Thứ hai tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH.

Đăng lúc: Thứ hai - 28/03/2016 01:54 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ hai tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH.

"Hãy đi nói với anh em đến Galilêa mà gặp Ta ở đó".

 

Lời Chúa: Mt 28, 8-15

Khi ấy, các bà vội ra khỏi mồ vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Chúa. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: "Chào các bà". Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: "Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta".

Đang khi các bà lên đường, thì mấy người lính canh vào thành báo tin cho các thượng tế biết tất cả những gì đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ lão, và sau khi đã bàn định, họ cho lính một số tiền lớn và bảo rằng: "Các anh hãy nói rằng: Ban đêm khi chúng tôi đang ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông. Nếu việc này đến tai tổng trấn, chúng tôi sẽ thương lượng với ông, không để các anh phải phiền hà đâu". Bọn lính canh nhận tiền và đã làm y như họ căn dặn chúng. Bởi thế, lời đó được phao truyền nơi người Do-thái cho đến ngày nay.

 

 

 

SUY NIỆM 1: Phép lạ Phục Sinh

Truyện các thánh ẩn tu trong sa mạc thời Giáo Hội tiên khởi có kể lại câu chuyện như sau:

Một người đàn ông nọ nghe đồn về rất nhiều phép lạ do các bậc chân tu thánh thiện thực hiện, nhưng ông không chấp nhận một lời đồn đại nào, ông chỉ tin những gì mắt thấy tai nghe. Thế là ông lên đường để diện kiến cho bằng được vị chân tu, ông gọi một đệ tử lại và hỏi:

- Thầy của anh đã làm được bao nhiêu phép lạ rồi?

Người đệ tử trả lời:

- Không thể đếm xuể được. Trong xứ của ông, người ta xem như là phép lạ mỗi khi Thiên Chúa làm theo ý muốn của con người. Còn ở đây thì trái lại, chúng tôi coi là phép lạ mỗi khi con người thực thi thánh ý Chúa.

Phép lạ mỗi khi con người thực thi thánh ý Chúa. Ðó có thể là ý tưởng được rút ra từ bài Tin Mừng hôm nay. Thánh Mátthêu là tác giả duy nhất đã so sánh thái độ của hai dạng chứng nhân về việc Chúa phục sinh: một bên là những phụ nữ đã từng theo Chúa Giêsu, và một bên là những lính canh mồ do các thượng tế và biệt phái sắp đặt. Cả hai bên đều nhận lãnh một sứ điệp: những phụ nữ được các thiên thần cổ võ đã lên đường loan báo sứ điệp Phục Sinh cho các tông đồ; những lính canh mồ thoạt tiên cũng nhận lãnh các sứ điệp như thế: họ đã chứng kiến một phép lạ, nhưng thay vì tuân phục với đức tin, họ đã bóp méo và chối bỏ sự thật. Một sự kiện nhưng hai phản ứng: với sự tuân phục của đức tin, các phụ nữ đã đón nhận phép lạ và trở thành sứ giả của Tin Mừng Phục Sinh; trong khi đó, với thái độ mù quáng và khước từ, những lính canh mồ đem biến sự kiện thành một bôi nhọ phỉ báng.

Hai ngàn năm qua và mãi mãi về sau, sứ điệp Phục Sinh vẫn tiếp tục được loan báo. Phép lạ Phục Sinh vẫn mãi mãi tiếp diễn. Các Tông Ðồ và những phụ nữ được Chúa hiện ra có lẽ diễm phúc hơn chúng ta. Thế nhưng, các ngài cũng không được trang bị hơn chúng ta khi đứng trước việc Chúa sống lại và hiện ra. Những lính canh mồ cũng chứng kiến các điều lạ lùng, nhưng với họ, những điều đó chưa phải là phép lạ.

Phép lạ thiết yếu không phải là một việc phi thường, nhưng trước tiên là một gặp gỡ trong đức tin. Chỉ trong đức tin, con người mới tin nhận phép lạ. Có phép lạ khi con người thực thi thánh ý Chúa. Thiên Chúa vẫn tiếp tục thể hiện tình yêu của Ngài. Thiên Chúa vẫn tiếp tục hiện diện và tác động trong lịch sử nhân loại. Nhưng chỉ khi nào con người tin nhận và sống theo thánh ý Thiên Chúa, con người mới nhận ra sự hiện diện và tình yêu của Ngài. Chúa Giêsu đã tuyên bố: "Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa". Có tâm hồn trong sạch chính là để cho Chúa ngự, chính là chiều theo tư tưởng và ý muốn của Ngài.

Nguyện xin ánh sáng Chúa Kitô Phục Sinh soi sáng và hướng dẫn tâm tư hành động của chúng ta, để trong mọi sự, chúng ta sống theo thánh ý Ngài, và như vậy, cảm nhận được phép lạ của tình yêu Ngài trong từng phút giây của cuộc sống.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Kiểm duyệt tin tức

Và Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”

Các bà đang đi, thì kìa mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. (Mt. 28, 9-11)

Ngày nay, những phương tiện thông tin đầy quyền lực và phong phú đa dạng làm cho chúng ta không bao giờ biết được chính xác những sự kiện, những biến cố: báo chí tố cáo nhau giữa phe đảng đã kiểm duyệt tin tức để có lợi cho phe nhóm mình. Những tố cáo và cải chính xen lẫn nhau trên mặt báo hàng ngày. Không ai có thể thấy đâu là sự thật.

Bản văn Tin mừng hôm nay đem ra ánh sáng cho thấy khó có một thông tin khách quan. Xét về sự kiện phục sinh thì có nhiều lối cắt nghĩa bất đồng ý kiến nhau. Có hai lý do đáng chúng ta lưu ý về những khó khăn này:

Trước hết, phía những chứng nhân, những người tiếp nhận tin tức, Đức Giêsu đã sống lại vì Người đã hiện ra với tôi. Thánh sử Tin mừng rất cẩn thận ghi lại nhiều chi tiết tỏ cho thấy sự hiện diện của một thân xác, không phải bóng ma: Ma-ri-a Ma-đa-lê-na đã ôm chân Người, chỗ khác cho thấy, Người sống lại ăn uống, đốt lửa nướng cá, cho sờ mó vào chân tay Người. Nhưng những chứng nhân này lại sợ hãi. Lúc ban đầu họ sợ hãi bị chế nhạo làm cho họ im lặng trước sự phục sinh của Đức Kitô. Vì thế sứ điệp giải phóng và phục sinh của Đức Kitô cũng đã bị bóp nghẹt trong chính con người chúng ta.

Những kẻ chứng kiến khác thì lại nói quanh co tự bảo vệ mình, bảo vệ quyền lợi mình, công việc mình hay bảo vệ cái tin bịa đặt của mình như các thượng tế và kỳ lão đút tiền cho lính canh mồ để họ loan tin các môn đệ ăn trộm xác Người. Thế lực chính trị thuê mướn thế lực tư pháp, quan tòa, luật sư để bảo vệ đảng của mình. Người ta âm mưu dựng nên những bằng chứng ma, hay mua chuộc những nhân chứng giữ im lặng.

Nhiều lần, chúng ta cũng vì sợ bị chế nhạo mà làm chứng quanh co hay để kẻ khác mua chuộc sự im lặng và lợi dụng đầu cơ những bằng chứng. Chúng ta phải giật mình hổ thẹn rằng Đức Giêsu đã bị tố cáo khiếm diện, Người bị loại trừ, bị tuyên bố là chết rồi.

Những nhân chứng mới của phục sinh không thoát khỏi sự an toàn giả tạo, nếu không quan tâm đặc biệt đến Tin mừng phục sinh, nếu không tuyên bố công khai những điều đã hiểu biết về đêm vượt qua.

 

SUY NIỆM 3: Hãy Về Báo Tin Cho Các Anh Em Ta

Cách đây hai thế kỷ, giả sử như có một lon bia hay có một lon thực phẩm tươi, chắc chắn người ta vẫn không dám yên tâm thưởng thức những món ăn uống tiện dụng này. Ngày nay, chúng ta yên tâm thưởng thức là nhờ công trình nghiên cứu của ông Louis Paster, nhà ký sinh trùng học người Pháp sống vào thế kỷ XIX. Ông đã nghiên cứu các vi sinh để rồi dùng chúng hoặc tiêu diệt chúng. Dùng vi sinh trong việc tiêm các thuốc chủng ngừa, chữa bệnh chó dại, hoặc tiêu diệt chúng trong các quá trình lên men trong đồ ăn, thức uống. Ðây là những đóng góp lớn lao cho toàn thể gia đình nhân loại.

Tuy nhiên, ông còn có các đóng góp khác ít được ai nhắc đến, đó là những đóng góp cho niềm tin. Trong lúc các bạn đồng nghiệp nhìn vào kính hiển vi chỉ thấy có một số tế bào liên kết với nhau, chẳng có gì hơn nữa, thì trái lại, khi nhìn vào chiếc kính hiển vi, Louis Paster lại reo lên: "Thật kỳ diệu! Còn một điều gì ẩn nấp ở đàng sau nữa: đó là Thượng Ðế".

Anh chị em thân mến!

Qua những khám phá nhà bác học thời danh Louis Paster đóng góp cho nhân loại, chúng ta có thể rút ra được nhiều điều, đặc biệt là cách nhìn các diễn biến và thái độ phải có trước các diễn biến ấy. Cùng một sự kiện, nhưng mỗi nhà bác học lại có một cái nhìn khác nhau. Cùng một tìm tòi khám phá, những mỗi người lại đạt được kết quả riêng biệt.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng đề cập đến hai thái độ khác nhau trước biến cố Chúa Kitô Phục Sinh. Một bên là các phụ nữ và một bên là nhóm lính canh. Ðối diện với họ đều là ngôi một trống. Với nhóm phụ nữ, ngôi một trống là dấu chỉ Tin Mừng Phục Sinh và là khởi điểm cho niềm hy vọng. Tuy lo âu, nhưng họ vội vã đi báo tin vui cho các môn đệ. Nhóm lính canh, họ cũng được nhìn thấy ngôi mộ trống và điều đó không lạ gì đối với họ. Vì thế, ngôi mộ trống không là khởi điểm và tin tưởng của niềm tin, mà còn khiến cho họ càng rời xa niềm tin, càng muốn khỏa lấp niềm tin. Lời đồn đãi ấy vẫn còn vang dội đối với người Do Thái cho đến ngày nay.

Với sự kiện Chúa sống lại, lời nói của nhóm lính canh là những chứng từ có thể đáng tin cậy, vì họ là những người canh giữ mồ đêm hôm ấy. Nếu không vì sợ hãi quyền lực của hội đường Do Thái hoặc không vì chút lợi lộc, tiền của thì chắc chắn họ sẽ là sứ giả loan Tin Mừng Phục Sinh.

Trước Tin Mừng Phục Sinh ai cũng vội vã: các bà thì loan tin cho các môn đệ, còn nhóm lính canh thì vội vã báo tin cho hội đường Do Thái. Ai cũng vội vã, nhưng tùy thái độ mỗi bên mà Tin Mừng Phục Sinh được công bố hay bị dập tắt. Người Kitô hữu cũng là những người được đối diện với Tin Mừng Phục Sinh. Họ được trao cho nhiệm vụ loan báo lại cho người khác biết tin vui này. Chắc chắn lời nói của họ là những chứng từ giá trị, vì họ đã được đón nhận sức sống Phục Sinh của Ðức Kitô.

Tuy nhiên, như nhóm lính canh, có thể vì sợ hãi trước những áp lực trần thế, hoặc vì sức quyến rũ của chức tước, lợi lộc... họ đành tâm phản bội Tin Mừng. Vì thế cho đến hôm nay, họ còn hiểu biết lệch lạc về Chúa Kitô, về Giáo Hội.

Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh, Ðấng đã chiến thắng quyền lực của tội lỗi, ban cho mỗi người chúng ta lòng tin yêu và can đảm. Tin yêu để chúng ta nhận biết được sự hiện diện của Ngài qua các biến cố cuộc sống, dù cho có vẻ trống vắng, u buồn như ngôi mồ trống của Ðức Kitô. Và khi nhận ra được Ngài, chúng ta sẽ can đảm loan truyền Ðức Kitô cho tất cả mọi người, bất chấp mọi gian lao thử thách.

Lạy Chúa, xin cho chúng con được bắt chước các tông đồ cũng như các phụ nữ nhiệt thành tìm kiếm Chúa trong yêu mến và hăm hở ra đi rao truyền tin vui Phục Sinh của Chúa Kitô. Amen.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)
 

Suy niệm: 

A. Phân tích (Hạt giống...)

Thánh Mátthêu thuật lại những chuyện xảy ra vào buổi sáng Phục Sinh:

1. (Các phụ nữ đến mồ, thấy mồ trống. Gặp Thiên Thần, Thiên Thần cho hay Chúa Giêsu đã sống lại và bảo các bà đi báo tin cho các môn đệ cùng bảo họ Chúa Giêsu chờ họ tại Galilê). Trong tâm trạng vừa sợ vừa vui mừng, các bà chạy đi báo tin cho các môn đệ.

Tâm trạng sợ hãi: không phải là sợ hãi, mà là nỗi sợ tôn giáo, tâm trạng của người ý thức Thiên Chúa đang có mặt và hoạt động. Vậy các bà “sợ” nghĩa là các bà ý thức Thiên Chúa đã làm cho Chúa Giêsu sống lại.

Vui mừng: vì Thầy mình đã sống lại.

2. Đang khi các bà chạy đi báo tin thì Chúa Giêsu hiện ra. Câu đầu tiên của Ngài là “đừng sợ”. Rồi Ngài lặp lại lời Thiên Thần: Hãy đi báo tin cho các môn đệ, bảo họ rằng Ngài chờ họ ở Galilê.

“Đừng sợ”: Trong Thánh Kinh, từ Cựu Ước tới Tân Ước, khi hiện ra với loài người, Thiên Chúa (hay Thiên Thần) đều nói “đừng sợ” (x. St 15,1 26,24 46,3; Tl 6,23; Lc 1,12.30 2,10; Mt 14,27…). Nếu như “sợ” là tâm trạng của con người khi biết mình đang ở trước mặt Thiên Chúa vì thấy mình bất xứng, thì lời nói “đừng sợ” có nghĩa là Thiên Chúa tự xóa khoảng cách giữa Ngài với loài người; hơn nữa, Thiên Chúa đem lại cho loài người sự bình an và vui mừng.

Khi nói về các môn đệ, Chúa Giêsu gọi họ là “anh em”: sự Phục Sinh của Chúa Giêsu đã nâng mối liên hệ giữa Ngài với các môn đệ lên một bậc: họ trở thành anh em của Ngài.

3. Phản ứng của giới thượng tế và kì lão: đút tiền cho bọn lính canh để mua chuộc họ xuyên tạc sự thật về Chúa Giêsu sống lại.

B. Suy gẫm (...Nẩy mầm)

1. “Đừng sợ”: từ nỗi “sợ hãi” trong lúc Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết, các bà đã chuyển sang “kính sợ” khi nhận thấy quyền năng Thiên Chúa. Lòng “kính sợ” đi kèm với nỗi “hớn hở vui mừng”. Khi ta thực sự tin vào quyền năng Chúa, ta sẽ không còn “sợ hãi” bất cứ điều gì nữa, thậm chí còn có thể “hớn hở vui mừng” trong bất cứ tình huống nào, kể cả cái chết.

2. Một cụ già còng lưng vì tuổi tác và vất vả đang gom củi trong rừng. Ông nghĩ về thân phận mình và cảm thấy chán chường. Ông ném bó củi xuống và than vãn: “cuộc sống cơ cực quá, không thể chịu nổi nữa! Ước gì thần chết rước tôi đi!”.

Vừa nói xong thần chết xuất hiện với bộ xương trong chiếc áo đen đứng trước mặt ông và nói: “Ta nghe ngươi gọi, Ta có thể giúp ngươi điều gì?”. Ông già kinh sợ nói: “Ngài có thể giúp tôi đặt bó củi này lên vai không?” (Góp nhặt).

3. Chúa Giêsu Phục Sinh đã gọi các môn đệ là “anh em” của Ngài: sự Phục Sinh của Chúa đã cứu chuộc tội lỗi của loài người, ban lại cho loài người quyền làm con Thiên Chúa như Chúa Giêsu. Tạ ơn Thiên Chúa và Chúa Giêsu.

4. Một giáo viên cấp II đang vào sổ hai cậu học sinh mới chuyển trường. Cô thấy tên họ của chúng giống nhau, dáng người và quần áo như nhau nên hỏi:

- Hai anh em sinh đôi phải không?.
- Không.

Rồi cô đọc thấy ngày tháng năm sinh của chúng chỉ cách nhau sáu tháng. Cô lại hỏi:

- Hai anh em họ phải không?.
- Không, chúng em là anh em ruột.
- Ồ, cô nghĩ có sự nhầm lẫn trong việc ghi ngày sinh của các em. Hai anh em về nói mẹ ghi lại ngày sinh của mình rồi đưa lại cho cô vào sáng mai nhé?
- Tại sao vậy?
- Bởi vì nếu hai anh em không sinh đôi mà lại là anh em ruột, thì Nam không thể lớn hơn Tâm có sáu tháng.

Hai cậu nhìn nhau. Rồi Nam quay lại, mỉm cười nói với cô giáo: “Nhưng em không phải là người lớn hơn; vì cô biết đó, một trong hai chúng em là con nuôi. Nhưng chúng em không biết ai là con nuôi.” (Góp nhặt).

5. “Phúc Âm hôm nay đề cập tới hai thái độ khác nhau trước biến cố Phục Sinh: Một là của các phụ nữ, một là của nhóm lính canh. Đối diện với ngôi mộ trống, các phụ nữ nhận ra dấu chỉ của Tin Mừng Chúa Phục Sinh và khởi điểm cho niềm hy vọng. Tuy lo âu nhưng họ cũng vui mừng vội vã đi báo tin cho các môn đệ. Còn đối vớinhóm lính canhngôi mộ trống đã không là khởi điểm của sự tìm kiếm và tin tưởng, mà còn khiến họ xa rời niềm tin, chỉ vì sợ hãi và vì chút lợi lộc…

Kitô hữu là người đối diện với Tin Mừng Chúa Phục Sinh và được trao cho nhiệm vụ đi loan báo cho người khác tin vui này… Tuy nhiên, như nhóm lính canh, có thể vì sợ hãi trước quyền lực trần thế, hay vì một chút lợi lộc, họ đành tâm phản bội và đi ngược lại với Phúc Âm, và do đó cho đến nay vẫn còn những hiểu biết lệch lạc về Chúa Kitô và về Giáo Hội” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).

6. Tình yêu đã chiến thắng; Sự thật đã lên ngôi.

Bạn và tôi hãy xóa đi hận thù, tranh chấp; hãy xa lánh mọi điều dối gian, để thế giới và nhân loại được Phục Sinh nơi Ngài.

Ước gì niềm vui của Đấng Phục Sinh tràn ngập trong con, để con đem sinh khí cho người tuyệt vọng, đem nụ cười cho kẻ khóc than, làm tươi trẻ những tâm hồn héo úa, dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui hạnh phúc đến cho mọi người, xây thiên đàng ngay trần thế hôm nay. (Ephata, Ban mục vụ giới trẻ TpHCM).

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

 

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, mỗi lần chúng con được rước Chúa là một lần chúng con được đón nhận chính sức sống Phục sinh của Chúa tuôn trào trong chúng con. Xin cho chúng con được tràn ngập niềm vui như xưa Chúa đã ban cho các người phụ nữ ra thăm mồ Chúa trong ngày Chúa sống lại.

Ngày đó, họ ra mồ với tâm trạng buồn phiền lo âu, và thất vọng, nhưng khi hay tin Chúa đã sống lại, nỗi lo âu đã trở thành niềm vui. Sự thất vọng, buồn phiền đã tiêu tan để nhường lối cho hy vọng và tươi vui. Ước gì niềm vui được đón rước Chúa Phục sinh ngự đến trong tâm hồn chúng con lúc này, cũng biến đổi chúng con thành những chứng nhân cho niềm hy vọng, để chúng con mang niềm vui đến cho những ai đang tuyệt vọng, đem nụ cười đến cho kẻ khóc than, làm tươi trẻ những tâm hồn héo úa, dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui hạnh phúc đến cho mọi người, và biết kiến tạo hạnh phúc thiên đàng ngay trần thế hôm nay qua những nghĩa cử hy sinh, bác ái, và vị tha.

Nguyện xin Chúa phục sinh chúc lành cho những ước nguyện của chúng con. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)


Từ khóa:

anh em, trở về

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận