Thánh Mácximilianô Maria Kônbê, linh mục, tử đạo.

Đăng lúc: Thứ hai - 14/08/2017 02:06 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thánh Mácximilianô Maria Kônbê, linh mục, tử đạo. Lễ nhớ.

"Họ sẽ giết Người, nhưng Người sẽ sống lại. Con cái thì được miễn thuế".

 

Thánh nhân sinh ngày 8 tháng 1 năm 1894 tại Ba Lan. Người gia nhập Dòng Anh Em Hèn Mọn và năm 1918 thụ phong linh mục tại Rôma. Đầy lòng yêu mến nồng nàn đối với Đức Trinh Nữ Maria Thánh Mẫu Thiên Chúa, người lập một hội đạo đức lấy tên là “Đạo binh Đức Maria Vô Nhiễm”. Hội này đã được truyền bá rộng rãi cả ở quê hương của người lẫn ở nhiều miền khác. Người đã đến Nhật Bản để truyền giáo, hăng say loan báo đức tin Kitô giáo dưới sự chăm sóc và bảo trợ của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Khi đã trở về Ba Lan, người phải chịu biết bao cơ cực, nhọc nhằn một thời gian dài trong trại tập trung Ốt-suýt vì chính sách kỳ thị chủng tộc. Người đã hiến dâng mạng sống mình làm lễ toàn thiêu vì lòng bác ái ngày 14 tháng 8 năm 1941.

 

Lời Chúa: Mt 17, 21-26

Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu còn đang ở Galilêa, thì Chúa Giêsu bảo các ông rằng: "Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết người, nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Các môn đệ rất đỗi buồn phiền.

Khi các ngài đến Capharnaum, thì những người thu thế đền thờ đến gặp Phêrô và hỏi rằng: "Thầy các ông không nộp thuế "đền thờ' sao?" Ông nói: "Có chớ".

Khi ông về đến nhà, Chúa Giêsu hỏi đón trước rằng: "Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian thu thuế má hạng người nào? Đòi con cái mình hay người ngoài?" Ông thưa rằng: "Đòi người ngoài". Chúa Giêsu bảo ông rằng: "Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để chúng ta không làm cho họ vấp phạm, con hãy ra biển thả câu: con cá nào câu lên trước hết thì bắt lấy, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng tiền, con hãy lấy tiền đó mà nộp cho họ, trả phần Thầy và phần con".

 

 

Suy niệm 1: Nộp Thuế Cho Ðền Thờ

Vào thời Chúa Giêsu, người Do thái không những phải đóng thuế cho nhà nước tức là thuế dân sự, mà còn phải đóng thuế cho Ðền thờ nữa: ngoại trừ đàn bà, các thiếu niên và các nô lệ, tất cả những ai từ 20 tuổi trở lên đều phải nộp thuế để bảo trì và tu sửa Ðền thờ Giêrusalem.

Câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay xẩy ra vào khoảng tháng 10, năm thứ hai cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu, tức là ít lâu sau biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Thabor. Chúa Giêsu và các môn đệ trở lại Capharnaum, và ở đó, những người thu thuế đến yêu cầu Phêrô nộp thuế. Dĩ nhiên là Phêrô sẵn sàng nộp thuế.

Khi Phêrô về tới nhà, Chúa Giêsu hỏi đón ông: "Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian lấy thuế của ai? Con cái mình hay người ngoài? Phêrô đáp: "Thưa, người ngoài. Chúa Giêsu liền bảo thế thì con cái được miễn". Ðây cũng là một mạc khải, bởi vì qua câu: "Thế thì con cái được miễn", Chúa Giêsu muốn nói rằng xét về bản tính Thiên Chúa, Ngài không phải nộp thuế; nhưng xét về bản tính loài người, Ngài cũng tuân giữ việc nộp thuế cho Ðền thờ như bất cứ ai. Tuy nhiên, Ngài nộp thuế bằng một phép lạ: Chúa Giêsu bảo Phêrô đi câu cá, bắt được con cá đầu tiên, trong miệng có một đồng bạc, đủ để nộp thuế cho Ngài và cho Phêrô. Chúa không bảo Giuđa xuất quĩ mà nộp, cũng không bảo các phụ nữ đạo đức dâng cúng, nhưng Ngài đã làm phép lạ để các môn đệ tin vào quyền năng của Ngài.

Nếu ngày xưa, người Do thái có bổn phận nộp thuế cho Ðền thờ để lo việc phụng sự Nhà Chúa, thì ngày nay trong Giáo Hội cũng có những cách đóng góp hay dâng cúng, đó cũng là một việc thờ phượng và là một sự chia sẻ cho những anh chị em nghèo khó. Chúng ta hãy nhận ra nét đặc biệt trong nhân cách của Chúa, khi hòa nhập vào nếp sống cụ thể của những người đồng thời với Ngài. Mầu nhiệm nhập thể đòi buộc Chúa phải chia sẻ trọn vẹn đời sống con người. Ước gì chúng ta cũng biết noi gương Chúa, chấp nhận như hạt lúa mì rơi xuống đất và chết đi để trổ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 2: Quy Luật Của Cuộc Sống (Mt 17,22-27)

Bác sĩ Ý Antinori đã tạo ra một chấn động mạnh trong lương tâm nhân loại khi ông tuyên bố việc tạo sinh con người theo phương pháp vô tính. Phương pháp tạo sinh vô tính đã được áp dụng thành công vào việc sản sinh ra con cừu có tên là Doli tại Anh Quốc cách đây vài năm và đã được áp dụng vào những loài vật khác nhau từ chuột đến bò, heo. Vấn đề cần đặt ra không phải là chuyện phương pháp kỹ thuật tạo sinh vô tính có hoàn hảo không. Tất nhiên, đem thí nghiệm tạo ra một con người mà không biết chắc sẽ sinh ra một con người bình thường hay một quái thai, quả là một hành động liều lĩnh, vô trách nhiệm. Nhưng ngay cả khi phương pháp tạo sinh vô tính đã được nghiên cứu tới mức hoàn hảo đi nữa thì câu hỏi vẫn là con người có quyền sản sinh vô tính con người không? Không riêng gì những con người có niềm tin tôn giáo mà ngay cả với những ai không thuộc tôn giáo nào đi nữa, đã là con người có lương tri, người ta không thể trốn tránh một câu hỏi như thế.

Tựu trung, đạo đức vẫn luôn luôn là chiều kích bao trùm toàn bộ mọi khía cạnh của cuộc sống con người. Trong bất cứ sinh hoạt nào, con người cũng luôn luôn phải tự hỏi: Tôi có được phép làm điều này không? Tôi phải cư xử như thế nào cho xứng với phẩm giá con người? Ðã làm người là phải chấp nhận những giới hạn. Không ai được hỏi ý kiến khi sinh ra. Không ai chọn lựa cha mẹ, quê hương để sinh ra. Con người đến trong cõi đời không do chọn lựa của mình. Ðiều ấy cho thấy tính giới hạn là tất yếu đối với con người. Cái chết lại càng là một khẳng định về những giới hạn ấy, mà đã có giới hạn, cho nên con người không thể sống mà không tuân theo những qui luật của cuộc sống. Bên cạnh những qui luật của thiên nhiên, quan trọng hơn cả là những qui luật đạo đức. Chỉ khi nào tuân hành những qui luật đạo đức ấy, con người mới có thể triển nở trong nhân cách và thành toàn.

Là người tín hữu Kitô chúng ta được mời gọi để suy nghĩ về thân phận con người dưới ánh sáng mầu nhiệm nhập thể. Chỉ trong Ngôi Lời nhập thể làm người, chân lý về con người mới được sáng tỏ. Chúng ta biết về mình và chúng ta biết phải sống như thế nào cho ra người khi nhìn vào con người và cuộc sống của Chúa Giêsu. Trong thư gởi cho giáo đoàn Philipphê, thánh Phaolô đã tuyên xưng mầu nhiệm nhập thể như sau: "Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì sự ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự".

Quả thật, Chúa Giêsu là mẫu gương của vâng phục. Suốt ba mươi năm ẩn dật tại Nazareth, Ngài đã vâng phục cha mẹ, tuân thủ các Lề Luật của Môsê. Tin Mừng hôm nay ghi lại việc Ngài đóng thuế cho đền thờ, đây là một điển hình của rất nhiều cử chỉ vâng phục mà Chúa Giêsu đã thể hiện trong suốt cuộc đời trần thế của Ngài.

Vâng phục là nói lên tính cách bất toàn và giới hạn của thân phận con người. Ðã làm người, Chúa Giêsu đã không đi ra ngoài những qui luật ấy của thân phận con người, nhưng chính vì vâng phục mà Ngài đã chọn kiếp sống con người. Ngài là một mẫu người hoàn hảo. Hoàn hảo không phải vì không có giới hạn trong kiếp người mà chính là vì đã vâng phục. Thánh Phaolô đã khẳng định rằng: "Chính vì Ngài đã vâng phục mà Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban cho Ngài danh hiệu, vượt lên trên muôn ngàn danh hiệu".

Vâng phục để được suy tôn, tự hạ để được nâng lên. Sống những giới hạn của kiếp người với tinh thần trách nhiệm để được là người hơn. Ðó là qui luật của cuộc sống mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 3: Tình yêu của con người? … của Thiên Chúa.

Khi thầy trò tụ họp ở miền Galilê, Đức Giêsu nói với các ông: “Con người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy.” Các môn đệ buồn phiền lắm. (Mt. 17, 22-23)

Lần thứ nhất Đức Giêsu loan báo Người sẽ phải chịu chết, Phê-rô, nhân danh mình và các bạn tông đồ ra mặt phản đối. Tại sao? Thưa, Người đã không làm điều gì dữ. Người phải xa lánh Giê-ru-sa-lem vì thảm họa sẽ xảy ra ở đó. Chớ gì người ta chẳng cho phép bảo vệ Người. Những kẻ muốn mưu hại tính mạng thường đến đó. Thầy không muốn nghe về những chuyện đó. Phê-rô và các tông đồ nhớ rõ Thầy đã khiển trách các ông như thế rồi. Không có chuyện tái can Thầy nữa. “Các ông buồn!” Người ta nổi khùng khi đứng trước một người thân yêu lâm bệnh nguy tử, đành khoanh tay ngồi nhìn trước cảnh tượng vô phương đó, chúng ta cũng buồn. Người thân yêu của chúng ta sắp ra đi. Còn yêu gì được nữa.

Trống rỗng và nặng nề.

Con tim trống rỗng làm chúng ta cảm thấy bị đè nặng.

Các tông đồ buồn sầu. Còn nói gì được nữa? các ông biết chắc sẽ xẩy ra như thế vì Chúa đã nói rồi. Làm sao không tin được? Mọi sự Người đã nói, đã loan báo, thì đã thực hiện. Những công việc của Thiên Chúa mà Thầy hoàn tất chứng tỏ Thầy biết rõ ý định của Chúa Cha.

Phép lạ!

Nhân dịp kẻ thu thuế đòi đóng thuế, Đức Giêsu làm một phép lạ rất giản dị và dịu êm.

Thấy một con cá nuốt một vật, chẳng phải lạ, dù là một đồng tiền hay vật khác. Nhưng lạ lùng là chính Phê-rô đã bắt được con cá này để lấy đồng tiền ra nộp thuế đền thờ.

Đức Giêsu cho biết: Con không phải nộp thuế cho Cha. Cuộc thương khó và cái chết của Thầy nói cho biết Thầy là Con Chúa Cha. Để chứng tỏ Con luôn luôn vâng lời hết mọi sự.

J.M

 

Suy niệm 4:

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta không khỏi mỉm cười, 
khi nghĩ đến việc anh Phêrô đi ra hồ Galilê để thả câu bắt cá, 
một chuyện bắt cá rất bất thường, vì một mục đích cũng bất thường. 
Thầy Giêsu dặn anh hãy túm lấy con cá đầu tiên câu được, 
bắt lấy, mở miệng nó ra, thấy ngay một đồng tiền trị giá bốn quan, 
vừa vặn để nộp thuế Đền Thờ cho cả Thầy lẫn trò. 
Đây là thứ thuế mà hàng năm, theo sách Xuất hành (30, 14) 
những người đàn ông Do Thái trên hai mươi tuổi phải nộp 
để lo việc tu bổ Đền Thờ và việc tế tự trong đó. 
Ta không thấy kể chuyện anh Phêrô đã vâng lời Thầy ra sao, 
và phép lạ đã xẩy ra như thế nào. 
Chỉ biết chẳng khi nào trong Tân Ước 
Thầy Giêsu lại có ý làm một phép lạ vì lợi ích cho mình như vậy. 
Nhưng chuyện bắt cá để lấy tiền nộp thuế 
lại không phải là chuyện quan trọng của đoạn Tin Mừng này. 
Điểm chính yếu nằm ở những câu nói của Thầy Giêsu. 
Ai cũng biết con cái của vua chúa trần gian thì được miễn thuế, 
vì các vua chỉ đánh thuế người ngoài thôi (c. 26). 
Đức Giêsu chính là Người Con tuyệt hảo của Vị Vua thiên quốc. 
Và những Kitô hữu cũng là con cái của Đức Vua tối cao. 
Họ là những người đã mở lòng đón nhận Nước Trời (Mt 13, 38), 
và đã gọi Thiên Chúa là Cha trên trời của chúng con (Mt 6, 9). 
Như thế Thầy Giêsu và các môn đệ của mình đều được miễn thuế. 
Thầy trò không phải nộp thuế Đền Thờ như những người Do Thái khác. 
Tuy Thầy trò có quyền không nộp thuế, 
nhưng Thầy Giêsu lại không muốn làm cớ cho người khác vấp phạm. 
Khi về đến nhà của anh Phêrô ở Caphácnaum, 
Thầy Giêsu bày tỏ ý muốn nộp thuế Đền Thờ cho cả Thầy lẫn trò. 
Thầy chấp nhận giữ luật mà các người đàn ông Do Thái đều giữ. 
Thầy biết mình có tự do, 
nhưng Thầy cũng dám hy sinh tự do ấy vì lợi ích cho người khác. 
Thánh Phaolô cũng sẽ nói về nguyên tắc này khi bàn về việc ăn đồ cúng. 
“Đành rằng mọi thức ăn đều thanh sạch, 
nhưng ăn mà gây cớ vấp ngã, thì là điều xấu” (Rm 14, 20). 
Chúng ta cần lưu tâm đến những người “yếu” trong cộng đoàn. 
Chính tình yêu đối với họ khiến tôi cân nhắc điều mình được phép làm. 
Tự giới hạn tự do của mình là một cách để biểu lộ tình yêu. 
Thế giới hôm nay ca ngợi tự do, nên cũng đầy cớ gây vấp phạm. 
Bao sa ngã của giới trẻ là do sự phóng túng của người lớn. 
Con người hôm nay quá gần nhau bởi các phương tiện truyền thông, 
nên ảnh hưởng xấu lan đi vừa nhanh lại vừa rộng. 
Nếu chúng ta tự ý làm hay tránh làm một điều gì đó 
chỉ vì tôn trọng lương tâm mong manh của người khác, 
thì Thiên Chúa cũng sẽ giúp ta bằng những phép lạ thật ngỡ ngàng. 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa, 
xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng 
trước mọi biến cố của cuộc sống, 
khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm, 
hay gặp sự bất trung, bất tín 
nơi những người con tin tưởng cậy dựa. 
Xin giúp con gạt mình sang một bên 
để nghĩ đến hạnh phúc người khác, 
giấu đi những nỗi phiền muộn của mình 
để tránh cho người khác phải đau khổ. 
Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời, 
để đau khổ làm con thêm mềm mại, 
chứ không cứng cỏi hay cay đắng, 
làm con nhẫn nại chứ không bực bội, 
làm con rộng lòng tha thứ, 
chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ. 
Ước gì không ai sút kém đi 
vì chịu ảnh hưởng của con, 
không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật, 
lòng cao thượng, tử tế, 
chỉ vì đã là bạn đồng hành của con 
trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu. 
Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối, 
xin cho con có lúc 
thì thầm với Chúa một lời yêu thương. 
Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên, 
tràn trề sức mạnh để làm việc thiện, 
và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh. 
Amen. 
(dịch theo Learning Christ) 

 

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

THÁNH MẮC-XI-MI-LI-A-NÔ MA-RI-A KÔ-BÊ,(St. Maximilian Mary Kolbe) linh mục, tử đạo, ngày 14/8
Mt 18, 15-20

Cuộc đời của một con người được đánh giá bằng những việc tốt đẹp mình đã làm, đã để lại cho hậu thế. Chết là hết theo quan niệm của con người. Nhưng người xưa đã để lại một câu chí lý: Cọp chết để da, người ta chết để tiếng. Xem ra cái da của cọp có giá trị kinh tế cao, tiếng tăm của con người lại còn có giá trị hơn nữa .Con người được đánh giá bằng những công việc thiện,công việc tốt họ đã làm . Thánh Mác-xi-mi-li-a-nô Konbê cũng không khỏi định luật ngàn đời ấy. Ðời của Ngài trải qua nhiều thăng trầm, nhưng cũng để lại bằng chứng anh hùng khiến bao người ca ngợi .Thánh nhân đã biến cuộc đời mình hòa tan cho tha nhân, đã gắn kết đời mình với thập giá Chúa Kitô. Một cuộc đời, một con người. Cuộc đời của thánh nhân liên kết chặt chẽ với sự khổ nạn của Chúa Giêsu .Nếu, chặng đường khổ nạn dẫn Chúa Giêsu lên ngọn đồi Can-vê để lãnh nhận cái chết trên thập giá:" ơn cứu độ chứa chan nơi Người " " Khi nào Ta được treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta". Chúa Giêsu đã qui tụ và cứu độ muôn người .Thánh Mắc-xi-mi-li-a-nô Konbê đã cứu mạng sống cho một bạn tù nhân vì hạnh phúc của anh ta, của vợ và của các con anh ta. Hành động của thánh nhân là hành động cứu độ vì thánh nhân đã chấp nhận cái chết vì hạnh phúc cho người khác. Ðây là tình yêu hy sinh cao cả như lời Chúa nói:" Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu " ( Ga 15, 13 ).
Thánh nhân sinh ngày 7/01/1894 tại Zdunska-wola nước Ba Lan. Năm 1918, Ngài được thụ phong linh mục Dòng Thánh Phanxicô. Cả cuộc đời linh mục của Ngài gắn chặt lấy Ðức Maria vô nhiễm nguyên tội. Ngài có khiếu về báo chí, nên năm 1922, Ngài thành lập giới báo chí công giáo tại Ba Lan và năm 1930 tại Nhật Bản. Ảnh hưởng của Cha Macximilianô Konbê rất lớn không những về mặt trí thức,tư tưởng do báo chí Ngài phát hành , mà đời sống đạo đức của Ngài cũng lan rộng. Vì thế, Ðức Quốc Xã đã quyết tâm trừ khử ảnh hưởng lan rộng của Ngài. năm 1940 ,phát xít Ðức đã bắt Ngài vào trại giam Oranienburg và vào năm 1941,họ chuyển Ngài vào trại giam khét tiếng Auschwitz . Trại giam này đã giết chết bao nhiêu người vô tội. Ở đây có qui luật khắt khe, cứ một tù nhân trốn trại, 10 tù nhân khácphải thế mạng. Hình phạt lúc đầu là bắn chết, nhưng để đỡ tốn đạn, họ đã bỏ đói tù nhân cho tới chết. Một ngày tháng 8 năm 1941, có một người tù trốn trại, thế là 10 người tù khác được chỉ định thay mạng trong số đó có anh lính tên Gajowniczek . Trước án tử hình oan uổng, người lính này khóc lóc thảm thiết vì anh còn vợ hiền và đàn con.Cảm động và chạnh lòng thương xót như Chúa Giêsu cảm thông,xót thương Maria, Mácta và con bà góa thành Naim, Cha Mácximilianô Konbê đã xin chết thay cho người lính tử tù trẻ. Lời xin của Ngài đã được chấp nhận. Cha và 9 người tử tù khác phải bước qua phòng hơi ngạt số 14 . Sáng hôm sau, người ta phát hiện ra Ngài còn thoi thóp thở, nên họ đã chích cho Cha một mũi thuốc ân huệ. Cha Macximilianô Konbê đã trút hơi thở đúng vào lễ vọng Ðức Maria hồn xác lên trời. Cha Mácximilianô Konbê đã được Mẹ Maria đưa Cha vào trời ngay chiều áp lễ Mẹ lên trời vì suốt đời Cha đã gắn bó với Ðức trinh nữ Maria vô nhiễm nguyên tội .
Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nâng Cha Macximilianô Maria Konbê lên hàng chân phước ngày 17/10/1971 và Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong hiển thánh cho Ngài .
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con lòng nhiệt thành yêu mến tha nhân như thánh Mácximilianô Konbê đã sống và đã thực hiện trong đời mình.
Xin cho chúng con lòng sốt sắng gắn bó với Ðức Trinh Nữ Maria vô nhiễm như thánh Macximilianô Konbê đã sống .
Xin cho chúng con biết đặt tin tương tuyệt đối vào Chúa như thánh Mácximilianô Konbê vì "chỉ trong Thiên Chúa mà thôi , hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn " ( Tv 61 ).

 
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận