Thứ Tư tuần thánh.

Đăng lúc: Thứ tư - 23/03/2016 01:25 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Tư tuần thánh.

"Con Người ra đi như đã được ghi chép sẵn từ trước, nhưng khốn thay cho kẻ sẽ làm cho Ngài bị phản nộp".

 

Lời Chúa: Mt 26, 14-25

Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế và thưa với họ: "Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?" Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người.

Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn Bánh không men, các môn đệ đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Thầy muốn chúng con sửa soạn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua ở đâu?" Chúa Giêsu đáp: "Các con hãy vào thành đến với một người kia, và nói rằng: Thầy bảo, giờ Ta đã gần, Ta sẽ mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ tại nhà ông". Các môn đệ làm như Chúa Giêsu đã truyền và sửa soạn Lễ Vượt Qua.

Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. Và khi các ông đang ăn, Người nói: "Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy". Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người: "Thưa Thầy, có phải con không?" Người trả lời: "Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy. Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!"

Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có phải con chăng?" Chúa đáp: "Ðúng như con nói".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Dung mạo kẻ phản bội

Trong hai ngày qua, thứ Hai và thứ Ba Tuần Thánh, và hôm nay nữa, thứ Tư Tuần Thánh, chúng ta được nghe nhắc đến dung mạo của một người đồ đệ phản bội Chúa là Giuđa Iscariốt. Sự phản bội này không phải là một điều bất ngờ, và lại càng không phải là điều bất ngờ đối với Chúa Giêsu, Ðấng đã biết trước mọi sự sẽ xảy ra cho Ngài như thế nào. Giuđa đã đi đến việc phản bội Chúa, có lẽ vì ông ta đã để cho sự quan tâm về lợi lộc vật chất dần dần chiếm hết chỗ trong tâm hồn và đã để cho sự hăng say theo Chúa lúc ban đầu bị phai lạt đi. Chúa Giêsu không còn là Thầy, là Chúa và là tất cả của cuộc đời ông nữa, nhưng là một món hàng mà Giuđa đem bán cho những kẻ muốn giết Ngài với giá tiền ba mươi đồng, mức giá trị của một người nô lệ đáng khinh.

Giuđa đã âm mưu nộp Chúa cho các thượng tế và đã thành công giấu ý định này không cho các môn đệ khác biết, nhưng Giuđa đã không thể nào giấu điều đó với Chúa Giêsu được. Chúa biết hết nhưng Ngài vẫn đối xử tốt với Giuđa cho đến cùng. Chúa không bỏ qua những dịp may để giúp Giuđa hồi tâm. Trước hết là bữa tiệc vượt qua giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Dĩ nhiên, là người thủ quĩ, Giuđa thản nhiên tham dự vào bữa tiệc, mặc dù đoạn Phúc Âm không nói ra. Tinh thần hiệp thông của bữa tiệc không thức tỉnh Giuđa nổi. Rồi những lời của Chúa: "Một người trong các con sẽ nộp Thầy", và Giuđa chắc chắn được nghe rõ nhưng không làm cho Giuđa giật mình tỉnh ngộ. Rồi sự buồn phiền của các môn đệ khác trong bữa tiệc cũng không có tác dụng gì trên ý định của Giuđa muốn nộp Chúa Giêsu. Thấy các môn đệ lần lượt hỏi Chúa xem có phải là họ hay không, thì Giuđa cũng làm theo như vậy. Tệ hơn nữa, Giuđa dùng từ ngữ không còn ý nghĩa kính trọng đối với Chúa Giêsu trong câu hỏi đặt ra cho Chúa, vì trong khi các môn đệ khác gọi Thầy là Chúa với lòng kính trọng, thì Giuđa dùng một từ ngữ chỉ dành riêng cho một người tầm thường là Rabbi (thưa thầy). Kể từ khi chấp nhận mức giá trị đặt Chúa ngang hàng như một người tôi tớ chỉ đáng giá ba mươi đồng bạc, Giuđa xem như đã mất đi niềm tin vào Chúa như là Ðấng Cứu Rỗi. Giuđa không còn muốn trở lui, không còn muốn rút lại âm mưu nộp Chúa cho đến khi quá trễ. Khi Chúa bị kết án tử hình, thì Giuđa hối hận đi tự tử, như được kể lại nơi đầu chương 27 Phúc Âm thánh Mátthêu.

Phần Chúa Giêsu, Ðấng đã so sánh mình như người chăn chiên nhân lành đi tìm con chiên lạc, Ngài vẫn kính trọng thể diện của Giuđa, không nói thẳng thừng, không vạch mặt nêu tên Giuđa cho mọi người biết, nhưng âm thầm tạo dịp để thức tỉnh lương tâm Giuđa. Và lời cảnh tỉnh mạnh mẽ nhất là khi Chúa Giêsu tuyên bố: "Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con Người, thà rằng người đó đừng sinh ra thì hơn". Chúng ta không nên hiểu lời cảnh tỉnh này như một lời kết án Giuđa phải hư mất mãi mãi. Không phải như vậy, lời cảnh tỉnh mạnh mẽ của Chúa nhằm làm nổi bật sự khốn cùng của người phản bội Chúa, một sự khốn cùng mà người phản bội tự ý đi vào vì ngoan cố không chịu quay trở về. Sống mà phản bội Chúa, chối bỏ ơn cứu rỗi của Chúa một cách có ý thức và ngoan cố, thì tệ hơn là không sống, không sinh ra trên trần gian này. Không phải tất cả mọi người đều biết khám phá và đáp trả tình yêu của Chúa đối với họ, thời nào cũng vậy, cũng có những người không nhìn nhận tình yêu Chúa.

Lạy Chúa, xin đừng để con sống trong tự phụ mù quáng. Xin đừng để con bị những lợi lộc vật chất làm cho con trở nên ngoan cố chống lại Chúa. Xin cho con biết noi gương thánh Phaolô tông đồ quay về với Chúa và dùng phần cuộc đời còn lại cộng tác chặt chẽ với ơn Chúa, đến độ có thể nói như Ngài: "Nhờ ơn Chúa tôi được như ngày nay. Ơn Chúa đã không trở nên vô ích nơi tôi. Ước được như vậy".

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Giuđa mưu phản.

“Cả người thân con hằng tin cậy,

Đã cùng con chia cơm sẻ bánh,

Mà nay cũng giơ gót đạp con”.

Thánh vịnh 40 là một trong những lý do mà các kitô hữu tiên khởi đưa ra trong cố gắng tìm hiểu về biến cố Giuđa phản bội: “Khi ấy một trong nhóm mười hai tên là Giuđa Iscariot đi gặp các Thượng tế mà nói: “các ngài cho tôi bao nhiêu, tôi sẽ nộp ông ấy cho các ngài”.

Bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay là Lễ Vượt Qua cuối cùng Chúa Giêsu cử hành với các môn đệ. Mỗi năm người Do Thái thời Chúa Giêsu long trọng mừng lễ Vượt Qua để tưởng niệm biến cố Thiên thần Chúa vượt qua cửa nhà người Do Thái có bôi máu chiên để không giết con đầu lòng của họ, khởi đầu cho cuộc giải phóng họ khỏi ách nô lệ và khai mào cuộc xuất hành tiến về Đất Hứa. Chúa Giêsu đã có ý định dùng môi trường và ý nghĩa của lễ Vượt Qua này để thiết lập Thánh Thể, nói lên ý nghĩa Ngài là Con Chiên mới sẽ hiến thân chịu chết và đổ máu trên Thập giá để giải phóng và cứu rỗi không những dân Do Thái, mà cả nhân loại. Nhưng soạn giả Matthêu không che dấu một biến cố khác xẩy ra cùng lúc với ngày trọng đại này đó là Giuđa, một trong nhóm mười hai mưu phản Thày. Đấy là biến cố gây chấn động dữ dội nơi cộng đoàn kitô tiên khởi chính vì cố đưa ra để tìm hiểu những bí ẩn bên trong dẫn đến ý định bán nộp Thày cho Giuđa. Ngoài lý do tìm thấy trong câu Tv 40 mang ý nghĩa tôn giáo, người ta cũng phân tách con người Giuđa được các soạn giả bốn sách Tin Mừng nhận xét, là con người tham lam, biển lận, ăn cắp của chung. Có người còn cho rằng Giuđa thuộc một đảng chính trị quá khích chủ trương dùng bạo lực để chống lại ách đô hộ của người Rôma; y theo Chúa Giêsu vì thấy Ngài có quyền năng làm nhiều phép lạ hy vọng Ngài sẽ dùng quyền năng đó để đánh đuổi ngoại xâm. Giuđa thất vọng khi thấy Ngài chọn con đường dẫn tới cái chết Thập giá để kết thúc sự nghiệp giải phóng và cứu rỗi của Ngài. Chính sự thất vọng ấy đưa đến bất mãn, và quyết định nộp Thày. Có người chủ trương rằng Giuđa không có ý định giết chết Chúa Giêsu, nhưng qua việc giải nộp Ngài trong tay quân Rôma, Giuđa hy vọng dồn Ngài vào chân tường, buộc Ngài phải chống cự để tự vệ và do đó đánh đuổi quân Rôm ra khỏi bờ cõi. Nếu như thế ngoài tội nộp Thày phản bạn, Giuđa còn vấp phải một lầm lỗi khác là muốn cưỡng bách Chúa Giêsu hành động theo ý riêng mình.

Để hiểu trọn ý nghĩa bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta không thể dừng lại ở những lỗi lầm của Giuđa, nhưng cần phải hội tụ chú ý vào vai chính là Chúa Giêsu. Trước tiên ngài cố gắng đến cùng để cảnh tỉnh và giải thoát Giuđa khỏi những ý nghĩ mù quáng và đen tối: vì thế Ngài đã cảnh cáo ý bằng một lời mạnh mẽ: “Con Người ra đi như đã viết về Ngài, nhưng khốn cho người đó, kẻ làm cho Con Người bị nộp. Thà rằng người ấy đừng sinh ra thì hơn”. Rồi Chúa Giêsu cũng gọi đích danh Giuđa là người sẽ nộp Ngài. Nhưng lời cảnh cáo và sự vạch mặt chỉ tên đó cũng không làm cho Giuđa tỉnh thức và cũng không ngăn cản y tự nhảy xuống vực thẳm tội lỗi. Tuy nhiên, mặc cho hành động phản bội của Giuđa, Chúa Giêsu vẫn tiến hành việc lập Bí tích Thánh Thể, dấu chỉ của lòng yêu thương đến cùng. Tình yêu đáp lại tình yêu là chuyện thường tình, nhưng tình yêu đáp lại hận thù mới là hành động của một vĩ nhân.

Xin Chúa đánh động tâm hồn chúng ta, để chúng ta tiến vào ba ngày thánh tưởng niệm việc lập Bí tích Thánh Thể, cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập giá của Chúa, để Mùa chay này thực sự biến đổi con tim và cuộc sống của chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

 

SUY NIỆM 3: Giuđa phản bội.

Bấy giờ một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế mà nói: “Quí vị muốn cho tôi bao nhiêu? Tôi đây sẽ nộp ông ấy cho quí vị.” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ đó hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu. (Mt. 26, 14-16)

Có nhiều sứ điệp Tin mừng thật nặng nhọc khi phải đọc, tuy không nhiều, sứ điệp mà chúng ta đọc lại hôm nay là một trong những nố đó. Không thể không nặng nề khó chịu khi đọc đến đoạn phản bội của Giu-đa. Người ta tưởng tượng ra sự độc ác và không hiểu tại sao con người đó có thể sa đọa đến thế. Cách cư xử của hắn quá đồi tệ, ti tiện, không còn một chút phẩm giá con người.

Tuy nhiên, xin đừng coi đó là gương mù quá lẹ như vậy, vì gương mù đó xảy ra quá dễ dàng. Dù xấu đến đâu, lịch sử về Giu-đa vẫn mang tính chất nhân loại, nó vẫn có trong con người. Cần phải đọc lại nó để xem xét chính con tim của chúng ta cũng như con tim của mọi người không phải là không thấm nhiễm sự xấu và tội lỗi đâu. Ta thấy cái cảnh phản bội nặng nề khó đọc đó chính là vì ta thấy diễn tả nó trong bản văn. Nếu Giu-đa thiệt tình chơi cái trò này cho ngay thẳng, nghĩa là chống đối Chúa Giêsu ra mặt, khai chiến với Người rõ ràng, thì người ta cảm thấy dễ chịu hơn, ít nặng nề hơn. Nhưng không, Giu-đa diễn cái trò vòng vo quanh co. Hắn thực là kẻ phản bội. Chính đó là cái nặng nề khi phải thấy nó xảy ra.

Về phần Đức Giêsu, cách cư xử của Người có gì làm chúng ta ngạc nhiên không? Người biết rõ môn đệ nào và hắn âm mưu gì.

Nếu chúng ta ở địa vị Người, chúng ta có lẽ đã nổi giận tái mặt đi và tống cổ Giu-đa ra khỏi nhà ngay lập tức. Đức Giêsu đã hành động hoàn toàn khác. Người đã cho kẻ phản bội một cơ hội cuối cùng. Một lần nữa, Người chia sẻ bánh ăn với hắn. Không phải Đức Giêsu đã đẩy Giu-đa ra cửa. Chính Giu-đa đã quyết định ra đi phản bội và đi tự tử treo cổ chết.

Sẽ hoàn toàn khác, nếu Giu-đa thời đó đã ăn năn trở lại, thì Giu-đa sẽ không còn bị gọi là Giu-đa phản bội nữa, mà ngày nay còn được gọi là thánh Giu-đa. Hắn đã không ăn năn. Hắn từ chối tình bạn thân thiết với Thầy mình. Chính vì lý do đó mà đã để lại một lịch sử buồn sầu đen tối.

J.Y.G

SUY NIỆM:

1. Ông Giu-đa phản bội

Không kể hai Bài Thương Khó, được công bố vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá và vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, các bài Tin Mừng của ba ngày liên tiếp, thứ ba, thứ tư và thứ năm, đều được ghi dấu đậm nét bởi hình ảnh Giu-đa (Ga 13, 21-33.36-38; Mt 26, 14-25; Ga 13, 1-15). Và chắc chắn, mỗi khi tưởng niệm cuộc Thương Khó của Đức Giê-su, Giu-đa cũng là một trong những khuôn mặt gây phản ứng, thắc mắc, đánh động, chất vấn… nơi chúng ta nhiều nhất. Cũng như xưa kia, lời loan báo phản bội hướng tới một người, nhưng ai cũng buồn rầu và thấy mình có liên quan: “Thưa Thầy, có phải con không?” (Mt 26, 22; Mc 14, 19); “Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai” (Ga 13, 22). Về chuyện này, không ai chắc chắn về mình cả. Như thế, khả thể Giuđa có ở nơi mọi người, với những mức độ và cách thể hiện khác nhau.

Tại sao Giu-đa lại đi nộp Thầy của mình? Tin Mừng theo thánh Mát-thêu nhấn mạnh đến lí do tiền bạc: “Tôi nộp ông ấy cho quí vị, thì quí vị muốn cho tôi bao nhiêu?” (Mt 26, 15). Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó, cho thấy Giuda không phải hành động vì tiền: ông đã hối hận và trả lại tiền; vấn đề là ông đã không mở lòng ra để đón nhận lòng thương xót, nhưng tự làm quan tòa của chính mình. Tuy vậy, động lực “tiền nong” cũng không phải là không có trong cách chúng ta đi theo Chúa, làm việc cho Chúa.

Như thế, chắc là ông có một động lực khác nghiêm túc hơn, rồi nhân đó, kiếm thêm chút tiền bỏ vào quĩ chung. Đó có thể là vì ông thất vọng về cách hành xử của Thầy mình, và tâm tình này ít nhiều gì cũng có nơi các môn đệ khác; vì thế, đã có những người bỏ đi (Ga 6, 66). Do đó, ông muốn đặt Thầy của mình vào một tình huống buộc Thầy phải hành động bằng quyền năng để thoát thân, và nhân đó, tái lập Vương Quyền bằng sức mạnh thần linh. Nhưng ông đã không ngờ là Ngài không hành động gì, mà lại còn để cho mình bị kết án tử.

Giuđa phản bội, nhưng Đức Giê-su dùng chính hành động này để thể hiện tình yêu đến cùng của Ngài dành cho tất cả những người thuộc về Ngài, theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Như thế, Giu-đa đã không những không ngăn cản được tình yêu của Đức Giê-su, nhưng vô tình làm cho tình yêu ấy đi đến cùng. Tình yêu đến cùng dành cho mọi người, trong đó có Giuđa. Chính vì thế, Đức Giê-su nói với Giu-đa: “Anh làm gì thì làm mau đi” (Ga 13, 27 và Mt 26, 50) và chính khi, Giu-đa ra đi thực hiện hành vi phản bội, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (Ga 13, 31). Những gì xẩy ra trong lịch sử cứu độ đạt tới cao điểm ở đây: Thiên Chúa Ba Ngôi dùng chính hành vi phản bội, cũng như dùng chính tội lỗi của chúng ta, dùng chính hành động của Sa-tan, để “hiển dung”.

2. Ông Giu-đa nạn nhân

Một đàng, Giu-đa phạm trọng tội (Mc 14, 10; Mt 26, 14-15); và chính Đức Giê-su cũng có những lời than vãn (than vãn chứ không phải chúc dữ) về Giu-đa: “Bất hạnh cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” (Mt 26, 24b). Đàng khác, chính Satan hành động nơi Giu-đa: “Xa-tan đã nhập vào Giu-đa, cũng gọi là Ít-ca-ri-ốt, một người trong Nhóm Mười Hai” (Lc 22, 3); “Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su”; và “Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y” Ga 13, 2 và 27). Nếu là như thế, Giu-đa cũng là nạn nhân trong hành động phản bội Thầy của mình. Tương tự như trường hợp “tội nguyên tổ”, chính Con Rắn là nguyên nhân chính: “Con Rắn, người phụ nữ nói với Thiên Chúa, đã lừa dối con, nên con ăn” (St 3, 13).

Và đàng khác nữa, tất cả là để cho Kinh Thánh được hoàn tất, nghĩa là chương trình thông ban sự sống và cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện cách trọn vẹn: “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lởi đã chép về Người” (Mt 26, 24a); “Phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (Ga 13, 18; trích Tv 41, 10).

Như thế, bản chất đích thực của hành vi phản bội nơi Giu-đa phức tạp hơn chúng ta tưởng ; thực vậy, cùng với Giuđa, còn có ma quỉ và hơn nữa cả hai được tháp vào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng, vì sự phản bội của Giu-đa mà Đức Giêsu bị bắt, bị xét xử và bị hành hình. Không phải hoàn toàn như thế, bởi vì Người đã biết và dự báo từ trước cuộc Thương Khó, và ngay cả sự phản bội của Giuđa, Ngài cũng biết rõ. Các bài Tin Mừng trong những ngày này đặc biệt nhấn mạnh đến điều này. Vấn đề là Ngài cứ để cho tuần tự xảy ra tất cả những gì sẽ dẫn ngài đến cái chết. Tại sao vậy ?

• Giuse nói với các anh : “Đừng sợ! Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa! Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xẩy ra hôm nay, là cứu sống một dân tộc đông đảo”(St 50, 19-20). Điều này đúng trong lịch sử cứu độ và cũng đúng trong cuộc đời chúng ta.

• Thánh Phaolô nói : « Tội càng nhiều, ơn sủng càng chứa chan »,

• Và ngài còn nói: « Đức Giê-su chết cho chúng ta ngay khi chúng ta còn ở trong tội ».
Như thế, điều xấu là do con người làm cho nhau và làm cho Chúa, nhưng Người dùng chính điều dữ này để cho chúng ta nhận ra lòng thương xót vô biên của Chúa. Nhìn ngắm Giuđa, chúng ta được mời gọi nhận ra sự nghiêm trọng nơi tội của ông và nhận ra tội của chúng ta ở mức độ nào đó, nhưng không phải để lên án Giuđa và lên án mình, nhưng như thánh Gioan nói, chính là để nhận ra lòng thương xót của Chúa lớn hơn tội của chúng ta.

* * *

Vậy thì phải “xét đoán” làm sao về Giu-đa? Đơn giản là ngưng ngay hành động xét đoán; vì Đức Giê-su muốn như thế: “anh em đừng xét đoán!”. Và chúng ta cũng chẳng có thể xét đoán được, nếu nhìn vấn đề một cách toàn diện theo các Tin Mừng; và nhất là chúng ta chỉ biết hành vi thôi, chứ không thấy được những động lực phức tạp của nội tâm, mà chỉ có một mình Chúa biết. Thật vậy, chứng kiến tận mắt hành động bách hại và giết hại chính mình, Đức Giê-su cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Giu-đa chắc chắc cũng không biết hết được việc mình đang làm, là làm cho Satan; và một cách nhiệm mầu, cũng là “làm” cho Thiên Chúa. Vì chính khi Giu-đa ra đi, bước vào trong bóng tối, Đức Giê-su nói: 
Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.
(Ga 13, 31-32)

3. Kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa

Ý định giết chết Đức Giê-su có từ rất sớm (Mc 3, 6; 14, 1-2); vì thế, không có sự phản bội của Giu-đa, ý định chết chóc này cũng tất yếu sẽ đi đến cùng. Và “Giờ” đã đến; không chỉ là Giờ của Sự Dữ nhưng còn là Giờ của Thiên Chúa. Đó là thời điểm mà mọi sự đều đạt tới cực điểm: qua lời nói và việc làm, Đức Giê-su đã bày tỏ căn tính đích thực của mình trong tương quan với Thiên Chúa và con người; người Do Thái không chấp nhận và quyết định giết Đức Giê-su; và Lễ Vượt Qua, cũng là một cực điểm, là thời điểm thuận tiện nhất cho cả hai phía, Đức Giê-su và người Do Thái, đi vào “cuộc chiến” quyết định.

Lễ Vượt Qua là lễ lớn nhất trong năm của người Do Thái, nhằm tưởng nhớ ơn giải thoát khỏi Ai Cập và tưởng nhớ những ân huệ Thiên Chúa ban cho dân. Và chính trong bầu khí tưởng nhớ và hiện tại hóa ơn sự sống Thiên Chúa ban, mà Đức Giê-su quyết định làm hoàn tất, nghĩa là đẩy cho “đến cùng” ý định thông truyền sự sống cho Dân của Ngài, ngang qua Bí Tích Thánh Thể và mầu nhiệm Vượt Qua; và cũng chính trong bầu khí “ơn huệ sự sống” này mà các thượng tế và luật sĩ tạo ra bầu khí “bạo lực chết chóc”, là lập mưu, bắt lấy Đức Giê-su và giết đi. Những gì mà họ muốn làm cho Đức Giê-su, về những lần Ngài chữa bệnh vào ngày sa-bát (Mc 3, 1-6), vốn cũng là ngày tưởng nhớ ơn huệ, đạt tới đỉnh cao ở đây.

Như thế, chúng ta được mời gọi vừa nhận ra Khuôn Mặt đích thật của Thiên Chúa, ngang qua cung cách của Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó, và vừa nhận ra diện mạo của chính Sự Dữ, mang tên Satan, hành động nơi những con người cụ thể. Đức Ki-tô đến là vì giờ phút này, làm cho Sự Dữ hiện ra nguyên hình và giải phóng sự sống của loài người chúng ta khỏi Sự Dữ. Bởi lẽ, Ngài không thể giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ, mà không cho chúng ta thấy bộ mặt thật của Sự Dữ. Trong chương trình cứu độ, có mặc khải Sự Dữ. Thoáng nhìn lại lịch sử cứu độ, chúng ta dễ dàng nhận ra mặc khải thiết yếu này, nhưng hay bị bỏ quên. Vì thế, chúng ta được mời gọi khám phá ra bộ mặt thật của Sự Dữ từ từ trong suốt hành trình chiêm ngắm cuộc Thương Khó của Đức Giê-su. Nhưng vào lúc Thượng Hội Đồng họp ngay trong đêm để xét xử vội vàng Đức Giê-su, Sự Dữ đã để lộ ra ba đường nét thuộc về bản chất của nó:

a. Dùng mưu để bắt và dùng bạo lực để hành hạ và giết chết, để chứng minh sự chết là mạnh nhất, sự chết là điểm tận cùng, có thể “giải quyết” được tất cả, “giải quyết” ở đây không phải là đưa ra ánh sáng, nhưng dùng bóng tối để chôn vùi tất cả, như người ta tìm cách phi tang, “giải quyết” theo nghĩa “mọi sự rốt cuộc đều như nhau”, “huề cả làng”.

b. Tố cáo và lên án vô cớ; và trong trường hợp của Đức Giê-su, Satan không chỉ lên án người vô cớ, mà còn lên án Người Vô Tội, vô tội tuyệt đối. Như thế, càng tố cáo, điều xấu càng lộ ra không phải nơi Đấng Vô Tội, nhưng nơi Kẻ Tố Cáo. Thế mà “Kẻ Tố Cáo” là một trên gọi khác của Satan (Kh 12, 7-10).

c. Gian dối là chiều kích nền tảng có trong mọi đặc tính của Sự Dữ: lên án vô cớ là gian dối, dùng mưu là gian dối; và chiều kích này được thể cách rõ ràng nhất ở điều này: dùng điều tốt, để thực hiện ý đồ đen tối, ý đồ loại trừ và giết chết. Ở đây, điều tốt đẹp là bầu khi lễ Vượt Qua, là dấu hiệu tình bạn với Giu-đa và cả Lề Luật nữa (Rm 7, 7-13). Thật vậy, trong cuộc xét xử, vị Thượng Tế đã dùng công thức đức tin long trọng nhất: “Nhân Danh Thiên Chúa Hằng Sống…”, nhưng không phải để đi tìm sự thật, nhưng là với ý định khép tội chết, bằng cách giang bẫy, tố cáo và kết án tử (Mt 26, 63); do đó, chính khi Vị Thượng Tế lên án Đức Giê-su phạm thượng, thì ông đang phạm thượng. Ông không chỉ “kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ”, nhưng còn dùng Danh của Thiên Chúa, làm cớ để giết Đấng Thánh của Thiên Chúa. Và tất cả đều diễn ra trong “Đêm Tối”, vốn là hình ảnh của Sự Dữ.

* * *

Khi để cho mình bị đóng đinh, Chúa muốn cho chúng ta nhìn thấy nơi Thập Giá, hình thù rất thật và rất cụ thể của SỰ DỮ và TỘI LỖI. Nhưng thay vì bị lên án, loài người chúng ta được mời gọi nhìn lên Đấng Chịu Đinh với lòng tin để đón nhận ơn tha thứ và được chữa lành. Như chính Người đã nói:

Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (Ga 3, 14-16)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Từ khóa:

phản bội

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận