Thánh Anphong Maria Ligôri, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Đăng lúc: Thứ ba - 01/08/2017 01:24 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thánh Anphong Maria Ligôri, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy".

 

Thánh nhân sinh năm 1696 tại Napôli. Người từ bỏ nghề luật sư để làm linh mục, rồi sau lại nhận trách nhiệm giám mục để loan báo tình yêu của Chúa Kitô. Người đi giảng không mỏi mệt, siêng năng giải tội và rất nhân từ với các hối nhân. Người đã lập Dòng Chúa Cứu Thế nhằm mục đích loan báo Tin Mừng cho dân các miền quê (1732). Người đã giảng dạy luân lý và viết nhiều tác phẩm về đời sống thiêng liêng. Người qua đời năm 1787.

 


Suy niệm: THÁNH ANPHONGSÔ SAY MẾN THIÊN CHÚA

Mỗi năm cứ vào ngày 01/ 8, toàn thể sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế trên khắp thế giới đều kỷ niệm ngày Cha thánh Anphongsô. Mà không tưởng nhớ và biết ơn  Ngài sao được khi Ngài đã vất vả ngược xuôi để loan báo Tin Mừng cho những người bơ vơ tất bạt, đồng thời lập ra một Hội  Dòng mang danh hiệu Chúa Cứu Thế, chuyên chăm lo cho những người nghèo khổ vào năm 1732 tại Napoli nước Ý  Đại Lợi.

MỘT CON NGƯỜI KỲ DIỆU:

Sống trong một thế giới, trong một xã hội mà con người đua đòi, chạy theo con đường ăn chơi, xa xỉ, phung phí tiền của. Sống trong một giai đoạn mà ngay cả giới nhà tu cũng tranh nhau qui tụ về chốn đô thị để hưởng thụ, thỏa hiệp và sống dễ dãi. Đời sống đạo đức ở nhiều nơi bị sa sút trầm trọng, bè rối hoành hành giữa lòng Hội Thánh. Con người tưởng chừng không đâu tìm ra lối thoát giữa một xã hội xem ra bị chìm lỉm, ngụp lặn trong tội lỗi. Anphongsô đệ Liguoriô xuất hiện. Chàng Anphongsô có mặt như vị anh hùng của thế kỷ. Với bầu nhiệt huyết sẵn có, với lòng đạo đức, thánh thiện, với thiện chí và lòng tin sắt đá, Anphongsô đã như hừng hực lửa Thánh Thần, bằng những tác phẩm giá trị và qua những lời giảng đầy lửa, đanh thép, Anphongsô đang vực dậy cả một Giáo Hội đang lâm nguy. Con người của Anphongsô sở dĩ có được tinh thần ấy và cảm nghiệm ấy bởi Anphongsô đã say mến Thiên Chúa. Ngài đã say mê Thiên Chúa với tất cả con người, với tất cả con tim rực cháy của mình. Mà chúng ta không xem Ngài như một con người kỳ diệu sao được khi Ngài có đủ điều kiện, đủ tài đức để sống vinh thân phì gia trong đất nước Ý Đại Lợi lúc đó: nhà giầu, cha mẹ quí phái, có chức có quyền trong triều đình, Anphongsô lại học giỏi mau chóng thành đạt với tuổi rất trẻ, mới 16 tuổi đời, Anphongsô đã đậu cả hai bằng tiến  sĩ đời và đạo. Với một tương lai rực sáng như thế, Anphongsô quả có đầy đủ tất cả để hưởng thụ một đời sống xa hoa, phú quí với nhà lầu, danh vọng, vợ đẹp, con khôn…

VẪN SỰ DIỆU KỲ CỦA CON ĐƯỜNG THIÊN CHÚA DẪN ĐƯA:

Cha mẹ của Anphongsô cứ tưởng ông bà rồi sẽ được hưởng thế giá của Anphongsô vì con của ông bà quá thành đạt trong cuộc sống trong xã hội. Ba của Anphongsô luôn muốn con của mình nối gót ông làm quan để làm ông bà nở mày nở mặt với xã hội, với mọi người. Là một trạng sư trẻ tuổi, Anphongsô đã thắng biết bao vụ kiện cho dù rất khó khăn. Bao nhiêu thân chủ của Anphongsô đã nhờ tài biện bác của Ngài, thắng nhiều vụ kiện li kỳ. Cuộc đời của Ngài tưởng chừng cứ càng ngày càng đi lên, càng ngày càng thành tựu trong cuộc sống và rồi Ngài sẽ không bao giờ bị thua bất cứ vụ bào chữa cho thân chủ nào. Tuy nhiên, Thiên Chúa có cách của Ngài: Anphongsô trong một vụ bào chữa cho một thân chủ tưởng rằng như cầm chắc phần thắng trong tay, nhưng chỉ một sơ xuất rất nhỏ nhặt, Anphongsô đã thua…Thiên Chúa đã đưa Anphongsô ra khỏi cái ảo tưởng của trần gian để rồi dùng Ngài như khí cụ bình an để làm vinh danh Thiên Chúa Cha. Trước một thất bại không ngờ, Anphongsô đã tỉnh giấc mơ và Ngài đã cương quyết rũ bỏ tất cả: tòa án, nghề luật sư, danh vọng, tiền tài vv…Anphongsô đã đặt thanh bảo kiếm tượng trưng cho dòng quí tộc dưới chân Đức Mẹ phù hộ và Ngài đã dứt khóat:” Đời ơi, ta chào mi “…

ANPHONGSÔ ĐÃ CHỌN SỰ KHÓ NGHÈO ĐỂ PHỤC VỤ NHỮNG NGƯỜI NGHÈO:

Từ khi đặt dưới chân Đức Mẹ phù hộ thanh bảo kiếm, Anphongsô như trút được tất cả gánh nặng trần thế, gánh nặng ước muốn danh vọng, tiền của và phú quí để đi theo Đấng Cứu Thế Giêsu. Sở dĩ thánh Anphongsô đã làm được việc lớn lao như thế dù rằng danh vọng, địa vị, tiền của, vợ đẹp đang trong tầm tay của Ngài là vì Ngài say mến Thiên Chúa, say mến Đức Giêsu, Con Người đến để phục vụ, chứ không phải để được hầu hạ. Thánh Anphongsô đã cảm nghiệm sâu sắc chỉ nơi Chúa Giêsu, ơn cứu độ mới tỏa lan nơi những người khác.Ngài cũng hoàn toàn bước theo con đường của Chúa, con đường khó nghèo, từ bỏ và hy sinh, con đường thập giá:” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu “( Ga 15, 13 ). Thánh Anphongsô đã chọn sự khó nghèo để lo cho người nghèo. Ngài đã thực hiện sự khó nghèo với tất cả con người của mình, bởi vì ngay khi làm lời khấn nguyền với Chúa không bỏ phí một giây phút nào trong cuộc sống, thánh Anphongsô đã sống ràng buộc mình trong sự khiêm hạ thâm sâu, một sự khiêm tốn như lột trần con người mình để rồi trút bỏ tất cả vinh dự, quyền bính để hoàn toàn hiến thân cho người nghèo.Đọc lại tiểu sử của Ngài chúng ta không khỏi ngạc nhiên và khâm phục vì một con người thông minh, giỏi giang và thuộc gia đình quí phái nhưng lại chấp nhận hoàn toàn tự nguyện sự khó nghèo và ràng buộc đến như thế ? Điều đó nói lên thánh Anphongsô đã yêu mến Chúa đến chừng nào, Ngài đã lắng nghe và thực thi  lời Chúa cách trọn hảo. Chỉ cần đọc lại những lời dốc lòng của thánh Anphongsô, sau ngày lãnh nhận sứ vụ linh mục, chúng ta sẽ hiểu Ngài như thế nào:

  • Tôi là linh mục: địa vị của tôi vượt trên địa vị các thiên thần, tôi sẽ sống tinh tuyền như các thiên thần.
  • Thiên thần nghe tiếng tôi: vậy tôi sẽ vâng nghe tiếng Người, dù tiếng đó được diễn tả qua sự linh ứng hoặc qua các vị bề trên của tôi.
  • Hội Thánh tôn kính tôi: tôi có bổn phận làm vẻ vang Hội Thánh bằng cuộc sống thánh thiện của tôi, bằng lòng nhiệt thành, bằng các việc làm và bằng tác phong xứng đáng của tôi.
  • Tôi dâng Đức Kitô lên Chúa Vĩnh Cửu: vậy tôi phải mặc lấy những đức tính của Chúa Giêsu và không đến gặp Đấng Thánh trên hết mọi vị Thánh mà không chuẩn bị trước.
  • Dân Kitô giáo coi tôi là thừa tác viên của công cuộc giao hòa họ cùng Thiên Chúa: Vậy tôi phải luôn lo sống trong tình nghĩa với Người và sống là người yêu, yêu quí đối với Người.
  • Những người công chính trông chờ vào gương lành của tôi như một động lực lôi kéo họ đến sự thánh thiện: tôi sẽ là một gương mẫu luôn luôn và cho mọi người.
  • Những kẻ tội lỗi chờ đợi tôi lôi kéo họ ra khỏi sự chết thiêng liêng: tôi sẽ nỗ lực trong việc đó bằng những kinh nguyện, bằng gương sống, lời nói và hoạt động của tôi.
  • Tôi cần có sức mạnh và can đảm để chiến thắng thế gian, hỏa ngục và xác thịt hư đốn. Với ơn thánh Chúa, tôi phải chiến đấu và chiến thắng.
  • Tôi có bổn phận đạt đến những kiến thức cần thiết để bênh vực cho đạo thánh chúng ta và  đánh đổ những lầm lạc và sự nghịch đạo.
  • Khiếp sợ mọi thứ sợ dư luận và những tình bạn thế tục, trốn tránh chúng như trốn tránh hỏa ngục: những lối sống này làm giảm phẩm chất linh mục.
  • Nguyền rủa lòng tham vọng và tư lợi như bệnh dịch hạch trong hàng ngũ linh mục: do tham vọng của mình, khá nhiều linh mục đã làm phương hại luật Chúa.
  • Hãy luôn luôn tỏ ra dễ thương, nhưng đừng nhẹ dạ: vậy hãy thận trọng, dè giữ, nhất là đối với phụ nữ, nhưng không bao giờ kiêu kỳ, cứng rắn hay khinh người.
  • Trầm tư, nhiệt thành, nỗ lực tập luyện nhân đức, thực tập cầu nguyện: đó phải là sự chuyên cần liên tục của tôi nếu tôi muốn sống đẹp lòng Chúa.
  • Tôi không phải tìm kiếm sự gì khác ngoài vinh quang cho Chúa, ngoài sự thánh hóa bản thân và phần rỗi của anh em tôi, cho dù phải mất mạng sống.
  • Tôi là linh mục: tôi phải chiếu tỏa nhân đức của Đức Giêsu Kitô và củng cố vinh quang của Người là Linh Mục tối cao và đời đời  – (Anphongsô đệ Liguoriô, tu sĩ Giám Mục Dòng Chúa Cứu Thế ).

Thánh Anphongsô quả là ngọn lửa say mến Chúa Giêsu và từ ngọn lửa say mến ấy, Ngài đã đốt lên, đốt mãi không ngừng trong  tâm hồn các sĩ tử của Ngài và cũng ngọn lửa ấy luôn được thắp lên trong mọi tâm hồn những người thành tâm tìm kiếm Chúa.

Thánh Anphongsô dù đã là Giám Mục, Ngài vẫn luôn sống khó nghèo và nơi Ngài luôn tỏa sáng ngọn lửa say mến Thiên Chúa. Thánh Anphongsô có lòng yêu mến Đức Mẹ, Ngài đã thực hành và truyền lệnh cho các sĩ tử của Ngài luôn phải sùng kính Đức Mẹ và rao truyền về Đức Mẹ. Ngài đã làm gương cho các sĩ tử và mọi người về việc lần chuỗi Mân Côi, Ngài nói:”Chuỗi Mân Côi là giây bền đỗ…”.

Thánh Anphongsô đã ra đi về với Chúa ngày 01/8/1787. Đức Giáo Hoàng Piô IX đã đặt cho Ngài tước hiệu tiến sĩ Giáo Hội năm 1871, và Đức Piô XII đặt Ngài làm quan thầy các giải tội và các nhà luân lý.

Mừng lễ thánh Anphongsô chúng ta hãy học đòi bắt chước gương say mến Thiên Chúa của Ngài và cầu nguyện cho Dòng Chúa Cứu Thế trong Giáo Hội:” Lạy Chúa, giữa lòng Giáo Hội, Chúa đã muốn cho gia đình Dòng Chúa Cứu Thế được khai sinh như một cây nho chính tay Chúa trồng và săn sóc từ thuở ban đầu cho đến ngày nay.

Tất cả chúng con xin hết lòng hân hoan tạ ơn Chúa. Chúa đã thương trồng cây nho bé mọn Dòng này. Bao lần, Chúa đã mạnh tay quét sạch khó khăn, dẹp hết chướng ngại. Chúa đã khẩn hoang bốn bề quang đãng để nó bén rễ sâu và lan rộng khắp các lục địa. Chúa cũng đã cho bóng nó rợp các núi non, nhánh nó vươn dài đến các đại dương, chồi nó nảy lên mạnh mẽ. Chúa lại ban cho nó một tương lai hứa hẹn. Nguyện xin Chúa tiếp tục bảo vệ cây nho tay phải, Chúa đã vun trồng, xin cho nó vươn lên mãi, lá xanh, hoa tốt để mang lại cho thế giới những chùm quả ơn cứu chuộc chứa chan nơi Chúa. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, C.Ss.R

Lời Chúa: Mt 13, 36-43

Khi ấy, sau khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe".

Người đáp lại rằng: "Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Bài học kiên nhẫn

Ngày 13/5/1917 Ðức Mẹ hiện ra với ba trẻ mục đồng tại Fatima và cho biết Nước Nga sẽ trở lại. Cũng chính năm đó, Lénine đã thực hiện cuộc cách mạng tháng mười để xóa bỏ mọi bất công của chế độ quân chủ và xây dựng thiên đàng tại thế. 80 năm trước đây, lắng nghe và tin vào những lời tiên báo của ba trẻ Fatima thật là phi lý. Nhưng thời giờ của Thiên Chúa không phải là thời giờ của con người. Lucia, một trong ba trẻ đã được diễm phúc chứng kiến sự ứng nghiệm của lời tiên báo; các bức tường đã sụp đổ, bạo động và máu nhường chỗ cho sự tha thứ, lòng nhân từ, tinh thần hòa giải.

Kiên nhẫn là một trong những bộ mặt của niềm hy vọng Kitô giáo. Con người làm lịch sử, nhưng chính Thiên Chúa mới là Ðấng hướng dẫn mọi nẻo đường về với Ngài. Ðó là bài học mà có lẽ Giáo Hội muốn nhắn gửi chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay.

Dụ ngôn về cỏ lùng thoạt tiên gợi lên cho chúng ta một trong những thảm kịch lớn của nhân loại. Ở thời đại nào cũng có những người muốn thanh tẩy xã hội bằng các cuộc sàng lọc không tiếc xót: từ Tần Thủy Hoàng đến Hitler, Pônpốt qua các cuộc chiến hiện nay. Khi người ta muốn loại bỏ cỏ lùng, thì người ta cũng nhổ đi cả cây lúa tốt tươi.

Qua dụ ngôn cỏ lùng, có lẽ Chúa Giêsu còn muốn nói đến một thảm kịch khác sâu sắc hơn, đó là thảm kịch của lòng người. Trong đáy thẳm tâm hồn, ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được sự giằng co xâu xé giữa một bên là khả năng hướng thiện và một bên là sức mạnh của tối tăm. Cỏ lùng vẫn cố gắng vươn lên trong cánh đồng tâm hồn chúng ta. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy một cách chính xác khi Ngài nói: "Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, còn sự ác không muốn thì tôi lại làm". Sức mạnh của tội ác, của ma quỷ, của sự dữ trong tâm hồn mỗi người chúng ta là một thực tại không thể chối cãi được. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã chẳng dạy chúng ta cầu nguyện: Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ đó sao?

Cảm nghiệm sâu sắc về nỗi yếu hèn và khốn khổ của mình, con người mới cảm thấy cần cảm thông, kiên nhẫn và tha thứ cho người khác hơn. Ðó là bài học thực tiễn mà có lẽ mỗi người chúng ta cần đào sâu, đồng thời cầu xin để mỗi ngày chúng ta phát hiện ra những tia sáng tình thương của Chúa và chia sẻ tình yêu với những người xung quanh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Kiên nhẫn chờ đợi

Sách Xuất Hành chương 33,7-11; 34,5-9 nhắc đến việc ông Môsê nói chuyện trực tiếp với Thiên Chúa như người với người, đó là mẫu gương cho việc cầu nguyện của mọi người Kitô hôm nay. Cầu nguyện là nói chuyện trực tiếp với Chúa. Chúng ta có thể xét mình xem đời sống cầu nguyện của tôi hiện nay ra sao? Cái gì giúp tôi dễ dàng cầu nguyện tiếp xúc với Thiên Chúa?

Một người Kitô mà mất liên lạc với Thiên Chúa thì giống như là sống nơi ngõ hẽm cụt, giống cùng hoàn cảnh như kẻ chối bỏ Thiên Chúa. Hơn nữa, càng cầu nguyện chúng ta càng được biến đổi, trở nên giống như Chúa, nhất là bắt chước được thái độ kiên nhẫn và nhân từ của Thiên Chúa đối với từng tật xấu của anh chị em chung quanh. Thái độ kiên nhẫn nêu gương của Thiên Chúa được Chúa Giêsu mạc khải qua dụ ngôn Cỏ Lùng trong ruộng lúa được kể lại nơi Phúc Âm thánh Mátthêu hôm nay.

Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho tới ngày cuối cùng Ngài mới ra tay phán xét phân biệt kẻ lành người dữ trong khi đó thì các tôi tớ không có đủ kiên nhẫn chờ đợi, muốn nhổ bỏ cỏ lùng ngay khi vừa phát hiện ra chúng. Phải, mỗi người chúng ta cần noi gương kiên nhẫn của Thiên Chúa và người Kitô học được sự kiên nhẫn đó nhờ qua việc cầu nguyện.

Lạy Chúa,

Chúng con chúc tụng Chúa là Thiên Chúa nhân từ và kiên nhẫn bởi vì Chúa tuy là Ðấng toàn năng nhưng lại phán xét con người một cách đại độ, nhân từ. Chúa dạy chúng con sống nhân từ, kiên nhẫn như Chúa, lúc nào cũng sẵn sàng yêu thương tha thứ những sơ sót lỗi lầm của anh chị em chung quanh.

Lạy Chúa,

Xin dạy chúng con biết chấp nhận những giới hạn của chính mình cũng như của anh chị em chung quanh như chính Chúa đã chấp nhận chúng con. Xin dạy con biết dấn thân làm việc cho Chúa nhưng đồng thời biết kiên nhẫn chịu đựng chờ đợi tới ngày hạt giống Lời Chúa trổ sinh hoa trái tốt lành nơi chính chúng con và trong xã hội chung quanh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Màn chung cuộc vĩ đại

“Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cò lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các Thiên Thần. Vậy như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế thì cũng xảy ra như vậy.” (Mt. 13, 36b. 37-40)

Phúc Âm trình bày cho ta màn chung cuộc vĩ đại của Tấn Tuồng Nhân Loại. Lần cuối cùng người ta được gặp lại Con Người, các người lành và kẻ dữ. Các Thiên Thần được phái xuống ngay để thi hành lệnh chọn lựa!

Tôi mừng vì biết rằng nếu tôi thi hành đúng từng chữ một mà bài học Phúc Âm dạy tôi thì tôi chẳng phải dục lòng tin về thực tại những hình ảnh thánh sử dùng.

Lại nữa tôi không thể sử dụng Phúc Âm mà áp đặt những phạm trù của tôi để phân loại người lành kẻ dữ, làm như vậy có lẽ sẽ gây những ngạc nhiên, vả lại, nhiều nơi trong Phúc Âm, Chúa cũng lưu ý tôi về điều này:

Tôi nhớ hai điều Chúa gợi ý cho chúng ta.

Điều thứ nhất.

Chúa Giêsu nói: “Ai có tai hãy nghe!” không phải là lần đầu, Chúa nhắc nhở chúng ta điều này. Chúng ta có tai nghe để nghe, có mắt để nhìn, có trí khôn để hiểu biết! Chúa ngỏ lời với những người nghèo khó của Nước Trời. Người không để mình chìm đắm trong những suy nghĩ trừu tượng và không và không hiểu nổi. Ta không viện cớ biện minh cho sự ta không biết. Bởi lẽ, hết thảy chúng ta đều biết Chúa đòi hỏi nơi ta điều gì, chúng ta hiểu biết cả đấy. Nhưng ta cũng giống những người Do-thái xưa nói rằng: “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi.” Hoặc giống như những người Co-rin-tô nói với thánh Phao-lô: “Thôi để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói”

Điều thứ hai.

Chúa Giêsu nói: “Khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã”. Người không sợ hãi gương xấu, không tôn trọng lề luật họ sẽ nhận ra những nỗi khủng khiếp của hành động chối từ tình yêu Thiên Chúa. Bởi vì làm gương xấu là hành động phản bội tình yêu, đi ngược với sự thật, và ai không tôn trọng luật pháp, người ấy chối bỏ những giới răn của Chúa, những giới răn của tình yêu! Một tình yêu cũng gây tổn thương như tình yêu Đức Kitô đối với ta vậy. Một tình yêu vốn tra vấn ta trong từng giây phút cuộc đời ta. Nếu yêu mến, ta không thể sống lì trong gương xấu làm cớ cho người khác sa ngã; nếu yêu mến Chúa, ta tuân giữ lệnh truyền của Chúa.

 

Suy niệm 4:

“Chẳng phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng của ông sao? 
Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?” (Mt 13, 27). 
Có lẽ một số Kitô hữu trong Hội Thánh sơ khai đã đặt câu hỏi tương tự 
khi họ thấy có những phần tử xấu trong cộng đoàn của mình. 
“Ông có muốn chúng tôi nhổ đi không?” 
Ông có muốn chúng tôi trục xuất họ ra khỏi cộng đoàn không? 
Có người tưởng rằng một Hội Thánh phải gồm toàn những thánh nhân. 
Hội Thánh không có chỗ cho tội nhân, cho con cái Ác Thần (c. 38). 
Lời từ chối của ông chủ ruộng cho thấy sự nhẫn nại của Thiên Chúa. 
“Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 
Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt” (Mt 13, 28-29). 
Thiên Chúa chấp nhận cỏ lùng mọc chung với lúa, 
con cái Nước Trời sống chung với con cái Ác Thần cho đến tận thế. 
Nhẫn nại và bao dung là dấu hiệu của sự thánh thiện đích thực, 
sự thánh thiện này biết chờ đợi, biết tôn trọng tự do của con người. 
Đôi khi chúng ta cũng có thái độ nóng nảy của Giacôbê và Gioan, 
khi đòi đốt cả làng người Samari khi họ không chịu đón Chúa (Lc 9, 54). 
Chúng ta vẫn sống trong một thế giới vàng thau lẫn lộn. 
Có khi không phân biệt được lúa với cỏ lùng, 
vì trong cái tốt vẫn ẩn hiện bóng dáng của cái bất toàn, 
và trong cái xấu thi thoảng cũng lóe lên những tia sáng của chân lý. 
Một người tốt có thể trở nên cỏ lùng. 
Một người xấu có thể trở nên gié lúa trĩu hạt. 
Chúng ta chưa thể nói gì về một con người khi người ấy chưa nhắm mắt, 
và khi chưa nghe lời phán xử cuối cùng của Thiên Chúa. 
Người đầu tiên được bảo đảm vào Nước Trời lại là một tên gian phi. 
Nhiều vị thánh hôm nay là những người trước đây đã làm điều gian ác. 
Nếu tôi tự đặt câu hỏi: Tôi là lúa hay cỏ lùng? 
Tôi sẽ thấy lúng túng khi tìm câu trả lời. 
Nơi trái tim tôi, tôi thấy có sự giằng co giữa chọn Chúa và Ác Thần. 
Có lúc tôi thấy mình như đã thuộc trọn về Chúa, 
có lúc lại thấy thế gian và xác thịt như hoàn toàn thống trị mình. 
Ngay trong điều tốt tôi làm, vẫn có điều gì không tuyệt đối trong suốt. 
Tôi hiểu rằng cỏ lùng vẫn có chỗ trong thửa ruộng của lòng tôi. 
Thiên Chúa vẫn chấp nhận tôi như thế đó. 
Nếu Ngài nghiêm phạt tôi thì tôi đâu còn sống đến nay. 
Dụ ngôn trên nhắc chúng ta không được tiếm quyền xét xử của Thiên Chúa, 
không đòi xóa sạch sự dữ trong một sớm một chiều. 
Nhưng chúng ta lại không được để mặc cho sự dữ thao túng. 
Chúng ta dám hy sinh mạng sống để xây dựng một thế giới công bình. 
Đức Giêsu đã bị sự dữ nuốt chửng, nhưng cuối cùng Ngài đã chiến thắng. 
Cuộc đời Kitô hữu là một nỗ lực không ngừng để nhổ cỏ lùng nơi mình, 
và khao khát vươn tới sự thánh thiện của chính Thiên Chúa. 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu, 
nếu ngày mai Chúa quang lâm, 
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng. 
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang, 
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa. 
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt, 
Chúa đâu muốn mất một người nào... 
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa 
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng, 
vui tươi và hạnh phúc, 
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn 
cho mọi người và cho cả vũ trụ. 
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con 
niềm tin vững vàng 
và niềm hy vọng nồng cháy, 
để tất cả những gì chúng con làm 
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại. Amen. 

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

 

Tuesday (August 1):  “The righteous will shine like the sun in the Father’s kingdom”

 

Scripture:  Matthew 13:36-43  

36 Then he left the crowds and went into the house. And his disciples came to him, saying, “Explain to us the parable of the weeds of the  field.” 37 He answered, “He who sows the good seed is the Son of man; 38 the field is the world, and the good seed means the sons of the kingdom; the weeds are the sons of the evil one, 39 and the enemy who sowed them is the devil; the harvest is the close of the age, and the reapers are angels. 40 Just as the weeds are gathered and burned with fire, so will it be at the close of the age. 41 The Son of man will send his angels, and they will gather out of his kingdom all causes of sin and all evildoers, 42 and throw them into the furnace of fire; there men will weep and gnash their teeth. 43 Then the righteous will shine like the sun in the kingdom of their Father. He who has ears, let him hear.

Thứ Ba  1-8           Người công chính sẽ chiếu sáng như mặt trời trong nước Cha

 

Mt 13,36-43

36 Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.”37 Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người.38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần.39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần.40 Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy.41 Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người,42rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.

Meditation: Are you quick to judge the faults of others? Jesus’ parable teaches us patience lest we judge before the time is right. Jesus also warns that there is an enemy who seeks to destroy the good seed of his word before it can bear fruit. Both good and evil can be sown in our hearts like tiny seeds which germinate, and in due time yield a harvest of good or bad fruit. We must stand guard lest evil take root in our hearts and corrupt us.

 

Reaping what we sow in this life 

Charles Read wrote: “Sow an act and you reap a habit. Sow a habit and you reap a character. Sow a character and you reap a destiny.” In the day of judgment each will reap what he or she has sown in this life. Those who sow good will shine in the kingdom of their Father. They will radiate with the beauty, joy, and fullness of God’s love. Do you allow the love of Jesus Christ to rule in your heart, thoughts, and actions?

“Lord Jesus, may your all-consuming love rule in my heart and transform my life that I may sow what is good, worthy, and pleasing to you.”

Suy niệm: Bạn có nhanh chóng xét đoán những lỗi lầm của người khác không? Dụ ngôn của Đức Giêsu dạy chúng ta tính kiên nhẫn kẻo sợ rằng chúng ta sẽ xét đoán trước thời gian thích hợp. Đức Giêsu cũng cảnh báo rằng có kẻ thù, luôn tìm cách phá hoại hạt giống tốt của lời Ngài trước khi nó có thể sinh trái. Cả điều tốt và xấu có thể được gieo vào lòng chúng ta như những hạt giống nhỏ nẩy mầm, cho tới thời gian sinh hoa trái tốt hay xấu. Chúng ta phải đề phòng kẻo lỡ sự xấu ăn rễ trong lòng chúng ta và sẽ tiêu hủy chúng ta.

 

Gặt những gì chúng ta gieo ở đời này

Charles Read nói: “Gieo một hành động, gặt một thói quen. Gieo một thói quen, gặt một bản tính. Gieo một bản tính, gặt một số phận.” Trong ngày phán xét, mỗi người sẽ thu gặt những gì mà họ đã gieo trong cuộc đời này. Những ai gieo giống tốt sẽ chiếu sáng trong vương quốc của Cha. Họ sẽ tỏa sáng với vẻ đẹp, niềm vui, và sự sung mãn của tình yêu Thiên Chúa. Bạn có cho phép tình yêu của Đức Giêsu Kitô cai quản tâm hồn, các tư tưởng, và những hành động của bạn không?

Lạy Chúa Giêsu, chớ gì tình yêu nóng bỏng của Chúa cai quản linh hồn con và biến đổi cuộc đời con để con có thể gieo những gì tốt lành, có giá trị, và làm vui lòng Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận