Yêu Người Như Chính Mình Và Yêu Như Chúa Yêu

Đăng lúc: Thứ bảy - 23/04/2016 22:29 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
YÊU NGƯỜI NHƯ CHÍNH MÌNH VÀ YÊU NHƯ CHÚA YÊU
 
Chào bạn!
Khi nói về tình yêu, bạn sẽ nghĩ ngay đến loại tình yêu nào? Có phải bạn sẽ nghĩ ngay đến tình yêu nam nữ trao hiến cho nhau? Hay bạn đang sống xa nhà, xa quê, thì nghĩ về tình yêu dành cho gia đình, cho quê hương, đất nước? Bạn cũng có thể đang nghĩ về tình yêu dành cho những đứa bạn đồng trang lứa, đã từng sống, vui chơi với nhau một thời. Thậm chí, trong lòng bạn cũng có thể đang gợi lên cả một ký ức về một mối tình đầu dang dở nào đó. Bạn có thấy tình yêu thật là một sự tuyệt vời mà Tạo Hoá đã ban tặng cho con người? Quả thật, chỉ có loài người mới có tình yêu. Tình yêu là một trong những điều làm cho con người khác với thú vật. Tình yêu trong con người được mô phỏng theo tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Và cũng chính tình yêu làm triển nở mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau. Bạn có cảm nhận được sự tuyệt vời của tình yêu? Hay bạn đang buồn bực, căm phẫn bởi tình yêu của bạn dành cho người yêu không được đáp đền, tệ hơn là bị phản bội. Mình hỏi bạn: đã có lần nào bạn khước từ tình yêu của một ai đó chưa?, đã có lần nào bạn phản bội lại người yêu chưa? Bạn đừng vội trả lời là chưa, bởi có thể bạn đang nghĩ tới những tình yêu: đôi lứa, gia đình, quê hương, bạn bè. Có thể bạn đang giới hạn đối tượng được bạn yêu. Có bao giờ bạn nghĩ đến tình yêu của bạn dành cho Chúa thế nào chưa? Và Chúa có phải là đối tượng đáng để được bạn yêu không? Linh đạo của hội dòng Mến Thánh Giá: “Đức Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí họ”. Mình không có ý muốn hỏi: Chúa có phải là đối tượng duy nhất của bạn không, bởi chưa hẳn bạn là người sống đời dâng hiến; mình muốn hỏi: có chỗ nào trong tình yêu của bạn dành cho Chúa không? Có bao giờ bạn dành cho Chúa một cõi riêng tư trong lòng bạn? Nếu bạn chưa dành được cho Chúa một chỗ đứng trong tình yêu của bạn, thì đâu là lý do khiến bạn dễ dàng quên Chúa đến như vậy?
Bạn nghĩ rằng: Chúa cần đến sự đáp đền tình yêu của bạn dành cho Chúa ư! Chúa cần đến những lời ca tụng, tôn vinh của bạn ư! Tình yêu hay lời tụng ca bạn dành cho Chúa có thêm tí vinh quang gì cho Chúa đâu. Nhưng việc bạn đền đáp tình yêu Chúa, việc bạn ca tụng Chúa là việc chính đáng và phải đạo của loại thụ tạo kính dâng lên Đấng Tạo Hoá. Những việc ấy sẽ đem đến cho bạn ơn cứu độ, sự sống và hạnh phúc đời đời[1]. Quả thật, tình yêu của mình và bạn dâng lên Chúa có đáng gì so với tình yêu Chúa dành cho chúng ta. “Không phải chúng ta yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4, 10). Bạn cứ từ từ gẫm lại xem Chúa yêu bạn biết dường nào. Người yêu bạn cả khi bạn từ khước, phản bội lại tình yêu Người. Lúc bạn phạm tội, chạy theo các tà thần: tiền tài, danh vọng, thú vui, là bạn đã bất trung với Chúa, nhưng không vì thế mà Chúa bỏ rơi bạn; Ngài luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay để yêu thương và tha thứ cho bạn. “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Đó là tình yêu mà Chúa dành cho bạn – một tình yêu vô dụng[2] – không cần biết đến việc người yêu có đáp đền hay không. Chúa yêu bạn trong chính cả những sự yếu đuối, bất toàn, tội lỗi của bạn. Qua đó, Chúa cũng mời gọi bạn hãy “yêu người như chính mình” (x. Lc 10, 27) và “yêu người như Chúa yêu” (x. Ga 13, 34), nghĩa là yêu thương tha nhân như yêu chính con người bạn, và yêu thương tha nhân như Chúa đã yêu.
“Yêu người khác như yêu chính mình và như Chúa đã yêu”. Trong con người của bạn có những nhu cầu nền tảng: nhu cầu thể lý, bản năng sinh tồn và an toàn, nhu cầu thương yêu, nhu cầu thuộc về cộng đồng, nhu cầu được kính trọng, nhu cầu tự tăng triển. Đó là những nhu cầu điều khiển cả con người của bạn từ tư tưởng, tình cảm, ý chí, tới hành động. Mọi việc bạn làm, mọi phản ứng, lời nói, cử chỉ, cách diễn tả, thái độ của bạn hầu như đều bị chi phối bởi những nhu cầu này. Thế làm sao bạn có thể yêu người khác như chính mình, tức là như bạn yêu những nhu cầu nền tảng ấy của bạn được? Một thí dụ điển hình về một nhu cầu nền tảng: giả như bạn đang trong một hoàn cảnh “thập tử nhất sinh”, đang dần chết đuối (chết nước) chẳng hạn, nếu có một ai bơi ra cứu bạn, bạn có thể không nhấn chìm người ấy hay sao? Mình nghĩ chẳng bao giờ có ai đang rơi vào hoàn cảnh ngấp ngoái lại có thể chấp nhận một cái chết dễ dàng được. Nhu cầu yêu thương và được yêu thương trong bạn cũng thế! Có ai lại đi yêu thương kẻ thù của mình. Có ai lại đi tha thứ cho kẻ thù và chết cho kẻ phản bội mình. Nếu bạn có thể làm được điều ấy, thì bạn đang thể hiện một “tình yêu vô dụng” – “yêu như Chúa yêu” – tình yêu vô điều kiện, vô vị lợi, vô biên giới. Một tình yêu không đặt điều kiện “sẽ được gì?”, không biết đến sự đáp đền, không giới hạn về đối tượng cả trong không gian lẫn thời gian. Tình yêu của mình và bạn dành cho Thiên Chúa và cho nhau, thường là một tình yêu có điều kiện, có mục đích, và có giới hạn về đối tượng. Khi yêu chúng ta luôn cầu mong sẽ được gì, sẽ được đền đáp như thế nào. Xét về đối tượng là Thiên Chúa, thì chúng ta yêu một thiên chúa nào – có phải chúng ta đang yêu một thiên chúa theo sở thích, ước muốn của chúng ta không? hay chúng ta đang yêu một Thiên Chúa đích thực, đúng như Kinh Thánh nói? Còn về đối tượng là con người, thì tình yêu chúng ta dành cho nhau đôi khi chỉ là nhất thời, lúc thì yêu, lúc thì không yêu; hay người thì được chúng ta yêu, người thì không được chúng ta yêu.
Tóm lại, trong Kinh Thánh, yêu người thân cận “như chính mình và như Chúa đã yêu”, thì giống nhau (x. Lc 10, 27tt). Nhưng để bạn có thể “yêu người khác như chính mình”, thì đòi hỏi bạn phải đặt ý nghĩa căn bản của cuộc đời bạn là: “Tình yêu dành cho Thiên Chúa Hằng Sống hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn bạn”, tức là “như Chúa đã yêu” - yêu cho đến cùng, trên những nhu cầu nền tảng của cuộc đời bạn. Lạy Chúa, xin cho con yêu mến Chúa.
Chào bạn!
Chúc bạn một ngày đầy tràn niềm vui và bình an của Chúa

hoahướngdương
 

[1] X. Kinh tiền tụng chung IV
[2] X. Bài giảng thứ sáu tuần thánh của ĐGM. Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục phó Giáo phận Xuân Lộc.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận