Thứ Sáu tuần 5 Phục Sinh

Đăng lúc: Thứ sáu - 29/04/2016 02:36 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Sáu tuần 5 Phục Sinh – Thánh Catarina Siêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau".

 

Thánh nữ sinh năm 1347 tại Xiêna. Ngay từ thuở niên thiếu, chị đã khao khát sống cuộc đời hoàn thiện, khát khao chiêm ngưỡng Chúa Kitô chịu đóng đinh, và phục vụ Hội Thánh bấy giờ đang bị xâu xé. Vì thế, chị đã gia nhập Dòng Ba Đaminh. Thấm nhuần tinh thần của thánh Đaminh, chị yêu mến Thiên Chúa và tha nhân một cách nồng nàn, cổ võ bình an thuận hòa giữa các thành của nước Italia, can đảm bênh vực quyền lợi và sự tự do của Đức Giáo Hoàng và canh tân đời sống đạo đức. Chị là tác giả của nhiều tác phẩm đạo lý và tu đức. Chị qua đời năm 1380. Ngày 18 tháng 06 năm 1939, Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên phong chị làm bổn mạng nước Italia.

Và ngày 04 tháng 10, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên phong cho chị là tiến sĩ Hội Thánh.

 

Lời Chúa: Ga 15, 12-17

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là: các con hãy yêu mến nhau".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Yêu thương và phục vụ.

Hôm qua, lời Chúa đã mặc khải cho chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chúng ta phải trung thành với Đấng đã đặt hy vọng nơi chúng ta.

Hôm nay, Đức Giêsu dạy cho chúng ta biết rõ phải đáp trả tình yêu của Chúa: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Phẩm chất của tình yêu Kitô hữu là nên giống tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu của chúng ta phải đối chiếu với cách thức của Đức Giêsu yêu thương chúng ta: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.

Tình yêu của Kitô hữu là tặng ban sự sống, thời giờ và công việc, tình cảm và lợi ích của mình cho người khác. Tình yêu Kitô hữu hoàn thành trong sự hy sinh trọn vẹn đời mình cho người khác.

Chúng ta có thể thực hành tình thương người dần dần theo từng giai đoạn. Bắt đầu chúng ta thử thực hiện giúp đỡ người chung quanh chúng ta mỗi ngày mỗi tốt hơn. Thứ đến chúng ta tìm hiểu và liệt kê những điều họ cần thiết để tìm cách giúp đỡ họ mạnh sức hơn. Rồi sẽ đến ngày chúng ta hy sinh cả những lúc nghỉ ngơi, những việc riêng tư.

Tới ngày đó, chúng ta sẽ thực hiện được lời thánh Phao-lô: “Chúng tôi hoàn tất trong thân xác chúng tôi điều còn thiếu trong đau khổ của Đức Kitô”. Chúng tôi thực hiện hình ảnh của Đức Kitô đã khẳng định mình là tôi tớ mọi người.

Trong Thánh lễ tạ ơn này, chúng ta cử hành cuộc tưởng niệm tình yêu của Chúa để làm sống lại những cử chỉ trong bữa tiệc ly, những cử chỉ đó bầy tỏ rõ rằng phẩm chất tình yêu của Đấng cứu độ đã ban cho chúng ta: “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy đã bị nộp vì anh em”.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Hãy sống yêu thương

Cách đây không lâu, Soko Asara, thủ lãnh giáo phái “Chân lý tối thượng” đã bị bắt giữ vì can tội chủ mưu phóng hơi ngạt giết hại 11 người và làm bị thương trên 5.000 người trong một hệ thống đường ngầm tại Tokyo, Nhật Bản. Vị thủ lãnh giáo phái này thường xuất hiện trong một chiếc xe mầu trắng sang trọng. Mười ngàn tín hữu tại Nhật Bản và một số nước khác đã sụp lạy khi ông đi qua, họ uống cả nước tắm gội của ông. Tại một trung tâm của giáo phái nằm dưới chân núi Phú Sĩ vốn là biểu trưng của thanh bình, cảnh sát đã khám phá cả một kho vũ khí hóa học có khả năng sát hại hàng chục triệu người. Đó là sự thật mà cảnh sát Nhật đã nắm bắt được từ giáo phái vốn tự xưng là “Chân lý tối thượng”. Tựu trung, sát hại là khẩu hiệu hàng đầu do vị thủ lãnh giáo phái này truyền đi và được các tín đồ của ông răm rắp tuân theo.

Con người vốn khao khát đi tìm chân lý: nơi nào có người dấy lên tự xưng được giác ngộ và tìm thấy chân lý, nơi đó có những tín đồ chạy theo. Trong lịch sử nhân loại đã có biết bao người tự xưng là bậc thày như thế. Đã có những bậc thày xoa dịu được nỗi khổ đau của nhân loại, nhưng cũng không thiếu những bậc thầy mà sự xuất hiện chỉ là cơn ác mộng cho nhiều người.

Chúa Giêsu cũng xuất hiện như một bậc thày. Ngài cũng quy tụ một số môn đệ. Thế nhưng trong lịch sử nhân loại chưa từng có một bậc thày nào đã có cuộc sống và cung cách hành xử như Ngài, cũng như chưa từng có một bậc thày nào đã tự xưng mình là chân lý như Ngài; chân lý ấy được mạc khải qua cuộc sống và nhất là cái chết của Ngài chính là tình yêu.

Tin mừng hôm nay cũng như bao trang Tin mừng khác bộc bạch một cách trong suốt trái tim của bậc thày này. Điệp khúc gói trọn lời trăn trối của Ngài là: “Hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu thương các con”. Như Ta đã yêu thương các con, đó là mức độ của một tình yêu đích thực và đặc điểm của một giáo huấn chân thật. Chúa Giêsu quả thật đã yêu thương các môn đệ và yêu thương đến cùng, đó là tình yêu cao cả nhất của người thí mạng sống mình vì bạn hữu.

Cái chết của Chua Giêsu trên Thập giá là mạc khải tối thượng về Thiên Chúa và về con người. Qua cái chết ấy Chúa Giêsu mạc khải cho nhân loại rằng chỉ có một Thiên Chúa và Thiên Chúa đó yêu thương con người. Qua cái chết ấy Chúa Giêsu cũng đồng thời mạc khải cho nhân loại rằng con người chỉ có một ơn gọi, đó là sống yêu thương, càng sống yêu thương, con người càng đến gần chân lý và càng trở thành bạn hữu của Thiên Chúa.

Chân lý không phải chỉ để tin nhận, mà thiết yếu là để được thực thi, và như Chúa Giêsu đã nói với Nicôđêmô: “Ai thực thi chân lý thì đến cùng ánh sáng”. Thật thế, ai sống yêu thương, người đó sẽ hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, phẩm giá của con người và chắc chắn sẽ cảm nhận được sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa. Trái lại, ai nuôi dưỡng hận thù, xúc phạm đến tha nhân, người đó cũng chối bỏ chân lý về con người và về Thiên CHúa, đồng thời cũng giam hãm mình trong tăm tối của cô đơn.

Nguyện xin Đấng là chân lý ban cho chúng ta ánh sáng và sức sống thần linh của Ngài, để chúng ta luôn tiến bước trong cuộc sống với niềm tin tưởng lạc quan. Xin cho các Kitô hữu xác tín rằng chỉ bằng cuộc sống yêu thương, chúng ta mới thực sự làm chứng cho chân lý.
 

SUY NIỆM:

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay là phần cuối của lời tâm sự dài, trong đó Đức Giê-su dùng hình ảnh cây nho để nói về tương quan thiết thân của Người với các môn đệ. Nhưng từ phần này, Đức Giê-su không nhắc đến cây nho nữa, đơn giản là vì những gì Ngài nói ra đây vượt qua vô hạn hình ảnh “người trồng nho, cây nho và cành nho”.

Thật vậy, trong phần này, Đức Giêsu tiếp tục vừa đẩy đi xa vừa mở rộng tương quan giữa Chúa Cha, Thầy Giê-su và người môn đệ, tương quan giữa các môn đệ với nhau và tương quan giữa các môn đệ và những người khác. Ở đây, Chúng được mời gọi nhận ra chuyển động luôn luôn lan rộng của tình yêu.

Tuy nhiên trong phần này, dù Người không còn nhắc đến hình ảnh cây nho và cành nho, nhưng lại nói đến hình ảnh « hoa trái » (c. 16), làm chúng ta liên tưởng đến những gì Người đã nói về người trồng nho, cành nho, trái nho và rượu nho (c. 1-8).

1. Yêu thương như Thầy yêu thương (c. 12)

Trong phần này, Đức Giê-su nói đặc biệt đến tình thương (c. 12 và 17) và mời gọi chúng ta hiểu ra rằng, “yêu thương nhau” chính là hoa trái mà Người trồng nho và “Cây Nho”, nghĩa là chính Đức Giê-su, mong đợi.

Đức Giê-su nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”; và Người nói tiếp: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của thầy”. Để hiểu lời mời gọi này của Đức Giê-su, chúng ta hãy trở lại hình ảnh cây nho: chỉ có một Người trồng nho thôi, và chỉ có một cây nho thôi; nhưng cành thì có nhiều: cành to cành bé, cành ngắn cành dài, cành ở trên cao, cành ở dưới thấp, cành già cành trẻ, cành đẹp cành xấu, cành trắng cành đen, cành mượt mà cành sần sùi, cành ít trái cành nhiều trái, cành sung mãn cành èo uột, cành xanh mướt cành đang khô héo… Nhiều và khác nhau, nhưng tất cả trở nên một, nếu gắn liền với thân nho, như Đức Giê-su mời gọi: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của thầy”.

Xin Chúa khơi lại và làm bùng lên lửa yêu mến Chúa đã từng đốt cháy lòng chúng ta trong hành trình đi theo Chúa trong đời sống ơn gọi, gia đình hay dâng hiến, để chúng ta có thể nên một với nhau nhờ tình thương hôm nay và mãi mãi.

2. Tình yêu hi sinh mạng sống (c. 13-15)

Khuôn mẫu của tình yêu chúng ta dành cho nhau, chính là tình yêu của Đức Giê-su dành cho loài người và cho từng người chúng ta, đó là tình yêu hi sinh mạng sống.

Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy.
Đó là “tình yêu đến cùng” mà chúng ta được mời gọi đón nhận, hiểu biết và cảm nếm, khi chiêm ngắm Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh, “Đối Tượng Duy Nhất của lòng trí chúng ta”, trong cuộc Thương Khó, và đó cũng là “tình yêu tự hiến” mà chúng ta tưởng niệm và tái hiện lại mỗi ngày trong Thánh Lễ và trong ngày sống.

Ngoài ra, Đức Giêsu còn mở ra một chiều kích nữa của tương quan giữa Ngài và các môn đệ, đó là tương quan bạn hữu. Đức Giêsu chia sẻ cho bạn hữu của Ngài tất cả: niềm vui, hiểu biết và chính mạng sống. Ngài trao ban tất cả những gì mình có và tất cả những gì mình là cho các bạn hữu của Ngài; Ngài chia sẻ trọn vẹn hữu thể của Ngài cho các bạn hữu. Đức Giê-su là Thầy và là Chúa đã tự hạ mình để trở thành bạn hữu của chúng ta, chính là để chúng ta cũng ước ao từ trong tim làm cho mình trở thành bạn hữu của nhau, trở thành chị em của nhau, trở thành người thân “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” của nhau, thay vì làm cho mình trở thành “đối thủ” hay “thù địch” của nhau.

3. Hoa trái yêu thương (16-17)

Khi Đức Giê-su dùng hình ảnh “cây nho” để nói về tương quan giữa Thiên Chúa Cha, ngôi vị của Người và các môn đệ, Người đặc biệt nhấn mạnh đến hoa trái; thật vậy, lời của Đức Giê-su trong phần này nói về hoa trái và hướng về hoa trái từ đầu đến cuối (c. 2. 4. 5 và 8). Chính vì thế, trong phần cuối của bài Tin Mừng, Người dùng lại hình ảnh “hoa trái”:

Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại.

Để sinh nhiều hoa trái, chúng ta được mời gọi ở lại trong Đức Giê-su, như cành nho gắn liền với thân nho. Đức Giê-su ở lại trong chúng ta, và chúng ta được mời gọi ở lại trong Ngài. Và như chúng ta đều biết, “ở lại trong nhau” là ngôn ngữ của tình yêu. Với bí tích Thánh Thể, được hoàn tất trong mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh, mà chúng ta cử hành mỗi ngày và là trung tâm của đời sống đức tin và đời sống dâng hiến của chúng ta, Đức Giê-su sẽ mãi mãi ở lại với chúng ta, để cho chúng ta có thể mãi mãi ở lại trong Ngài. Nhưng Đức Giê-su còn ở lại với chúng ta ngang qua Lời của Người nữa, bởi vì Người là Ngôi-Lời, nghĩa là Lời và Ngôi Vị của Người là một.

* * *

Vậy, để sinh nhiều hoa trái, chúng ta phải trở nên môn đệ của Đức Giê-su; để trở nên môn đệ, chúng ta phải ở lại trong Ngài; và để ở lại trong Ngài, chúng ta phải đón nhận Lời của Ngài như là nhựa sống, như là lương thực nuôi sống chúng ta. Và hoa trái mà Người trồng nho và “Cây Nho”, nghĩa là chính Đức Giê-su, mong đợi, chính là tình yêu: Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận