Thứ sáu tuần 21 thường niên.

Đăng lúc: Thứ sáu - 31/08/2018 01:21 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

 Thứ sáu tuần 21 thường niên.

"Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người".

 

Lời Chúa: Mt 25, 1-13

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: "Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong số đó, có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo. Còn những cô khôn ngoan đã mang đèn, lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả.

"Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa, chàng rể đến, hãy ra đón người. Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: "Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả". Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: "E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra (nhà) hàng mà mua thì hơn". Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những trinh nữ đã sẵn sàng, thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. Sau cùng các trinh nữ kia cũng đến và nói: "Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi". Nhưng người đáp lại: "Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi". Vậy hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào".

 

 

SUY NIỆM 1: Tích cực sống đức tin

Ðời người là một cuộc đợi chờ và đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu trong đó. Ðợi chờ chính là một cuộc thử nghiệm tình yêu, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi người nào hoặc điều gì mà mình hết lòng yêu thương hoặc quí chuộng. Với ý nghĩa đó, đợi chờ phải là một cuộc chuẩn bị thực sự.

Dụ ngôn mười trinh nữ chờ đợi chàng rể đến lúc bắt đầu tiệc cưới mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, làm nổi bật thái độ tỉnh thức đợi chờ, nghĩa là các trinh nữ hướng về chàng rể với tâm hồn yêu thương, với đèn dầu để cháy sáng.

Chúa Giêsu được mô tả qua dung mạo chàng rể và tiệc cưới là Nước Thiên Chúa. Chàng rể đến chậm và vào lúc bất ngờ, tức là việc Chúa Kitô đến trong vinh quang vào lúc cuối cùng lịch sử là điều bất ngờ, không ai có thể đoán trước được. Các trinh nữ được bước vào tiệc cưới với đèn cháy sáng. Ðèn cháy sáng là dấu chỉ của một đức tin sống động. Các trinh nữ khôn ngoan đã lãnh lấy và chu toàn trách nhiệm của mình để giữ đèn của mình được luôn cháy sáng, cho đến khi chàng rể là Chúa Kitô đến, dù chàng rể có đến chậm.

Những chi tiết của dụ ngôn cho hiểu thêm trách nhiệm của cá nhân trong việc giữ cho đèn đức tin được luôn cháy sáng. Mỗi Kitô hữu phải tích cực sống đức tin, chứ không thể vay mượn hay nhờ người khác làm thay được; mỗi Kitô hữu cần đến sự khôn ngoan của Thiên Chúa để vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời, để luôn sống trong hy vọng, sống theo ánh sáng sự sống, chứ không bị mê hoặc bởi những cám dỗ của thời đại đã bị trần tục hóa và đầy tinh thần hưởng thụ.

Xin Chúa mở rộng đôi mắt chúng ta để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong lịch sử. Xin ban sức mạnh để chúng ta chu toàn bổn phận cho phù hợp với thánh ý Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Ánh lửa huy hoàng

Thầy Rabbi dạy các học trò của mình phải luôn nhớ rằng mỗi một điều xảy ra đều có thể dạy cho chúng ta đôi điều gì đó. Một học trò hỏi lại:

- Thưa thầy, một chuyến xe lửa đi qua thì có thể dạy chúng ta điều gì?

Thầy bảo:

- Nó dạy ta rằng chỉ trong một phút giây, chúng ta có thể sẽ đánh mất tất cả.

Kinh nghiệm của thầy Rabbi có thể giúp chúng ta hiểu Lời Chúa hôm nay hơn. Có thể nói chỉ vì một chút thiếu cảnh giác vì ngủ quên hay vì không mang dầu mà các cô dại khờ đã không gặp được chàng rể. Hệ quả là các cô đã bị loại trừ vĩnh viễn. Ngày nay, mỗi chúng ta là những trinh nữ đương thời, đang trông chờ chàng rể là Chúa Giêsu đến lần thứ hai trong cuộc giáng lâm vinh hiển của Người. Trong khi chờ đợi ngày Chúa quang lâm vào giờ phút cuối cùng của lịch sử, mỗi người đồ đệ được Chúa viếng thăm hàng ngày trong Lời Chúa, trong các bí tích và trong những biến cố, sự kiện, xảy ra trong cuộc sống thường nhật. Thử hỏi, chúng ta có đủ tỉnh thức, sẵn sàng để nhận ra những lần Chúa viếng thăm này không?

Kinh nghiệm của thầy Rabbi là mỗi một điều xảy ra đều có thể dạy chúng ta đôi điều gì đó và chúng ta có thể sẽ đánh mất tất cả. Chỉ trong một phút giây cũng dạy cho chúng ta bài học khôn ngoan để luôn tỉnh thức và sẵn sàng như các trinh nữ khôn ngoan trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe.

Mỗi giây phút trong cuộc đời ta đều có tính quyết định cho cả cuộc đời.

Hãy sẵn sàng có nghĩa là mỗi giây phút sống và là giây phút chúng ta sống tốt đẹp nhất, hạnh phúc nhất, bình an nhất, trọn vẹn nhất, tưởng chừng như đó là phút giây cuối cùng của ta trên cuộc đời lữ hành trần thế, là giây phút chàng rể đến, giây phút chúng ta chờ đợi đã đến, giây phút chúng ta được gặp Ðấng là nguồn ánh sáng. Chúng ta sẽ hưởng hạnh phúc viên mãn khi chúng ta đem ánh lửa của mình hòa nhập vào nguồn ánh sáng để nó được bừng lên trong ánh sáng huy hoàng.

Vì thế, chúng ta hãy tích cực cộng tác với ơn Chúa, hãy giữ lấy ngọn lửa đã được thắp lên trong lòng chúng ta trong ngày chúng ta lãnh bí tích thánh tẩy, để cho lòng chúng ta lúc nào cũng bừng cháy lên ngọn lửa hy vọng được gặp Chúa Kitô, chàng rể. Khi chúng ta chắc rằng chúng ta luôn đầy tràn dầu của tình yêu và nhiệt thành, chính ngọn lửa ấy sẽ soi rọi mọi nẻo đường chúng ta đi. Dầu của tình yêu và nhiệt thành sẽ làm cho ngọn lửa hy vọng được tỏ rạng giúp chúng ta nhận ra ý định của Thiên Chúa nơi thế giới quanh ta và ngay cả những gì thuộc về mình. Trong một tầm nhìn rộng hơn, chúng ta sẽ đọc được những dấu chỉ của thời đại, chúng ta có thể thức tỉnh khi lòng chúng ta luôn sẵn sàng để lắng nghe tiếng Chúa nói với chúng ta qua những dấu chỉ đó và chúng ta sẵn sàng đáp trả ở mức độ trọn vẹn nhất.

Ước gì chúng ta đừng để cho mỗi một giây phút nào qua đi mà không giúp chúng ta nghe rõ tiếng của chàng rể, là Ðấng mà ta hằng mong đợi và là niềm hạnh phúc viên tròn của cuộc đời ta. Chúng ta hãy gặp Người trong từng phút giây của cuộc đời ta, rồi giây phút trọng đại diện đối diện ấy cũng sẽ đến, đó là lúc chúng ta đã sẵn sàng được theo chàng rể vào dự tiệc cưới.

Lạy Chúa,

Xin cho chúng con luôn nhận ra tiếng Chúa trong cuộc sống. Xin ban cho chúng con ân sủng, sức mạnh và lòng nhiệt thành để mỗi giây phút sống là mỗi giây phút chúng con kết hiệp thân tình với Chúa và sống trọn vẹn cho anh chị em.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Nhìn xa trông rõ

Đức Giêsu nói: “Bấy giờ Nước Trời cũng giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn của mình ra đón chú rể. Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn các cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo.” (Mt. 25, 1-4)

Kết thúc bài giảng trên núi, Chúa đã so sánh hai hạng người một khờ dại, một khôn ngoan. Kẻ khờ dại đã xây nhà trên cát, kẻ khôn ngoan xây nhà trên đá. Trong dụ ngôn này, chúng ta thấy sự đối nghịch giữa khờ dại. Những kẻ khôn ngoan thì nghe lời Tin Mừng và đem ra thực hành. Những kẻ khờ dại nghe Tin Mừng mà không sống theo.

Dàn cảnh.

Những cô trinh nữ theo cô dâu ra đón chàng rể và các cô đưa dâu về tới nhà chàng rể để dự tiệc cưới.

Điều đáng chú ý trong câu chuyện dụ ngôn kể hoàn toàn hợp lý, không tìm thấy một chi tiết nhỏ nào bị thay đổi. Nhưng bản văn tin mừng nhấn mạnh hơn đến ánh sáng đức tin. Mỗi Kitô hữu đều biết rõ ai là chàng rể, những ai là cô khờ dại hay cô khôn ngoan, đám cưới có ý nghĩa gì và cổng đóng lại tượng trưng cho sự khủng khiếp nào.

Hình ảnh và sự thực.

Trong những dụ ngôn này của Đức Giêsu luôn luôn nhắc đi nhắc lại điều này: dầu đầy bình, áo cưới khi dự tiệc cưới, xây nhà trên đá đều làm nổi bật một đời sống độc nhất đó là đời sống đức tin sẽ được Đấng phán xét đón nhận.

Chúa còn muốn dạy chúng ta một bài học khác nữa: đó là chúng ta tự do làm điều ta muốn, và không phải Chúa từ chối, chính chúng ta không sẵn sàng tiếp nhận Ngài hoặc tiếp nhận Ngài, nhưng đòi Ngài phải theo điều kiện mình, phải theo tính nông cạn của chúng ta. Có khi ta sẵn sàng đi theo một bước nào đó, trong đường lối của Chúa, nhưng chúng ta lại không chấp nhận đi đến cùng đường với Ngài! như vậy, chúng ta đều là kẻ khờ dại. Bao giờ chúng ta là những kẻ khôn ngoan.

JM

 

SUY NIỆM 4: 

Ngọc Biển ssp

 

SUY NIỆM 5: Vừa mang đèn, vừa mang dầu

Suy niệm :

Chẳng ai nghĩ đi ăn sinh nhật là để chết.

Chẳng ai nghĩ mình sẽ chết vào ngày sinh nhật của mình.

Vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký tại Bình Dương hồi cuối tháng 5/2011 vừa qua

nhắc cho ta về sự bất ngờ của cái chết.

Cái chết đến khi mọi người đang vui vẻ chúc mừng nhau

trong bữa tiệc mừng sinh nhật của cháu bé 3 tuổi.

16 người chết vì bị kẹt lại trong chiếc tàu du lịch bị mưa to gió lớn đánh chìm.

Vụ cháy ở nhà hàng Hoàng Hôn đường Ðiện Biên Phủ (tháng 10/1996),

nhắc cho ta về sự bất ngờ của cái chết.

Cái chết đến khi mọi người đang say ngủ,

lúc 3 giờ sáng ngày 17-10, sau bữa tiệc sinh nhật.

Chín người chết vì không thể ra khỏi căn nhà bốc cháy.

Ðoạn Tin Mừng hôm nay nhắc ta rằng Chúa đến bất ngờ,

như chú rể đến lúc nửa đêm.

Chúng ta phải sẵn sàng như năm cô phù dâu khôn ngoan,

hân hoan ra đón chú rể, tay cầm đèn thắp sáng.

Thật ra năm cô dại chẳng phải là hạng vô tích sự.

Chắc họ đã lo trang điểm cho mình.

Khi biết mình hết dầu, họ đã lo vay mượn.

Và khi bị từ chối, họ đã đi mua dầu giữa đêm khuya.

Lúc có đèn sáng, họ đã gõ cửa xin vào dự tiệc cưới.

Nhưng muộn quá!

“Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô!”

Chẳng nên đổ lỗi cho chú rể đến chậm,

khiến đèn của mình hết dầu.

Chẳng nên trách móc các cô khôn ngoan,

vì họ cần có đủ dầu để thắp sáng cho tiệc cưới giữa đêm khuya.

Chỉ nên nhận mình đã chểnh mảng,

không mang dầu dự trữ.

Có đèn. Không đủ!

Ðèn cần phẳi sáng, sáng lúc Chúa đến bất ngờ.

Như thế cũng có nghĩa là phải luôn luôn sáng.

Mang danh là Kitô hữu. Không đủ!

Tham gia vào một số sinh hoạt tôn giáo. Không đủ!

Cần phải sống hết mình những đòi hỏi của Chúa.

Ðòi hỏi lớn nhất là yêu thương.

Trong Hội Thánh, vẫn có những cô khôn và cô dại,

có những người đèn đã hết dầu từ lâu...

Cần chăm chút cho ngọn đèn đời mình.

Cần nuôi dưỡng nó bằng thứ dầu của tình yêu bao dung,

của niềm hy vọng vững vàng, của niềm tin sắt đá.

Cần châm thêm dầu mỗi ngày...

Hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.

Tỉnh thức không phải là không ngủ...

Cả mười cô trinh nữ phù dâu đều đã thiếp ngủ.

Tỉnh thức không phải là suốt ngày đọc Lời Chúa,

nhưng là để Lời Chúa chi phối mình suốt ngày.

Chẳng ai biết lúc nào tận thế.

Chẳng ai biết giờ chết của mình.

Chẳng ai biết hôm nay Chúa hẹn mình ở đâu,

trong biến cố nào, nơi con người nào.

Chính vì thế phải tỉnh thức luôn, cả trong giấc ngủ.

Người ta biết mình bắt đầu tỉnh thức,

khi nhận ra mình đã mê muội.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

nếu ngày mai Chúa quang lâm,

chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.

Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,

còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.

Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,

Chúa đâu muốn mất một người nào...

Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa

xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,

vui tươi và hạnh phúc,

để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn

cho mọi người và cho cả vũ trụ.

Xin nuôi dưỡng nơi chúng con

niềm tin vững vàng

và niềm hy vọng nồng cháy,

để tất cả những gì chúng con làm

đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM:

1. Dụ ngôn về Nước Trời

Đức Giêsu nói: “Nước Trời sẽ giống như mười cô trinh nữ mang đèn ra đi gặp gỡ chàng rể”.Đó là dụ ngôn về mười cô trinh nữ. Để giúp chúng ta hiểu, nhận ra và sống mầu nhiệm Nước Trời, Đức Giê-su dùng nhiều dụ ngôn: người gieo giống, cỏ lùng, hạt cải, men trong bột, kho báu, ngọc quí… và trong Thánh Lễ ngày mai theo Mùa Thường Niên, chúng ta sẽ còn nghe Đức Giêsu kể dụ ngôn “các yến bạc” (Mt 25, 14-30) để mặc khải cho chúng ta mầu nhiệm Nước Trời.

Nước Trời là một mầu nhiệm, vì thế, cần được trình bày bằng nhiều dụ ngôn, và mỗi dụ ngôn diễn tả một đường nét của Nước Trời. Vì thế, chúng ta tránh hiểu Nước Trời chỉ bằng một dụ ngôn. Dĩ nhiên chúng ta có thể thích đặc biệt một số dụ ngôn. Điều này có nghĩa là, có những dụ ngôn khó thích, và dụ ngôn về mười cô trinh nữ có lẽ là một trong những dụ ngôn khó thích nhất.

Tuy nhiên, chúng ta nên biết rằng, dùng các dụ ngôn là cách thức giảng dạy đặc trưng nhất của Đức Giêsu: “Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn” (Mc 4, 34). Những dụ ngôn mà Đức Giêsu kể luôn là một câu chuyện đến từ kinh nghiệm cuộc sống, chẳng hạn dụ ngôn muời cô mang đèn đi đón chàng rể, nhưng lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, kín ẩn về Nước Trời.

Ngoài ra, dụ ngôn còn có một đặc điểm tuyệt vời nữa là có nhiều nghĩa, giống như một bức tranh; và vì thế, dụ ngôn rất tôn trọng ngôi vị và tự do của người nghe. Người nghe có thể tự do chú ý đến bất cứ chi tiết nào, hay tự do đặt mình vào bất cứ nhân vật nào trong dụ ngôn, và tự mìmh khám phá ra ý nghĩa tùy theo kinh nghiệm sống, vấn đề và tâm trạng hiện có của mình. Chính vì thế, Đức Giêsu thích dùng dụ ngôn và hay kết thúc bằng lời mời gọi: “Ai có tai để nghe, thì hãy nghe!” Bởi vì, Ngài tôn trọng ngôi vị và tự do của mỗi người, dù người đó là ai.

2. Dụ ngôn “Mười Cô Trinh Nữ”

Dụ ngôn mà Đức Giêsu kể trong bài Tin Mừng, nói về phong tục lễ cưới của vùng Palestin. Ban ngày, người ta nhảy múa và vui chơi ở nhà cô dâu; tối đến người ta cố ý loan báo chàng rể đến, nhưng người ta cứ loan báo đi loan báo lại mà chẳng thấy chàng rể đâu. Cuối cùng, mãi tới tận nửa đêm, chàng rể mới đến rước cô dâu. Chàng rể được tháp tùng bởi những người bạn; họ cầm đèn đuốc soi đường cho chàng rể. Chàng rể và đoàn tùy tùng được những người của đàng gái ra đón từ xa. Sau đó, cả đoàn rước tiến về nhà cha của chàng rể, ở đó người ta tiến hành nghi thức hôn nhân; và sau đó, là các cuộc vui chơi.

Các cô trinh nữ có nhiệm vụ đặc biệt: với đuốc trong tay (chứ không phải đèn), các cô ra đón chàng rể và sau đó, nhảy múa trong suốt hành trình rước dâu. Một lần châm dầu (ôliu), đuốc của các cô chỉ cháy khoảng 15 phút. Vì thế, các cô phải đem theo mình một lượng dầu khá lớn.

Trong dụ ngôn, mọi sự diễn ra bình thường. Mười cô đều như nhau: đều là trinh nữ, đều cầm đèn đi góp vui, đều canh thức, đều ngủ, vì ngủ là chuyện bình thường, đều thức dậy đúng lúc. Chỉ có một điều khác là có năm cô không đem theo dầu. Xét cho cùng cũng không phải là lỗi quá lớn, và nhất là thiếu sót này có thể giải quyết được: “ra hàng mà mua”. Và đúng như vậy, năm cô kia có mua được dầu và trở lại đoàn rước.

3. “Tôi không biết các cô là ai cả!”

Nhưng điều lạ lùng, là người ta lại đóng cửa lại, các cô gõ cửa xin vào: “Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!”; nhưng bị từ chối: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!” Đây chính là chi tiết lạ lùng và khó chấp nhận của dụ ngôn; bởi lẽ, trong thực tế khó có thể hoặc không thể diễn ra như vậy. Chính vì thế, chúng ta được mời gọi hiểu kết cục này ở bình diện Nước Trời, nhất là người mà các cô trinh nữ kêu xin và người này từ chối các cô, không còn là chàng rể của đám cưới nữa, nhưng là Đức Chúa.

Vậy đâu là thiếu sót có tầm quan trọng quyết định của năm cô trinh nữ? Người ta thường chú ý đến hình ảnh “chiếc đèn cháy sáng”, và hiểu đó là đức tin, lòng mến, sự trung tín, lòng ước ao Chúa…. Đó là những nhân đức thật đẹp và cần có. Nhưng có lẽ đó không phải là điểm chính của dụ ngôn; bởi lẽ, rốt cuộc năm cô trinh nữ cũng có “đèn cháy sáng” trong tay. Vấn đề của các cô là “không đúng lúc”!

Chính vì thế, Đức Giê-su kết luận: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào giờ nào”. Một trong những khía cạnh của Nước Trời là như thế, sẽ có một thời điểm quyết định, và chúng ta không được bỏ lỡ. Chính vì thế, qua dụ ngôn này, Đức Giê-su mời gọi chúng ta phải “khôn ngoan”, và khôn ngoan là một cách sống lúc nào cũng sẵn sàng đón Chúa đến.

Giống như trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm qua, trong khi chờ đợi và canh thức, Đức Giê-su mời gọi chúng ta sống như người tôi tớ trung tín và khôn ngoan: người tôi tớ khôn ngoan là người hiểu ra rằng Chúa có thể đến bất cứ lúc nào; và vì thế, người này lúc nào cũng trung tín với Chúa, ngang qua việc khiêm tốn và kiên nhẫn “đúng giờ và đúng lúc”, thi hành sứ mạng được giao.

Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc? Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy. (Mt 24, 45-47)

Và như thế, Chúa có thể đến bất cứ lúc nào và ban phúc cho người tôi tớ. Và lời Chúa cũng mời gọi chúng ta đừng trở thành người tôi tớ bất trung và ngu dại: đó là người tôi tớ nghĩ trong lòng một cách sai lầm rằng: còn lâu chủ ta mới về! Và vì thế, anh ta tự biến mình thành chủ nhân, chiều theo lòng ham muốn, sống một cuộc sống bạo lực, lệch lạc và bê tha.

Vậy, chúng ta được mời gọi canh thức, để chờ đợi ngày Chúa đến. Thật ra, Chúa đã đến rồi và lúc nào cũng đợi chúng ta ở cửa. Chúng ta chỉ cần mở cửa để đón Chúa vào và ở lại với chúng ta hôm nay và luôn mãi:

Này đây Ta đứng trước cửa và gõ.
Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy,
sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta
(Kh 3, 20)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

Friday (September 1):  The foolish will miss heaven’s wedding feast

 

Scripture:  Matthew 25:1-13  

1 “Then the kingdom of heaven shall be compared to ten maidens who took their lamps and went to meet the bridegroom. 2 Five of them were foolish, and five were wise. 3 For when the foolish took their lamps, they took no oil with them; 4 but the wise took flasks of oil with their lamps. 5 As the bridegroom was delayed, they all slumbered and slept. 6 But at midnight there was a cry, `Behold, the bridegroom! Come out to meet him.’ 7 Then all those maidens rose and trimmed their lamps. 8 And the foolish said to the wise, `Give us some of your oil, for our lamps are going out.’ 9 But the wise replied, `Perhaps there will not be enough for us and for you; go rather to the dealers and buy for yourselves.’ 10 And while they went to buy, the bridegroom came, and those who were ready went in with him to the marriage feast; and the door was shut. 11 Afterward the other maidens came also, saying, `Lord, lord, open to us.’ 12 But he replied, `Truly, I say to you, I do not know you.’ 13 Watch therefore, for you know neither the day nor the hour.”

Thứ Sáu  1-9           Người khờ dại sẽ mất dịp tham dự bữa tiệc cưới thiên đàng

 

Mt 25,1-13

1 “Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể.2 Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn.3 Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo.4 Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo.5 Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả.6 Nửa đêm, có tiếng la lên: “Chú rể kia rồi, ra đón đi! “7 Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn.8 Các cô dại nói với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi! “9Các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.”10 Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại.11 Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: “Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với! “12 Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả! “13 Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.

Meditation: Are you missing out on what’s most important in life? Being unprepared can lead to unnecessary trouble and even disaster! What good is a life-jacket left on the shore when the boat is sinking? Jesus’ story of ten single ladies waiting for a wedding procession in the middle of the night seems strange to most westerners today. But Jesus’ audience knew all too well how easily this could happen to them.

 

Don’t miss the most important engagement of all

Wedding customs in ancient Palestine required extra vigilance and preparation for everyone involved. (Some near eastern villages still follow this custom.) The bride and groom did not go away for their honeymoon, but celebrated for a whole week with their family and friends. It was the custom for the groom, in company with his friends, to come at his discretion and get his bride and bring her to their new home. They would take the longest route possible so that many villagers along the way could join in the wedding procession. Once they arrived and closed the doors, no one else could be admitted. If the groom decided to come and bring his bride at night, then lights were required by necessity to guide the travelers through the dark and narrow streets. No one was allowed on the village streets at night without a lamp! 

To show up for a wedding party without proper attire and travel arrangements is like trying to get into a special event today that requires a prearranged permit or reservation. You just don’t get in without the proper pass. Can you imagine the frustration travelers might experience when going abroad and finding out that they can’t get into some country because they don’t have the right visa or a valid passport.

The consequences of being unprepared to meet the Lord

Jesus warns us that there are consequences for being unprepared. There are certain things you cannot obtain at the last moment. For example, students cannot prepare for their exams when the day of testing is already upon them. A person cannot get the right kind of character, strength, and skill required for a task at hand unless they already possess it, such as a captain with courage and nautical skills who must steer a ship through a dangerous storm at sea. 

When the Lord Jesus comes to lead you to his heavenly banquet will you be ready to hear his voice and follow? Our eternal welfare depends on our hearing, and many have trained themselves to not hear. We will not be prepared to meet the Lord, face to face, when he calls us on the day of judgment, unless we listen to him today. The Lord invites us to feast at his heavenly banquet table. Are you ready?

 

“Lord Jesus, make me vigilant and attentive to your voice that I may heed your call at all times. May I find joy in your presence and delight in doing your will.”

Suy niệm: Bạn có đánh mất cơ hội về những gì quan trọng nhất trong đời không? Thiếu chuẩn bị thậm chí có thể dẫn đến phiền toái và tai họa vô cớ nữa! Khi chiếc tàu đang chìm có gì tốt hơn là cái phao trên biển? Câu chuyện của Đức Giêsu về 10 cô trinh nữ đang chờ đi dự tiệc cưới vào lúc nữa đêm xem ra rất lạ lùng đối với những người Tây phương ngày nay. Thế nhưng thính giả của Đức Giêsu biết tất cả điều đó quá rõ ràng điều này có thể xảy ra dễ dàng đối với họ.

 

Đừng để mất lời cam kết quan trọng nhất

Phong tục đám cưới thời xưa ở Palestine đòi hỏi những người tham dự có sự thận trọng và chuẩn bị cao độ. (Một số làng gần phía Đông ngày nay vẫn còn giữ tập tục này). Cô dâu chú rễ không đi đâu để hưởng tuần trăng mật của họ, nhưng cử hành tiệc cưới suốt tuần lễ với gia đình và bạn bè. Theo phong tục, chú rễ cùng với bạn bè tập trung lại và đến rước cô dâu về nhà mới. Trên con đường dài có lẽ nhiều người trong làng ở dọc bên đường cũng tham gia cuộc rước. Một khi họ đến và đóng cửa lại thì không ai khác có thể được phép vào. Nếu chàng rể quyết định đến rước cô dâu lúc giữa đêm, thì đèn là yếu tố quan trọng để dẫn mọi người đi qua những con đường tối tăm và nhỏ hẹp. Không ai được phép đi ngoài đường phố ban đêm mà không cầm đèn!

 

 

Có mặt ở tiệc cưới mà không có quần áo thích hợp và sắp xếp phương tiện đi lại thì giống như đi dự một biến cố đặc biệt ngày nay đòi hỏi giấy được mời và chỗ đã đặt trước. Bạn không thể tham dự mà không có giấy mời hợp lệ. Bạn thử hình dung những hành khách thất vọng thế nào khi lên máy bay và khám phá ra rằng mình sẽ không thể vào được nước nào hết vì hộ chiếu của họ không hợp lệ.

 

Các hệ quả của sự thiếu chuẩn bị đón tiếp Chúa

Đức Giêsu cảnh báo chúng ta rằng có những hệ quả cho việc thiếu chuẩn bị. Có những điều nào đó bạn không thể có được ở giây phút cuối cùng. Chẳng hạn các học sinh không thể chuẩn bị cho kỳ thi của mình khi đã tới ngày thi. Một người không thể có được bản tính tốt, sức mạnh, và kỹ năng cho một công việc sắp tới trừ khi họ đã có sẵn rồi. Giống như một thuyền trưởng có lòng dũng cảm và những năng khiếu hàng hải, người phải lèo lái con tàu qua sóng bão trên biển cả.

Khi Đức Giêsu đến đưa bạn đi dự tiệc nước trời, bạn có sẵn sàng nghe tiếng Ngài và bước theo Ngài không? Phần thưởng đời đời của chúng ta tuỳ thuộc vào sự lắng nghe của chúng ta, thế nhưng nhiều người vẫn ngoan cố không muốn nghe. Chúng ta sẽ không sẵn sàng trình diện Chúa, mặt đối mặt, khi Người gọi chúng ta trong ngày phán xét, trừ khi chúng ta đang lắng nghe tiếng Người hôm nay. Chúa mời gọi chúng ta đến dự bàn tiệc nước Trời. Bạn có sẵn sàng chưa?

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con thận trọng và chăm chú lắng nghe tiếng Chúa để con có thể chú tâm vào lời mời gọi của Chúa trong mọi lúc. Ước gì con tìm được niềm vui trong sự hiện diện và vui thích trong việc thực thi ý Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận