4000 Hội Viên Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Giáo Tỉnh Sài Gòn Hành Hương Ba Giồng

Đăng lúc: Chủ nhật - 23/09/2018 01:30 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

 

4.000 Hội Viên Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Giáo Tỉnh Sài Gòn Hành Hương Ba Giồng

  

hình ảnh


Ngày 21.9, Lễ Thánh Matthêu, Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Giáo Tỉnh Sài Gòn hành hương các Thánh Tử Đạo tại Ba Giồng Mỹ tho.

Gia Đình Phạt Tạ Đà Lạt với 500 hội viên trong đó có 90 hội viên là người Dân tộc K ‘Ho, đã đi từ lúc 8giờ tối ngày 20.9, đến 4g30 sáng 21.9 hành hương Đức Mẹ La Mã Bến Tre. Sau đó trở lại Ba giồng. Gia Đình Phạt Tạ Phan Thiết khởi hành từ 2giờ sáng. Đường vào Ba Giồng nhỏ hẹp, hàng trăm xe khách từ Sài gòn đến các miền Lục Tỉnh tấp nập đến rồi đi, ban tổ chức phải vất vả sắp xếp.

 

Khuôn viên trung tâm hành hương đã kín hết người. Quý cha đang hàn huyên trong nhà mục vụ, tôi đi tham quan và tìm hiểu đôi nét lịch sử.

***

Trung tâm hành hương Ba Giồng nằm trong khuôn viên của nhà thờ giáo xứ Ba Giồng - một họ đạo lâu đời nhất của Giáo phận Mỹ Tho. Lịch sử họ đạo gắn liền với các biến cố bách hại đạo Công giáo ở Tây Đàng Trong. Những người dân thuở xưa sống ở nơi này đã từng chứng kiến cảnh tử đạo của rất nhiều tín hữu (1783, 1836, 1861…). Trong số 117 vị thánh Tử đạo Việt Nam, có 2 linh mục phụ trách họ đạo Ba Giồng là cha Philipphê Phan Văn Minh (1849 -1853) và cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu (1852 -1861).

Năm 1783 khi bị Tây Sơn đánh đuổi, Nguyễn Ánh (Gia Long) có chạy ghé qua Ba Giồng, được dân ở đây cho ăn uống. Chính vì vậy, quân Tây Sơn đã nghi ngờ và giết khoảng 150 người ở họ đạo Ba Giồng.

Năm 1836, trong cuộc bách hại thời vua Minh Mạng (trị vì 1791 - 1841), quan quân đã cho giết khoảng 1.700 tín hữu Công giáo ở Ba Giồng.

Vào thời vua Tự Đức (1847 - 1883), vị linh mục từng phục vụ giáo xứ Ba Giồng là cha Philipphê Phan Văn Minh đã bị bắt vào ngày 26-2-1853 tại Mạc Bắc (Vĩnh Long) và bị xử tử vào ngày 7-3-1853 tại pháp trường Đình Khao (Vĩnh Long). Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu bị bắt vào năm 1860 khi đang là cha sở ở vùng Ba Giồng, và bị chém đầu vào ngày 7-4-1861 tại Mỹ Tho.

Vài ngày sau khi cha Lựu tử đạo, quân Pháp tràn vào Mỹ Tho. Trước khi quan quân Việt Nam rút đi, họ đã quyết định tiêu diệt họ đạo Ba Giồng. Được tin này, giáo dân Ba Giồng tìm cách chạy trốn trong đêm, nhưng hầu hết đã bị bắt lại. 25 người đàn ông của họ đạo Ba Giồng, sau khi tuyên xưng Đức Tin cách mạnh mẽ, đã bị trảm quyết tại căn nhà vuông, trên mảnh đất chợ Cổ Chi, giáp với xã Tân Lý Đông, cách nhà thờ Ba Giồng khoảng hai cây số. Xác các vị Tử Đạo, các quan bắt người lương đem chôn trong cánh đồng bên cạnh chợ; một số được chôn tại một gò đất, nơi đây đồng bào địa phương gọi là “Gò Chết Chém”.

Sau khi chém 25 tín hữu và giết 2 người khác khi họ đang chạy trốn (1862), quan án ra lệnh các giáo hữu phải bỏ họ đạo Ba Giồng để đi nơi khác, không ai được ở lại. Còn nhà thờ thì bị phá, cho đến 10 năm sau, cha M. Hamon vâng lệnh Đức Cha Micae về coi sóc họ đạo và lo việc cải táng hài cốt các vị Tử Đạo về nơi an nghỉ tại Đất Thánh ngày 18-6-1872.

Theo thống kê của họ đạo, vào năm 1976, Ba Giồng chỉ còn khoảng 450 giáo dân.

Năm 1997, Đức Giám mục Giáo phận cho phép tái thiết thánh đường họ đạo Ba Giồng dâng kính Đức Maria, Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo. Ngày 16-11-1997, Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn (lúc đó là Giám mục Phó Giáo phận Mỹ Tho) đã dâng thánh lễ khởi công xây dựng nhà thờ Ba Giồng.

Ngày 16-3- 2000, nhà thờ Ba Giồng với tước hiệu: “Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam” được Đức Cha Phaolô, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho cung hiến.

Năm 2004, Đức Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã công bố: Nhà thờ Ba Giồng là nơi hành hương của Giáo phận Mỹ Tho.

Hiện nay, Ba Giồng có khoảng 2.000 giáo dân. Cha GB Nguyễn Sang làm quản xứ.

***

 

Lúc 8giờ 30, anh Giuse Huỳnh Bá Song, Trưởng Ban điều hành GĐPTTT Việt Nam chào mừng và khai mạc ngày hành hương.

Kế đến, Cha Vinhsơn Nguyễn Văn Hồng tổng linh hướng GĐPTTT giới thiệu sơ lược các thánh tử đạo tại Việt Nam. Ngài nhắn nhủ mọi thành viên hãy biết noi gương các thánh sống đức tin kiên trung.

Tiếp theo, Cha Phaolô Trần Kỳ Minh, Tổng đại diện GP Mỹ tho, kể chuyện tử đạo của linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu và 27 vị tại Ba Giồng.

Lúc 9giờ 45, cộng đoàn rước kiệu các thánh tử đạo, ca khúc “bài ca ngàn trùng” ngân vang hùng tráng. Mọi người viếng di tích 27 vị tử đạo qua nghi thức tôn vinh: xông hương, dâng hương, dâng hoa, suy niệm về cuộc tử đạo của các thánh.

Đến 11giờ, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ sự thánh lễ. Có 40 cha linh hướng GĐPTTT các Giáo phận Giáo xứ đồng tế tại khuôn viên Trung tâm Hành Hương Ba Giồng.

 

Đầu thánh lễ, Đức Giám mục Mỹ tho ngỏ lời với cộng đoàn: Ba Giồng là một giáo xứ nhỏ và ở miền Tây xa xôi, đi lại cũng hơi khó khăn, nhưng vì trong Năm Thánh tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Ba Giồng được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chọn làm trung tâm hành hương của Giáo Tỉnh Sài Gòn. Vì thế, Giáo xứ Ba Giồng được hân hoan đón tiếp 4.000 thành viên của Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Giáo Tỉnh Sài Gòn. Tôi thay mặt Giáo phận vui mừng chào đón anh chị em.

Chúng ta họp nhau nơi đây dâng lễ tạ ơn Chúa. Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam những chứng nhân anh dũng, các ngài trong đời thường là những giáo dân rất đơn sơ và bình dị như phần lớn trong chúng ta. Xin Các Thánh chuyển cầu cùng Chúa cho Hội Thánh Việt Nam và xin cộng đoàn cầu nguyện cho Giáo Phận Mỹ Tho.

 

Trong bài giảng, Đức Cha khởi đi từ ngày lễ kính thánh Matthêu. Ngài nối kết hai sự kiện: hành hương kính các thánh tử đạo và Matthêu thánh sử viết sách Tin mừng, từ đó suy tư về mối tương quan giữa tử đạo và loan báo Tin mừng. Thánh Matthêu loan báo Tin mừng bằng cách viết sách Phúc âm. Các thánh tử đạo loan báo Tin mừng bằng cái chết vì đức tin. Nhờ máu các thánh tử đạo, Giáo hội Việt Nam trở nên sinh động và phát triển, như lời Tertulianô đã nói “Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh ra các Kitô hữu”. Dù loan báo Tin mừng bằng cách nào đi nữa, các thánh vẫn có điểm chung là sự hy sinh và từ bỏ. Mọi thành viên GĐPTTT được mời gọi loan báo Tin mừng bằng đời sống bác ái yêu thương, biết hy sinh và từ bỏ. “Anh chị em là vốn quý của Giáo hội”. Ngài mong rằng, ngày hành hương này giúp mọi người khơi dậy tinh thần loan báo Tin mừng bằng đời sống cá nhân, đời sống gia đình để thực thi sứ vụ tông đồ.

Cuối thánh lễ, ban tổ chức dâng lời tri ân, bó hoa tươi dâng kính Đức cha với lòng tri ân thảo hiếu.

Đức cha cùng cộng đoàn đọc kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính và ngài ban phép lành toàn xá.

Mọi người ra về với niềm vui tình yêu và ân sủng từ cuộc hành hương đức tin.

***

Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm là sự kết hợp của hai đoàn thể: Phong trào Liên Minh Thánh Tâm và Đoàn Thể Gia Đình Phạt Tạ.

1. Liên Minh Thánh Tâm

Phong Trào Liên Minh Thánh Tâm, dành riêng cho nam giới, được Cha Edouard Hamon, Dòng Tên, sáng lập năm 1883 tại Canada, lấy tinh thần cầu nguyện và sự nhiệt thành của Hội Tông Đồ Cầu Nguyện làm nền tảng cho Phong Trào.

Ngày 31 tháng 12 năm 1884, Cha Edouard Hamon (1841-1904) đã sát nhập Phong Trào Liên Minh Thánh Tâm vào Đại Hội Tông Đồ Cầu Nguyện để các Đoàn viên được hưởng nhờ ơn ích thiêng liêng do Đại Hội này đem lại.

Tại Việt Nam vào năm 1942, Phong Trào Liên Minh Thánh Tâm được Cha Gérard Gagnon, tức Cha Nhân (tên Việt Nam) dòng Chúa Cứu Thế thuộc tỉnh Dòng Saint Anne De Beaupré – Canada phát động tại Hà Nội Việt Nam. Năm 1946, Hội Liên Minh Thánh Tâm được thành lập tại xứ Thái Hà, Ấp Nam Đồng, Hà Nội. Hai năm sau ngày thành lập, tức năm 1948, Ngài trao lại trách nhiệm điều hành Phong Trào cho Cha Giacôbê Đào Hữu Thọ. Vào năm 1950, Hội đã thực hiện Lễ tuyên hứa đầu tiên.


Sau năm 1954, Cha Giacôbê Đào Hữu Thọ (1917-1984) tiếp tục xây dựng và phát triển Phong trào LMTT tại Miền Nam Việt Nam.

 

2. Đoàn Thể Gia Đình Phạt Tạ

Năm 1945 Cha Phêrô Binh thuộc Giáo Phận Vĩnh Long được Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục, Giám Mục Giáo Phận cho phép thành lập hội Phạt Tạ để tôn sùng Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu. (Qua thị kiến Chúa Giêsu truyền cho Thánh Nữ Margarita Maria–Alacoque 1647-1690)

Sau khi Cha Binh qua đời, Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri đã vâng lệnh Đức Cha tiếp tục công việc. Ngài đã xin Đức Cha SàiGòn, Đức Cha Cambodge, Đức Cha Cần Thơ ban phép Tôn Trái Tim Chúa làm Vua và truyền bá Hội Phạt Tạ trong các Họ đạo. Phong trào Phạt Tạ được Cha sở các Họ đạo tiếp nhận. Cha Phạm Tuấn Tri đã tổ chức được Hội Phạt Tạ trong 43 Họ đạo thuộc địa phận Vĩnh Long, 28 Họ đạo thuộc địa phận Sài Gòn, 27 Họ đạo thuộc địa phận Cần Thơ – Long xuyên và 6 Họ đạo thuộc Địa Phận Cambodge.

Năm 1953 Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục thấy cách tổ chức của Hội Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu chú trọng đến gia đình và muốn cho Hội hoạt động hướng về gia đình nhiều hơn, nên Đức Cha thêm hai chữ GIA ĐÌNH vào tên của Hội, từ đó danh hiệu chính thức của hội là đoàn thể GIA ĐÌNH PHẠT TẠ.

3. Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm

Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận Sài Gòn Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn nhận thấy hai đoàn thể đều nhằm đến việc cổ động tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu, nên ngày 14-4-1999 Ngài quyết định sát nhập hai đoàn thể này thành một HỘI ĐOÀN CÔNG GIÁO TIẾN HÀNH dành cho cả hai giới nam và nữ và lấy tên gọi chính thức là GIA ĐÌNH PHẠT TẠ THÁNH TÂM. Ngài bổ nhiệm Linh mục Gioan Baotixita Võ Văn Ánh làm Tổng Linh Hướng. Ngài đã chúc lành và mong muốn GĐPTTT phát triển rộng lan khắp các Giáo Phận trong cả nước, nhằm để hun đúc lửa yêu mến tôn sùng Thánh Tâm Chúa, thánh hoá các gia đình và cộng tác với Giáo Hội trong công cuộc làm chứng nhân và rao giảng Tin Mừng.


GĐPTTT nỗ lực hợp nhất tâm hồn các tín hữu lại với Thánh Tâm Chúa, hoạt động tích cực trong các xứ đạo, trở thành cánh tay trợ lực hữu hiệu của các linh mục quản xứ, quản nhiệm.

 

 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận