Thứ năm tuần 21 thường niên.

Đăng lúc: Thứ năm - 30/08/2018 02:18 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ năm tuần 21 thường niên.

"Các con hãy sẵn sàng".

 

Lời Chúa: Mt 24, 42-51

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến. Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến.

"Vậy các con nghĩ ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cứ giờ mà phân phát lương thực cho họ? Phúc cho đầy tớ ấy, khi chủ nó đến thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người ấy lên coi sóc tất cả gia sản ông. Nhưng nếu đầy tớ ấy xấu, nghĩ trong lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", rồi nó đánh đập các bạn đầy tớ, lại còn chè chén với lũ say sưa: chủ đầy tớ ấy trở về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, ông sẽ xé xác nó ra, và cho nó chung số phận với những kẻ giả hình: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Tỉnh thức chờ Chúa

Các nhà chú giải thường đề nghị đọc và suy niệm những dụ ngôn của Chúa Giêsu về việc Chúa trở lại trong vinh quang trên hai bình diện: Kitô học và Giáo Hội học. Trên bình diện Kitô học nhấn mạnh đến việc Chúa trở lại vào cuối lịch sử như một quan tòa xét xử mọi người. Trên bình diện Giáo Hội học nhắc đến thời giờ của Giáo Hội trong thời gian, từ khi Chúa lên trời cho đến lúc Ngài trở lại; trong thời gian này, mỗi Kitô hữu phải tích cực chờ đợi và chu toàn bổn phận của mình một cách tốt đẹp.

Hai dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay cho thấy ý nghĩa bổ túc cho nhau: dụ ngôn thứ nhất nói về kẻ trộm đến bất ngờ trong đêm, do đó người chủ phải sẵn sàng luôn; sự sẵn sàng này được giải thích trong dụ ngôn thứ hai về người đầy tớ trung tín và khôn ngoan thi hành mệnh lệnh của chủ, cứ đúng giờ mà cấp phát lương thực cho người nhà.

Thật không dễ dàng mà có thái độ sẵn sàng theo đúng ý Chúa muốn. Vào thời các Tông đồ, có những tín hữu quá sốt sắng chờ đợi Chúa trở lại đến độ lơ là việc bổn phận của mình. Ðó là thái độ của tín hữu cộng đoàn Thessalonica mà thánh Phaolô đã phải khuyến cáo: "Thưa anh em, về ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm và tập hợp chúng ta về với Ngài, thì tôi xin anh em điều này: nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. Ðừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào".

Sống chờ đợi Chúa lại đến không phải bằng thái độ thụ động, nhưng bằng thái độ tích cực. Thánh Phaolô mô tả thái độ đó như sau: "Anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, là con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ, hãy mặc áo giáp là đức tin và đức mến, hãy đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ".

Sống đức tin, đức cậy, đức mến, trong khi chờ đợi Chúa đến, không có nghĩa là chúng ta bỏ quên sự dấn thân của mình. Mỗi người chúng ta cần phải luôn tỉnh thức với thái độ tích cực, đồng thời nỗ lực góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

 

SUY NIỆM 2: Người quản lý trung tín

Bài Tin Mừng hôm nay gồm có hai phần: Phần thứ nhất là lệnh truyền của Chúa là hãy sống tỉnh thức; và phần thứ hai là câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu muốn nói về người quản lý trung tín, để chỉ cho chúng ta phải biết sống tỉnh thức như thế nào.

Sống tỉnh thức, chờ mong Chúa đến không có nghĩa là án binh bất động, không làm gì cả, chỉ ngồi yên mà chờ. Ðây là một thái độ tỉnh thức thụ động không được Chúa Giêsu khuyến khích qua dụ ngôn người quản lý trung tín. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một thái độ tỉnh thức tích cực, luôn sinh động, thực hiện công việc Chúa muốn chúng ta thực hiện với hết khả năng của mình. Chúng ta biết rằng tất cả những gì Chúa ban cho ta là bảo chứng cho sự tốt lành và tình thương của Ngài, đồng thời cũng là lời nhắc nhở chúng ta nhớ đến Chúa và gắn bó với Ngài. Ðó cũng là phương tiện để chúng ta tự hoàn thiện bản thân và đạt được cùng đích cuối cùng là Nước Trời. Hơn nữa, những gì Chúa ban cho chúng ta không chỉ nhằm sinh ích cho chúng ta, mà chúng ta còn phải chia sẻ cho anh chị em chung quanh. Những gì Chúa ban cho chúng ta đều do lòng quảng đại của Ngài. Ngài ban cho chúng ta một cách nhưng không, và đến lượt chúng ta, chúng ta có bổn phận phải sẵn lòng chia sẻ những điều tốt lành ấy cho anh chị em chung quanh một cách quảng đại.

Vai trò của chúng ta như Chúa muốn thì chúng ta là những người quản lý trung tín và tốt lành, là những người quản lý ân sủng thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa trong thời gian chúng ta chờ đợi Chúa tỏ bày vinh quang của Ngài cho chúng ta. Khi chúng ta chia sẻ cho anh chị em, chúng ta phải luôn ý thức rằng chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm trong vai trò của một người quản lý và phân phát, rồi hãy để cho Chúa được tỏ lộ. Tất cả những gì chúng ta làm phải được định hướng và làm cho danh Chúa được rạng rỡ vinh quang.

Xác định mọi sự là của Chúa, còn mình chỉ là người quản lý và phải làm người quản lý trung tín và khôn ngoan thì sẽ bảo quản những gì Chúa trao cũng như coi sóc gia nhân và cấp phát lương thực cho họ đúng giờ, đúng lúc. Hơn nữa, khi ý thức mình là người quản lý thì cũng sẽ cho đi một cách khiêm nhường và vị tha như Chúa đòi hỏi, chúng ta sẽ không thể có thái độ kẻ cả hay coi thường người khác.

Khi tiếp xúc với những người mà họ chưa biết Chúa, chưa biết Tin Mừng Chúa, chưa nhận ra ân sủng và tình thương của Chúa, chúng ta không được hành xử như người quản lý xấu xa trong dụ ngôn trên là đánh đập các đồng bạn và chè chén với những bọn say sưa. Mỗi chúng ta hãy luyện cho mình có được thái độ sống, sống cho tròn bổn phận Chúa đã trao cho chúng ta như một người quản lý tốt lành và khôn ngoan, luôn thức tỉnh, sẵn sàng bảo quản ân huệ Chúa ban để không hao hụt mà còn biết sinh lợi và chia sẻ với anh chị em. Thái độ đó sẽ giúp chúng ta sống trọn vẹn hơn, dám đi ra khỏi chính mình, luôn hăng say và nhiệt thành đến với anh chị em ở mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh, để gặp gỡ, chia sẻ tình thương, ân sủng và tất cả những gì Chúa ban cho chúng ta. Nhờ đó chúng ta và mọi anh chị em sẽ được lãnh phần thưởng muôn đời mà Chúa đã hứa cho những ai trung thành.

Lạy Chúa,

Mọi sự con có là của Chúa, xin ban cho chúng con luôn sống đúng vai trò người quản lý trung tín của Chúa, để qua chúng con, mọi người sẽ nhận ra lòng quảng đại và yêu thương cũng như sự tốt lành của Ngài.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Khi nào chủ về?

Đức Giêsu nói: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Mt. 24, 43-44)

Người ta đặt tên cho những dụ ngôn này là tỉnh thức: hôm nay bàn về người quản lý, mai là mười cô trinh nữ, thứ bảy đến những nén bạc. Người ta nói toàn bộ chương này là tối tăm nhất của sách Tin Mừng, nhưng may thay chương này không phải là chương quan trọng nhất.

Phải, khi nào?

Trước hết câu dụ ngôn nói: “Anh không biết bao giờ chủ về”. Vì thế, cần phải thỉnh thức, phải canh gác luôn luôn. Đức Giêsu nói thêm: “Con Người sẽ đến vào giờ người ta không ngờ”. Vậy phải canh thức thật đặc biệt, nếu người ta không muốn bỏ lỡ giờ này. Sự canh gác này không chỉ có nghĩa đến ngày tận thế, còn hiểu là giờ chết mỗi người chúng ta. Không ai biết ngày giờ nào mình chết, không ai có thể tính toán, thấy trước lúc nào mình chết, chuẩn bị chết cũng là chuẩn bị ngày giáng lâm của Chúa.

Nếu ta không ngừng chuẩn bị đón Chúa đến, ta sống với thái độ Công giáo chân thành để đón rước Chúa.

Người đầy tớ trung tín

Những câu dụ ngôn này rõ ràng liên quan trước nhất đến những người có trách nhiệm với cộng đoàn Giáo Hội. Phải truyền lại cho tín hữu những của cải bởi trời mà họ có bổn phận phải phân phát. Sự trung tín này và để xứng đáng với sự tin cậy chứng tỏ họ sẵn sàng luôn luôn với chủ nước trời đang trông đợi họ. Sự tỉnh thức của họ chứng tỏ lòng trung tín hăng say phục vụ Ngài. Sự phục vụ này, quả thật không để cho họ có thể lo nghĩ đến thân phận mình; Hằng ngày, họ được hướng dẫn tới mức chỉ chuyên cần thi hành trách nhiệm họ đã nhận.

Ngược lại, thật kinh khủng cho kẻ phí phạm thời giờ, thật kinh khủng cho kẻ bỏ bê nhiệm vụ đã được trao phó, thật kinh khủng cho kẻ sống bê bối, buông thả và lạm dụng những người đồng nghiệp. Nó bị đồng hóa với những kẻ giả hình và sẽ bị trừng phạt dành sẵn cho nó. Một đời sống đào sâu cái hố giữa lời nói và việc làm, giữa dáng vẻ bên ngoài với thực thể con người đều bị xét xử.

JM

 

SUY NIỆM 4: 

Ngọc Biển ssp

 

SUY NIỆM 5: Hãy sẵn sàng

Suy niệm :

Châm ngôn của hướng đạo sinh là Sắp Sẵn, nghĩa là hãy sẵn sàng.

Không rõ ông tổ của phong trào hướng đạo

có được gợi hứng từ bài Tin Mừng hôm nay không.

Nhưng hãy sẵn sàng đúng là châm ngôn của mọi Kitô hữu,

từ những Kitô hữu sống ở thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ 21 và cho đến tận thế.

Hãy sẵn sàng vì từng Kitô hữu cũng như cả Kitô giáo

vẫn luôn ở trạng thái chờ Chúa Kitô trở lại.

Ngài đã đến làm người cách đây hai ngàn năm,

Ngài đã cứu độ nhân loại bằng cuộc sống và cái chết trên thập giá,

Ngài vẫn đang ở với Giáo Hội nhờ Thánh Thần,

nhưng Ngài sẽ trở lại trong vinh quang như Đấng phán xét cả thế giới.

Đó là điều chúng ta chờ mong, điều duy nhất Ngài chưa thực hiện.

Nếu chủ nhà biết canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông sẽ canh thức,

không để nó khoét vách nhà mình (c. 43).

Còn người Kitô hữu, vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa trở lại,

nên họ phải canh thức luôn luôn, phải sẵn sàng liên lỉ.

Canh thức không phải là không ngủ.

Canh thức là sống đời sống Kitô hữu của mình cách trung tín, quảng đại.

Canh thức không làm chúng ta bị căng thẳng thường xuyên,

vì thấy mình như bị đe dọa bởi một tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Chúa cũng không cố ý đến bất ngờ, để ta không kịp trở tay.

Đơn giản là chúng ta biết chắc chắn Ngài sẽ đến,

nên chúng ta luôn sẵn sàng.

Chuyện khi nào Ngài đến, không làm chúng ta lo âu và sợ hãi nữa,

vì cả cuộc sống của chúng ta đã là một chuẩn bị, một đợi chờ.

Canh thức cũng có nghĩa là làm tròn phận sự được Chúa trao.

Ông chủ đi vắng nên trao cho người đầy tớ quyền cấp phát lương thực.

Đó là quyền hành mà cũng là phận sự trên các gia nhân.

Nếu khi trở về, ông chủ thấy người đầy tớ ấy đang phục vụ nghiêm chỉnh,

thì phúc cho anh ấy, vì anh sẽ được coi sóc toàn bộ tài sản của ông (c. 47).

Nhưng nếu anh ấy nghĩ rằng ông chủ sẽ về muộn,

anh còn nhiều thời giờ để vui chơi hơn là chu toàn bổn phận.

Nếu anh ấy lạm dụng quyền lực trong tay để đánh đập các đầy tớ khác,

nếu anh ấy nhậu nhẹt với bọn say sưa, nên không còn tỉnh thức đủ,

thì ông chủ sẽ về bất ngờ, vào ngày và giờ sớm hơn anh nghĩ.

Lúc ấy khuôn mặt thật của anh sẽ lộ ra, khuôn mặt giả hình.

Và anh sẽ chịu chung số phận với những người đạo đức giả (c. 51).

Anh đầy tớ xấu xa nghĩ chủ sẽ về trễ, nào ngờ chủ về sớm.

Kitô giáo đã chờ Chúa quang lâm từ gần hai mươi thế kỷ.

Có người nản lòng, nên cho rằng chắc còn lâu lắm mới đến ngày đó.

Có người đồn thổi lung tung về ngày tận thế sắp đến tới nơi rồi.

Cả hai thái độ đều không đúng.

Điều quan trọng đối với người môn đệ là trung tín chu toàn công việc.

Tỉnh thức và sẵn sàng giúp ta luôn bình an, dù ngày mai tận thế.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

nếu ngày mai Chúa quang lâm,

chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.

Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,

còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.

Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,

Chúa đâu muốn mất một người nào...

Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa

xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,

vui tươi và hạnh phúc,

để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn

cho mọi người và cho cả vũ trụ.

Xin nuôi dưỡng nơi chúng con

niềm tin vững vàng

và niềm hy vọng nồng cháy,

để tất cả những gì chúng con làm

đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

SUY NIỆM:

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su nói cho chúng ta về ngày của Con Người :

Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến. (c. 42)

Lời của Đức Giêsu nói về “Ngày của Con người” có thể làm cho chúng ta khiếp sợ, bởi vì Người so sánh ngày này với Trận Đại Lụt thời ông Nôe: khi đó một cách bất ngờ, cả nhân loại bị hủy diệt, đúng hơn là sự sống trên mặt đất bị hủy diệt (x. Mt 24, 37-41). Khi Thiên Chúa sáng tạo, Ngài đã tách nước ra, ở trên và ở dưới để cho sự sống phát sinh. Tuy nhiên, nước phía trên và nước phía dưới cứ chực ập lại để phá hủy sự sống; cũng vậy, khi tạo dựng trời đất, Thiên Chúa đã tách đất ra khỏi nước phía dưới, nhưng biển cả cứ muốn trào lên nuốt trửng mặt đất. Khối nước hung dữ, chính là hình ảnh của sự dữ, nói về những gì con người đã và đang làm cho con người.

Ngày tận của mọi sự cùng chắc chắn sẽ đến và làm chúng ta sợ hãi, nhưng đó lại là con đường tất yếu của sự sống mới và sáng tạo mới, như hạt lúa mì, như chính thân xác của chúng ta: sáng tạo này phải tan rã, thân xác chúng ta phải qua đi, để nhường chỗ cho trời mới đất mới và cho sự sống mới. Đó còn là cuộc Vượt Qua, từ sự chết sang sự sống, của toàn thể nhân loại và vũ trụ, theo khuôn mẫu mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ.

Hiểu như thế, cả loài người và từng người chúng ta, cùng muôn loài muôn vật được mời gọi trông chờ trong bình an và hi vọng Ngày Cánh Chung và cầu nguyện xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mau ngự đến.

1. “Anh em hãy canh thức”

Vì thế, Đức Giê-su nhắc nhớ chúng ta: “Anh em hãy canh thức”, vì chúng ta không biết ngày nào Chúa của chúng ta sẽ đến. Ngày Chúa của chúng ta sẽ đến là ngày Quang Lâm, nghĩa là thời điểm tận cùng của thời gian và của lịch sử loài người; ngày này chắc chắn sẽ đến, vì chúng ta không sống trong vĩnh cửu, nhưng đang sống trong thời gian có thủy có chung; nhưng thời điểm tận cùng của thời gian chắc là còn lâu.

Nhưng nếu chúng ta hiểu ngày của Chúa chúng ta sẽ đến là thời điểm tận cùng, không phải của loài người, nhưng của chính mỗi người chúng ta, thì thời điểm này có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, dù chúng ta ở trong độ tuổi nào. Ai còn trẻ, thì người đó hi vọng sống được nhiều năm nữa; nhưng đâu có chắc chắn, chỉ hi vọng thôi. Hơn nữa, trong môi trường chúng ta đang sống, có quá nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe và cả tính mạng nữa.

Vì thế, lời Chúa nhắc nhớ chúng ta hãy canh thức, là đưa chúng ta trở về với sự thật của cuộc sống, đó là chúng ta phải luôn sẵn sàng, để trả lại cho Chúa sự sống của chúng ta. Đó là một sự thật hay bị quên lãng, vì chúng ta quá bận rộn, quá bận tâm và quá gắn bó với những gì trong cuộc đời này. Tuy nhiên, mọi sự không tồn tại mãi, nhưng sẽ qua đi, chúng ta cũng không tồn tại mãi, nhưng có một ngày chúng ta sẽ qua đi, và có thể qua đi bất cứ lúc nào!

2. Bóng tối và ánh sáng

Lời của Đức Giêsu mời gọi các môn đệ “hãy coi chừng, hãy ở trong tình trạng tỉnh thức”, trong bối cảnh của Tin Mừng, chính là để chuẩn bị các môn đệ bước vào cuộc Thương Khó (x. Mt 26). Và thương khó là giờ của bóng tối, của sự dữ; nhưng đồng thời cũng là giờ của ánh sáng, giờ của sự thiện.

Thời đại chúng ta đang sống cũng có nhiều dấu chỉ nói về giờ của bóng tối: núi lửa hoạt động, những đợt sóng thần, những cơn động đất, nước từ trời trút xuống, nước từ sông biển dâng lên, gió bão hung hãn… Những gì xẩy ra trong thiên nhiên hoàn toàn khớp với những gì con người đang làm cho con người: đó là khủng bố, đó là thống trị và chiếm đoạt bằng vũ khí giết người, đó là đấu tranh cho quyền lợi của mình bằng bạo động, đó là giết hại mầm sống và chính sự sống nhân linh từ trong giai đoạn hình thành kì diệu nhất, đó là làm thiệt hại và hãm hại người khác vì lòng ham muốn, đó là dò xét và lên án, đó là cấm cản giam hãm, đó là áp đặt bằng quyền bính bất chấp ngôi vị, đó là nghi ngờ, không tin tưởng và thiếu tôn trọng người khác. Xét cho cùng, như ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, những thái độ và cách hành xử như thế, cho dù là nhân danh sự sống, nhân danh lợi ích của tập thể, nhưng thực ra là phá hủy sự sống một cách nghiệm trọng nhất, bởi lẽ đó là cách hành xử của chính Sự Dữ.

Khởi đi từ hồng ân lớn lao Chúa đã đến, Lời Chúa mời gọi chúng ta hướng đến biến cố Chúa sẽ đến. Trong thời gian chờ đợi, tất yếu chúng ta sẽ phải đối diện với bóng tối, không chỉ là bóng tối của thiên nhiên, nhưng nhất là bóng tối của sự dữ ở trong chúng ta và ở giữa chúng ta. Và chúng ta được Đức Giê-su mời gọi: “Hãy canh chừng và tỉnh thức” để có thể nhận ra Chúa hiện diện và đang đến, để sống theo Sự Thiện và Ánh Sáng và tín thác vào sức mạnh của Sự Thiện và Ánh Sáng và chính Chúa.

Và để có thể nhận ra Chúa đến và hiện diện, chúng ta được mời gọi cầu nguyện liên lỉ như chính Chúa mời gọi các môn đệ trong cuộc Thương Khó: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện” (Mt 26, 41; Mc 14, 38); cầu nguyện với Lời Chúa và cầu nguyện với ngày sống hay một giai đoạn sống của chúng ta.

– Cầu nguyện trong những giờ dành riêng cho việc cầu nguyện.

– Và chúng ta cũng được mời gọi sống ngày sống của chúng ta như là một lời cầu nguyện.

Nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm gặp nhiều khó khăn trong đời sống cầu nguyện hằng ngày. Không có cách nào khác, là chính chúng ta phải tự tìm ra cho riêng mình những phương cách để vượt qua khó khăn và duy trì đời sống cầu nguyện.

Có hai tâm tình có thể giúp chúng ta vượt qua khó khăn trong việc cầu nguyện: Cầu nguyện là dâng lại cho Chúa một ít thời gian của chúng ta một cách nhưng không; và cầu nguyện là lời tạ ơn và ca tụng Chúa, về “những điều cao cả” Chúa làm cho chúng ta trong cuộc đời, trong hành trình ơn gọi và trong từng ngày sống; và điều cao cả nhất là tình yêu Thiên Chúa để thể hiện đến cùng cho chúng ta nơi Đức Giê-su Ki-tô.

3. Người đầy tớ trung tín và khôn ngoan

Và trong khi chờ đợi và canh thức, Đức Giê-su mời gọi chúng ta sống như người tôi tớ trung tín và khôn ngoan: người tôi tớ khôn ngoan là người hiểu ra rằng Chúa có thể đến bất cứ lúc nào; và vì thế, người này lúc nào cũng trung tín với Chúa, ngang qua việc khiêm tốn và kiên nhẫn “đúng giờ và đúng lúc”, thi hành sứ mạng được giao.

Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc? Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy. (c. 45-47)

Và như thế, Chúa có thể đến bất cứ lúc nào và ban phúc cho người tôi tớ. Và lời Chúa cũng mời gọi chúng ta đừng trở thành người tôi tớ bất trung và ngu dại: đó là người tôi tớ nghĩ trong lòng một cách sai lầm rằng: còn lâu chủ ta mới về! Và vì thế, anh ta tự biến mình thành chủ nhân, chiều theo lòng ham muốn, sống một cuộc sống bạo lực, lệch lạc và bê tha.

Vậy, chúng ta được mời gọi canh thức, để chờ đợi ngày Chúa đến. Nhưng thực ra Chúa vẫn đến với chúng ta mỗi ngày trong Thánh Lễ, qua những ân huệ và biến cố của từng ngày sống. Do đó, chúng ta có thể thực tập đón Chúa đến mỗi ngày, để cho lúc Chúa thực sự đến, chúng ta không còn bị bất chợt và sợ hãi; nhưng chúng ta đón mừng Chúa đến trong niềm vui của đợi chờ, giống như niềm vui được đón mừng Chúa đến lần thứ nhất, trong đêm Giáng Sinh.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

are you ready

Thursday (August 30):  Are you ready to meet the Lord?

 

Scripture:  Matthew 24:42-51

42 Watch therefore, for you do not know on what day your Lord is coming. 43 But know this, that if the householder had known in what part of the night the thief was coming, he would have watched and would not have let his house be broken into. 44 Therefore you also must be ready; for the Son of man is coming at an hour you do not expect. 45 “Who then is the faithful and wise servant, whom his master has set over his household, to give them their food at the proper time? 46 Blessed is that servant whom his master when he comes will find so doing. 47 Truly, I say to you, he will set him over all his possessions. 48 But if that wicked servant says to himself, `My master is delayed,’ 49 and begins to beat his fellow servants, and eats and drinks with the drunken, 50 the master of that servant will come on a day when he does not expect him and at an hour he does not know, 51 and will punish him, and put him with the hypocrites; there men will weep and gnash their teeth.

Thứ Năm   30-8          Bạn có sẵn sàng ra đón Chúa không?

 

Mt 24,42-51

42 “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.43Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu.44 Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.45 “Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc?46 Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy.47Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.48 Nhưng nếu tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng: “Còn lâu chủ ta mới về”,49 thế rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa,50 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không chờ, vào giờ hắn không biết,51 và ông sẽ loại hắn ra, bắt chung số phận với những tên giả hình: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

Meditation: Has your community or town ever participated in a grand homecoming party for a celebrated hero or champion who courageously and selflessly risked all to serve their people and nation – who risked great odds to protect people from harm and who achieved great victory over an enemy bent on destroying their land and freedom? The Lord Jesus promises us a great victory celebration when he returns again to put down his enemies and to establish his everlasting kingdom of peace, joy, and righteousness. That day when the Lord Jesus returns will be joy and peace for those who are prepared to meet him – but grief and sorrow for those who did not accept him as Lord and ruler of all. 

 

Jesus will return to establish his everlasting kingdom

Jesus’ first coming was a rescue mission – he was sent by the eternal Father in heaven to save us from the tyranny of sin, Satan, and death. Jesus’ sacrificial death on the cross and his triumphant victory over the grave won pardon for us and reconciliation with our heavenly Father, and the promise of everlasting life and joy in his kingdom. The Lord Jesus told his disciples on a number of occasions that he would return again at the end of this present age – not simply to rescue us again from our enemies – but as a victor King and Lord who will vindicate all who have believed in him – by releasing us from the curse of death and condemnation and restoring for us the plan he had from the beginning of creation – a new heavens and earth for a people perfectly united with God in peace, joy, and harmony forever. This is the background to Jesus story (parable) about the householder and the thief in the night (Matthew 24:42-51).  When the Lord Jesus returns, he doesn’t want to find us flirting with the enemy or worse joining forces with enemies who are opposed to God and his kingdom.

Don’t let Satan rob you of your heavenly treasure

What does Jesus’ parable of the thief in the night teach us about God’s kingdom? If you knew that a thief was prowling about and trying to strike your home and threaten your life, wouldn’t you seek to protect yourself from harm’s way? Jesus’ parable of the thief in the night brings home the necessity for watchfulness and being on guard to avert the danger of plunder and destruction, especially under the cover of darkness and secrecy! While no thief would announce his intention in advance, nor the time when he would strike, lack of vigilance would nonetheless invite disaster for those who are unprepared to keep their treasure and their lives secure at all times! The intruder strikes when he is least expected! 

Our adversary the devil seeks to rob us of the treasure which the Lord freely offers us. What is the treasure which the Lord Jesus wants us to guard lest we lose it? It is the treasure of a personal relationship with the Lord Jesus himself – who is our greatest gift and portion in this life. The Scriptures remind us that there is no greater treasure on earth or in heaven than the Lord himself  (Psalm 16:5,11, Job 22:25-26, and Philippians 3:8):

“Whom have I in heaven but you? And there is nothing upon earth that I desire besides you. My flesh and my heart may fail, but God is the strength of my heart and my portion for ever” (Psalm 73:25-26).

The Lord Jesus chooses to come and dwell in our hearts through the gift and working of his Holy Spirit. He knocks at the door of our heart and invites us to let him enter (Revelation 3:21).  Are you ready to meet the Lord – each and every day?
Be ready to give your account to the Lord Jesus
Jesus ends his teaching on watchfulness and vigilance with another parable about a master and his servants (Matthew 24:.45-49). The storyline is similar. There is an element of surprise – the master suddenly returns home unexpectedly, probably from a long journey. He rewards the dutiful servant for his faithfulness to his master. He has performed his service with diligence and has done all that the master required of him. The master punishes the other servant who behaved wickedly. This servant was not only irresponsible – he was frequently absent from work and spent his master’s money by throwing endless parties with his friends. The wicked servant also abused his fellow workers with physical force and violence – probably to make them do the work he was supposed to do for his master. The master not only throws him out of his house, he fires him from his job! He also throws him into the worst possible place – a prison of no return where there is nothing but torment and misery.

Should we be surprised to see the master acting with such swift judgment? After all he is only giving back what they have given to him. The master rewards the faithful servant with honor, promotion, and friendship, and he punishes the unfaithful servant – who stole from his master and used his position to abuse others – by removing him from his position of trust with the master and by throwing  him into prison for robbing the master and mistreating his fellow servants. The Lord has entrusted each of us with his gifts and grace – the grace to love God with faithfulness, trust, and obedience – and the grace to love our neighbor as our self. Do you love faithfulness?

Always be prepared for your homecoming

The Lord Jesus calls us to be vigilant in watching for his return and to be ready to meet him when he calls us to himself. The Lord gives us his Holy Spirit so that we may have the wisdom, help, and strength we need to turn away from sin to embrace God’s way of love, justice, and holiness. The Lord’s warning of judgment causes dismay for those who are unprepared, but it brings joyful hope to those who eagerly wait for his return in glory.  God’s judgment is good news for those who are ready to meet him. Their reward is God himself, the source of all truth, beauty, goodness, love and everlasting life.

 

“Lord Jesus, you have captured my heart and it is yours. Take my life and all that I possess that I may have you alone as my treasure and joy. Make me strong in faith, steadfast in hope, and generous in love that I may seek to please you in all things and bring you glory.”

Suy niệm: Có bao giờ cộng đồng hay thành phố của bạn tham gia vào một bữa tiệc chào mừng hoành tráng cho một vị anh hùng nổi tiếng hay một nhà vô địch đã can đảm và quảng đại liều mình để phục vụ cho dân tộc và quốc gia của họ – người đã đánh đổi danh lợi để bảo vệ dân tộc khỏi tai họa và người đã dành được chiến thắng vẻ vang với kẻ thù muốn phá hủy quê hương và tự do của họ không? Chúa Giêsu hứa với chúng ta ngày chiến thắng lớn lao khi Người trở lại để bắt các kẻ thù của Người quy phục và thiết lập vương quốc bình an, niềm vui, và công chính vĩnh cửu của Người. Ngày mà Chúa Giêsu trở lại sẽ là niềm vui và bình an cho những ai đã sẵn sàng đón tiếp Người – nhưng sẽ đau khổ cho những ai không đón tiếp Người là Chúa và Vua trên hết các vua.

 

Đức Giêsu sẽ trở lại để thiết lập vương quốc vĩnh cửu

Việc Đức Giêsu đến lần thứ nhất là sứ mạng cứu thoát – Người được Cha trên trời sai tới để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi, Satan, và sự chết. Cái chết hy sinh của Đức Giêsu trên thập giá và chiến thắng vinh quang của Người trên cái chết đem lại cho chúng ta sự hòa giải với Cha trên trời và lời hứa sự sống và niềm vui vĩnh cửu trong nước của Người. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ vào vài dịp rằng Người sẽ trở lại vào ngày tận thế – không chỉ đơn giản cứu chúng ta lần nữa khỏi mọi kẻ thù – mà còn là vị Vua và Chúa chiến thắng, Đấng sẽ bào chữa cho tất cả những ai tin tưởng nơi Người – bằng việc tháo cởi chúng ta khỏi lời nguyền rủa của sự chết và án phạt và phục hồi cho chúng ta kế hoạch Người đã có từ khởi đầu tạo dựng – một trời mới đất mới cho một dân tộc kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa trong bình an, niềm vui, và hòa thuận mãi mãi. Đây là nền tảng cho câu chuyện (dụ ngôn) của Đức Giêsu về người chủ nhà và tên trộm trong đêm tối (Mt 24,42-51). Khi Chúa Giêsu trở lại, Người không muốn thấy chúng ta đùa giởn với kẻ thù hay tệ hơn là tham gia với kẻ thù chống lại Thiên Chúa và vương quốc của Người.

Đừng để Satan cướp khỏi bạn kho báu Thiên đàng 

Dụ ngôn của Đức Giêsu về tên trộm trong đêm dạy chúng ta điều gì về nước Chúa? Nếu bạn biết tên trộm đang rình rập và sắp sửa tấn công nhà bạn và đe dọa tính mạng của bạn, chẳng lẽ bạn không tìm cách nào để bảo vệ lấy mình khỏi điều tai hại sao? Dụ ngôn của Đức Giêsu về tên trộm trong đêm cho chúng ta thấy sự cần thiết phải cảnh tỉnh và sẵn sàng để ngăn chặn mối nguy hiểm cướp bóc và phá hoại, đặc biệt khi bóng đêm và yên tĩnh bao trùm! Trong khi không một tên trộm nào dám gây sự chú ý, hay báo trước giờ đột nhập của mình, nhưng sự thiếu tỉnh thức đề phòng sẽ đem đến tai hoạ cho những ai không biết cảnh giác bảo vệ tài sản và tính mạng của họ trong mọi lúc! Kẻ đột nhập sẽ đến khi người ta không ngờ!

Ma quỷ, kẻ thù của chúng ta tìm cách cướp khỏi chúng ta kho báu mà Chúa ban tặng cho chúng ta nhưng không. Kho báu mà Chúa Giêsu muốn chúng ta canh giữ để đừng bị mất là gì? Đó là kho báu của mối quan hệ cá vị với chính Chúa Giêsu – Đấng là ơn huệ và phần số lớn nhất của chúng ta trong cuộc đời này. Kinh thánh nhắc nhở chúng ta rằng không có kho báu nào trên trời hay dưới đất có thể lớn lao hơn chính Chúa (Tv 16,5.11; G 22,25-26; Pl 3,8):

“Con còn ai chốn trời xanh? bên Ngài thế sự thật tình chẳng ham. Dẫu cho hồn xác suy tàn,
thì nơi ẩn náu, kỷ phần lòng con, muôn đời là Chúa cao tôn” (Tv 73,25-26).

Chúa Giêsu muốn đến và ở lại trong tâm hồn chúng ta ngang qua ơn sủng và sự hoạt động Thánh Thần của Người. Người gõ cửa tâm hồn chúng ta và mời gọi chúng ta để cho Người vào (Kh 3,21). Bạn có sẵn sàng gặp Chúa mỗi ngày và mọi ngày chưa?

Bạn hãy sẵn sàng để tính sổ trả lẽ với Chúa Giêsu

Đức Giêsu kết thúc bài giảng bằng sự tỉnh thức và đề phòng với dụ ngôn khác về người chủ và người đầy tớ (Mt 24,45-49). Nội dung câu chuyện cũng tương tự. Có một yếu tố đáng phải chú ý, người chủ bất ngờ trở về nhà mà không báo trước, có lẽ từ một chuyến đi xa. Ông chủ khen thưởng người đầy tớ biết vâng lời về sự trung tín đối với chủ. Vì anh đã hoàn thành tất cả mọi việc mà chủ trao phó một cách cần mẫn. Nhưng ông đã trách phạt người đầy tớ khác đã có hành động xấu xa. Tên đầy tớ này không chỉ thiếu trách nhiệm, hắn thường xuyên trốn việc và phung phí tiền bạc của chủ qua những tiệc tùng triền miên với bạn bè của hắn. Tên đầy tớ xấu xa cũng ngược đãi những người bạn đồng nghiệp của mình bằng vũ lực và tàn bạo, có lẽ ép họ làm việc thay cho hắn mà lý ra hắn phải làm cho chủ. Ông chủ không chỉ đuổi hắn ra khỏi nhà, ông còn cách chức đuổi việc không cho làm! Ông còn đưa hắn vào nhà tù, một nơi tồi tệ nhất, không có gì khác ngoài nỗi đau khổ và bất hạnh.

Chúng ta có ngạc nhiên nhìn thấy ông chủ đưa ra phán quyết nhanh chóng như vậy không? Cuối cùng, ông chỉ cho lại những gì người làm công nộp cho ông. Ông ban thưởng cho người đầy tớ trung thành qua sự kính trọng, tăng chức, mối quan hệ thân hữu, nhưng phạt người đầy tớ bất trung, người đã ăn cắp tiền bạc của ông và lạm dụng chức quyền để ngược đãi người khác, bằng cách tước quyền của hắn mà ông đã tin tưởng trao cho hắn, và tống hắn vào tù về tội ăn cắp và đánh đập đồng nghiệp của mình. Thiên Chúa trao ban cho mỗi người chúng ta ơn sủng và các tài năng, ơn yêu mến Chúa với sự trung thành, trông cậy, và vâng phục, và ơn yêu thương tha nhân như chính mình. Bạn có yêu mến sự trung tín không?

Luôn sẵn sàng cho ngày trở về của bạn

Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta cảnh giác trông chờ Người trở lại và sẵn sàng ra gặp Người khi Người gọi chúng ta đến trình diện. Thiên Chúa ban Thánh Thần của Người cho chúng ta, để chúng ta có thể đạt được sự khôn ngoan, sự trợ giúp, và sức mạnh chúng ta cần để quay lưng lại với tội lỗi, và ôm lấy con đường lối yêu thương, công bình, và thánh thiện của Thiên Chúa. Lời cảnh báo của Chúa về ngày phán xét gây ra sự hoang mang cho những ai chưa sẵn sàng, nhưng nó đem lại niềm hy vọng phấn khởi cho những ai nóng lòng chờ Người đến trong vinh quang. Sự phán xét của Chúa là Tin mừng cho những ai sẵn sàng đi gặp Người. Phần thưởng của họ chính là Chúa, nguồn gốc của mọi sự thật, đẹp đẽ, tốt lành, yêu thương, và sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chiếm đoạt lòng con và nó thuộc về Người. Xin Chúa giữ lấy nó để con chỉ có Chúa như kho báu và niềm vui của mình. Xin Chúa cho con lớn lên trong niềm tin, vững vàng trong hy vọng, và quảng đại trong tình yêu, để con có thể làm đẹp lòng Chúa trong tất cả mọi sự và mang lại cho Chúa vinh quang.”

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Từ khóa:

sẵn sàng

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận