Thứ bảy đầu tháng, tuần 17 thường niên.

Đăng lúc: Thứ bảy - 05/08/2017 01:36 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ bảy đầu tháng, tuần 17 thường niên.

"Hêrôđê sai người đi chặt đầu Gioan, và các môn đệ của Gioan đi báo tin cho Chúa Giêsu".

 

Lời Chúa: Mt 14, 1-12

Khi ấy quận vương Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: "Người này là Gioan Tẩy Giả, ông từ cõi chết sống lại, nên mới làm được các phép lạ như vậy".

Tại vì Hêrôđia vợ của anh mình mà vua Hêrôđê đã bắt trói Gioan tống ngục, bởi Gioan đã nói với vua rằng: "Nhà vua không được lấy bà ấy làm vợ". Vua muốn giết Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi Gioan như một tiên tri. Nhân ngày sinh nhật của Hêrôđê, con gái Hêrôđia nhảy múa trước mặt mọi người, và đã làm cho Hêrôđê vui thích. Bởi đấy vua thề hứa sẽ ban cho nó bất cứ điều gì nó xin. Được mẹ nó dặn trước, nên nó nói: "Xin vua đặt đầu Gioan Tẩy Giả trên đĩa này cho con". Vua lo buồn, nhưng vì đã trót thề rồi, và vì các người đang dự tiệc, nên đã truyền làm như vậy.

Ông sai người đi chặt đầu Gioan trong ngục, và để đầu Gioan trên đĩa đem trao cho cô gái, và nó đem cho mẹ nó. Các môn đồ của Gioan đến lấy xác thầy và chôn cất, rồi đi báo tin cho Chúa Giêsu.

 

 

 

Suy Niệm 1: Tương Quan Giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu

Trong Tin Mừng hôm nay, tác giả hai lần nhắc đến Gioan Tẩy giả trong tương quan với Chúa Giêsu.

Ở khởi đầu trình thuật, vua Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì ông cho đó chính là Gioan Tẩy giả, người mà ông đã cho chém đầu nay sống lại. Ơn gọi của Gioan Tẩy giả như chính miệng ông Zacaria loan báo trong ngày lễ đặt tên cho con mình: "Con là tiên tri của Ðấng tối cao, con sẽ đi trước dọn đường cho Ngài". Ơn gọi đó Gioan đã chu toàn một cách tốt đẹp. Gioan chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến, không những bằng việc rao giảng thống hối, mà còn bằng chính cái chết vì trung thành với sự thật. Dung mạo của Gioan Tẩy giả loan báo dung mạo của Chúa Giêsu một cách tốt đẹp, đến nỗi khi Chúa Giêsu xuất hiện, vua Hêrôđê tưởng Ngài là hiện thân của Gioan Tẩy giả sống lại.

"Các con sẽ làm chứng về Thầy", đó là mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho các Tông đồ, cho mỗi môn đệ của Chúa. Chúng ta cần trở nên một Chúa Kitô cho anh em mình, vận mệnh của Chúa sẽ là vận mệnh của chúng ta.

Một chi tiết nữa, đó là các môn đệ Gioan Tẩy giả, sau khi chôn cất ông xong, thì đến báo tin cho Chúa Giêsu. Chi tiết này nói lên mối liên hệ thân tình giữa Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Gioan Tẩy giả là hướng về Chúa Giêsu. Gioan Tẩy giả không phải là Chúa Giêsu, nhưng là người giúp anh em mình đến với Chúa. Chính Gioan Tẩy giả đã tuyên bố: "Tôi không phải là ánh sáng, nhưng tôi đến để làm chứng cho ánh sáng".

Người Kitô hữu được mời gọi sống hướng về Chúa, kết hợp với Chúa, trở thành một Chúa Kitô thứ hai cho anh em. Nhưng đó là để giúp anh em đến với Chúa, chứ không dừng lại nơi mình. Người Kitô hữu không được chiếm chỗ của Chúa trong tâm hồn anh em: Chúa Kitô phải lớn lên trong tâm hồn anh em, còn tôi chỉ là phương thế, tôi không được cản trở anh em đến với Chúa.

Xin Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm và trung thành với sự thật, dù phải hy sinh chính mạng sống mình, để giúp người khác đến với Chúa và tin nhận Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Chết Cho Sự Thật (Mt 14,1-12)

Lịch sử nhân loại lúc nào cũng có chiến tranh, lúc nào cũng có hận thù. Khi thánh Gioan Tẩy Giả bị chém đầu cách đây hai ngàn năm, người ta cũng xôn xao bàn tán về cái chết của ngài. Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Mátthêu đã ghi lại hoàn cảnh cái chết của vị tiền hô. Ngài chết vì đã nói lên sự thật. Ngài chết cho sự thật. Tín hữu Kitô là những người đã đi theo Ðấng đã từng tuyên bố: "Ta là sự thật". Họ phải là những người sẵn sàng chết cho sự thật ấy.

Trong một cuộc thăm dò do viện Galup thực hiện, sáu mươi chín phần trăm người dân Mỹ cho biết họ tin là không có những chuẩn mực luân lý tuyệt đối. Trong một cuộc thăm dò khác, bảy mươi mốt phần trăm nói rằng không hề có một chân lý tuyệt đối. Không có chân lý tuyệt đối, cho nên theo họ chỉ có chân lý của số đông. Tiêu chuẩn của chân lý là số đông. Ðiều gì đám đông nghĩ, đám đông tin, đám đông bỏ phiếu, đám đông tán thành, là đúng. Chính vì tiêu chuẩn của chân lý là đám đông, nên có biết bao nhiêu hành động tội ác được hợp pháp hóa bởi vì đám đông đã tán thành. Còn gì độc ác dã man cho bằng hành động phá thai, nhưng nó đã được hợp pháp hóa bởi vì đám đông đã đồng tình.

Ðấng là sự thật đã chết trơ trụi một mình trên thập giá. Tuyên xưng mình là sự thật, sống cho sự thật, thường cũng đòi hỏi người tín hữu Kitô phải lội ngược dòng. Sự thật không có tính vụ lợi. Sự thật không được đánh giá bằng những lợi lộc hay đổi chác. Sự thật đòi hỏi con người phải hy sinh tất cả để nói lên sự thật và trung thành với sự thật. Sống chết cho sự thật, không có phần thưởng nào khác hơn là chính sự thật, bởi lẽ vì sống cho sự thật có thể mất hết mọi sự nhưng không đánh mất chính mình.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Chân Lý

Thời ấy tiểu vương Hê-rô-đê nghe danh tiếng Đức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Đó chính là ông Gio-an Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết chỗi dậy, nên quyền làm phép lạ mới tác động nơi ông.” (Mt. 14, 1-2)

Đoạn này kề về cuối đời của thánh Gio-an Tiền Hô, một con người bảo vệ chân lý. Ngài đã trung thành sống với Lời Ngài giảng. Đó chính là đức tính của vị ngôn sứ.

Ngôn sứ là ai?

Ngày nay quá nhiều kẻ tuyên bố sự thật. Họ rêu rao sự thật đến rát cổ mỏi miệng.

Có kẻ tách khỏi Giáo Hội và xỉ nhục điều này điều kia của Giáo Hội, phỉ nhổ vị này vị kia. Kẻ đó không phải là kẻ chân chính.

Gio-an Tiền Hô thành chướng ngại vật, là lời khiển trách sống động đới với Hê-rô-đê và với chúng ta nữa. Ngài không nói: “Hãy làm như tôi!” nhưng Ngài nói: “Đó là huấn lệnh của Chúa!” Thính giả nghe Ngài, nhưng còn phải nhìn kỹ Ngài sống thế nào! cần phải chiêm ngắm chân lý của sứ ngôn và đời sống của Ngài, thì họ sẽ không còn dám sống ích kỷ nữa.

Ngày nay thì sao?

Ngày nay có nhiều ngôn sứ không?

Ngôn sứ là người loan báo Đức Giêsu Kitô. Ông phải làm chứng về Đức Kitô.

Đức Giêsu là ai? Ngôn sứ phải nói về Người như thế nào cho thế hệ hiện tại: trước hết chúng ta phải nói đến quá khứ, kể lại Tin Mừng: nói về sự sống lại của Người, về con người mới mà Người đã làm chúng ta trở lên con người mới đó.

Ngôn sứ không được vì mình, nhưng phải là chứng nhân cho thế hệ hiện tại.

J.M

Suy niệm 4:

Theo các sách Tin Mừng, Gioan bị giết trong khung cảnh một bữa tiệc. 
Đó là tiệc mừng sinh nhật Hêrôđê Antipas là tiểu vương vùng Galilê và Pêrê. 
Nếu thế, bữa tiệc này hầu chắc diễn ra ở Tiberias, 
một thành gần hồ Galilê, nơi Hêrôđê đặt trung tâm quyền lực của mình. 
Gioan bị giết vì dám phản đối cuộc hôn nhân bất hợp pháp 
giữa Hêrôđê với bà Hêrôđia là vợ của Philíp, 
người anh cùng cha khác mẹ với mình. 
Chuyện ngoại tình của Hêrôđê bị Gioan Tẩy giả kết án là có thể hiểu được. 
“Ngài không được phép lấy bà ấy” (c. 4). 
Lấy vợ của người anh em là phạm đến Luật Chúa (Lv 18, 16; 20, 21). 
Gioan là một ngôn sứ không lùi bước trước sự bất công. 
Ông đã sẵn sàng bênh vực sự thật, dù ông biết cái giá phải trả. 
Hêrôđê đã dùng quyền lực để ép Gioan phải im miệng. 
Ông bắt Gioan, xiềng lại và tống vào ngục. 
Chỉ vì sợ phản ứng của dân chúng mà Hêrôđê chưa muốn giết Gioan. 
Bữa tiệc sinh nhật của Hêrôđê hẳn có nhiều quan khách tham dự. 
Chuyện cô công chúa như Salômê, con bà Hêrôđia, múa cho quan khách xem, 
là một chuyện lạ, nhưng vẫn có thể đã xảy ra. 
Không rõ vì cô xinh đẹp hay vì múa giỏi mà Hêrôđê ngây ngất (c. 6). 
Từ đó Hêrôđê không còn đủ sáng suốt, tỉnh táo, 
khi vội vã đưa ra một lời hứa kèm theo lời thề với cô. 
Cô muốn xin gì, nhà vua cũng thề hứa ban cho (c. 7). 
Chúng ta thấy Hêrôđê đã tự đưa mình vào thế kẹt dại dột và nguy hiểm. 
Ông đã không lường được hậu quả của chuyện đó. 
Hêrôđia chỉ chờ cơ hội này để thanh toán kẻ dám phá hạnh phúc của bà. 
Bà đã xúi con gái xin ngay thủ cấp của Gioan, đặt trên mâm. 
Hêrôđê hẳn đã lặng người khi nghe cô bé xin điều ấy. 
Ông lấy làm đau buồn vì đây thật là chuyện không ngờ (c. 9). 
Ông bị đặt trước một chọn lựa: giết hay không giết Gioan. 
Đám đông quan khách tạo một áp lực vô hình trên ông. 
Vì đã lỡ thề hứa trước mặt họ, nên ông không dám rút lại. 
Ông sợ rút lại sẽ bị mang tiếng là nuốt lời, và sẽ bị mất uy tín. 
Hêrôđê đã chọn mình, chọn danh dự và cái ghế của mình hơn. 
Ông hy sinh Gioan để giữ được tiếng tăm và tình yêu với bà Hêrôđia. 
Làm sao chúng ta có can đảm nhận ra mình sai lầm và dừng lại ? 
Làm sao chúng ta không bị cuốn từ tội này sang tội khác ? 
Rút lại một lời hứa có khi còn khó hơn giữ lời hứa ấy. 
Hêrôđê là người bị nô lệ bởi nỗi sợ, sợ Gioan, sợ dân, sợ quan khách… 
Đúng hơn là ông sợ mất chính mình, sợ người ta nghĩ xấu về mình. 
Có những lúc chợt tỉnh ngộ, tôi vẫn ngần ngại không muốn nhận mình sai. 
Tôi không dám nhận lỗi, vì tôi muốn mình vẫn đúng. 
Xin Chúa đưa tôi ra khỏi cơn mê muội của tôi. 

Cầu nguyện :

Như thánh Phaolô trên đường về Đamát, 
xin cho con trở nên mù lòa 
vì ánh sáng chói chang của Chúa, 
để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt. 
Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa, 
ánh sáng phá tan bóng tối trong con 
và đòi buộc con phải hoán cải. 
Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối 
chỉ vì chút tự ái cỏn con. 
Xin cho con khiêm tốn 
để đón nhận những tia sáng nhỏ 
mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày. 
Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý 
để Chân lý cho con được tự do. 

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

Suy niệm: 

A- Phân tích (Hạt giống...)

Qua chuyện này ta biết được đôi điều về Gioan và Hêrôđê.
 

 

1. Gioan Tẩy giả:

  • Một ngôn sứ trung thành với sứ mạng.
  • Một con người can đảm dám nói thật.
  • Con người ngôn sứ đó được dân chúng kính nể, kể cả giết Ngài cũng phải nể sợ Ngài.

2. Hêrôđê:

  • Một con người dám làm tất cả tội lỗi để thoả mãn những ước muốn xấu của mình.
  • Nhưng trong thâm tâm, con người này có nhiều nỗi sợ: sợ lương tâm (nên tưởng Chúa Giêsu là Gioan sống lại), sợ dư luận, và sợ vợ.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Cả hai nhân vật Gioan và Hêrôđê đều can đảm nhưng mỗi người có một cách khác nhau: Gioan can đảm làm điều tốt cho dù phải hy sinh tính mạng. Hêrôđê can đảm dám phạm bất cứ tội lỗi nào.

Không riêng gì tính can đảm, mà nhiều khả năng khác của con người (như trí thông minh, sức mạnh…) Phải được định hướng cho đúng mới tốt được. Kẻ càng can đảm, thông minh và mạnh khoẻ mà sử dụng những khả năng đó để làm điều xấu thì tai hại càng lớn.

Cám ơn Chúa đã ban cho con những khả năng. Nhưng xin dạy con biết dùng chúng cho đúng hướng.

2. Xét đến tâm trạng thì Hêrôđê tuy là vua nhưng lòng luôn áy náy lo âu, còn Gioan tuy là một tử tội nhưng lúc nào lòng cũng thanh thản. Vì Gioan làm đúng lương tâm còn Hêrôđê làm trái lương tâm.

3. Khi thấy hai con trai của mình đã lớn, người cha bảo chúng đi học nghề để tự lực cách sinh. Ba cha con thu xếp rồi lên đường đến một ngôi làng nọ. Người anh chọn nghề thợ rèn rồi vui sống với nghề nghiệp của mình. Người cha và đứa em tiếp tục đi đến một ngôi làng khác. Một hôm, hai cha con đi ngang một cánh đồng và thấy một con bò đang gặm cỏ, người chăn ở đâu không thấy mà làng mạc thì xa. Đứa con nói với cha: “Con thích làm nghề ăn trộm vì công việc nhẹ nhàng mà thu hoạch lại lớn”. Người cha nhăn mặt nhưng vẫn gật đầu nói “Con hãy đợi cha ở ven rừng. Cha cần vào làng có công việc.”

Người cha vừa đi khuất thì người con đã vội lùa đàn bò về nhà trọ. Khi người cha về đến nhà hai cha con bắt tay vào việc làm thịt bò. Nhưng trước khi thưởng thức món thịt bò, người cha nói: “Ta hãy đoán xem ai trong chúng ta sẽ béo lên vì thịt bò này”.

Hai cha con phải mất nhiều ngày mới ăn hết thịt bò, Trong khi người cha cứ ăn thì người con cứ đứng lên ngồi xuống không yên, chốc chốc anh lại ra ngoài xem có ai theo dõi mình không. Sau một tuần lễ, hai cha con kiểm tra xem ai béo hơn ai. Quả thật, người cha đã lên cân thấy rõ, còn người con ngày một gầy thêm. Lúc bấy giờ người cha mới giải thích: “Con biết không, thịt bò con ăn là thịt bò ăn trộm, còn thịt bò cha ăn là thịt bò cha đã bỏ tiền ra mua hẳn hoi. Trong khi con ở ven rừng nhìn ngắm con bò thì cha đã vào làng thương lượng với chủ bò để mua nó. Con thấy chưa, của ăn trộm chẳng bao giờ để ta ăn ngon ngủ yên được.” (Trích: “Chờ đợi Chúa”).

4. Bất kỳ ai trong chúng ta cũng được Thiên Chúa ban cho đặc ân cao quý là có quyền tự do lựa chọn. Chúng ta được quyền chọn bất cứ điều gì, hành động thế nào, cư xử ra sao như chúng ta muốn. Nhưng chúng ta đừng quên phải sử dụng quyền đó như thế nào. Vua Hêrôđê đã cho mình quyền “tự do” của một ông vua, nghĩa là muốn làm gì thì làm, muốn giết ai thì giết. Nhưng đâu biết rằng chính lúc ông thực hiện quyền tự do ấy cũng là chính lúc ông bị ràng buộc bởi một sức mạnh khác; đó là lời thề và danh dự của ông trước mặt các khách dự tiệc.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết sử dụng quyền tự do mà Ngài đã ban tặng cho con trong ánh sang của Lời Ngài. (Hosanna)

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúa là tinh yêu. Tình yêu của Chúa luôn sáng tạo, luôn làm mới lại từng ngày cho chúng con. Chúa yêu chúng con. Chúa tạo dựng chúng con. Chúa cứu chuộc chúng con. Chúa còn trao ban chính sự sống mình qua bí tích Thánh Thể để qua đó Chúa hòa nhập vào cuộc đời chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết dùng khả năng Chúa ban để thi thố tình thương cho anh chị em chúng con.

Nhưng Chúa ơi, xin tha thứ vì những lần chúng con dùng tài năng của mình để làm tổn thương người khác. Chúng con gây đau khổ cho tha nhân. Chúng con đã hại người, hại đời vì đời sống thiếu đạo đức, thiếu bác ái của chúng con. Xin Chúa giúp chúng con sửa đổi. Xin canh tân cuộc đời chúng con cho xứng với tình yêu tha thứ của Chúa. Xin giúp chúng con biết dùng khả năng, thời giờ Chúa ban để gieo yêu thương, hạnh phúc cho anh em của mình.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin cho chúng con biết sống có ích cho tha nhân và đừng bao giờ làm khổ anh em. Xin cho chúng con biết sử dụng hồng ân Chúa ban để ca tụng vinh danh Chúa luôn. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

Từ khóa:

môn đồ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận