Đoản khúc cho quý Sơ

Đăng lúc: Thứ hai - 07/04/2014 09:11 - Người đăng bài viết: admin


Đoản khúc cho quý Sơ

Mến tặng tất cả các Sơ một lần tôi gặp trong đời.

Đài Trung, ngày … tháng … năm …

Đời học trò giật tôi ra khỏi đời sống yên ổn hạnh phúc trong tay ấp ủ yêu thương của cha mẹ và các chị. Buổi học đầu tiên không mang ấn tượng mạnh gì trong tôi, ngoài hình ảnh một bà Sơ già khó tính cau có. Bà nghiêm khắc, kỷ luật đến phát sợ. Từ hình ảnh này mà khi lớn lên tôi luôn có dị ứng với chiếc áo dòng, sợ bóng dáng các Sơ và tôi cho là “bàn tay sắt bọc nhung” hay nói theo kiểu tiếu lâm nhân dân thì “nhìn dzậy mà không phải dzậy”. Vì bề ngoài các Sơ có vẻ nhu mì, nhưng biết đâu bên trong là tính tình độc đoán, khó khăn, gắt gỏng và muôn điều khác nữa mà óc tưởng tượng của tôi tha hồ thêu dệt.

Sau này lớn lên đọc chuyện Thánh nữ Therese of Lisieux, tôi đã yêu bà thật nhiều với con đường nên thánh đơn sơ của bà mà tôi nghĩ là tôi có thể bắt chước được. Nhờ yêu thánh nữ Therese tôi cũng đã đổi ý đôi chút về hình ảnh bà Sơ của tuổi thơ. Tuy nhiên đâu đó trong tận đáy của tâm hồn tôi vẫn hoài nghi và lo sợ. Đúng là ám ảnh của tuổi thơ không dễ xóa nhòa.

Tuy đã thay đổi thành kiến về các Sơ, nhưng tôi vẫn không thân thiện với bất cứ một Sơ nào mà cuộc đời đưa đẩy tôi đến gần hay ngay cả khi làm việc chung với các Sơ. Thôi thì cứ “kính nhi viễn chi” thế mà lại hay. Chứ thân vào rồi thấy rõ những cái không hay của các bà Sơ rồi “chuyện ngày xưa” lại trở về thì “đời tôi còn gì vui”.

Sau năm 1975, xứ tôi có vài Sơ về giúp. Tôi vẫn với sự e dè của con chim có kinh nghiệm “lỡ đậu cành mềm” nên không dám tiếp xúc nhiều chứ nói chi đến chuyện làm thân với một Sơ nào. Nhưng dòng đời đưa đẩy, vì có tí tài vẽ vạch nên những dịp lễ lạy lớn tôi phải đảm trách việc trang trí cho nhà thờ. Vì thế bắt buộc tôi phải tiếp xúc với các Sơ. Tôi không thể tránh, tuy nhiên tôi luôn giữ khoảng cách vừa đủ, rất “professional”. Nghĩa là ngoài công việc phải làm chung ra tôi không muốn có một điều gì liên quan đến các Sơ.

Nhờ một vài Sơ tính tình cởi mở nên dần dần tính tình tôi thay đổi não trạng, nhận ra rằng không phải Sơ nào cũng khó tính, bẳn gắt, cau có khó chịu như hình ảnh bà Sơ dạy mẫu giáo của tôi. Tôi bắt đầu nhận ra sự khác biệt, cá tính của từng Sơ. Nghĩa là tôi nhận ra từng cá nhân hơn là “vơ đũa cả nắm” về các Sơ của tôi ngày xưa. Từ khi nhận thức như vậy, tôi bắt đầu thấy gần gũi và mở cửa hồn ra với các Sơ nhiều hơn. Một số Sơ sau này tôi luôn giữ liên lạc và hay chia sẻ những suy tư của tôi về cuộc đời với họ. Chúng tôi trở nên rất thân thiết. Tôi nghĩ dù sao mình cũng đồng hội đồng thuyền, cùng theo đuổi một lý tưởng hiến thân phục vụ Thiên Chúa và con người nên vẫn thấy gần gũi và dễ chuyện trò chia sẻ hơn.

Nhìn lại thân tôi cũng đầy những khuyết điểm, tật xấu. Biết đâu bao người cũng nhìn tôi với đôi mắt e dè, sợ hãi đến nỗi không dám tiếp xúc thân thiện. Thế là những ác cảm với các Sơ chết dần trong tôi. Như ánh mặt trời lên đẩy lùi bóng tối, cái bóng tối âm u của ác cảm định kiến cũng ta dần sau mỗi lần tiếp xúc và hiểu các Sơ hơn. Đôi mắt của tôi mở ra nhìn cuộc đời, nhìn con người một cách khách quan hơn, không còn hẹp hòi thành kiến độc đoán và thiển cận như xưa nữa.

Sau này khi đọc tiểu sử Mẹ Têrêsa Calcutta thì những thành kiến với các Sơ không còn đất bám rễ trong tôi. Cả cuộc đời Mẹ tận tụy phục vụ những người khốn khổ nhất, những người mà xã hội bỏ rơi coi như gánh nặng và ung nhọt của xã hội. Nghĩ lại thân nam nhi chi chí đã làm được gì xứng đáng đời trai, hay cả đời loay hoay trong cái tôi nhỏ nhen của mình, không thoát khỏi những tầm thường của đời thường. Vướng chân trong những ý tưởng “dao to búa lớn” nhưng ngại dấn thân phục vụ. Rồi lại cái tật phân tích tỉ mỉ, thích vạch lá tìm sâu. Thích thú khi thấy người khác thất bại trong khi chính mình thì lại không dám lao vào làm một việc gì vì sợ thất bại, sợ phê bình chê bai. Rồi hãnh diện vì trong đời chưa một lần thất bại.

Lại  còn biết bao ngày đêm lãng phí, mơ mộng chuyện “lấp bể vá trời”. Xây bao ước mơ nhưng không dám ra tay hành động để biến những ước mơ đó thành hiện thực. Cả đời mình, tôi như chỉ sống trong bàng hoàng trí não, hoặc chỉ sống  bằng những thúc đẩy của cảm xúc. Chưa bao giờ có một đời sống quân bình, hoàn hảo cả trí lẫn tâm. Tôi bước đi chỉ một chân hụt hẫng trôi nổi qua dòng đời và coi mình như người khôn ngoan và biết sống.

Gần đây tôi có dịp đi dự lễ Khấn lần đầu, Khấn trọn đời và mừng Ngân khánh của một số Sơ, trong đó có cả đứa cháu thân yêu của tôi. Trong nghi thức khấn tôi cảm động thực sự. “Tôi đánh mất cảm xúc này khá lâu rồi. Từ những ngày phải tranh sống bon chen với những gian nan xảo trá của cuộc sống khi mới bước ra đời lúc tuổi đôi mươi.” Nhìn các Sơ quá trẻ trong bộ áo dòng trắng tôi thấy một cảm xúc lẫn lộn trong lòng. Một cái gì không rõ đang hình thành trong tôi. Dường như là xấu hổ. Rồi chuyển sang niềm vui. Rồi hình như đó là một niềm vui bi đát. Bởi có cái gì cứ nghẹn lại trong tim. Phải chăng là sự luyến tiếc cái quá khứ vốn chẳng đẹp nhưng vẫn là một cám dỗ quá hấp dẫn đối với tôi. Nó đã thành nếp thành tập quán thói quen. Không dễ từ bỏ một thói quen, một tập quán…

Các Sơ trẻ ấy mà tuổi đời lẫn kinh nghiệm đều thua tôi. Nhưng sao trên mặt họ ai cũng tự tin và trong ánh mắt tỏa ra một niềm vui rạng rỡ. Khi quyết định đời dâng hiến, tôi chắc ai cũng tiên liệu một tương lai dài trước mặt với bao gian khó phải trải qua, với bao cám dỗ phải chiến đấu, với muộn phiền phải chịu đựng, với bao chọn lựa phải phân vân, với bao bấp bênh phải kiên trì. Bởi đời sống dâng hiến đâu chỉ ở phút giây ngắn ngủi với một cảm xúc yêu thương dịu huyền lâng lâng trong hồn của ngày Khấn.

Tôi thành tâm trong hồn thẳm sâu khấn nguyện cho các Sơ luôn an bình tâm hồn để vượt qua muôn vàn khó khăn của cuộc đời. Một đời sống tận hiến với niềm vui chứ không phải cay đắng ê chề, để giữ một tâm hồn bình an thanh thản như thế không luôn dễ. Phải có một đức tin sâu xa, một đức cậy vững vàng và một đức mến kiên trung. Bởi ai biết được những sóng gió ngày mai?  Bởi ai hay những thay đổi tương lai ? Vì thế, dâng hiến không phải là một quyết định một lần là xong nhưng là một quyết định phải được lập lại mỗi ngày khi mở cửa đón bình minh và khép cửa lúc đêm về. Nó phải là lời nguyện thiết tha, là lễ Khấn trang trọng hằng ngày của người dâng hiên.

Thế rồi những gương mặt trẻ trung trong tấm áo Dòng trắng như tấm lòng thành thật trinh trong của họ cứ theo tôi vào cả trong những giấc mơ. Nhìn những gương mặt rạng ngời, đơn sơ quá, tôi thấy thương quí và cảm phục họ biết bao, những người trẻ can đảm hiến cả cuộc đời mình để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân trong khi bạn bè họ tìm vui trong cuộc đời khác. Chả bao giờ dễ chèo con thuyền ngược dòng nước. Dừng tay chèo thuyền sẽ đi lùi. Nhưng ngọn gió càng mạnh, cánh diều càng bay cao. Cũng thế càng nhiều thử thách cam go con người càng trưởng thành khôn ngoan hơn.

Tôi thấy trong họ một niềm phó thác tuyệt đối như đứa bé trong tay mẹ hiền đâu sợ gì ngoài kia sóng gió giông bão của biển khơi. Nhìn những gương mặt trẻ trung với nụ cười rạng rỡ trên môi. Tôi thấy một sức sống tươi khỏe đang vươn lên và tôi nghĩ về đời dâng hiến của  riêng mình. Một chút hổ thẹn vì thấy trong tôi không có niềm phó thác tin tưởng tuyệt đối như vậy. Nhiều khi tôi luôn muốn làm chủ cuộc đời mình vì sợ cuộc đời phó thác sẽ đưa tôi về đâu ?

Bây giờ hình ảnh bà Sơ già khó tính trong lớp mẫu giáo của tôi không còn là một ám ảnh với tôi nữa. Thay vào đó là hình ảnh trẻ trung đầy sức sống của các Sơ. Sức sống ấy chiếu sáng trên khuôn mặt, rạng rỡ trong nụ cười, mềm mại, yêu thương nơi bàn tay. Xin hình ảnh yêu thương đẹp tươi ấy luôn sống mãi trong tôi, để tôi biết rằng tôi không cô đơn trong đời dâng hiến của riêng mình. Để đời sống cằn khô trong tôi được tưới gội bởi những giọt mưa trong mát xóa sạch những bụi mờ nghi nan trong lòng và hiện lên những gì đẹp đẽ nhất trong hồn tôi…

Thân ái trong Chúa Kitô, 

Lm. Phương Ý M.M

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận