Thứ Năm tuần 34 thường niên.

Đăng lúc: Thứ năm - 26/11/2015 01:59 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Năm tuần 34 thường niên.

"Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho các dân ngoại chấm dứt".

 

Lời Chúa: Lc 21, 20-28

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi các con thấy Giêrusalem bị các đạo binh bao vây, các con hãy biết rằng đã gần đến lúc thành ấy bị tàn phá. Bấy giờ những ai ở trong đất Giuđa, hãy chạy trốn lên núi, những ai ở trong thành, hãy rời xa, và những ai ở vùng quê, chớ có vào thành; vì những ngày ấy là những ngày báo oán, để ứng nghiệm mọi lời đã ghi chép.

"Khốn cho những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy: vì chưng sẽ có sự khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ phải bắt đi làm tôi trong các dân, và Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt.

"Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn, chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến".

 

Suy Niệm 1: Giờ Cứu Rỗi Gần Ðến

Từ năm 44 TCN đến năm 66 SCN, các quan toàn quyền Rôma cai trị xứ Giuđê một cách độc ác, dã man, đến nỗi dân Do thái đã nổi dậy, mặc dù họ biết sẽ bị nghiền nát dưới gót giầy của Ðế quốc xâm lăng. Năm 66, tướng Julianô chỉ huy ba đạo quân sang đánh dẹp những cuộc nổi dậy. Năm 70, Julianô lên ngôi Hoàng đế tại Rôma, ông sai con cả là Titô tiếp tục cuộc bình địa Giuđê. Nghe tin Titô kéo quân về Giêrusalem, 25,000 người Do thái thuộc các phe kháng chiến đang tranh giành ảnh hưởng đã hợp lực tổ chức chống cự. Tuy nhiên, lực lượng của Rôma quá hùng hậu: 80,000 quân với đầy đủ quân trang đã bao vây Giêrusalem suốt 6 tháng trời. Ðầu tháng 7 năm 70, Titô lập một tường thành chiến lược vây hãm Giêrusalem. Ngày 6/8 việc tế tự trong Ðền thờ bị đình chỉ. Ngày 28/8 quân Rôma đánh phá và đốt Ðền thờ. Hai ngày sau, tức ngày 30/8 năm 70 thành Giêrusalem bị thất thủ và bị đốt phá bình địa. 90,000 người Do thái bị bắt làm nô lệ. Tất cả đã xảy ra đúng như lời tiên báo của Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, lời của Chúa không chỉ ứng nghiệm với thành thánh bị phá hủy vào năm 70, mà còn tiên báo về ngày tận cùng của thế giới. Khi Ngài đến trong vinh quang để xét xử, có các tai biến làm cho con người lo âu sợ hãi: "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh tượng biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các tinh tú bầu trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ Con Người sẽ xuất hiện uy nghi trên đám mây... Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi đã đến gần".

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về ngày sau cùng của mỗi người chúng ta. Trước khi từ giã cõi đời, con người cũng thường bị vây hãm: bởi những lo âu run sợ trước cái chết, bởi những tiếc nuối cho những ngày đã qua, bởi những hành hạ của căn bệnh, bởi sức tấn công của lực lượng sự dữ. Trong những giây phút ấy, Lời của Chúa Giêsu sẽ là kim chỉ nam: "Bấy giờ ai ở miền Giuđê hãy trốn lên núi; ai ở trong thành hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê thì chớ vào thành". Ðành rằng, bấy lâu nay thân xác đã cho con người có được niềm vui, sự hãnh diện, tình yêu thương; thế nhưng, giờ đây thân xác sắp bị hủy hoại, con người không còn lý do gì để cứ bám lấy thân xác, nhưng hãy biết thoát ly những ràng buộc của thân xác, để đi vào ơn cứu độ của Chúa.

Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết chuẩn bị cho mình một thái độ thích hợp trong ngày Chúa đến.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Chúc Tụng Ðấng Nhân Danh Chúa

Ðoạn Phúc Âm hôm nay gợi lên trong chúng ta hai ý tưởng chính: lời loan báo thành Giêrusalem bị quân địch bao vây và tàn phá, yếu tố thứ hai là những dấu chỉ báo trước biến cố Chúa Kitô trở lại trong vinh quang và đầy quyền năng. Ðây không phải là những dấu chỉ đáng làm cho chúng ta hoang mang lo sợ, mà ngược lại chúng làm cho chúng ta luôn thức tỉnh và hy vọng hướng đến tương lai huy hoàng được Thiên Chúa cứu rỗi.

Như là một biến cố lịch sử, thành Giêrusalem đã bị tàn phá hai lần, lần thứ nhất vào năm 70, do bởi đạo quân viễn chinh Rôma dưới quyền chỉ huy của tướng Titô, và lần thứ hai là vào năm 135, thời của hoàng đế Adriano. Ða số các nhà chú giải hiện nay cho rằng Phúc Âm theo thánh Luca phải được viết ra trong khoảng năm 80-90, vì thế khi viết những dòng Phúc Âm trên, tác giả Phúc Âm theo thánh Luca có biết những biến cố về thành Giêrusalem bị tàn phá năm 70, và tác giả nhìn vào biến cố này không phải một cách thuần túy như là một biến cố chính trị mà thôi, nhưng còn như là một biến cố có ý nghĩa tôn giáo nữa.

Việc thành bị tàn phá là do hậu quả của tội lỗi mà thành đã phạm, bởi vì thành đã từ chối lãnh nhận ơn cứu rỗi Thiên Chúa mang đến cho. Và như thế, ứng nghiệm lời than trách và lời tiên tri của Chúa Giêsu về thành Giêrusalem được tác giả Phúc Âm theo thánh Luca ghi lại trước đó nơi chương 13, câu 34-35 như sau: "Giêrusalem, Giêrusalem, ngươi giết các tiên tri và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi. Ðã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh mà ngươi không chịu, thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi, mà Ta nói cho các ngươi hay các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến".

Lời Chúa trách Giêrusalem phản bội, chối từ ơn cứu rỗi không kết thúc trong tuyệt vọng nhưng được hướng đến một viễn tượng hy vọng lớn, Chúa sẽ trở lại mang niềm vui và ơn cứu rỗi, và con người sẽ chấp nhận Ngài, sẽ hát lên bài ca "chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến".

Nơi phần hai của bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta đọc được những loan báo hãi hùng của Chúa Giêsu về thế giới, đó là chiến tranh, tàn phá, những biến chuyển đầy lo âu, những tai ương thiên nhiên. Nhưng chúng ta cần hiểu đây là những hình ảnh của một ngôn ngữ được gọi là ngôn ngữ khải huyền của truyền thống Kinh Thánh, để nhắc nhở cho người đồ đệ của Chúa biết rằng thế giới vũ trụ này không phải là một nơi cư ngụ vẹn toàn cho con người. Hơn nữa, những tội lỗi của con người làm cho thế giới vũ trụ không vẹn toàn này thay vì trở nên tốt hơn nhờ có sự cộng tác của con người với ơn Chúa ban, thì lại trở nên tồi tệ hơn và chắc chắn sẽ đi đến lúc tan biến. Trong cái nhìn của lịch sử cứu rỗi thì đây không phải là một sự tan biến vào hư vô mà là một sự biến đổi trong Chúa, nhờ quyền năng của Thiên Chúa mà trở thành trời mới đất mới khi Con Người đầy quyền năng và vinh quang từ trong đám mây mà đến. Cuối cùng, Thiên Chúa ngự đến. Ngài là khởi đầu và là cùng đích của mọi loài, mọi sự.

Trong dòng lịch sử đang diễn ra, chúng ta có thể nói và xác tín rằng Thiên Chúa phạt lỗi theo sự công bằng. Ngài cho phép sự dữ xảy ra, nhưng trong và qua mọi sự, mọi biến cố, Ngài luôn làm chủ và cứu rỗi theo lượng từ bi vô cùng của Ngài. Chính vì thế mà không bao giờ người Kitô được phép để mình rơi vào trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Chúng ta cần nhìn lịch sử theo cái nhìn của Chúa, theo cái nhìn của lịch sử cứu rỗi để niềm hy vọng Kitô không bao giờ bị tắt mất đi trong tâm hồn người đồ đệ của Chúa. Chắc chắn sẽ đến lúc chúng ta vui mừng lên mà hát bài ca "Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến".

Lạy Chúa

Xin thương giải thoát chúng con khỏi mọi sự dữ. Xin chớ để chúng con sa vào chước cám dỗ phản bội Chúa. Xin đừng để chúng con sống trong tuyệt vọng nhưng luôn hy vọng vào Chúa và hát lên bài ca Chúc Tụng Chúa, Chúc Tụng Ðấng Nhân Danh Chúa Mà Ðến.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Người sẽ trở lại

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (21, 27-28)

Sau khi mô tả cảnh sụp đổ của thành Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu nói với chúng ta về những điềm báo tận thế và sự trở lại của Người trong vinh quang.

Tận thế

Người ta thường suy tư về tính chất các tai họa và những xáo trộn của vũ trụ trước lúc trở lại của Đức Kitô. Luôn luôn thấy có người dựa vào điểm này điểm kia được loan báo trong bốn Tin mừng để dự đoán tận thế sắp đến. Tuy nhiên tận thế vẫn chưa đến.

Đức Giêsu hẳn đã không muốn cho phép người ta nhận định rõ được khi nào xảy ra tận thế. Người đã quả quyết nhiều lần: Trừ Chúa Cha ra, không ai biết được khi nào điều đó xảy đến. Chỉ có một điều chắc chắn: Sẽ xảy ra những đảo lộn quan trọng, rồi Đức Giêsu sẽ lại đến với loài người. Sự quan trọng và lớn lao của những cuộc đảo lộn làm nổi bật sự quan trọng và vinh quang của ngày Đức Kitô hiện đến gấp bội mọi mô tả theo kiểu khoa học về ngày tận thế.

Đức Kitô lại đến

Đức Kitô đã đến với loài người trong cảnh nghèo khó và khiêm hạ, thì có ngày Người lại đến với họ. Nhưng lần này, Người hiện đến “đầy quyền năng và vinh quang lạ lùng”. Chính là Đấng phục sinh sẽ tỏ mình ra lúc tận thế.

Những ai đã sống mong đợi Người lại đến sẽ không còn sợ hãi, vì đối với họ, đây là ngày cứu độ, ngày những người thiện chí mong đợi sẽ tràn đầy hân hoan.

Thiên Chúa không muốn một thế giới bị quay cuồng trong tai họa. Ngài đã không tạo dựng một loài người phó mặc cho hư vô. Ngài muốn một thế giới và một loài người được phục sinh trong ân sủng của Đức Kitô, và được phát triển dồi dào trước mặt Thiên Chúa.

Lo lắng mong chờ được lại thấy Đức Kitô và được sống trọn vẹn trong Người. Những người Kitô hữu đầu tiên nồng nhiệt hy vọng ngày tận thế. Còn chúng ta, chúng ta có là những người mong đợi như các ngài không?
 

Suy niệm 4

A- Phân tích (Hạt giống...)

Tiếp tục diễn từ chung luận:

- cc.20-24: Chúa Giêsu lại nói về ngày thành Giêrusalem bị tàn phá.

- cc.25-28: sau đó lại chuyển sang ngày tận thế và quang lâm. Tất cả những thế lực mà xưa nay người ta dựa vào vì coi là vững chắc (mặt trời, mặt trăng, tinh tú, biển...) đều bị lay chuyển để nhường cho quyền lực của Con Người lên ngôi. Trước tình huống đó, “muôn dân” (tức là những kẻ không có đức tin) sẽ lo sợ đến hồn siêu phách lạc, vì chỗ dựa của họ đã bị lung lay. Nhưng các môn đệ Chúa thì hãy vui mừng và ngẩng đầu lên chờ đợi Chúa ngự đến.

B- Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Năm 70 sau công nguyên, tướng Titus của đế quốc La Mã đem quân bình địa Giêrusalem... Đền thờ Giêrusalem biểu trưng của niềm tin tôn giáo như lời tiên báo của Chúa Giêsu đã “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”... Tuy nhiên, nếu người Do Thái thương khóc cho một quê hương đổ nát, thì các Kitô hữu lại hân hoan ra đi truyền bá Phúc Âm cho các dân tộc khác; sự sụp đổ của thành Giêrusalem đã giúp cho họ nhận ra tính công giáo của Kitô giáo. Nước Thiên Chúa đến bằng chính những gì mà con người cho là đổ nát, mất mát. Đó là cái nhìn Chúa Giêsu muốn mời gọi các tín hữu tiên khởi phải có. (Trích: "Mỗi ngày một tin vui")

2. Ai dựa vào những thế lực vật chất và thế gian thì khi sắp chết sẽ hoảng sợ vì những thế lực đó bị sụp đổ. Còn kẻ nào dựa vào Chúa thì khi chết sẽ vui mừng, vì họ biết mình sắp được về với Ngài.

3. Lời tâm sự của một người mẹ: Từ nhỏ tôi đã sợ chết, nhưng khi đứa con yêu dấu của tôi chết thì tôi không còn sợ nữa. Đó là nhờ câu chuyện ngụ ngôn vị Linh mục chủ sự lễ an táng đã giảng. Câu chuyện như sau:

Người mục tử dẫn đàn chiên đến một dòng suối để sang cánh đồng cỏ bên kia. Suối không sâu nhưng nước chảy mạnh nên chẳng con chiên nào dám bước xuống. Người mục tử không la hét, không dùng roi để lùa đàn chiên qua suối. Ông chỉ nhẹ nhàng bồng một con chiên con rồi bước xuống, đi qua phía bên kia. Con chiên mẹ thấy con mình đã đi qua suối được nên an lòng bước theo. Sau đó, cả đàn chiên bước qua suối nước, sang bờ bên kia, nơi có sẵn một đồng cỏ xanh rì.” (Sunday School Time).

4. Qua bài trích Phúc Âm, ta nhìn ra đường lối Chúa thật lạ lùng: Chúa thấy trước những tai hoạ sắp đổ xuống dân mình với cả những người đáng thương đang mang thai hoặc cho con bú, nhưng Chúa không đẩy tai hoạ đi giùm. Chúa không giải phóng dân Người ngay lúc đó. Chúa dành ra “một thời của dân ngoại”, mặc sức họ tung hoành.

- Trong nếp sống đạo đức của ta hình như cũng có thể có những lúc tương tự. Không biết có phải vì tội ta hay vì lý do nào khác nữa mà muôn thứ thử thách đổ dồn trên đầu ta làm ta tối tăm mắt mũi. Mọi sự trên trời dưới đất, mọi biến cố hầu như đều chống lại ta.

- Từ đáy vực thẳm đen tối đó, có lẽ thái độ tốt nhất là ta nhìn ra được lời Chúa mời gọi ta sám hối trở về với Ngài. Và sau đó với lòng phó thác và biết ơn, chúng ta “hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì chúng ta sắp được cứu rỗi”.

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

 

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúa là Chúa tể càn khôn. Chúa là Chúa của lòng chúng con. Chúng con xin dâng cuộc đời cho Chúa gìn giữ và chở che. Vì giữa cuộc đời hôm nay, có quá nhiều cám dỗ khiến chúng con lạc xa tình Chúa. Xin cho chúng con luôn trung thành tuân giữ Lời Chúa để ngày Chúa đến sẽ là niềm hân hoan cho cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, với tư cách là ngôn sứ cho thời đại, các Ðức Giám mục Việt Nam đã nhận định: "Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lãnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường, thế nhưng vẫn đầy dẫy sự gian dối, biển lận" (Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện tại). Xin giúp chúng con vượt ra khỏi trào lưu gian dối của thói đời. Xin giúp chúng con dám chấp nhận thiệt thòi để luôn sống trung thực với lương tâm ngay thẳng. Xin đừng để chúng con vì ham danh, hám lợi mà đánh mất lương tri con người. Xin cho chúng con ơn can đảm để làm chứng nhân cho sự thật giữa một thế giới đang bị sự dối trá, lừa đảo bao quanh. Xin cho người Công giáo chúng con dám chấp nhận thiệt thòi để giữ công bình bác ái với tha nhân, và làm chứng cho chân lý và sự thật.

Lạy Chúa, xin Mình Máu Thánh Chúa nâng đỡ và củng cố đức tin còn yếu kém của chúng con. Xin nâng đỡ chúng con bằng ơn lành hồn xác của Chúa để nhờ đó chúng con luôn can trường sống theo tin mừng của Chúa. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận