Thứ Năm tuần 2 Phục Sinh.

Đăng lúc: Thứ năm - 07/04/2016 01:51 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Năm tuần 2 Phục Sinh.     

"Đức Chúa Cha thương mến Con Ngài, nên ban toàn quyền trong tay Con Ngài".

 

Lời Chúa: Ga 3, 31-36

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Đấng từ trên cao mà đến thì vượt trên hết mọi người. Kẻ bởi đất mà ra, thì thuộc về đất và nói những sự thuộc về đất. Đấng từ trời mà đến thì vượt trên hết mọi người. Điều gì Người thấy và nghe, thì Người làm chứng về điều đó. Nhưng lời chứng của Người không ai chấp nhận. Ai chấp nhận lời chứng của Người, thì quả quyết Thiên Chúa là Đấng chân thật. Đấng được Thiên Chúa sai đến thì nói lời của Thiên Chúa, vì được Chúa ban cho thần linh khôn lường. Cha yêu mến Con, nên đã ban mọi sự trong tay Con. Ai tin vào Con thì có sự sống đời đời. Còn ai không tin vào Con, thì sẽ không được thấy sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên người ấy".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Tình yêu thương

“Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một Ngài cho thế gian, để những ai tin vào Con của Ngài thì không phải chết, nhưng được sống đời đời". Ðó là một sự thật quan trọng được Chúa Giêsu mạc khải cho ông Nicôđêmô trong cuộc đối thoại ban đêm, được ghi lại nơi chương 3, Phúc Âm thánh Gioan. Lời quả quyết trên về tình thương của Thiên Chúa đối với con người được Chúa Giêsu lập lại một lần nữa trong bữa Tiệc Ly như sau: "Thật vậy, Thiên Chúa Cha đã yêu thương các con vì các con đã yêu mến Thầy và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến" (Ga 16,27).

Thử hỏi, có ai có uy tín hơn Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, để mạc khải cho chúng ta biết tình thương của Thiên Chúa Cha đối với thế gian, đối với toàn thể tạo vật đã được dựng nên và nhất là đối với tất cả mọi người đã được dựng nên giống hình ảnh của Ngài?

Lý trí tự nhiên của con người qua những suy tư triết học khó có thể, nếu không muốn nói là không bao giờ có thể đạt đến kết luận chắc chắn rằng Thiên Chúa là Tình Yêu và Ngài yêu thương con người đến mức độ cho đi điều quí nhất là chính Con Một Thiên Chúa, để cứu chuộc con người khỏi nô lệ tội lỗi, khỏi phải chết. Chỉ nhờ mạc khải của Chúa Giêsu Kitô, con người chúng ta mới nghe được sự thật đầy an ủi này, Thiên Chúa đã yêu thương thế gian, Thiên Chúa Cha hằng yêu thương con người. Lý do thôi thúc hành động của Thiên Chúa cứu rỗi con người chính là tình yêu thương, và Chúa Giêsu đã chứng tỏ cho mọi người biết và cho cả ông Nicôđêmô, là người có đủ uy tín để nói như vậy, bởi vì Người từ nơi Thiên Chúa Cha mà mạc khải cho chúng ta biết.

Những lời tâm sự trên xác nhận căn cứ và nguồn gốc của Chúa Giêsu từ trên cao, từ Thiên Chúa Cha. Những lời này nhắc cho chúng ta nhớ lại những suy tư cao sâu của tác giả Phúc Âm theo thánh Gioan, nơi khởi đầu sách Phúc Âm của ngài như sau: "không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ. Nhưng Con Một Ngài là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Thiên Chúa Cha, chính Ngài đã tỏ cho chúng ta biết nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu Kitô". Làm cho những sự thật được Chúa mạc khải cho con người có được giá trị trỗi vượt hơn mọi lý thuyết, hơn mọi lẽ khôn ngoan do trí khôn con người nghĩ ra. "Kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Ðấng từ trên trời mà đến thì ở trên mọi người". Người làm chứng về những gì Người đã thấy và đã nghe trực tiếp từ Thiên Chúa Cha, vì Người hằng ở cùng Thiên Chúa Cha, được sai xuống trần gian để mạc khải cho con người biết.

Ðáp lại mạc khải của Chúa Giêsu, con người cần khiêm tốn, vâng phục và kính tin. Ðây là điều Chúa mời gọi ông Nicôđêmô ngày xưa và mọi người ngày nay hãy thực hiện: "Ai tin vào Con Thiên Chúa thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời".

Chúng ta đã đáp lại mạc khải của Thiên Chúa như thế nào?

Thảm trạng của con người bắt đầu khi con người tin không có Thiên Chúa và nếu có Thiên Chúa thì họ vẫn lãnh đạm thờ ơ không tin vào Thiên Chúa, và cũng không tin, không quí trọng sự thật được Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, mạc khải nữa. Nhưng thử hỏi, con người có thể dập tắt khát vọng hướng về Thiên Chúa đã ăn rễ sâu trong tâm hồn của mình hay không?

Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha vô cùng vì đã ban cho chúng con Chúa Giêsu Kitô để chỉ cho chúng con biết con đường sống như những con cái Cha, và trở về cùng Cha an toàn. Xin thương giúp cho chúng con trưởng thành trong đức tin mỗi ngày một hơn. Xin củng cố đức tin chúng con trước những thách đố của môi trường xã hội trần tục, không ngừng tìm cách chối bỏ Chúa cũng như cố ý làm méo mó và cười nhạo những sự thật do Chúa mạc khải.

Lạy Cha, xin thương củng cố đức tin của chúng con.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Hướng nhìn lên cao

Tạp chí Time số tháng 4/95 có ghi lại chứng từ rất cảm động của một cựu tù nhân Mỹ tại Việt Nam, ông Avares. Là một phi công Hải quân, ông đã bị bắn hạ trong một phi vụ dọc theo duyên hải Bắc Việt ngày 5/8/1964. Ông đã bị giam tại Hoả lò trong vòng 8 năm rưỡi. Năm 1993, một nhà sản xuất phim mời ông và một nhóm cựu tù binh Mỹ trở lại Việt Nam để thực hiện một cuốn phim tài liệu. Avares đã trở lại căn phòng nơi ông bị giam, điều duy nhất ông muốn nhìn lại là hình Thánh giá trên bức tường đàng sau phòng giam mà ông đã nhìn lên đó để cầu nguyện. Lời cầu nguyện đã nâng đỡ ông trong những tháng ngày dài thiếu thốn và cô đơn. Ngày nay bức tường đã được tô vôi, cây Thánh giá đã bị một lớp sơn vẽ chồng lên, và ông cho biết có một cái gì đó đã được chôn chặt trong ông, đó không phải là hối hận hay căm thù, mà là tâm tình tri ân Thiên Chúa đã cho ông về với gia đình và đã ban cho ông ơn biết tha thứ và quên đi.

Chứng từ của Avares cho thấy khi con người biết nhìn lên cao, con người sẽ cảm nhận được ơn Chúa trong cuộc sống của mình. Đó có lẽ là ý tưởng mà Tin mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta. Thánh Gioan ghi lại hai cái nhìn về Chúa Giêsu: một của Nicôđêmô và một của Gioan Tẩy giả. Nicôđêmô nhìn vào Chúa Giêsu với những hiểu biết uyên bác nhưng hoàn toàn phàm tục của ông; ông lượng giá về Chúa Giêsu theo thước đo thông thường của loài người, đó là cái nhìn từ dưới đất. Trong khi đó, Gioan Tẩy giả mời gọi các môn đệ ông vượt qua cái nhìn từ dưới đất để có cái nhìn từ trên cao. Và thánh Phaolô đã nói: “Anh em hãy mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô”. Với tâm tình của Chúa Kitô, nghĩa là với cái nhìn của tin yêu và hy vọng, người ta có thể đứng vững trong mọi nghịch cảnh và thử thách; với tâm tình của Chúa Kitô, người ta sẽ cảm nhận được ơn Chúa ngay những lúc như bị bỏ rơi và đánh mất tất cả; với tâm tình của Chúa Kitô, người ta sẽ cảm nhận được tình thương và tha thứ ngay giữa nơi chỉ có hận thù và chết chóc.

Nguyện xin Chúa gìn giữ chúng ta trong tâm tình ấy.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Trời và đất bất hòa sao?

Đấng từ trên cao mà đến,

Thì ở trên mọi người;

Kẻ từ đất mà ra,

Thì thuộc về đất

Và nói những chuyện dưới đất.

Đấng từ trời mà đến,

Thì ở trên mọi người;

Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe,

Nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người.

Ai nhận lời chứng của Người

Thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật. (Ga. 3, 31-33)

Từ Công đồng Vatican 2 đã cho chúng ta ý thức lại giá trị và tự trị của những thực thể trái đất thuộc dự tính của con người. Trái đất không phải là thung lũng nước mắt, vật chất và thân xác không là đồ bỏ. Ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô phải ảnh hưởng tới tất cả mọi thực thể. Thánh Phao-lô đã nói: “Toàn thể tạo vật đang rên xiết mong chờ sự giải thoát”.

Kitô hữu không thể núp mình trong phạm vi hoàn toàn tinh thần và trong thế giới bên kia. Marx đã tố cáo loại người này, họ lãnh đạm trước đau khổ trên trái đất để đi tìm chỗ tốt hơn nơi cao xa, họ còn chẳng làm gì trước bất công và tàn ác, vịn lẽ rằng Thiên Chúa sẽ phạt kẻ giàu và thưởng kẻ nghèo.

Thực ra, rất khó phân lìa và liên kết đất và trời, cũng như những giá trị đất và trời. Hôm nay, Đức Kitô phân biệt một cách như sau: Người nói rằng trời và đất có ngôn ngữ riêng của nó.

Tiếng nói của đất dễ giải nghĩa, vì nó thuộc giác quan của ta. Nhờ đó chúng ta nhận được kiến thức và thông truyền kiến thức.

Tiếng nói của trời khá khó lãnh hội, đó là thứ tiếng chứng từ: Chỉ có Đấng từ trời xuống làm chứng về điều đã thấy, đã nghe, chứng nhận, xác quyết về sự này, điều kia là thực. Còn ngay cả những người được nghe những lời chứng đó cũng không thấy được, biết được sự này, Đấng kia thế nào. Họ cũng không được sống trong diễn biến đó.

Đức Giêsu là chứng nhân của Thiên Chúa, Người đã kể lại những gì đã tồn tại trong Thiên Chúa. Đến lượt chúng ta, chúng ta trở nên chứng nhân của Thiên Chúa, nếu chúng ta là thành phần trong thân thể của Đức Kitô.

Tiếng nói trong Thánh lễ là tiếng làm chứng rằng: Đức Kitô hiện diện trong cộng đồng, chứng thực Thiên Chúa đang hành động qua các dấu chỉ của Thánh lễ. Và người ta sẽ không hiểu gì về những dấu chỉ này trong Thánh lễ hàng ngày và Chúa nhật, nếu người ta không đón nhận tiếng nói của chính Thiên Chúa.

C.G
 

SUY NIỆM:

1. Mầu nhiệm Vượt Qua

Chúng ta đang ở trong Tuần II mùa Phục Sinh; và chúng ta có thể nhận ra rằng, bắt đầu từ thứ hai cho đến ngày hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta nghe lại trong Thánh Lễ, gần như toàn bộ chương 3 của sách Tin Mừng theo thánh Gioan. Đó là một cuộc đối thoại dài giữa Đức Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô. Chúng ta có thể tự hỏi : tại sao phải nghe lại những lời của Đức Giê-su, đã được Người nói từ lâu rồi, mãi ở giai đoạn đầu của cuộc sống công khai, trong khi chúng ta đang ở trong niềm vui của mùa Phục Sinh ?

Đó là bởi vì, trong cuộc đối thoại này, Đức Giê-su đã loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Người rồi, nghĩa là cuộc thương khó dẫn đến cái chết và sự phục sinh ; và ngược lại, mầu nhiệm Vượt Qua hoàn tất và làm cho sáng tỏ không chỉ tất cả những gì Ngài đã nói và làm trước đó, nhưng kể cả mọi chuyện đã xẩy ra cho Ngài. Và trong những ngày này, chúng ta còn được mời gọi bởi chính Đức Ki-tô Phục Sinh nhận ra rằng, mầu nhiệm Vượt Qua làm sáng tỏ và hoàn tất mọi sự : sáng tạo và lịch sử, và qua đó cuộc đời của mọi người chúng ta.

2. Ơn tái sinh

Vì thế, khi chiêm ngắm cuộc đời của Đức Giê-su dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, sẽ giúp chúng ta biết chiêm ngắm cuộc đời của chúng ta, cuộc đời trọn vẹn chứ không phải chỉ một phần mà chúng ta nghĩ là “xứng đáng”, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua.

Thậy vậy, trong cuộc đối thoại với ông Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su nói về ơn tái sinh bởi Thần Khí (bài Tin Mừng của Thánh Lễ thứ hai). Nhưng để sinh lại, thì phải chết đi. Đó là cái chết chấm dứt một đời người, để “sinh lại” trong sự sống mới trong Thiên Chúa, cùng với Đức Ki-tô ; nhưng cũng là “cái chết” mỗi ngày, những “nỗi đau chết người” mỗi ngày, bởi Thánh Thần, để tái sinh và sống trong Thánh Thần, thay vì sống trong xác thịt và theo xác thịt.

Như thế, chúng ta được mời gọi sống mầu nhiệm Vượt Qua mỗi ngày. Cũng giống như hạt lúa mì trong thiên nhiên, như dòng thời gian và sự luân phiên của các mùa, như tấm bánh (biểu tượng của lương thực) ở trên bàn ăn và như bánh Thánh Thể. Phải chấm dứt, phải chết đi để bắt đầu một giai đoạn mới, một cuộc đời mới. Cũng là như thế, đối với đời sống hàng ngày của chúng ta : chúng ta được mời gọi chết đi, để tái sinh bởi Thiên Chúa.

Nhưng trong thực tế, hành trình tái sinh khó khăn biết bao. Nhưng thực ra, đâu có cuộc sinh ra nào là dễ dàng đâu ; ngược lại, trước khi được sinh ra, người con đã phải được cưu mang lâu dài và đầy khó khăn và đớn đau. Và như chúng ta vẫn nói và nói rất đúng : mang nặng đẻ đau, tiếng khóc chào đời. Nhưng rốt cuộc, ơn tái sinh đâu phải là công việc của riêng chúng ta : đó là “ơn trên”, là sức mạnh của Chúa Thánh Thần, nhằm đáp lại lòng khát khao Thiên Chúa của chúng ta, khát khao sự sống mới đến từ Thiên Chúa.

3. “Tin vào Người Con”

Chúng ta hãy trở lại bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, trong đó, Đức Giê-su đã nói về thái độ không tin phổ quát, đối với lời chứng và ngôi vị của Ngài rồi :

Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người. (c. 32)

Đó chính là điều đã xẩy ra trong cuộc hành trình rao giảng Nước Trời, và nhất là trong cuộc Thương Khó của Ngài. Và đó cũng là điều đã xẩy ra đối với các môn đệ đầu tiên mà sách Công Vụ Tông Đồ kể lại cho chúng ta. Và đó cũng là điều đang xẩy ra cho chúng ta hôm nay. Thực vậy, trong thế giới và xã hội của chúng ta, chúng ta đang phải đối diện với thái độ không tin thật lớn lao đối với lời chứng Tin Mừng mà chúng ta đón nhận, sống và làm chứng. Thế mà, làm chứng cho Tin Mừng của Đức Ki-tô, cho mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài, chính là sứ mạng của chúng ta, của mọi Ki-tô hữu, và nhất là của các tu sĩ nam nữ.

Có thể nói, đó cũng là khó khăn, trong đó, chúng ta được mời gọi “chết đi”, bởi vì chúng ta không thấy rõ kết quả, không thấy rõ tương lai của những công việc tông đồ, của đời sống dâng hiến. Nhưng Thiên Chúa lại có quyền năng làm trào vọt ra sự sống, từ sự bất lực, nhỏ bé, yếu đối, giới hạn và “cái chết” của chúng ta, từ những hoàn cảnh tưởng như là vô vọng hay ngõ cụt. Đó chính là công trình của Đức Chúa, công trình vĩ đại của Đức Chúa trong lịch sử cứu độ, trong cuộc thương khó của Đức Ki-tô, trong lịch sử Giáo Hội. Và chúng ta được mời gọi trao ban lòng tin, như chính Đức Giê-su mời gọi :

Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy. (v. 35-36)

Không tin Thiên Chúa ban sự sống, thì tất yếu người ta sẽ làm việc cho sự chết, thuộc về sự chết. Thực vậy, việc từ chối tin sẽ khởi động cách nhanh chóng một tiến trình tăng tốc của sự chết: người không tin vào sự sống sẽ đòi hỏi những bằng chứng về sự sống và, từ đó rất nhanh đi đến chỗ tự mình đưa ra những bằng chứng về điều trái ngược với sự sống. Ai không tin vào sự sống sẽ chẳng mấy chốc làm việc cho sự chết (Kn 1, 16 – 2, 24). Và theo cách nói của Kinh Thánh, lựa chọn tự do này của con người, được gọi là “cơn thịnh nộ của Thiên Chúa” (x. Rm 1-2).

*  *  *

Xin cho sự sống mới của Đức Ki-tô phục sinh lôi kéo chúng ta trong cuộc đời, trong hành trình ơn gọi và mỗi ngày sống, để chúng ta bình tâm với mọi sự và định hướng mọi sự. Và vì là sự sống của Đức Ki-tô phục sinh là có thật, xin được nhận ra sự sống của Chúa tràn sang bờ bên này của cuộc sống chúng ta để biến đổi sự sống hôm nay và chóng qua của chúng ta, và tái sinh chúng ta bởi Thánh Thần cho sự sống mới.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận