Thứ Sáu tuần 3 Phục Sinh.

Đăng lúc: Thứ sáu - 20/04/2018 00:54 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ Sáu tuần 3 Phục Sinh.

"Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống".

 

Lời Chúa: Ga 6, 53-60

Khi ấy, những người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được?"

Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời".

Người giảng dạy những điều này tại Hội đường Capharnaum.

 

 

 

SUY NIỆM 1: Con đường hiến thân

Bất chấp sự phản đối của Hoa Kỳ, Nga đã đưa du khách đầu tiên vào không gian. Vị du khách này là một triệu phú người Mỹ, tên là Dennis Titô. Ông Titô đã rời căn cứ phi thuyền không gian vào tối thứ Bảy tháng 4 năm 2001 và được đưa lên trạm không gian quốc tế.

Sở dĩ cơ quan không gian Hoa Kỳ là NASA phản đối chuyến đi này là vì cho rằng ông Titô có thể gây ra nguy hiểm cho các phi hành gia trên trạm không gian quốc tế. Tuy nhiên, cơ quan không gian của Nga cam đoan rằng sứ mạng của ông Titô sẽ được bảo đảm trong suốt chuyến du hành vào không gian. Ðược biết, vé du lịch không gian của ông Titô là hai mươi triệu mỹ kim.

Phải bỏ ra một số tiền kếch xù như thế để ra khỏi trái đất tìm một chút cảm giác thoát tục để trở thành một con người nổi tiếng quả là điều không cân xứng. Trong khi con người muốn bay lên trời cao bằng những phương thế và xác thịt riêng của mình, thì Ðấng từ trời cao đã xuống trần gian, để chỉ cho con người cách thế đúng đắn nhất để lên trời cao.

Thật ra khoảng không gian mà con người có thể bay lên được chỉ là vô nghĩa so với cõi trời cao từ đó Ngài đưa con người xuống; và con đường Ngài mở ra để cho con người ra khỏi trời cao ấy hoàn toàn trái ngược lại với con đường mà con người tự vạch ra. Con đường mà Ngài đã khai thông là con đường của tự hạ, hy sinh, quên mình và hiến thân trọn vẹn cho tha nhân. Với Ngài, chỉ khi nào thoát khỏi mọi thứ vướng bận của trần tục, con người mới có thể nhẹ nhõm để bay lên khỏi trời cao. Trở thành tấm bánh và được bẻ ra để trao ban cho con người, Ngài đã đi cho đến tận cùng con đường đã hiến thân, Ngài đã chỉ ra cho con người con đường đích thực của sự siêu thăng. Tiếp rước Ngài, ăn lấy tấm bánh là chính Ngài, con người đón nhận sự sống của Ngài để rồi chia sẻ và trao ban cho người khác. Chỉ bằng con đường hiến thân vô vị lợi, con người mới tìm lại được bản thân mà thôi.

Với những tiến bộ khoa học và kỹ thuật, thế giới sâu xa này càng thu hẹp với con người, khoảng cách giữa các quốc gia ngày càng ngắn lại, đường lên không gian cũng được mở ra. Tuy nhiên, khoảng cách giữa người với người càng ngày càng lớn hơn. Cách biệt giữa giàu nghèo ngày càng vời vợi, con người đi vào không gian và cũng ngày càng xa cách nhau. Người nghèo Lazarô quằn quại bên cửa nhà hay ngay cả dưới gầm bàn ăn mà người giàu có cũng nhìn thấy. Chúa Giêsu đến để xóa bỏ mọi ngăn cách giữa người với người, Ngài ngồi đồng bàn với những người bị xã hội đẩy ra bên lề. Ngài kết thân với những người tội lỗi, Ngài chịu đồng hóa với những người nghèo hèn và khẳng định rằng trong ngày sau hết, chính dựa trên cách cư xử với người nghèo hèn mà con người sẽ được xét xử.

Nguyện xin lương thực thần linh mà chúng ta đón nhận trong bí tích Thánh Thể bồi bổ chúng ta trong cuộc cử hành trần thế, để chúng ta luôn tiến bước trong hân, tin tưởng và quảng đại.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Ngôn ngữ Lễ Hy Sinh

Người Do-thái liền tranh luận với nhau. Họ nói:

“Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được”.

Đức Giêsu nói với họ:

“Thật, tôi bảo thật các ông

nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người,

các ông không có sự sống nơi mình

Ai ăn thịt và uống máu tôi,

Thì được sống muôn đời

Và tôi sẽ cho người ấy sống lại

Vào ngày sau hết. (Ga. 6, 52-54)

Những vấn nạn về tiệc Thánh Thể, về Mình và Máu Thánh Đức Kitô vẫn khó giải đáp. Chúng ta hiểu theo ngôn ngữ thực tế ư? “Ăn thịt Ta và uống máu Ta” là vây quanh một xác chết, là tiêu hóa những miếng thịt của một cơ thể loài người từ hai ngàn năm nay sao? Dứt khoát là không.

Ngược lại với lối giải thích trên, người ta hiểu theo nghĩa biểu tượng: “Ăn thịt Ta và uống máu Ta” chỉ là nhớ đến thịt và máu Đức Giêsu, tức là nhớ đến đời sống của Người, đến sinh hoạt của Người để gợi cảm hứng.

Đối với tôi, lời Đức Kitô rất rõ nét và súc tích. Tôi yêu lối giải thích cho bạn về lời Đức Kitô theo ngôn ngữ tế lễ hy sinh. Chúng ta được linh ứng theo lối giải thích của Kinh thánh để hiểu sự phân phát Mình thánh Đức Kitô.

Sự thông phần trong các lễ hy sinh, có sự phân phát của ăn cho các người tham dự. Của ăn đó là thịt con chiên hay con bê. Người ta lấy máu nó rảy trên dân chúng và dành một phần thiêu nó trên bàn thờ, một phần phân phát cho người dự lễ.

Phần dâng lên thì thuộc về Thiên Chúa với lời chúc tụng của dân chúng, điều đó có nghĩa là dân chúng nhận biết hồng ân Thiên Chúa và những việc lạ lùng Ngài làm cho dân.

Nhưng việc tế lễ đó không chỉ là do động lực của con người. Thiên Chúa tự mình nêu lên ý nghĩa cho những cử chỉ hy tế này. Hy tế trình bày quyền phép của Thiên Chúa trong hành động và khêu gợi cho con người đến tham dự.

Nguyên lý quan trọng nhất của tế lễ Thánh Thể không phải chúng ta làm cho Thiên Chúa xuống trong những dấu chỉ, nhưng chính Thiên Chúa đến với chúng ta, cho chúng ta được ở trong Ngài, cho chúng ta được liên kết với Ngài, được giao ước với Ngài.

Chúng ta vẫn còn được mời gọi tham dự vào tế lễ Thánh Thể này.

 

SUY NIỆM 3: Sống bằng sự sống của Thiên Chúa

Triết gia Nietzsche của Đức đã cho rằng: Kitô giáo là vong thân. Con người càng tin tưởng nơi thần linh, con người càng đánh mất chính mình. Như vậy để cho con người đừng thẳng lên như một con người, cần phải loại trừ Thiên Chúa ra khỏi con người”.

Thật ra, con người không thể loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, vì làm như thế con người sẽ chuốc lấy chết chóc và không biết bao nhiêu hệ lụy của cái chết, loại bỏ Thiên Chúa là tự hủy diệt. Con người không thể sống mà không cần Thiên Chúa, đó là bản chất Thiên Chúa đã phú bẩm cho con người, đi ngược với bản chất ấy là đi vào cõi chết.

Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta về chân lý ấy, Chúa Giêsu là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, chỉ trong Ngài con người mới thấy được Thiên Chúa. Ngài đã nói với các môn đệ: “Ai thấy Ta là thấy Cha Ta”, “Ta và Cha Ta là một”. Bởi vì con người chỉ có thể sống nhờ Thiên Chúa, bởi vì Chúa Giêsu và Chúa Cha là một, cho nên để sống thật sự, con người phải sống bằng chính Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống”. Tuyên bố điều đó, Chúa Giêsu cũng loan báo chính cái chết của Ngài. Thật thế, vừa xác quyết mình từ trời xuống nghĩa là bởi Thiên Chúa mà ra và là chính Thiên Chúa, vừa tự xưng là lương thực cần thiết cho con người, Chúa Giêsu đã đọc lên chính bản án của Ngài. Người Do Thái đã giết Ngài vì Ngài tự xưng là Thiên Chúa nghĩa là Ngài đã lộng ngôn. Như vậy cái chết của Ngài trên thập giá là một mạc khải Thiên tính của Ngài.

Bí tích Thánh Thể, vì là tưởng niệm cái chết ấy, nên cũng là một bày tỏ và tuyên xưng Thiên tính của Chúa Giêsu. Chỉ Thiên Chúa mới có thể trao ban cho con người như lương thực để con người được sống. Khi tiếp nhận Chúa Giêsu trong Thánh Thể, người tín hữu tuyên xưng rằng con người không thể sống mà không có Thiên Chúa. Chỉ có sức sống thần linh mới làm cho con người được sống và sống dồi dào. Thế nhưng lương thực trường sinh mà người tín hữu đón nhận trong Thánh Thể cũng là một cam kết. Tuyên xưng rằng con người chỉ có thể sống bằng sự sống của Thiên Chúa, người tín hữu cũng phải sống thế nào để cuộc sống của họ là một bằng chứng của sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa trong con người. Sức sống của Thiên Chúa mà con người cần đến sẽ được tỏ hiện qua niềm vui, tình huynh đệ, lòng quảng đại, sự tha thứ trong cuộc sống người tín hữu.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: TIN THÌ ĐƯỢC SỐNG (Ga 6,53-60)

Tin Mừng hôm nay trình thuật lời tuyên bố của Đức Giêsu về một vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp tới Ngài và tới tất cả những ai tin Ngài, đó là “Bánh Hằng Sống”. Ngài không nói quanh co bóng gió, nhưng rõ ràng minh bạch: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”. Khi tuyên bố như thế, ngay sau đó, Ngài liền khẳng định: “Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51).

Như một sự tiệm tiến, Đức Giêsu không chỉ ao ước, cũng như không chỉ có ý định trở thành lương thực cho con người, nhưng Ngài còn thực sự muốn và thực hiện điều đó. Vì thế, Ngài nói: “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống"; “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (x. Ga 6, 54-56).

Khi tuyên bố như thế, Đức Giêsu cho thấy, lương thực Ngài ban tặng chính là lương thực Thần Linh, hoàn toàn khác biệt với những thứ lương thực trong đời thường, bởi vì Bánh mà Đức Giêsu trao ban chính là Ngài.

Khi trao ban cho con người chính bản thân mình, Đức Giêsu mong muốn được trở thành nguồn nuôi sống và nhất là thông truyền sự sống Thần Linh của Ngài cho nhân loại. Sự liên kết này được thể hiện qua việc ăn Thịt và uống Máu Chúa trong niềm tin. Chính vì thế, thánh Phaolô đã nhắc nhở tín hữu Côrintô: “Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình”.

Nói như thế, thánh Phaolô muốn nhấn mạnh đến việc chuẩn bị và ý thức cách xứng đáng để tương xứng với hồng ân cao trọng mà vì yêu, nên Đức Giêsu sẵn sàng trao hiến cho con người.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho chúng con hiểu được sự cao trọng của Bí tích Thánh Thể và ý thức được giá trị của việc đón nhận Mình Máu Thánh Chúa để được sống đời đời. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Nhờ tôi mà được sống

Suy niệm :

Tin Mừng theo thánh Gioan không viết về việc Chúa lập bí tích Thánh Thể,

nhưng lại giải thích cách sâu xa cho chúng ta về ý nghĩa của bí tích ấy

đặc biệt trong bài Tin Mừng hôm nay.

Câu 51 là một bước chuyển quan trọng

trong bài giảng của Đức Giêsu về Bánh hằng sống ở chương 6:

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.

Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.

Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

Lần đầu tiên thịt được nhắc đến trong bài giảng này.

Thịt của Đức Giêsu chính là bánh từ trời được ban cho thế gian.

Ngôi Lời đã vào đời làm người, đã thành thịt (Ga 1, 14).

Bây giờ chính thịt ấy lại được trao ban cho con người như bánh hằng sống.

Đức Giêsu không bằng lòng với chuyện nuôi một số người bằng bánh và cá.

Điều đó chỉ làm giảm cơn đói thân xác trong một thời gian.

Ngài muốn nuôi cả thế giới bằng chính sự sống thần linh ở nơi Ngài,

nuôi bằng trọn cả con người Ngài, nuôi bằng chính thịt và máu Ngài.

“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì có sự sống vĩnh cửu.

Và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (c. 54).

Ăn thịt và uống máu một người là điều làm người Do thái ghê sợ.

Chúng ta chỉ hiểu được những lời trên đây trong bối cảnh của Bữa Tiệc Ly,

khi Đức Giêsu mời các môn đệ ăn bánh và uống rượu Ngài trao

mà Ngài lại nói: Đây là mình Thầy, đây là máu Thầy.

Đức Giêsu muốn trao cho nhân loại sự sống của Ngài

qua thức ăn, thức uống bình thường của con người là bánh và rượu.

Sự sống vĩnh cửu đã hé nở ngay từ đời này và sẽ viên mãn ở đời sau.

Hãy đến ăn và uống lương thực thần linh Ngài dọn cho ta.

Hãy đến với lòng tin và sự trân trọng trước món quà quý giá.

Nhưng dự tiệc Thánh Thể không phải chỉ là đến với thịt và máu Chúa,

mà còn là gặp gỡ tiếp xúc với một ngôi vị là chính Đức Giêsu.

“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi

thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (c. 56).

Một sự ở lại hai chiều, một sự hiệp thông sâu thẳm giữa hai ngôi vị.

“Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào,

thì kẻ ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi như vậy” (c. 57).

Rốt cuộc, qua việc ăn uống mình máu Chúa,

chúng ta được tham dự vào mối tương quan thân tình giữa Cha và Con.

Chúng ta được sống bằng cùng một dòng sự sống xuất phát từ Cha.

Chúng ta được diễm phúc chia sẻ sự sống của chính Thiên Chúa.

Bí tích Thánh Thể không phải là một thứ bùa chú hay đũa thần.

Ai càng mở lòng mình ra để trao đi, càng thoát ra khỏi thái độ chiếm đoạt,

thì càng thấy mình được biến đổi và được giàu có muôn ơn.

Trong mỗi thánh lễ, chúng ta được mời gọi đón lấy Bánh hằng sống,

Tấm Bánh Lời Chúa và Tấm Bánh Mình Chúa.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa,

Chúa là thức ăn, thức uống của con.

Càng ăn, con càng đói;

càng uống, con càng khát;

càng sở hữu, con lại càng ước ao.

Chúa ngọt ngào trong cổ họng con

hơn cả tầng mật ong,

vượt quá mọi thứ ngọt ngào khác trên đời.

Lúc nào con cũng thấy đói khát và ước ao,

vì con không sao múc cạn được Chúa.

Ngài nghiền nát con hay con nghiền nát Ngài ?

Con chẳng rõ; vì ở thẳm sâu lòng con,

con cảm thấy cả hai.

Chúa đòi con nên một với Ngài,

đòi hỏi đó làm cho con đau đớn,

vì con không muốn từ bỏ

những thói quen của con

để ngủ yên trong tay Chúa.

Con chỉ biết tạ ơn Chúa,

ca ngợi và tôn vinh Chúa,

bởi đó là sự sống đời đời cho con. Amen. (Ruy Broeck)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày Song ngữ
Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời

Friday (April 20): “He who eats this bread will live forever”

 

Scripture: John 6:52-59

52 The Jews then disputed among themselves, saying, “How can this man give us his flesh to eat?” 53 So Jesus said to them, “Truly, truly, I say to you, unless you eat the flesh of the Son of man and drink his blood, you have no life in you; 54 he who eats my flesh and drinks my blood has eternal life, and I will raise him up at the last day. 55 For my flesh is food indeed, and my blood is drink indeed. 56 He who eats my flesh and drinks my blood abides in me, and I in him. 57 As the living Father sent me, and I live because of the Father, so he who eats me will live because of me.58 This is the bread that came down from heaven, not like the bread[a]the fathers ate, and died. Whoever feeds on this bread will live forever.” 59 Jesus[b] said these things in the synagogue, as he taught at Capernaum.

Thứ Sáu     20-4              Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời

 

Ga 6,52-59

52 Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được? “53 Đức Giê-su nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.54Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết,55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”59 Đó là những điều Đức Giê-su đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Ca-phác-na-um.

Meditation: Why did Jesus offer himself as “food and drink”? The Jews were scandalized and the disciples were divided when Jesus said “unless you eat my flesh and drink my blood, you have no life in you.” What a hard saying, unless you understand who Jesus is and why he calls himself the bread of life. The miracle of the multiplication of the loaves (John 6:3-13), when Jesus said the blessing, broke and distributed the loaves through his disciples to feed the multitude, is a sign that prefigured the superabundance of the unique bread of the Eucharist, or Lord’s Supper. The Gospel of John has no account of the Last Supper meal (just the foot washing ceremony and Jesus’ farewell discourse). Instead, John quotes extensively from Jesus’ teaching on the bread of life.

 

In the Old Covenant bread and wine were offered in a thanksgiving sacrifice as a sign of grateful acknowledgment to the Creator as the giver and sustainer of life. Melchizedek, who was both a priest and king (Genesis 14:18; Hebrews 7:1-4), offered a sacrifice of bread and wine. His offering prefigured the offering made by Jesus, our high priest and king (Hebrews 7:26; 9:11; 10:12). The remembrance of the manna in the wilderness recalled to the people of Israel that they live – not by earthly bread alone – but by the bread of the Word of God (Deuteronomy 8:3).

At the last supper when Jesus blessed the cup of wine, he gave it to his disciples saying, “Drink of it, all of you, for this is my blood of the covenant, poured out for many for the forgiveness of sins” (Matthew 26:28). Jesus was pointing to the sacrifice he was about to make on the cross, when he would shed his blood for us – thus pouring himself out and giving himself to us – as an atoning sacrifice for our sins and the sins of the world. His death on the cross fulfilled the sacrifice of the paschal (passover) lamb whose blood spared the Israelites from death in Egypt.

Paul the Apostle tells us that “Christ, our paschal lamb, has been sacrificed” (1 Corinthians5:7). Paul echoes the words of John the Baptist who called Jesus the “Lamb of God who takes away the sins of the world” (John 1:29). Jesus made himself an offering and sacrifice, a gift that was truly pleasing to the Father. He “offered himself without blemish to God” (Hebrews 9:14) and “gave himself as a sacrifice to God” (Ephesians 5:2).

Jesus chose the time of the Jewish Feast of Passover to fulfill what he had announced at Capernaum – giving his disciples his body and his blood as the true bread of heaven. Jesus’ passing over to his Father by his death and resurrection – the new passover – is anticipated in the Last Supper and celebrated in the Eucharist or Lord’s Supper, which fulfills the Jewish Passover and anticipates the final Passover of the church in the glory of God’s kingdom. When the Lord Jesus commands his disciples to eat his flesh and drink his blood, he invites us to take his life into the very center of our being. That life which he offers is the very life of God himself. Do you hunger for the bread of life?

“Lord Jesus, you nourish and sustain us with your very own presence and life-giving word. You are the bread of life – the heavenly food that sustains us now and that produces everlasting life within us. May I always hunger for you and be satisfied in you alone.”

Suy niệm: Tại sao Chúa Giêsu cho mình là “đồ ăn và thức uống”? Người Dothái cảm thấy bị xúc phạm và các môn đệ bị chia rẽ khi Ðức Giêsu nói Nếu anh em không ăn thịt Ta và uống máu Ta, anh em sẽ không có sự sống trong mình. Thật là câu nói khó nghe trừ khi bạn hiểu Ðức Giêsu là ai và tại sao Người nói mình là bánh sự sống. Dấu lạ làm cho bánh ra nhiều (Ga.6,3-13), khi Ðức Giêsu nói lời tạ ơn, bẻ ra, và trao bánh cho các môn đệ để nuôi đám đông, là dấu chỉ tiên báo sự sung mãn của bánh Thánh Thể duy nhất, hay Bữa tiệc của Thiên Chúa. Tin mừng Gioan không có câu chuyện bữa tiệc ly (chỉ có việc rửa chân và diễn từ từ biệt của Ðức Giêsu). Thay vào đó, Gioan trích dẫn nhiều giáo huấn của Ðức Giêsu về bánh sự sống.

 

 

Trong Cựu ước, bánh và rượu được dâng tiến trong hy lễ tạ ơn như một dấu chỉ của sự nhận thức biết ơn Đấng tạo hóa là Đấng ban phát và nuôi dưỡng sự sống. Menkisêđê vừa là tư tế vừa là vua (St 14,18; Hr 7,1-4), đã tiến dâng của lễ bánh và rượu. Việc dâng tiến của ông tiên báo của lễ Ðức Giêsu thực hiện, vị Thượng tế và là Vua của chúng ta (Hr 7,26; 9,11; 10,12). Sự tưởng nhớ đến bánh manna trong hoang địa nhắc lại cho dân Israel rằng họ sống – không chỉ bởi bánh trần thế – nhưng bởi bánh Lời Chúa (Đnl 8,3).

Trong bữa tiệc ly, khi Ðức Giêsu chúc lành chén rượu, Người trao nó cho các môn đệ và nói, Tất cả anh em, hãy uống lấy nó, vì đây là máu giao ước của Thầy, đã đỗ ra cho nhiều người được tha tội (Mt 26,28). Ðức Giêsu đang nhắm tới hy lễ Người sắp sửa thực hiện trên thập giá, khi Người đỗ máu mình ra cho chúng ta – như thế, Người đã tỏ mình ra và ban mình cho chúng ta – như của lễ đền bù cho tội lỗi chúng ta và tội lỗi của thế gian. Cái chết của Người trên thập giá hoàn thành hy lễ của chiên Vượt qua, máu của nó đã cứu dân Israel thoát chết trong Aicập.

Thánh Phaolô Tông đồ nói với chúng ta rằng “Đức Kitô, chiên vượt qua của chúng ta, đã chịu hiến tế” (1Cor 5,7). Thánh Phaolô đã lập lại những lời của Gioan tẩy giả, người gọi Ðức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian (Ga 1,29). Ðức Giêsu biến mình thành lễ vật và hy tế, một món quà thật sự làm hài lòng Cha. Người đã tự hiến tế mà không làm ô danh Thiên Chúa (Hr 9,14) vàtự hiến mình như của lễ dâng cho Thiên Chúa (Ep 5,2).

Ðức Giêsu đã chọn ngày lễ Vượt qua của dân Dothái để thực hiện những gì Người đã công bố ở Caphanaum – ban cho các môn đệ mình và máu của Người như bánh đích thật bởi trời. Sự vượt qua của Ðức Giêsu tới Cha bằng cái chết và sống lại của Người – lễ vượt qua mới – được tiên báo trong bữa Tiệc ly và được cử hành trong Thánh lễ hay Bữa tiệc của Chúa, sẽ hoàn thành lễ Vượt qua của người Dothái và tiên báo lễ Vượt qua cuối cùng của Giáo hội trong vinh quang của Nước Thiên Chúa. Khi Ðức Giêsu truyền lệnh cho các môn đệ ăn thịt và uống máu của Người, Người mời gọi chúng ta nhận lấy sự sống của Người vào trong con người của mình. Sự sống ấy mà Ngài ban cho là sự sống thật của chính Thiên Chúa. Bạn có đói khát bánh sự sống không?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa nuôi dưỡng và duy trì chúng con với chính sự hiện diện và lời ban sự sống của Chúa. Chúa là bánh sự sống – là lương thực bởi trời duy trì chúng con bây giờ và đem lại sự sống đời đời trong chúng con. Chớ gì con luôn luôn đói khát Chúa và thỏa mãn trong một mình Chúa mà thôi.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận