Ðức Hồng y G.B Phạm Minh Mẫn: “25 năm giám mục, sống để yêu thương”

Đăng lúc: Thứ ba - 14/08/2018 01:56 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Ðức Hồng y G.B Phạm Minh Mẫn: “25 năm giám mục, sống để yêu thương”

Ngày 11.8.2018 là ngân khánh giám mục của Ðức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn. Ngài đã trao đổi với báo Công giáo và Dân tộc về những “năm tháng nhiều ân sủng” khi phục vụ cộng đoàn Dân Chúa ở vai trò là một vị chủ chăn.

 

CGvDT: 5 năm gắn bó với giáo phận Mỹ Tho, 20 năm buồn vui với TGP TPHCM, xin Đức Hồng y chia sẻ về chặng đường đã qua này?

ĐHY G.B Phạm Minh Mẫn: Đứng trước một nhiệm vụ quan trọng, điều đầu tiên tôi làm là cầu nguyện, xin Chúa Thánh Thần soi sáng. Chính Ngài đã giúp tôi vượt qua những hoàn cảnh khó khăn và luôn sống trọn vẹn với khẩu hiệu Giám mục mà mình đã chọn : “Như Thầy yêu thương”. Đây cũng là điều tôi luôn nhấn mạnh với các linh mục tại những giáo phận mà mình từng coi sóc. Thiên Chúa dạy chúng ta yêu thương nhau và đối thoại trong yêu thương. Khi về coi xứ, các vị mục tử cần xây dựng được sự hiệp thông, phải làm cho Chúa hiện diện giữa Dân Người bằng tình yêu.

Lúc làm Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Quí (Cần Thơ), tôi cũng chuẩn bị cho các chủng sinh sống và phục vụ trên tinh thần này. Thời gian một năm giúp xứ, các thầy được khuyến khích tham gia hoặc thậm chí là chủ động gợi mở và đứng ra vận động cho những chương trình vì người nghèo, đặc biệt là trẻ nhỏ xuất thân từ những gia đình khốn khó và người cao tuổi không nơi nương tựa.

Nếu nhắc về một công trình mà Đức Hồng y đã dành rất nhiều tâm huyết để thực hiện trong thời gian làm Tổng Giám mục TGP TPHCM, nhiều người sẽ nhớ đến Trung tâm Mục vụ. Có thể xem đây là một trong những yếu tố để phát huy tiềm năng của mọi thành phần Dân Chúa không, thưa Đức Hồng y?

- Trong thư đề xuất viết năm 2000 để chính quyền giao lại trước hạn Tiểu Chủng viện Thánh Giuse, khi ấy đang được mượn làm trường Trung học Tài chính Kế toán IV, tôi có nói rõ: đào tạo linh mục có Đại Chủng viện, đào tạo tu sĩ có các hội dòng, nhưng TGP chưa có nơi để đào tạo giáo dân. Tháng 9.2004, Bộ Tài chính trao lại trường Trung học Tài chính Kế toán IV cho TGP, ban đầu được gọi là Trung tâm Văn hóa Công giáo, sau đó đổi thành Trung tâm Mục vụ. Cơ sở này do cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm (nay là Giám mục GP Mỹ Tho) làm giám đốc, hướng đến việc mục vụ tổng thể của Tổng Giáo phận. Cũng trong giai đoạn này, các ban mục vụ chuyên biệt đã lần lượt được thành lập, với 5 ban mục vụ đối nhân và 5 ban mục vụ đối việc.
Trung tâm đã mở nhiều khóa học để giáo dân được đào tạo bài bản dựa trên bốn chiều kích là nhân bản, đức tin, mục vụ và xã hội để cộng tác với mục tử trong việc truyền giáo, góp phần mở rộng Nước Chúa. Tính từ lúc thành lập đến năm 2018, Trung tâm Mục vụ đã đón nhận khoảng 28.000 lượt học viên. Song song với đào tạo, để giáo dân có thể góp sức hiệu quả hơn cho Giáo hội theo nguyện vọng hoặc chuyên môn của mình, nhiều tổ chức tông đồ giáo dân đã được thành lập, gồm các đoàn thể (Hội Các bà mẹ Công giáo, Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm, Hội Legio Mariae, Hiệp hội Thánh Mẫu…); các giới Công giáo (giáo chức, y - bác sĩ, nghệ sĩ, doanh nhân); hiệp hội Tông đồ gia đình (gia đình Chúa; Gia đình cùng theo Chúa; Thăng tiến hôn nhân và gia đình…). Với những tổ chức này, tín hữu nào cũng có thể tìm được nơi sinh hoạt phù hợp.

Đức tân TGM cử hành nghi thức hôn đất tại nhà thờ Chánh tòa TGP TPHCM trong ngày nhậm chức

Sài Gòn là mảnh đất luôn mở rộng vòng tay với những anh chị em từ vùng miền khác đến sinh sống, lập nghiệp. Khi là chủ chăn TGP, ĐHY đã định hướng chăm lo cho bà con di dân như thế nào ?

- Ở những giáo xứ có đông di dân, tôi nhắc linh mục chánh xứ phải sẻ chia, gần gũi thì mới thật sự hiểu được họ. Và có hiểu biết, có cảm thông thì hạt giống Lời Chúa mới nảy mầm và trổ sinh hoa trái. Chưa nói về những khác biệt văn hóa, chỉ riêng chuyện hiểu được ngôn ngữ của các vùng miền cũng là chuyện không đơn giản. Còn nhớ ngày ở Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, tôi học chung với nhiều thầy miền Trung, trong đó có Đức cha Stêphanô Nguyễn Như Thể (nguyên Tổng Giám mục TGP Huế). Giờ giải lao chơi bóng chuyền thường chia thành hai đội, đội miền Trung và đội miền Nam. Nói thật, khi ấy đội miền Trung nói chuyện với nhau chúng tôi chẳng hiểu gì.

Để quen hơn với tiếng miền Trung, giờ trống một chiều Chúa nhật, tôi rủ Đức cha Thể: “Anh Thể đi Sở Thú với tôi không?”. Ngài trả lời: “Đi mần răng?”. Ý ngài là “đi bằng cách nào”, nhưng tôi hiểu là… đi nha sĩ để làm răng. Vậy nên tôi đi một mình, nhưng dạo Sở Thú một vòng thì lại gặp ngài, liền ngạc nhiên hỏi: “Anh mần răng xong rồi à?”, làm Đức cha chẳng hiểu gì. Kể chuyện này để thấy, bạn học gắn bó với nhau như thế mà còn vất vả vì những khác biệt vùng miền. Người mục tử sẽ khó có thể hiểu được anh chị em di dân đến với cộng đoàn của mình nếu chỉ mời gọi đôi câu, do đó, nên dành nhiều thời gian cho họ để đồng hành và giúp họ thật sự hòa nhập vào cuộc sống nơi đất khách quê người.

ĐTC Gioan Phaolô II trao mũ hồng y cho Đức TGM năm 2003

 

Cha P.X Trương Bửu Diệp mở đường cho ơn gọi

Năm 1939, cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, cha sở Tắc Sậy, đến nhà thăm cha mẹ Ðức Hồng y G.B Phạm Minh Mẫn ở họ đạo Cái Rắn (Cà Mau). Khi ấy, cậu bé Mẫn mới 5 tuổi. Cha Diệp nói với cha mẹ cậu: “Thằng nhỏ mà 6 tuổi thì cho vô nội trú ở Lasan cho quen, tới 10 tuổi thì vào Tiểu Chủng viện”. Sau bữa đó, cậu bé được nhiều lần giúp lễ cho cha. Cha mẹ thì cứ theo lời khuyên mà làm, gởi cậu vào học ở trường Lasan, rồi Tiểu Chủng viện. Ơn gọi của Ðức Hồng y Gioan Baotixita được hình thành như thế…

 

Gián đoạn tu học để đi dạy nuôi em

Ðức Hồng y G.B luôn trăn trở việc cho trẻ nghèo được học hành tử tế vì bản thân ngài cũng từng có thời vất vả để chu toàn chuyện chữ nghĩa cho các em của mình. Ngài kể với CGvDT: “Gia đình tôi vốn có nhà cửa yên ổn ở Hòa Thành, Cà Mau nhưng năm tôi 11 tuổi thì chiến tranh, loạn lạc làm cả nhà phải di tản. Từ đó, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Từ 10 tuổi, tôi đã theo học ở Tiểu Chủng viện Cù Lao Giêng (nay thuộc giáo phận Long Xuyên). Trải qua những biến động phải đổi địa điểm học sang thủ đô Phnom Penh của Campuchia trong 9 năm, đến năm 1954, tôi được bề trên gởi lên học tại Ðại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. Nhưng sau khi hoàn thành 2 năm triết học, gia đình tôi túng thiếu, không trang trải nổi cho các em tôi đang học trung học. Tôi tạm ngưng việc học, về quê dạy học để kiếm tiền phụ lo cho các em trong 4 năm, sau đó mới quay lại Sài Gòn học tiếp 4 năm thần học”.

 

Lan Chi (thực hiện) - cgvdt.vn

Từ khóa:

giám mục

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận