lẽ Bà kể cho tôi không phải để khoe khoang, để ghi công trạng, để được tán dương và hậu thưởng. Tôi chẳng là gì cả để sau khi nghe Bà nói sẽ tôn vinh.
 
Với Bà, chắc có lẽ Bà cũng chẳng cần chiếc huân chương chiến công hay huân chương lao động nhất nhì ba hay bà mẹ anh hùng như ai đó. Con người, ai cũng cần những ghi công đó nhưng cần hơn chính là tấm lòng lo cho mẹ già, lo cho chồng con và cả cháu.
 
Bà chẳng huân chương, bà chẳng chiến công, bà chẳng có phần thưởng nhưng bà đã thành công. Bà thành công trong cuộc đời làm con, làm mẹ và làm bà một cách xuất sắc hơn bao người phụ nữ đương thời và hậu thời của Bà.
 
Đến nhà Bà, chắc có lẽ chẳng có tấm huân chương hay cờ hiệu gì ghi lại công trạng của Bà. Nhưng, trong thâm tâm những người gần gũi bà như lũ cháu đàn con chắc mãi ghi sâu trong tận tâm can mình một tình yêu cao cả, một tấm lòng thủy chung, một tình thương hết sức nhân hậu của người mẹ, người bà mà gia đình may mắn “sở hữu”. Ngay cả tôi, phần nào đó cũng ghi ơn Bà bởi lẽ tôi cũng đã được nhận từ bà cả vật chất lẫn tinh thần và vốn sống từ tấm lòng hết sức đơn sơ chân thành của Bà.
 
Ước gì Bà cứ mãi ở với lũ cháu đàn con để dòng nhựa sống của tình yêu gia đình, của tấm lòng người Mẹ chảy tràn trong từng thành viên của gia đình nhỏ bé thương yêu Bà đang sống.
 
 Tiểu Vũ.
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận