Giữ chiên hay giữ chuồng?

Đăng lúc: Thứ hai - 17/08/2015 14:07 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Giữ chiên hay giữ chuồng?

 

Nếu quay ngược thời gian lại 10 – 15 năm trở về trước và làm một so sánh giữa người dân sống ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa với những người sống ở thành thị, sẽ nhận thấy có sự khác biệt về đời sống xã hội, nhận thức, tác phong … một khoảng cách rất lớn, để dễ dàng nhận ra ai sống ở nông thôn, ai sống ở thị thành.

 

Ngày nay, khoảng cách này được thu hẹp lại rất nhiều, nhờ những chiến lược, chính sách phát triển kinh tế xã hội, giáo dục, y tế có tính thống nhất trên toàn đất nước. Trong đó đáng lưu ý là sự hổ trợ và phát triển của những kênh truyền thông: Internet, mạng xã hội, trang web, truyền thanh, truyền hình … những phương tiện truyền thông: điện thoại, laptop, Ipad, máy tính bản, tivi, radio … đã loan truyền tin tức, kiến thức phổ thông, thời trang, giá cả thị trường, văn minh, văn hóa, du lịch … đến với người dân sống ở vùng sâu vùng xa một cách nhanh hơn, rộng hơn. Chỉ với một chiếc điện thoại, được hổ trợ nhiều chức năng, thì thành thị hay nông thôn cũng trở nên thân quen, gần gũi.

 

Thêm vào đó, có sự giao lưu, gặp gỡ về văn hóa, bản sắc giữa những vùng miền, do bởi người dân di chuyển từ nông thôn ra thành thị để mưu sinh, hoặc đời sống tập trung của người dân, công nhân ở những khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Quá trình mở rộng thành phố, thị xã cũng làm cho người dân thành thị tiến gần về nông thôn hơn. Do vậy, làm phát sinh nhiều nhu cầu, nhiều vấn đề liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc sống của họ như: nghề nghiệp, cư trú, bảo hiểm, an sinh xã hội, tư vấn, tình yêu, hôn nhân gia đình, giáo dục, pháp luật, luân lý …

 

Và cũng từ đây, hoạt động mục vụ của các linh mục, trong vai trò mục tử hướng dẫn, chăn dắt đàn chiên cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, nếu không nói là rất lớn. Bởi vì, đời sống của người dân nói chung và người Kitô hữu nói riêng đã và đang có sự thay đổi về nhiều mặt.

 

Thay đổi về nhận thức, thay đổi trong lối sống, thay đổi tác phong làm việc, thay đổi trong cách nhìn nhận đánh giá vấn đề - sự kiện, thay đổi thần tượng và cũng tiềm ẩn đâu đó trong suy nghĩ, lời nói, hành động khả năng thay đổi niềm tin tôn giáo, nếu như họ không được giáo dục đức tin đầy đủ, hoặc không được chăm sóc mục vụ hợp với nguyện vọng chính đáng, và nhất là hợp với xu hướng thời đại ngày nay. Quả là một thách đố mục vụ cho các mục tử trong thời đương đại này.

 

Ngày xưa (khoảng 15 năm trở về trước), việc gìn giữ con chiên trong một đàn chiên là tương đối dễ. Chỉ cần làm chuồng là giữ được chiên. Chuồng chiên là những quy định, luật lệ, những khoản luật bất thành văn được thiết lập trong giáo xứ, cũng như việc câu nệ, cứng nhắc khi áp dụng những khoản luật để điều hành, quản trị. Chuồng chiên còn là thái độ răn đe, phạt vạ, chế tài … nhằm mục đích cảnh báo, nêu gương cho những con chiên khác đừng bắt chước noi theo. Và chắc có lẽ, chuồng chiên còn là cách quản trị làm cho con chiên phải sợ chủ chăn.

 

Việc làm chuồng để giữ chiên lúc bấy giờ là phù hợp, phát huy được tác dụng tích cực của nó. Bởi vì, ít có những vấn đề phức tạp phát sinh cần giải quyết, cho nên cứ theo luật mà điều chỉnh, chi phối và nhất là ít có những áp lực về mục vụ. Do bởi, bổn đạo cư trú trong giáo xứ có tính ổn định dài lâu. Vì thế, những dự định, chương trình, kế hoạch mục vụ, không phải chạy đua với thời gian hay đối tượng. Bên cạnh đó, bản sắc văn hóa của xứ đạo mang tính đặc thù không pha trộn, dẫn đến thái độ của người giáo dân trên dưới một lòng một ý với chủ chăn, ít có những luồng tư tưởng trái chiều xâm lấn. Nếu có sự mâu thuẫn, va chạm trong quan điểm, lập trường nơi cộng đoàn xứ đạo, thì linh mục cũng dễ dàng điều chỉnh, giải quyết.

 

Vì xét cho cùng, chủ chăn là thần tượng, là gương mẫu đạo đức, có sự hiểu biết nhất định giữa cộng đoàn giáo xứ. Tiếng nói của chủ chăn có trọng lượng lớn, ảnh hưởng, tác động sâu rộng trên cộng đoàn. Hơn nữa, niềm tin vào Thiên Chúa của người tín hữu ít bị lung lay, vì những tư tưởng chống phá đức tin bị hạn chế tiếp cận với họ, bởi truyền thông còn thô sơ, yếu ớt. Vì thế, việc giáo dục, uốn nắn tư tưởng, tình cảm, lòng mộ mến của họ đối với những nội dung đức tin là tương đối dễ dàng.

 

Có thể nói, ngày xưa chăn chiên là giữ chiên: giữ chiên bằng chuồng, giữ chiên bằng mẫu gương và uy tín của chủ chăn, giữ chiên bằng cách hạn chế, phòng ngừa từ xa những tư tưởng, trào lưu trái ngược, hoặc không phù hợp với đức tin, luân lý, đạo đức của Hội thánh.

 

Ngày nay, việc chăn chiên, giữ chiên bằng cách làm chuồng theo kiểu trước đây, cần phải có sự điều chỉnh. Không thể chủ quan: đã có chuồng giữ chiên, thì chiên không đi mất được. Cứ giữ chuồng thì ắt sẽ có chỗ, có cách để giữ chiên. Cần phải có cái nhìn mới và khách quan hơn, đó là: giữ chiên bằng cách chăn chiên, mà không phải là giữ chiên bằng cách đóng chuồng như trước đây nữa.

 

Hoạt động chăn dắt đàn chiên của người mục tử, chính là nghệ thuật quản trị cộng đoàn. Quản lý, điều hành, bố trí, sắp xếp đồ vật vô tri vô giác, chỉ cần theo tiêu chí trật tự: kích thước, thời gian, vị trí, mức độ quan trọng … là sẽ mang lại kết quả tốt đẹp. Còn đối với việc quản lý, điều hành một con người, một cộng đoàn, không thể chỉ áp dụng theo tiêu chí trật tự được. Bởi vì, mỗi người có những tâm tư, khát vọng, lý tưởng, môi trường, hoàn cảnh, văn hóa, trình độ, nghề nghiệp không giống nhau.

 

Vì thế, không thể lùa cả một đàn chiên vào chuồng rồi cung cấp một loại thức ăn, áp dụng một thời nhật biểu, điều trị hay chữa bệnh cùng một loại thuốc … không! Không thể làm như thế được. Nếu làm vậy, người mục tử trở thành người làm thuê, làm cho xong việc, cho tròn bổn phận trách nhiệm, mà thiếu đi sự tâm huyết. Lúc đó linh mục trở thành linh mục công chức, làm công cho Giáo hội, rồi sống an phận bằng những đồng lương.

 

Mục tử chăn chiên, là chăn dắt từng con chiên một cho cả một đàn chiên. Mỗi con chiên mắc phải những chứng bệnh khác nhau. Tình trạng sức khỏe, ưa thích những loại thức ăn, tâm tính cũng khác nhau. Kinh nghiệm chống chọi với sói dữ, sức chịu đựng và mức độ thuần phục chủ chăn cũng khác nhau. Vì thế, hoạt động mục vụ quản trị, hướng dẫn đời sống tâm linh cho người Kitô hữu, của các linh mục hôm nay, cần phải thiên biến vạn hóa.

 

Cùng một luật, một quy định, nhưng khi áp dụng điều chỉnh cho người Kitô hữu, thì tùy đối tượng và hoàn cảnh của họ mà có thể thay đổi, điều chỉnh, miễn sao không trái với quy định, và đức tin của Hội thánh là được. Thiết nghĩ, mạnh dạn bỏ đi những luật lệ, tạm gọi là luật của cha sở, luật của giáo xứ, hoặc thay đổi cách suy nghĩ, áp dụng rập khuôn theo thói quen của những người đi trước, hay nhiều lúc câu nệ vào những luật điều gọi là “truyền thống lâu đời của xứ đạo”.

 

Để có thể mục vụ chăn chiên cách thiên biến vạn hóa, đòi người mục tử phải am hiểu thấu đáo, minh bạch đường hướng, lập trường của Giáo hội. Vì nếu không, sẽ dễ ứng xử, điều hành, hướng dẫn, chăn dắt đàn chiên cách thiên biến vạn hóa, theo suy nghĩ và quan điểm của cá nhân mà không phải là của Hội thánh.

 

Bản chất của Giáo hội là truyền giáo, linh mục là của Chúa, của Giáo hội. Cho nên hoạt động truyền giáo không thể vắng bóng nơi đời sống và hoạt động của linh mục. Có linh mục dấn thân cụ thể vào hoạt động truyền giáo, có linh mục truyền giáo bằng đời sống chiêm niệm cầu nguyện, dạy giáo lý, cử hành các bí tích, hoặc sống gương mẫu giữa cộng đoàn …

 

Đẩy mạnh hoạt động truyền giáo là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, việc giữ chiên, không để mất chiên, làm cho đời sống của chiên được no thỏa, cũng là hoạt động mục vụ không kém phần quan trọng so với hoạt động truyền giáo. Nói cách khác, việc giữ và nuôi dưỡng đời sống đức tin của người tín hữu nơi mỗi giáo xứ, vẫn phải được xếp ưu tiên và ngang hàng, thậm chí là ưu tiên số một so với hoạt động mục vụ truyền giáo. (cần hiểu ưu tiên là để thực hiện, chứ không phải ưu tiên để loại bỏ)

 

Chưa có một thống kê cụ thể nào tại Việt Nam, để làm cơ sở cho nhận định: người Kitô hữu, ngày một nguội lạnh và rời bỏ niềm tin của mình ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, có nhiều lý do để cảnh tỉnh và ưu tư cho vấn đề này. Bởi vì, sự phát triển của truyền thông đã can thiệp sâu vào nhiều lãnh vực nơi đời sống của người Kitô hữu, dẫn đến nhiều thay đổi, trong đó có cả việc thay đổi niềm tin nơi người tín hữu nữa. Thêm vào đó, sự chi phối của những luật lệ, hoặc những quy định không cần thiết, cũng như nỗi sợ hãi của người tín hữu khi tiếp xúc với chủ chăn của mình, đã tạo nên thái độ dè chừng, cứng nhắc trong hoạt động mục vụ. Từ đó góp phần làm cho nhiều tín hữu xa lìa giáo xứ, xa lìa cộng đoàn rồi dần dần nguội lạnh và mất hẳn niềm tin.

 

Nếu như có một người đón nhận được Tin Mừng, trong khi có hai người nguội lạnh, bất mãn, ấm ức, rời xa xứ đạo và đánh mất niềm tin, thì quả thật truyền giáo cũng bằng không. Vì thế, tìm được một con chiên lạc mang về, nhưng đồng thời cũng phải giữ được chín mươi chín con ở nhà không bị đi lạc. Đó mới là nghệ thuật, là tâm huyết của người mục tử.

 

Vậy giữ chiên hay giữ chuồng? Là vấn đề tiếp tục cần được ưu tư, suy nghĩ theo hướng tích cực và phù hợp với đường hướng mục vụ của Giáo hội trong thời đại hôm nay.

 

Lm. Pet. Trần Trọng Khương
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận