Thứ Tư tuần 5 Phục Sinh.

Đăng lúc: Thứ tư - 27/04/2016 01:11 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Tư tuần 5 Phục Sinh.

"Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái".

 

Lời Chúa: Ga 15, 1-8

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

"Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi.

"Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được. Đây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy".

 

 

SUY NIỆM 1: Sự kết hiệp thâm sâu

Nền văn minh kỹ thuật làm phát sinh nơi con người một não trạng kiện toàn duy vật. Người ta đánh giá con người với những tiêu chuẩn của sự sản xuất và hiệu năng. Con người được nhìn qua lăng kính của những sản xuất và chiếm hữu vật chất, như đồng lương, cái nhà, chiếc xe. Não trạng ấy không chừng áp dụng vào việc đánh giá sự sống còn của xã hội. Hình ảnh của những cành nho phải sinh trái trong Tin Mừng hôm nay phải chăng không củng cố cho cái nhìn ấy. Phải chăng một Giáo Hội có sức sống không là một giáo hội có nhiều tín hữu, có nhiều cơ sở vật chất, có nhiều hội dòng, có nhiều phong trào, có nhiều hoạt động và nhất là có nhiều quan hệ tốt với thế quyền.

Thật ra, người ta không thể đánh giá về sự sống bằng số lượng. Những con số không thể nói hết về một thực tại vô cùng thâm sâu về huyền nhiệm và sự sống, nhất là sự sống của Giáo Hội. Người ta không thể đo lường sự sống của Giáo Hội bằng hiệu năng và những con số. Trong Giáo Hội, không ai có thể đi tìm hiệu năng bằng những phương pháp và các phương tiện riêng của mình. Ðể trở nên phong phú trong Giáo Hội, cần phải chấp nhận hai điều kiện được chính Chúa Giêsu đưa ra: một là ở lại trong Ngài, hai là chịu cắt tỉa. Ở lại trong Ngài, với kiểu nói này, Chúa Giêsu muốn nói đến sự kết hiệp thâm sâu giữa Ngài và Giáo Hội.

Nếu Giáo Hội tìm cách thay thế sự kết hiệp thâm sâu này bằng những cố gắng liên kết với quyền bính thế trần, Giáo Hội có thể có một chỗ đứng thế giá trong trần thế, Giáo Hội có thể mua được nhiều đặc ân đặc quyền hay bất cứ một dễ dãi nào mà thế quyền có thể ban tặng. Nhưng một khi đã sống bên ngoài sự sống của Chúa Giêsu, Giáo Hội chỉ còn là những cành nho khô héo. Những thành quả đạt được bằng sự liên kết, thỏa hiệp với quyền bính sẽ chỉ là những trái trăng héo úa, nếu ở lại trong Chúa Giêsu, Giáo Hội cũng phải chấp nhận bị cắt tỉa. Sức sống và sự phong phú đích thực của Giáo Hội lúc đó sẽ không phải là những con số của những gì có thể đếm được mà chính là những mất mát, thử thách, bách hại, những chướng ngại thập giá. Sức sống của Giáo Hội được thể hiện trước tiên qua những cắt tỉa ấy.

Thánh Phaolô là hiện thân của một sức sống như thế, Ngài đã phải chịu cắt tỉa ngay trong cộng đoàn Giêrusalem. Ngài bị cô lập và nhìn với con mắt nghi ngờ. Ngài bị xem như một con người nguy hiểm gieo rắc những tư tưởng đe dọa những giá trị được củng cố, đảo lộn những cái khoen đã cắm rễ sâu, phá hoại sự an toàn có sẵn. Suốt một cuộc đời ra đi không ngừng, thánh nhân là đối tượng của không biết bao nhiêu bách hại, nhưng Ngài không sống theo luận lý của con người. Thập giá là một hiếu kỳ đối với người Do Thái và là một điều ngu xuẩn đối với người Hy Lạp, nhưng với ngài, nó sẽ là khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Với ngài, người chỉ biết có một Chúa Kitô chịu đóng đinh, "sống" là chính Chúa Kitô. Mất mát, khổ đau, thử thách, thập giá là chìa khóa để đọc được ý nghĩa và sự phong phú đích thực của Giáo Hội, nó cũng là chìa khóa để nhìn vào những bách hại và thử thách mà một số tín hữu Kitô đang phải trải qua trong cuộc sống của mình.

Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh nâng đỡ các tín hữu Kitô để họ trở thành đuốc sáng cho mọi người trong giai đoạn hiện nay.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Để sinh nhiều hoa trái

Dụ ngôn cây nho là một phần của bài nói sau bữa tiệc ly. Tin mừng thánh Gio-an đã ngăn chặn sự xa lìa của những kẻ theo Người, có thể vì cái chết trên thập giá của Người hay khi Người lên trời. Người cho họ thấy về sự sống của Người là sự sống cho những kẻ còn hiệp thông với Người, như nhựa cây là sức sống từ thân cây tới những cành, sự sống đó sinh nhiều hoa trái. Điều kiện “ở lại trong Thầy” không phải hiểu như trong hộp kín, dưới sự che chở cô độc, nhưng ở trong một năng lực lớn mạnh. Những cành từ chối không tiếp nhận phát triển, không đáp ứng với nhựa sống vươn lên, sẽ gặp nguy cơ chết khô. Cuộc tranh đấu để sống chỉ nguy hiểm đối với những cành tự tách mình lìa khỏi cây. Người ta gọi nó là tội.

Bao lâu còn nhựa sống lưu thông, bấy lâu sự chết vẫn không đột nhập được.

Trong thời đại chúng ta, thuyết đa dạng là một gương mù thường xuyên. Người ta dễ dàng theo lối sống khô khan, tà giáo và cả vô tín ngưỡng. Phụng vụ khác nhau biết bao từ xứ này qua xứ khác, một linh mục tự diễn cách tự do một số công thức đã xưa rồi. Biết bao tín hữu cố chấp phản đối những cơ cấu tổ chức, đi tới chỗ chỉ trích gay gắt và bi quan, như nói: “Giáo hội đi theo quỷ”.

Không, Giáo hội sẽ tiến theo đường lối của mình băng qua một thế giới và một thời đại đầy khó khăn, như cành cây nho bò leo xoắn xít để đeo bám những đường quanh co của lâu đài và phát sinh ra những đường nét trang trí cho ngôi nhà khô khan bằng những mầu sắc xanh tươi sống động. Đức tin không bảo thủ như những chùm nho đông đặc khô cứng, nhưng sống động nhờ giá trị chiến đấu, nơi người quyết chí hiệp nhất với Đức Kitô. “Ở lại trong Thầy” không phải ẩn mình, khép kín, che thân, nhưng chính là biểu dương sức sống Người đã thông ban cho chúng ta để sinh nhiều hoa trái. Những cây nho sẽ bị ném vào lửa là những cành sợ khô không tiến lên, không leo lên …

Cây nho dẫn chúng ta đến trước chén rượu nho mà linh mục dâng lên và thánh hiến trên bàn thờ. Nó đã bằng lòng đổ nước ra khi chịu gieo xuống đất, chịu cắt tỉa, chịu gặt hái, chịu ép nén đến cùng cực để cho chúng ta có rượu lễ hôm nay. Người tín hữu chúng ta đã sẵn sàng mạo hiểm bắt tay vào việc, liều mạng tới đâu? Chúng ta xum họp quanh bàn thờ để uống với tâm tình ích kỷ hay đón nhận nhựa sống làm cho mình và mọi người lớn lên trong nước trời không?

L.P

 

SUY NIỆM 3: Hệ quả của sự cắt tỉa

Có một dạo phong trào trồng nho đã nở rộ tại một số tỉnh dọc theo duyên hải miền Trung. Cây nho không còn là một thứ cây xa lạ đối với nhiều người Việt Nam nữa. Cây có trái là chuyện thường, nhưng cây phải bị cắt tỉa mới có thể đâm chồi, trổ hoa và sinh trái, đó là hình ảnh đặc trưng của cây nho. Thật thế, với đôi mắt không chuyên môn, khi nhìn vào thân nho bị cắt tỉa, có lẽ ai cũng phải xót xa, có lẽ người ta sẽ nhìn vào người trồng nho như một con người nhẫn tâm, vì người trồng nho xem ra cắt tỉa cây nho không chút tiếc xót. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, người ta sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy từ những cành trơ trụi những mần non nhú ra và hoa cũng bắt đầu xuất hiện.

Chúa Giêsu đã dùng rất nhiều hình ảnh để nói về những thực tại Nước Trời. Nhưng trong các hình ảnh ấy, cây nho hẳn phải chiếm một chỗ ưu việt: ưu việt vì cây nho là giống cây phổ thông nhất của miền Palestina, ưu việt vì trong Cựu ước cây nho vốn được xem là biểu trưng của dân riêng. Nhưng như các tiên tri đã nhiều lần lên tiếng tố cáo: thay vì sản xuất rượu ngon, cây nho Israel chỉ mang lại thứ rượu đắng của bất trung và phản bội. Tiếp tục truyền thống tiên tri, Chua Giêsu cũng lấy lại hình ảnh cây nho, nhưng cây nho chính là Ngài. Lòng tín trung mà Thiên Chúa hằng chờ đợi nơi Israel nay Ngài đã tìm thấy nơi cây nho đích thực là Chúa Giêsu. Một giao ước mới phát sinh, bởi vì lòng trung tín của Chua Giêsu được diễn ta trong sự vâng phục và vâng phục cho đến chết trên Thập giá, không phải là cố gắng thuần túy của con người, mà chính là lòng thủy chung của Con Thiên Chúa trong chừng mực của con người. Cây nho của giao ước mới mang lại những trái trăng xum xuê có tên là tình yêu. Đó là kết quả của sự cắt tỉa: cây nho không thể sinh hoa kết trái nếu không bị cắt tỉa, tình yêu sẽ không là tình yêu đích thực và phong phú nếu không được cắt tỉa khỏi những ngọn ngành thừa thãi của ích kỷ.

Giáo Hội – Israel mới chính là cây nho của Chúa. Lịch sử cho thấy có lúc xem ra Giáo Hội bị cắt tỉa một cách tàn nhẫn, nhưng cũng chính những lúc đó Giáo Hội mang lại nhiều hoa trái hơn cả. Những cuộc bách hại đẫm máu lại là những cắt tỉa làm cho Giáo Hội sinh được nhiều hoa trái nhất. Đó là cái nhìn chúng ta phải có để nhìn vào Giáo Hội: sức sống của Giáo Hội có khi không chỉ được nhìn thấy và đánh giá qua những biểu giương bên ngoài, hoa trái của Giáo Hội có khi không phải là một chút dễ dãi đạt được do một sự thỏa hiệp nào đó. Giáo Hội chỉ có thể mang lại hoa trái đích thực khi chấp nhận được cắt tỉa khỏi những phù phiếm rườm rà của thế tục. Cơ cấu hữu hình có thể bị phá vỡ, cơ sở vật chất có thể bị cướp mất, những quyền cơ bản nhất gắn liền với tư do tôn giáo có thể bị tước đoạt, đôi tay hoạt động có thể bị khóa chặt: đó có thể là những cắt tỉa cần thiết để cây nho Giáo Hội trổ sinh hoa trái dồi dào.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào Giáo Hội và cuộc sống đức tin của chúng ta với một cái nhìn bình thản và tin tưởng. Mỗi kitô hữu là một ngành nho gắn liền với cây nho là chính Chua Giêsu. Để được gắn liền với Ngài và trổ sinh hoa trái chúng ta không thể không chịu cắt tỉa khỏi những gì nghịch với Tin mừng và cốt lõi của Tin mừng là tình yêu. Sự cắt tỉa nào cũng làm chúng ta đau đớn, mất mát nào cũng làm chúng ta tiếc xót, nhưng vì đã được sống theo Tin mừng, chúng ta hãy xem như một lợi lộc cao quí nhất khi bị cắt tỉa và mất mát. Hoa trái phát sinh từ những cắt tỉa và mất mát ấy sẽ mãi  mãi tồn tại. Vả lại ngay trong cuộc sống này, giá trị của con người không được đo lường bằng những gì nó thu tích, mà bằng chính những gì nó hy sinh và cho đi.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 

SUY NIỆM:

Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, Đức Giê-su nói về tương quan giữa Thiên Chúa Cha, ngôi vị của Người và các môn đệ, ngang qua hình ảnh “cây nho”, trong bầu khí của Bữa Tiệc Ly, nghĩa là bầu khí của “tình yêu đến cùng”, được Đức Giê-su diễn tả qua cử chỉ rửa chân và nhất là qua bí tích Thánh Thể.

Vì thế, chúng ta được mời gọi lắng nghe những lời này của Đức Giê-su, và nhất là chiêm ngắm hình ảnh cây nho, dưới ánh sáng của tình yêu đến cùng của Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta, được thể hiện nơi Đức Giê-su Chịu Đóng Đinh, “đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta”.

1. Hình ảnh Cây nho

Khi suy niệm lời của Đức Giêu trong bài Tin Mừng này, chúng ta đừng vội áp dụng hình ảnh cây nho vào tương quan giữa Đức Giê-su và chúng ta, nhưng hãy dành nhiều thời giờ để hình dung và chiêm ngắm khu vườn với đất đai, khí hậu, người chăm sóc, cây nho, thân nho, cành nho…. Tất cả để hướng tới hoa trái, và càng nhiều hoa trái càng tốt. Thật vậy, lời của Đức Giê-su trong phần này nói về hoa trái và hướng về hoa trái từ đầu đến cuối (c. 2 và 4. 5.8).

Chúng ta hãy tự hỏi trái nho dùng để làm gì? Đương nhiên là để ăn và chúng ta đã từng ăn nho rồi. Nhưng nho còn được dùng vào việc gì nữa? Chúng hãy chú ý đặc biệt đến rượu nho. Dường như hoa trái tận cùng của vườn nho và cây nho chính là “rượu nho”, hay ít nhất, rượu nho là sản phẩm tiêu biểu nhất của vườn nho và cây nho. Chúng ta hãy nhớ tới rượu nho trong tiệc cưới Cana (Ga 2, 1-12) và nhất là rượu nho trong bữa Tiệc Ly. Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su sẽ dùng chính rượu nho để nói lên tình yêu đến cùng của Ngài dành cho tất cả những ai thuộc về Ngài, trong đó có chúng ta hôm nay:

Cũng đang bữa ăn… Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người”. (Mc 14, 23-24)

Như thế, nếu chúng ta tự mình bất lực không thể sinh hoa trái, và từ hoa trái phát sinh rượu ngon, thì chính Chúa đã tự nguyện trở thành rượu ngon trao ban cho chúng ta để tái sinh chúng ta rồi, và chính tình yêu đến cùng của Chúa sẽ làm cho chúng ta sinh hoa trái.

Hình ảnh cây nho thật là đẹp và giàu ý nghĩa, nhưng hình ảnh này cũng chất vấn chúng ta nữa:

  • Tất cả chúng là “cành” chứ không phải là “thân”, dù chúng ta là ai.
  • Và đã là cành, thì phải gắn liền với thân để sinh hoa kết quả.

Chúng ta nên đọc từng câu và dừng lại ở những lời đánh động, soi sáng, chất vấn chúng ta nhiều nhất, trong hoàn cảnh hiện tại. Xin Chúa khơi dậy nơi chúng ta lòng ước ao ở lại trong Chúa, và xin Lời Ngài thanh tẩy, tái tạo và làm phát sinh hoa trái dồi dào nơi chúng ta.

2. Ở lại trong nhau

Để sinh nhiều hoa trái, chúng ta được mời gọi ở lại trong Đức Giê-su, như cành nho gắn liền với thân nho. Đức Giê-su ở lại trong chúng ta, và chúng ta được mời gọi ở lại trong Ngài. Và như chúng ta đều biết, “ở lại trong nhau” là ngôn ngữ của tình yêu. Thực vậy, Đức Giê-su sẽ nói tới tình yêu trong phần tiếp theo: “Chúa Cha yêu mến thầy thế nào, thầy cũng yêu mến anh em như vậy”. Lời mời gọi ở lại, được Đức Giê-su nhắc đi nhắc lại từ đầu đến cuối, qua hình ảnh thân nho, cành nho và trái nho, và theo những cách thức khác nhau.

  • Khi thì xác định: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”.
  • Khi thì phủ định: “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo”.

Với bí tích Thánh Thể, được hoàn tất trong mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh, mà chúng ta cử hành mỗi ngày và là trung tâm của đời sống dâng hiến của chúng ta, Đức Giê-su sẽ mãi mãi ở lại với chúng ta, để cho chúng ta có thể mãi mãi ở lại trong Ngài. Nhưng Đức Giê-su còn ở lại với chúng ta ngang qua Lời của Người nữa, bởi vì Người là Ngôi-Lời, nghĩa là Lời và Ngôi Vị của Người là một. Vì thế, ngay sau đó, Đức Giê-su nói về lời của mình: “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em” (c. 3) ; « Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý » (c. 7). Như thế, Đức Giê-su còn ở lại trong chúng ta qua Lời của Ngài, và chúng ta được mời gọi ở lại trong Đức Giê-su, bằng cách “ăn” Lời của Người như là lương thực, nghĩa là để cho Lời của Ngài ở lại và thấm vào trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta.

Chính vì thế, các việc thiêng liêng của chúng ta đều khởi đi từ Lời Chúa: cầu nguyện, Thánh Lễ, chia sẻ, các Giờ Kinh Phụng Vụ, tĩnh tâm… Lời của Đức Giê-su không chỉ là nhựa sống, nuôi sống chúng ta, kết nối chúng ta với Đức Giê-su và làm cho chúng ta sinh hoa trái, nhưng còn có chức năng cắt tỉa, làm chúng được nên thanh sạch.

3. Tôn vinh Thiên Chúa Cha

Nhưng lời của Đức Giê-su còn mời gọi chúng ta chiêm ngắm người trồng nho, là chính Chúa Cha. Thật vậy, Người nói : “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho” (c. 1) ; và Người nói tiếp : « Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: “Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” » (c. 8). Điều Chúa Cha ước ao, và qua đó Ngài được tôn vinh, là chúng ta sinh nhiều hoa trái. Chúng ta có thể tự hỏi, đâu là hoa trái mà Chúa Cha ước ao chúng ta làm phát sinh ? và chúng ta phải làm sao để làm phát sinh nhiều hoa trái ? Và Chúa Cha không chỉ ước ao chúng ta sinh hoa trái, nhưng còn “chăm sóc” chúng ta, vì Ngài là người trồng nho.

Chúng ta có quan tâm đến ước ao của Chúa Cha không? Đến vinh quang của Ngài không, khi mà chúng ta vẫn tung hô: “Vinh Danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa tự muôn đời và chính hiện nay và luôn mãi đến thiên thu vạn đại. Amen”?

* * *

Tất cả (người trồng, đất, cây nho, sự chăm sóc công phu….) đều hướng về “hoa trái”. Thực vậy, bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay mở đầu và kết thúc với hình ảnh “hoa trái”: “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.” (c. 2); và “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (c. 8).

Vậy, để sinh nhiều hoa trái, chúng ta phải trở nên môn đệ của Đức Giê-su; để trở nên môn đệ, chúng ta phải ở lại trong Ngài; và để ở lại trong Ngài, chúng ta phải đón nhận Lời của Ngài như là nhựa sống, như là lương thực nuôi sống chúng ta.

Trong những lời này, Đức Giê-su còn mời gọi chúng ta xin. Nhưng chúng ta xin gì, nếu không phải là xin trở thành người môn đệ sinh nhiều hoa trái cho Vinh Danh Thiên Chúa Cha.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Từ khóa:

không thể

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận