Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.

Đăng lúc: Thứ bảy - 04/06/2016 02:41 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.

Lễ nhớ.

“Kìa cha con và mẹ đây đã đau khổ tìm con”.

 

Lời Chúa: Lc 2, 41-51

Hàng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha con và mẹ đây đã đau khổ tìm con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?”. Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nagiarét, và Người vâng phục hai ông bà.

 

 

 

SUY NIỆM 1: Mẫu mực trong đời sống đức tin

Một người đàn bà Nigiêria bị tòa án Hồi Giáo kết án tử hình bằng cách ném đá về tội ngoại hôn đã được hoãn hành quyết hai năm để bà có thể cai sữa cho đứa con.

Hôm thứ Hai ngày 17/6/2002, tòa phá án thành phố Pontuar ở miền tây bắc Nigiêria vẫn duy trì cuộc hành quyết này sau khi xét đơn kháng cáo của bà Amila Nawanrami. Người phụ nữ này bị kết án tử hình hồi tháng 3/2002, sau khi bị tố cáo có thai với một người đàn ông không chính thức là chồng của chị. Kurami là người đàn bà thứ hai bị kết án tử hình vì có con ngoại hôn tại Nigiêria. Án tử hình của chị sẽ được thi hành vào năm 2004 sau khi đứa con của chị dứt sữa mẹ. Bản án thật bất công, nó ngược lại với mọi chuẩn mực văn minh của loài người. Tuy nhiên, vẫn còn thấy ở đây một giá trị mà cho dù có độc ác tới đâu loài người vẫn còn trân quý, đó là tình mẫu tử. Người mẹ Nawanrami sẽ chết đi nhưng ít ra đứa con của chị vẫn còn có được những giọt sữa mẹ nuôi dưỡng cho đến khi thôi bú.

Cho con bú mớm, đó là hình ảnh đẹp nhất mà người ta có thể nhìn thấy nơi bất cứ người mẹ nào. Hôm nay Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, có lẽ chúng ta cũng được mời gọi để suy niệm về tình mẫu tử của Mẹ. Mẹ đã sinh dưỡng Chúa Giêsu, Mẹ đã từng cho Ngài bú mớm. Một hôm, vào giữa lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy, có một người trong đám đông đã lên tiếng ca ngợi Mẹ: “Phúc cho kẻ đã cho Ngài bú mớm”. Quả thật, cũng như bất cứ bà mẹ nào, Mẹ đã cho Chúa Giêsu bú mớm, Mẹ đã nhìn Ngài lớn lên từng ngày, Mẹ theo dõi và hân hoan với từng bước chân chập chững của Ngài, Mẹ vui với sự khôn lớn của Ngài, Mẹ buồn lo vì sự bất chấp xảy ra cho Ngài.

Câu chuyện Chúa Giêsu lạc mất trong đền thờ được thánh sử Luca ghi lại trong Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy được trái tim hiền mẫu của Mẹ: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con?” Lời trách móc này bộc lộ tất cả trái tim con người của Mẹ. Mẹ đối xử với Chúa Giêsu với tất cả tình cảm của một con người và chính vì là một con người cho nên Mẹ trở thành mẫu mực cho chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin. Nơi Mẹ, chúng ta nhận ra được một người tín hữu tiến bước trong mò mẫm, trong chiến đấu, trong tin yêu và vâng phục. Nhưng Mẹ không chỉ là mẫu mực cho chúng ta trong đời sống đức tin. Mẹ là Mẹ của chúng ta. Mẹ đã yêu thương Chúa Giêsu với tất cả trái tim nhân loại của Mẹ. Ngày nay, Mẹ cũng tiếp tục dõi theo mỗi người chúng ta với trái tim hiền mẫu ấy. Mẹ đã trải qua thử thách, Mẹ hiểu được thế nào là khổ đau. Hơn ai hết, Mẹ đồng cảm với bao nỗi lo lắng và khổ đau của chúng ta. Mẹ hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Mẹ đã từng dõi theo từng bước trong tiến trình trưởng thành của Chúa Giêsu Con Mẹ. Mẹ suy niệm từng biến cố của cuộc sống.

Ngày nay cũng thế, không có giây phút nào trong cuộc sống của mỗi người chúng ta mà không được Mẹ ôm ấp trong lòng. Với niềm tin tưởng ấy, chúng ta phó thác cuộc sống cho Mẹ.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Lễ Trái Tim Đức Mẹ

Có thứ nghệ thuật cho rằng đặt trái tim bốc lửa ra ngoài ngực của Đức Giêsu và Đức Maria là một gương mù! thế mà chiêm ngưỡng lối cách mạng này là trình bày cho chúng ta thấy hai Đấng thương yêu chúng ta đậm đà nồng ấm biết chừng nào! và chúng ta thấy hai Đấng đáng mến vô cùng. Người ta cho đó là thứ đạo đức thời trang! lấy lý do đạo đức trong sáng, người ta chê thiếu sự liêm chính tri thức và tinh thần tối thiểu trong đức tin! Nhưng người ta không thấy chướng tai gai mắt của lối thương mại in đúc những trái tim to bự bằng nhiều kiểu để trao tặng cho nhau trong ngày lễ Va-lăng-tin!

Như thế người ta nghĩ sao?

Thói chỉ trích đó do thứ thông minh đáng nghi ngờ! cho rằng lối nghệ thuật cơ bắp đó chỉ lôi cuốn sự sùng kính cảm tình. Tuy nhiên, nghệ thuật tạo hình để bày tỏ sự thực của Thiên Chúa, nó nói lên tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Đừng cười chê quá lố! chúng ta thích biểu lộ tình yêu của chúng ta thế nào? bằng phá bỏ tưởng tượng này chăng? Phải, nếu muốn làm cho lòng yêu mến biến mất và không còn gì để kính tôn nữa. Cần phải đến những nhà thờ để chiêm ngưỡng! tôi đã đến và thấy rằng: “Những tượng ảnh xưa đầy gợi cảm đang sống động tốt”. Chúng có giá trị kích thích lòng đạo đức, chúng không thể là thứ danh từ tân thời như ngày nay.

Đức Maria yêu thương chúng ta

Trái tim cực sạch Đức Maria thế nào? Ngài yêu thương chúng ta. Trái tim cực sạch của Ngài đồng nghĩa với tình yêu chân thật, giống như tình yêu Con Ngài đối với chúng ta. Dù cho chúng ta tan tành cũ rách, và chẳng đáng để ý chút gì.

Thi hào Claudel

“Lạy Mẹ Đức Giêsu Kitô, con không đến cầu xin, con đến chỉ để nhìn ngắm Mẹ thôi. Nhìn ngắm Mẹ không chỉ để một lát, mà suốt mọi lúc...

Vì Mẹ là bà Mẹ sáng ngời vinh quang nguyên tuyền...chỉ vì mẹ là Maria... Mẹ Đức Giêsu Kitô,

Xin đoái thương chúng con”.

 

SUY NIỆM 3: Suy niệm trong lòng

Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. (Lc 2,51)

Suy niệm: Nhiều lần Chúa Giêsu đã gián tiếp ca ngợi Mẹ: “Mẹ tôi và anh em tôi là những ai nghe Lời tôi và đem ra thực hành” (Mc 3,35; Lc 8,21) và “Phúc thay ai lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa” (Lc 11,28). Các Phúc Âm đã thuật lại những biến cố trong cuộc đời của Người Con, nhất là những biến cố trong thời thơ ấu, đã đi vào cuộc đời của Mẹ và cho biết Mẹ “hằng ghi nhớ những kỷ niệm đó và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19.51). Hẳn đối với Mẹ, Lời Chúa không chỉ được nghe tại các hội đường mà còn vang lên nơi các biến cố đời thường và nhất là nhập thể nơi Người Con duy nhất mà Mẹ được diễm phúc sinh ra. Mẹ đã thường xuyên “đọc” Lời Chúa và suy niệm trong lòng như thế nên những phản ứng của Mẹ luôn biểu lộ thái độ của một người có lòng tin sâu xa, thấm nhuần Lời Chúa.

Mời Bạn: Mẹ Maria là người đã trải qua nhiều “đêm tối đức tin” hơn ai hết, nhưng nhờ Mẹ năng lắng nghe và suy niệm Lời Chúa nên Mẹ có sức mạnh nội tâm vượt qua tất cả. Làm sao Mẹ có thể tin nổi lời sứ thần Gabriel, làm sao Mẹ có thể can đảm đi theo Chúa trọn con đường Thập giá nếu Mẹ không nhận ra và tin vào Lời Chúa? Giờ đây Mẹ vẫn chuyển cầu và dẫn chúng ta đến với Chúa mỗi khi chúng ta gặp khó khăn thử thách: “Người bảo gì thì hãy làm theo” (Ga 2,3). Nhưng liệu tôi có nghe và làm theo không?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày chọn một câu Lời Chúa để suy đi gẫm lại như Mẹ.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, Chúa Giêsu đã vâng phục Mẹ vì Mẹ đã thấm nhuần Lời Chúa. Xin giúp con biết để Lời Chúa hướng dẫn bước đường con đi trong suốt cuộc lữ hành trần thế này.

(Trích trong ‘nguoitinhuu.com’)
 

Suy niệm:
 
Nếu ai hỏi Mẹ Maria điều gì quý nhất trong đời Mẹ,
 
hẳn Mẹ sẽ trả lời đó là Giêsu, con của Mẹ.
 
Người con này Mẹ đã cưu mang, dưỡng dục, và bảo vệ giữ gìn.
 
Người con này đã đem lại cho Mẹ biết bao niềm vui và hãnh diện.
 
Nhưng Mẹ cũng chịu nhiều đau khổ vì người con ấy.
 
Bài Tin Mừng hôm nay vén mở một chút nỗi đau của Mẹ,
 
cho thấy một chút trái tim của Mẹ khi sống bên Giêsu.
 
Cậu Giêsu, mười hai tuổi, cùng với cha mẹ lên Đền thờ mừng lễ Vượt qua.
 
Kể cũng lạ khi cậu ở lại Giêrusalem mà không báo cho cha mẹ biết.
 
Hai ông bà đi một ngày đường mới nhận ra mình mất con,
 
vội vã đi tìm trong đám bà con thân thuộc,
 
nhưng không thấy, nên trở lại Giêrusalem mà tìm.
 
Phải qua ba ngày đầy lo âu và nước mắt mới tìm thấy con trong Đền thờ.
 
Kinh nghiệm mất- tìm kiếm-tìm thấy này thật đau đớn đối với người mẹ.
 
Mẹ Maria sợ mất con, mất điều rất quý đã được Thiên Chúa trao cho mình.
 
Nhưng khi thấy con mình ngồi giữa các vị thầy, rất bình an trò chuyện với họ,
 
thì Mẹ lại sửng sốt, ngỡ ngàng, thay vì vui sướng.
 
Như vậy là con không bị lạc, nhưng đã cố ý ở lại Đền thờ mà không báo.
 
Mẹ không nén được một lời trách móc: “Tại sao con làm thế với cha mẹ?
 
Cha con và mẹ đã khắc khoải tìm con” (c. 48).
 
Chuyện không ngờ là cậu Giêsu đã đáp lại câu hỏi của Mẹ bằng hai câu hỏi,
 
đầy vẻ sửng sốt và cũng là một lời trách: “Tại sao cha mẹ lại tìm con?
 
Cha mẹ không biết là con phải ở nhà của Cha con sao ?” (c.49).
 
Cũng có thể hiểu là: cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con sao?
 
Đức Giêsu, khi lên mười hai tuổi, đã bắt đầu có ý thức mình thuộc về Cha.
 
Người Cha trên trời này khác với người cha mà Ngài đang chung sống.
 
Ngài phải ở với và lo việc cho người Cha này, lẽ ra cha mẹ phải biết chuyện đó.
 
Dĩ nhiên hai ông bà chưng hửng, không hiểu được câu nói của cậu Giêsu (c.50).
 
Riêng Mẹ Maria có thói quen nghiền ngẫm về các biến cố khó hiểu.
 
Mẹ giữ kỹ trong trái tim mình những chuyện xảy ra (Lc 2, 19. 51b).
 
Chúng ta tưởng Mẹ Maria luôn luôn hiểu Con mình, hiểu ngay, hiểu trọn vẹn.
 
Chúng ta tưởng ai sống thánh thiện thì lúc nào cũng vui, chẳng bao giờ lo sợ.
 
Nhìn Mẹ Maria, chúng ta hiểu theo Chúa là bước vào một cuộc hành trình.
 
Có những lúc như đang chơi ú tim với Chúa, mất rồi lại tìm, tìm thấy rồi lại mất.
 
Chúng ta chẳng bao giờ nắm được Chúa, giữ chặt Chúa trong tay.
 
Chúa vẫn là Đấng không thể thấu hiểu được, và vẫn làm chúng ta sững sờ.
 
Mẹ Maria đã chứng kiến Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt (Lc 2, 40),
 
từ khi sinh ra đến khi mười hai tuổi,
 
và từ mười hai tuổi đến lúc trưởng thành (Lc 2, 52).
 
Ngài càng lúc càng ý thức mình thuộc về Cha và ý thức về sứ mạng.
 
Con của Mẹ là một mầu nhiệm khôn dò mà Mẹ phải tìm hiểu mỗi ngày.
 
Mẹ để cho Con tự do sống theo Ý Cha, dù điều đó đem lại nhiều đau khổ.
 
Chuyện mất Con hôm nay chuẩn bị cho việc Con sẽ chia tay Mẹ đi sứ vụ,
 
và chuẩn bị cho cuộc chia tay kinh hoàng trên thập giá.
 
Chúng ta cầu cho các bà mẹ đang đau khổ vì con.
 
Mong sự vâng phục của con cái làm tươi trái tim người mẹ.
 
Cầu nguyện:
 
Lạy Mẹ Maria,
 
khi đọc Phúc Âm,
 
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
 
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
 
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
 
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
 
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
 
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
 
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
 
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
 
từ con người hay từ Thiên Chúa.
 
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
 
trong mọi bước đường của cuộc sống.
 
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
 
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
 
Xin Mẹ dạy chúng con
 
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
 
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
 
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
 
Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
 
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
 
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.
 

 

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

 

Trái Tim Tình Yêu Của Đức Mẹ

 
“Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,48)
Suy niệm: Nơi trái tim của Đức Maria, Đấng được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, chan chứa một tình yêu trong trắng và mãnh liệt. Tình yêu ấy làm cho Mẹ phản ứng trước sự việc xảy ra ngoài ý muốn một cách dịu hiền đối với con mình: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!” Mẹ không la mắng, không cáu gắt khi gặp lại con sau ba ngày lo âu bồn chồn và vất vả tìm con.
Cách diễn tả tình yêu dịu hiền của Mẹ đối với nhân loại phát xuất từ tấm lòng từ bi, nhân ái vô biên của Mẹ. Mẹ Maria nghiêng mình trên nhân loại với tấm lòng từ bi, nhân hậu, thông cảm và chia sẻ những đau khổ của họ. Tình yêu này có sức thức tỉnh, chỉ dạy và nâng đỡ những ai đang trên đường về quê trời.
Mời Bạn: Tình yêu có khả năng cảm hóa lòng người. Lòng chúng ta sẽ trở nên tốt hơn nếu thường xuyên ở bên Mẹ Maria. Giáo Hội luôn cổ võ việc sùng kính Đức Maria. Nếu chúng ta khát khao và nhiệt tâm thực hành những việc sùng kính Đức Maria là chúng ta đang ở gần trái tim yêu thương của Mẹ Maria và lòng chúng ta cũng sẽ được biến đổi và phản ánh lại lòng yêu thương diệu hiền của Đức Maria.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Mẹ Maria đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cho chúng con biết năng chạy đến trái tim cực sạch Đức Mẹ, để qua Mẹ, chng con đón nhận dồi dào ơn Chúa, nhờ đó chúng con sống xứng đáng là người con của Chúa và con của Đức Mẹ. 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận